Chương 13: Sacramento (2)

Anh cúi đầu nhìn cô chăm chú, lông mi dài cụp xuống, như rơi vào đầm nước sâu trong khu rừng yên ắng. Sắc trời tối om không thấy rõ đường nét bóng hình, chỉ có mỗi đầm nước sâu kia là điểm sáng trong đêm.

Cô nheo mắt làm quen mới thấy rõ được, đôi môi thường xuyên mím chặt lại đang nở nụ cười như có như không.

Nghe thì như đang hỏi, nhưng vẻ mặt nghiêm túc kia rõ ràng là đang chắc nịch. Hoài Chân nghĩ bụng, bởi vì cuộc điện thoại kia mà nhìn tâm trạng anh ta có vẻ không tệ lắm.

Người đàn ông vạm vỡ kia đẩy đám đông ra, bước đến thúc giục, “Phải đi rồi.”

Ceasar ngăn gã lại, “Hai phút thôi.”

Gã im lặng đứng chờ ở một bên đường. Trên con phố huyên náo chật chội, người người vội vã đều ngẩng đầu nhìn tổ hợp không tương xứng song cũng rất hài hòa này.

Chỉ hai phút thì có thể nói được gì?

Đủ nói rõ về tiền đặt cọc thôi.

Anh dùng tiếng Anh hỏi, “Bao nhiêu?”

“Tôi hy vọng có được ba nghìn năm trăm đô la.”

Ceasar cúi đầu nhìn cô.

“Không ngờ cô cũng trị giá nhiều nhỉ?” Anh cười hỏi.

Câu hỏi này bao hàm quá nhiều suy đoán và xác nhận bằng chứng. Hoài Chân bị anh nhìn đến sợ hãi, vội quay đầu đi chỗ khác, “Tôi nghĩ cũng sẽ không đắt lắm, chỉ có một cơ hội lần này thôi… nên không hy vọng có gì bất trắc.”

Đột nhiên Ceasar nhướn mày: “Tự mình đấu giá cho mình?”

“Ừ.”

“Cô đã đến mấy nơi đấu giá tương tự như thế bao giờ chưa?”

“Giống triển lãm tranh và đồ cổ hả?”

Ceasar chậm rãi cười, “Cô cảm thấy mình thuộc loại nào trong số đó?”

“…”

“Đúng là nực cười, tự mình đấu giá liệu có thích hợp không?”

“Nếu không thì biết làm thế nào đây? Ngoài bản thân ra, ai mua tôi cũng sẽ không…” Đột nhiên Hoài Chân nhìn Ceasar.

Người này bài trừ người Hoa. Người này rất ghét người Hoa!

“Đừng nhìn tôi với ánh mắt đấy.” Ceasar hiểu ra ý đồ của cô, “Tôi không thích hợp.”

Hoài Chân bất đắc dĩ cười, tuy không nói gì thêm nhưng tia sáng vừa lóe lên trong mắt đã biến mất.

Bắt được nụ cười này, đột nhiên trong lòng Ceasar dâng lên cảm xúc khác thường.

Nghĩ ngợi một lúc, anh đưa balo cho cô: “Cũng khoảng ba nghìn năm trăm đô. Chúc cô suôn sẻ, không bị người ta nửa đường phá hỏng. Không cần viết giấy nợ, tự biết nợ bao nhiêu là được. Không cần phải trả gấp, tôi còn có việc nhờ cô. Đã biết chưa?”

Không kịp đợi Hoài Chân hỏi kỹ, người đàn ông vạm vỡ kia đã đi tới thúc giục.

“Tôi đi đây.”

Ceasar khoát tay như đang đuổi khách. Chân phải đi ủng giẫm lên lề đường dưới mái hiên, một tay đút trong túi quần, song không hề có vẻ muốn rời đi.

Anh đứng yên tại chỗ. Không biết vì sao, anh lại không thể xóa đi được đôi mắt dần tối đi kia dưới cái nhìn chăm chú của anh.

Ngẩng đầu nhìn lên, bóng dáng màu tím ấy đã biến mất trong một tiệm tạp hóa ở góc cua trên đường Sacramento. Ma xui quỷ khiến, anh lại đi theo.

Tiệm tạp hóa dơ bẩn mở cánh cửa đen nhánh, có một người đàn bà da vàng đen đuốc mặc áo choàng ngắn ngồi trên ghế tre ở bên trong, hai tay nằm lấp sau ống tay áo rộng lớn, cúi thấp đầu lim dim như thể không quan tâm chuyện làm ăn ở trong tiệm. Cạnh ghế tre dựng một tấm biển đầy bụi, bên trên viết mấy dòng chữ, phía sau ghi rõ chữ số Ả Rập, hình như là bảng giá.

Ceasar vô tình đánh thức bà ta. Anh dịch lại gần nhìn, anh chỉ nhận dạng được vài ba con chữ ngoài mấy số Ả Rập.

“Tôm khô ba xu. Cá… gạo… gái…” Anh cố gắng đọc đến đoạn này, cuối cùng cũng bật cười.

Nghe thấy tiếng cười, người đàn bà sực tỉnh, thứ đập vào mắt đầu tiên là đôi giày ống cao; lại ngẩng đầu lên, chỉ nhìn thấy một người da trắng cao lớn bừng bừng hứng thú quan sát bảng hiệu kia một lúc lâu. Đã lâu lắm rồi ả ta chưa thấy cảnh tượng này, ngay lập tức khấp khởi vui mừng, nở nụ cười với hàm răng sứt mẻ, nịnh nọt bắt chuyện bằng thứ tiếng Anh bồi bập bẹ của mình: “Ở chỗ chúng tôi có gái mới, sạch sẽ, cũng ‘tươi’ như hôm nay vậy.”

“Năm đô một pound?” Anh xác nhận lại.

“Đúng thế đúng thế tiên sinh. Năm đô một pound, nhưng nếu may mắn thì cũng có thể bán được nhiều hơn…”

“Nghe nói có thể bán được ba nghìn đô.”

“Là Cam Bao danh đỉnh đỉnh của mấy chục năm trước, không ngờ còn lan truyền ra khỏi phố người Hoa.”

Ba nghìn đô. Đúng là nguồn tin của đồn cảnh sát tiểu bang có chút đáng tin.

Anh cúi người đi vào tiệm tạp hóa, người đàn bà kia gù lưng đi theo, “Tiên sinh, mời trả năm mươi xu phí vào sân.”

Ceasar dừng bước, “Không phải hai mươi xu sao?”

“Tiên sinh, nhất định là ngài nhầm rồi, người da trắng sao có thể giống chúng tôi được?”

Anh lười so đo thêm, sục sạo tìm kiếm một lúc, vừa hay tìm được một đồng năm mươi xu, giơ tay ném vào chậu đồng cạnh ả.

“Keng” một tiếng, ả ta lớn tiếng thét: “Mời tiên sinh lên lầu, mời tiên sinh đến bên kia để vào trong sân khấu.”

Có một cậu bé nhô cái đầu tròn nhỏ thó ra ở trên lầu, một sợi dây đỏ túm lại lác đác vài sợi tóc ở đỉnh đầu, nó xách một chiếc gùi trúc trong tay, trên gùi được đậy bằng một tấm vải nhìn không ra màu, không biết bên trong chứa gì. Thằng nhóc gầy đét nhưng được cái nhanh nhẹn, chạy chầm chậm một đường, dẫn anh từ tiệm tạp hóa thấp bé đến một thế giới mới thoáng đãng sáng ngời.

Đó là một căn phòng nhỏ, chỉ để vừa một bộ bàn ghế và trường kỷ, ngoài ra không còn gì thêm. Khung cửa sổ có tầm nhìn tốt, ánh sáng và âm thanh từ nơi đó truyền đến. Ceasar bước lên trước hai bước, phát hiện đó là một “ban công” – nói cho chính xác là “ban công” thưởng thức kịch Trung Quốc. Anh đứng cạnh cửa sổ nhìn xuống: ngoài ban công xây thêm ở phía bên phải, những nơi khác đều chỉ có những băng ghế gỗ vô cùng đơn sơ.

Người xem lục tục đi vào, chen chúc ngồi xuống mấy chiếc ghế kia, trông không khác gì cá mòi. Gần như bọn họ đều là đàn ông – vừa đi vào đã nói chuyện không ngừng, hoặc ăn hoặc hút thuốc.

Đây là lần đầu tiên Ceasar đến nơi như thế này, nhưng anh đã nhiều lần đọc các bài báo liên quan đến rạp hát Trung Quốc:

“Tổng cộng ở đó có một nghìn người xem, bọn họ có vẻ mặt kỳ lạ, mặc quần áo tương tự nhau, ai ai nhìn cũng như nhau.”

“Vì bọn họ ngồi trên băng ghế dài thấp, nên hai chữ ‘chi chít’ chính là từ thích hợp nhất để hình dung tình cảnh khi ấy. Trên băng ghế nào cũng chật ních người, như chiếc xe cáp chật chội trên đường về nhà ăn cơm.”

“Tôi mù mờ ngồi giữa đó, không biết bọn họ đang diễn hài kịch, bi kịch hay ca kịch…”

Trước khi đến đây, anh cũng chắc chắn không ngờ đằng sau tiệm tạp hóa nhỏ bé u ám kia lại chứa một động tiên thế này. Bây giờ anh đang đứng trên khán đài cao, thực thể hóa mọi tưởng tượng về phố người Hoa từ trước đến nay của một người có thị giác vô cùng tốt như anh. Nơi đây không hề liên quan chút gì đến hai chữ “thoải mái”, nhưng trên mặt những người reo hò ầm ĩ chen chúc trên ghế lại lộ ra niềm vui sướиɠ tột cùng.

Chẳng biết từ lúc nào đứa bé xách gùi trúc kia đã rời khỏi chỗ anh, cơ thể nhỏ thó khiến cậu ta trông như chú cá bơi lội, tự nhiên qua lại ở bên dưới khán đài, mở giỏ trúc đậy lại lấy đồ ra đưa cho mọi người. Ceasar nhận ra đó là một tấm bảng to chừng bàn tay, vì lúc đi vào anh cũng đã thấy mấy chục tấm như vậy nằm trên bàn.

Đó là một bức tranh với nét vẽ vô cùng đơn sơ: chỉ một búi tóc đen nhánh, hai chấm tròng mắt đen, hai phẩy môi đỏ mọng, một chiếc quạt xếp… chỉ vài ba nét bút đã tạo nên một cô gái, thoạt nhìn đều y hệt nhau, ai ai cũng giống cô gái mặc áo tím kia, nhưng nhìn lại sẽ thấy khác biệt.

Anh mất cả chục giây để nhìn từng tờ một, sau đó bật cười ném tranh sang một bên.

Bỗng nhiên có một tiếng trầm trồ ồ lên, bên dưới lên tiếng khen ngợi. Đèn trên sân khấu bừng sáng, chiêng trống vang trời —— nhạc kịch đã bắt đầu. Ceasar cúi đầu nhìn, trên chiếc quạt xếp to tướng viết ba chữ Hán rồng bay phượng múa.

Anh không biết ba chữ này.

***

Vừa về đến tiệm tạp hóa, Hoài Chân lập tức bị cô gái tên A Trà kia dẫn đi thay đồ.

Còn chưa lấy quần áo thì hai người đàn bà đã dẫn cô đến ngồi xuống trước bàn trang điểm, tháo bím tóc đuôi sam của cô ra rồi vén ra sau đầu, búi tóc lên thành hình ba bông hoa.

Mới vừa cởi nút áo của cô thì A Trà mở cửa ra, cầm một bộ đồ màu đỏ đi đến.

Cô cúi đầu cầm quần áo nhìn —— là một bộ áo cưới thêu tay tinh xảo.

Hoài Chân hỏi: “Ai cũng có cả sao?”

A Trà nói: “Ai cũng phải thay cả, cầu may mắn vui mừng.”

Hoài Chân cười, “Ma ma của các chị keo kiệt như vậy, cho mỗi cô gái quần áo mới thế này thì không phải lỗ chết sao?”

A Trà không biết nói láo, nhét đồ vào tay cô rồi biến đi.

Hoài Chân cúi đầu nhìn mũ cưới nho nhỏ rũ tua rua với đóa hoa thêu chỉ vàng trên váy cưới, bụng nghĩ, bộ đồ này chắc là dùng để đưa cô đến nhà họ Hồng nhỉ?

Bây giờ đưa bộ đồ này đến lại như đang nhắc nhở cô: vô dụng thôi, bất kể mày có dùng cách gì để chạy trốn, dùng sức tới mấy, thì cuối cùng mày cũng phải làm con dâu nhà họ Hồng.

Rốt cuộc vì sao lại chắc chắn đến vậy?

Còn mải suy nghĩ thì cửa kêu cái “két” hé mở. Hoài Chân ngẩng đầu lên nhìn, thì ra người tới là Quý Vân Hà.

Cô ấy thò đầu vào như kẻ trộm, vừa thấy cô ở đây thì thở phào một hơi, cúi người lẻn vào, nhét một túi tiền vào ngực cô rồi chạy biến đi như một làn khói.

Hoài Chân sờ túi tiền, nặng trịch, đại khái cũng biết đây là gì. Cô mở ra, trên cùng là một tờ giấy với mấy hàng chữ ngay ngắn xinh xắn: “Bố chị nói với chị là em bị hại, tối nay sẽ bị bán ở đây, quả thực rất xin lỗi. Chị đã gom góp số tiền chị và cha không dùng để cho em, tổng cộng có hai trăm sáu mươi đồng năm mươi ba xu. Hy vọng những thứ này có ích với em. Cũng hy vọng mẹ ít ngồi tù mấy năm. PS: tính khí của Lục thiếu gia rất tệ, rất thích đối nghịch với cha anh ta.”

Cô nhìn lui nhìn tới tờ giấy này mấy lần, vô thức thở phào.

Nhân lúc cô đọc thư, hai người đàn bà kia đội mũ phượng và khuyên tai vào cho cô. Hoài Chân bèn bảo bọn họ bỏ chiếc áo khoác dính đầy mồ hôi kia đi, thay bộ đồ mới sạch sẽ vào.

Ra đến cửa, cô lại đếm một lượt số tiền ở trong balo, đặt chung tiền vào với nhau, tổng cộng được gần bốn nghìn ba trăm đô la.

Chỉ chốc lát sau lại có tiếng gõ cửa, Khương Tố đi vào nói, đến lượt mày rồi.

Cô đứng dậy, được hai người đàn bà kia đỡ đi dọc theo hành lang dài, đi đến đâu thì tiếng nhạc và ánh sáng đi theo. Tới chỗ ánh đèn sáng choang, đúng lúc vở kịch trên sân khấu đã đến đoạn điệu Tây Bì chậm nhịp. Đột nhiên từ chỗ tối đi ra chỗ sáng, không biết là vì vở kịch hay gì mà tiếng ồn ào trở nên sôi nổi hẳn.

Đó là một khán đài hai tầng. Người hầu đỡ cô đi xuống, không biết mọi người trên khán đài chỗ cao nhận được tin từ đâu mà đồng loạt nhìn sang chỗ cô.

Một người trong đó đột nhiên bật cười, cao giọng hỏi: “Hồng lục, cậu nhìn xem, có phải cha cậu bắt cậu cưới giá đỗ kia không ——”

Một người đàn ông khác hô lên: “Hồng lục người ta không ăn kiêng, thế mà lại đổi khẩu vị sang loại này, bị làm sao thế?”

Cánh đàn ông trẻ tuổi cao giọng ồn ào, khiến khách xem bên dưới quay đầu nhìn sang cô.

Võ sinh và thanh y trên sân khấu vẫn đang diễn kịch, nhưng vở kịch dưới sân khấu thì càng nổi bật xuất sắc hơn.

Trong lúc giật mình, Hoài Chân đưa mắt nhìn gian phòng ở đối diện, có mấy người vây xung quanh một người đàn ông trẻ tuổi. Đó là một vị trí đẹp, có thể thấy rất rõ căn phòng nhỏ này của cô, nhưng trong số tất cả mọi người, chỉ có mình anh ta là ngồi yên không nhúc nhích, lạnh lùng xem vở kịch “Thanh Thạch Sơn” trên sân khấu. Đám thanh niên kia vẫn đang chòng ghẹo, nhưng anh ta lại làm như không nghe thấy, chỉ cảm thấy hơi nóng nên cởi hai nút áo trên bộ áo bào ra, giật giật cổ áo, người ở sau lưng lập tức đưa cho anh ta một cây quạt xếp. Anh ta không nhận lấy ngay mà cầm ly gốm màu xanh lên nhấp một hớp trà, lúc này mới nhận lấy quạt xếp, ngồi thẳng người phe phẩy quạt, không hề nhìn lấy Hoài Chân một lần.

Cũng vào khoảnh khắc đó, Hoài Chân lập tức biết, người này chắc là Hồng Lục.