Trong tưởng tượng của Hoài Chân, đa số những cô gái người Hoa ở thế hệ này đều nhanh gọn dứt khoát như Ngũ Cẩm Hà hoặc Hoàng Liễu Sương*, nào ngờ người chịu ảnh hưởng của nền giáo dục phương Tây, có khi tận trong xương tủy còn truyền thống hơn cả người trong nước ở đại lục xa xôi.
(*Ngũ Cẩm Hà là nữ đạo diễn đầu tiên chỉ đạo các bộ phim Hoa ngữ tại Mỹ; Hoàng Liễu Sương được coi là ngôi sao điện ảnh Hollywood người Mỹ gốc Hoa đầu tiên, đồng thời là nữ diễn viên người Mỹ gốc Hoa đầu tiên được quốc tế công nhận.)Không kéo rèm cửa, ngồi bên trong vẫn có thể trông thấy đỉnh tháp sáng đèn nơi con đường cổ kính của miếu cổ Thiên Hậu ở bên ngoài khung cửa, cùng với đó là vài tiếng người ồn ào hòa lẫn trong ánh trăng, thậm chí có thể nghe thấy tiếng rao của những người bán hàng rong, để màn đêm tĩnh mịch này thêm ba phần nhân khí.
Trong tiếng ồn ào rộn ràng ấy, Vân Hà nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Chỉ trong chốc lát cô đã nghe thấy tiếng thở đều đều vang lên bên tai, như một con thú nhỏ.
Đêm qua Hoài Chân ngủ rất đầy giấc nên tối nay không buồn ngủ, cô mở to hai mắt lắng nghe âm thanh giữa đêm khuya trên phố phường. Trời tờ mờ sáng, mơ hồ nghe thấy gà trống nhà ai cất tiếng gáy thì cô mới dần dần thϊếp ngủ. Thế nhưng giấc ngủ chẳng hề sâu, sáng sớm nghe thấy tiếng bước chân ở phòng bếp tầng một hay trong sân là cô đã tỉnh giấc.
Trên bến tàu xa xa vang lên năm hồi chuông, Hoài Chân rón rén bò dậy, mặc đồ ngủ vào mò mẫm đi xuống lầu.
A Phúc đã rời giường, đang nấu nước làm mì ở trong phòng bếp. Hoài Chân chỉ vừa lộ mặt gọi “chú Quý” thì đã bị A Phúc xua ra sân đánh răng rửa mặt.
Có hai chiếc cốc sứ trên bể nước gạch đen nằm cạnh con rồng nước bằng đồng được cố định trong góc, trong mỗi cốc có một chiếc bàn chải đánh răng và một tuýp kem đánh răng Goldfish loại nhỏ, ngoài ra có một vài móc treo bằng đồng treo trên cành cây khế, khăn trắng mỏng thấm nước được vắt trên đó.
Rửa mặt xong, Hoài Chân lau sạch tay lẻn vào phòng bếp, nói với A Phúc: “Chú Quý, cho con thử làm mì được không?”
A Phúc cũng chẳng ngăn cản, đưa chậu đồng sang cho cô: “Lại đây, thử lực xem thế nào.”
Hoài Chân rất cố gắng nhưng nhào một lúc lại cạn kiệt sức lực, chột dạ hỏi: “Chú Quý, nếu nhào hỏng, không có gì để ăn thì làm sao?”
A Phúc cười: “Sợ cái gì? Nhào được thì sáng nay ăn bánh tiêu, còn nếu nhào không được thì chúng ta ăn bánh bao!”
Hoài Chân nhìn thấy ông đã chuẩn bị sẵn nửa bát dầu để rán bánh tiêu, thế là đành nhắm mắt dùng hai tay nhào tiếp. Chỉ một lúc, còn chưa làm ra sợi mì mà cô đã cảm giác hai tay run lên, suýt nữa mồ hôi đầm đìa.
A Phúc nói: “Nha đầu, bắp tay bắp chân nhỏ thế này, phải ăn nhiều lên, cũng hoạt động gân cốt cho nhiều vào.”
Hoài Chân gật đầu, quả thật nên tập luyện cơ thể rồi.
Nói đoạn ông nhận lấy chậu đồng từ tay cô, vừa nhào vừa cao giọng ngâm thơ: “Tìm bùn khác chi việc nhồi bột, nhặt nhạnh cao su về trồng thêm.”
Quý La Văn từ cửa sau đi ra ngoài, hỏi mượn hàng xóm hũ sữa đậu nành xay, vừa mới về đã nghe ông ngâm nga thì phàn nàn: “Trời còn sớm tinh mơ, không sợ hàng xóm hai bên không biết hả, biết Quý Phúc nhà hàng xóm làm bữa cơm thôi mà cũng có thể ngâm thơ.”
A Phúc cười khà khà, “‘Cai trị nước lớn như nấu cá nhỏ’, phụ nữ như bà thì biết cái gì?”
La Văn chẳng đoái hoài đến cô, đi thẳng lên lầu gọi Vân Hà dậy. A Phúc nói: “Cũng đã đến giờ rồi đấy Hoài Chân, đi mở cửa tiệm đi.”
Cô vâng một tiếng rồi chạy băng qua sân, mở then chốt cửa ra.
Cửa mở ra cái “két”, lập tức ánh mặt trời ấm áp trên con phố xa xưa ùa đến. Hoài Chân không nén nổi bước ra ngoài hai bước, đứng dưới mái hiên ở bên đường vươn vai duỗi người. Có hai người trẻ tuổi dáng vẻ học sinh đeo balo hình vuông nặng trịch đi ngang qua, thấy gương mặt lạ ở trên đường thì không tránh khỏi tò mò quan sát cô suốt nửa con phố, rồi lại xì xào bàn tán với nhau.
Hoài Chân cài lại cánh cửa ở sau lưng, đang định quay vào thì đột nhiên thấy cánh cửa tiệm tạp hóa đối diện bật mở, một đứa trẻ da trắng mặc áo sơ mi trắng và quần dài bước ra. Tóc màu hạt dẻ, con ngươi xanh biếc, vừa mới bắt đầu tiến hành thay đổi từ trẻ con lên thiếu niên, trên mặt ngập tràn vẻ ngây ngô, chẳng khác gì vị thần Cupid mười một mười hai tuổi trong thần thoại La Mã.
Đứa bé vừa đi ra thì tú bà sau lưng đã cười khanh khách chào tạm biệt cậu ta, còn luôn mồm nói: “Cậu chủ nhỏ à, nếu thích công việc của các cô nương chỗ chúng tôi ấy, lần sau trong nhà có cho tiền tiêu vặt mua kẹo thì nhớ đến dùng trà tiếp nhé!”
Hoài Chân nhìn mà há hốc mồm. Thì ra đàn ông chơi gái đã bắt đầu học vỡ lòng từ lúc còn nhỏ như thế sao? Hay là người da trắng “trưởng thành” sớm hơn?
Cậu chủ nhỏ Cupid mười hai tuổi kia bất thình lình quay phắt đầu lại, đôi mắt xanh trong vắt như pha lê trợn tròn nhìn cô chằm chằm, bắn một câu tiếng Anh: “You saw my face——no peeking!” (Cô thấy mặt tôi rồi —— cấm nhìn trộm!)
Hoài Chân thầm nghĩ, ôi chao, còn hung dữ nữa cơ!
Cô chợt hỏi: “So what?” (Thế thì sao?)
Rồi cười tít mắt dựa vào cửa, đợi chú hổ con ra oai.
Đứa bé kìm nén tức giận, sờ khắp người một cái rồi lấy ra ba đồng 10 cent ở trong túi ném cho cô. Đồng tiền cứng rắn đập xuống đất, xoay tròn bên chân cô một lúc rồi “cạch” một tiếng, để lộ mặt có cành ô liu.
Hoài Chân còn chưa hoàn hồn từ cơn phát tài thì đã nghe thấy đứa bé kia hung dữ nói với cô: “Cô nói tiếng Anh! Tôi cảnh cáo cô, cầm tiền đi, không được phép nói với bất cứ ai tôi đã đến đây! Biết chưa?”
Nói rồi cậu ta quay đầu chạy đi như bay.
Hoài Chân vui vẻ nhìn theo bóng dáng của cậu bé chỉ cao bằng cô một lúc, trong đầu nghĩ, sáng sớm nào cũng đến đây đứng một lúc là có thể bước lên con đường phát tài luôn rồi.
Cô lượm mấy đồng tiền đặt lên bàn, cầm chổi quét mặt tiền cửa tiệm.
Chỉ chốc lát sau, cô nghe thấy tiếng kêu gào đầy ai oán ở sân sau: “Con – không – muốn – ăn – sáng!”
Mười phút sau, Vân Hà ủ rũ nằm bẹp trên bàn, nhìn Hoài Chân ăn bánh tiêu không chớp mắt.
Hoài Chân nhấp một hớp sữa đậu rồi hỏi cô: “Chị không ăn thật hả? Phải đi học cả ngày đó.”
La Văn nói: “Để nó đói bốn năm lần cho biết mặt.”
Vân Hà phớt lờ mẹ, nghiêng đầu hỏi A Phúc: “Hoài Chân cũng đi học sao bố?”
A Phúc nói: “Ngày mai sẽ đến phố Kearny làm bài kiểm tra nhập học, nếu như có thể thì sang năm có thể nhập học.”
“Trung học công lập Viễn Đông? Vậy sau này Hoài Chân có thể tốt nghiệp cùng một trường với con rồi!” Vân Hà thoáng dậy tinh thần, “Hôm nay Hoài Chân muốn làm gì, có cần ngồi xe điện với con đến trung học phổ thông bách khoa chơi không?”
La Văn cầm đũa gõ cô, “Con đi học hay đi chơi hả?”
A Phúc nói: “Hôm nay dẫn Hoài Chân đi tới đi lui để biết đường đã; nhân tiện cũng chào hỏi bà con láng giềng luôn.”
Vân Hà ồ lên rồi đột nhiên hạ thấp giọng nói: “Nếu đυ.ng phải Hồng gia và Tiểu Lục gia thì biết làm sao. Cha đối phó được không?”
A Phúc nói: “Tối qua Hồng gia dẫn Tiểu Lục gia đến Sacramento rồi.”
“Thành phố Sacramento thì có gì hay ho nhỉ…”
“Tối ngày hai mươi tám tháng Chạp sẽ có tuyển cử đường hội, theo như năm trước thì phải thông báo cho khắp Sacramento.”
“Vậy đến tối đường hội đó, không phải Hoài Chân sẽ gặp Hồng gia và Tiểu Lục gia sao? Mà cũng không thể không đi được.”
“Dĩ nhiên phải đi rồi, nếu không làm sao sống được ở phố người Hoa này?”
“Vậy phải làm thế nào bây giờ?”
Dừng lại, A Phúc nói, “Ắt sẽ có biện pháp.”
Ăn sáng xong, Vân Hà dẫn Hoài Chân đi lên lầu. Cô ấy lấy mấy bộ quần áo cũ không mặc vừa ra, khăng khăng đòi Hoài Chân mặc chiếc đầm len cổ lọ màu trắng họa tiết xanh lam mà mình chưa có cơ hội mặc, cùng với một chiếc áo sơ mi dài tay màu tím đỏ.
“Em chưa nhìn thấy phong cách này bao giờ đúng không? Hiện tại quần áo trong nước cũng bắt chước theo tạp chí Mỹ, mua ở đây vừa rẻ lại đẹp. Cho em hết đấy, vừa hay cuối tuần chúng ta có thể đến phố chợ mua đồ mới!”
La Văn ở dưới lầu thúc giục: “Sắp trễ xe cáp đến đường Stoker rồi đấy!”
Lúc này Vân Hà mới khoác cặp sách đi xuống, vừa chạy vừa hô: “Hoài Chân chờ chị đi học về nhé!”
Ban ngày, La Văn làm giúp việc trong một gia đình người da trắng ở quảng trường Jackson, vừa hay cùng thời gian Vân Hà đi học, thế là hai mẹ con cùng đi xe điện ngầm vào nội thành, để lại A Phúc và Hoài Chân ở trong tiệm.
A Phúc cho Hoài Chân ngồi sau quầy, cũng chưa bảo cô cần làm gì cả, chỉ ném cho cô một cuốn “ba trăm bài thơ Đường hay nhất” rồi đi lên lầu xếp bồ kết.
Hơn nửa buổi sáng mà chỉ có hai người đàn ông đến tiệm, đặt hai giỏ quần áo bẩn xuống rồi đi ngay. Hoài Chân đọc một mạch từ lác đác Cổ Hành Cung cho đến câu Say Sưa Trong Giấc Xuân Nồng, thật sự muốn ngủ gà ngủ gật. Đúng lúc này một chàng trai da ngăm đen đi vào tiệm, vừa vào đã cười nói: “Chú Phúc, con dậy trễ.”
A Phúc nói vọng xuống từ trên lầu: “Dậy thôi con gái, chúng ta nghỉ ngơi nào, đổi ca với cậu ta.”
Hoài Chân vội nhặt cuốn sách ba trăm bài thơ Đường lên đặt qua một bên, đứng dậy nhường chỗ cho anh ta.
Sau khi ngồi xuống, chàng trai kia đưa mắt nhìn Hoài Chân, cao giọng hỏi: “Chú A Phúc, cô bé này là ai vậy?”
“Là con gái anh em ruột của chú, hiện tại đến ở dưới danh nghĩa của chú A Phúc nhà con đấy.”
“Chú có phúc quá, được liền hai cô con gái xinh xắn đáng yêu, không biết tiểu tử thối nhà nào được hời đây…”
Lúc này A Phúc mới chậm rãi xách giỏ từ trên lầu xuống, thấy Hoài Chân có vẻ chán bèn nói: “Sáng thứ hai không ai giặt quần áo, một mình cậu ta làm việc là đủ rồi. Đi nào con gái, muốn ăn gì, chú Quý dẫn con đi dạo chợ.”
Vừa qua mười giờ, người dần dà đông lên. Học sinh đã đi học, thanh niên trai tráng cũng đều đi làm, đa số trên đường chỉ toàn phụ nữ trẻ con, ai ai cũng xách giỏ đi chợ ra phố mua thức ăn.
Hoài Chân đi sau lưng A Phúc, đi mấy bước sẽ gặp người quen, bất kể là thím mua thức ăn trên chợ hay chủ tiệm bách hóa Sinh Tiên thì đều thấy gọi tên cả. Có lúc A Phúc gọi thẳng tên, gặp người lớn tuổi thì gọi là “chú Thọ” hay “chị Trần” tùy vào tuổi tác; lúc này đối phương sẽ thường hỏi đến Hoài Chân, A Phúc bảo Hoài Chân gọi đối phương là “ông A Thọ” hoặc “thím Trần”, sau đó mới giải thích: con bé này là con gái của cậu em ở quê Quảng Đông, bây giờ nhận làm con thừa tự, là con gái của A Phúc ông.
Sau vài ba bận, Hoài Chân lập tức bừng tỉnh: ở San Francisco tổng cộng có năm mươi nghìn người Hoa, đa số mọi người đều có quan hệ sâu xa. Bình thường ra phố mua thức ăn hay làm việc đều không phân biệt chủ khách, mà chỉ nhìn mặt chào hỏi; chú Quý không phải dẫn cô ra phố mua đồ, mà là để cô chào hỏi với mọi người, cũng để mọi người biết cô.
Đợi chào hỏi xong xuôi, A Phúc lại hỏi cô, “Con đã nhớ chưa?”
Cô lập tức đáp, “Nhớ rồi ạ.” Sau đó lại nhẩm trong đầu một lần.
Cả một buổi sáng mà đã gặp hơn trăm người. Hoài Chân có thể nhớ được bảy tám phần.
Gần đến trưa, cả hai đã hơi đói bụng. Đúng lúc nhìn thấy phía trước có một quán trà Quảng Đông, A Phúc bèn dẫn cô vào ăn trưa.
Gọi bốn năm l*иg bánh cùng một bình trà đỏ, mới ngồi một lúc thì một cô gái đeo tạp dề trắng bưng bánh đi qua. A Phúc gọi cô ấy: “Lục thiếu nãi.” Rồi quay đầu thấp giọng nói với Hoài Chân, gọi thím Lục.
Hoài Chân lập tức ngọt giọng gọi: “Con chào thím Lục ạ.”
Thím Lục tầm trên dưới bốn mươi, khuôn mặt béo tròn in hằn dấu vết năm tháng, tuy khí chất dáng vẻ không ra gì, nhưng quần áo lại rất tươm tất chỉnh chu. Thấy cô lạ mặt mà lại gọi mình như vậy, bà cũng không hỏi nhiều, chỉ gật đầu với A Phúc, “Cô con gái này cũng nhỏ tuổi nhỉ.”
A Phúc nói, “Nhỏ thêm một tuổi rưỡi cũng được.”
Thím Lục quan sát cô một lượt từ trên xuống, nói, “Bây giờ còn nhỏ, đợi nuôi béo tốt thêm hai năm, không biết sẽ là đại mỹ nhân xinh đẹp nhường nào.”
A Phúc nói, “Có điều gầy quá, phải ăn nhiều thêm nữa.”
Thím Lục lại hỏi: “Đã đính hôn với ai ở quê chưa?”
A Phúc đáp: “Nhỏ thế này mà, vẫn còn sớm.”
“Phải nên chọn người tốt, nếu không hai năm nữa về nước xem mắt, cả đi cả về cũng mất một năm, chú nói xem có phải là uổng công không? Thanh niên ở Sacramento San Francisco tài giỏi đẹp trai nhiều như vậy, phải chọn một người thật tốt.” Ngẫm nghĩ rồi bà nói tiếp, “Thím có một đứa cháu, hiện tại đang ở trong lục chiến thủy quân, năm nay đã hai mươi bốn, không rảnh về nước xem mặt. Cũng là thanh niên tài giỏi đẹp trai số một, để thím dẫn đến con xem mặt nhé?”
Hoài Chân cúi thấp đầu uống trà, hai tai bất giác đỏ lên.
Thím Lục nói: “Còn xấu hổ nữa à.” Rồi bà cười nói, “Mười lăm tuổi rồi, cũng không còn nhỏ nữa.”
A Phúc nói, “Sao có thể so được với chúng ta năm ấy?”
Lúc này bên kia có người gọi, thím Lục vội nói: “Xin lỗi không hầu chuyện hai người tiếp được.” Nói đoạn đi ngay.
Hai người vẫn ăn bánh uống trà, nhất thời không nói gì.
Qua một lúc, A Phúc nói: “Thằng nhóc da trắng kia, đối xử với con thế nào?”
Hoài Chân, “Tốt lắm ạ.”
“Tốt cũng vô ích. Không chỉ không nhờ vả được người da trắng, mà luật pháp cũng không cho phép. Chẳng lẽ còn trông cậy cậu ta đưa con rời khỏi Mỹ, đến chỗ khác sống sao?” A Phúc thở dài, “Thôi bỏ đi con ạ.”
“Không… không bỏ được ạ.” Hoài Chân cầm trà lên uống, nghe ông nói thế thì càng cúi thấp đầu, “Con… nợ anh ấy rất nhiều tiền, không trả nổi.