La Văn quay đầu lại, gõ xuống đầu cô gái, “Con nói bậy bạ gì thế hả Vân Hà?”
Quý Vân Hà xoa hai tai bị đau, ánh mắt nghi ngờ dao động giữa La Văn và Hoài Chân, “Nhà… nhà chúng ta thuê được người giúp việc rồi sao?”
La Văn quát cô ấy, “Cha con đâu rồi?”
“Vừa mua sữa về, đang ở trong bếp hấp bánh ngô…”
“Ừ, ăn cơm trước đã, lên bàn ăn rồi nói.”
Vân Hà vắt khăn lông lên đầu, nhìn Hoài Chân ở ngoài cửa rồi lại nhìn mẹ đẩy cửa đi vào sân, lớn tiếng hỏi: “Còn cô bé này thì sao?”
La Văn xoay đầu lại, ngoắc tay với Hoài Chân, “Vào ăn sáng cùng đi, không phải nói đói à?”
Hoài Chân “ồ” một tiếng lấy lại tinh thần, có phần được chiều đâm sợ. Vân Hà né người, Hoài Chân bước qua ngưỡng cửa đi vào trong nhà.
Cửa hàng giặt giũ được xây thành hai tầng. Lầu đối diện đường cái được dùng làm cửa tiệm, trước cửa đặt một quầy gỗ đào và một bàn tính được đặt trên quầy; trong tủ kính ở sau quầy treo một chiếc áo sơ mi trắng được giặt sạch là ủi đâu vào đấy, trông như bảng hiệu ở cửa tiệm giặt là vậy. Ngoài ra thì mọi thứ đều rất ngăn nắp sạch sẽ, cũng không có đồ lặt vặt.
Cơn gió sáng sớm lướt qua trên đường, kèm theo mùi xà bông thoang thoảng. Sau tiệm là một khoảng sân không quá lớn, giữa hai tòa nhà gạch ngói giăng đầy sáu bảy sợi dây, treo trên đó là những bộ quần áo trắng tinh tươm. Giữa sân trồng một cây khế, thoạt nhìn đã có tuổi, cành lá xum xuê tươi tốt, gần như che khuất ô cửa sổ của tòa nhà đằng sau. Dưới gốc cây khế có một chiếc ghế tre, hè đến mà ngồi trên ghế hóng mát thì dễ chịu sung sướиɠ phải biết.
Hoài Chân còn chưa bước vào sân thì đã thấy một người đàn ông trung niên gầy gò da đen đi ra, tay bưng hai chiếc l*иg tre bốc hơi nghi ngút. Vừa thấy Hoài Chân thì ông lập tức “hừm” một tiếng, nở nụ cười toe toét để lộ hàm răng trắng tắp, “Lại đây, nhanh nhanh nào, lên lầu ăn bánh bao thôi, cải trắng nhân thịt —— Vân Hà! Xuống bếp lấy bốn bộ bát đũa lên lầu, nhanh lên!”
Quý Vân Hà kêu la phàn nàn, rất không tình nguyện đi vào bếp. La Văn cầm một chiếc ấm đồng thơm phức mùi sữa bò, thấy Hoài Chân đang nhìn thì khẽ nghiêng đầu đi, ra hiệu cho cô cùng đi đến.
Cầu thang gỗ cũ kỹ vừa hẹp lại cao, giẫm lên kêu cọt kẹt như sắp sập, vậy mà La Văn đi phía trước lại rất vững vàng. Cô ôm lòng sợ hãi đi theo bà ta lên lầu, trông thấy một căn phòng mái tam giác sơn đen phơi nắng. Cao chưa đến hai mét, mặc dù cửa sổ được mở song vẫn khá tối.
Một chiếc bàn vuông kê cạnh cửa sổ dùng làm bàn ăn. A Phúc vừa lên lầu đã kéo bàn ra cách vách tường một đoạn, để bốn người có thể ngồi đủ.
Vân Hà cầm bát đũa đi lên, thi thoảng lại nhìn qua Hoài Chân, không ngăn nổi một bụng tò mò.
Mọi người lần lượt ngồi xuống bàn vuông, rốt cuộc cô cũng không nhịn nổi nữa, “Không phải mẹ về quê thăm người thân à, sao lại dẫn họ hàng sang cùng?”
La Văn cầm đũa gõ làm cô ấy kêu ai da luôn miệng. Bà lại dè dặt nhìn sang chồng mình, như thể không biết phải mở miệng thế nào.
A Phúc vẫn nở nụ cười hiền hòa, giơ tay gọi mọi người: “Ăn cơm đã, ăn cơm đi đã —— không đói bụng hả?” Nói đoạn, ông mở từng nắp đồ ăn sáng ở trên bàn ra cứ như làm ảo thuật.
Bên trong hai chiếc l*иg hấp là những chiếc bánh bột ngô vàng óng và bánh bao mềm mịn, vừa mở nắp đồng ra, hơi nóng bốc lên nghi ngút.
Yết hầu Hoài Chân tự động lên xuống.
Thơm quá.
Cô không chỉ chưa chưa được ăn đồ nóng trong vòng mười tiếng đồng hồ kể từ khi xuyên không, mà trước lúc đến đây, sáng sớm mỗi ngày cô cũng chỉ có thể làm bạn cùng bánh toast phết mứt hoa quả, đã lâu lắm rồi chưa được ăn sáng là đồ mặn thơm ngon Trung Hoa. Quả thực cô đã thèm lắm rồi.
Vân Hà lại nhíu mày: “Con không muốn ăn bữa sáng thế này nữa đâu.”
A Phúc nói, “Vậy con muốn ăn gì?”
“Bánh toast kẹp rau diếp và thịt hun khói, bánh mì Pháp nướng ngò tây, trứng chiên nấm thêm nước trái cây…”
A Phúc không lên tiếng, chỉ gắp từng cái bánh bao vào trong bát cho mọi người. Hoài Chân không kiềm được nữa, cầm lấy cái bánh bao to hơn mặt mình cắn hai miếng lớn. Nhân thịt cải trắng còn tươi nhưng không ngấy, lại có thêm nước súp, một mùi thơm lừng ngập tràn khoang miệng.
Vân Hà trợn mắt há mồm nhìn, không biết vì sao lại cảm thấy chiếc bánh bao bình thường ăn đến phát ngán lại trở nên ngon miệng.
A Phúc nói: “Đồ Mỹ cái gì cũng tốt, chỉ có vấn đề ăn uống là luôn kém xa chúng ta.”
Hoài Chân gật đầu lia lịa: Nói quá đúng! Cô chỉ hận không có hai tay trống để vỗ tay cho A Phúc.
Bốn người ăn cơm ở trên lầu, chợt nghe thấy bên ngoài có giọng nữ chói tai hô lên: “Charlotte, nhanh lên đi! Sắp trễ xe buýt đến phố Geary rồi!”
Hoài Chân ngồi dựa vào cửa sổ, nghe vậy thì bất giác nghiêng đầu sang, nhìn thấy vài ba cô gái bằng tuổi Vân Hà đang đứng dưới mái hiên tiệm tạp hóa vẫn chưa mở cửa ở đối diện, bọn họ đều có cùng một kiểu tóc đang là mốt lúc bấy giờ – tóc ngắn uốn xoăn chia 7:3, mặc áo sơ mi và quần jean, choàng thêm chiếc áo khoác ngoài.
Vân Hà lật đật đáp lại: “Tới ngay đây!” Nói rồi cô ngẩng đầu lên, tu ừng ực ly sữa bò nóng.
Đột nhiên La Văn hỏi: “Hoàng Văn Sênh đó, có phải nhà mở quán cà phê ở Oakland gần đây không?”
“Vâng, đúng thế ạ.”
“Con cũng đừng hâm mộ nhà chúng nó. Chúng ta…”
“Có gì mà phải hâm mộ?” Vân Hà dứt lời liền đưa tay lau miệng, chạy bình bịch xuống lầu.
Sau ba phút lại bình bịch lên lầu, bộ đồ ngủ trên người đã được thay sang chiếc đầm nylon màu trắng, tất dài màu vàng cùng đôi giày búp bê màu đen.
Cô lên lầu tìm nước hoa khô, thoa vào cổ trái rồi lại thoa tiếp cổ phải, nhất thời cả căn phòng tràn ngập mùi hoa lài.
Đột nhiên A Phúc hỏi: “Đi đâu đấy?”
“Đến phố Geary ạ, hôm nay rạp chiếu bóng Geary chiếu phim Wild Life, buổi chiếu sớm rẻ hơn bình thường một đồng.”
La Văn từ tốn nói, “Lúc về ghé phố người Nhật mua hai miếng đậu hủ với một bao gạo.”
Đột nhiên A Phúc nhìn sang La Văn.
Vân Hà chột dạ, giọng nhỏ đi mấy phần: “Không phải cửa tiệm Lý Ký và tạp hóa Hồng Tường có bán đậu hủ với gạo đó sao, sao phải đến phố Nhật mua làm gì. Chao ở tiệm Nhật bản còn không ngon bằng Hồng Tường, gạo cũng đắt không biết mấy…”
La Văn vẫn uống sữa, “Con trai cả của ông chủ cửa hàng đồ tươi Hayakawa, tên Hayakawa Iwa thì phải, không phải là bạn học của con à?”
“…”
“Không phải con vẫn xem phim với cậu ta đấy chứ?”
“Đúng thế, chỉ là bạn học bình thường thôi mà!”
“Bạn học bình thường? Đi gặp bạn học bình thường mà sáng sớm còn phải gội đầu?”
Vân Hà cứng họng, đứng chôn chân tại chỗ, mặt đỏ bừng.
La Văn làm như không nghe thấy tiếng kháng nghị yếu ớt của con gái: “Con cũng lớn rồi, không biết nắm bắt cơ hội thì năm sau sẽ đưa con về nước xem mặt.”
“Cha —— Cha xem mẹ kìa!”
Vân Hà nói xong thì lập tức chạy thẳng xuống lầu, mặc áo khoác vào sập cửa rời đi.
Hoài Chân nhìn xuống dưới lầu, nhìn thấy trên con đường lát đá cổ xưa, có một cô gái mặc áo khoác tay ngắn đi về phía các cô gái mặc áo khoác nỉ kia. Gương mặt của cô gái kia vẫn đỏ như trái cà chua, nhưng vẻ buồn rầu đã bay biến hết, khoác tay mấy cô gái kia cùng cười nói đi ra khỏi đường Grant Avenue.
A Phúc nhồm nhoàm nói: “Cái loại cướp Nhật Bản đó, dù trong nhà có người làm ở Nội Các hay mang họ Hirohito* thì cũng không xứng với con gái chúng ta.”
(*Dòng dõi hoàng thất Nhật Bản.)La Văn trợn mắt với ông: “Ông thì biết gì mà nói?”
“Gả chồng theo chồng, ăn mặc cũng theo chồng. Phụ nữ các bà, đời này lập gia đình cũng chỉ là muốn một bữa ăn với một vại sữa. Còn muốn cái gì nữa hả?”
“Vậy ông để con bé gả cho cái thằng vương bát bị bệnh hủi suốt ngày há miệng xin cơm, ăn nằm chờ chết thì sao?”
“Con gái thì phải theo vương bát, vương bát kia có miếng ăn, cũng chịu nuôi con gái chúng ta, như vậy không tốt à? Tốt hơn chán đám người Nhật Bản hay quỷ da trắng kia, không một ai xem tôi là người, chỉ xem tôi như con mèo con chó, vậy thì gả làm gì.”
“Cái suy nghĩ đó cổ hủ mấy chục năm rồi hả. Tôi ở với ông nhiều năm như vậy, cũng không có toan tính gì khác. Nhưng con gái của chúng ta tuyệt đối không thể chui rúc trong cái ổ phố người Hoa này được, phải xuất sắc.” La Văn nói, “Đợi chúng ta chuyển ra khỏi phố người Hoa, đến nhà trọ có thang máy ở quảng trường Jackson, hàng xóm cũng là người da trắng, vậy thì có gì khác không?”
Mắt thấy hai vợ chồng tranh cãi vì hôn nhân của con gái, Hoài Chân đặt chiếc bánh bột ngô thứ ba đang ăn trong tay xuống, thấp giọng khéo léo hỏi, “Dì Quý, hai người còn thiếu bao nhiêu tiền để dọn vào nhà trọ mới?”
La Văn nói: “Mày hỏi làm gì?”
Hoài Chân nhấp một hớp sữa ấm, chớp mắt nói, “Không có gì ạ, chỉ hỏi thế thôi.”
Dừng một lúc, cô lại ngẩng đầu lên từ chiếc bát tráng men, nói, “Dì Quý, hay là, dì mua cháu về đi?”
Ngụm sữa trong miệng Quý La Văn phụt ra ngoài.
A Phúc ra sức lau chùi bàn, mắt nhìn vợ mình chăm chú, như thể mấy tháng không gặp mà đã có phần xa lạ. Mới đầu ông chỉ đoán thầm trong bụng, có lẽ hai tháng nay vợ không chỉ đi thăm người thân. Nhưng không ngờ, bà lại bị cái kẻ rán sành ra mỡ ở đối diện dẫn đi xuất ngoại để làm loại chuyện vô liêm sỉ phạm pháp này.
Hoài Chân tranh thủ chớp thời cơ: “Cháu sẽ đi học, sau này lên đại học rồi ra ngoài làm việc, sẽ không kiếm ít hơn người da trắng đâu. Sau này mọi số tiền cháu kiếm được sẽ là của dì, nếu dì bằng lòng, cháu còn có thể chăm sóc cho dì dưỡng lão…”
Quý La Văn kéo lấy giẻ lau trong tay A Phúc, “Đừng lau nữa, ông có phải là thợ mộc đâu mà muốn lau sạch cả mảnh gỗ.”
Bà ta ngẫm nghĩ rồi lại nhìn chằm chằm Hoài Chân, vừa cười vừa nói, “Mày đi học? Học phí đại học Mỹ rất đắt, Vân Hà còn không vào nổi đây, ngày nào cũng nhao nhao ở bên tai tao.”
Nhận được câu trả lời này cũng cô không lạ gì.
Hoài Chân cũng không gấp gáp, cầm chiếc bánh bột ngô kia lên tiếp tục chậm rãi ăn.
La Văn thở dài, lại rót sữa vào ly cho cô: “Khế ước bán thân của mày không ở trong tay Khương Tố, mà là ở trong tay Hồng gia. Nhờ có Hồng gia nên bọn tao mới có thể sinh sống yên ổn ở con phố này mà không bị đám người da trắng gây khó dễ. Mua mày là chuyện nhỏ, nhưng đắc tội với Hồng gia lại là chuyện lớn. Lát nữa ăn xong, đi với tao đến gặp Khương Tố, xem xem bà ta nói thế nào. Ông già, ông đừng nhìn tôi nữa, đợi lát về tôi sẽ nói rõ với ông.”