Chương 6: Trạm di trú trên đảo Thiên Thần (2)

Áo khoác màu tím đã che giấu đi vóc dáng của cô. Anh bừng tỉnh nhìn sang, chỉ biết gương mặt của cô gái trên chiếc cân rất nhỏ, song lại không biết cơ thể bên dưới chiếc áo lại gầy gò bé nhỏ đến mức đó.

Mọi người đàn ông da trắng trong phòng đều nhìn cô.

Chỉ có Hoài Chân nghiêng đầu nhẩm tính, đó là mấy kg nhỉ?

Bước xuống khỏi cân ngồi lên ghế đẩu ở bên cạnh, cô co ro người lại. Lúc xỏ đôi chân trắng muốt vào giày thêu, Hoài Chân đột nhiên sực nhớ: Đây có phải là đôi giày thêu mà Ôn thiếu gia thấy Mộng Khanh đã cầm không?

“Quý Hoài Chân, cao 5 và 1/8 feet*, nặng 85 pound…”

(*Tức là 5,125 feet ~ 1m5.)

Một viên cảnh sát không nhịn được cười nói: “Charlie, cậu còn gấp ba lần cô ta…”

Ceasar im lặng nghe một chuỗi con số tiếng Anh, trong một khoảnh khắc, đột nhiên quên mất mình đang làm gì.

Làm sao lại như vậy?

Một cảnh sát giao xấp tài liệu mới vào tay nhân viên ở trạm di trú.

Nhân viên cúi đầu chậm rãi lật nhìn một lúc, không khỏi tiếc nuối nói, “Quý cô à, những câu hỏi tiếp theo có thể sẽ làm cô khó chịu. Nhưng nếu thông qua được thì cô sẽ có thể nhanh chóng được sống chung với người nhà về lâu, cũng được hưởng rất nhiều quyền lợi của một công dân Mỹ.”

La Văn đứng cạnh hỏi bằng tiếng Anh: “Những câu hỏi này có giống những câu hỏi ở chỗ hải quan Hương Cảng trước khi xuất cảng không?”

Viên cảnh sát đáp: “Không. Vì đề phòng có lừa đảo nên chúng tôi sử dụng câu hỏi trong “đạo luật Page”.”

Trong phút chốc, sắc mặt La Văn tái nhợt hẳn đi.

Ceasar “ồ” lên một tiếng, “Đạo luật Page, đạo luật phục cổ đó kia à?”

Hoài Chân giương mắt nhìn căn phòng toàn đàn ông chen chúc trước mặt, trong lòng nảy sinh dự cảm xấu với những câu hỏi kế tiếp.

Đúng như dự đoán, người nhân viên kia ho hai tiếng, dùng tiếng Anh hỏi một câu:

“Cô có từng ký hợp đồng với bất kỳ người hoặc đoàn thể nào ở Hoa Kỳ, tham gia buôn bán mại da^ʍ hoặc nghề nghiệp phi đạo đức hay không?”

Vừa hỏi ra, tất cả những người có thể nghe hiểu tiếng Anh đều im lặng như tờ.

Đây quả thật là câu hỏi mang tính làm nhục.

Ceasar trầm tư một lúc, quyết định đơn giản hóa câu hỏi, “Cô có từng ký hợp đồng làm công việc phi đạo đức nào hay không?”

Dù gì anh cũng chỉ là người không chuyên.

Dĩ nhiên Hoài Chân biết từ ngữ nguyên văn có ý gì.

Trong đầu cô sinh ra cảm giác… muốn chửi thề.

Không phải cô cảm thấy bị làm nhục hay khó mà mở miệng.

Ngành học trước kia của cô là giáo dục đa văn hóa. Dù vẫn chưa vào chương trình học chuyên ngành nhưng cô đã loáng thoáng nghe về “đạo luật Page” rồi.

Đây là đạo luật được Thượng viện và Hạ viện toàn phiếu thông qua trong Quốc hội Hoa Kỳ. Đạo luật này nhằm vào những người phụ nữ di dân da vàng, yêu cầu những người phụ nữ da vàng bao gồm Nhật Bản, Philippines, Singapore và Trung Quốc nộp một bản tuyên thệ trước khi đến Mỹ, trong đó cần nói rõ mục đích đạo đức của mình khi đến Mỹ. Một loạt câu hỏi khiến phụ nữ da vàng cảm thấy xấu hổ này sẽ được hỏi riêng tại lãnh sự quán quốc gia, văn phòng cảng quan Hương Cảng, sau đó được ghi lại làm hồ sơ, đến chỗ hải quan Hoa Kỳ thì được hỏi lại một lần nữa.

Trước sau hỏi ba lần, không chỉ ngăn chặn gái điếm đặt chân lên biên giới nước Mỹ, mà thậm chí còn gần như loại trừ tất cả những người phụ nữ da vàng.

Thậm chí là ở vào thế kỷ hai mươi mốt, một cô gái người Đài Loan ở trong lớp Hoài Chân từng nói với cô thế này: Nếu một cô gái Đài Loan xinh xắn chỉ mua vé máy bay một chiều và cầm theo mẫu đơn I-20*, thì sau khi vào hải quan sẽ có rất nhiều người bị trả về nước, lại còn bị đóng dấu vi phạm INA 212**. Bị đóng con dấu này có nghĩa là cô gái đó từng bị hải quan nước Mỹ nghi ngờ đến Mỹ bán da^ʍ.

(*Mẫu I-20 là giấy chứng nhận của trường đại học bạn xin nhập học gởi cho Sở Di trú Chính phủ Mỹ hoặc Tòa Lãnh sự Mỹ, chứng nhận một số sự kiện gồm cả sự kiện rằng bạn được công nhận là sinh viên của trường họ và đã được chấp thuận vào học cho đến cuối chương trình và sẽ theo học với tư cách toàn phần mỗi khóa.)

(**Người bị đóng dấu vi phạm luật 212 thì cho dù là du lịch, du học hay bất cứ hình thức bảo lãnh nào khác đều bị cấm nhập cảnh Mỹ vĩnh viễn.)

Các luật và quy định di trú có liên quan liên quan đến điều này đều bắt nguồn từ đạo luật Page – được hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ thông qua hơn 100 năm trước; Sự phân biệt đối xử với phụ nữ da vàng trong quá khứ đến giờ vẫn còn khắc sâu trong đầu các nhân viên di trú ở Mỹ.

Cô chưa bao giờ đến Mỹ, từ vài ba lời của người ngoài thì chẳng thể nào để hiểu được sự thù địch của của đất nước này với phụ nữ Trung Quốc trong hơn 100 năm qua.

Mà vào lúc này đây, cô lại ngồi trong trạm di trú trên đảo Thiên Thần tiếng xấu rõ rệt đó, chính tai nghe được câu hỏi của đạo luật xấu xa nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Cô nhìn những người đàn ông trong phòng mà không nói nên lời.

Một viên cảnh sát nhìn cô chằm chằm, giải thích, “Dựa vào tài liệu ghi chép ở đồn cảnh sát California, chín mươi chín phần trăm phụ nữ Trung Quốc trên phố người Hoa ở San Francisco là gái điếm. Hải quan đảo Thiên Thần thường xuyên gặp vài cô gái Trung Quốc mười bốn mười lăm tuổi, nói mẹ mình đã qua đời, đến nương nhờ cha đang kiếm sống ở San Francisco, nhưng thực chất ngay trong tối hôm đó, vài người trong số họ sẽ bán mình với cái giá ba ngàn đô la. Hy vọng quý cô đây có thể hiểu được những chuyện này.”

Sau khi nghe xong, La Văn thở dài thườn thượt, khuyên cô, “Bọn họ hỏi gì, mày cứ thành thật trả lời là được.”

Hoài Chân ngẩng đầu lên, phát hiện Ceasar đang nhìn mình chằm chằm.

Nhìn thẳng vào ánh mắt đó, cô đáp: “Không.”

“Cô tự nguyện đến Mỹ?”

“Đúng thế.”

“Cô đã kết hôn hay chưa?”

“Chưa kết hôn.”

“Sau này cô sẽ làm gì ở đây?”

“Người nhà sẽ đưa tôi đi học.”

“Bố cô có chu cấp sinh hoạt phí cho cô ở Mỹ không?”

“Có.”



“Cô đã từng sống ở nhà thổ bao giờ chưa?”

“Chưa.”

“Cô muốn một cuộc sống có đạo đức ở Mỹ?”

“Đúng thế.”



“Những câu trả lời bên trên có thật không?”

“Tất cả đều là thật.”

Đáp xong những câu hỏi này, nhân viên trạm di trú thấp giọng thảo luận với mấy người cảnh sát một lúc.

Hoài Chân bình tĩnh trả lời hết tất cả, cảm thấy bản thân cũng khá ổn định.

Không… thật sự là quá ổn định rồi.

Quả thật cô không biết phải làm gì mới khiến tình hình trở nên tốt hơn, thế nên bây giờ cũng không cần phải căng thẳng. Dù gì thì… đã nhặt về được cái mạng, vào lúc này cô cũng chỉ muốn được ấm no và có tên họ là đủ, ngoài ra không có hy vọng xa vời nào khác.

Nếu vào lúc này mà bị tống cổ về nước, bị nhà họ Ôn trọng danh dự đón về thì ngay tức khắc cô sẽ bị dìm chết ở trong nhà mất; hay hoặc là, cả đời này cũng không trả nổi 600 đô la tiền phí thả cho về.

Nếu cứ tiếp tục đi về phía trước, hoặc là mất công chạy trốn đến Vancouver… N nói thật, làm vợ của hai người đàn ông xa lạ thì có gì khác nhau?

Chút sức lực ít ỏi còn dư của cô chỉ cho phép cô suy nghĩ được đến đây. Nếu nghĩ thêm nữa, sợ sẽ nghĩ luôn đến mấy vấn đề triết học như tôi là ai, vì sao tôi lại ở đây, tôi muốn đi đến đâu đây.

Trong thời gian chờ đợi kết quả, cô chỉ biết ngẩn ngơ ngồi trên băng ghế, bên cạnh là bà mẹ đã bị dọa mất hồn mất vía.

Sau một lúc lâu, nhân viên hải quan đứng dậy nói với cô: “Chúng tôi còn có vài câu hỏi cần hỏi riêng mẹ cô, nên đề nghị cô đợi ở băng ghế bên ngoài mười phút.”

***

Trên ghế chen chúc đầy người, cô nhìn quanh bốn phía tìm được một chỗ không người, đang định qua đó đứng chờ thì đột nhiên nghe thấy trên đỉnh đầu cất tiếng gọi: “Munghing.”

Cô ngẩng đầu lên. Một người đàn ông cao ráo đứng thẳng trên hành lang tầng hai, chính là Andre. Anh ta kẹp thuốc trong tay vẫy vẫy cô, chỉ xuống cửa vào cầu thang được khóa kia.

Sau hàng rào là cảnh sát California đứng thẳng. Cô hiểu ý đi đến, cảnh sát đưa cho cô một tờ giấy qua kẽ hở.

Cô mở ra nhìn, bên trên viết mấy kiểu chữ tiếng Trung xiên xẹo:

Vô cùng xin lỗi, tối qua tôi vốn nên đến giúp cô, nhưng lại phạm phải ít sai lầm khiến cô rơi vào tình cảnh tệ hơn.

Hôn thê của tôi và anh cả Ceasar cô ấy đều thuộc gia tộc Muhlenberg, nơi có rất nhiều nghị sĩ của Đảng Cộng hòa. Có thể nói bọn họ là đám người ghét người Hoa nhất trên đại lục này. Vì tôi gần gũi với người Hoa nên trưởng bối Muhlenberg nghi ngờ tôi phục vụ cho chính đảng khác, vì vậy chuyến này đến Hương Cảng đã phái rất nhiều thành viên giám sát nhất cử nhất động của tôi. Đêm qua tôi đã cố gắng để cô tránh mặt bọn họ, nhưng vẫn vô tình để Ceasar gặp cô. Từ lâu bọn họ đã hoài nghi trên tàu Santa Maria có người vượt biên và người bao che cho bọn họ, nhưng xin cô hãy tin tưởng, Ceasar tuyệt đối không nhằm vào cô đâu.

Xin hãy yên tâm, cô và mẹ cô có thể thuận lợi nhập cảnh, nhưng sẽ không có được thân phận công dân ngay lập tức như bình thường. Thời gian nhập tịch sẽ không quá dài, hy vọng trong khoảng thời gian này cô sẽ suôn sẻ.

Để bày tỏ sự áy náy, nếu như có bất trắc gì thì có thể gọi điện thoại tại trụ sở tư nhân của tôi ở San Francisco: 415-012-3048.

André de Crawford.

Hoài Chân ngẩng đầu nhìn lên, Andre đứng cạnh lan can ngậm thuốc trong miệng, nhìn cô gật đầu rồi lùi về sau. Cô nghĩ ngợi, xếp giấy lại nhét vào vạt áo, đặt cùng chỗ với bức thư của Ôn Mạnh Băng.

Trong mấy gian phòng nhỏ người ra ra vào vào, cuối cùng, viên cảnh sát cũng kéo cửa ra hô: “Waaizan, Kwai——”

Cô đáp một tiếng, theo cảnh sát đi vào căn phòng kính kia lần nữa.

Nhân viên trạm di trú vẫn chưa quay lại, mấy người cảnh sát thả lỏng người ngồi đó. Ceasar cũng rất rảnh rỗi, dựa vào cửa dùng tiếng Anh nói chuyện với mẹ cô.

Anh ta nói: “Bà Quý à, nhìn con gái bà có vẻ không quá quan tâm mọi chuyện nhỉ.”

La Văn nói, “Con gái tôi ở quê lâu nên có hơi chậm chạp.”

Ceasar nghiêng đầu: “Có phải hai mươi phút trước bà mẹ của mười hai con bé kia cũng nói như vậy không nhỉ? ‘Con gái tôi hơi chậm chạp’. Bà mạnh hơn bà ta đấy, bà chỉ có hai cô con gái, còn có một cô không biết vì sao lại ở lại quê Quảng Đông, mười lăm năm sau mới nhớ ra muốn đón đến.” Anh quay đầu, nhìn ra ngoài hành lang hỏi, “Su, con gái nhỏ nhất của cái bà lúc nãy đã nói gì?”

Vị cảnh sát liên bang tên Su kia nói, “‘Cha cháu ở đâu?’ Con bé nói: ‘Mười năm trước cha cháu đã chết vì đào dầu hỏa rồi’. ‘Vậy cháu bao nhiêu tuổi, thiên thần đáng yêu của chú?’ Con bé nói: ‘Năm nay cháu chín tuổi’.”

“Năm nay cháu chín tuổi, mười năm trước cha cháu đã chết rồi! Thiên thần đáng yêu của tôi ơi!” Có người học uốn lưỡi the thé bắt chước, cả mấy cảnh sát đồng loạt cười phá lên.

Bên tai tràn đầy tiếng Anh kiểu Mỹ, Hoài Chân có cảm giác như hồn xuyên vào phim cảnh sát nước Mỹ nào đấy. Sắc mặt của La Văn ngồi cạnh tái nhợt, cô nghĩ, liệu bà ta có hối hận khi xuất dương kiếm số tiền này không.

Cô ngẩng đầu nhìn Ceasar.

Anh ta xòe tay, làm vẻ mặt vô tội.

Không nói đến điều gì khác, công tâm mà nói thì dung mạo này thật sự rất khôi ngô.

Chẳng biết nhân viên trạm di trú quay về khi nào, anh ta ho nhẹ hai tiếng, bình tĩnh tuyên bố: “Bà Quý. So với việc trực tiếp cấp cho con gái bà thân phận công dân, chúng tôi cho rằng, đợi cô ấy ở lại đủ nửa năm rồi xin nhập tịch vào Mỹ sẽ thích hợp hơn. Trong thời gian này sẽ có người định kỳ đến cửa thăm viếng, xác nhận quan hệ gia đình của hai người là thật. Dù sao gì thì đây cũng không phải điều gì khó khăn, cũng không có chỗ hại với hai bên, có phải không?”

La Văn không ngừng gật đầu đồng ý.

Trạm di trú lại hỏi mấy người cảnh sát và Ceasar: “Các anh có ý kiến gì khác với kết quả này không?”

Tất cả cùng đáp: “Không có ý kiến.”

“Tôi chỉ là một thông dịch viên.” Ceasar bĩu môi, “Hết mười phút rồi, tôi có thể đi được chưa? Hay các anh muốn trả tiền lương cho tôi.”

Các cảnh sát liên bang kéo mở cửa sau ra, đẩy Ceasar “chỉ là một thông dịch viên” ra ngoài.

Mấy người cảnh sát lần lượt rời đi, qua một lúc lâu, hai nhân viên sắp xếp tài liệu đi đến chỉnh lý lại tài liệu di trí.

Nhân viên trạm di trú xoa huyệt thái dương, đau đầu thở dài.

Dường như hai nhân viên kia cũng bất bình trước chuyện này:

“Không biết Đảng Cộng hòa nổi điên gì mà phái một tổ điều tra đến, ngày nào cũng đến thăm trạm di trú và đồn cảnh sát liên bang… Ngay cả hậu bối được ông cụ Arthur Muhlenberg cưng nhất cũng được đưa tới. Người bờ Đông vừa lạnh lùng lại cao ngạo, đặc biệt là cái thị tộc Muhlenberg nổi tiếng xa xưa này. Bọn họ ghét nhất là người bờ Tây. Ghét có người da màu xâm phạm đến lãnh địa cuộc sống của bọn họ. Bọn họ gần như ghét tất cả ngoại trừ bản thân. Hừ, nhưng ai biết rốt cuộc năm đó bọn họ đã sát hại bao nhiêu tâm phúc?”

Nhân viên khác tiếp lời, “Có điều gia tộc Muhlenberg có nhiều người đẹp thật. Nhưng phần lớn đều tóc vàng mắt xanh, tóc đen mắt đen thì lại hiếm gặp… Đúng là tuấn tú thật, nhưng John này, anh có cảm thấy, hai năm qua, hình như người trẻ tuổi kia có lai với huyết thống người da vàng không?”

John cộp dấu từng tờ văn kiện di trú xong thì đưa cho nhân viên di trú xem qua, lại tiếp lời, “Không để ý lắm. Tướng tá cậu ta là điển hình cho người nhà Muhlenberg cay nghiệt, là cái kiểu rất rất rất điển hình. So ra thì tiên sinh Andre của Crawford coi như bình dị gần gũi rất nhiều rồi, nhất là đối với người Hoa…”

“Tôi nghe nói tóc vàng mắt xanh có lai thế nào cũng không ra được màu sắc khác. Muhlenberg luôn tuyên bố với bên ngoài là mình bài trừ người Hoa rất nghiêm ngặt, lại nhiều lần đốc thúc quốc hội đuổi người da màu đi, nhưng ai biết được đám đàn ông nhà bọn họ có làm cho bụng của mấy cô gái ở phố người Hoa… Được rồi, bà Quý, tất cả tài liệu của con gái bà đều ở trong túi tài liệu này. Nếu không còn gì bất ngờ thì ba tuần sau sẽ nhận được chứng minh ngụ cư, nửa năm sau có thể hoàn thành kế hoạch di trú. Nếu như cô ấy muốn về nước xem mặt thì cần phải xin trước bốn tuần, thời gian về nước là một năm. Chúc hai người có cuộc sống vui vẻ.”

La Văn bước tới nhận lấy xấp tài liệu nhập tịch nặng nề kia thay Hoài Chân. Nửa năm nữa sau khi nhập tịch thành công, tài liệu trong này có thể đổi lấy một tấm thẻ căn cước.

Ra khỏi trạm di trú, cô nghe thấy La Văn thở dài một hơi

Rốt cuộc Hoài Chân cũng không khống chế được cảm xúc, khóe miệng cong lên, chẳng bù cho La Văn có chút ưu sầu.

Theo như kịch bản gốc thì tối nay mình có thể trao cô ta cho Khương Tố rồi.

Nhưng không ngờ nửa đường lại nhảy ra một Muhlenberg làm chậm trễ kỳ hạn nhập tịch. Nửa năm tới, há chẳng phải cô con gái không rõ lai lịch này sẽ nương nhờ ở lại nhà sao?