- 🏠 Home
- Dân Quốc
- Đông Phương
- Kinh Thành Về Đêm (Dạ Lan Kinh Hoa)
- Chương 34: Trăng thành cổ thiên thu (1)
Kinh Thành Về Đêm (Dạ Lan Kinh Hoa)
Chương 34: Trăng thành cổ thiên thu (1)
Lúc bọn họ về đến nhà, chú chín Hà đã chờ sẵn trong đông viện.
Nhà của Hà Tri Khanh trong thành Bắc Kinh không ai ở, ông cũng lười đến quét dọn, chỉ sai người sắp xếp lại thư phòng lớn của sân viện bên kia, định bụng ở lại Bắc Kinh qua mấy tháng. Chờ khi sóng gió Hà gia qua đi thì nói tiếp.
Khi người khác vừa đến, hai thím của cô cũng vào tới nơi, mang theo con mèo, có cả trà thơm. Chú chín bình thường thích rất nhiều thứ lặt vặt, toàn bộ đều được vận chuyển đến đây. Lúc Hà Vị bước vào thư phòng lớn, thím nhỏ cô vừa mới treo rèm châu ngày thường hay dùng…
Cô hơi hoảng hốt, nghĩ mình đang ở biệt thự Thiên Tân.
Hà Tri Khanh không tiện đi lại, ngồi xe lăn nhìn về phía cô: “Cháu rể chú đâu?”
Tạ Vụ Thanh đi theo Hà Vị vào phòng.
“Ta thật sự không nghĩ sẽ làm trưởng bối. Nếu không phải vì cậu định cưới cháu gái ta, thật muốn xưng hai tiếng anh em với cậu”, Hà Tri Khanh khẽ thở dài, “Chung quy cũng vì chúng ta không có duyên làm anh em của nhau”.
Thím lớn nghe không lọt tai nữa, đá một cái vào bánh trước xe lăn.
Ông bảo Tạ Vụ Thanh và Hà Vị ngồi xuống: “Chuyện của Hà gia là chuyện nhà, trong đó còn quanh co vòng vèo quá nhiều thứ, ta cũng lười nói tới. Có điều nếu ta đã ở đây, không thể loạn được”.
Nói cho cùng, một chi nhỏ của Hà gia có thể lập nghiệp ở Bắc Kinh, chính nhờ nhà mẹ ruột của Hà Tri Khanh.
Mẹ Hà Tri Khanh sinh ra trong một gia đình phú quý, nhưng vì từng có con riêng với người ngoài nên không thể không gả cho Hà gia, của hồi môn của bà mang theo giúp Hà gia có của ăn của để, sau này mới sinh ra Hà Tri Khanh. Thế nên địa vị của phòng chín Hà gia từ trước đến nay luôn rất cao.
Thuở nhỏ Hà Tri Khanh được cha yêu thương hết mực, trước thời khắc lâm chung, ông từng đồng ý với cha, vì sự hưng thịnh của Hà gia tuyệt đối không tranh giành với phòng lớn, vì vậy nhiều năm trôi qua dù bị kìm kẹp tay chân, hay bị ép đến sống ở Thiên Tân, ông cũng cố nhẫn nhịn.
Hiện tại những trói buộc kia đều bị Tạ Vụ Thanh tháo gỡ.
“Thật ra những đứa cháu trai cháu gái này đối với ta mà nói, giống như lòng bàn tay mu bàn tay đều là thịt cả, cũng không chỉ vì lời dặn dò của cha trước lúc qua đời, ta nghĩ đến cảnh một khi Hà Tri Nghiễm rớt đài, những đứa trẻ của phòng lớn ấy…” Hà Tri Khanh thở dài, “Bất quá đó đều là những gì ông ấy đáng nhận. Cậu làm rất tốt, làm được chuyện quan trọng mà ta không thể làm bao lâu nay, những thứ khác đều là nhỏ nhặt”.
Trong mắt Hà Tri Khanh, những chuyện sau này đều không đáng nói, trước mắt ông lại quan tâm một thứ còn quan trọng hơn.
“Lúc ta từ Thiên Tân tới bị trễ một chuyến tàu, đã gặp người của Thanh bang [1]”, Hà Tri Khanh nói, “Bọn họ đến tìm ta, nói có tin tức liên quan đến cậu. Lại nói cậu phải cảm ơn Vị Vị đấy, nếu không phải bọn họ nghe thấy cậu và Vị Vị đang ở bên nhau, cũng không nghĩ đến chuyện dâng một đao đến Hà gia, bán tin tức này cho ta”.
[1] Thanh bang là tên của một tổ chức bí mật của Trung Quốc, sau này là tổ chức phản động, hay còn gọi là băng nhóm xã hội đen nổi danh ở Thượng Hải và Hồng Kông những năm Dân quốc.
Thế lực lớn nhất của Thanh bang nằm ở Bến Thượng Hải và Thiên Tân. Chính vì Thiên Tân là đầu mối giao đường thuỷ và đường bộ, bang hội ngoại trừ kinh doanh thuốc phiện kỹ viện cùng sòng bạc, thì phần lớn nguồn thu đều nhờ vào việc làm ăn của vận tải hàng hoá, ví như dỡ hàng ở bến tàu, dỡ hàng ở sân ga, còn có vận chuyển hàng hoá về kho chứa, thậm chí là bốc dỡ hàng hoá trong nhà xưởng, tất cả đều phải nộp tiền cho họ. Hà gia làm nghề vận chuyển, đương nhiên là miếng thịt mỡ quanh năm mà họ nhắm đến.
Mấy chuyện bề nổi này, vẫn là Hà Tri Khanh thay Hà Vị xử lý.
“Tạ tướng quân à”, chú chín Hà cười, nhẹ giọng nói, “Khách sạn Lục Quốc tối nay là chỗ chết của cậu”.
Hà Vị sửng sốt.
“Có quân phiệt ở phía nam mua đứt một tên sát thủ, sai người đó vào khách sạn Lục Quốc ám sát cậu. Cậu nghe ta nói một chút, kẻ này muốn xuống tay với cậu ngay khách sạn Lục Quốc, có thể thấy hận thù với cậu nhiều thế nào, đến cả việc mạo hiểm đắc tội với sáu nước cũng muốn cậu phải chết”. Chú chín Hà nhỏ giọng nói, “Cậu nên cảm ơn Vị Vị chúng ta, Thanh bang bọn họ vì muốn kiếm chút tiền từ nhà ta nên sẽ không động tay vào chỗ đó. Chỉ cần lúc này đổi thành cậu ngồi trong một khuê phòng của vị tiểu thư nào khác, e đã sớm nằm bất động trên giường đầu lìa khỏi thân rồi”.
Tạ Vụ Thanh mỉm cười.
“Ta hiểu mà, trong lòng cậu đang nghĩ, muốn gϊếŧ cậu thật không dễ như thế”, chú chín Hà thay anh nói, “Nhưng cho dù là mèo, cũng chỉ có chín cái mạng. Cậu đã chết mấy lần rồi? Tự mình tính toán xem? Còn có thể chết được bao nhiêu lần nữa đây?”
Chú chín Hà ngừng lại nhìn Tạ Vụ Thanh, trên mặt vẫn trêu chọc không thôi, nhưng trong mắt ánh lên vẻ nghiêm túc quan tâm.
Lời vừa rồi ông nói là thật lòng, nếu không phải vì Hà Vị, ông thật sự sẽ xưng hô anh em bạn bè với Tạ Vụ Thanh.
Tạ Vụ Thanh đành phải nói thẳng: “Chuyện này cháu đã biết. Vốn định đêm qua sẽ rời đi, mục đích cũng vì tránh né buổi vũ hội ở khách sạn Lục Quốc này, nhưng hiện tại cháu còn ở Bắc Kinh, không lý gì không đến”.
Nếu anh không đi sẽ bị đối phương phát hiện, khi đó chờ đợi anh chính là đường chết liên tiếp. Lần này Thanh bang còn xem xét nể mặt Hà nhị gia, sau lỡ như trở mặt không quan tâm thể hiện Hà nhị gia nữa, nhất định sẽ liên luỵ đến Hà Vị.
“Tối nay ta sẽ đặt bàn ở Quảng Đức Lâu”, Hà Tri Khanh nói thẳng, “Khách sạn Lục Quốc là chỗ của người nước ngoài, hẻm Đông Giao Dân không phải nơi thuộc về chúng ta. Nhưng bên ngoài hẻm Đông Giao Dân, bên trong Tứ Cửu Thành, đều là đất của người Trung Quốc”.
Hà Tri Khanh dõng dạc nói: “Chú chín Hà gia quay về thành Bắc Kinh, đãi khách trong Tứ Cửu Thành. Mời Tạ thiếu tướng quân vui lòng đến dự”.
Đây là cái cớ để Tạ Vụ Thanh không đến vũ hội ở khách sạn Lục Quốc.
Ngược lại anh cũng không sợ đắc tội với chính phủ Đoàn thị [2], chuyến này trở về chính là ngày khai chiến, còn lo đắc tội hay không làm gì.
[2] Ý chỉ chính phủ lâm thời do Đoàn Kỳ Thuỵ đứng đầu vào giai đoạn này
“Còn một câu nữa ta phải nói”, Hà Tri Khanh tiếp lời, “Nếu xác định phải đi, vậy tối nay liền đi ngay, ông chủ rạp hát kia từng nợ ta một ân tình. Ta có thể bảo ông ấy hộ tống cậu ra khỏi thành. Con đường còn lại, ta tin Tạ thiếu tướng quân có thể tự lo liệu tốt hơn ta”.
Hà Vị đến giờ vẫn trầm mặc, cuối cùng cũng hiểu rõ ngọn nguồn, anh vốn phải rời đi vào tối qua, nhưng vì cô mới ở lại tận hôm nay.
“Ta nói xong rồi”, Hà Tri Khanh biết chuyện níu chân Tạ Vụ Thanh là gì, nháy mắt về Hà Vị, “Các cháu nói đi”.
Hà Tri Khanh cùng thím lớn rời khỏi phòng, nhường lại không gian cho họ trò chuyện.
Cô nhỏ giọng hỏi: “Vì sao không nói thật với em?”
Tạ Vụ Thanh định mở miệng.
“Để em nói trước đã”, cô chậm rãi tiếp lời, “Em biết khi đoàn đại biểu dừng chân ở Thượng Hải, từng bị nhà báo nước Anh gây khó dễ, sau còn bị cản lại không cho vào tô giới. Đến Thiên Tân, đoàn đại biểu gặp người trong Phụng hệ, nghe họ khuyên nên từ bỏ chủ trương… Em cũng biết, chính phủ lâm thời sai nhóm đại biểu tiếp đón qua loa cho có lệ với các anh, thật ra từ lâu đã bàn bạc ổn thoả với công sứ các nước”.
Toàn bộ cô đều biết được từ miệng người khác, anh thật không dễ dàng.
“Anh Thanh, em hy vọng sau này, đây là những điều do chính anh nói với em”, cô thì thầm, “Em cũng muốn biết chuyện trên chiến trường của anh, anh thắng ai, bị thương chỗ nào. Mỗi ngày anh đối mặt với điều gì, chỉ cần không phải chuyện cơ mật, cho dù cách xa mấy ngàn dặm, em đều muốn biết hết. Em không sợ biết mọi chuyện, điều em sợ nhất là mơ hồ không rõ… Cái gì cũng không biết đến khi anh biến mất không tăm hơi”.
Tạ Vụ Thanh nhìn cô chăm chú, không đáp một lời.
Cuối cùng cô nói xong, nhìn về phía anh: “Em đảm bảo với anh, em sẽ không vì anh chết mà chết theo anh. Cho dù anh thật sự hy sinh vì nước, em vẫn có thể tự sống tốt. Cùng lắm thì, kiếp sau em sẽ đến tìm anh”.
Tạ Vụ Thanh trầm mặc, đứng thẳng người bên cạnh cô.
Áo khoác quân phục trước đó đã được đưa cho phó quan, anh xốc rèm châu ra ngoài, tay cầm áo khoác trở về. Anh kéo một cái ghế cao đến trước cô, ngồi xuống mặt đối mặt với cô.
Từ trong túi áo khoác, anh lấy ra một hộp sứ trắng mà con gái hay dùng, trên mặt hộp phấn in hoa lá đỏ đỏ xanh xanh, giữa đám hoa lá vây quanh có một chữ “Hỉ” hồng rực.
“Hè năm ngoái, quân đội bạn lâm trận phản bội, anh dẫn theo người đột phá vòng vây, bị tách khỏi bộ đội chủ lực. Hơn một ngàn người, cuối cùng trở về chưa đầy một trăm”, anh cầm hộp sứ trắng kia, “Lúc đó trong doanh trại thương binh có hai nữ y tá, các cô ấy biết anh có bạn gái, lần nọ cải trang đến trấn lân cận mua thuốc trị thương, một trong hai người mang về thứ này đưa cho anh, nói là… đồ cô dâu hay dùng”.
Anh im lặng một lúc lại nói, “Sau đó, người ấy chết trận”. Chết trận như những binh lính bình thường khác.
Lúc ấy anh sai người bảo vệ hai nữ y tá đi trước, nhưng người y tá đó nói với anh, trước kia tướng quân không muốn thu nhận chúng tôi vào đội ngũ của mình, chỉ vì lo sợ chúng tôi là phụ nữ, dễ bị người khác bắt nạt khinh khi, luôn lo lắng chúng tôi rơi vào tay địch, nếu đến tận hôm nay tướng quân vẫn còn e ngại chúng tôi là phận con gái, ưu tiên để chúng tôi đi, vậy thì có khác gì chúng tôi trở thành gánh nặng của hơn một ngàn người nơi này. Bọn họ còn bảo, tướng quân từng nói chúng tôi là hai đấng cứu thế của những thương binh ấy, đấng cứu thế sao có thể bỏ đi được?
Mắt cô nóng lên: “Người còn lại còn sống không?”
“Đến học ở trường y tá rồi”.
Tạ Vụ Thanh kéo tay Hà Vị, đặt cái hộp sứ trắng vào lòng bàn tay cô.
“Chiến trường tàn nhẫn”, anh thấp giọng nói, “Sau này anh sẽ cố gắng viết thư nhà cho em”.
Cô nắm chặt hộp sứ trắng kia, gật nhẹ đầu.
Hai người bốn mắt nhìn nhau.
“Tối nay anh đi đi”, cô nhỏ giọng thủ thỉ, “Đây là cơ hội tốt nhất”.
Hà Vị gọi món chính từ tửu lầu, cùng với những hộp thức ăn mua sẵn bày đầy một bàn.
Món cơm mộc tê chú chín thích ăn nhất do đích thân cô xuống bếp chuẩn bị, thật ra là một phần cơm chiên trứng. Mộc tê vốn là hoa quế, vì trứng chiên lẫn trong cơm đẹp mắt, nhìn sắc trứng óng ánh nho nhỏ giống hệt quế hoa.
“Đây là món sở trường của Vị Vị, ngay cả tám đại lâu cũng không bằng”. Chú chín đắc ý nói.
Tạ Vụ Thanh cầm đũa, nhỏ giọng hỏi cô: “Thích hoa quế à?”
Lúc ở Ngọc Hồ Xuân, cô pha lẫn trà hoa quế cùng rượu Mao Đài.
Cô gật đầu: “Từ nhỏ đã thích rồi”.
Căn nhà này, từ lúc anh trai cô mất, đây là lần đầu tiên có nhiều người cùng vây quanh bàn cơm gia đình như thế.
Hà Vị đưa cho Tạ Vụ Thanh một bát cơm đơm đầy: “Anh ăn nhiều một chút, tối còn phải uống rượu”.
“Vị Vị làm riêng cho cậu đấy, cơm hấp mềm hơn”. Thím nhỏ nói.
Tạ Vụ Thanh dưới ánh mắt của cô, chậm rãi ăn hai đũa, hình như trong cơm mộc tê thoáng ngửi thấy mùi hoa quế.
Mấy phó quan của Tạ Vụ Thanh cũng được mời vào sương phòng dùng cơm. Những cô gái nhìn thẳng Lâm phó quan đã quen biết từ lâu và ‘Đọc sách’ trắng trẻo gọn gàng.
“Tên anh là gì?” Quân Khương hỏi ‘Đọc sách’.
“Vương… Cẩn”. ‘Đọc sách’ chưa bao giờ bước vào một căn nhà lớn thế này, cũng chưa từng gặp nhiều cô gái hiền lành xinh đẹp đến vậy.
“Khẩn trương gì chứ”, Quân Khương cười nói, “Sau này đều trở thành người một nhà”.
Chờ Quân Khương đi rồi, Vương Cẩn thấp giọng hỏi Lâm Kiêu: “Lâm phó quan… Mấy ngày nay tôi vẫn muốn hỏi ngài, gốc gác tướng quân rốt cuộc thế nào? Nhà vợ tương lai phú quý như vậy”.
Từ lúc Vương Cẩn đi theo Tạ thiếu tướng quân đã biết Tạ Khanh Hoài, nhưng không phải trên chiến trường, mà ở trường quân đội, cũng chưa từng đến căn hộ của anh hay thành Quảng Châu. Đến tận khi ra bắc mới biết tướng quân còn có một cái tên khác, thuộc về người nhà của anh. Tính ra hắn là người mới nhất bên cạnh Tạ Vụ Thanh, tuy mọi chuyện đều như sương mù, nhưng hắn không dám hỏi, sợ lỡ nói sai điều gì, chỉ dám suy đoán lung tung, nhịn đến hôm nay cuối cùng mới hỏi.
“Thiếu tướng quân”, Lâm Kiêu cười, “Là một công tử thế gia đàng hoàng, xứng đôi vừa lứa với cô hai”.
Vương Cẩn sửng sốt một lúc: “Ngài ấy thật biết đánh đàn dương cầm?”
“Tất nhiên rồi. Công tử gia đàn dương cầm, không chỉ dễ nghe, mà còn khá…”
Đẹp mắt.
—
Chú chín Hà từ thuở thiếu thời đã thích tự mình thiết tiệc lưu thuỷ [3] trong phủ, từ sáng sớm đến tận chiều tối, bày nào là rượu thơm cùng thức ăn ngon để chiêu đãi những người bôn ba xa xôi vào kinh vì tiền đồ, trong đó không thiếu văn nhân cùng võ tướng, có người bước ra từ giang hồ, cũng có người làm chính trị… Sự khẳng khái trước kia của chú chín xuất phát từ tấm lòng, mọi người đều nhận thấy và phân biệt rõ ràng, cũng vì thế nên bạn bè thân thiết thật tâm đối xử tốt với ông nhiều không kể xiết, có người đến giờ vẫn nghèo túng, nhưng nhiều nhất vẫn là những kẻ thăng quan tiến chức. Vừa nghe nói chú chín mở tiệc, có người tự bỏ tiền túi bao trọn cả căn Quảng Hoà Lâu bên cạnh, đón tiếp chú chín về kinh.
[3] Tiệc lưu thuỷ là tên gọi những bữa tiệc bày sẵn thức ăn, chờ khi khách đến đủ số người của một bàn thì bắt đầu nhập tiệc, cứ như vậy nối tiếp nhau.
Nhìn bề ngoài giống như mọi người đang chuẩn bị tẩy trần cho chú chín, thật ra là sắp xếp đường lui cho anh.
Phong quang vô hạn như thế, cũng xem là phù hợp với Tạ Vụ Thanh.
Cách tấm mành trúc, người đứng trên sân khấu kịch là một cô đào nổi tiếng, giọng hát ngọt ngào, đang diễn Hồng Nương của Tây Sương Ký [4].
[4] “Tây Sương Ký” tên gọi đầy đủ là “Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây Sương Ký” (tạm dịch: Truyện về Thôi Oanh Oanh chờ trăng dưới mái Tây), là một vở tạp kịch của Vương Thực Phủ, kể về câu chuyện tình yêu vượt mọi khuôn giáo môn đăng hộ đối và lễ nghi phong kiến giữa nàng Thôi Oanh Oanh và chàng thư sinh Trương Quân Thuỵ
Cô đào này là người nổi danh nhất kinh thành, có điều những người hôm nay có mặt ở đây không ai không tiếng tăm lừng lẫy, đều do nể mặt chú chín nên mới mời được. Những quan lại khách quý vì ủng hộ cô nên không ở phòng riêng, tất cả đều ngồi dưới khán đài…
Hà Vị nép sau mành trúc nhìn xuống sân khấu, đến tận khi Tạ Vụ Thanh đi một vòng tiếp rượu trở về.
Bên ngoài tiếng trầm trồ ngợi khen không ngừng vang lên, âm thanh như sóng triều khó dứt.
Sau khi bóng dáng anh khuất trong rèm châu, mành vải mới được buông xuống.
Tạ Vụ Thanh hơi chếnh choáng, anh cởi quân trang, chuẩn bị thay quần áo. Quân trang trên giá đỡ, còn cả bội đôi tuỳ thân, tất cả đều treo lên móc áo, chờ xếp gọn vào rương hành lý. Bên cạnh để sẵn bộ tây trang áo sơ mi được là ủi thẳng thớm.
Anh mặc sơ mi trắng, khoác thêm áo choàng, lần nữa đeo súng lên thắt lưng.
Như thể cài cúc áo mãi không xong, từ sơ mi trong đến áo choàng, rồi đến áo khoác ngoài…
“Thiếu tướng quân không biết kiêng dè gì cả, thay quần áo ngay trước mặt cô gái chưa xuất giá”. Cô thủ thỉ trêu chọc anh.
Thời khắc chia tay sắp đến, cô cố gắng tỏ ra thoải mái, mỉm cười tiễn bước chân anh.
Anh cũng trêu ghẹo lại cô: “Mỗi lần cô hai gặp anh đều vào buổi đêm, e là muốn kiêng dè cũng khó”.
Anh cài từng cúc áo khoác ngoài tây trang, nhìn cô đứng bên cửa sổ. Hôm nay cô mặc một chiếc váy nhung trắng dài, sắc trắng trên thân dường như không giống nhau, dùng ngọc trai trắng và mã não cao thấp luân phiên thêu lên cổ áo, tay áo và vùng eo. Trên vai khoác một lớp lông hồ ly trắng mềm mại, là sắc trắng tinh khôi nhất, nhưng tất cả đều không thuần khiết bằng cổ thon mặt ngọc của cô.
Lần này ra đi không hẹn ngày về, không biết đến khi nào mới có thể nhìn thấy đôi mắt trong veo ánh nước của cô lần nữa.
Tạ Vụ Thanh đến gần, cô bỗng không thốt nổi lời vui đùa.
Chỉ nghĩ mình phải cố nhìn nhiều một chút, nhớ kỹ anh một chút.
Có tiếng gõ cửa, phía sau mành vải.
Ông chủ Quảng Đức Lâu tự mình mang đến một hộp lớn mứt hoa quả, ngầm ám chỉ đã đến lúc Tạ Vụ Thanh phải đi. Mí mắt ông chủ không buồn nhướng lên, cứ thế bước vào rồi lẳng lặng lui ra ngoài, chỉ để lại một câu: Đây là yêu cầu của thiếu tướng quân.
Tạ Vụ Thanh cầm lấy hộp mứt hoa quả ấy, bên dưới có tờ giấy đỏ, lại mở ra…
Là một tờ hôn thư bỏ trống.
“Bọn người Lâm Kiêu không quen thuộc chỗ này, chỉ đành nhờ ông chủ chuẩn bị”, anh lấy một cây bút máy từ trong túi ngoài tây trang, mở nắp bút, đặt tờ hôn thư lên bàn.
Hà Vị nhìn đầu bút máy: “Anh Thanh…”
Anh đặt bút phía dưới hai chữ “chú rể”, nhẹ nhàng như nước chảy mây trôi viết ra ba chữ “Tạ Vụ Thanh”.
Ký tên xong, anh lại lấy cái hộp kim loại nho nhỏ trong túi áo tây trang, mở nắp, là một con dấu vô cùng tinh xảo. Thứ này chỉ dùng cho những văn kiện trọng yếu, có thể điều động trọng binh hai tỉnh, còn có thuộc hạ cũ của cha anh… Ngoài hai lần ra bắc, Tạ Vụ Thanh phải xuất đầu lộ diện trước mọi người, còn lại hiếm khi anh dùng thân phận thật của mình để ra mặt, suốt mười mấy năm qua đều nhìn thấy văn tự như thấy người.
Con dấu nhẹ ấn, ngay phía trên ba chữ Tạ Vụ Thanh.
Một vết đỏ hình vuông nhỏ bé, như khảm sâu vào lòng.
Làm xong, anh cất con dấu cùng bút máy đi, đưa tờ hôn thư vẫn còn trống một chữ ký cho cô.
Anh thấp giọng bảo: “Nếu có chuyện nguy hiểm mạng sống, hãy lấy nó ra. Nếu vì anh mà liên luỵ em gặp hiểm cảnh đến tính mạng, hãy thiêu huỷ nó”.
Mắt cô ngần ngận đỏ.
Tạ Vụ Thanh đưa cho cô tờ hôn thư còn trống một chữ ký, lại nói với cô nếu không may gặp nguy thì đốt nó đi.
“Trong mắt của anh, em là người tham sống sợ chết như thế sao?” Cô nghẹn giọng hỏi.
“Là anh”, Tạ Vụ Thanh đáp, “Là Tạ Vụ Thanh này sợ em chết”.
Cô đỏ mắt, đối diện nhìn anh.
Anh trêu đùa cô: “Người theo đuổi cô hai vô số, Tạ Vụ Thanh chỉ là một trong số đó, không đáng để cô hai dùng nước mắt để tạm biệt”. Anh lúc nào cũng thế, dùng khuôn mặt vui vẻ nhất để chia ly, giống như sáng nay hai người đường chia đôi ngã, ngay ngày mai liền có thể gặp lại nhau.
Anh cười nói tiếp: “Anh dùng công danh nửa đời mình, cùng trọng binh hai tỉnh, lại không đổi được một cái gật đầu của em cùng anh xuôi nam, lần này là Tạ Vụ Thanh cầu mà không được”.
Cô bị anh nói đến nước mắt đong đầy trong mắt, cứ như đó là sự thật vậy.
Ngoài cửa lại vang lên tiếng gõ dồn dập.
Muốn giục anh nhanh lên đường.
Tạ Vụ Thanh phải đi rồi, Hà Vị nhỏ giọng gọi anh lại: “Anh Thanh”.
Yết hầu cô như bị cái gì nghẹn ứ.
Có người vén rèm giúp anh, ông chủ cười nói: “Vừa rồi vị khách kia thật bất cẩn, làm đổ đầy rượu lên quần áo của thiếu tướng quân. Cậu nhìn xem, thật là, còn phiền tướng quân phải vào trong thay bộ đồ khác”.
Đặng Nguyên Sơ đứng ngoài rèm chờ Tạ Vụ Thanh rời đi.
Cô cảm nhận được bàn tay Tạ Vụ Thanh chạm khẽ vào gò má mình, ngón tay anh chậm rãi vuốt ve mặt cô: “Bảo trọng”.
Sau khi Tạ Vụ Thanh ra ngoài, trong bóng rèm châu lắc lư, liếc mắt nhìn cô lần cuối.
Từng chuỗi hạt châu trắng ngần dưới bóng đèn cung đình mờ ảo, hắt lên khuôn mặt mơ hồ của anh, chỉ có đôi mắt kia vẫn hệt bóng đêm bên bờ Sát Hải, phảng phất như đong đầy ánh trăng sáng ngời của cả kinh hoa, phản chiếu lại bóng hình cô.
— HẾT CHƯƠNG 34 —
- 🏠 Home
- Dân Quốc
- Đông Phương
- Kinh Thành Về Đêm (Dạ Lan Kinh Hoa)
- Chương 34: Trăng thành cổ thiên thu (1)