Chương 1: Bước đường cùng
Tô Mạt, nữ, năm nay hai mươi tám tuổi, gần bước vào tuổi băm, đã ly dị, có một con gái.
Từ nhỏ Tô Mạt đã tin vào số mệnh, nguyên nhân xuất phát từ tác động tâm lý trong lời nói của bố mẹ cô.
Cô là con gái độc nhất trong nhà. Xuất thân bình dân nhưng Tô Mạt luôn được bố mẹ nâng niu, cuộc đời bằng phẳng cho đến khi lấy chồng, mười đầu ngón tay không phải động vào việc gì vất vả. Từ nhỏ đến lớn, cô rất khỏe mạnh, việc học hành cũng thuận lợi, không biết đến mùi sầu não.
Tô Mạt hiền lành, ngoan ngoãn, nuôi dạy cô không cần lo lắng nhiều. Hai bậc phụ huynh nhà họ Tô thường nhắc đi nhắc lại: “Tô Mạt nhà chúng ta có số mệnh tốt, cả đời không lo ăn mặc, không gặp sóng gió, bình an, hạnh phúc.”
Câu này nghe nhiều, Tô Mạt tưởng thật.
Nhiều năm trước, có một người họ hàng xa trong gia tộc một ngày thấy con gián rơi vào chảo dầu đột nhiên tỉnh ngộ, bỏ cả vợ con, xuống tóc đi làm nhà sư ở ngôi chùa Phật thông thuận, người họ hàng sau này trở thành hòa thượng chủ trì ngôi chùa. Vị hòa thượng tinh thông mệnh lý, danh tiếng vang xa. Nghe nói thậm chí các vị tai to mặt lớn, quyền cao chức trọng ở tỉnh và những người đứng đầu giới doanh nhân cũng tìm đến ông xin chỉ giáo. Người dân bình thường càng hay được ông tiếp.
Năm Tô Mạt mười tuổi, vì muốn xin quẻ lành, bố mẹ đưa cô đến chùa thăm vị hòa thượng.
Vị hòa thượng già nhìn gia đình ba người hiền lành trước mặt, thấy yêu quý bọn họ. Ông liền lấy một tập sách cổ đã sờn mép, hỏi giờ sinh và bát tự (va) của Tô Mạt, lật giở kĩ lưỡng. Trên giấy đều chữ cổ xa lạ viết từ phải sang trái. Vị hòa thượng già chỉ nói những câu tốt đẹp. Tô Mạt nhớ rõ nhất hai câu: “Có khí khái trượng phu nam nhi” và “ Tam hợp xướng khúc, quý phi hảo sắc (lqd) ”.
*(va) Bát tự: một hình thức bói toán được xây dựng trên cơ sở triết lý của Kinh dịch với các thuyết can chi, âm dương, ngũ hành… Căn cứ vào giờ ngày tháng năm sinh tính theo âm lịch. “Bát tự” là “tám chữ” , tức can chi của năm sinh, tháng sinh, ngày sinh, giờ sinh.
*(lqd) Có nghĩa là: người đa tài đa nghệ, vận đào hoa, dễ chìm đắm trong chuyện tình cảm.
Nhất kiến chung tình, tái kiến khuynh tâm (va), gặp lần thứ ba đất đá bay mù mịt trời đất.
*(va) Có nghĩa là: gặp lần đầu đã trúng tiếng sét, gặp lại lần thứ hai đầy cảm mến.
Yêu đương say đắm, ở bên nhau, kết hôn, sinh con. Tất cả tự nhiên như nước chảy thành sông.
Thật ra Tô Mạt không biết, có một câu hôm đó vị hòa thượng già ngẫm đi nghĩ lại, cuối cùng không nói ra: “Cuộc hôn nhân đầu không quá ba thu.”
Kết hôn năm thứ hai, Đồng Thụy An nɠɵạı ŧìиɧ. Người tình của anh ta nhỏ tuổi hơn, đồng thời có gia thế tốt hơn Tô Mạt. Vợ chồng Tô Mạt bắt đầu cuộc “chiến tranh” không ngừng nghỉ. Tô Mạt sử dụng mọi cách, từ khóc lóc, van xin đến treo cổ. Cô từ bỏ vẻ thanh cao, dè dặt rèn giũa trong mười năm đi học, làm ầm ĩ với Đồng Thụy An, đáng tiếc gương vỡ khó lành.
Đến năm thứ ba, Đồng Thụy An mệt mỏi, cắt đứt cuộc hôn nhân vô bổ, bắt đầu cuộc sống mới. Tô Mạt cũng đành bắt đầu cuộc sống mới. Lúc này, cô mới nhận ra hoàn cảnh khó khăn của mình. Trên có người già, dưới có con nhỏ, tiền lương hằng tháng hơn một nghìn tệ, không đủ tiêu pha. Chỉ trong một tích tắc, gánh nặng cuộc sống đổ hết xuống vai Tô Mạt, trong khi cô chẳng có đường nào xoay xở. Hiện thực khiến Tô Mạt ngày càng tin vào số mệnh, nhưng cô không tin vào lời thầy bói.
Số phận như con sông lớn, ở đằng sau không nhìn thấy đằng trước, ở đằng trước không nhìn thấy bùn lầy, tiến lại gần đá ngầm từng lớp, ở phía xa sóng to gió lớn, con người như một hạt cát trong đó. Cô không thể chống lại, cách duy nhất là cố sống cố chết vật lộn để tiến về phía trước. Kể cả lúc thuận dòng, cô vẫn có thể bị một cơn sóng bất thình lình xô đẩy, nhưng cô vẫn phải bảo vệ đôi chân, tránh bị đá ngầm dưới đáy sông quệt phải, máu chảy lênh láng.
Nửa năm sau khi ly hôn, trong khi Tô Mạt bôn ba vất vả, từ phương xa truyền đến tin Đồng Thụy An đã tái hôn. Lúc mẹ gọi điện, mặt trời chiếu ánh sáng chói chang, Tô Mạt đang bận rộn chuyển đồ từ trong kho ra sân phơi để tránh bị ẩm mốc. Hai mươi mấy năm qua, cô chưa từng làm việc nặng nhọc như vậy, thậm chí còn chẳng bao giờ nghĩ đến. Vậy mà chưa đầy hai tháng, cô đã rất thành thạo như một công nhân thực thụ.
Ở đầu bên kia điện thoại, bà Tô đang dạy cháu ngoại học thuộc bài thơ Thương người nông dân. Dạy xong, bà mới hỏi con gái, bây giờ là giờ ăn trưa, sao cô làm việc? Tô Mạt vội giải thích, gần đây công việc rất tốt. Bà Tô vui mừng, dặn dò con gái đừng suốt ngày ở văn phòng, phải có tầm nhìn và chịu khó mới được.
Quần áo xếp thành từng đống, bụi bay đầy vào mũi, Tô Mạt buộc khăn lên đầu, đeo khẩu trang, mặc áo sơ mi cũ dài và rộng. Cô đứng giữa đống túi nylon, lật giở, kiểm tra, điện thoại di động vẫn kẹp ở vai. Cô hỏi mẹ về tình hình của Thanh Tuyền.
Bà Tô thở dài, kể lể những chuyện không vui không mấy ngày qua: loại cá vàng nhỏ đánh bắt tự nhiên không bị ô nhiễm ở siêu thị tăng mấy giá; tiêm một mũi vắc xin phòng bệnh nhập khẩu tốn mấy trăm tệ; đầu tháng con bé bị viêm phế quản, đi bệnh viện truyền thuốc mấy ngày mất toi hai nghìn; cháu nhà người ta tới trường mẫu giáo này nọ, lớp tự chọn quá xa mà không có xe đưa đón…
Ánh nắng chiếu đến mức Tô Mạt thấy hoa mắt, chóng mặt. Cô ngồi xuống bậc cầu thang bên cạnh, cất giọng thăm dò: “Mẹ, hay là cuối tháng này con gửi thêm ít tiền về nhà?”
Bà Tô ngừng một giây rồi nói: “Bố mẹ không phải không có tiền, chỉ là… mẹ nghe người ta nói thằng họ Đồng tổ chức đám cưới ngày hôm qua… Sau khi con và nó ly hôn, nó chẳng đến thăm con gái lấy một lần.” Bà thở dài. “Tô Mạt, lần này con phải cố gắng để không thua kém mới được. Nó không quan tâm đến hai mẹ con con, con càng phải sống tử tế…”
Đúng vào buổi trưa nóng bức, trong lòng Tô mạt rất buồn phiền, cô nhất thời im lặng. Cô nghe thấy tiếng của bố vọng vào trong điện thoại: “Bà nói ít thôi, người ta tái hôn, con gái bà còn có thể làm gì?”
Tô Mạt mím môi, không lên tiếng, cố kìm nén những giọt nước mắt. Cô lí nhí an ủi mẹ vài câu rồi lập tức cúp máy. Sau đó, cô ngẩn ngơ một lúc, bắt đầu tính toán sinh hoạt phí đến đầu tháng sau. Mấy ngày qua, Tô Mạt liên tục gửi đơn xin việc và đi phỏng vấn. Tuy nhiên, nếu không phải yeei cầu kinh nghiệm hay kỹ năng chuyên ngành quá cao thì cũng là công việc lương thấp, trừ tiền thuê nhà, điện nước, sinh hoạt phí, thu nhập mỗi tháng chẳng còn là bao, làm gì có tiền để gửi về nhà.
Tô Mạt cúi đầu nhìn bộ quần áo đầy bụi trên người, sau đó bắt đầu thu dọn đồ trong kho. Xưởng may quần áo của người cậu ruột tháng trước mới có hai công nhân nghỉ việc nên cô bận đến mức không có thời gian mà nghĩ đến chuyện khác.
Tô Mạt vốn bảo thủ, hết lòng hết dạ với người đàn ông cô yêu. Mặc dù cuộc hôn nhân kéo dài không được bao lâu nhưng tính bảo thủ này đã ăn vào cốt tủy của cô. Bây giờ cô không có đàn ông ở bên cạnh, chỉ chuyên tâm làm việc. Cho dù công việc hiện tại khô khan, nặng nhọc đến mấy, cô cũng không nghĩ ngợi lung tung.
Vì vậy có người ở đằng sau gọi, Tô Mạt cũng không hề biết. Người đó đành phải cất cao giọng một lần nữa: “Chị gái!”. Cách xưng hô của người địa phương đối với phụ nữ chia thành hai kiểu, người có tuổi một chút đến bà già bảy, tám mươi tuổi đều gọi là “chị gái”, còn các cô gái trẻ tuổi được gọi là “em gái”.
Tô Mạt đứng thẳng người, lưng eo nhức mỏi nên cô giơ tay xoa bóp. Khi quay đầu, Tô Mạt nhìn thấy hai người đàn ông, bọn họ có vẻ chưa đến ba mươi tuổi, ngoại hình mang đặc điểm của người địa phương, nước da ngăm đen, thân hình cao gầy. Người vừa lên tiếng trẻ hơn. Nhìn thấy cô, anh ta hơi ngây người. “Cô gái… ông chủ Chung có nhà không?”
Tô Mạt gật đầu, biết bọn họ đến tìm cậu ruột cô. Vừa nhướng mắt, cô phát hiện em gái họ Chung Minh đang ló đầu ra ngoài. Tô Mạt đoán hai vị khách này có vai vế, liền vẫy tay với Chung Minh, ý bảo em gái dẫn khách lên nhà. Ai ngờ Chung Minh rụt đầu vào trong, vài giây sau buông rèm cửa sổ.