Chương 575: Quyển 575 Phần Mạn-Thù-Thất-Lợi 02

Bấy giờ, Xá-lợi Tử thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Mạn-thù-thất-lợi thật không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì pháp tướng mà Mạn-thù-thất-lợi đã thuyết không thể nghĩ bàn.

Phật bảo đồng tử Mạn-thù-thất-lợi:

– Pháp mà ông thuyết thật khó nghĩ bàn, như cụ thọ Xá-lợi Tử đã nói.

Mạn-thù-thất-lợi liền bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Pháp mà con thuyết không thể nói là có thể nghĩ bàn, cũng không thể nói không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì tánh của không thể nghĩ bàn và có thể nghĩ bàn đều vô sỡ hữu, chỉ có âm thanh. Tất cả âm thanh cũng không thể nói, không thể nghĩ bàn, hay có thể nghĩ bàn. Vì đối với tất cả pháp tự tánh đều xa lìa. Người nào nói như vậy mới gọi là nói không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghì).

Phật bảo Mạn-thù-thất-lợi:

– Đồng tử! Nay ông đang nhập vào Tam-ma-địa Bất khả tư nghì ư?

Mạn-thù-thất-lợi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Con không nhập vào Tam-ma-địa này. Vì sao? Vì con hoàn toàn chẳng thấy tánh Tam-ma-địa này khác với con, vì chẳng thấy có tâm có thể nghĩ bàn về ngã và định này. Tam-ma-địa Bất khả tư nghì ấy, tánh của tâm và phi tâm đều không nhập được, thì làm sao có thể nói con nhập vào định này?

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Xưa kia khi mới học, con có tác ý nhập vào Tam-ma-địa này. Nhưng bây giờ con không còn tác ý nhập vào định này nữa. Giống như người bắn giỏi, khi mới học bắn phải tập ngắm kỹ vào những đích thô rồi kéo cung. Nhưng tập lâu ngày thành thạo, có thể bắn trúng đích nhỏ như đầu sợi lông, chẳng cần ngắm vào nơi đích thô kia nữa, hễ muốn bắn chỗ nào, buông mũi tên ra là trúng ngay. Cũng vậy, trước đây khi con mới học định này cần phải buộc niệm vào chỗ bất tư nghì, sau đó mới có thể nhập vào định này. Tu tập lâu ngày thành thục, ở trong định này chẳng còn buộc tâm, mặc cho nó trụ. Vì sao? Vì con đã thiện xảo đối với định này, tuần tự vào ra không còn tác ý.

Khi ấy, Xá-lợi Tử liền bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Con nhận thấy Đồng tử Mạn-thù-thất-lợi này chưa thể bảo hộ niềm tin. Vì sao? Dường như không thường trụ ở trong định này, tuy nhiên không có định nào khác nhiệm mầu vắng lặng như định này.

Mạn-thù-thất-lợi liền thưa với Cụ Thọ Xá-lợi Tử:

– Đại đức! Sao biết không có định nào khác vắng lặng như định này?

Xá-lợi Tử nói:

– Lẽ nào lại có định vắng lặng như định này?

Mạn-thù-thất-lợi đáp:

– Đại đức! Nếu định này có thể chứng được thì có thể nói, còn các định khác vắng lặng như định này nhưng bất khả đắc.

Xá-lợi Tử nói:

– Mạn-thù-thất-lợi! Lẽ nào định này cũng bất khả đắc?

– Đại đức! Định này thật bất khả đắc. Vì sao? Vì tất cả định nào có thể nghĩ bàn thì có tướng khả đắc, còn định không thể nghĩ bàn thì không có tướng khả đắc. Định này đã được nói là không thể nghĩ bàn cho nên chắc chắn phải bất khả đắc.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Đối với định không thể nghĩ bàn này, tất cả hữu tình không ai không chứng được. Vì sao? Vì tất cả tánh của tâm đều lìa tánh của tâm. Sự lìa tánh của tâm được gọi là định không nghĩ bàn nên hàng hữu tình có thể chứng được.

Phật khen đồng tử Mạn-thù-thất-lợi:

– Hay thay! Hay thay! Mạn-thù-thất-lợi, trong quá khứ ông đã ở chỗ vô lượng đức Phật gieo trồng căn lành, phát nguyện lớn lâu dài, đã tu phạm hạnh, đều dựa vào sự vô đắc nên nói ra lời gì đều mang ý nghĩa sâu xa. Mạn-thù-thất-lợi! Lẽ nào chẳng phải vì ông trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu nên bất cứ lúc nào cũng nói được ý nghĩa sâu xa?

Mạn-thù-thất-lợi liền bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nếu do trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu mà con nói được như vậy, thì trụ vào ngã tưởng và trụ vào hữu tưởng con cũng có thể nói được như vậy.

Nếu trụ ngã tưởng và trụ hữu tuởng mà nói được như vậy, thì Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu cũng có chỗ trụ.

Nếu Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có chỗ trụ thì Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu cũng lấy ngã tưởng và lấy hữu tưởng làm chỗ trụ. Nhưng Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu xa lìa hai tưởng trụ và không chỗ trụ. Như chư Phật trụ chỗ vắng lặng, nhiệm mầu, không khởi, không tạo tác, không động, không chuyển, lấy đó làm chỗ trụ. Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu chẳng trụ pháp có, chẳng trụ pháp không, nên chỗ trụ này không thể nghĩ bàn.

Đối với tất cả pháp, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu đều không hiện hành. Phải biết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu tức là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Cảnh giới không nghĩ bàn tức là pháp giới. Pháp giới tức là cảnh giới chẳng hiện hành. Phải biết cảnh giới chẳng hiện hành tức là cảnh giới không nghĩ bàn. Phải biết cảnh giới không nghĩ bàn tức là Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.

Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, ngã giới, pháp giới, không hai, không khác; không hai, không khác tức là pháp giới. Pháp giới tức là cảnh giới chẳng hiện hành. Cảnh giới chẳng hiện hành nên biết đó chính là Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.

Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu phải biết tức là cảnh giới không nghĩ bàn. Cảnh giới không nghĩ bàn phải biết tức là cảnh giới chẳng hiện hành. Cảnh giới chẳng hiện hành phải biết là cảnh giới không có sỡ hữu. Cảnh giới không có sỡ hữu phải biết tức là cảnh giới không sanh diệt. Cảnh giới không sanh diệt phải biết tức là cảnh giới chẳng nghĩ bàn. Cảnh giới chẳng nghĩ bàn và cảnh giới của Như Lai và cảnh giới ngã, cảnh giới của các pháp đều không hai, không khác.

Thế nên, bạch Thế Tôn! Nếu tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa được như vậy, thì đối với Đại Bồ-tát chẳng cầu chứng quả. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu tức là Bồ-đề.

Bạch Thế Tôn! Nếu thật biết cảnh giới ngã tức biết sự không chấp trước. Nếu biết không chấp trước tức biết không có pháp. Nếu biết không có pháp Phật tức là trí Phật. Trí tức là trí chẳng nghĩ bàn. Phải biết trí Phật không có pháp nào đáng để biết, gọi là chẳng biết pháp. Vì sao? Vì trí này tự tánh hoàn toàn không có sỡ hữu.

Pháp không sở hữu làm sao có thể chuyển được chơn pháp giới? Tự tánh của trí này đã không sở hữu tức là không có sự chấp trước. Nếu không có sự chấp trước tức bản thể chẳng phải trí. Nếu bản thể chẳng phải trí tức là không có cảnh giới. Nếu không có cảnh giới tức không có chỗ dựa. Nếu không có chỗ dựa tức không có chỗ trụ. Nếu không có chỗ trụ tức không sanh diệt. Nếu không sanh diệt tức bất khả đắc. Nếu bất khả đắc tức không có chỗ để hướng tới. Đã không có chỗ hướng tới, thì trí này không thể tạo các công đức, cũng không thể tạo phi công đức. Vì sao? Vì trí này không suy nghĩ việc tạo ra công đức hay tạo ra phi công đức.

Trí không suy nghĩ là trí không thể nghĩ bàn. Trí không thể nghĩ bàn tức là trí Phật. Vì vậy, trí này không có sự chấp thủ, cũng chẳng chấp thủ tất cả pháp, cũng chẳng phải ở khoảng trước, chẳng phải ở khoảng giữa hay khoảng sau, chẳng phải trước đây đã sanh, chẳng phải trước đây chưa sanh, không xuất hiện không chìm mất, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn, lại không có trí nào khác sánh với trí này.

Do đây, trí này không thể nghĩ bàn, đồng với hư không, chẳng thể so sánh, không đây, không kia, chẳng phải đẹp, chẳng phải xấu. Đã không có trí nào khác sánh với trí này được, cho nên trí này không có sự ngang bằng và chẳng có trí nào ngang bằng. Do đây nên gọi trí này là Vô đẳng đẳng.

Lại không có trí nào khác có thể nắm bắt đối với trí này. Vậy trí này vô đối, bất đối. Do đây nên gọi là trí Vô đối đối.

Phật bảo đồng tử Mạn-thù-thất-lợi:

– Diệu trí như vậy không thể động ư?

Mạn-thù-thất-lợi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Diệu trí như vậy không thể động. Như thợ vàng đốt luyện thỏi vàng cho được tinh ròng, đúng lượng rồi thì không động đến nữa. Trí này cũng vậy, tu tập thành thục, không tạo tác, không chứng đắc, không sanh ra, không kết thúc, không khởi lên, không chìm, vững yên chẳng động.

Phật bảo đồng tử Mạn-thù-thất-lợi:

– Ai có thể tin hiểu được diệu trí này?

Mạn-thù-thất-lợi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Nếu không hành được pháp nhập Niết-bàn thì cũng không thể hành được pháp sanh tử. Đối với thân kiến, hành tịch diệt hành. Đối với Niết-bàn, hành bất động hành, không đoạn tham dục, sân giận, ngu si, cũng chẳng phải không đoạn. Vì sao? Vì tự tánh của ba độc này là xa lìa, chẳng tận hay bất tận, đối với pháp sanh tử chẳng vượt qua, chẳng rơi xuống, đối với các Thánh đạo chẳng lìa, chẳng tu. Đối với trí này, người ấy có thể tin hiểu sâu xa.

Phật khen đồng tử Mạn-thù-thất-lợi:

– Hay thay! Hay thay! Ông đã nói việc này một cách đúng đắn.

Bấy giờ, cụ thọ Đại Ca-diếp-ba ở trước Phật bạch:

– Bạch Thế Tôn! Trong tương lai, ai có thể tin hiểu, tu học nghĩa lý thâm sâu của pháp và Tỳ-nại-da này?

Phật bảo cụ thọ Đại Ca-diếp-ba:

– Đời vị lai, chúng Bí-sô v.v… trong hội này đều sẽ tin hiểu, lãnh thọ, tu học nghĩa lý thâm sâu của pháp và Tỳ-nại-da đã thuyết này, cũng có thể vì người khác giảng nói và truyền bá. Như đại trưởng giả bị mất ngọc vô giá. Tâm luôn khổ não, buồn rầu, chẳng vui. Sau đó có lại được, vui mừng hớn hở. Hôm nay, chúng Bí-sô v.v… trong hội này cũng như vậy, nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu tin hiểu, tu học, sau không được nghe thuyết pháp môn này nữa, tâm luôn khổ não, buồn rầu chẳng vui, đều nghĩ: Chẳng biết lúc nào chúng ta sẽ được nghe lại pháp thâm sâu này. Sau đó, nếu được nghe pháp môn này vui mừng hớn hở, lại nghĩ: Hôm nay ta được nghe kinh điển này tức là được gặp Phật, gần gũi cúng dường. Như cây Viên Sinh mới đâm chồi, chư Thiên trời thứ Ba mươi ba vui mừng hớn hở nghĩ: Chẳng bao lâu cây này sẽ nở hoa, hương thơm ngào ngạt, chúng ta tha hồ dạo xem. Chúng Bí-sô cũng lại như vậy, nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa rồi tin thọ tu hành nên sanh hoan hỉ, chẳng bao lâu, tất cả pháp của Phật sẽ được hiển bày.

Ẩm Quang (Ca-diếp) nên biết! Đời vị lai, chúng Bí-sô v.v… nếu nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này tin hiểu, tu hành, tâm chẳng quên mất, tất ở trong hội đây đã được lắng nghe, vui vẻ thọ trì, giảng nói truyền bá. Nên biết các vị ấy do nghe pháp này, vui mừng hớn hở, tín thọ tu hành, chẳng bao lâu, tất cả pháp của Phật sẽ được hiển bày. Sau khi Như Lai diệt độ, nếu vị nào thọ trì, giảng nói, truyền bá kinh điển này, phải biết người ấy nhờ sức oai thần của Phật gia hộ, khiến cho mọi việc của họ đều được thành tựu.

Ẩm Quang nên biết! Vị nào nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu vui mừng thọ trì, vị ấy đời quá khứ đã ở chỗ vô lượng đức Phật gieo trồng nhiều căn lành, đã được lắng nghe, chứ chẳng phải mới gặp hôm nay. Như kẻ đào ngọc bỗng nhiên gặp được ngọc Mạt-ni vô giá sanh vui mừng lớn. Phải biết kẻ ấy từng thấy ngọc này nên sanh vui mừng, chẳng phải nay mới thấy. Như vậy đời vị lai các Bí-sô v.v… thâm tâm ưa thích, lắng nghe chánh pháp, bỗng gặp được Bát-nhã ba-la-mật-đa vui mừng lắng nghe, tin thọ, tu học. Phải biết ngày trước những vị ấy đã từng ở chỗ vô lượng đức Phật nghe kinh này, chẳng phải ở thời này mới nghe được.



Ẩm Quang nên biết! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nghe Diệu Cát Tường (Mạn-thù-sư-lợi) thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa vui mừng hớn hở, thích nghe không chán, lại thường ân cần cầu thỉnh thuyết giảng lại, thì các thiện nam, thiện nữ v.v… này trong quá khứ đã theo Mạn-thù-thất-lợi nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, vui vẻ thọ trì, tin hiểu tu học, cũng đã từng gần gũi Mạn-thù-thất-lợi cúng dường, cung kính, nên được như vậy. Thí như có người gặp dịp vào thành ấp. Người ấy đã dạo xem qua tất cả vườn rừng, ao hồ, nhà cửa, người, vật trong đó. Thời gian sau, đi ở chỗ khác, người ấy nghe người ta khen trong thành ấp này đã có nhiều thắng cảnh đẹp, liền vui mừng, xin người kia kể lại. Nếu được nghe nữa, vui mừng càng gấp bội. Bởi vì trước đây người ấy đã được thấy. Cũng vậy, đời sau các thiện nam, thiện nữ v.v… nghe Diệu Cát Tường thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa vui vẻ, thích nghe, không nhàm chán, lại ân cần thỉnh nói lại nghĩa lý thâm sâu. Nghe rồi khen ngợi, càng vui mừng hơn. Phải biết những người này đều do đời trước đã từng gần gũi Mạn-thù-thất-lợi, cúng dường, cung kính, lắng nghe và lãnh thọ pháp này, nên đời này thành tựu được như vậy.

Bấy giờ, cụ thọ Đại Ca-diếp-ba liền bạch Phật:

– Như Lai đã nói một cách đầy đủ về tướng trạng các hành của các thiện nam tử v.v… trong hiện tại và vị lai lắng nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa tin hiểu tu hành.

Phật dạy:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông nói, Ta đã nói một cách đầy đủ về tướng trạng các hành của họ.

Mạn-thù-thất-lợi liền bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Tướng trạng các hành của các thiện nam tử v.v… trong hiện tại và đương lai nghe pháp thâm sâu này, phải biết chẳng phải tướng trạng các hành. Vì pháp đã nghe nhiệm mầu vắng lặng, tướng trạng các hành đều bất khả đắc, thì vì sao Như Lai thuyết như vầy: “Ta đã nói một cách đầy đủ về tướng trạng các hành của họ?”

Phật bảo đồng tử Mạn-thù-thất-lợi:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông nói. Tướng trạng các hành của các thiện nam tử v.v… trong hiện tại và đương lai nghe pháp sâu xa này đều chẳng phải tướng trạng các hành. Vì pháp đã nghe nhiệm mầu vắng lặng, tướng trạng các hành đều bất khả đắc. Nhưng khi nghe thuyết pháp sâu xa, họ vui mừng, thọ trì, tin hiểu, tu học, tức ở quá khứ họ đã từng nghe, vui mừng thọ trì và tu hành nên mới được như vậy. Tướng trạng các hành này đều dựa vào thế tục mà nói, chẳng phải trong thắng nghĩa có việc như vậy.

Mạn-thù-thất-lợi phải biết! Hiển bày rõ Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu tức là hiển rõ tất cả pháp của Phật, thông suốt việc chơn thật chẳng nghĩ bàn.

Mạn-thù-thất-lợi! Khi xưa, Ta tu học hạnh Bồ-tát, những căn lành chứa được đều do tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu mà được thành tựu viên mãn. Muốn trụ địa vị Bất thối chuyển của Bồ-tát, muốn chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng do tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu mà được thành tựu.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn tích nhóm căn lành như các Bồ-tát đã tích nhóm, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn trụ bậc Bất thối chuyển của Bồ-tát, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn thông suốt hoàn toàn tướng bình đẳng của tất cả pháp giới, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn hiểu rõ hoàn toàn tâm hành bình đẳng của tất cả hữu tình, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn mau chứng được tất cả giáo pháp của Phật, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn biết nghĩa lý huyền bí của các pháp mà Như Lai không thể hiện giác mà Phật thuyết, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này. Vì sao? Vì các pháp được giác ngộ và người giác ngộ đều bất khả đắc.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v.. nào muốn biết về nghĩa lý huyền bí các pháp của chư Phật mà Như Lai không thể hiện chứng như Phật thuyết, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu. Vì sao? Vì pháp Phật đã chứng ngộ và người chứng đều bất khả đắc.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn biết ý nghĩa huyền bí của lời Phật nói về sự đầy đủ oai nghi tướng hảo và quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà Như Lai không thể chứng được, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này. Vì sao? Vì sự chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề với oai nghi tướng tốt và người chứng đều bất khả đắc.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn biết nghĩa lý huyền bí mà Phật nói về sự không thành tựu tất cả công đức, không thể giáo hóa tất cả hữu tình của Như Lai, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này. Vì sao? Vì tất cả công đức, sự giáo hóa hữu tình và các Như Lai đều bất khả đắc.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn chứng được vô ngại giải đối với các pháp, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu chẳng thấy các pháp có ít chơn thật, hoặc tịnh hoặc nhiễm, hoặc sanh hoặc diệt v.v…

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn biết các pháp chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai và tướng vô vi, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này. Vì sao? Vì chơn pháp giới chẳng phải thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai hay vô vi. Vì các pháp đều nhập vào chơn pháp giới.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn đạt được sự không nghi ngờ đối với các pháp, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn chuyển được xe pháp Vô thượng ba lần với mười hai hành tướng và ở trong đó hoàn toàn không có sự chấp trước, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn đạt được sự ban bố từ tâm trùm khắp tất cả mà trong ấy không tưởng về hữu tình nào, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn cùng thế gian nhập vào pháp tánh không có các sự tranh luận mà đối với thế gian và các sự tranh luận đều vô sở đắc, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn biết rõ khắp các cảnh xứ phi xứ hoàn toàn không bị ngăn ngại, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn đạt được vô biên pháp Phật như lực vô úy của Như Lai v.v…, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này.

Bấy giờ, đồng tử Mạn-thù-thất-lợi liền bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Con quán Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này không có tướng vô vi, không có các công đức, không sanh, không diệt, không sức lực, không khả năng, không đến, không đi, không vào, không ra, không tổn hại, không lợi ích, không biết, không thấy, không thể, không dụng, chẳng phải người tạo tác, cũng không thể làm cho các pháp sanh diệt, không làm cho các pháp là một hay là khác, không thành, không hoại, chẳng phải tuệ, chẳng phải cảnh, chẳng phải pháp phàm phu, chẳng phải pháp Thanh văn, chẳng phải pháp Độc giác, chẳng phải pháp Bồ-tát, chẳng phải pháp Như Lai, chẳng phải chứng hay không chứng, chẳng đắc hay không đắc, chẳng phải tận hay bất tận, chẳng vào sanh tử, chẳng ra khỏi sanh tử, chẳng nhập Niết-bàn, chẳng ra Niết-bàn, đối với các pháp của Phật chẳng thành chẳng hoại, đối với tất cả pháp chẳng phải tạo tác hay không tạo tác, chẳng phải có thể nghĩ bàn hay không thể nghĩ bàn, lìa các sự phân biệt, chấm dứt sự hý luận. Bát-nhã ba-la-mật-đa này hoàn toàn không có công đức, làm sao Như Lai khuyên các hữu tình siêng năng tu học?

Phật bảo đồng tử Mạn-thù-thất-lợi:

– Những điều đã nói tức là công đức chơn thật của Bát-nhã ba-la-mật-đa. Các thiện nam tử v.v… nếu biết như vậy thì gọi là chơn thật tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.

Lại nữa, đồng tử Mạn-thù-thất-lợi! Đại Bồ-tát nào muốn học Tam-ma-địa thù thắng của Bồ-tát, muốn thành tựu Tam-ma-địa thù thắng của Bồ-tát, muốn an trụ trong Tam-ma-địa này, thấy tất cả Phật, biết được danh hiệu của Phật và thấy được thế giới của chư Phật này, chứng được, thuyết được thật tướng các pháp không chướng ngại, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này, ngày đêm siêng năng chớ sanh lười mỏi.

Mạn-thù-thất-lợi liền bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu?

Phật bảo đồng tử Mạn-thù-thất-lợi:

– Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu không tên, không tướng, không bờ, không bến, không chỗ về nương, chẳng phải cảnh nghĩ lường, chẳng phải tội, chẳng phải phước, chẳng phải tối tăm, chẳng phải sáng suốt, như hư không thanh tịnh và chơn pháp giới, số lượng và giới hạn đều bất khả đắc. Do các yếu tố này cho nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.

Lại nữa, đồng tử Mạn-thù-thất-lợi! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu là hành xứ sâu xa của các Bồ-tát. Nếu các Bồ-tát hành được chỗ ấy thì đối với các cảnh giới đều được thông suốt. Hành xứ như vậy chẳng phải hành xứ của tất cả thừa. Vì sao? Vì hành xứ này không danh, không tướng, không có sự phân biệt. Thế nên gọi là chẳng phải chỗ hành xứ.

Mạn-thù-thất-lợi lại bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát tu hành pháp nào mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?

Phật bảo đồng tử Mạn-thù-thất-lợi:

– Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, tâm không lười mỏi sẽ mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Lại nữa, đồng tử Mạn-thù-thất-lợi! Đại Bồ-tát nào thường tu hành đúng đắn Tam-ma-địa Nhất tướng trang nghiêm sẽ mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Mạn-thù-thất-lợi lại bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi là Tam-ma-địa Nhất tướng trang nghiêm? Các chúng Bồ-tát tu hành thế nào?

Phật bảo đồng tử Mạn-thù-thất-lợi:

– Tam-ma-địa này lấy tướng pháp giới để làm trang nghiêm, nên gọi là Tam-ma-địa Nhất tướng trang nghiêm. Đại Bồ-tát nào muốn nhập vào Tam-ma-địa thù thắng này, trước hết phải lắng nghe, thỉnh hỏi, tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu. Rồi sau đó mới có thể nhập vào Tam-ma-địa này.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu Đại Bồ-tát nào bất động pháp giới, biết chơn pháp giới chẳng phải dao động, không thể nghĩ bàn, không thể hý luận, như vậy mới nhập vào được Tam-ma-địa Nhất tướng trang nghiêm.

Mạn-thù-thất-lợi! Thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn nhập vào Tam-ma-địa này phải ở chỗ trống vắng, lìa xa chỗ ồn náo, ngồi kiết già chẳng nghĩ đến các tướng. Vì muốn lợi lạc tất cả hữu tình, phải chú tâm chánh niệm, thủ giữ danh tự một vị Như Lai, khéo tưởng về dung nghi của Ngài. Ngài ở phương nào thì ngồi thẳng quay về hướng ấy, niệm niệm tiếp nối nhau, niệm một Như Lai tức là đã quán khắp chư Phật ba đời. Vì sao? Mạn-thù-thất-lợi! Vì vô lượng, vô biên công đức biện tài của một đức Phật ngang bằng với tất cả Phật. Chư Phật ba đời đều nương vào một chơn như mà chứng đại Bồ-đề không sai khác.

Mạn-thù-thất-lợi! Thiện nam, thiện nữ v.v… nào siêng năng tu học, được nhập vào Tam-ma-địa Nhất tướng trang nghiêm, sẽ thấu rõ được vô lượng, vô biên hằng hà sa số pháp giới chư Phật không có tướng sai khác, cũng có thể tổng nhϊếp chấp trì vô lượng, vô số hằng hà sa pháp luân vô thượng mà chư Phật Bồ-tát đã chuyển, chưa chuyển. Như ngài A-nan-đà đa văn trí tuệ, đối với lời Phật dạy đều nhớ, giữ gìn hết. Tuy là bậc tối thắng trong chúng Thanh văn nhưng sự nhϊếp trì giáo pháp còn có phần hạn chế. Nếu vị nào chứng được Tam-ma-địa Nhất tướng trang nghiêm, thì trí tuệ đa văn và sức nhớ tổng nhϊếp ấy sẽ không thể nghĩ bàn, có thể thọ trì được pháp luân vô thượng của vô lượng, vô biên hằng hà sa số chư Phật Bồ-tát. Mỗi mỗi pháp môn đều được thông suốt nghĩa lý sâu xa, tuyên thuyết khai thị biện tài vô tận hơn A-nan-đà gấp trăm ngàn lần.

Mạn-thù-thất-lợi liền bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa kia khi chứng được Tam-ma-địa này làm sao đạt được vô lượng, vô biên công đức lợi ích?



Phật dạy:

– Đồng tử! Thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa ấy siêng năng tu học Tam-ma-địa Nhất tướng trang nghiêm, thường nghĩ: Ta phải làm thế nào để thông suốt khắp pháp giới chư Phật, thọ trì tất cả pháp luân vô thượng, cùng các hữu tình làm lợi ích lớn? Do đây khi chứng được Tam-ma-địa này liền được vô biên công đức lợi ích.

Mạn-thù-thất-lợi! Thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa kia, trước đây đã nghe công đức của Tam-ma-địa Nhất tướng trang nghiêm, phát khởi sự siêng năng, tinh tấn, chánh niệm tư duy, suy nghĩ về công đức của định này như vậy, như vậy. Tướng công đức hiện, đã thấy tướng này cũng như trước đã được nghe, liền sanh vui mừng, càng siêng tu tập, dần dần được nhập vào Tam-ma-địa này, công đức lợi ích thù thắng không thể nghĩ bàn. Những hữu tình nào hủy báng chánh pháp, chẳng tin thiện ác là kẻ nghiệp chướng nặng nề. Loại hữu tình ấy không thể chứng được định này.

Mạn-thù-thất-lợi! Ví như có người gặp được ngọc báu, đưa cho thợ ngọc và bảo: “Viên ngọc quí này của tôi giá trị vô lượng nhưng hình sắc của nó chưa được sáng đẹp lắm. Anh hãy mài dũa ngọc đúng khuôn mẫu giùm tôi, nhưng chỉ làm sáng đẹp chứ đừng làm hư hình sắc.” Người thọ ngọc theo lời người kia bảo, dựa theo khuôn mẫu chú tâm như vậy dũa mài viên ngọc. Cứ như vậy, như vậy, màu sắc ánh sáng phát dần thêm cho đến cực kỳ sáng và trong suốt. Khi tu sửa xong, giá trị viên ngọc thật vô lượng.

Mạn-thù-thất-lợi! Các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa kia cũng như vậy, tu học Tam-ma-địa này dần dần cho đến khi chứng được Tam-ma-địa này thì được vô biên công đức lợi ích thù thắng.

Mạn-thù-thất-lợi! Ví như mặt trời chiếu sáng khắp mọi nơi, làm lợi ích lớn lao. Cũng vậy, khi chứng được Tam-ma-địa Nhất tướng trang nghiêm sẽ chiếu khắp pháp giới, cũng thông suốt được tất cả pháp môn, vì các hữu tình làm lợi ích to lớn, công đức lợi ích thù thắng không thể nghĩ bàn.

Mạn-thù-thất-lợi! Như Ta đã nói, tất cả các loại pháp môn đều đồng một vị là vị xa lìa, vị giải thoát, vị vắng lặng, không có điều chống trái. Khi chứng được Tam-ma-địa này, các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa xiển dương pháp môn nào cũng cùng một vị là vị xa lìa, vị giải thoát, vị vắng lặng, không có sự chống trái. Khi chứng được Tam-ma-địa này, các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa kia dù diễn giảng pháp môn nào thì tài biện thuyết cũng vô tận, mau được thành tựu viên mãn pháp phần Bồ-đề.

Thế nên, đồng tử Mạn-thù-thất-lợi! Đại Bồ-tát nào thường tu hành đúng Tam-ma-địa Nhất tướng trang nghiêm thì sẽ mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Lại nữa, đồng tử Mạn-thù-thất-lợi! Đại Bồ-tát nào chẳng thấy các thứ sai khác và nhất tướng của pháp giới thì mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Nếu các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa chấp nhận pháp của Bồ-tát không nên tu hành, chấp nhận đại Bồ-đề không nên cầu đạt đến, vì hiểu rõ bản tánh của tất cả pháp là Không. Do họ chấp nhận những điều này nên mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Thiện nam tử v.v… nào trụ Bồ-tát thừa tin tất cả pháp đều là Phật pháp, nghe tất cả là Không, tâm chẳng kinh sợ, nghi ngờ. Do nhân duyên này nên người đó mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Nếu thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa nghe thuyết các pháp đều hoàn toàn Không, tâm chẳng mê mờ, cũng chẳng nghi ngờ, thường không lìa bỏ giáo pháp của Phật, thì mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Bấy giờ, đồng tử Mạn-thù-thất-lợi nói vậy liền bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật quyết định do nhân duyên này mà chứng được chăng?

Phật dạy:

– Chẳng được.

Mạn-thù-thất-lợi lại bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật chẳng do nhân duyên này mà chứng được chăng?

Phật dạy:

– Chẳng phải vậy. Vì sao? Vì cảnh giới bất tư nghì chẳng do nhân duyên và chẳng phải nhân duyên mà chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật, nên biết đó là cảnh giới bất tư nghì.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v… nghe thuyết như vậy nhưng tâm chẳng kinh sợ, Ta nói những người kia đã ở chỗ vô lượng đức Phật, phát nguyện lớn, gieo trồng căn lành. Vì vậy nên Bí-sô và Bí-sô-ni nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như vậy, tâm chẳng kinh sợ nghi ngờ, cũng chẳng mê lầm thì họ là người chơn thật theo Phật xuất gia. Nếu các cận sự nam hay cận sự nữ v.v… nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này, tâm chẳng kinh sợ, nghi ngờ cũng chẳng mê lầm thì họ thật sự là người qui y Phật, Pháp, Tăng. Nếu các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa chẳng học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như vậy thì chẳng gọi là kẻ chơn thật tu học Bồ-tát thừa.

Mạn-thù-thất-lợi! Ví như ở thế gian, cỏ cây, rừng rậm, thuốc thang, vật, hạt giống v.v… tất cả đều nương vào mặt đất mà sanh trưởng. Cũng vậy, tất cả căn lành và những việc thù thắng khác ở thế gian và xuất thế gian của Bồ-tát đều hoàn toàn dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này mà được sanh trưởng. Nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này bao trùm các pháp, đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đều tùy thuận sự chứng đắc mà không có sự chống trái.

Đồng tử Mạn-thù-thất-lợi nghe Phật nói thế, bèn thưa:

– Bạch Thế Tôn! Đời vị lai, ở châu Thiệm-bộ này, các thành ấp, xóm làng, chỗ nào diễn thuyết khai thị Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu và có nhiều người tin nhận?

Phật bảo đồng tử Mạn-thù-thất-lợi:

– Nay các thiện nam tử v.v… trong hội này nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa tin nhận, tu hành, vui mừng, phát nguyện: Tôi nguyện đời sau, dù sanh chốn nào thường được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đời sau dù họ sanh đến chốn nào, nhờ nguyện lực đời trước nên chỗ họ ở liền có Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này diễn giảng, khai thị và được nhiều người tin nhận.

Mạn-thù-thất-lợi! Các thiện nam tử v.v… nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa vui mừng hớn hở, hết lòng tin nhận. Ta nói: họ đã gieo trồng căn lành lâu đời, nhờ sức nguyện đời trước mới được như vậy.

Mạn-thù-thất-lợi! Người nào muốn nghe theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, ông nên bảo: “Các thiện nam tử! Tùy ý nghe thọ, chớ sanh lòng kinh sợ, nghi ngờ, không tin, lại tăng thêm sự hủy báng chống lại. Nay trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa này rất là thậm thâm, chẳng hiển bày pháp, có nghĩa là chẳng chỉ bày có sự thành hoại, bất khả đắc của pháp phàm phu, hoặc pháp Thanh văn, hoặc pháp Độc giác, hoặc pháp Bồ-tát, hoặc pháp Như Lai.”

Mạn-thù-thất-lợi liền bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nếu có Bí-sô, Bí-sô-ni đến chỗ của con hỏi: “Vì sao Như Lai tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu cho đại chúng?” Con sẽ đáp: “Phật nói các pháp không có tướng chống trái, tranh cãi. Vì sao? Vì hoàn toàn không có pháp để cùng pháp tranh cãi, cũng không có hữu tình. Phải sanh lòng tin hiểu lời Phật dạy. Vì sao? Vì các loài hữu tình đều bất khả đắc.”

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Con sẽ bảo họ: “Như Lai thường nói thật tế các pháp. Vì sao? Vì các pháp bình đẳng hoàn toàn được thật tế bao trùm, trong đây chẳng nói A-la-hán v.v… thường được pháp thù thắng. Vì sao? Vì pháp chứng đắc của A-la-hán v.v… cùng với pháp phàm phu không có tướng sai khác.”

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Con sẽ bảo họ: “Pháp Phật nói ra chẳng làm cho hữu tình đã, đang, sẽ được nhập Niết-bàn. Vì sao? Vì các hữu tình rốt ráo Không.”

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Các thiện nam tử v.v… đi đến gặp con và thỉnh: “Bát-nhã ba-la-mật-đa mà ngài và Như Lai đã từng bàn luận, xin ngài vì chúng con mà nói, hôm nay chúng con rất muốn nghe.” Con sẽ bảo họ: “Các ông muốn nghe chớ khởi tâm lắng nghe cũng đừng buộc niệm, nên khởi tâm như huyễn, như hóa. Có như vậy mới hiểu được lời ta nói. Các ông nếu muốn nghe pháp của ta phải khởi tâm thế này: Pháp hôm nay được nghe như dấu chim trên không, như người nữ không con (thạch nữ). Như vậy mới nghe được lời ta nói. Nếu muốn nghe pháp của ta, các người chớ khởi lên hai tưởng. Vì sao? Vì pháp ta nói xa lìa hai tưởng. Nay các người không nên phá hoại ngã tưởng, chẳng khởi các kiến chấp, đối với giáo pháp của Phật không có sự mong cầu, ở trong pháp của phàm phu chẳng ưa dời động. Vì sao? Vì tướng của hai pháp là Không, không có sự lấy bỏ.”

Bạch Thế Tôn! Có những hữu tình thỉnh con thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu. Trước hết con dạy kinh, dạy luật, rồi đem ấn vô tướng ấn định các pháp, làm cho người mong cầu nghe pháp lìa xa tâm chấp trước. Sau đó vì họ thuyết pháp tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.

Đức Phật khen ngợi đồng tử Mạn-thù-thất-lợi:

– Hay thay! Hay thay! Ông đã thuyết giáo pháp mà Ta đã nói một cách hoàn hảo và đã nói được phương tiện.

Mạn-thù-thất-lợi! Thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn thấy Như Lai, muốn gần gũi Phật để cúng dường, cung kính, phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này. Những hữu tình nào muốn thỉnh chư Phật làm vị đại sư, phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này. Những hữu tình nào muốn chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề hoặc chẳng muốn chứng, phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này. Những hữu tình nào muốn được thiện xảo tất cả các định, phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này. Những hữu tình nào muốn được tự tại phát khởi tất cả định, phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này. Vì sao? Vì đối với các Tam-ma-địa, cần phải biết các pháp không sanh, không diệt, không tạo tác, không hành động, mới có thể tự tại phát khởi. Vì sao? Vì đã thấu rõ các pháp là Không, không có ngăn ngại. Những hữu tình nào muốn thấu rõ các pháp đều có sự xuất ly, không có một pháp nào không có sự xuất ly, phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này. Những hữu tình nào muốn thấu rõ các pháp chỉ là giả lập, không có sự chơn thật, phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này.

Nếu muốn biết rõ các loài hữu tình tuy hướng tới quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nhưng không thấy có hữu tình hướng tới Bồ-đề, cũng không có sự thối lui, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này. Vì sao? Vì đã thấu rõ tất cả pháp tức là Bồ-đề.

Nếu muốn hiểu rõ tất cả hữu tình hành hạnh Bồ-đề, không có kẻ nào chẳng hành cũng không có sự thối lui, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này. Vì sao? Vì Bồ-đề tức là thật tánh của các pháp. Tất cả hữu tình đều hành các pháp, không có người bỏ pháp; các hành đều là Không nên không thối lui.

Nếu muốn hiểu rõ tánh tất cả pháp tức là Bồ-đề, tất cả Bồ-đề tức là pháp giới, đây tức là thật tế, thật tế tức là Không, tâm không thối lui, thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này.

Mạn-thù-thất-lợi! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu chỉ rõ tác dụng khó nghĩ bàn và sự làm lợi ích hữu tình của chư Phật, cũng là chỗ mà Như Lai đã dạo qua. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu không thể thị hiện, không thể tuyên thuyết, là pháp không đọa, chỉ có Như Lai như thật giác ngộ và dùng phương tiện thiện xảo thuyết giảng cho hữu tình.

Mạn-thù-thất-lợi! Nếu có Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, tối thiểu trọ trì dù một bài kệ bốn câu, giảng nói cho người khác, thì nhất định hướng tới Bồ-đề, an trú cảnh giới của Phật huống gì thường tu hành theo lời dạy. Nên biết người này chẳng đọa vào cảnh giới ác, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Mạn-thù-thất-lợi! Những hữu tình nào nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này tâm chẳng quên mất, cũng chẳng kinh sợ, lại hoan hỷ tin thọ, phải biết những người này nhất định sẽ chứng được tất cả pháp Phật, chắc chắn được tất cả Như Lai ấn chứng hứa khả, thâu nhận làm chúng đệ tử.

Mạn-thù-thất-lợi! Những thiện nam, thiện nữ v.v… nào tin nhận pháp ấn Vô thượng của Như Lai, là Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, sẽ được phước vô lượng. Pháp ấn này được tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cùng nhau hộ niệm; các vị A-la-hán, Bồ-tát, bậc trí và các thiên thần đều cùng nhau bảo vệ giữ gìn. Những thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa được ấn này ấn chứng, tức đã vượt qua các cảnh giới ác, Thanh văn, Độc giác, nhất định sẽ chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Khi ấy, trời Đế Thích liền cùng với vô lượng Thiên tử cõi trời Ba mươi ba cầm các thứ hương hoa xinh đẹp của cõi trời: hoa sen xanh, hoa sen đỏ, hoa sen trắng, hoa sen vàng, hoa Vi diệu âm, hoa Diệu linh thoại và bột hương chiên-đàn cúng dường Bát-nhã ba-la-mật-đa, và tung rải dâng lên Như Lai.

Mạn-thù-thất-lợi, tất cả Bồ-tát và Thanh văn v.v… lại trổi các thứ âm nhạc cõi trời, ca ngợi diệu pháp để cúng dường. Lại phát nguyện: Nguyện cho tất cả chúng tôi thường nghe pháp ấn Vô thượng của Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này.

Trời Đế Thích lại phát nguyện: Nguyện các loài hữu tình ở châu Thiệm-bộ thường nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa, vui mừng thọ trì thành tựu giáo pháp của Phật. Thiên chúng chúng tôi thường hộ vệ, khiến cho người thọ trì không gặp trở ngại. Các loài hữu tình ít dùng công sức mà được lắng nghe, thọ trì, đọc tụng phải biết đều là oai lực của chư Thiên.

Phật khen trời Đế Thích:

– Thiên chủ! Nay ông đã phát được nguyện, nếu có người nào nghe được nguyện này, vui mừng thọ trì nhất định sẽ thành tựu các pháp của Phật, mau hướng tới quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Mạn-thù-thất-lợi liền bạch Phật:

– Cúi xin Như Lai dùng sức thần thông hộ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa trụ lâu ở thế gian để làm lợi ích cho tất cả.

Phật liền hiện sức thần thông lớn làm cho các núi, đại địa ở thế giới tam thiên đại thiên rung động sáu cách. Đức Phật lại mỉm cười, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp thế giới tam thiên đại thiên.

Mạn-thù-thất-lợi liền bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Đây là tướng Như Lai hiện sức thần thông, hộ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa trụ lâu ở thế gian để làm lợi ích.

Phật dạy:

– Đúng vậy! Đúng như ông nói. Ta dùng thần lực hộ trì pháp ấn Vô thượng Bát-nhã ba-la-mật-đa, làm cho trụ lâu ở đời để làm lợi ích cho hữu tình. Chư Phật Thế Tôn thuyết pháp thù thắng rồi, theo đúng pháp này đều khởi lên sức đại thần thông, hộ trì pháp này được trụ lâu ở thế gian, khiến cho các Thiên ma không thể làm gì được. Những bọn người ác không thể hủy báng. Tất cả ngoại đạo hết lòng sợ hãi. Nếu người nào siêng năng tu học pháp này thì tất cả chướng nạn đều bị tiêu diệt.

Khi đức Bạt-già-phạm thuyết kinh này rồi, tất cả chúng Đại Bồ-tát mà Mạn-thù-thất-lợi là vị đứng đầu, cùng với các Bí-sô, bốn bộ đại chúng, trời, rồng, Dược-xoa, A-tố-lạc v.v… tất cả chúng hội nghe Phật thuyết pháp đều vui mừng, tin nhận, phụng hành.