- 🏠 Home
- Dân Quốc
- Đông Phương
- Kinh Thành Về Đêm (Dạ Lan Kinh Hoa)
- Chương 12: Nay hải đường thơm ngát (4)
Kinh Thành Về Đêm (Dạ Lan Kinh Hoa)
Chương 12: Nay hải đường thơm ngát (4)
Tay anh áp sau đầu cô, trong hoảng hốt cô còn nghĩ, có thật sự muốn ôm anh không. Nhưng không ngờ lại ôm nhau chặt thế này. Trán cô tì lên áo sơ mi của anh, thoang thoảng ngửi thấy mùi thuốc trị thương bôi trên người, nhớ lần trước hình như cũng thế…
“Anh bị thương đúng không?” Khi ở Thiên Tân cô không có kinh nghiệm, lúc này đã hiểu rõ.
“Không có”. Hơi thở nóng rực của đàn ông phả xuống tai cô.
Cô chớp mắt, kiềm chế cảm xúc, giọng mũi càng nặng hơn: “Vậy trên người anh…” Ngẫm lại, cô cười nói: “Mùi thơm thật”. Nếu anh không muốn nói, cô cũng không miễn cưỡng.
Tạ Vụ Thanh trong bóng tối mỉm cười.
Cô từng nhiều lần thấy anh cười, có thể tưởng tượng trong đầu bộ dáng khi cười của anh.
Anh buông người con gái trong ngực ra, lần mò tìm được công tắc bật đèn. Ánh sáng bất ngờ kéo họ về thực tại. Dưới ánh đèn anh nhìn cô một cái, lúc vừa rồi khi ôm Hà Vị, anh cảm nhận áo khoác cô thấm đẫm khí lạnh.
Anh hỏi bên ngoài: “Có than nóng không?”
“Có ạ”, võ quan như Thổ Hành Tôn [1] thoắt ẩn thoắt hiện, hỏi xong liền phấn khởi mang chậu than đang cháy đỏ đi vào, “Vừa đốt xong. Công tử từng nói, cô hai không thích mặc nhiều áo ——”
[1] Thổ Hành Tôn là một học trò của Cù Lưu Tôn bên Xiển Giáo, có phép địa hành, rất giỏi độn thổ, ngày đi được ngàn dặm.
Tạ Vụ Thanh nhìn hắn, võ quan lập tức đặt chậu than xuống, chuồn mất.
Hai người lại trái ngược nhau, vừa ôm ấp xong, Hà Vị không thể thản nhiên nhìn thẳng vào anh. Nhưng cô cảm nhận được ánh mắt của anh luôn không rời mình. “Em không phải… ai cũng tuỳ tiện ôm như vậy”. Cô cảm thấy vấn đề này cần phải nghiêm túc nói rõ ràng.
Không thấy hồi đáp, cô ngước mắt lên, thấy anh đang cười.
“Lần trước không tính”, cô vô cớ chột dạ, thấp giọng nói, “Đó là việc công”.
Tạ Vụ Thanh thấy cô nhất quyết bày ra bộ dáng nói đúng sai phải trái, cũng đành mặc cô: “Dù là ôm việc công hay ôm việc tư, đều theo ý em”.
…
Hà Vị nghĩ, không biết anh có từng học phép nguỵ biện không, đúng là chẳng ai cãi được?
Anh lục lọi trong cái đĩa sứ trắng trên đa bảo cách, tìm được một hộp thuốc lá, anh gõ vào thành hộp, nghĩ một lúc lại ném về, nói với bên ngoài chuẩn bị một ấm trà nóng.
Nhân lúc người bên ngoài chuẩn bị trà, anh vào phòng ngủ, định thu dọn giường một chút. Hà Vị đứng trước rèm châu, thấy anh muốn gấp chăn, nhẹ giọng nói: “Em không vào đâu, anh không cần dọn dẹp giường”.
Tạ Vụ Thanh quay lưng về phía cô, bận rộn thu dọn chăn mền, gấp thành một khối đặt tên giường.
Anh thuận tay rút tờ giấy trắng đã viết vài chữ trên bàn sách, vò thành một cục ném vào chậu than. Ngọn lửa đỏ thẫm bốc lên, lập tức nuốt trọn cục giấy.
“Sao lại đốt nó?” Cô đoán đây là viết cho anh rể của anh, giống lần trước anh cũng từng viết một cái cho Triệu tham mưu.
“Nghĩ không ra nói gì cho đặc biệt”, anh bình đạm nói, “Viết quá nhiều”.
Tờ giấy bị lửa thiêu cháy rất lớn, nhưng giây sau lại tàn lụi.
Than củi bị đốt một lúc, tro đen lộ ra dưới ánh đỏ.
Hà Vị nhìn chằm chằm màu đỏ kia, càng nhìn càng trầm mặc, muốn an ủi anh. Anh chỉ tay lên giường mời cô ngồi, hai người cách nhau một cái bàn chân thấp, cô cũng ngồi xuống giường anh. Đèn tường đặt ngoài vách tường chỗ treo ảnh, ánh sáng yếu ớt chiếu đến chỗ họ.
Tạ Vụ Thanh khuấy nước trà nóng, châm vào tách cô, tựa như vô cùng kiên nhẫn, cũng không mở miệng.
Khuôn mặt anh rất gầy. May mà đường nét không quá góc cạnh nên dù có gầy cũng không khó coi, chỉ khiến người ta nhìn mà đau lòng.
“Hôm nay em hỏi, anh đáp”. Anh ngược lại có vẻ sảng khoái, biết rõ trong lòng cô có không ít nghi vấn.
“Chú hai vừa về nhà”, cô dịu giọng, “Em nghe được một số chuyện về anh, không biết nên hỏi từ đâu”.
Anh không ngạc nhiên lắm: “Những chuyện đã biết được đáp án thì không cần hỏi lại. Nội dung điện báo của Cẩn Hành phát đi, anh đều biết”.
Hà Vị chân thành nói: “Cảm ơn anh, lúc nào cũng lo nghĩ cho em”.
Tạ Vụ Thanh cười cười, không nói gì.
“Chú hai muốn gặp anh”. Cô lại nói.
“Vì Tạ Sơn Hải sao?” Anh không bất ngờ.
Đúng là anh.
“Anh đã biết trước nhà em làm gì sao?” Cô hỏi.
“Cho dù không có qua lại làm ăn với chú hai em, cũng đoán được”, anh nâng tách, thổi lá trà trôi nổi bên trong, “Một đứa nhỏ mới mười mấy tuổi đầu như em dù có thiên phú giác ngộ, cũng không có khả năng dựa vào một phút cao hứng lại cứu người thuận lợi như thế”.
“Chú hai vẫn luôn rèn giũa em”, cô lẩm bẩm, “Hơn nữa, em cũng không phải đứa nhỏ”.
Khói trắng bốc lên trước mặt anh, anh hơi rũ mắt, cười nói: “Phải rồi, tầm mắt của em từ lâu đã vượt qua các bạn cùng lứa”.
Còn một câu hỏi… Cô hơi do dự.
“Hỏi xong rồi?” Anh nhìn qua.
Cô thăm dò anh: “Còn một câu, nhưng chưa chắc anh đã chịu nói”.
Tạ Vụ Thanh cười đáp: “Anh trước nay không thích khinh thường con gái, đặc biệt là người nhỏ tuổi như em. Đã cho phép em hỏi, anh tất nhiên sẽ trả lời”.
Nhiều lần anh nhấn mạnh chuyện chênh lệch tuổi tác, như thể tự tay vẽ ra một bức màn ngăn vô hình.
Hà Vị không vui lắm, không mở miệng.
“Còn chưa hỏi nữa?”
Trong lời nói anh như hàm chứa: Nếu không hỏi anh sẽ đổi ý.
Hà Vị không muốn bỏ qua cơ hội này, vẫn hỏi câu đó: “Chín năm qua anh đã ở đâu?”
“Chín năm qua?”
Tạ Vụ Thanh trầm mặc suy nghĩ, một lúc sau mới lên tiếng: “Chín năm qua, Tạ Vụ Thanh đã chết, vì nước hy sinh. Ở…” Anh nhớ lại quá khứ, “Lúc em tám tuổi thì anh chết, do người quen cũ của cha anh ra tay, sau đó người nhà đưa anh tới Nam Dương ẩn thân một năm. Lúc em chín tuổi thì sang châu Âu, học ở trường sĩ quan cao cấp hơn một năm, sau chiến tranh thế giới thì đến Nga, tiếng Nga cũng học từ đó. Sau này, Tạ Sơn Hải về nước phản Viên [2]. Năm em mười lăm tuổi, anh dẫn binh ở Vân Quý, chống lại chính phủ quân phiệt, cấm vận nha phiến, khi đó anh tên Tạ Khanh Hoài. Năm em mười sáu tuổi, Tạ Khanh Hoài nhiều lần bị ám sát thoát chết, đáng tiếc không thoát được học trưởng cũ của mình, vì đốt mấy trăm ngàn cây thuốc phiện lại bị ám sát lần nữa, khi đó suýt thì chết thật. Năm em mười bảy tuổi, anh may mắn vẫn còn sống trên đời, vì để bảo vệ huyết mạch duy nhất của chú nên quyết định nhặt lại cái tên Tạ Vụ Thanh, đến đây làm con tin”.
[2] “Viên” ý chỉ Viên Thế Khải – người có ý định xưng vương sau khi nhà Thanh sụp đổ, sau đó bị đánh bại phải từ chức, không lâu sau thì qua đời
“Ở đây”, anh kết luận, “Ngày 1 tháng 12 năm ngoái, quen biết em”.
Một câu cuối cùng đâm thẳng vào lòng người.
Nhân sinh đúng là không sao đoán trước được điều gì. Từ Bắc Kinh đến Vân Quý núi cao sông dài, đường bộ rồi lại đường thuỷ phải đổi qua đổi lại mấy bận, chiến hoả các tỉnh liên miên không dứt, thư từ qua lại gửi đi phải mất đến mấy tháng mới đến nơi… Nếu không phải vì có chuyện vào kinh, chỉ sợ hai người họ cả đời này cũng không gặp được nhau.
Một hồi kịch hạ màn. Chín năm của anh, sinh tử bao lần, đã sớm bằng mấy đời của người bình thường.
Tạ Vụ Thanh kiên nhẫn lần nữa, không thúc không giục mà bình tĩnh chờ cô tiếp nhận.
“Vì sao sau này lại đổi tên”, cô không chịu được sự tĩnh lặng này, tiếp tục truy vấn, “Không gọi Sơn Hải nữa?”
Anh cười không đáp.
Quá nhiều người chết trận trước mặt anh, sau khi phản Viên, anh cũng chôn luôn cái tên Sơn Hải cùng những người anh em của mình. “Thân trai sao không mang Ngô Câu, thu lại gian sơn năm mươi châu” [3], nhưng dưới chân nam nhi là cái gì, ngoại trừ chính anh, cũng không ai để ý đến.
[3] Đây là 2 câu trong bài “Nam viên kỳ 05” của Lý Hạ:
“Nam nhi hà bất đới Ngô Câu
Thu phủ quan san ngũ thập châu
Thỉnh quân tạm thuống Lăng Yên các
Nhược cá thư sinh vạn hộ hầu?”
Đây là bài thơ thể hiện chí khí nam nhi, kêu gọi thân con trai phải biết cầm giáo đánh đuổi giặc ngoại xâm, thu lại giang sơn vạn dặm chứ không phải chỉ ngồi yên ở nhà.
“Nhưng trong thư anh gửi em, lạc khoản là Sơn Hải”. Cô lại hỏi.
Anh cười, vẫn không nói gì.
Đó là Tạ Vụ Thanh năm mười bảy tuổi, dù buông bỏ hết thảy nhưng cũng là thời điểm khí phách phấn chấn nhất, dùng tên này có thể giúp anh tạm quên đi cảm giác thất bại khi bị giam lỏng.
“Còn bảo em hỏi gì cũng sẽ trả lời”. Hà Vị nhỏ giọng oán trách, chỉ nhìn thấy ý cười trên mặt anh càng sâu hơn.
…
Không trả lời thì không trả lời, cũng không ép buộc anh.
Hà Vị lại nghĩ, khi anh cười thật sự rất đẹp. Công tử thanh quý, ưu nhã như ngọc.
Tạ Vụ Thanh không giữ cô lại ăn tối, thật sự trong viện của anh cũng không ai rành chuyện bếp núc, lại không chuẩn bị trước, sợ làm cô thiệt thòi. Anh vén rèm đưa cô ra sân, Hà Vị quay đầu hỏi: “Vậy anh ăn gì?”
“Công tử đã ăn rồi ạ”. Không đợi Tạ Vụ Thanh đáp, võ quan trẻ tuổi bên cạnh đã vội vàng tiếp lời. Võ quan kia còn muốn nói gì đó nhưng bị đám người xách thùng gỗ dội nước phá băng đạp một cước: Lại muốn xen vào chuyện người ta?
Cô có chút nuối tiếc: “Vậy thì thôi, lần trước không ăn được, lần này còn định nếm thử tay nghề các cậu”.
“Công tử không thích lãng phí thức ăn, cũng không làm nhiều…”
Tạ Vụ Thanh phất tay, ý đuổi người đi. Anh quay sang hỏi phó quan: “Đặng Nguyên Sơ đâu rồi?”
“Nói đi mua mấy thứ”, Lâm phó quan lôi một cái đồng hồ quả quýt của Đặng Nguyên Sơ ra, “Chắc cũng sắp về rồi, cậu ta tính toán thời gian chuẩn thật”.
Hà Vị ngồi xe Đặng gia tới thì phải ngồi xe đó về. Tạ Vụ Thanh không tiện tiễn cô.
Anh vắt cái áo khoác ngắn tay kiểu quân đội trên vai, cúi đầu hỏi cô: “Có muốn vào nhà đợi không?”
Cô lắc đầu. Dù có Tạ Vụ Thanh trải sẵn đường nhưng cô phải giữ lịch sự với công tử Đặng gia. Người ta trời đông giá rét đến nhà làm khách, vì không muốn quấy rầy hai người nên tìm cớ ra ngoài, cũng không nên để lúc người ta quay về còn phải vào phòng mời mình về.
Hà Vị đi đến sau cửa lớn đỏ son kiểu cũ đợi người, chỗ này có thể tránh gió, cũng có thể xuyên qua khe cửa nhìn con đường đất bên ngoài.
Cô để ý mấy mảng đỏ bong tróc trên cửa, năm mới sắp qua mà không có ai sơn phết lại. Giống như vô tình hữu ý nói với cô, Tạ Vụ Thanh chỉ là khách qua đường, anh vốn không thể ở lại đây lâu dài.
“Đi đầu ngõ xem một chút”. Giọng Tạ Vụ Thanh bỗng nhiên kề sát bên tai.
Trong lòng Hà Vị chấn động, muốn quay đầu nhìn, cơ thể đàn ông đã dán chặt sau lưng. Giữa ban ngày ban mặt mà Tạ Vụ Thanh lại… Không đúng, là giữa mảng tối sau cửa lớn, anh từ phía sau ôm cô. Áo khoác màu lam bao bọc lấy cả người cô, vì cô chắn lại gió lạnh không một khe hở.
Lâm phó quan nhìn không chớp mắt, lướt qua cạnh hai người, bước ra khỏi cửa lớn.
…
Cô thở nhẹ, cảm giác được cánh tay trong áo khoác của anh đang vòng qua eo ôm lấy người cô.
Tay phải anh chạm đúng chỗ…
Lát sau, Tạ Vụ Thanh buông tay, rời khỏi sự mềm mại nữ tính của cô gái nhỏ. Từng tiếng tim đập như trống bổi bên tai Hà Vị, khói trắng thở ra cũng nóng hầm hập.
Anh thấp giọng hỏi: “Lúc nảy em nói là ngày gì?”
“Bên ngoài Ung Hoà Cung mỗi năm vào mùng 8 tháng Chạp [4] đều phát cháo cầu phúc”, chỉ có nói chuyện luyên thuyên mới khiến mặt cô không bị biến thành cái bánh táo đỏ chưng cất đến bốc khói trắng… May mà chỗ này tối nên chẳng ai phát hiện gò má cô phớt hồng, “Mỗi năm đều có rất nhiều người tới, những nơi xa hơn như Thiên Tân, Bảo Định cũng có người đi cả đêm nhận cháo”.
[4] Mùng 8 tháng Chạp (8/12 Âm lịch) hay còn gọi là Tết Lạp Bát. Tương truyền thời xưa người TQ xem trọng nông nghiệp, mỗi khi được mùa sẽ tổ chức lễ tạ ơn Trời Đất Thuỷ Thổ gọi là “Lạp Tế”, nấu cháo bằng hạt kê mới thu hoạch để chiêu đãi mọi người và cúng bái tổ tiên. Sau này lại có người truyền rằng, mùng 8 tháng Chạp là ngày thành đạo của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni. Trước đó, Ngài gặp được một cô gái chăn cừu, cô gái kia nấu cháo cho Ngài uống đỡ đói, sau khi uống xong, Ngày khôi phục sức khoẻ và tiếp tục ngồi dưới gốc cây Bồ Đề tu đạo, đến ngày mùng 8 tháng Chạp thì đạo thành. Vì lẽ đó, ngày mùng 8 tháng Chạp trong văn hoá lễ tết người Hoa thường nấu cháo từ 8 loại nguyên liệu “lạp bát” như đậu đỏ, đậu xanh, đậu đũa, đậu cô-ve, đậu Hà Lan, đậu ván… cùng các loại gạo như gạo kê, gạo tẻ, kê nếp, gạo cẩm, nếp, tiểu mạch, ngô, cao lương… và dâng bát cháo ấy lên cúng Phật, dân gian gọi là cháo Lạp Bát. Ngoài ra, người TQ còn quan niệm ngày 8/12 Âm lịch là thời điểm mở đầu cho những hoạt động mừng Tết Nguyên Đán.
“Phải xem tình hình đã”. Anh nói.
“Không sao đâu. Em chỉ muốn dẫn anh ra ngoài xem náo nhiệt, cả ngày ở trong viện buồn bực cũng không tốt”.
Vừa dứt lời, vài bóng người từ phía đầu ngõ hẹp dài xa xa đi lại. Trên con đường đất tối mờ không ánh đèn, Đặng Nguyên Sơ cao hơn Lâm phó quan nửa cái đầu, sau lưng dẫn theo hai phó quan khác mặc thường phục.
Hà Vị vừa nhìn thấy có người đến, vội vàng từ trong áo khoác chui ra. Tạ Vụ Thanh cũng không ép buộc, để cô chạy thoát.
Hai người ôm nhau cùng một chỗ vô cùng ấm áp, vừa tách ra lại thấy còn lạnh hơn ban đầu.
Thật ra bóng người còn cách khá xa, có thể ôm thêm… ít nhất nửa phút nữa. Cô càng nghĩ càng thấy hối hận.
Vừa thấy cửa viện, Đặng Nguyên Sơ đứng yên.
Đặng Nguyên Sơ hôm nay đeo kính, đôi mắt bình thường còn đẹp hơn con gái được che giấu sau tròng kính. Hà Vị quen biết nhiều người, cũng giỏi đoán tính người, từ lâu cô đã phát hiện bất kể Đặng Nguyên Sơ gặp ai, trên miệng đều giữ một nụ cười không đổi, giờ phút này vẫn thế. Hắn cả đường mỉm cười, nhưng không khiến người ta có cảm giác thân thuộc mà ngược lại giống như cố tình đẩy người khác ra xa hắn mười vạn tám ngàn dặm.
Có điều vừa nhìn thấy Tạ Vụ Thanh và Hà Vị, đôi mắt sau tròng kính ánh lên sự hứng thú quen thuộc. Hắn gật đầu khách sáo chào Tạ Vụ Thanh, cười nói: “Trên đường chậm trễ một chút, cảm ơn anh Thanh thay em chăm sóc Vị Vị”.
“Khách khí rồi”. Tạ Vụ Thanh đứng trong cửa nói, ngữ khí không mặn không nhạt.
Hà Vị cúi đầu bước xuống bậc thềm, mượn ánh trăng rời đi.
Đến khi về nhà nằm trong thư phòng của mình, tay ôm gối lông ngỗng, cô vẫn cảm thấy cả người tê dại.
“Cô, cô hai lăn qua lộn lại, là muốn lấy thu lại vòng tay sao?” Khấu Thanh hỏi cô.
Vừa rồi ở ngoài cửa, Đặng Nguyên Sơ vô cùng long trọng mang mấy cái vòng tay vừa mua được tặng cho các cô gái trong viện, khiến họ rất vui.
Cằm cô tì lên gối lông ngỗng: “Thu lại đi, hơn nữa phải cất kỹ. Sau này còn trả lại người ta”.
Quân Khương ở bên cạnh khuấy sữa hạnh nhân, nhấc tay Hà Vị, nhét ly sữa vào tay cô: “Chứ gì nữa? Em thấy chuyện này cũng tốt”.
Hà Vị cười không nói, uống một ngụm sữa lớn.
“Ngày mai Hà gia và Triệu gia tổ chức tiệc, bàn bạc chuyện hôn lễ năm sau”. Quân Khương nhắc nhở cô.
“Vậy à”. Không ngờ cô lại học theo ngữ khí của Tạ Vụ Thanh.
Quân Khương và Khấu Thanh không dám đáp lời, giọng điệu này có chút doạ người, ngày thường họ cũng chưa từng nghe cô nói như thế.
“Cháo ngày mùng 8 tháng Chạp bắt đầu nấu chưa?” Cô đột nhiên hỏi.
Quân Khương đáp: “Vừa rồi đã vo gạo ngâm quả khô, sau nửa đêm sẽ bắt đầu nấu ạ. Sáng mai khi thức dậy vừa kịp ăn”.
Hà Vị yên tâm.
Chỉ sợ Tạ Vụ Thanh không tiện đi ra ngoài, vậy thì sai người mang cháo đến Bách Hoa Thâm Xử cho anh vậy. Khó có dịp anh đến Bắc Kinh, phải để anh nếm thử món ăn chính tông nơi này mới được. Trung Quốc lớn như vậy, “mười dặm bất đồng âm, trăm dặm bất đồng tục” [5], nơi này còn cách Vân Quý mấy ngàn ki-lô-mét… Thật không biết cháo mùng 8 tháng Chạp ở Vân Quý có vị gì, chắc là không khác biệt lắm.
[5] Một câu thành ngữ có nghĩa là “cách mười dặm đã không cùng khẩu âm, cách trăm dặm đã không giống văn hoá”, ý chỉ các nơi khác biệt nhau.
Hà Vị lại nhớ đến tấm áo khoác quấn chặt hai người, áo khá dày, màu lam sẫm đến mức khiến tim người ta yên tĩnh.
Lúc ấy cơ thể hai người dán sát vào nhau, trong cùng một tấm áo khoác, không biết những người phía sau anh thấy được bao nhiêu… Điện thoại hình như reo lên, cô hoảng hốt nhìn qua, đã bị nhét một cái ống nghe vào trong tay, Quân Khương nhắc cô: “Là công tử Tạ gia”.
Cô kinh ngạc ngồi dậy.
Quân Khương bĩu môi, bưng chén ngọc lên, kéo tay Khấu Thanh ra ngoài.
Ống nghe bằng đồng được khắc hoa lạnh lẽo, Hà Vị áp lên mặt.
Cô nhẹ giọng “a lô” một tiếng.
“Ngủ chưa em?” Âm thanh trầm thấp của đàn ông truyền đến.
“Vẫn chưa”, cô nhìn giàn hoa bên ngoài, cười nghĩ, nếu điện thoại bị người khác nghe trộm cũng tốt, lúc anh giả vờ phong lưu còn nói nhiều hơn so với khi dáng vẻ nghiêm túc, “Có chút vội, không nghĩ anh đã gọi đến rồi”.
Anh cười nói: “Nghe bảo ngày mai Triệu gia cùng Hà gia tổ chức tiệc, trong lòng có khó chịu không?”
“Sao lại khó chịu?” Cô không ngờ anh lại quan tâm đến chuyện này, có chút kỳ quái, “Chẳng lẽ phải chờ đến năm sau hai người chính thức kết hôn, chờ đến khi con họ đầy tháng tổ chức tiệc rượu, hay chờ đến lúc con họ đón dâu linh đình vẫn còn hỏi em có khó chịu không sao? Hai nhà bọn họ ăn cơm với nhau, các anh ai cũng hỏi em”.
“Được, không hỏi em”, anh nói, “Hiếm có dịp nhàn rỗi, ngày mai đến tìm em”.
Hà Vị cứ ngỡ mình nghe lầm.
“Lớn hay nhỏ cũng là một ngày lễ”, anh lại nói, “Không thể để cô hai Hà đây cô đơn được”.
Hà Vị lúc này mới tin là thật, anh nhất định vẫn còn nhớ mấy lời cô nói lúc chiều về chuyện phát cháo cầu phúc.
Sau đó cô liền hiểu, thì ra Tạ Vụ Thanh hỏi chuyện bữa tiệc giữa hai nhà Triệu – Hà, cốt chỉ để tìm cớ gặp cô. Bọn họ trong mắt người ngoài là tình cảm khó dứt, nhìn thấy đối phương đau khổ, tất nhiên phải xuất hiện an ủi…
“Không muốn gặp anh à?” Anh cười hỏi.
“Công tử Tạ khó có một ngày chịu đi cùng em, không dám không gặp”. Cô nhìn thấy mặt đồng hồ bằng pha lê trên đa bảo cách, phản chiếu khuôn mặt tươi cười không giấu được của mình.
“Cứ quyết định vậy đi”.
Hà Vị ôm gối, tì cằm trên gối lụa trắng mềm mại, dịu dàng “vâng” một tiếng.
“Vị Vị”. Tạ Vụ Thanh bất ngờ gọi tên cô.
Tim cô nhảy vọt, ngượng ngùng đáp lời.
Bên kia lại không có hồi âm…
—
Cạnh bàn làm việc trong Bách Hoa Thâm Xử, trong bóng tối bất chợt có một chùm sáng màu lam xuất hiện, đốt cháy ra sắc vàng, cuối cùng tắt ngúm thành một chấm đỏ. Anh ngồi bên bàn, hai ngón tay kẹp chặt điếu thuốc vốn dĩ đã được châm vài giờ trước. Nhưng lúc đó sợ cô bị sặc khói nên anh liền cất đi.
Ống nghe gác trên mép bàn, gần trong tầm tay.
Giống như im lặng quá lâu, Hà Vị bên kia khẽ kêu anh: “Tạ Vụ Thanh?”
Anh cười, không đáp.
Cô gái bên kia lại gọi anh: “Tạ Vụ Thanh?”
Anh cầm tách cà phê, lặng lẽ không tiếng động nhấp một ngụm. Vừa rồi Lâm phó quan đến báo cho anh hai chuyện quan trọng, anh còn chưa kịp nói với cô. Giờ phút này nghe cô gọi tên mình, anh lại không muốn cắt ngang. Chỉ muốn nghe cô nói thêm vài câu, kể mấy chuyện tầm thường vụn vặt không lớn lắm, nội dung là gì không quan trọng, quan trọng là cô vẫn đang nói, anh vẫn đang nghe.
Đây là ưu điểm của việc hai người cùng sống ở Bắc Kinh, có thể từ một đường dây điện thoại tìm nhau, hai người hai nơi vẫn nói chuyện được.
Hai ngày trước dùng cơm, anh nghe Cục Điện thoại Bắc Kinh đang có dự định trong vòng mười năm tới sẽ lắp đặt đường dây điện thoại nối liền hai tỉnh. Có điều khó khăn lớn nhất là hai nơi dùng một đường điện thoại, thỉnh thoảng phải chịu cảnh ngắt liên lạc. Những thách thức về kỹ thuật phải cần thời gian dài để giải quyết.
Người bên kia gác ống nghe xuống, bước chân xa dần, sau đó có tiếng bước chân quay lại mang theo người khác, vang lên mấy tiếng con gái nói chuyện ngắt ngứ. Cuối cùng cô nhấc ống nghe, lẩm bẩm: “Tự nhiên không có tín hiệu, hỏng rồi sao?”
Anh buồn cười, cầm ống nghe, thấp giọng nói: “Vừa rồi có việc nên tạm ra ngoài”.
“Em còn tưởng điện thoại bị hỏng chứ”. Cô cười.
“Không khác lắm, anh còn có điện thoại”. Anh nói.
Cô không để ý chuyện cuộc gọi đột ngột dừng lại, chỉ dịu dàng khẽ khàng nói một tiếng “anh ngủ ngon” rồi chủ động cúp máy.
Đúng là nôn nóng muốn phủi sạch “quan hệ” mà, còn chưa kịp để anh đáp lại.
Anh thầm đoán, sau khi cô ngắt điện thoại chắc lại ôm bụng hối hận rồi, sao không nói nhiều thêm hai câu nữa. Giống như lúc cô đứng sau cánh cửa lớn màu đỏ son nép vào ngực anh tránh gió, vì sợ bị người khác nhìn thấy nên vội chui ra. Vừa trốn đi đã hối hận, sao không ôm anh nhiều thêm một lát…
Tạ Vụ Thanh bật cười, trở tay dập tắt điếu thuốc vào gạt tàn. Anh đứng dậy khỏi ghế, nhìn qua mảnh sân nhỏ ngoài cửa sổ.
Góc đông nam trong sân có bày một cái giá gỗ, dây nho bám vào cành khô, theo lời ông lão sống trong viện nói, đến mùa hè sân sẽ xum xuê lá xanh, nếu mát tay hơn, từng tầng xếp chồng lên nhau, có thể ra quả hái xuống làm thức ăn. Còn có hai gốc hương xuân trồng phía tây viện, lúc gặp mùa hái một nắm rắc vào trứng gà rồi đánh lên đem đi rán đã xong một món ăn đơn giản, bà chủ trước kia thường làm món này, cho tướng quân nhắm rượu.
Mùa đông giá rét không thấy cành lá tốt tươi, nhưng cây khô không chết, năm sau trổ ra xanh um, vẫn là cảnh vật đâm chồi nảy lộc. Đó đều là dụng ý dịu dàng mà thím anh cất giấu trong mảnh sân nhỏ này, thím muốn chú cảm nhận được lý do chân chính quyết lòng chiến đấu. So với lễ nghĩa trung hiếu xa vời, những điều ấy càng ấm áp hơn, là những thứ mà người ta luôn trân trọng.
Núi cao biển rộng là gì?
Há chỉ có sóng gió cát đá lạnh băng đeo bám, mà còn là khói lửa nhân gian [6] bên trong bức tường đỏ son.
[6] “Khói lửa nhân gian” là một câu nói ám chỉ những điều bình dị thường ngày, những mối lo củi gạo dầu muối vụn vặt nhưng ấm áp tình người
— HẾT CHƯƠNG 12 —
- 🏠 Home
- Dân Quốc
- Đông Phương
- Kinh Thành Về Đêm (Dạ Lan Kinh Hoa)
- Chương 12: Nay hải đường thơm ngát (4)