Lá Nằm Trong Lá

10/10 trên tổng số 1 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
“Bước vào khoảng thời của tuổi biết buồn, Nguyễn Nhật Ánh đã ghi lại những bâng khuâng rung cảm đầu đời. Trong tâm tưởng các em, bây giờ không chỉ nghĩ về cái gì mà còn nghĩ về ai, về một người khác g …
Xem Thêm

Trong khi bọn tôi chong mắt vào mặt Lợi, chờ một cái gật đầu ngượng nghịu thì nó bất thần rên lên, và câu trả lời của nó hoàn toàn ra ngoài tiên liệu của bọn tôi:

- Tụi mày đừng nghe nhỏ Duyên. Nó không biết gì đâu.

Hóa ra thằng Lợi không có dây mơ rể má gì với ba nhỏ Duyên thật. Ba nhỏ Duyên chỉ là bạn hàng với ba mẹ Lợi, ông chỉ là người đi thu mua vàng (sự thực ông cũng chỉ là người trung gian được người ta thuê mướn), nhờ vậy ông qua lại với gia đình nó khá thường xuyên.

Khi ba mẹ Lợi chẳng may qua đời, ông bác và bà cô có nhận hai đứa em nó về nuôi. Riêng Lợi, họ hàng tất nhiên cũng thương nhưng bà con gia cảnh nghèo túng, nuôi thêm một đứa tuổi ăn tuổi lớn như nó là một gánh nặng quá sức. Trong khi mọi người còn phân vân chưa biết tính thế nào thì ba nhỏ Duyên ghé làng. Biết được cớ sự, ông xưng là cậu họ của Lợi, xin đem nó về nuôi.

Làng nó là làng bên nội, về anh chị họ của mẹ nó thì ông bác bà cô nó rất mù mờ. Nghe ba nhỏ Duyên bảo vậy, cũng có người bán tin bán nghi nhưng ngẫm ra trong lúc ngặt nghèo đột nhiên có người nhận cháu mình về nuôi cũng là sự tốt nên chẳng ai cản trở gì.

Kể tới đây, thằng Lợi ấp úng thù nhận ngay từ đầu nó đã biết ba nhỏ Duyên không hề có họ hàng gì với mình, nhưng chẳng biết trôi dạt về đâu, nó đành làm thinh, chỉ mong có chỗ nương náu qua cơn quẫn bách.

- Thế bạn có biết vì sao ba nhỏ Duyên nhận bạn về nuôi không? – Xí Muội thắc mắc.

Lợi chéo miệng:

- Chắc là ông ấy động lòng trước hoàn cảnh của tôi.

Tôi liếc ba đứa bạn thấy bọn nó cũng đang nhìn tôi và nhìn lẫn nhau và mặc dù không nói gì bọn tôi vẫn đọc được qua ánh mắt của nhau rằng thằng Lợi đã không nói thật.

Cảnh làm lụng vất vả của thằng Lợi như bọn tôi từng thấy tự nó đã phơi bày ra dụng ý của ba nhỏ Duyên. Ông nuôi nó như một người ở trong nhà, giống như ngày xưa các ông chủ ruộng vẫn nuôi tá điền để bóc lột sức lao động.

Bọn tôi tin thằng Lợi thừa thông minh để hiểu ra điều đó nhưng là một đứa giàu tình cảm có lẽ nó vẫn cảm kích người đàn ông đã cứu nó khỏi cảnh cơ nhỡ, lại còn cho nó đến trường (có nghĩa là cũng không đối xử với nó quá tệ) và theo cái cách nó vẫn thản nhiên đi moi bùn hay đi chăn bò hằng ngày có thể tin là nó chấp nhận cuộc sống hiện nay như con người ta vẫn chấp nhận sự an bài của số phận.

Có thể suy nghĩ của thằng Lợi còn đi xa hơn nữa: Qua cách có trả lời Xí Muội về lý do tại sao ba nhỏ Duyên nhận nó về nuôi khi hai bên chẳng bà con thân thích gì, có thể thấy Lợi không muốn nói, thậm chí không để tồn tại trong đầu những ý nhĩ không hay về ba nhỏ Duyên, và có lẽ nó xem việc phải nai lưng ra làm lụng sau giờ tan học là một cách để đền đáp lại sự cưu mang của người cậu vờ.

Một cảm giác gì đó như là sự thương hại cảm chiếm lấy tôi từng phút một, thứ cảm giác đã mơ hồ nảy mầm trong tôi ngay từ hôm tôi chứng kiến thằng Lợi moi bùn dưới ao giữa trưa nắng gắt. Những đứa khác cũng ở trong tâm trạng giống như tôi nên một lúc lâu chẳng thấy cái miệng nào bắt bẻ hay vặn vẹo cách giải thích của Lợi dù những gì bọn tôi chứng kiến hoàn toàn cho phép bọn tôi dồn nó vào thế bí.

- Tụi tao tin mày! – Thọ tặc lưỡi phá tan sự im lặng nặng nề, mặc dù câu hỏi tiếp theo của nó có thể khiến cho sự nặng nề càng nặng nề hơn nữa – Tụi tao chỉ không hiểu tại sao nhỏ Duyên bảo mày là con riêng của ba nó?

Tôi lo lắng nhìn Lợi, nhưng thấy nó chẳng có vẻ gì lúng túng. Bằng giọng trầm trầm trầm, nó bình tĩnh giải thích, dù vẻ bề ngoài của nó chẳng thể xua tan nơi tôi cái cảm giác là nó đang đắm chìm trong nỗi buồn vô hạn:

Đó là suy diễn của dì nó. Mẹ nhỏ Duyên mất được một năm thì ba nó đem tao về nhà. Dì nó tất nhiên không cần nhiều thời gian mới biết rõ giữa ba nó và tao chẳng có bà con gì. Cho nên dì nó nghi.

*

* *

Ngay lúc thằng Lợi nói như vậy, tôi đã định ngoác miệng ra cãi. Tôi định nói nếu dì nhỏ Duyên (và ngay cả nhỏ Duyên nữa) là người có đầu óc bình thường sẽ nhận ngay ra Lợi không thể nào là con riêng của ba nhỏ Duyên. Nếu thực sự ba nhỏ Duyên cưng đứa con riêng, muốn đem nó về chăm sóc bù lại những tháng này xa cách thì không bao giờ ông lại bắt thằng Lợi làm việc quần quật suốt ngày ngoài đồng như thế.

Nhưng rốt cuộc tôi đã không nói gì, vì tôi biết thằng Lợi sẽ có cả mớ lý lẽ để chống lại tôi. “Bà ta cho rằng việc hành hạ tao là cách để anh rể bà đánh lừa mọi người”, nó sẽ bảo thế và nó sẽ nói tiếp rằng trong mắt dì nhỏ Duyên đó là một cái trò cũ rích mà dù nó có cực khổ nhiều lần hơn thế nữa bà cũng không thể nào dứt tâm trí ra khỏi mối hồ nghi về chuyện tự nhiên ba nhỏ Duyên đem một thằng cù bơ cù bất về nuôi.

Tôi e thằng Lợi sẽ nói thế, vì tôi tin những ý tưởng mà một đứa hời hợt như tôi có thể nghĩ ra được thì thằng Lợi cũng nghĩ ra được, thậm chí có thể nó đã nghĩ tới điều này từ rất lâu trước khi ý nghĩ đó nảy ra trong đầu tôi. Nhưng tôi ngậm miệng còn một lẽ khác nữa, quan trọng hơn: là nếu phản bác nó tôi buộc phải đề cập đến những chuyện cực nhọc hằng ngày nó phải làm vốn là điều mà qua hành động nấp sau lưng bò hôm nọ tôi chắc chắn nó không muốn bất cứ đứa nào trong đám bạn học của nó biết.

Vì vậy mà tôi chỉ đưa mắt nhìn nó rồi nhìn đi chỗ khác rồi lại nhìn nó mà không nói được đến khi nó buột miệng nói như than: “Tao chỉ mong chóng đến hè để xin ba nhỏ Duyên cho tao về quê thăm em tao” thì đầu tôi mới lóe lên một tia chớp. và tôi nói:

- Khi nào về quê mày xin cho nhỏ Duyên đi theo mày, tới lúc đó hẳn nó sẽ hiểu ra sự thật.

Sơn “ờ” lên, phụ họa:

- Lúc đó nó sẽ hết ghét mày.

Lần đầu tiên tôi thấy mặt thằng Lợi rạng ra. Nó tươi tỉnh nói:

- Tao cũng đã nghĩ đến chuyện đó. Chỉ không biết cậu tao, à quên, ba nhỏ Duyên có đồng ý không.

- Chắc chắn ba nó sẽ đồng ý. – Thọ nhún vai, nó nói như thể nó chính là ba nhỏ Duyên nhưng rõ ràng là nó không nói bừa – Ông ta cần phải đánh tan nghi ngờ trong đầu mọi người!

Thằng Hòa từ đầu đến cuối ngồi im như thóc, lúc này đột ngột mở miệng:

- Nhỏ Duyên hết ghét mày, biết đâu lúc đó nó chuyển qua thích mày!

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Câu nói đùa của Hòa khiến Lợi đỏ bừng mặt:

- Tụi mày… tụi mày…

- “Tụi mày” sao? – Hòa càng trêu già – Nếu nó thích mày thì mày có thích lại nó không?

Vốn từ rơi đi đâu hết, Lợi tiếp tục lắp bắp “tụi mày, tụi mày”, trông bộ dạng nó lúc này thật khó tin nó là nhà văn Mã Phú với những trang viết bóng bẩy, trữ tình từng làm thổn thức bao trái tim nữ sinh, kể cả nữ sinh Duyên là người coi nó như kẻ thù.

Đã vậy, Xí Muội lại đế vô:

- Tôi thấy nhỏ Duyên dễ thương quá đó chứ!

Thằng Lợi giống như con thú nhỏ bị dồn đuổi bốn phía. Trong khi bọn tôi cười hích hích thì nó cố rúc người vô lưng ghế và không biết làm gì với hai tay. Nó bối rối đưa tay lên tóc, nghĩ sao lại đặt lên thành ghế, vẫn chưa yên tâm lại đặt lên đùi, cuối cùng khoanh tay trước ngực và nếu như nó vẫn tiếp tục khoanh tay trước ngực chắc chắn là vì nó chưa nghĩ ra một tư thế nào khác.

Đang toét miệng cười phụ họa với tụi bạn, đột nhiên tôi nhận ra phản ứng của Lợi không giống cái cách lúng túng của một người bị trêu chọc. Có vẻ như đó là biểu hiện của một người bị người khác nói ra bí mật gì đó sâu kín lắm.

Tôi rọi mắt vào mặt Lợi, ngờ ngợ:

- Hay là mày thích nhỏ Duyên từ lâu rồi?

Lần này thì thằng Lợi giống như đút hẳn đầu vô lò nướng. Mà đỏ lan ra tận mang tai, xuống tận cổ và cơ thể nó dường như sẵn sàng bốc khói bất cứ lúc nào.

Bình Luận (1)

  1. user
    Nguyễn Tiến (2 tháng trước) Trả Lời

    hay nha

Thêm Bình Luận