Mùa hè năm đó với thằng Quang trôi qua lâu thật là lâu. Trước kia, nó đi học mà chỉ chờ đến nghỉ hè, vì nghỉ hè đồng nghĩa với những buổi chiều đá bóng mệt nghỉ với bọn thằng Toản, đá xong sẽ nhảy xuống sông tắm thả phanh đến gần giờ cơm mới mò về nhà. Nghỉ hè đồng nghĩa với những giấc ngủ trưa trời trưa trật mới mò dậy mà không lo bị mẹ đánh thức, với những buổi tối xem phim đến khuya lơ khuya lắc mới đi ngủ. Nhưng bây giờ nó không thích nghỉ hè nữa. Nói không thích thì không phải nhưng rõ ràng bây giờ thằng Quang không ráo riết mong chờ nghỉ hè như xưa kia. Nó vẫn thích đá bóng, vẫn thích tắm sông, vẫn thích ngủ nướng nhưng đã không còn hào hứng, say mê như khi còn nhỏ; bởi vì bây giờ nó đã lớn, bởi vì bây giờ nó đã… có Mai.
Nghỉ hè nghĩa là nó không được gặp Mai mà không được gặp "nàng" nó sẽ nhớ lắm. Nỗi nhớ ấy làm những thú vui nó say sưa trước kia nhạt nhẽo đi nhiều. Ngày xưa các cụ nói "nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ như đứng đống lửa như ngồi đống rơm". Trước đây nó không hiểu "bổi hổi bồi hồi", "đứng đống lửa, ngồi đống rơm" là như thế nào, bây giờ nó hiểu rồi.Nhớ quá nên đã có lần nó định gọi điện thoại cho Mai, nó biết số nhà Mai, nhưng suy đi tính lại một hồi cuối cùng nó không gọi. Vì gọi đến nó biết nói gì đây, nói "tớ nhớ Mai quá” à? Thôi xin, có cho vàng nó cũng chẳng dám. Còn nếu là để hỏi thăm sức khỏe của Mai, hỏi xem dạo này Mai thế nào có vẻ lộ liễu quá. Mai thông minh lắm, hỏi han kiểu như thế cô bạn sẽ nhận ra nó có vấn đề ngay. Bi kịch của một thằng nhát gái là vậy đấy, nó thích Mai nhưng lại sợ Mai nhận ra điều đó. Thế là kế hoạch gọi điện bị hủy bỏ và thằng Quang đành ôm mối sầu tương tư suốt kỳ nghỉ hè oi ả.
May cho thằng Quang, lên cấp ba nghỉ hèkhông còn dài như hồi cấp hai, chỉ hơn một tháng sau ngày nghỉ bọn nó đã tập trung ôn thi đại học. Có điều thằng Quang cũng không gặp được Mai nhiều như kỳ vọng. Nó thi khối D còn Mai thi khối C, cả hai chỉ học chung khi ôn thi môn văn thôi. Mà không chỉ vậy, gặp ít đã đành, trong những buổi học ấy nó đâu được ngồi gần Mai. Đây là học thêm, ai thích ngồi đâu thì ngồi; hôm nay chỗ này mai chỗ khác đều không bị cấm. Mai chắc chẳng nhớ thương gì nó nên trong những buổi học chẳng đoái hoài gì đến nó, cô nàng chỉ chăm chăm ngồi cùng với con Bích, cái Tuyết, mấy cạ cứng của mình. Thỉnh thoảng trong giờ ra chơi, lúc nó nhìn sang lại thấy lũ bạn bấm nhau cười rinh rích, chẳng biết là đang nói chuyện gì. Chỉ khổ cho thằng Quang phải ngồi cùng chiến hữu tên Kiên, suốt ngày nghe nó lải nhải về mấy bộ tiểu thuyết trinh thám không biết cu cậu kiếm ở đâu ra. Nhưng rồi thằng Quang tự nhủ được gặp Mai, được nhìn thấy Mai là tốt rồi; và thỉnh thoảng nó có được nói chuyện với nàng đấy chứ, dù chỉ là những câu nói không đầu không cuối kiểu như "Mai đi học sớm thế" hay "trời hôm nay nắng quá nhỉ". Những lần nói chuyện vô thưởng vô phạt ấy dù sao cũng giúp trái tim nó dịu hơn trong những ngày hè oi ả, giúp những đêm thao thức, mất ngủ vì… nhớ thương của nó ít dần đi. Và mùa hè đầu tiên của thằng Quang trong những năm cấp 3 đã trôi qua như thế đó.
Ngày khai giảng đến sau bao mong mỏi của thằng Quang, hình như từ bé đến giờ chưa khi nào nó mong chờ khai giảng như vậy. Cái thằng, được cái càng lớn càng hiếu học. Nhưng trong buổi học chính thức đầu tiên, buổi học mà nó mất bao công sức mong chờ, lại xảy ra một chuyện khiến nó choáng toàn tập, choáng đến nỗi phải mất mấy hôm sau nó mới chấp nhận được sự thật đã xảy ra.
Hôm đó là buổi học đầu tiên của năm học mới. Thằng Quang vui lắm, sau bao chờ đợi mòn mỏi cuối cùng nó đã danh chính ngôn thuận ngồi cạnh Mai, từ giờ mấy đứa con Bích, con My đừng hòng cướp Mai khỏi tay nó được. Đang tự sướиɠ thì nó thấy cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp. Không chỉ thằng Quang mà cả lớp đều ngạc nhiên vì chẳng mấy khi cô Giang xuất hiện trong giờ truy bài. "Chắc có chuyện gì rồi" - bọn thằng Quang thầm nghĩ. Và đúng là có chuyện
thật, hóa ra cô đến lớp để đổi chỗ ngồi, và người được đổi chỗ là... Mai. Khỏi phải nói thằng Quang choáng như thế nào, lúc nghe tin Mai bị đổi chỗ đầu nó hiện lên bao câu hỏi: "Sao Mai bị đổi chỗ", "là Mai xin đổi hay cô giáo tự mình chủ trương đổi", "cô giáo biết nó thích Mai hay sao mà đổi chỗ Mai"... Vô số ý nghĩ quay mòng mòng trong đầu làm thằng Quang đơ mất mấy giây, không kịp phản ứng gì cả. Nhưng nó chẳng phải thắc mắc lâu, ngay sau đó cô giáo đã giải thích. Hóa ra vụ đổi chỗ này là do chính Mai đề nghị. Hè vừa rồi, do thấy mắt hơi mờ, Mai đi khám mới biết mình bị cận; dù độ cận không cao - chỉ 0,5 thôi - và sắm cả kính rồi nhưng Mai vẫn xin cô giáo chuyển lên bàn trên cho dễ nhìn, để độ cận khỏi tăng. Nên cô giáo cho chuyển thật, chuyển lên tận bàn đầu luôn; từ bàn cuối Mai chuyển vọt lên bàn đầu nhưng phải ngồi trong cùng vì Mai vốn cao ráo. Lúc đi Mai mới rút kính ra đeo và đến khi ấy thằng Quang mới biết Mai bị cận thật.
Khi cô giáo nói xong và Mai lục tục thu dọn sách vở, thằng Quang vẫn đơ ra như một khúc gỗ, đầu nó đang quay cuồng trong bao suy nghĩ, nó chưa kịp phản ứng gì cả. Phải đến khi Mai chào: “Mình đi nhé mọi người" - nó mới sực tỉnh. Và nó bỗng giận Mai ghê gớm. Càng lúc càng giận. Trong khi nó chờ đợi từng tháng từng ngày, từng phút, từng giây để được gặp Mai thì Mai lại bỏ nó đi chẳng thèm suy nghĩ. Hơn nữa Mai bỏ đi vì một lý do, mà theo nó, nhỏ như cọng cỏ. Bị cận. Bị cận đã có kính rồi, ngồi đâu chẳng được, bộ ngồi lên bàn trên Mai sẽ hết cận à; lúc ấy nó đã nghĩ như vậy. Nhưng đâu chỉ có thế, thằng Quang càng tức giận vì Mai đi mà không nói trước với nó một lời, đi với thái độ chẳng có chút gì tiếc nuối. Thằng Quang đau đớn nhận ra rằng hóa ra với Mai nó chỉ giống như cái Hiền, cái Tuyết, chỉ là một người bạn bình thường; trong khi với nó Mai là cả bầu trời, và bây giờ sẽ là một bầu trời thương nhớ. Giá như trước khi chuyển đi - dù chỉ nửa phút - Mai nói cho nó biết thì nó còn đỡ khó chịu. Hoặc tốt hơn nữa trước lúc đi Mai nói cho nó và bảo thêm rằng Mai chẳng muốn đi chút nào, Mai chỉ muốn ngồi cùng nó, nhưng vì để khỏi cận nặng hơn Mai buộc phải đổi chỗ; thì nó chẳng những không giận mà còn thoải mái nhìn Mai ra đi, dù trong lòng vẫn tiếc nuối.Nhưng đằng này...
Nhìn theo bóng lưng của Mai đang xa dần thằng Quang muốn chạy lên nắm lấy tay Mai lôi về chỗ cũ. Nhưng tất nhiên có cho thêm một lá gan nó cũng chẳng dám làm như vậy, nhất là khi mọi chuyện đã được cô Giang quyết định, ván đã đóng thuyền. Thằng Quang cảm thấy miệng đắng chát. Nó muốn hét lên thật to nhưng không thể, chưa bàn đến truyện nó có dám hay không mà thực sự nó không thể hét được, cổ họng nó nghẹn bứ lại. Nếu ai nhìn vào mặt thằng Quang lúc này sẽ thấy mặt nó đỏ bừng đến tím tái và không chừng sẽ đưa nó xuống phòng y tế vì tưởng nó... bí thở.
Và khi cơn tức tối nguôi dần, nó bỗng thấy buồn, buồn tê tái. Thế là bao cố gắng, nỗ lực của nó trở về con số 0; cuối cùng Mai vẫn bỏ nó đi chẳng một chút đắn đo hay lưu luyến. Buồn quá. Sự tức giận khi nãy bay sạch, thay thế vào đó là nỗi buồn bã và nó nhận ra rằng đối với một thằng con trai mới lớn, nỗi buồn đau còn đáng sợ hơn sự tức giận gấp nhiều lần. Những gì khiến nó tức khi nãy giờ lại khiến nó buồn. Nó buồn vì Mai
sẵn lòng bỏ nó đi, buồn vì Mai đi chẳng thèm nói trước một lời, buồn vì từ giờ nó cô đơn lẻ bóng.Nhưng điều khiến nó buồn nhất là sau bao nỗ lực, bao công sức của mình, nó vẫn không thể mở cửa trái tim Mai. Cuối cùng Mai cũng chỉ xem nó như một người bạn bình thường như bao đứa bạn khác.
Từ buồn bã nó chuyển sang chán nản. Giống như một người đã bỏ bao nhiêu ngày tháng, bao nhiêu công sức leo lên một ngọn núi để rồi một ngày khi ngẩng đầu lên anh ta chỉ thấy toàn mây là mây, còn đỉnh núi thì vẫn xa tít mù tắp tận nơi nào vậy. Nhìn theo bóng lưng xa dần của cô bạn, thằng Quang chẳng muốn chạy lên giữ lại như trước mà chỉ thấy mệt mỏi, cả người rũ xuống. Nó muốn gục xuống bàn nhưng không dám, sợ bọn bạn nghi ngờ, nên đành ngồi đấy, trơ như phỗng đá nhìn Mai xa dần, xa dần, xa dần.
Những cảm giác khác lạ, khó chịu vẫn không buông tha cho thằng Quang kể cả khi nó về đến nhà. Buổi tối ngồi vào bàn học, cảm giác cồn cào ruột gan lại xuất hiện nhưng giờ không phải là tức giận, buồn nản như hồi sáng nữa mà là thất vọng. Nó thất vọng vì mình quá kém cỏi, vì mình đã bỏ bao công sức nhưng vẫn chẳng giữ được Mai, vì Mai quá thờ ơ, vô tâm. Cảm giác ấy cứ lớn dần trong tim khiến nó vô cùng khó chịu. Nó nghĩ về những ngày xưa, nghĩ về bao nỗ lực của mình, nghĩ về thái độ dửng dưng của Mai lúc chia tay, thế là càng thất vọng hơn nữa. Cuối cùng thằng Quang quyết định tắt điện đi ngủ vì biết rằng có ngồi tiếp cũng chẳng học hành được gì. Đêm ấy, trong giấc mơ, thằng Quang lại thấy Mai, cô bạn vẫn ngồi cạnh nó không đi đâu cả để nó mượn thước kẻ, bút chì và... dòm bài kiểm tra mỗi khi bí.
Phải đến mấy hôm sau thằng Quang mới quen được sự vắng mặt của Mai ở chỗ nó ngồi. Thực ra trong thời gian này thằng Quang đã tìm ra rất nhiều lý do giải thích cho việc Mai xin đổi chỗ để tự an ủi mình. Nào là Mai bị cận thì phải lên bàn trên chứ nếu không để cận nặng hơn à; nào là Mai đâu biết tình cảm của nó, nếu biết khéo có đuổi Mai cũng chẳng đi ấy chứ... Nhưng những lý do này chuẩn được mấy phần có lẽ chỉ Mai mới trả lời được. May là dù không ngồi cùng nhau nữa nhưng thái độ của Mai với nó vẫn rất thân thiện, thoải mái. Gặp nhau trên đường hay nhà để xe vẫn nói chuyện với nó gần gũi, tự nhiên như lúc xưa. Trong giờ ra chơi bắt gặp nó đi qua bàn mình Mai vẫn ban cho nó nụ cười tươi rói để rồi nó vội vàng cười lại rất là... vô duyên. Tự an ủi bản thân như thế là đủ rồi, thằng Quang thấy mình phấn chấn lên chút ít. Với lại thằng Quang nghĩ rằng mình còn học cùng Mai tới hai năm nữa, kiểu gì trước khi ra trường nó cũng sẽ tán đổ Mai.