LỜI TRẦN TÌNH về Cảo Bản Dịch Phẩm Đại Bát Nhã của Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm
Bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển, chiếm tới ba tập khổ lớn trong Đại Tạng Kinh Đại Chính Tân Tu, mỗi tập trên dưới 1.000 trang, mỗi trang độ 1.500 chữ, tổng cộng khoảng 4.500.000 chữ (Hán); thường được gọi là Đại Bát Nhã, mang số hiệu 220.
Khoảng giữa năm 1973, theo quyết định của Hội đồng Giáo phẩm Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng gồm 18 vị được thành lập với Hòa Thượng Trí Tịnh làm Trưởng ban, Hòa Thượng Minh Châu làm Phó trưởng ban và Hòa Thượng Quảng Độ làm Tổng thư ký. Trong kỳ họp tại Viện Đại Học Vạn Hạnh vào những ngày 20, 21, 22 tháng 10 năm 1973 nhằm thảo luận phương thức, nội dung và chương trình làm việc, Hòa Thượng Thích Trí Nghiệm được Hội đồng phân công phiên dịch bộ Đại Bát Nhã 600 quyển này. Thực ra, Ngài đã tự khởi dịch bộ kinh này từ năm 1972 và khi được phân công, Ngài đã dịch được gần 100 quyển. Đây là bộ kinh lớn nhất trong Đại Tạng, đã được Ngài dịch suốt 8 năm (1972-1980) mới xong và đã dịch theo bản biệt hành, gồm 24 tập (mỗi tập 25 quyển), và cũng đóng thành 24 tập như nguyên bản chữ Hán.
Cảo Bản của dịch phẩm Kinh Đại Bát Nhã đã được đánh máy làm hai bản. Khi đánh máy xong thì cũng nhằm lúc Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt-nam của Giáo hội Phật giáo Việt-nam được thành lập (1990), do Hòa ThượngThích Minh Châu làm chủ tịch. Để kịp thời phổ biến sâu rộng, đồng thời góp phần mình vào tòa nhà văn hóa Phật giáo Việt-nam, Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm đã gửi toàn bộ cả hai bản đánh máy của Cảo Bản ấy vào cúng cho Hội đồng Chỉ đạoPhiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt-nam của Giáo hội, để cho in và lưu hành.
Đến năm 1993, Hòa Thượng dịch giả đã ngoài 80 tuổi, mà dịch phẩm Kinh Đại Bát Nhã vẫn chưa được Hội đồng Phiên dịch ấn hành! Thời điểm này, Thượng Tọa Thích Tịnh Hạnh (ở Đài-loan) đang chủ xướng công việc phiên dịch Hán Tạng thành Việt Tạng. Do đó, Thượng Tọa đã xin phép Hòa Thượng dịch giả, tình nguyện đứng ra in và phát hành dịch phẩm này. Nhận thấyvăn dịch của Hòa Thượng cổ kính, Thượng Tọa Tịnh Hạnh xin Ngài nhờ người nhuận văn lại. Hòa Thượng đồng ý. Sau khi liên lạc và được sự đồng ý của Hòa Thượng Thích Minh Châu, Hòa Thượng dịch giả nhận lại một trong hai bản đánh máy của Cảo Bản và giao lại cho tôi (vì bộ Đại Bát Nhã nằm trong số 24 tập của Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu mà tôi nhận phụ trách dịch cho Thượng Tọa Tịnh Hạnh). Thoạt đầu, Hòa Thượng cho tôi biết Ngài chọn cư sĩ Tịnh Minh (Đặng Ngọc Chức) và cư sĩ Giác Tuệ (Trần Nguyên Sanh) nhuận văn bộ dịch phẩm của Ngài. Nhưng sau đó, vì cư sĩ Tịnh Minh bận dạy học và ở xa, không thể đảm trách được, tôi đề nghị cư sĩ Bảo Quang (Lê Từ Vũ) thay thế và được Hòa Thượng đồng ý. Công việc nhuận văn của hai vị cư sĩ được thực hiện tại tổ đình Hội-phước (chùa Cát, Nha-trang). Những điểm cần bàn thảo trong lúc nhuận văn được trực tiếp đem lên Hoàng Trúc Am (trú xứ của Hòa Thượng) để thỉnh tôn ý của Ngài. (Ngài cẩn thận dạy như vậy ngay từ đầu).
Nhuận văn xong quyển nào (từ nguyên bản bộ biệt hành), cư sĩ Giác Tuệ đọc lại để tôi dò với nguyên bản trong Tạng Đại Chánh. Nhân đây, tôi thấy rằng, giữa hai bản chỉ có một ít chỗ khác từ mà không khác nghĩa, hoặc có chỗ thêm từ mà nghĩa giống nhau.
Sau khi phần việc nhuận văn và dò lại với nguyên bản hoàn tất, Cảo Bản được đánh vào vi tính và giao cho Thượng Tọa Tịnh Hạnh. Nhân lúc này, Hòa Thượng Thích Quảng Độ cũng vừa được phóng thích nên Thượng Tọa Tịnh Hạnh nhờ Ngài giảo chính lại. Sau khi xem xong, Hòa Thượng Quảng Độ rất hoan hỉ và tán thán. Ngài nói nhân lúc tôi đến thăm Bộ Đại Bát Nhã do Trưởng Lão Trí Nghiêm dịch và quý vị nhuận văn lại như vậy là tốt. Tôi lật xem chỉ thấy Hòa Thượng Quảng Độ sửa một vài chữ, như Đại Lão được sửa lại làTôn giả?, Ngài nói với tôi rằng: Tôn giả linh thiêng và đạo vị hơn Đại Lão.
Trước khi Thượng Tọa Tịnh Hạnh nhờ Hòa Thượng Thích Quảng Độ giảo chính, trong một buổi họp tại chùa Long-sơn (Nha-trang), do Thượng Tọa Tịnh Hạnh chủ trì, tôi chứng minh, với sự hiện diện của hơn 20 dịch giả (kể cả hai cư sĩ Bảo Quang và Giác Tuệ), cư sĩ Nguyên Huệ phát biểu với tư cách ban biên tập: Trong những dịch phẩm đã dịch xong thì bộ Đại Bát Nhãtương đối hoàn chỉnh nhất. Thượng Tọa Tịnh Hạnh cho biết sẽ giao cho cư sĩ Thanh Tuệ bên Pháp chuẩn bị in dịch phẩm Kinh Đại Bát Nhã này trước tiên. Đó là năm 1999. Nhưng mãi cho đến nay, tháng 2 năm 2003, dịch phẩm Kinh Đại Bát Nhã của Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm vẫn chưa thấy ra mắt!
Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm đã viên tịch ngày 13 tháng 1 năm 2003.
Nay, nhân tang lễ cố Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm, quí Tôn Đức Thiền Sư và Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam tại Hoa-kỳ, cùng đồng bào Phật tử hải ngoại, phát tâm ấn hành bộ Kinh Đại Bát Nhã (đã được nhuận văn) này, để làm pháp cúng dường giác linh Đại Trưởng Lão Hòa Thượng.
Chúng tôi cũng có điều cần ghi chú ở đây rằng: Năm 1997, sau khi Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm làm ĐườngĐầu Hòa Thượng thí giới cho gần 5.000 giời tử, tại đại giới đàn Thiện Hòa, ở Đại-tùng-lâm, thuộc tỉnh Bà-rịa Vũng-tàu, Đại ĐứcThích Thông Huyền, đại diện cho nhóm Tăng Ni và Cư sĩ thuộc Tu viện Bát-nhã (Vũng-tàu), đã xin phép Hòa Thượng được đứng ra in bộ Đại Bát Nhã này. Tôi có đề nghị với Đại Đức là hãy chờ chúng tôi nhuận văn xong rồi sẽ in, nhưng Đại Đức muốn giữ nguyên văn phong của Hòa Thượng. Bởi vậy, Hòa Thượng đã viết thư để Đại Đức Thích Thông Huyền đem trình Hòa Thượng Minh Châu, trực tiếp xin lại bản đánh máy thứ hai của Cảo Bản dịch phẩm Kinh Đại Bát Nhã (như đã nói trên), đem về Vũng-tàu, in và phổ biến. Thế là bộ Kinh Đại Bát Nhã do Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm phiên dịch từ Hán ngữ ra Việt ngữ (với văn phong nguyên thỉ của Hòa Thượng) đã được ra đời! Sự phát tâm ấn hành của nhóm Tăng Ni và Phật tửthuộc Tu viện Bát-nhã ở Vũng-tàu, đã làm cho Hòa Thượng rất hoan hỉ, vì thấy công trình trân quí của mình đã được in thành sách (dù chưa được nhuận văn), và được lưu hành rộng rãi từ quốc nội ra đến hải ngoại.
Vậy, với ấn bản này của Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam, dịch phẩm Kinh Đại Bát Nhã của Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm, hiện được lưu hành với hai ấn bản: một ấn bản chưa được nhuận văn (in năm 1997), và một ấn bản đã được nhuận văn (in năm 2003).
Pháp tử Tỳ kheo Thích Đỗng Minh trân trọng kính ghi Nha-trang, ngày Mồng Hai Tết Quí Mùi (2.2.2003