Vũ Trong Phụng viết Làm đĩ vào năm 1936, một thời đại thực sự hỗn loạn như đã hiện lên qua nhiều trang viết của ông và các nhà văn cùng thời. Xã hội thành thị Việt Nam thời ấy đang "Âu hóa" một cách nửa mùa - cái cũ chưa qua, cái mới chưa tới, đầy rẫy sự nhốn nháo, lừa lọc, sa đọa và đau khổ.
Làm đĩ được viết dưới dạng tự truyện của nhân vật chính tên Huyền. Sinh ra trong một gia đình có cha làm việc cho Tây nhưng lại cực kỳ hủ bại, từ nhỏ Huyền đã luôn bị người lớn lảng tránh và nạt nộ khi cô bé thắc mắc về những vấn đề giới tính.
Thứ cô tiếp thu được chỉ là lời nói bậy bạ, thô tục của kẻ ăn người ở trong nhà và những bài "tự học" của đám trẻ thơ. Sự tò mò ấy làm bùng lên nỗi khát khao ở người thiếu nữ bước vào tuổi dậy thì, để rồi một ngày cô ngã vào vòng tay Lưu - một người anh họ xa đang trọ học tại nhà - trong cái đêm mất ngủ vì âm thanh "sự thị uy của ái tình" giữa cha và vợ bé chỉ cách giường cô một bức vách. Mối tình vụng dại kết thúc bi thảm hệt như những bộ phim lãng mạn thời bấy giờ. Lưu tự tử chết, Huyền bị ép gả cho Kim. Kim mắc bệnh giang mai do thói ăn chơi bừa bãi của giới thượng lưu nên chỉ có thể quấy rấy vợ bằng "cách nửa đời nửa đoạn." Vì tiền, Kim đem vợ ra làm mồi nhử Tân, một "đại gia" đào hoa, giàu có.
Vũ Trọng Phụng tả con đường "làm đĩ" của Huyền và đã khẳng định rằng đẩy Huyền vào con đường ấy là hai kẻ đàn ông: anh chồng và thằng cha nhân tình. Cả hai đều bỉ ổi, khốn nạn và ích kỉ đến cùng cực. Hai con người đốn mạt ấy đều là nhân vật tiêu biểu của cái thời mà Vũ Trọng Phụng gọi là: "thế kỷ đắc thắng cho chủ nghĩa cá nhân".