Chuyển ngữ: Trầm Yên............................................................
Hai ngày không gặp, Vương Điền nhìn đội ngũ đại thần mênh mông phía dưới cũng cảm giác thân thiết lên hẳn, đôi môi bất giác mỉm cười.
Các đại thần thấy Bệ hạ ngồi trên long ỷ ngoài cười nhưng trong không cười mà tóc sắp dựng đứng, sợ anh lại nổi điên, vì vậy nơm nớp lo sợ cúi đầu cụp mắt. Khắp điện Nghị Sự chìm trong thinh lặng.
"Hai ngày không gặp, các ái khanh có chuyện gì cần bẩm báo không?" Vương Điền cảm thấy bầu không khí họp hành âm u chết chóc này không hợp để làm việc chút nào, do vậy cười nói: "Mấy hôm nay trẫm nghe được một tin đồn thú vị, không ngại kể cho các ái khanh cùng nghe thử."
Các ái khanh không muốn nghe cho lắm, tuy nhiên cả đám vẫn dỏng tai chờ đợi.
"Trước đó, trẫm rời cung hơn ba tháng vốn để mời một người thầy rời núi. Bởi người thầy này không màng công danh lợi lộc nên trẫm phải khổ sở xin mời rất lâu, cuối cùng mới đả động được thầy ấy, mời người ta đến hoàng cung và tiếp đón bằng lễ nghĩa khách quý, khẩn thiết cầu mong ngài đưa ra sách lược trị quốc vì trẫm và Đại Lương. Thầy ấy thấy trẫm có tấm lòng chân thành, không tiếc chỉ dẫn, cớ sao đến miệng một số người lại thành trẫm ngày đêm quậy trò với tình nam vậy?"
Vương Điền đứng dậy, nét cười phai nhạt: "Trẫm biết tiếng tăm của mình kém, nhưng nếu có người dám hất bát nước bẩn lên người thầy thì trẫm quyết không cho phép!"
"Bệ hạ bớt giận!" Các đại thần lục tục quỳ xuống.
"Được rồi, đứng hết lên đi." Vương Điền thấy bọn họ quỳ cũng thôi làm khó, một lần nữa ngồi về vị trí.
"Thưa Bệ hạ, thần có chuyện muốn tâu." Thượng thư Bộ Lại – Tăng Giới bước ra khỏi hàng.
Ánh mắt Vương Điền giao nhau với ông ấy một lần, sau đó anh nhìn sang Văn Tông đằng trước. Văn Tông gật đầu khẽ đến khó phát hiện.
"Nói đi." Vương Điền nâng tay.
"Vụ việc vỡ đê ở Vân Thủy về cơ bản đã ổn định. Mặc dù đại nhân Bách Lý Thừa An có công lao trị thủy... nhưng hiện giờ dịch bệnh đang hoành hành tại Hà Tây..." Tăng Giới tiến lên, liệt kê tội trạng của Bách Lý Thừa An, cuối cùng chốt một câu chắc như đinh đóng cột: "Thần cho rằng tội vượt quá công, theo lý thì nên giáng chức."
"Bẩm Bệ hạ, thần cho rằng đây chỉ là ý kiến từ một phía của Tăng đại nhân!" Thượng thư Bộ Lễ - Phùng Thanh bước ra khỏi hàng: "Mọi người đều rõ rành rành công lao trị thủy của đại nhân Bách Lý Thừa An. Nếu không nhờ đại nhân thì không biết bá tánh quận Hà Tây sẽ phải chịu khổ vì lũ lụt thêm bao lâu nữa. Dịch bệnh là thiên tai chứ không phải tai vạ do con người gây ra. Giờ mà chụp mũ hết lên đầu Bách Lý Thừa An thì đúng là trò cười lớn nhất thiên hạ!"
"Ấy, lời này của Phùng đại nhân sai rồi." Thượng thư Bộ Hộ - Hứa Tu Đức nói: "Bách Lý đại nhân có tài thật, nhưng đã bao nhiêu người chết ở quận Hà Tây rồi? Quốc khố của chúng ta suýt bị rút rỗng ruột để cho hắn đi giải quyết nạn lũ. Ngài nhìn thử xem hắn lo liệu thành thế nào? Thưa Bệ hạ, thần cho rằng Tăng Giới đại nhân nói có lý."
"Ngươi!" Phùng Thanh giận dữ lườm ông ta một phát, quỳ gối nói: "Bệ hạ, Bách Lý đại nhân một lòng vì đất nước, kính xin Bệ hạ xem xét thấu đáo!"
Sau đó có thêm mấy người bước ra nói đỡ cho Bách Lý Thừa An.
"Bẩm Bệ hạ, lão thần cho rằng Tăng đại nhân nói có lý." Yến Trạch bình thường hiếm khi phát biểu gì chợt cất lời: "Bách Lý đại nhân trẻ trung năng nổ, có thể tha thứ về mặt tình cảm việc lâu lâu bị lệch lạc trong lúc làm việc. Tuy nhiên chuyện này liên quan đến đời sống nhân dân, mong Bệ hạ suy nghĩ kỹ."
"Yến đại nhân này, Bách Lý đại nhân vào triều làm quan từ năm mười lăm tuổi, đến nay đã qua mười ba năm, lấy đâu ra trẻ trung năng động để nói vậy?" Thôi Vận nhíu mày phản biện.
"Ồ, Thôi đại nhân à, dù Bách Lý Thừa An ngâm mình trong chốn quan trường nhiều năm nhưng xét thế nào vẫn do Bệ hạ thiên vị, chưa từng cho xuống rèn luyện, có chỗ xử sự không đạt là chuyện bình thường. Lần này thả ra ngoài cũng đâu phải chuyện xấu." Biện Thương cười tủm tỉm đáp trả.
Các lão làng bên trên đã mở lời, hiển nhiên những Thượng thư, Thị lang và quan viên còn lại phía dưới không dám tự tiện xen vào. Dẫu vậy, vẫn nhìn được loáng thoáng phe phái từng người đang theo.
Vương Điền chỉ yên lặng lắng nghe, kết hợp với danh sách xem tại Chính Sự Đường nội triều, trong lòng đã có sự cân nhắc.
Văn Tông là người đầu tiên bên dưới Hoàng đế. Tuy ông cụ là Bộc xạ nhưng chức vị lại tương đương với Tể tướng, hơn một nửa số quan viên trong triều đều nghiêng về đầu này. Ba người gồm Hữu Bộc xạ - Yến Trạch, Trung thư lệnh – Thôi Vận và Môn hạ Thị trung – Biện Thương tương đương Phó Tể tướng, họ làm theo ý mình. Mặc dù Thôi Vận là người nhà họ Thôi, song, ông ấy tỏ thái độ quyết liệt với Thôi thị nhiều năm rồi, công bằng chính trực, tự tạo thành một phe phái; Bộ Hình và Bộ Công đã có dấu hiệu coi ông ấy là lãnh đạo, thậm chí Bộ Binh cũng nằm trong tay Thôi Vận, dính dáng rất nhiều đến nội triều. Còn Biện Thương thì điềm tĩnh kiệm lời, mọi chuyện nghe theo Văn Tông, hơi khó thấu tỏ...
"Được rồi." Vương Điền gõ gõ tay vịn long ỷ, điện Nghị Sự chợt rơi vào im lặng.
"Bách Lý Thừa An vừa có công vừa có tội, vậy thì cho xuống huyện Nam Viễn quận Hà Tây làm huyện lệnh đi." Vương Điền bình thản vỗ vỗ tay vịn: "Ý trẫm đã quyết, ai còn dông dài nữa thì theo y đi làm huyện lệnh luôn đi."
Quả nhiên, bốn bề yên ắng tĩnh mịch.
Mãi lâu sau, Văn Tông mới lên tiếng: "Thưa Bệ hạ, hiện nay dịch bệnh ở quận Hà Tây chưa hết, nên giao việc này cho người nào ạ?"
"Thay tới thay lui phiền phức thật sự. Trước khi dịch bệnh được giải quyết, cứ để Bách Lý Thừa An quản lý vấn đề bệnh dịch này đi." Vương Điền giả vờ thiếu kiên nhẫn nói.
"Bệ hạ thánh minh." Văn Tông lui về sau không nói nữa, thầm trao đổi một ánh nhìn chỉ hai người hiểu với Vương Điền.
"Thưa Bệ hạ, chuyện tiền cứu trợ..." Hứa Tu Đức nhân cơ hội mở lời, muốn quăng mối phiền phức này đi.
Vương Điền nào chịu để ông ta được như ý, chỉ nói: "Thái hoàng Thái hậu thương bá tánh quận Hà Tây gặp cảnh khổ nên đã có lòng lấy một trăm nghìn lượng bạc trắng trong quốc khố nội triều ra cứu trợ. Hứa đại nhân hãy lo liệu việc này đi, cần phải giao đủ số bạc cứu trợ vào tay Bách Lý Thừa An. Nếu không làm được thì ngươi đừng quay về nữa."
Hứa Tu Đức nhất thời hoa mắt, vội vã quỳ xuống: "Bệ hạ, thần..."
"Được rồi, tan triều." Vương Điền thẳng thừng chặn cơ hội nói tiếp của ông ta.
Trên đường về, Hứa Tu Đức đau khổ theo sau Yến Trạch: "Thầy ơi, phải làm gì mới được đây ạ? Chẳng lẽ Thái hoàng Thái hậu người hồ đồ rồi? Sao lại cho hắn nhiều vậy chứ... Thầy à, dịch bệnh ở Hà Tây chưa được giải quyết, với cơ thể ốm yếu này, sợ rằng học sinh tự đi sẽ không về được nữa mất!"
Yến Trạch nhìn thoáng qua vóc người mập mạp của ông ta, khóe mắt giật giật: "Thái hoàng Thái hậu ắt có dự tính của người. Để giữ Bách Lý Thừa An tại Hà Tây, một trăm nghìn lượng bạc trắng còn ít đấy."
Hứa Tu Đức nhăn mặt: "Dù sao Bệ hạ cũng có nhớ đâu... về thì sao chứ. Vả lại huyện Nam Viễn nổi bật là thánh địa văn nhân, đặc biệt có thư viện Trường Lâm vang danh bốn nước. Cho Bách Lý Thừa An đến đó khác nào cá gặp nước, học sinh thấy..."
"Ngươi thấy thì có thay đổi được gì?" Yến Trạch cắt ngang lời ông ta: "Việc này đã chốt, ngươi vẫn nên ngoan ngoãn tính xem làm cách nào để đưa bạc qua đi. Bây giờ Bệ hạ vui giận thất thường, nói không chừng lại đang muốn soi lỗi lầm để giáng luôn cả ngươi xuống Hà Tây đấy."
Hứa Tu Đức khϊếp hãi: "Kính mong thầy chỉ dẫn."
——
Tại tẩm điện.
Lương Diệp mê mẩn lật xem quyển tranh, Sung Hằng ngồi xổm trên xà nhà cũng xem nhưng kinh hồn bạt vía: "Đẹp không chủ tử?"
"Cũng tạm." Lương Diệp nhìn tư thế đòi hỏi độ khó cao của hai người trong tranh, 'Chậc' một tiếng: "Cơ mà kỹ thuật họa sĩ này kém, tranh thiếu mỹ cảm."
Sung Hằng ngó qua chồng sách hắn tiện tay quăng sang bên cạnh, dè dặt đề xuất: "Chủ tử, ngài đã xem cả đêm, giờ sang trưa rồi, hay là nghỉ ngơi xíu đi."
"Trẫm không mệt." Lương Diệp xem xong lại tiện tay quăng luôn quyển này rồi cầm lấy một quyển khác trang trí bìa lung linh, mở trang đầu tiên ra: "Ồ, đây còn là một quyển có cốt truyện này."
Sung Hằng trơ mắt nhìn Lương Diệp hăng hái xem hết quyển này, thốt lên câu nghi vấn khiến người ta hoảng sợ: "Giữa nam với nam lại có nhiều kiểu đa dạng đến vậy, thú vị thế thật sao?"
Điều Sung Hằng sợ nhất chính là chủ tử cậu thấy thú vị. Thường thì một khi chủ tử thấy người nào hay chuyện gì thú vị là ắt sẽ muốn tìm hiểu đến tận cùng.
Lương Diệp nhét tập tranh đẹp đẽ kia vào tay áo, đứng dậy chuẩn bị rời đi.
"Ngài đi đâu thế chủ tử?" Sung Hằng đánh hơi được mùi chuyện lớn không ổn.
"Trẫm đói." Lương Diệp nhìn cậu đầy khó hiểu.
"Vậy thì dùng bữa thôi, sao còn phải mang theo cả tập tranh?" Sung Hằng cẩn thận đặt vấn đề.
"À..." Lương Diệp vỗ vỗ tay áo, vui rạo rực nói: "Trẫm định xem cùng Vương Điền."