Lúc đó do thần-lực của đức Phật, mười phương đều có một đại Bồ-Tát, mỗi vị đều cùng phật-sát vi-trần-số Bồ-Tát câu hội, từ những thế-giới ngoài mười vạn phật-sát vi-trần-số quốc-độ mà đến.
Tên của mười vị Bồ-Tát đó là :
Công-Ðức-Lâm Bồ-Tát, Huệ-Lâm Bồ-Tát, Thắng-Lâm Bồ-Tát, Vô-Úy-Lâm Bồ-Tát, Tàm-Quý-Lâm Bồ-Tát, Tinh-Tấn-Lâm Bồ-Tát, Lực-Lâm Bồ-Tát, Hạnh-Lâm Bồ-Tát, Giác-Lâm Bồ-Tát, Trí-Lâm Bồ-Tát.
Quốc-độ của các Ngài từ đó mà đến theo thứ-tự là :
Thân-Huệ thế-giới, Tràng-Huệ thế-giới, Bửu-Huệ thế-giới, Thắng-Huệ thế-giới, Ðăng-Huệ thế-giới, Kim-Cang-Huệ thế-giới, An-Lạc-Huệ thế-giới, Nhựt-Huệ thế-giới, Tịnh-Huệ thế-giới, Phạm-Huệ thế-giới.
Chư Phật Thế-Tôn nơi thế-giới đó theo thứ tự là :
Thường-Trụ-Nhãn Phật, Vô-Thắng-Nhãn Phật, Võ-Trụ-Nhãn Phật, Bất-Ðộng-Nhãn Phật, Thiên-Nhãn Phật, Giải-Thoát-Nhãn Phật, Thẩm-Ðế-Nhãn Phật, Minh-Tướng-Nhãn Phật, Tói-Thượng-Nhãn Phật, Cám-Thanh-Nhãn Phật.
Chư Bồ-Tát này đến dưới bửu-tòa đảnh lễ Phật, rồi theo phương của mình đến đều riêng hóa hiện tòa sư-tử liên-hoa-tạng mà ngồi kiết-già trên đó.
Tất cả Dạ-Ma thiên ở thập-phương thế-giới đều như thế cả. Bồ-Tát, quốc-độ và Như-Lai cũng đồng danh, đồng hiệu như trên.
Lúc đó đức Thế-Tôn, từ trên hai bàn chưn, phóng ra trăm ngàn ức quang-minh màu đẹp chiếu khắp thập phương thế-giới. Tất cả đạo-tràng, Phật và Bồ-Tát đều hiển hiện cả.
Bấy giờ, Công-Ðức-Lâm Bồ-Tát thừa oai-lực của đức Phật, quan-sát mười phương rồi nói kệ rằng :
Phật phóng đại quang-minh
Chiếu khắp nơi mười phương
Ðều thấy Thiên-Nhơn-Tôn
Thông đạt không chướng-ngại.
Phật ngồi cung Dạ-Ma
Khắp cùng mười phương cõi
Việc này rất lạ lùng
Thế-gian rất hi-hữu.
Trời Dạ-Ma Thiên-Vương
Ca ngợi mười Như-Lai
Như hội này đã thấy
Tất cả hội cũng vậy.
Những chúng Bồ-Tát kia
Ðồng hiệu với chúng tôi
Thập phương tất cả chỗ
Diễn thuyết-pháp vô-thượng.
Bổn-quốc của các ngài
Danh-hiệu cũng không khác
Ðều riêng nơi bổn-Phật
Tịnh tu các phạm-hạnh.
Các đức Như-Lai kia
Danh-hiệu cũng đều đồng
Quốc-độ đều giàu vui
Thần-lực đều tự-tại.
Tất cả chúng mười phương
Ðều thấy Phật ở đây
Hoặc thấy ở nhơn-gian
Hoặc thấy ở Thiên-cung.
Như-Lai an-trụ khắp
Tất cả các quốc-độ
Nay chúng tôi thấy Phật
Ở tại Thiên-cung này.
Xưa phát nguyện bồ-đề
Khắp đến mười phương cõi
Nên oai-lực của Phật
Cùng khắp khó nghĩ bàn.
Lìa sự tham thế-gian
AÐầy đủ vô-biên đức
Nên được sức thần-thông
Chúng-sanh đều thấy cả.
Du hành mười phương cõi
Như hư-không vô-ngại
Một thân vô-lượng thân
Thân-tướng bất-khả-đắc.
Phật công-đức vô-biên
Thế nào lường biết được
Không dừng cũng không đi
Vào khắp trong pháp-giới.
Huệ-Lâm Bồ-Tát thừa oai-lực của đức Phật, quan-sát mười phương rồi nói kệ rằng :
Ðấng đạo-sư thế-gian
Ðấng ly-cấu vô-thượng
bất-khả-tư-nghị kiếp
Khó được gặp gỡ Phật.
Phật phóng đại quang-minh
Thế-gian đều khắp thấy
Vì chúng rộng diễn bày
Lợi ích những quần-sanh.
Như-Lai xuất thế-gian
Vì đời trừ si tối
Là đèn sáng thế-gian
Hi-hữu khó thấy được.
Ðã tu thí, giới, nhẫn
Tinh-tấn và thiền-định
Bát-nhã ba-la-mật
Dùng đây chiếu thế-gian.
Như-Lai không ai bằng
Muốn sánh chẳng thể được
Chẳng rõ pháp chơn-thiệt
Thời không thể thấy Phật.
Thân Phật và thần-thông
Tự-tại khó nghĩ bàn
Không đi cũng không đến
Thuyết-pháp độ chúng-sanh.
Nếu ai được thấy nghe
Ðấng đạo-sư thanh-tịnh
Thoát hẳn các ác-đạo
Xa lìa tất cả khổ.
Vô-lượng vô-số kiếp
Tu tập hạnh bồ-đề
Chẳng thể biết nghĩa này
Chẳng thể được thành Phật.
Bất-khả-tư-nghị kiếp
Cúng-dường vô-lượng Phật
Nếu biết được nghĩa này
Công-đức hơn công kia.
Cúng Phật với trân bửu
Ðầy cả vô-lượng cõi
chẳng biết được nghĩa này
Trọn chẳng thành bồ-đề.
Lúc đó Thắng-Lâm Bồ-Tát thừa oai-lực của Phật,quan-sát mười phương rồi nói kệ rằng:
Ví như tháng mạnh-hạ
Không tịnh không mây mù
Mặt trời phóng quang-huy
Thập phương đều sáng chói.
Quang-minh không hạn lượng
Không ai lường biết được
Người mắt sáng còn vậy
Huống là kẻ mù lòa.
Chư Phật cũng như vậy
Công-đức vô-biên-tế
Bất-khả-tư-nghị kiếp
Chẳng thể phân-biệt biết.
Các pháp không lai-xứ
Cũng không từ đâu sanh
Chẳng thể phân-biệt được.
Tất cả pháp không đến
Vì thế nên không sanh
Vì đã không có sanh
Nên cũng không có diệt.
Tất cả pháp vô-sanh
Tất cả pháp vô-diệt
Nếu biết được như vậy
Người này thấy được Phật.
Vì các pháp vô-sanh
Nên không có tự-tánh
Phân-biệt biết như vậy
Người này đạt thâm nghĩa.
Do vì pháp vô-tánh
Không thể rõ biết được
Nơi pháp hiểu như vậy
Rốt ráo không chỗ hiểu.
Nói rằng có sanh đó
Bởi hiện các quốc-độ
Biết được tánh quốc-độ
Thời tâm không mê-hoặc.
Tánh quốc-độ thế-gian
Quan-sát đều như thật
Nếu nơi đây biết được
Khéo nói tất cả nghĩa.
Vô-Úy-Lâm Bồ-Tát thừa oai-lực của đức Phật, quan-sát mười phương rồi nói kệ rằng :
Thân Như-Lai rộng lớn
Rốt ráo nơi pháp-giới
Chẳng rời bửu-tòa này
Mà khắp tất cả chỗ.
Nếu ai nghe pháp này
Mà cung-kính tin ưa
Rời hẳn ba ác-đạo
Tất cả những khổ nạn.
Giả-sử như có người
Qua vô-lượng thế-giới
Chuyên tâm muốn được nghe
Sức tự-tại của Phật,
Những phật-pháp như vậy
Là vô-thượng bồ-đề
Giả-sử muốn tạm nghe
Không ai có thể được.
Nếu ai thời quá-khứ
Tin phật-pháp như vậy
Ðã thành Lưỡng-Túc-Tôn
Làm đèn sáng thế-gian.
Nếu ai sẽ được nghe
Sức tự-tại của Phật
Nghe rồi có lòng tin
Người này sẽ thành Phật.
Nếu có người hiện-tại
Tin được phật-pháp này
Cũng sẽ thành chánh-giác
Thuyết-pháp vô-sở-úy.
Vô-lượng vô-số kiếp
Pháp này rất khó gặp
Nếu có người được nghe
Là do bổn-nguyện-lực.
Nếu ai thọ-trì được
Những phật-pháp như vậy
Trì xong rộng tuyên thuyết
Người này sẽ thành Phật.
Huống là siêng tinh-tấn
Lòng kiên-cố chẳng bỏ
Nên biết người như vậy
Quyết định thành bồ-đề.
Lúc đó Tàm-Quý-Lâm Bồ-Tát, thừa oai-lực của đức Phật, quan-sát mười phương rồi nói kệ rằng :
Nếu ai được nghe pháp
Hi-hữu tự-tại này
Sanh được lòng hoan-hỷ
Chóng trừ lưới si lầm.
Bực thấy biết tất cả
Tự nói lời như vầy
Phật không gì chẳng biết
Vì thế khó nghĩ bàn.
Không có từ vô-trí
Mà sanh ra trí-huệ,
Thế-gian thường tối tăm
Nên không thể sanh được.
Như sắc và phi-sắc
Hai đây chẳng là một
Trí vô-trí cũng vậy
Thể nó đều sai biệt.
Như tướng cùng vô-tướng
Sanh tử với niết-bàn
Phân biệt đều chẳng đồng
Trí, vô-trí cũng vậy.
Thế-giới mới thành lập
Không có tướng bại hoại
Trí, vô-trí cũng vậy
Hai thứ chẳng đồng thời.
Như Bồ-Tát sơ-tâm
Chẳng chung với hậu-tâm
Trí, vô-trí cũng vậy
Hai tâm chẳng đồng thời.
Ví như những thức-thân
Ðều riêng không hòa hiệp
Trí, vô-trí cũng vậy
Rốt ráo không hòa hiệp.
Như thuốc a-già-đà
Hay diệt tất cả độc
Có trí cũng như vậy
Hay diệt sự vô-trí.
Như-Lai không ai trên
Cũng không ai sánh bằng
Tất cả không so được
Thế nên khó gặp gỡ.
Tinh-Tấn-Lâm Bồ-Tát,thừa oai-lực của đức Phật,quan-sát mười phương rồi nói kệ rằng:
Các pháp vô-sai-biệt
Không ai biết được đó
Chỉ Phật cùng Phật biết
Vì trí-huệ rốt ráo.
Như vàng và màu vàng
Tánh nó vô-sai-biệt
Pháp phi-pháp cũng vậy
Chúng-sanh phi-chúng-sanh
Hai đều không chơn thật
Như vậy các pháp-tánh
Thật nghĩa đều chẳng có.
Ví như thời vị-lai
Không có tất cả tướng.
Ví như tướng sanh diệt
Các thứ đều chẳng thiệt
Các pháp đều cũng vậy
Tự-tánh vốn không có.
Niết-bàn bất-khả-thủ
Thời-gian nói có hai
Các pháp cũng như vậy
Phân-biệt có sai khác.
Như nương vật bị đếm
Mà có cái hay đếm
Tánh kia vốn không có
Nên rõ pháp như vậy.
Ví như pháp toán số
Thêm một đến vô-lượng
Phép đếm không thể-tánh
Vì trí nên sai khác.
Ví như các thế-gian
Kiếp hỏa có hư diệt
Hư-không chẳng tổn hư
Phật-trí cũng như vậy.
Như thập phương chúng-sanh
Ðều lấy tướng hư-không,
Chư Phật cũng như vậy
Thế-gian vọng phân-biệt.
Lúc đó Lực-Lâm Bồ-Tát thừa oai-lực của Phật quan-sát mười phương rồi nói kệ rằng :
Tất cả chúng-sanh-giới
Ðều ở trong ba thời,
Những chúng-sanh ba thời
Ðều ở trong ngũ-uẩn.
Nghiệp là gốc của uẩn
Tâm là gốc các nghiệp
Tâm đó dường như huyễn
Thế-gian cũng như vậy.
Thế-gian chẳng tự làm
Chẳng phải cái khác làm
Mà nó được có thành
Cũng lại được có hoại.
Thế-gian dầu có thành
Thế-gian dầu có hoại
Người rõ thấu thế-gian
Chẳng nên nói hai việc.
Thế nào là thế-gian
Thế nào phi-thế-gian
Thế-gian phi-thế-gian
Chỉ là tên sai khác !
Tam-thế và ngũ-uẩn
Nói gọi là thế-gian
Nói diệt là phi-thế
Như vậy chỉ giả danh.
Sao gọi là các uẩn
Các uẩn có tánh gì
Tánh uẩn chẳng diệt được
Vì vậy nói vô-sanh.
Phân-biệt các uẩn này
Tánh nó vốn không tịch
Vì không, nên chẳng diệt
Ðây là nghĩa vô-sanh.
Chúng-sanh đã như vậy
Chư Phật cũng như vậy
Phật và các phật-pháp
Tự-tánh vốn không có.
Biết được các pháp này
Như thật không điên-đảo.
Người thấy biết tất cả
Thường thấy ở nơi trước.
Hạnh-Lâm Bồ-Tát thừa oai-lực của đức Phật quan-sát mười phương rồi nói kệ rằng :
Ví như mười phương cõi
Tất cả những địa-chủng
Tự-tánh vốn không có
Không chỗ nào chẳng khắp.
Thân Phật cũng như vậy
Cùng khắp các thế-giới
Những sắc tướng sai khác
Không dừng, không chỗ đến.
Chỉ do vì các nghiệp
Nói tên là chúng-sanh
Cũng chẳng lìa chúng-sanh
Mà có được các nghiệp.
Nghiệp-tánh vốn không tịch
Chúng-sanh chỗ y-chỉ
Khắp làm các hình sắc
Cũng lại không chỗ đến.
Những hình sắc như vậy
Nghiệp-lực khó nghĩ bàn
Liễu đạt căn-bổn kia
Nơi trong, không chỗ thấy.
Thân Phật cũng như vậy
Chẳng thể nghĩ bàn được
Những sắc-tướng sai khác
Hiện khắp mười phương cõi
Thân chẳng phải là Phật
Phật cũng chẳng phải thân
Chỉ lấy pháp làm thân
Thông đạt tất cả pháp.
Nếu thấy được thân Phật
Thanh-tịnh như pháp-tánh
Với tất cả phật-pháp
Người này không nghi lầm.
Nếu thấy tất cả pháp
Bổn-tánh như niết-bàn
Ðây thời thấy Như-Lai
Rốt ráo vô-sở-trụ.
Nếu tu tập chánh-niệm
Sáng tỏ thấy chánh-giác
Vô-tướng, vô-phân-biệt
Ðây gọi Pháp-Vương-Tử.
Lúc đó Giác-Lâm Bồ-Tát thừa oai-lực của đức Phật, quan-sát mười phương rồi nói kệ rằng :
Ví như họa-sư kia
Phân bố những màu sắc
Hư-vọng lấy dị-tướng
Ðại-chủng không sai khác.
Trong đại-chủng không sắc
Trong sắc không đại-chủng
Cũng chẳng ngoài đại-chủng
Mà có được màu sắc.
Trong tâm, không màu vẽ
Trong màu vẽ, không tâm
Nhưng chẳng rời nơi tâm
Mà có được màu vẽ.
Tâm đó luôn chẳng trụ
Vô-lượng khó nghĩ bàn
Thị-hiện tất cả sắc
Ðều riêng chẳng biết nhau.
Ví như nhà họa-sư
Chẳng biết được tự-tâm
Mà do tâm nên vẽ
Các pháp-tánh như vậy.
Tâm như nhà họa-sư
Hay vẽ những thế-gian
Ngũ-uẩn từ tâm sanh
Không pháp gì chẳng tạo.
Như tâm, Phật cũng như vậy
Như Phật, chúng-sanh đồng
Phải biết Phật cùng tâm
Thể-tánh đều vô-tận.
Nếu người biết tâm hành
Bảo khắp các thế-gian
Người này thời thấy Phật
Rõ Phật chơn-thật-tánh.
Tâm chẳng trụ nơi thân
Thân chẳng trụ nơi tâm
Mà làm được phật-sự
Tự-tại chưa từng có.
Nếu người muốn rõ biết
Tất cả Phật ba đời
Phải quán pháp-giới-tánh
Tất cả duy tâm tạo.
Trí-Lâm Bồ-Tát thừa oai-lực của đức Phật, quan-sát mười phương rồi nói kệ rằng :
Sở-thủ chẳng thể lấy
Sở-kiến chẳng thể thấy
Sở-văn chẳng thể nghe
Nhứt-tâm bất-tư-nghị.
Hữu-lượng và vô-lượng
Cả hai chẳng thể lấy
Nếu có ai muốn lấy
Rốt ráo chẳng thể được.
Chẳng nên nói mà nói
Ðây là tự khi dối
Việc mình chẳng thành-tựu
Chẳng khiến chúng vui mừng.
Có người muốn khen Phật
Vô-biên diệu-sắc thân
Tận cả vô-số kiếp
Không kể thuật hết được.
Vì như châu như-ý
Hay hiện tất cả màu
Không màu mà hiện màu
Chư Phật cũng như vậy.
Lại như hư-không sạch
Phi-sắc, chẳng thấy được
Dầu hiện tất cả sắc
Không ai thấy hư-không.
Chư Phật cũng như vậy
Hiện khắp vô-lượng sắc
Chẳng phải cảnh của tâm
Tất cả chẳng thấy được.
Dầu nghe tiếng Như-Lai
Âm-thinh chẳng phải Phật
Cũng chẳng ngoài âm-thinh
Biết được đấng Chánh-Giác.
Bồ-đề không lai khứ
Lìa tất cả phân-biệt
Thế nào ở trong đó
Tự nói là thấy được.
Chư Phật không có pháp
Phật chỗ nào có nói,
Chỉ theo tự-tâm chúng
Cho rằng Phật nói pháp.