Câu chuyện này đã xảy ra từ rất lâu.
Một ngày tháng tư năm 2007.
Giữa tháng tư mà trời chưa hết lạnh, những cơn gió cuối xuân thỉnh thoảng vẫn khiến cho người đi đường rùng mình. Trong trường THPT Hoàng Thủy, mọi cánh cửa đều khép kín, vừa để tránh gió vừa để ngăn tiếng ồn từ con đường tỉnh lộ truyền vào. Cửa lớp 12A4 cũng vậy, nơi căn phòng được chiếu sáng trưng bởi mấy bóng đèn tuýp chỉ có tiếng giảng bài thao thao bất tuyệt của ông thầy giáo già. Thực ra với khối mười hai chương trình học đã kết thúc từ lâu, thời gian này bọn học trò đến lớp là để ôn thi sáu môn tốt nghiệp, hôm nay lớp 12A4 ôn thi môn văn.
Thằng Quang nhìn đồng hồ, đã hơn mười một giờ trưa, trên bục thầy Bình vẫn đang nói hăng say, nghe giọng nói sang sảng của thầy chẳng ai nghĩ ông sắp bước sang tuổi sáu mươi. Dưới lớp có đứa ngồi im nghe thầy giảng, có đứa hí hoáy ghi chép bài. Giống mấy đứa bạn, thằng Quang ngồi im rất nghiêm túc, nhưng nó chẳng nghe được chữ nào vào đầu cả. Chủ yếu do tất cả mọi điều thầy nói nó đã thuộc từ lâu, nó thi khối D nên những lời thầy đang giảng nó chẳng xa lạ gì. Một phần nữa vì trong lòng nó đang canh cánh chuyện khác. Chuyện về lá thư trong cặp.
Nghĩ đến lá thư thằng Quang liếc nhìn lên bàn đầu, chỗ Mai đang ngồi, xong nhè nhẹ thở dài. Đây không biết là lần thứ mấy nó thở dài trong ngày hôm nay. Xưa ông Xuân Diệu viết thư tình thì "mãi trăm lần viết lại mới đưa đi", còn thư tình của nó chỉ viết lại có 2 lần, mà trăm lần đưa đi vẫn chưa đưa đi được. Nguyên nhân trước hết vì nó vốn… nhát gái. Mới nghĩ tới lúc mình phải đưa thư cho Mai nó đã run lập cập, nói gì đến làm thật. Quan trọng hơn, nó sợ bị từ chối.
Cứ tưởng tượng đến cảnh nhìn thấy là thư của nó, Mai lắc đầu nói: “Xin lỗi, tớ không nhận đâu, Quang cầm về đi, tớ chỉ coi Quang là bạn thôi", bao nhiêu dũng khí của nó bay sạch sẽ. Chưa kể mấy con mụ chuyên buôn dưa lê của lớp, nếu thấy nó đưa thư cho Mai chỉ sợ hôm sau cả huyện đã biết chuyện, khi ấy dù thành hay bại nó cũng ngại lắm. Nghĩ cẩn thận hơn, nếu thành công còn đỡ, mấy đứa bạn có trêu vụ thư từ của nó thì một thời gian sau đâu sẽ vào đấy. Nhưng nếu thất bại, nó buồn chẳng nói làm gì, chỉ sợ nó còn trở thành đề tài đàm tiếu của bạn bè, thầy cô, thậm chí của cả học sinh khóa sau. Lúc đó nó còn mặt mũi nào mò ra đường, mặt mũi nào đi thi tốt nghiệp. Cứ nghĩ đến đây là thằng Quang không dám tiếp tục nghĩ thêm.
Thực ra, thằng Quang đã tính tới vài cách vừa gửi được thư đến tay Mai, buộc Mai phải nhận, đem về đọc - mà không phải trực tiếp nói chuyện với “nàng”, đỡ ngại, lại tránh để “nàng” có cơ hội từ chối, vừa giữ được bí mật với lũ bạn lắm mồm. Cách đầu tiên là vào một chiều đẹp trời sẽ đến trường chờ cho lớp học chiều học xong về hết, nó sẽ để thư vào ngăn bàn của Mai; sáng hôm sau Mai tới lớp nhận được thư, xong. Nhưng sau đó lại thấy không ổn, nhỡ đâu có đứa nào đến trước nhìn thấy thư thì sao? Hoặc Mai đến, thấy bức thư lôi ra giơ lên hỏi: “Cái gì đây nhỉ?” Vậy cũng hỏng. Dù dính phải trường hợp nào, lá thư vẫn sẽ rơi vào tay đội quân "bà Tám" của lớp và không cần nghĩ thằng Quang thừa biết những diễn biến tiếp theo.
Cách thứ hai liều lĩnh hơn. Nó sẽ đi học sớm một chút, chờ Mai trên đường, lúc Mai đi qua sẽ đưa cho Mai rồi… té, khi đó Mai không nhận không được. Cách này lúc đầu nghĩ rất khả thi, vì Mai đi học cùng đường với nó (có điều nếu đi từ trường về thì cách cổng trường khoảng ba cây số cái Mai rẽ trái để về nhà còn nó sẽ đi thẳng bốn ki-lô-met nữa). Nhưng khi thực hiện lại thất bại hoàn toàn, bởi Mai thường đi học với bốn năm đứa con gái khác, mấy lần nó chờ trên đường để đưa thư đều thất bại toàn tập. Lúc về Mai còn đi cùng một nhóm đông hơn, nên kế hoạch giữa đường đưa thư của thằng Quang tan ngay từ trong trứng.
Nó nghĩ tới việc gửi qua bưu điện. Nhưng thư tình mà gửi qua đường bưu điện nó thấy hơi… buồn cười, mất hẳn vẻ lãng mạn, chưa kể tới việc lá thư có khả năng rơi vào tay các bậc phụ huynh nữa chứ. Cách này cùng với cách tỏ tình qua yahoo, thằng Quang xác định sẽ chỉ cân nhắc dùng đến khi cùng đường bí lối, khi không nghĩ ra cách nào khác. Dù sao thì đâu phải đã hết thời gian.
Quanh quẩn mãi vẫn chẳng có cách nào hay, làm thằng Quang ngày càng nản chí. Mà dạo này không hiểu Mai bận gì, đến lớp thì muộn, học xong lại vội vội vàng vàng phóng ra rất sớm. Có hôm trống truy bài một lúc mới thấy Mai xuất hiện, hết tiết năm vừa chào thầy cô xong nàng liền ào ra cửa. Không hiểu thu dọn sách vở khi nào nhanh thế, đến nỗi lúc thằng Quang xuống tới nhà xe đã thấy Mai dắt xe khỏi cổng. Điều này càng khiến cơ hội gửi thư của thằng Quang nhỏ hơn, và nó lại chỉ biết thở dài. Hôm nay cũng vậy, trống tan trường vừa vang lên đã chẳng thấy Mai đâu. Thằng Quang ủ rũ thu dọn sách vở, vác cặp đi về. Lúc xuống tới sân trường nó loáng thoáng nghe thấy con My ngồi bàn thứ hai hỏi cái Nhã bàn đầu:
- Bố con Mai đỡ chưa mày?
- Thấy nó bảo đỡ rồi, hôm qua bác ấy ngồi dậy được rồi.
Cái Nhã trả lời. Cái Thoa đi cùng đấy chêm thêm vào:
- Rõ khổ cho con Mai, sắp thi đến nơi còn phải chạy đôn chạy đáo hết nhà lại viện, thế thì thi cử gì nữa.
Thằng Quang nghe đến đấy liền sấn tới vọt miệng hỏi:
- Nhà Mai xảy ra chuyện gì vậy mấy bà?
Ba cái đầu, sáu con mắt quay lại nhìn nó, đoạn con My thủng thẳng:
- Ông này, bạn bè cùng lớp mà chẳng quan tâm gì đến nhau thế.
- Mấy bà ngồi bàn đầu, tôi ngồi tít cuối, ai nói cho tôi gì đâu. Mấy hôm nay thấy Mai cứ vội về, giờ lại nghe mấy bà nói đây tôi mới biết mà hỏi. Trách gì nữa.
Thằng Quang cười khổ, hình như nó rất không thích ai nói nó không quan tâm đến Mai. Con My ra vẻ suy nghĩ, đi một đoạn mới nói:
- Đúng nhỉ. Là thế này, mấy hôm trước bố con Mai lái xe trở gạch cho ai đó dưới Thanh Đông. Trên đường đi bị một cái xe tải to lắm đâm phải, làm xe bố nó lao xuống dệ đê. Giờ bố nó bị gãy đùi, đang nằm trên bệnh viện huyện mình. Mấy hôm nay mẹ nó ở trên viện chăm bố nó suốt. Rõ khổ cho con Mai, vừa phải chăm bố mẹ trên viện, vừa phải trông nhà trông em, lại còn học hành nữa chứ. Sắp thi cử đến nơi, mấy hôm nay trông nó oải lắm.
Thằng Quang nghe xong mới hiểu, bảo sao dạo này Mai tất tả như vậy. Hoàn cảnh nhà Mai nó biết khá rõ. Bố mẹ Mai đều đã ngoài bốn mươi tuổi. Bố Mai có một chiếc xe tải khoảng mười - mười lăm tấn, hàng ngày nhận chở hàng trong huyện. Mẹ Mai mở một hiệu may nhỏ ở nhà, kiếm thêm chút thu nhập. Mai còn một đưa em trai, đang học lớp bảy. Thu nhập gia đình chủ yếu trông vào bố Mai, giờ chú ấy nằm đấy biết tính sao. Chưa kể chuyện bố Mai nằm viện còn kéo theo bao nhiêu vấn đề liên quan, sắp thi cử đến nơi rồi, kiểu này Mai sẽ vất vả lắm đây. Thằng Quang chợt nhớ đến lá thư trong cặp. Tình hình này còn nói gì đến chuyện thư với chả từ. Dẫu có gửi đượcđến tay người nhận e rằng người nhận cũng chẳng thèm ngó qua, có khi còn bị Mai ác cảm vì hoàn cảnh nhà mình đang như thế mà ai đó lại bày đặt tỏ tình vớ vẩn. “Hầy, kiểu này mày cứ nằm đấy thôi thư ạ” - thằng Quang ủ rũ nghĩ thầm.