Tôi nghe như vầy:
Một thuở, đức Bạc-già-phạm cùng đông đủ một ngàn hai trăm đại Bí-sô trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng Thệ-đa, nước Thất-la-phiệt.
Bấy giờ, Thế Tôn hỏi ngài Xá-lợi Tử:
– Các bậc Đại Bồ-tát tu hành bố thí Ba-la-mật-đa trải qua thời gian bao lâu mới được viên mãn?
Ngài Xá-lợi Tử thưa Phật:
– Bạch Thế tôn! Phật là căn bản của Chánh pháp Vô thượng, đức Phật là người dẫn đường, là chỗ nương tựa. Xin nguyện Thế Tôn tuyên thuyết khai thị cho chúng Tỳ-kheo được nghe và thọ trì theo.
Đức Thế Tôn ba lần khuyên bảo Xá-lợi Tử:
– Ông nên nói rõ pháp bố thí Ba-la-mật-đa cho các Đại Bồ-tát.
Được Phật ân cần khuyên bảo ba lần, nương theo thần lực của Phật, cụ thọ Xá-lợi Tử đem pháp bố thí Ba-la-mật-đa trao truyền, dạy bảo cho các Đại Bồ-tát:
– Đại Bồ-tát nào muốn chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì nên duyên vào trí nhất thiết trí, dùng đại bi làm đầu để tu hành bố thí Ba-la-mật-đa. Nếu Bồ-tát nào duyên vào trí nhất thiết trí, lấy đại bi làm đầu tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, thì Đại Bồ-tát ấy có thể nhϊếp thọ trí nhất thiết trí, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Lại nữa, này các Đại Bồ-tát, thà thực hành bố thí với tâm vô ký, hoặc là không thực hành bố thí, chứ hoàn toàn không hồi hướng cho bậc Nhị thừa. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát nên sợ địa vị Thanh văn và Độc giác.
Bấy giờ, ngài Mãn Từ Tử hỏi cụ thọ Xá-lợi Tử:
– Do nhân duyên gì mà các Đại Bồ-tát sợ địa vị Thanh văn và Độc giác?
Xá-lợi Tử đáp:
– Không nên cho rằng các Đại Bồ-tát cùng với trí nhất thiết đồng đẳng với Nhị thừa, thế nên tôi sợ hãi.
Ngài Mãn Từ Tử lại hỏi cụ thọ Xá-lợi Tử:
– Các Đại Bồ-tát và các Thanh văn thực hành bố thí sai khác thế nào?
Xá-lợi Tử đáp:
– Thanh văn thực hành bố thí để hồi hướng đến quả vị Niết-bàn, A-la-hán. Còn Bồ-tát thực hành bố thí để hồi hướng về Bồ-đề trí nhất thiết trí. Đó là sự sai khác.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Thí như có hai người cùng thực hành bố thí: Một người duyên vào ngôi vua mà cầu quả thù thắng. Người ấy khi thực hành bố thí nghĩ như vầy: Mong sao do việc làm này mà ta được lên ngôi quốc vương, thống lãnh tám phương đều được tự tại.
Như lời nguyện, về sau người này được làm vua cai trị thế gian, tự tại an lạc.
Người còn lại duyên vào địa vị cận thần mà cầu quả thù thắng. Người ấy khi thực hành bố thí nghĩ như vầy: Mong rằng ta nhờ việc này mà làm quan đại thần, được nhà vua yêu chuộng, giao cho sứ mệnh sai sử người dưới quyền, vua muốn gì đều có thể làm vừa ý. Do ước nguyện này, nên người ấy không làm vua.
Tuy hai người này đều thực hành bố thí nhưng theo sự mong cầu mà kết quả có sự hơn kém.
Bồ-tát, Thanh văn thực hành bố thí cũng như vậy. Nghĩa là khi thực hành bố thí, các Bồ-tát lấy tâm đại bi làm đầu, nương vào trí nhất thiết trí, đem sự tu hành của mình cùng các hữu tình đồng hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Do đây đắc trí nhất thiết trí.
Còn chúng Thanh văn khi thực hành bố thí thì duyên vào quả Thanh văn, mong cầu giải thoát cho mình, không cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Bồ-tát và Thanh văn tuy cùng thực hành bố thí, nhưng tùy theo ý nguyện mà đạt được kết quả hơn kém. Một bên bố thí mà đắc trí nhất thiết trí, một bên bố thí mà đạt được quả Thanh văn. Đó là sự sai khác.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Thí như có người tu hành bố thí cầu được làm Trưởng giả, hoặc làm Cư sĩ. Lại có người tu hành bố thí nguyện làm tôi tớ cho Trưởng giả, Cư sĩ. Do đây nên biết Bồ-tát, Thanh văn thực hành bố thí, ý nguyện có hơn kém cũng như vậy.
Mãn Từ Tử khen ngợi Xá-lợi Tử:
– Lời thí dụ của Tôn giả thật là hiếm có, khéo léo chỉ rõ hai sự sai khác của việc bố thí. Tôi cũng sẽ nói đến hai thí dụ của sự bố thí.
Ví như có người đem trăm ngàn châu báu đến nhà người giàu có nổi tiếng và nói: “Tôi đem những vật báu này dâng ngài, cúi xin ngài hãy nhận tôi làm kẻ tôi tớ thân thuộc, tất cả mọi việc tôi đều hoàn tất.” Các chúng Thanh văn thực hành bố thí cũng như vậy, chỉ xin làm đệ tử thân cận của Như Lai. Bồ-tát thì không phải vậy. Đó là sự sai khác.
Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Giả như có người con gái từ bỏ sự khoái lạc ở cung vua, lén đem theo trăm ngàn châu báu đến nhà Trưởng giả hoặc nhà chủ buôn mà nói: “Nay tôi xin dâng ông những châu báu này, xin ông thương nhận tôi làm vợ, trọn đời nguyện xin phục vụ, không làm trái ý.” Như vậy, Thanh văn tu hành bố thí chỉ muốn cầu làm đệ tử Như Lai. Bồ-tát thì không phải vậy. Đó là sự sai khác.
Xá-lợi Tử khen ngợi Mãn Từ Tử:
– Ngài thật khéo léo biện thuyết về hai thí dụ bố thí! Thật hiếm có thay!
Nghĩa là các Thanh văn không có phương tiện thiện xảo nên thực hành bố thí chỉ đạt được quả Thanh văn. Còn các bậc Bồ-tát có phương tiện thiện xảo, nên khi thực hành bố thí, giúp đỡ tất cả hữu tình, đắc được trí nhất thiết.
Này Mãn Từ Tử! Đại Bồ-tát nào muốn chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì ngay trong tất cả hạnh, trước tiên phải thực hành bố thí, và nghĩ như vầy: Sự nghiệp bố thí của ta hôm nay xin ban bố cho chúng sanh khắp trong thế giới mười phương, giúp cho họ vĩnh viễn giải thoát khỏi đường ác sanh tử. Nguyện cho những người chưa phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì mau chóng phát tâm. Những người đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì mãi mãi không thối lui. Những ai không thối lui quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì giúp cho họ mau chóng viên mãn trí nhất thiết trí.
Như vậy, Bồ-tát tư duy ngoại cảnh nhưng chẳng lìa nội tâm, giữ gìn các căn lành, làm cho nó dần dần tăng trưởng. Các vị Bồ-tát này từng giờ từng giờ nhϊếp thọ căn lành, gìn giữ không để thối lui. Các vị Bồ-tát này từng lúc từng lúc đến gần trí nhất thiết trí. Các vị Bồ-tát này từng giờ từng giờ đắc trí nhất thiết trí. Các vị Bồ-tát này từng lúc từng lúc căn lành đều viên mãn, hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm lợi lạc cho tất cả hữu tình đến tận đời vị lai.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành bố thí, suy nghĩ: Mong sao cho tất cả hữu tình đều nhận được những vật thực thức ăn, nước uống v.v… của ta bố thí. Những hữu tình nào đã nhận được vật thực thức ăn, nước uống v.v… của ta bố thí, tùy theo sự cần dùng nhiều ít rồi, thì phần còn lại bố thí cho các hữu tình khác. Các hữu tình này lại cũng lượng xem mình cần dùng bao nhiêu, còn dư lại đem cho các hữu tình khác nữa. Như vậy, lần lượt tất cả cõi hữu tình đều nhận được phẩm vật của ta bố thí.
Do nhân duyên bố thí này ta sẽ nhϊếp thọ căn lành không có ngằn mé. Ta lại bố thí vô lượng căn lành này cho các hữu tình khắp cả mười phương, khiến làm cho tất cả đều giải thoát khỏi đường ác sanh tử. Người chưa phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì làm cho họ nhanh chóng phát tâm. Người đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì giúp cho họ mãi mãi không thối lui. Nếu người nào đã không thối lui quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì làm cho họ mau chóng viên mãn trí nhất thiết trí.
Các vị Bồ-tát này từng giờ từng giờ nhϊếp thọ căn lành lần lượt làm cho tăng trưởng. Các vị Bồ-tát này từng lúc từng lúc nhϊếp thọ tất cả Ba-la-mật-đa. Các vị Bồ-tát này từng giờ từng giờ nhϊếp thọ tất cả Ba-la-mật-đa. Các vị Bồ-tát này từng lúc từng lúc tiến gần đến trí nhất thiết trí.
Nên biết các Bồ-tát này đã phương tiện thiện xảo, tuy bố thí một ít vật dụng nhưng đạt được căn lành bố thí vô lượng. Vì sao? Mãn Từ Tử! Vì do tâm và cảnh bố thí không phân giới hạn, hồi hướng chứng đắc trí nhất thiết.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành bố thí thường phát khởi tâm như vầy: Ta bố thí căn lành chẳng cần nhận lấy quả báo nào khác, chỉ cầu chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nguyện làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình đến tận vị lai. Như vậy, chỉ hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mới gọi là bố thí Ba-la-mật-đa, làm cho tất cả Ba-la-mật-đa đều được viên mãn. Nếu không có tâm duyên vào trí nhất thiết, hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì dù thực hành bố thí nhưng chẳng phải là bố thí Ba-la-mật-đa, cũng không thể làm cho sự tu tập Ba-la-mật-đa khác được đầy đủ trọn vẹn, cũng không thể đắc trí nhất thiết trí.
Này Mãn Từ Tử! Dù các Đại Bồ-tát bố thí ít, nhưng nếu hay hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì nên biết Đại Bồ-tát ấy đã bố thí số lượng rất lớn, nhất định sẽ chứng được trí nhất thiết. Các Đại Bồ-tát dù bố thí nhiều, nhưng nếu chẳng hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì nên biết Đại Bồ-tát này bố thí với số lượng rất ít, không thể chứng đắc trí nhất thiết.
Này Mãn Từ Tử! Nếu Đại Bồ-tát tu hành bố thí mà không phát khởi tâm hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cũng không duyên vào trí nhất thiết trí, thì Đại Bồ-tát này dù có thực hành bố thí nhưng chẳng phải là bố thí Ba-la-mật-đa, chỉ có thể nhận lấy sanh tử, chứ không đắc được trí nhất thiết. Nếu Đại Bồ-tát tu hành bố thí, hay phát khởi tâm hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cũng duyên vào trí nhất thiết trí, thì sự thực hành bố thí của Đại Bồ-tát như vậy mới gọi là bố thí Ba-la-mật-đa, không nhận sanh tử, mà đắc được trí nhất thiết.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Đại Bồ-tát nào thực hành bố thí mà không chấp trước, thì dù có hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng không chấp trước, dù có duyên vào trí nhất thiết trí cũng không chấp trước. Đây là bậc Đại Bồ-tát vận dụng phương tiện thiện xảo, tu hành bố thí Ba-la-mật-đa mau chóng được viên mãn, cũng làm cho tất cả Ba-la-mật-đa rốt ráo viên mãn, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đem lợi ích an vui cho tất cả hữu tình đến tận đời vị lai.
Mãn Từ Tử hỏi Xá-lợi Tử:
– Thưa Tôn giả! Tôn giả nói được giáo pháp quan trọng này là nhờ tài hùng biện hay do nương vào thần lực của Phật?
Xá-lợi Tử đáp:
– Tôi nương vào thần lực của Phật mà nói được pháp yếu, chứ chẳng phải do tài biện bác của tôi.
Xá-lợi Tử lại nói với cụ thọ Mãn Từ Tử:
– Giả sử tất cả hữu tình trong vô lượng, vô số, vô biên thế giới khắp mười phương vì muốn chứng quả A-la-hán, nên đã trải qua hằng hà sa số đại kiếp, bố thí tài vật cho vô lượng, vô số phàm phu, hoặc cúng dường cho vô lượng, vô số Thanh văn, hoặc cho vô lượng, vô số Độc giác, thì những hữu tình này được vô lượng, vô số phước đức không thể nghĩ bàn.
Có Đại Bồ-tát duyên vào sự bố thí này, nghĩ: Ta rất tùy hỷ với phước đức mà những hữu tình kia có được. Đại Bồ-tát này tùy hỷ đem những căn lành có được do thực hành việc phước nghiệp bố thí cho những hữu tình trong mười phương, mong cho những hữu tình ấy vĩnh viễn giải thoát khỏi đường ác sanh tử. Những người chưa phát tâm Vô thượng Bồ-đề, thì giúp họ nhanh chóng phát tâm. Người đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì khiến cho họ vĩnh viễn không thối lui. Nếu người nào không thối lui quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì khiến họ mau chóng viên mãn trí nhất thiết trí. Đại Bồ-tát này nhờ sự tùy hỷ hồi hướng căn lành này mà trí nhất thiết trí mau được viên mãn.
Bậc Đại Bồ-tát có tâm tùy hỷ hồi hướng căn lành, đối với phước đức bố thí của các hữu tình trước, thì được phước đức thù thắng gấp trăm lần, ngàn lần, cho đến vô số lần.
Tâm tùy hỷ hồi hướng của Bồ-tát này siêu vượt hơn hẳn việc phước đức hành bố thí của các hữu tình trên thế gian. Đây gọi là Bồ-tát khéo dùng phương tiện thiện xảo, mặc dù dụng công ít nhưng phước đức thì vô lượng.
Này Mãn Từ Tử! Giả sử tất cả hữu tình trong vô lượng, vô số, vô biên thế giới khắp mười phương, trụ trong hằng hà sa số đại kiếp, thường cúng dường vô lượng, vô biên phẩm vật cho chư Phật và Bí-sô Tăng, nhờ duyên này, những hữu tình kia đạt được vô lượng phước đức.
Đại Bồ-tát nào duyên vào phước đức trên, thâm tâm tùy hỷ và nghĩ: Các loài hữu tình trong thế giới mười phương hay cung kính, cúng dường ruộng phước đức chơn tịnh, thân tâm không biết mỏi mệt, rồi khen ngợi: “Lành thay! Lành thay! Ta rất tùy hỷ với phước đức này”, thì vị Đại Bồ-tát này phát sanh phước đức là do tâm tuỳ hỷ. Đối với tất cả hữu tình trong thế giới mười phương cúng dường đức Phật và Tăng, thì công đức của Bồ-tát gấp trăm lần, ngàn làm, cho đến vô số lần.
Như vậy, tâm tùy hỷ của Bồ-tát siêu vượt hơn phước đức hành bố thí của thế gian. Như ánh sáng của lửa, thuốc súng và châu báu trong bốn châu, dù có thể chiếu sáng nhưng tất cả đều bị mờ khuất dưới ánh sáng của mặt trăng. Như vậy, phước đức thực hành bố thí của hữu tình trong mười phương dù vô lượng, vô biên nhưng cũng bị căn lành do tâm tùy hỷ của Bồ-tát làm lu mờ. Thí như ánh sáng ở trong bốn châu đều bị ánh sáng mặt trời che khuất. Như vậy, phước đức thực hành bố thí của các hữu tình trong mười phương đều bị căn lành tùy hỷ của Bồ-tát lấn áp.
Này Mãn Từ Tử! Như trăm ngàn ngọc Ca-già-mạt-ni (một loại thủ tinh) để chung một nơi, dù có phát ra ánh sáng đủ màu, nhưng khi đem một viên ngọc báu lưu ly đặt trên đống báu kia, thì tất cả màu sắc ánh sáng của ngọc Ca-già-mạt-ni đều bị lu mờ. Như vậy, các hữu tình trong mười phương dù trụ vô lượng hằng hà sa số kiếp, thường dùng những loại âm nhạc vi diệu bố thí cho hữu tình, hay cúng dường Phật và Tăng, nhưng so với phước đức của một vị Bồ-tát khởi tâm tùy hỷ, thì công đức của Bồ-tát hơn hẳn phước đức của hữu tình ấy gấp trăm lần, ngàn lần, cho đến vô số lần.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Như khi trăm ngàn con ngựa thường thế gian tập trung lại một nơi, rồi dẫn ngựa báu của Chuyển luân vương vào trong đám ngựa ấy, thì nó sẽ làm oai lực của đám ngựa kia mất cả. Như vậy, các loài hữu tình trong mười phương dù trụ vô lượng hằng hà sa số kiếp tu hành bố thí, tích tập căn lành, nhưng so với một vị Bồ-tát khởi tâm sâu xa tùy hỷ, thì công đức của Bồ-tát so với thiện căn kia gấp trăm lần, ngàn lần, cho đến vô số lần.
Như vậy, tâm tùy hỷ của Bồ-tát che khuất tóm thâu phước nghiệp việc bố thí của các loài hữu tình trên thế gian. Thế nên, muốn chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, Bồ-tát phải thường tùy hỷ sâu sắc đối với công đức của các hữu tình đã tạo.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Các Đại Bồ-tát nên đem việc phước nghiệp tương ưng với tâm tùy hỷ, bố thí cho tất cả hữu tình trong thế giới khắp mười phương và nguyện cho tất cả hữu tình trong mười phương ấy đều vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử trong đường ác. Đối với những người chưa phát tâm Vô thượng Bồ-đề, thì làm cho họ nhanh chóng phát tâm. Người đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì giúp cho họ mãi mãi không thối lui. Đối với những người không thối lui quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-tề, thì giúp họ mau chóng viên mãn trí nhất thiết trí.
Các vị Bồ-tát này từng giờ từng giờ xả các căn lành bố thí cho các loài hữu tình. Các vị Bồ-tát này từng lúc từng lúc càng thân cận trí nhất thiết trí. Các vị Bồ-tát này từng giờ từng giờ không chấp vào căn lành của mình có được. Các vị Bồ-tát này từng lúc từng lúc thường đem các căn lành hồi hướng, bố thí lại cho các hữu tình, nguyện cho họ xa lìa đường khổ, được an vui mãi mãi.
Các vị Bồ-tát này từng giờ từng giờ xả bỏ căn lành của mình, bố thí cho các loài hữu tình. Các vị Bồ-tát này từng lúc từng lúc dù không tu tập tư lương Bồ-đề nhưng hay gần gũi trí nhất thiết trí. Các vị Bồ-tát này từng giờ từng giờ chẳng chấp vào căn lành của mình có được và bố thí cho tất cả hữu tình trong thế giới mười phương, nguyện cho họ đều xa lìa khổ đau và an vui vĩnh viễn. Các vị Bồ-tát này từng lúc từng lúc căn lành tăng trưởng, thân cận với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, mau chóng chứng đắc trí nhất thiết trí.
Các vị Bồ-tát này từng giờ từng giờ không chấp căn lành của mình có được. Các vị Bồ-tát này từng lúc từng lúc thâu nhận vô lượng căn lành thù thắng. Vì sao? Này Mãn Từ Tử! Vì các Đại Bồ-tát này không phân chia tâm cảnh, chỉ hồi hướng chứng đắc trí nhất thiết mà thôi. Như vậy, Bồ-tát đem tâm tùy hỷ tương ưng với phương tiện thiện xảo, tuy đem tâm tùy hỷ để dẫn các thiện căn, bố thí lại cho hữu tình nhưng hoàn toàn không chấp trước vào căn lành và hữu tình; dù nguyện cho hữu tình được thoát khỏi đường ác và nỗi khổ sanh tử, nhưng hoàn toàn không vướng mắc vào đường ác và nỗi khổ sanh tử; dù nguyện cứu độ các loài hữu tình khiến cho họ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nhưng hoàn toàn không vướng mắc vào việc phát tâm. Tuy nguyện giáo hóa các loài hữu tình, khiến họ vĩnh viễn không thối chuyển quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nhưng hoàn toàn không chấp trước vào địa vị này. Tuy nguyện giúp đỡ các loài hữu tình mau chóng viên mãn Bồ-tát hạnh, sớm chứng đắc trí nhất thiết trí, nhưng không chấp trước vào địa vị này. Tuy nguyện tự thân chứng đắc trí nhất thiết trí nhưng cũng không chấp trước vào trí này. Bồ-tát không có tà kiến chấp trước, nên biết đây là phương tiện thiện xảo. Như vậy, Bồ-tát tâm tùy hỷ cùng với hồi hướng đều là năng lực phương tiện thiện xảo, khéo hộ trì các chúng Đại Bồ-tát khác, làm cho họ nhận được lợi ích an lạc thù thắng và tự nhϊếp thọ trí nhất thiết trí, mau chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Giả sử tất cả hữu tình trong thế giới mười phương, trụ hằng hà sa số đại kiếp, thường đem các đồ thượng diệu dâng cúng cho chư Phật và Bí-sô Tăng, thì công đức cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, tu tập các việc phuớc nghiệp không bằng công đức một vị Bồ-tát dâng một bát cơm cúng Phật và Tăng, phước của Bồ-tát hơn trăm lần, ngàn lần, cho đến gấp vô số lần. Vì sao? Vì Bồ-tát này không thấy người bố thí, người nhận bố thí và vật bố thí, mặc dù Bồ-tát quán thấy bản tánh các pháp đều Không, nhưng khi thực hành bố thí thường không xa lìa hồi hướng phát nguyện. Nghĩa là Bồ-tát đem phước bố thí này cùng các hữu tình hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nguyện đồng chứng đắc trí nhất thiết trí.
Vì thế, khi Bồ-tát thực hành bố thí, thì được phước đức gấp trăm, ngàn lần, cho đến gấp vô số lần phước đức hành bố thí của các hữu tình. Nhờ vậy, Bồ-tát nhất định chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đem lợi ích an vui cho tất cả các loài hữu tình.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Khi tu hành bố thí, các Đại Bồ-tát phải phát khởi tâm nguyện: Ta xả bỏ những tài vật này, nếu được các căn lành thù thắng nào đều ban bố cho các loài hữu tình khắp mười phương, và nguyện cho những ai đang ở địa ngục mau thoát khỏi địa ngục. Ai đọa vào bàng sanh thì mau thoát khỏi bàng sanh, kẻ đọa trong loài ngạ quỉ thì chóng xa lìa ngạ quỉ. Trong loài trời, người mà có buồn khổ, nguyện cho các buồn khổ của họ đều được chấm dứt, những vị chán ghét sanh tử chóng ra khỏi ba cõi. Vô lượng, vô biên các loài hữu tình ở mười phương, người nào chưa phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì làm cho họ mau phát tâm. Người nào đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì khiến cho họ mãi mãi không thối lui. Người nào không còn thối lui quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì làm cho họ nhanh chóng viên mãn trí nhất thiết trí.
Các vị Bồ-tát này từng giờ từng giờ xả bỏ các căn lành, bố thí cho loài hữu tình. Các vị Bồ-tát này từng lúc từng lúc nhϊếp thọ bố thí Ba-la-mật-đa. Các vị Bồ-tát này từng giờ từng giờ nhϊếp thọ bố thí Ba-la-mật-đa. Các vị Bồ-tát này từng lúc từng lúc tăng trưởng tất cả Ba-la-mật-đa.
Các vị Bồ-tát này từng giờ từng giờ tăng trưởng tất cả Ba-la-mật-đa. Các vị Bồ-tát này từng lúc từng lúc gìn giữ vô lượng căn lành thù thắng. Các vị Bồ-tát này từng giờ từng giờ gìn giữ vô lượng căn lành thù thắng. Các vị Bồ-tát này từng lúc từng lúc dần dần thân cận trí nhất thiết trí.
Như vậy, Bồ-tát khéo dùng phương tiện thiện xảo, tuy dụng công ít nhưng được phước đức rất nhiều. Thế nên, muốn chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, Bồ-tát phải thường siêng năng tu tập phương tiện thiện xảo.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Các vị Bồ-tát này từng giờ từng giờ không chấp trước các căn lành của mình có được. Các Bồ-tát này từng lúc từng lúc giữ nhận vô lượng, vô biên căn lành. Vì sao? Vì các Bồ-tát muốn giúp cho vô lượng, vô biên hữu tình đều mau chứng đắc trí nhất thiết trí. Như vậy, Bồ-tát có thể xả bỏ các căn lành của người khác, hay hồi hướng xả bỏ bố thí cho vô lượng, vô biên hữu tình khác, huống là căn lành của bản thân mà không thể xả bỏ sao. Bồ-tát vẫn xả bỏ căn lành có được, huống nữa là những tài vật khác mà không xả bỏ được sao!?
Như vậy, Bồ-tát có thể xả bỏ những thứ có hình sắc và không hình sắc, hay xả bỏ căn lành thù thắng của mình và của người, cho đến xả bỏ trí nhất thiết trí, bố thí cho các loài hữu tình, giúp cho họ cùng chứng đắc.
Như vậy, Bồ-tát rống lên tiếng sư tử: “Ta hoàn toàn không có sự thấy đối với các pháp. Ta hoàn toàn không có sự thấy đối với những thứ có hình sắc, không hình sắc, các vật bên ngoài, bên trong, tuy ta không thấy nhưng đều có thể xả bỏ.”
Như vậy, Bồ-tát nghĩ: Ta hoàn toàn không thấy pháp, không thấy vật nhưng không xả bỏ việc bố thí cho các loài hữu tình. Như vậy, Bồ-tát chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, dùng trí nhất thiết trí đã chứng đắc xét đoán, quán sát thế gian, rống lên tiếng sư tử: “Ta hoàn toàn không có sự thấy đối với các pháp, ta cũng không có sự thấy đối với những thứ có hình sắc, không hình sắc, các vật bên ngoài, bên trong cũng không thấy; tuy không thấy nhưng ta có thể xả bỏ.” Nghĩa là không thấy có pháp, có vật, nhưng không hay bố thí cho các hữu tình.
Như vậy, Bồ-tát thường nhớ nghĩ: Khi ta chứng đắc Vô thượng giác, đối với tất cả pháp, ta hoàn toàn không có sự thấy, tuy không có sự thấy nhưng ta đều hiện chứng và biết khắp tất cả pháp. Do Bồ-tát hay xả bỏ tất cả, nên khi chứng đắc Vô thượng giác, Bồ-tát có thể xả bỏ rốt ráo tất cả pháp. Do xả bỏ rốt ráo tất cả pháp nên Bồ-tát đều hiện chứng và biết rõ tất cả pháp. Hiện thể pháp tánh của pháp xả bỏ tất cả. Như vậy, như vậy, hoàn toàn không thấy các pháp. Hiện thể pháp tánh của pháp cũng hoàn toàn không có sự thấy. Như vậy, Bồ-tát đều hiện chứng, đều biết khắp tất cả các pháp.
Như vậy, Bồ-tát đối với bên ngoài hay bên trong, tất cả đều xả bỏ. Pháp bên ngoài, bên trong đều có thể xả bỏ hoàn toàn nên không còn sự thấy. Do không có sự thấy các pháp nên khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì hoàn toàn hiện chứng, hoàn toàn biết rõ khắp các pháp và có thể làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình đến tận đời vị lai.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Chúng Bồ-tát nên học bố thí Ba-la-mật-đa thanh tịnh như vậy. Bồ-tát nào có khả năng học cách bố thí Ba-la-mật-đa thanh tịnh như vậy, thì mới gọi là chơn tịnh Bồ-tát, thường không xa lìa tâm trí nhất thiết. Khi nào Bồ-tát thường không xa lìa tâm trí nhất thiết, thì khi đó Bồ-tát không bị ác ma làm hại, huống nữa là loài Dược-xoa, Tất-xá-già (quỷ ăn thịt) v.v… làm sao hại được. Nếu có hữu tình nào tìm chỗ sơ hở của Bồ-tát này thì chắc chắn không có điều đó. Vì sao? Vì nếu ở địa phương nào có Bồ-tát tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, luôn tư duy về trí nhất thiết trí không chút nào rời bỏ, thì người và chẳng phải người (phi nhơn) ở địa phương đó không thể tìm chỗ sơ hở của Bồ-tát. Vì sao? Mãn Từ Tử! Vì nếu thường tư duy trí nhất thiết trí là tác ý không thể nghĩ bàn, rộng lớn sâu xa, hiếm có trong đời. Trí nhất thiết trí không thể nghĩ bàn, rộng lớn sâu xa, khó đo lường.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Nếu các Bồ-tát hay học hạnh của đại Bồ-đề như vậy, thì có ân đức lớn với các hữu tình, và có khả năng nuôi dưỡng, dạy dỗ tất cả hữu tình, nghĩa là Bồ-tát hay giúp các loài hữu tình trong thế gian không bị tai nạn, bỏ điều ác, tu tập điều lành. Do nhân duyên này, nên các chúng Bồ-tát an trụ nơi quả vị Bồ-tát, thường hay làm lợi ích an vui cho tất cả phàm phu, Thanh văn và Độc giác. Khi các Bồ-tát chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cũng đã có ân đức lớn với các hữu tình, khéo nuôi dưỡng, dạy dỗ tất cả hữu tình, nghĩa là hay giảng Chánh pháp giúp cho hữu tình dứt hết phiền não. Nhờ vậy nên vô lượng, vô biên hữu tình đều đắc Niết-bàn, được an vui rốt ráo.
Vì thế, khi sắp chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, Bồ-tát đối với phàm phu, Thanh văn, Độc giác là tài giỏi hơn, tốt đẹp hơn, là tôn quí, là mầu nhiệm, là vi diệu không thể nghĩ được, là trên hết, là vô thượng, vô đẳng, vô đẳng đẳng.
Sau khi nhập Niết-bàn, Bồ-tát cũng có ân đức lớn đối với các loài hữu tình, hay khéo dưỡng dục tất cả hữu tình. Nghĩa là đối với tháp của Như Lai hay cúng dường, cung kính, tôn trọng ngợi khen, dâng cúng các thứ vòng hoa thượng diệu, những thứ hương xoa, hương bột, y phục, chuỗi ngọc, cờ báu, lọng lụa, kỹ nhạc đèn sáng v.v… Do nhân duyên này, các loài hữu tình đã gieo trồng vô lượng căn lành thù thắng. Hoặc nghe giáo pháp Niết-bàn cốt yếu của Như Lai, siêng năng tu học chứng đắc Niết-bàn. Đối với tháp của Như Lai, hữu tình nào dâng cúng một chút hương, một cành hoa thì Phật sẽ thọ ký cho hữu tình đó đều được xa lìa sự dục, rốt ráo được Niết-bàn.
Như vậy, Bồ-tát ở nơi địa vị Bồ-tát có ân đức lớn đối với các hữu tình, hay khéo dưỡng dục tất cả hữu tình. Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng có ân đức lớn đối với các hữu tình, hay khéo dưỡng dục tất cả hữu tình. Sau khi vào Niết-bàn, Bồ-tát cũng có ân đức lớn đối với các hữu tình, khéo dưỡng dục tất cả hữu tình. Vì các Bồ-tát thường có ân đức lớn đối với các loài hữu tình, cho nên khéo dưỡng dục tất cả hữu tình, là bậc tôn quí nhất, giỏi nhất, ngoài chư Phật ra, không ai có thể sánh bằng.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Nếu các Bồ-tát thành tựu được công đức thù thắng như thế, thì những vị ấy thường hay làm lợi ích cho tất cả hữu tình. Thí như vàng ròng có thể đem lại lợi ích cho hữu tình. Nghĩa là khi chưa được luyện, hoặc đã luyện rồi, khi chưa được làm thành vật trang sức, hoặc khi đã được làm thành vật trang sức, khi chưa thay đổi, hoặc đã thay đổi, thì vàng vẫn có thể đem lại lợi ích cho tất cả hữu tình.
Như vậy, Bồ-tát tu hạnh Bồ-đề, trụ địa vị Bồ-tát hay làm lợi ích lớn cho hữu tình. Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng làm lợi ích lớn cho hữu tình. Sau khi vào Niết-bàn cũng làm lợi ích lớn cho hữu tình.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Như mặt trời, mặt trăng xoay quanh bốn châu làm lợi ích lớn cho các hữu tình. Nghĩa là tất cả hữu tình trong bốn châu nhờ có ánh sáng của mặt trời, mặt trăng chiếu ra mà có thể làm được mọi việc, giúp hữu tình biết rõ sự khác nhau ban ngày, ban đêm, nửa tháng, đầy tháng, mùa, năm v.v… Các thứ hoa quả, lúa mạ, cỏ cây cũng nhờ ánh sáng của mặt trời, mặt trăng mà được sanh trưởng chín tới để nuôi sống hữu tình.
Như vậy, Bồ-tát tu hạnh Bồ-đề trụ địa vị Bồ-tát, làm lợi ích lớn cho các hữu tình. Khi chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng làm lợi ích cho hữu tình. Sau khi vào Niết-bàn cũng làm lợi ích cho hữu tình.
Này Mãn Từ Tử! Các chúng Bồ-tát thành tựu công đức rộng lớn như thế thường làm lợi ích lớn cho hữu tình. Thí như người chủ buôn có nhiều của cải châu báu, có thể giúp cho trăm ngàn bạn bè thương gia, quyến thuộc đều được đầy đủ các dụng cụ sinh sống, cho đến khi người chủ buôn chết, mọi người nhờ những của cải quí báu này mà đời sống đầy đủ an vui.
Như vậy, Bồ-tát thực hành hạnh Bồ-đề trụ địa vị Bồ-tát, thường hay làm lợi ích an vui cho vô số hữu tình, huống nữa là khi đắc được Bồ-đề, và sau khi vào Niết-bàn được oai lực lớn, chẳng lẽ không thể mang lại lợi ích an vui cho các đệ tử sao!?
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Như vậy, Bồ-tát thường làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình. Nghĩa là khi ở địa vị Bồ-tát, hoặc khi thành Chánh giác, hay lúc vào Niết-bàn, Bồ-tát chưa từng tạm bỏ việc làm lợi ích lớn cho các hữu tình. Như có bậc Thiện sĩ đầy đủ tướng của bậc Thiện sĩ, có thể tìm an vui cho mình và cũng có thể đem lại an vui cho các hữu tình khác. Khéo giữ gìn của cải, khéo phân chia nên gọi là Thiện sĩ.
Như vậy, Bồ-tát khéo thâu giữ của cải công đức quí báu, ngay nơi quả vị Bồ-tát có thể làm lợi ích an vui cho vô số hữu tình; khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng khéo làm lợi ích an vui cho vô số hữu tình; sau khi vào Niết-bàn cũng khéo làm lợi ích cho vô lượng hữu tình; nghĩa là sau khi vào Niết-bàn đem năng lực công đức làm lợi lạc cho các đệ tử.
Này Mãn Từ Tử! Như vậy, khi ở địa vị Bồ-tát hoặc khi đắc được Bồ-đề, hoặc sau khi Niết-bàn, Bồ-tát thường hay làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình không ngừng nghỉ phút giây nào. Giống như Thiện sĩ kia, đầy đủ tướng Thiện sĩ, Thiện sĩ có khả năng làm cho mình và người đều được an lạc, xa lìa những việc không như ý. Các chúng Bồ-tát cũng lại như vậy, có thể giúp cho mình và người thường được an lạc, xa lìa mọi nghiệp ác phiền não, không đọa vào đường ác luân hồi sanh tử, được vào Niết-bàn an vui rốt ráo, hoặc thành Chánh giác, làm lợi ích cho tất cả.
Này Mãn Từ Tử! Như con dòng Sát-đế-lợi Quán đảnh vương lên nhận ngôi vua, khi làm vua hoặc lúc làm thái tử, đều đem an lạc cho tất cả Sa-môn, Phạm chí và hữu tình khác. Hoặc sau khi băng hà cũng có thể làm cho đất nước và nhân dân an lạc, không ai khổ đau. Nghĩa là do oai lực công đức của nhà vua mà đất nước giàu có thái bình, không có giặc dã, oán thù v.v…
Như vậy, Bồ-tát trụ địa vị Bồ-tát thực hành hạnh Bồ-đề, Bồ-tát có thể đem an lạc cho tất cả hữu tình. Khi chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, Bồ-tát cũng đem an lạc cho tất cả hữu tình. Sau khi vào Niết-bàn, Bồ-tát cũng đem an lạc cho tất cả hữu tình. Nghĩa là sau khi Bồ-tát Niết-bàn, có vô số hữu tình cúng dường, cung kính, tôn trọng ngợi khen tháp, nên được vô lượng phước đức. Lắng nghe Chánh pháp, thọ trì đọc tụng, tư duy đúng lý, vì người diễn nói Chánh pháp cũng được vô biên công đức thù thắng.
Sau khi đức Phật Thế Tôn Niết-bàn, các loài hữu tình nào nghĩ nhớ đến giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn của Như Lai thì nhờ nhân duyên này, các loài hữu tình ấy sẽ không đọa vào đường ác, được sanh trong cõi trời, người, thường thọ hưởng khoái lạc, hoặc chứng đắc Niết-bàn Tam thừa, có thể làm cho mình và người được rốt ráo an lạc. Trong đời hiện tại, người chẳng phải người v.v… không thể gây hại cho hữu tình này, các sự sợ hãi không thể quấy phá, bức bách họ được. Vì sao? Mãn Từ Tử! Vì công đức niệm Phật có thể diệt trừ sự sợ hãi của người chẳng phải người trên thế gian.
Khi ấy, đức Phật khen ngợi Xá-lợi Tử:
– Lành thay! Lành thay! Đúng như lời ông nói. Nếu loài hữu tình nào hay nhớ nghĩ giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn của Như Lai, thì loài hữu tình này có thể diệt trừ được sự sợ hãi của người chẳng phải người v.v… ở thế gian.
Xá-lợi Tử bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Thật là hiếm có! Như Lai đã thành tựu pháp mầu nhiệm, rộng lớn, thanh tịnh như vậy.
Thế Tôn dạy Xá-lợi Tử:
– Này Xá-lợi Tử! Nên biết, Bồ-tát cũng có thể thành tựu pháp mầu nhiệm, rộng lớn, thanh tịnh như vậy.
Xá-lợi Tử thưa:
– Bạch Thế Tôn! Sự thành tựu pháp mầu nhiệm, rộng lớn, thanh tịnh của Bồ-tát là những gì?
Phật dạy:
– Sự thành tựu pháp mầu nhiệm, rộng lớn, thanh tịnh của Bồ-tát là phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không thối chuyển. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì pháp mầu nhiệm, rộng lớn, thanh tịnh nhất là các pháp tánh, Như Lai tánh, tự nhiên giác tánh và quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề tánh. Các Bồ-tát nào phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không thối chuyển, thì nhất định sẽ thành tựu pháp mầu nhiệm, rộng lớn, thanh tịnh.
Bấy giờ, Xá-lợi Tử nói với cụ thọ Mãn Từ Tử:
– Các chúng Bồ-tát nên phát tâm: Những hữu tình nào đến chỗ ta cầu xin những vật dụng của cải để sinh sống, thì ta sẽ phát khởi tâm bố thí mãnh liệt. Không nên khởi tâm không cho vật dụng để sinh sống. Giả sử ngay khi ấy không có vật dụng của cải, ta quyết sẽ dùng phương cách để bố thí chứ không phát khởi tâm như vầy: “Bây giờ ta không có của cải vật dụng, không cần tìm phương cách bố thí. Nếu hữu tình nào bố thí cho người ấy, ta sẽ tùy hỷ theo. Nếu họ không muốn bố thí, thì ta sẽ dùng mọi phương tiện dạy dỗ họ, giúp cho người mong cầu đều được mãn nguyện.” Như vậy, Bồ-tát hoặc bố thí của cải vật dụng cho hữu tình, hoặc hầu thầy khi thầy bệnh đau, nếu có chút ít phước nghiệp nào đều ban cho hữu tình và cùng hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, và muốn làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình đến tận đời vị lai, khiến cho tất cả thoát khỏi đường ác, sanh tử đau khổ, giúp tất cả vào Niết-bàn hoặc đạt được trí nhất thiết.
Hữu tình nào tự thực hành bố thí, tu tập các phước nghiệp khác, thì Bồ-tát khuyên họ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Như vậy, Bồ-tát đạt được phước đức nhiều hơn phước nghiệp bố thí của hữu tình khác gấp trăm lần, ngàn lần, cho đến gấp vô số lần. Vì sao? Vì Bồ-tát khuyên phát tâm hồi hướng thì có thể giúp mình và loài hữu tình đều chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Các chúng Bồ-tát tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, trước hết phải tu tập phương tiện thiện xảo, tùy theo phương tiện thiện xảo tu tập được mà tu hành bố thí. Tùy theo phước nghiệp tu hành bố thí đều đem hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, và nguyện cầu cho các hữu tình đều cùng chứng đắc trí nhất thiết trí. Như vậy, Bồ-tát khéo tu tập dùng phương tiện thiện xảo, có thể giúp mình và người đều được lợi ích thù thắng. Nếu các Bồ-tát tu hành bố thí, không tu tập phương tiện thiện xảo trước, thì giả sử có trải qua hằng hà sa số kiếp tu hành bố thí, cũng không thể phát tâm cùng với hữu tình hồi hướng đến Bồ-đề, không thể nhϊếp thọ tu tập bố thí Ba-la-mật-đa, không thể chứng đắc được trí nhất thiết trí như đã mong cầu.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Giả sử có nhiều hữu tình cầm bình bát to lớn bằng ba ngàn đại thiên thế giới đến chỗ Bồ-tát, và nói: “Chúng tôi cần xin đầy bình bát này, mong người gấp gấp ban cho.” Bồ-tát không khởi tâm khác với hữu tình ấy, chỉ khởi tâm nhất quyết bố thí cho hữu tình ấy. Nghĩa là hoàn toàn không khởi tâm sân hận, cho rằng hữu tình khinh thường xúc phạm mình; cũng không khởi tâm không bố thí, nghĩa là nghĩ: Làm sao ta có thể cho người kia nhiều phẩm vật được; cũng không khởi tâm không có của cải, nghĩa là nghĩ: Ta làm sao có thể cho đầy đủ vật báu đầy bát lớn đến ba ngàn đại thiên thế giới của hữu tình kia. Bồ-tát chỉ nên nghĩ: Bây giờ vì hữu tình này, ta phải tu tập thần thông thù thắng, tu tập các phương tiện để gom góp nhiều của cải quí báu, chắc chắn làm cho người mong cầu kia thỏa mãn ý muốn. Khi đó, Bồ-tát tinh tấn vượt bậc, siêng năng gia hạnh cầu thần thông thù thắng, muốn tích góp của cải quí báu để bố thí cho hữu tình đang cầu xin. Bồ-tát nhϊếp thọ tinh tấn Ba-la-mật-đa, đắc được thần thông tích góp được nhiều của cải quí báu, Bồ-tát bố thí cho người cầu xin được mãn nguyện. Bồ-tát nhϊếp thọ bố thí Ba-la-mật-đa như vậy, gọi là các chúng Bồ-tát tu hành bố thí Ba-la-mật-đa phát tâm rộng lớn, thường không nhàm chán, mệt mỏi. Nhờ vậy, Bồ-tát mau chóng chứng đắc Vô thượng Bồ-đề, có thể làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình đến tận đời vị lai.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Các Đại Bồ-tát nên thương xót hữu tình mà thực hành bố thí. Nên trụ tâm từ, ban vui cho chúng sanh mà thực hành bố thí. Nên trụ tâm bi, dẹp sạch khổ đau cho hữu tình mà thực hành bố thí. Nên trụ tâm hỷ, mừng vui các hữu tình xa lìa khổ đau được an vui mà thực hành bố thí. Nên trụ tâm xả, bình đẳng làm lợi ích cho hữu tình mà thực hành bố thí.
Bố thí như vậy rồi nên phát tâm: Phước đức và việc lành ta đã tạo được, ta xin bố thí cho loài hữu tình trong mười phương, giúp họ vĩnh viễn giải thoát khỏi đường ác sanh tử. Những người chưa phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì ta làm cho họ sớm phát tâm. Những người đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì khiến họ vĩnh viễn không thối lui, đã không thối lui quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì giúp họ mau chóng viên mãn trí nhất thiết trí.
Các Bồ-tát này từng giờ từng giờ xả bỏ phước đức và căn lành cho các hữu tình. Các Bồ-tát này từng lúc từng lúc căn lành được tăng trưởng. Các Bồ-tát này từng giờ từng giờ lấy việc tu tập điều lành cùng hồi hướng cho các hữu tình đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nguyện cùng nhau chứng được trí nhất thiết trí. Các Bồ-tát này từng lúc từng lúc căn lành tăng trưởng hơn trước.
Lại nữa, này Mãn Từ Tử! Thí như vàng ròng từng giờ từng giờ được tôi luyện, được đốt, gò; từng lúc từng lúc màu sắc sáng bóng càng tăng lên; từng giờ từng giờ màu sắc sáng bóng càng tăng thêm hơn trước; từng lúc từng lúc dần dần mềm dẻo có thể làm vật dụng.
Như vậy, Bồ-tát từng giờ từng giờ đem điều lành đã tạo cho các hữu tình cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nguyện đồng chứng đắc trí nhất thiết trí; từng lúc từng lúc căn lành tăng trưởng; từng giờ từng giờ căn lành càng tăng trưởng hơn, thì từng lúc từng lúc càng gần gũi trí nhất thiết trí.
Này Mãn Từ Tử! Như có người con gái chùi gương soi mặt, từng giờ từng giờ gia công lau chùi gương, từng lúc từng lúc gương càng trong sáng. Từng giờ từng giờ gương càng sáng lần, từng lúc từng lúc mặt gương không còn bụi, mọi cảnh tượng đều hiện rõ trong gương.
Như vậy, Bồ-tát từng giờ từng giờ quyết chí đem phước đức và việc lành tạo được hồi hướng đến trí nhất thiết trí; từng lúc từng lúc Bồ-tát luôn bố thí khắp tất cả hữu tình trong thế giới mười phương, khiến họ vĩnh viễn thoát đường ác sanh tử. Người chưa phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì làm cho họ phát tâm. Người đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì làm cho họ không còn thối lui. Người nào không còn thối lui quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì giúp họ mau chóng viên mãn trí nhất thiết trí.
Các Bồ-tát này từng giờ từng giờ xả bỏ căn lành của mình bố thí cho các loài hữu tình; từng lúc từng lúc căn lành càng tăng thêm. Từng giờ từng giờ căn lành càng tăng thêm, từng lúc từng lúc càng gần gũi trí nhất thiết trí.
Như vậy, Bồ-tát tu tập phương tiện thiện xảo, hồi hướng mong cầu trí nhất thiết trí, khiến các công đức dần dần tăng trưởng, mau chóng chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, và có thể làm lợi ích cho tất cả hữu tình đến tận đời vị lai.
Này Mãn Từ Tử! Tại sao có Bồ-tát thực hành bố thí nhiều nhưng nhận phước đức rất ít? Tại sao có Bồ-tát ít thực hành bố thí lại nhận được nhiều phước đức? Tại sao có Bồ-tát ít thực hành bố thí và nhận được ít phước đức? Tại sao có Bồ-tát bố thí nhiều và nhận được phước đức nhiều?
Nếu những Bồ-tát nào tuy trải qua hằng hà sa số đại kiếp, thường xả bỏ vô lượng, vô số của cải quí báu rồi bố thí cho các loài hữu tình trong thế giới mười phương, nhưng không hồi hướng quả vị Vô thượng Bồ-đề, nguyện cùng hữu tình đồng chứng đắc trí nhất thiết trí, thì Bồ-tát đó thực hành bố thí nhiều nhưng được phước ít.
Nếu những Bồ-tát nào dù trải qua thời gian ngắn ngủi bố thí cho hữu tình ít của cải, nhưng hay hồi hướng Vô thượng Bồ-đề, nguyện cùng với hữu tình đồng chứng đắc trí nhất thiết trí, thì Bồ-tát đó ít thực hành bố thí mà thâu nhận nhiều phước đức.
Nếu những Bồ-tát nào trải qua thời gian ngắn ngủi bố thí chút ít của cải cho hữu tình, nhưng không hồi hướng Vô thượng Bồ-đề, nguyện cùng hữu tình đồng chứng đắc trí nhất thiết trí, thì Bồ-tát đó thực hành bố thí ít và nhận phước cũng ít.
Nếu những Bồ-tát nào trải qua hằng hà sa số đại kiếp, thường xả bỏ vô lượng, vô số tài sản quí báu và bố thí cho các hữu tình khắp mười phương, lại có thể hồi hướng Vô thượng Bồ-đề, nguyện cùng hữu tình đồng chứng đắc trí nhất thiết trí, thì Bồ-tát đó thực hành bố thí nhiều và được phước nhiều.
Vì thế, chúng Đại Bồ-tát muốn chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì phải đem căn lành cho hữu tình cùng hồi hướng lên quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nguyện cùng hữu tình đồng chứng đắc trí nhất thiết trí.
Nếu Đại Bồ-tát nào muốn có năng lực nhϊếp thọ vô số nhóm phước, làm lợi ích cho các hữu tình, mau chóng chứng đắc trí nhất thiết trí, thì phải thường không xa lìa trí nhất thiết trí và tương ưng với tác ý tu hành bố thí Ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát nào thường không xa lìa trí nhất thiết trí và tương ưng với tác ý tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, thì Đại Bồ-tát này liền có năng lực nhϊếp thọ vô lượng nhóm phước, mau chóng chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm nhiều lợi ích cho các hữu tình. Vì sao? Này Mãn Từ Tử! Nếu các Bồ-tát thường không xa lìa trí nhất thiết trí và tương ưng với tác ý tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, thì công đức và căn lành của các vị Bồ-tát này trong mỗi một sát-na dần dần được tăng trưởng, nhờ vậy mau chứng Vô thượng Bồ-đề, có thể làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình đến tận đời vị lai.
Vì thế, Bồ-tát muốn thường đem lợi ích an vui cho hữu tình, thì trong tất cả hành động thường phải siêng năng tu tập phương tiện thiện xảo, hồi hướng lên quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, và nguyện làm lợi ích lớn cho các hữu tình.