Sau khi tiễn Ký Linh về, Đàm Vân Sơn quay vào cùng dùng bữa với người nhà nhưng thực tế chàng hầu như không động một miếng nào, chờ người nhà ăn xong thì kể lại từ đầu chí cuối chuyện đêm qua.
Đàm phu nhân nghe được nửa chừng thì thấy không thoải mái, đứng dậy về phòng, chừa lại Đàm viên ngoại và Đàm đại thiếu gia tuy đã ngồi nghe hết nhưng bữa điểm tâm mới ăn xong hơi có xu thế muốn cuồn cuộn trào lên.
Đàm Vân Sơn không động đũa cũng bởi vậy. Hễ nghĩ tới cảnh máu loãng lênh láng, túi da không ra hình người là chàng lại không nuốt nổi thứ gì.
Đáng sợ hơn nữa là trên đời này có một chuyện gọi là nghĩ lại mới sợ.
Ngay lúc chứng kiến thi thể bục ra máu loãng, trong lòng Đàm Vân Sơn ngập trong cảm giác sốc và kinh ngạc, tới lúc về kể cho cha và huynh trưởng nghe mới thấy hoảng sợ, kể xong, cảm giác lành lạnh trong lòng cuối cùng dâng lên thành trùng trùng kinh hãi, cảm giác không ngon miệng biến hẳn thành buồn nôn, lộn mửa.
Thấy cha và huynh sắp nôn, Đàm Vân Sơn cáo từ về phòng trước, tránh cảnh tượng kinh khủng ba cha con cùng nhau nôn thốc nôn tháo.
Không biết đứa a hoàn nào bày một đĩa hoa quả trong phòng Đàm nhị thiếu gia, Đàm Vân Sơn nhìn thấy nó như nhìn thấy cứu tinh, vừa vào phòng liền lấy ngay một quả kề lên mũi ra sức hít hà. Mùi hoa quả tươi mát dần dần xua tan mùi tanh tưởi còn lưu lại trong tâm trí, cuối cùng cũng giúp bụng dạ Đàm Vân Sơn ngừng cuộn sóng.
Bị hành cả đêm, tới lúc nằm xuống giường mới thấy toàn thân mệt mỏi rã rời. Chàng đặt trái cây cạnh gối để an thần thư giãn sau đó từ từ nhắm mắt lại giữa hương trái cây thoang thoảng.
Ngờ đâu vừa nhắm mắt lại, cảnh tượng trong sân nhà họ Trần cứ vậy hiện đi hiện lại. Thi thể bục ra, quan sai sợ hết hồn hết vía, ngỗ tác tay run run, Lưu đại nhân suýt thì không nói nên câu và, một Ký Linh bình tĩnh…
Chuyện trên đời này có yêu hay không có thể bàn lại nhưng vị cô nương tên Ký Linh này chắc chắn xứng với một chữ “dũng” – khoảnh khắc trước khi đi gặp Chu Công, Đàm Vân Sơn còn cảm khái, không phải không có ý khâm phục.
*đi gặp Chu Công: đi ngủ. Chu Công là công thần khai quốc của nhà Chu ở Trung Quốc, nổi tiếng về lòng trung thành và là người đã xác lập nên đẳng cấp trong xã hội, định ra lễ nghi, thể chế được các vua chúa phong kiến đời sau tiếp nhận và chịu ảnh hưởng sâu sắc. Khổng Tử, một trong những nhà khai sáng Nho giáo, kể rằng mình thường gặp và luận bàn với Chu Công trong mơ. Từ đó, việc đi gặp Chu Công trở thành ẩn dụ cho việc đi ngủ.
Gian phòng cho khách ở tầng hai, Hòe Thành khách điếm.
Thấy Ký Linh nhìn khay cơm trong tay tiểu nhị quán bằng cái vẻ vừa thèm thuồng lại vừa không ngăn được cơn buồn nôn, tiểu nhị đứng đối diện bối rối bảo: “Rốt cuộc là cô nương muốn ăn hay là muốn nôn thế…”
Muốn ăn, gã để đồ ăn xuống rồi đi, muốn nôn, vậy đừng lãng phí đồ ăn.
Ký Linh vùng vẫy lưỡng lự mâu thuẫn, cuối cùng chấp nhận số phận: “Xin lỗi, không ăn.”
Đồ ăn là nàng bảo người ta làm, nghĩ rằng vất vả cả đêm tất nhiên phải ăn thật no bụng, nào ngờ ngửi thấy mùi đồ ăn, nhất là trong đó lại có một món thịt, nàng lại buồn nôn.
Nàng, một thợ bắt yêu, lại bị yêu làm cho không nuốt nổi cơm. Đàm Vân Sơn thì nhìn thấy máu loãng rõ ràng vẫn ít nhiều trấn tĩnh. Đem hai người ra so sánh thực khiến bản thân thấy xấu hổ. Ký Linh hồi tưởng lại cảnh tượng ở nhà họ Trần, không khỏi cảm thấy hổ thẹn.
Tiểu nhị quán không biết Ký Linh nghĩ gì, chỉ thấy từ tối qua tới giờ, mọi hành động việc làm của vị khách nữ này đều khiến người ta khó hiểu bèn tò mò hỏi: “Cô nương lúc đi êm đẹp, lúc về ướt sũng, vội đòi ăn cơm, đưa lên lại không động tới. Tôi lắm miệng hỏi một câu không nên, đêm qua rốt cuộc cô nương ra ngoài làm gì vậy?”
Tất nhiên Ký Linh chẳng thể kể cho gã nghe từ đầu chí cuối nhưng cũng không cần thiết phải nói dối, mày hơi nhíu lại, nửa nghiêm túc nửa đùa vui: “Bắt yêu.”
Quả nhiên tiểu nhị quán tỏ vẻ không tin.
Ký Linh không để bụng, bảo tiểu nhị mang đồ ăn đi rồi xách vội giúp mấy thùng nước nóng lên.
Tiểu nhị làm việc rất tháo vát, chẳng mấy nước nóng đã được mang lên. Cuối cùng Ký Linh cũng có thể lau người sạch sẽ cộng thêm gội đầu, ngâm chân khoan khoái, dễ chịu.
Lúc thay bộ đồ sạch sẽ cuối cùng, Ký Linh thành tâm cầu nguyện sao đừng bị rơi xuống nước nữa.
Từ lúc tới Hòe Thành, chẳng bắt được yêu, chỉ toàn ngâm nước, tay chân đã nhăn hết lại, dù nàng đã quen màn trời chiếu đất nhưng cũng chưa từng chịu tội thế này, quả là mình lại thương mình xót xa.
Thay đồ xong, thân thể mệt nhọc, Ký Linh mặc nguyên vậy đi ngủ.
Ngủ một mạch tới quá trưa.
Ngày hôm qua nước không rút, đến giờ vẫn không rút, mưa tạnh từ hôm qua vẫn còn tạnh tới tận bây giờ.
Ký Linh ngồi bên cửa sổ, mạch suy nghĩ dần dần tỏ tường trong cơn gió nhẹ buổi chiều mang theo hơi ẩm.
Sau nửa nén nhang, Ký Linh thu dọn xong xuôi, quàng tay nải rời phòng, vịn lan can nói với tiểu nhị đang ngồi trước quầy ở sảnh lớn: “Chủ quán, trả phòng.”
*một nén nhang: ba mươi phút; một chén trà: mười lăm phút.
Tiểu nhị ngồi không đang gà gật, bị gọi một tiếng tỉnh lại, đứng ngay dậy, chạy lộc cộc lên bằng lối cầu thang không bị ngập: “Cô nương tính xuất thành à?”
Ký Linh bỏ bạc vào tay tiểu nhị: “Không, vào trong thành.”
Đàm gia ở chính giữa Hòe Thành, qua bên đó là đi sâu vào Hòe Thành.
Nhưng tiểu nhị không biết Ký Linh dự định thế nào nên mới cho rằng làm vậy là đâm đầu vào chỗ chết, lời lẽ đầy thành khẩn: “Cô nương à, mưa ngừng mà nước lại không rút, nói sao cũng là dị tượng. Người xưa nói rồi, thiên hữu biến, địa hữu tai, dị tượng ắt sinh tai vạ. Cô nương là người bên ngoài tới tôi mới nói thật với cô, Hòe Thành rõ ràng là đang bị tà ma tác quái.”
Ký Linh vốn chỉ nghe lấy lệ, vào tai trái, ra tai phải nhưng thấy tiểu nhị nói năng chắc nịch như vậy thì lại đâm ra hơi ngờ vực: “Tà ma tác quái? Huynh tận mắt thấy à?”
Không ngờ tiểu nhị lắc đầu nguầy nguậy ngay: “Mà thấy thật thì tôi nào còn mạng mà đứng đây nói chuyện với cô nương.” Phủ nhận xong, gã lại kề sát lại gần hơn, nói nhỏ: “Nhưng mà có người thấy.”
Ký Linh thót tim, hỏi ngay: “Ai?”
Tiểu nhị hơi hơi đắc ý vì đã gợi được sự tò mò của Ký Linh, gã hạ giọng nói với một chút tự hào về độ nhạy tin của mình: “Nhà họ Trần trong thành có người chết, huyện thái gia dẫn ngỗ tác và nha dịch tới, vừa định nhặt xác thì xương cốt, máu thịt, lục phủ ngũ tạng của cái xác liền biến thành máu loãng, cuối cùng chỉ còn chừa lại một bộ da. Mọi người có mặt ở đó đều trông thấy, việc này xác thực vô cùng. Cô nương nói chuyện kỳ quái như vậy có thể là do người làm được sao?”
Ngoài mặt thì Ký Linh tỏ ra rất kính cẩn nghe nhưng trong lòng lại dở khóc dở cười. Còn tưởng là có manh mối gì mới, hóa ra là chuyện này. Nhưng nghĩ thêm thì, chuyện mới xảy ra đêm qua cộng thêm tri huyện chắc chắn đã lệnh cho người dưới không được nói hở ra ngoài, vậy mà chỉ mới nửa ngày đã truyền tới khách điếm này, nếu không phải người Hòe Thành quá nhanh miệng thì đúng là tiểu nhị thực sự có tài mắt nhìn bốn phương tai nghe tám hướng.
Ký Linh bỗng nảy ra một ý.
Còn nhớ lúc mới tới nghỉ trọ, chưởng quầy có nói người Hòe Thành đời đời cư ngụ ở đây, ít có người nơi khác tới nên nhà nhà đều biết nhau. Giờ nghĩ lại thì đúng thật. Tốc độ lan truyền tin nhanh như vậy, e là cả Hòe Thành này chẳng tồn tại nổi bí mật nào…
“Tiểu nhị này,” Ký Linh bất giác cũng nói nhỏ theo, nếu lúc này có ai đó tới, chắc tám phần sẽ cho là hai vị này đang âm mưu chuyện gì đó không quang minh chính đại, “biết nhà Đàm viên ngoại trong thành chứ?”
“Tất nhiên,” tiểu nhị đáp không cần nghĩ, như thể trả lời chậm chút thôi cũng tổn hại tới hình tượng nhạy tin mà gã vừa mới đắp nặn được, “người ta là hộ giàu nhất nhì Hòe Thành.”
Ký Linh gật gù, biết ngay là đã hỏi đúng người rồi: “Có thể kể tôi nghe chút được không?”
“Nghe gì?” Cuối cùng tiểu nhị cũng hơi hơi cảnh giác.
Ký Linh tỏ ra thẳng thắn vô tư, như thể chỉ đang chuyện gẫu: “Thì là nhà họ có những ai, tiếng tăm ở Hòe Thành thế nào, đại loại thế.”
Tiểu nhị nhăn nhó có vẻ khó xử: “Cô nương hỏi thăm chuyện này để làm gì?”
Ký Linh không trả lời, móc trong tay nải ra một thỏi bạc dúi vào tay đối phương.
Tiểu nhị im im nhét bạc vào trong ngực: “Thực ra vì sao lại hỏi thăm không quan trọng, cô nương đã hỏi thì tôi cũng nói đôi chút cho cô nương nghe.”
Ký Linh rất thích sự “nhanh gọn lẹ” của gã.
Khách điếm không có khách, chưởng quầy ngủ say trong phòng mình, về lý thì dù đứng nói ngay ở hành lang cũng không phải ngại nhưng dù sao cũng là tán gẫu chuyện nhà người khác, rốt cuộc hai người vẫn về lại phòng Ký Linh.
“Đàm gia tuy là hộ giàu nhưng kể ra thì cũng đơn giản,” đóng kỹ cửa, tiểu nhị biết gì là liền nói ra, “nhà họ Đàm ở Hòe Thành bao đời, đời đời đều là nhà giàu sang phú quý, chỉ có điều không vượng đường con cái, đã năm đời độc đại đơn truyền, đến đời Đàm viên ngoại mới có được hai con trai, có điều… Ôi chao, có phải hay không cũng chưa chắc được. Dù sao đi nữa, đến giờ hai vị thiếu gia đều chưa lập gia đình. Trên dưới nhà họ Đàm chỉ có bốn người, còn lại toàn là nô bộc.”
*độc đại đơn truyền: mỗi đời chỉ có một người nối dõi
“Có phải hay không cũng chưa chắc là sao?” Ký Linh nhíu mày, đi nghe sợ nhất là chỉ nghe nửa chừng, tiểu nhị lại còn cố ý tỏ vẻ ngập ngừng ở đoạn này, quả thực giống mánh câu khách của những người làm nghề kể chuyện.
Tiểu nhị thở dài: “Loại chuyện này, cô nương biết đấy, cho dù đồn thổi sinh động thế nào thì cũng là chuyện trong nhà người ta, chúng tôi đâu có tận mắt nhìn thấy, đâu dám nói tuyệt đối quá, lỡ như nói sai thì chẳng hóa phải tội.”
Ký Linh: “…”
Trong mắt gã rõ ràng là đầy tinh thần hăng hái “mau mau để tôi làm chuyện tội lỗi đi”.
“Tôi có gặp hai vị công tử ấy rồi, nói thế nào nhỉ, quả thực là đều không được giống Đàm lão gia cho lắm.” Đến đây thì cần người nghe phải giúp sức gợi chuyện.
“Không không,” quả nhiên tay tiểu nhị không kìm chế được, nói vội bắn cả nước bọt, “đại thiếu gia nhà họ Đàm thì tướng mạo vẫn giống Đàm lão gia, khuôn mặt ấy có khác gì cùng đúc từ một khuôn, chỉ có điều vóc dáng theo đằng Đàm phu nhân nên nhìn qua mới thấy khác nhiều. Ấy còn Đàm nhị công tử thì khác, ngũ quan mà theo đằng mẹ thì còn dễ hiểu, vậy mà lại vừa không giống cha, lại chẳng giống mẹ, thế cô nương nói là giống ai?”
Ký Linh bối rối: “Ai?”
Tiểu nhị ra cái vẻ chê bai “trẻ con khó dạy”: “Cha ruột.”
“Khoan,” cuối cùng Ký Linh cũng nhận ra chỗ không ổn, “đại thiếu gia cao là theo đằng mẹ, thế nhị thiếu gia cũng cao, sao lại không phải là theo đằng mẹ? Hơn nữa, ngũ quan nhị thiếu gia và Đàm phu nhân không giống nhau lắm nhưng kể ra thì dáng vóc lại khá giống.”
“Cô nương thật không biết gì hết à?” Tiểu nhị ngạc nhiên ra mặt, vốn tưởng là hỏi thăm Đàm gia thì chắc chắn là có quen biết nhà này hoặc ít ra thì cũng biết đôi chút nên mới muốn nghe ngóng thêm những chuyện bí mật bên trong, nào ngờ chớ nói chuyện bí mật, đến tình hình đại khái vị cô nương này cũng không biết, “Nhị thiếu gia nhà họ Đàm không phải do Đàm phu nhân sinh mà là món nợ phong lưu của Đàm lão gia lúc đi dạo thanh lâu.”
“…” Ký Linh đã nghĩ vô số lý do cho thái độ lạnh nhạt, thờ ơ của Đàm viên ngoại với Đàm Vân Sơn nhưng không dự đoán được lại là thế này. Nhưng dù cho xuất thân của mẹ đẻ không tốt thì con trai vẫn cứ là con trai ruột cơ mà.
Tất nhiên tiểu nhị không thể nghe thấy tiếng lòng của Ký Linh nhưng những lời tiếp theo lại vừa hay giải đáp nghi hoặc của nàng: “Nói thì nói là dòng giống của Đàm lão gia nhưng đấy chỉ là lời một phía của cái cô thanh lâu đó, huống hồ tổ tiên nhà họ Đàm từng có người đỗ tiến sĩ, cũng coi như là dòng dõi thư hương, sao có thể để gái thanh lâu vào cửa. Hơn nữa, đằng nhà mẹ đẻ của Đàm phu nhân cũng rất có thế lực, người ta không đồng ý nạp thϊếp. Về sau Đàm viên ngoại hết cách, đành kiếm một gian nhà ở bên ngoài nuôi cô gái kia cho tới tận lúc sinh con xong, lấy máu nghiệm thân rồi mới đưa con trai về nhà chính. Có điều đấy cũng là do nhà họ Đàm năm đời độc đinh, hiếm con trai, chứ nếu Đàm phu nhân giỏi giang sinh hẳn lấy năm, sáu, bảy, tám đứa thì ai còn thèm nhận một đứa trẻ thiếu rõ ràng như vậy.”
Tuy chỉ mới đi với nhau một tối, suốt quá trình cũng không lấy gì làm vui vẻ nhưng nghe người khác nói Đàm Vân Sơn như vậy, Ký Linh vẫn thấy hơi khó chịu: “Không phải đã lấy máu nghiệm thân rồi sao, còn gì nữa mà thiếu rõ ràng.”
Tiểu nhị vỗ nhẹ mặt bàn: “Lạ chính ở chỗ này. Lấy máu nghiệm thân đúng là không thấy vấn đề gì nhưng vị nhị thiếu gia này càng lớn càng không giống Đàm lão gia. Giả như không giống cha thì giống mẹ cũng được. Nhưng mà nghe nói cô gái thanh lâu kia mắt phượng mày thanh, nhỏ nhắn xinh xẻo. Đàm nhị thiếu gia từ diện mạo tới vóc dáng chẳng giống mẹ một nét nào. Thế nên Đàm lão gia mới không chắc chắn. Chà, đã không giống ta cũng không giống mẹ nó, thế thì kiểu gì cũng phải giống ai đó chứ. Giống ai đây? Chỉ có thể là một thằng cha lang chạ nào đó rồi.”
“Thế giải thích thế nào chuyện lấy máu nghiệm thân?”
“Không giải thích được nhưng ngày ngày nhìn thấy một gương mặt hoàn toàn không giống mình, dù đã lấy máu kiểm nghiệm máu mủ nhưng trong lòng nghi ngờ thì vẫn cứ nghi ngờ.”
Ký Linh hiểu ý của tiểu nhị.
Xuống núi hai năm rưỡi, nàng từng bắt không ít yêu nhưng số người đã gặp còn nhiều hơn. Chớ nói chi mẹ đẻ của Đàm Vân Sơn không được cưới hỏi đàng hoàng, cho dù là phu nhân được cưới hỏi đàng hoàng mà con sinh ra chẳng giống cha mẹ một nét nào thì hàng xóm láng giềng cũng sẽ nói ra nói vào, cứ nghe mãi thì cho dù là người vốn tính kiên định cũng sẽ lung lay, huống chi tình huống nhà Đàm lão gia lại thế này.
Nhưng chuyện này không nên bắt Đàm Vân Sơn phải chịu tội.
“Người mẹ thì sao?” Ký Linh bỗng nghĩ tới một vấn đề, “Sau khi lấy máu nghiệm thân, Đàm viên ngoại bế con trai về, còn mẹ đứa bé thì sao?”
“Khó sinh,” tiểu nhị nói tới đây cũng thấy hơi thương hại cô gái kia, “nghe nói người vốn đã yếu, đau một ngày một đêm mới sinh được. Đứa bé vừa khóc một tiếng thì cô ấy đi.”
Ký Linh thấy chua xót trong lòng, không biết phải nói gì.
“Ôi,” tiểu nhị thở dài, “dù sao chuyện là vậy đó, ngoài mặt thì gọi là đại thiếu gia, nhị thiếu gia Đàm gia nhưng trong lòng có lẽ chỉ nhận một đứa là con trai. Bằng không, thế hệ này của Đàm gia tên lót là hàng chữ “Thế”, sao đại thiếu gia tên là Đàm Thế Tông mà nhị thiếu gia lại là Đàm Vân Sơn.”
*một số gia đình có quy định đặt tên lót của các đời con cháu lần lượt theo chữ trong một câu hay một bài thơ do tổ tiên đặt ra mang ngụ ý tốt đẹp. Ví dụ như bài
TruyenHDdo Minh Mạng định để đặt tên cho con cháu Hoàng tộc nhà Nguyễn.
Ký Linh không ngờ chỉ một cái tên cũng ra chuyện để nói.
Kết hợp lời tiểu nhị và kinh nghiệm của bản thân lúc ở Đàm gia, xem ra thái độ thân sơ của Đàm viên ngoại với hai người con trai thật quá rõ ràng.
Khoan, có chỗ không ổn…
“Vừa lọt lòng sao đã nhìn ra được vóc dáng diện mạo, hơn nữa lấy máu nghiệm thân không thấy vấn đề gì, sao lại không cho đặt tên theo lệ?” Ký Linh càng nghĩ càng thấy bất hợp lý.
“Ban đầu tất nhiên là có đặt,” tiểu nhị tỏ vẻ như muốn nói cô nương vội cái gì, tôi đang định nói đây, “Vân Sơn chỉ là tên gọi lúc nhỏ, sau này càng lớn càng không giống mới sửa luôn tên thành Đàm Vân Sơn.”
Ký Linh cảm giác mình khó mà nén được lửa giận, làm vậy cũng được sao?
“Đâu ra lý nuôi mãi rồi lại đổi tên của người ta như vậy, đã không muốn nhận con thì cứ đuổi đi cho xong, để người ta ngày ngày gọi mình là “cha”, thật hời quá!”
Tiểu nhị có cảm tượng cô nương trước mặt sắp sửa nhảy lên cào mình, vội nói khẽ: “Tôi nghe chưởng quầy của chúng tôi nói chuyện này có chỗ lạ. Thực ra hồi sáu, bảy tuổi đã nhận ra là không giống, sau đó thì vóc dáng ngày càng cao. Đàm lão phu nhân, chính là mẹ của Đàm viên ngoại lúc ấy còn tại thế đã tính bảo Đàm viên ngoại đuổi đi, sau đó chẳng biết thế nào mà lại không đuổi nữa, còn nuôi nấng rõ tử tế. Có điều từ sau dạo đó thì cải danh, không cho dùng chữ “Thế” nữa, tên chính thức là Đàm Vân Sơn.”
Câu chuyện chuyển hướng quá nhanh, Ký Linh không hiểu: “Sao lại không đuổi nữa?”
“Không biết,” tiểu nhị lắc đầu, “thế mới nói là lạ mà.”
Khó lắm mới gặp được một người thích tán gẫu, thích được hỏi này hỏi nọ, không ngờ càng nói chuyện lại càng thêm khó hiểu. Nghi vấn lúc đầu đã được giải nhưng lại có thêm rất nhiều nghi vấn mới. Trong lúc đi cùng tiểu nhị xuống dưới tầng, Ký Linh thấy hơi hối hận vì đã nhiều chuyện.
Thấy nàng nhíu chặt chân mày, tiểu nhị bèn bảo: “Cô nương này, tôi không biết cô nương có giao tình thế nào với Đàm gia nhưng chuyện này thì thực ra cô nương cũng không cần để ý quá làm gì. Đến Đàm nhị thiếu gia còn chẳng để tâm, ngày ngày ăn uống nói cười có lúc nào không, quan hệ với Đàm phu nhân và đại thiếu gia cũng tạm được, cuộc sống nếu mà so với đám người nghèo khổ chúng tôi thì đúng là một trời một vực, thực sự không cần ai phải thương hại. Đàm viên ngoại lại càng khỏi bàn, giờ còn lập cả phòng nhì… Ấy, câu này cô nương coi như chưa từng nghe nhé, nhất định đấy.”
Ký Linh thấy tiểu nhị sầu muộn vì phải gắng gượng nuốt lời đang nói dở vào, cuối cùng cũng nở nụ cười đầu tiên kể từ khi thức dậy lúc quá trưa.
Rõ ràng là lai lịch của nhị thiếu gia đã trở thành chuyện giải trí lúc trà dư tửu hậu của người Hòe Thành, chỉ cần tránh nói trước mặt người nhà họ Đàm thì có thể nói thoải mái, còn chuyện Đàm viên ngoại lập phòng nhì thì xem chừng vẫn còn là bí mật, nói không chừng người biết chuyện còn bị Đàm viên ngoại bịt miệng, giờ nói lỡ ra thật ngượng.
Ký Linh không quan tâm chuyện trăng hoa của Đàm viên ngoại nên vờ như không nghe thấy, nhún nhẹ chân một cái, nhẹ nhàng đáp xuống chậu gỗ đang nổi giữa đại sảnh – nửa nén bạc vụn, chiếc chậu này giờ đã thuộc về nàng.
“Cô nương nhất định phải cẩn thận…” Tiểu nhị không biết nàng muốn đi đâu nhưng thấy khách rộng tay hào phóng thì cũng dặn dò đôi câu.
Ký Linh đưa lưng về phía gã, vẫy vẫy tay chào rồi cắm chiếc đĩa sứ sáng bóng vào nước, chèo đi.
Sau một đêm, kỹ thuật chèo thuyền của Ký Linh đã vô cùng thành thạo, hơn nữa không gió, không mưa, lại còn xuôi dòng, chẳng mấy chốc đã tới Đàm gia.
Lần này, gã người hầu không phải vào thông bẩm nữa mà cung kính đón ngay Ký Linh vào nhà.
Vẫn là hậu trạch, vẫn là sảnh trà nước, vẫn là Đàm Vân Sơn.
Mặc dù đã tạnh mưa nhưng trời chưa hửng, sảnh trà nước vẫn tối như thế nên vẫn phải thắp nến giống đêm qua. Nhị thiếu gia nhà họ Đàm cầm sách trên tay tập trung đọc dưới ánh nến lắc lư, cả thể xác lẫn tinh thần đều đắm mình trong trang sách, thỉnh thoảng còn chậc chậc mấy tiếng, không biết lại tưởng huynh ta đang cần mẫn dùi mài chuẩn bị thi lấy Trạng nguyên. Kết quả, thấy Ký Linh tới, huynh ta đứng dậy chào, tiện tay để quyển sách xuống bàn, năm chữ lớn đề trên bìa sách hiện ra dưới nến: Kỳ yêu dị nhân truyện.
*Kỳ yêu dị nhân truyện: những truyện kỳ quặc, lạ lùng của người và yêu
Sau một phen “nghe ngóng chuyện bí mật” với tiểu nhị, gặp lại Đàm Vân Sơn, trong lòng Ký Linh có ít nhiều thay đổi, chí ít là không thể làm dữ nổi: “Nghĩ sao lại đọc loại sách này?”
Đàm Vân Sơn đã chuẩn bị sẵn tinh thần bị Ký Linh tàn nhẫn mỉa mai, không ngờ đúng là có mỉa mai một chút nhưng thái độ vẫn ôn hòa, còn có thể nghe ra chút dịu dàng nên lấy làm bất ngờ: “Biết người biết ta thôi.”
Ký Linh mỉm cười, khi trước nàng đã cảm thấy, bỏ qua những chuyện khác, riêng tính cách “thẳng thắn thành thật” này đã đủ để nàng có thể nhẫn nại tiếp tục “kề vai chiến đấu” với đối phương. Cho dù phần lớn những lúc “thẳng thắn thành thật” của đối phương là để chất vấn thân phận và bản lĩnh của nàng.
“Cuối cùng cũng tin trên đời này có yêu, tin tôi không phải phường lừa đảo?”
“Sau khi trở về, tôi nghĩ đi nghĩ lại thấy không người nào có khả năng tạo thành một thi thể như vậy.”
Không biết có phải ảo giác hay không, Ký Linh có cảm giác lúc nói tới chỗ “nghĩ đi nghĩ lại”, sắc mặt Đàm Vân Sơn không được tốt cho lắm.
“Đàm viên ngoại đâu?” Tới tận lúc này Ký Linh mới nhận ra từ khi vào nhà tới giờ vẫn chưa thấy bóng người nào của Đàm gia ngoại trừ Đàm Vân Sơn. Nếu nói là Đàm phu nhân ở trong nhà không tiện lộ mặt thì cũng bình thường nhưng Đàm viên ngoại và Đàm Thế Tông sao cũng không thấy bóng?
“Đều đang trốn hết ở trong phòng,” Đàm Vân Sơn nghe Ký Linh hỏi một liền biết suy ngay ra hai, ba, “cô nương đã khẳng định yêu tinh chỉ đi loanh quanh giữa hai nhà chúng tôi, mọi người đâu còn dám ra ngoài nữa. Hơn nữa còn dặn đi dặn lại bảo tôi phải đưa thêm cho cô nương chút bạc, mau mau diệt trừ, xua đuổi yêu tinh.”
Ba người đều đi trốn, chỉ mỗi mình Đàm Vân Sơn ra ngoài mạo hiểm… Trong lòng Ký Linh không mấy thoải mái nhưng vẫn cố ý chìa tay ra: “Đưa đây đi.”
“Tôi đã từ chối giúp cô nương rồi.” Đàm Vân Sơn mỉm cười, nói sang sảng, “Tôi nói với cha rằng thầy hàng yêu phục ma là vì chính nghĩa, cũng đã nói rõ là không lấy một xu, nếu cha cứ khăng khăng bắt thầy phải nhận tiền, không khéo lại làm thầy giận.”
Ký Linh nghiến răng nghiến lợi.
Tất nhiên nàng không thiếu chút bạc ấy nhưng thực sự không chịu được cái vẻ ung dung đắc ý đó của Đàm Vân Sơn. Dẫu vậy, đối phương bình tĩnh như thế thì ắt đã chuẩn bị kỹ càng, đao thương bất nhập, có thể nói là vô địch.
Đàm Vân Sơn biết không thể trêu thêm, tuy chỉ mới tiếp xúc một thời gian ngắn nhưng tính cách Ký Linh đơn giản, bộc trực, rất dễ nhìn thấu nên chàng có thể chắc chắn rằng nếu giờ thừa thắng xông lên nói nữa thì kết quả tất nhiên là bản thân sẽ bị đàn áp bằng vũ lực.
Nghĩ vậy, chàng chủ động quay về chính sự: “Có thể nói rõ hơn cho tôi biết hiện giờ là thứ yêu quái gì đang gây họa ở Hòe Thành được không?”
Nhắc đến chuyện này, tâm trạng Ký Linh bỗng chốc chìm xuống đáy vực.
Nàng ngồi xuống, lặng lẽ tự rót cho mình một chén trà, nhấp nhẹ mấy hơi lại trầm ngâm thêm một hồi mới thở dài khe khẽ: “Tôi cũng không biết.”
Đàm Vân Sơn suýt ngã: “Cô nương đừng dọa tôi.”
“Tôi không biết thật.” Hiếm khi Ký Linh mới nhìn chàng đầy chân thành, “Tôi chỉ có thể nói rằng yêu này khác với tất thảy những yêu quái tôi từng gặp trước đây.”
Đàm Vân Sơn nhíu mày: “Nghĩa là sao?”
Ký Linh nói: “Yêu được sinh ra từ linh khí của trời đất, lớn lên nhờ tinh hoa nhật nguyệt, sau đó tu nhờ thế gian, lấy tinh khí của vạn vật, không có điểm tận cùng. Thuở nhỏ lúc tôi còn chưa tu tập cách hàng yêu, sư phụ đã bắt tôi học thuộc lòng câu này. Sư phụ nói rằng muốn bắt yêu thì trước phải hiểu yêu. Ý câu này là yêu hình thành nhờ linh khí trời đất, tinh hoa nhật nguyệt nhưng về sau tu luyện thì chỉ có con đường duy nhất là hấp thụ tinh khí của vạn vật, hơn nữa, con đường tu luyện không có điểm tận cùng.”
Đàm Vân Sơn hỏi: “Không có điểm tận cùng ý là…”
Ký Linh nói: “Con đường tu luyện này không có điểm tận cùng, không có kết quả. Ban đầu, yêu quái có thể nhờ tu hành biến từ tiểu yêu thành đại yêu, từ đại yêu biến thành hình người, thậm chí cuối cùng biến thành lão yêu ngàn tuổi, vạn tuổi nhưng vĩnh viễn không có khả năng thực sự biến thành con người ăn hoa màu, ngũ cốc để sống, đương nhiên càng không thể thành tiên.”
Đàm Vân Sơn lại hỏi: “Vậy “hấp thụ tinh khí của vạn vật” nghĩa là thế nào?”
“Vạn vật gồm có…” Ký Linh chấm ngón tay vào nước trà, vẽ một đường sóng gợn uốn lượn, một cái gì đó không biết là cái gì và một cái có vẻ như là hình người lên mặt bàn, vẽ đến đâu nói đến đấy, “Thảo mộc sơn lâm, phi cầm tẩu thú, người.”
*cây cỏ núi rừng, các loài thú chạy dưới đất, chim bay trên trời, con người
Đàm Vân Sơn bối rối nhìn những hình vẽ đó, cuối cùng quyết định khuyên một câu: “Nói thôi là được, không cần vẽ, vất vả quá.”
Ký Linh không hiểu được “lời khó nói” của Đàm nhị thiếu gia, vẫn mải chìm trong mạch suy nghĩ của bản thân: “Trong ba thứ này, tinh khí của con người giúp tăng tu vi nhanh nhất. Bởi vậy nhiều yêu quái không chịu ẩn náu trong rừng từ từ tu luyện mà chọn con đường này.”
Đàm Vân Sơn trở nên nghiêm túc, không còn muốn đùa nữa: “Người bị yêu hút tinh khí thì sao?”
“Nhẹ thì điên dại, suốt đời ngu ngơ, nặng thì bệnh liệt giường, ốm chết.” Ký Linh nói xong đưa mắt nhìn xa xăm như thể có thể xuyên qua ổ cửa nhìn thấy thảm trạng bên giếng nước nhà họ Trần tối qua, “Nhưng chưa từng có chuyện xương thịt hóa thành máu, chỉ còn túi da.”
Đàm Vân Sơn ngẫm nghĩ một hồi, ôm lòng cầu may hỏi thử: “Nếu đã khác với những gì cô nương từng thấy, liệu có lẽ nào không phải là yêu?”
Ký Linh lắc đầu ngay không chút đắn đo: “Chỉ có khả năng là một yêu quái hiếm thấy hơn, mạnh hơn, hung ác hơn.”
Đàm Vân Sơn gật gật đầu, hy vọng vụt tắt.
Một lúc sau…
“Tôi có thể về phòng nghỉ ngơi được không? Dù sao tôi cũng chỉ là một thư sinh trói gà không chặt, không giúp được gì cho cô nương…”
“Không được.”
“Vì sao?”
“Tôi đã có cách ứng phó rồi.”
“Thật sao!”
“Nhưng cần có mồi nhử.”
“…”
Sau chuyện đêm qua, hai người sau khi tách ra đều tự hồi tưởng lại cảnh họ ở Trần phủ, không hẹn mà cùng có ấn tượng mới về đối phương. Đàm Vân Sơn thích sự dũng cảm, chính nghĩa của Ký Linh. Ký Linh ngạc nhiên trước thái độ bình tĩnh của Đàm Vân Sơn. Nhờ ấn tượng mới này mà hiện giờ gặp lại, thái độ hai người đều thân thiện hơn, khâm phục đối phương hơn.
“Dụ được yêu rồi thì làm thế nào?”
“Bất chấp giá nào liều mạng một phen.”
“Thứ cô nương bất chấp giá nào hình như là tôi.”
“Sợ?”
“… Tôi chưa từng thấy cô nương nào lỗ mãng như cô nương.”
“Tôi thì lại gặp nhiều công tử vô dụng như công tử rồi.”
… Đã gọi là không hợp nhau nghĩa là không thể thân thiện được lâu dài, lòng khâm phục chết yểu trong nháy mắt, chỉ còn lại hiềm ghét, bực bội triền miên không có ngày dừng.
Chú giải:
*Đọc thêm về Chu Công ở đây:
TruyenHD. Về chuyện định ra thể chế, lễ nghi, ông có rất nhiều thành tựu lớn, đơn cử là việc đặt ra lễ Chu Công. Khi nhà Chu mới lập nước, quan hệ tìиɧ ɖu͙© của nam nữ lúc bấy giờ vô cùng phóng túng. Chu Công thấy vậy đã đặt ra quy định rằng nam nữ không được quan hệ trước khi kết hôn. Sau đó mọi người gọi đây là “Chu Công chi lễ”.
Chu Công tên thật là Cơ Đán, chữ “Công” trong cách gọi Chu Công hay Chu Công Đán là để chỉ tước vị (tước “Công” là tước to nhất trong năm tước “Công Hầu Bá Tử Nam”), Cơ Đán phụng sự cho nhà Chu là triều đại phong kiến dài nhất lịch sử Trung Quốc, tiếp sau nó là thời Xuân Thu – Chiến Quốc rồi mới tới nhà Tần (nổi tiếng với hoàng đế Tần Thủy Hoàng).
Mối liên hệ giữa Chu Công và Khổng Tử: Khổng Tử sinh vào thời Xuân Thu ở nước Lỗ. Nước Lỗ là đất vua Chu ban cho Chu Công nhưng do bận triều chính nên con trai Chu Công về cai quản vùng này thay cha và trở thành vị vua đầu tiên của nước Lỗ (nước Lỗ lúc này là chư hầu của nhà Chu).
*tiểu nhị (tiếng Trung: 小二) dùng để gọi những người làm phục vụ trong quán ăn, quán rượu, quán trọ. Thời nhà Nguyên, những người ở tầng lớp đáy của xã hội không có cơ hội được đi học và không có tên, họ thường được gọi theo thứ tự lớn bé trong nhà. Những người làm phục vụ ở quán cũng không có tên như vậy và vì chủ quán trong tiếng Trung gọi là 店老大 (điếm lão đại) là người to nhất nên những người phục vụ được gọi là 店小二 (điếm tiểu nhị), “điếm” là quán, “tiểu” đối với “lão”, người nhỏ dưới “đại” là “nhị”.