Chương 1: Ngôi làng nước ở Quý Châu

Trong làng có tục lệ "chém trâu" ở các đám tang.

Mỗi một người thân chém một nhát vào con trâu còn sống để cúng tế người đã khuất.

Bạn bè dẫn tôi đến xem tang lễ, không ngờ khi tỉnh dậy tôi lại trở thành "con trâu" đó.

Dân làng cầm dao vây quanh tôi, nhưng họ không biết rằng tôi là truyền nhân duy nhất của Địa Sư.

………

Khi mặt trời sắp lặn, cuối cùng tôi và đám người Lục Linh Châu cũng đến làng nước Chẩm Lôi.

Ngôi làng nước nằm ở lưng chừng núi, được xây dựng dựa lưng vào núi, do địa hình không bằng phẳng, phần sàn nhà treo lơ lửng trên không trung, nên hầu hết nhà ở đây đều được xây dựng theo kiểu nhà sàn.

Một ông lão có khuôn mặt đầy nếp nhăn đang ngồi ở tầng dưới, hút thuốc và nheo mắt nhìn chúng tôi.

"Người nơi khác đến đây để du lịch à?"

Tôi lấy một gói thuốc Trung Hoa ở trong túi Giang Hạo Ngôn và đưa cho ông ta.

"Ông ơi, cháu muốn hỏi ông một chuyện, ông có biết nhà Vi Vô Ương ở đâu không?"

Ông lão không trả lời mà nhìn chằm chằm vào vết thương trên cổ tay tôi, vẻ mặt tái nhợt, toàn thân ông ta ngã mạnh về phía sau, đến mức suýt té khỏi ghế.

"Kỷ lý cô lỗ, ốc lý oa lạp…”

Ông ta nói rất nhiều câu bằng tiếng địa phương, sau đó chạy lên cầu thang và nhanh chóng đóng cửa lại.

Tôi ấn vào vết thương đang rỉ mủ vàng trên cổ tay, ánh mắt tôi và Lục Linh Châu cùng nhìn nhau.

Quả nhiên đã đến đúng nơi rồi.

Tôi tên Kiều Mặc Vũ, là sinh viên năm cuối của Đại học Nam Giang, cũng là truyền nhân duy nhất của Địa Sư đương thời.

Địa Sư, trong thời cổ đại chính là nói đến thầy phong thủy.

Tục ngữ có câu, nhất phẩm Địa Sư xem sao trời, nhị phẩm Phong sư tìm mạch nước, tam phẩm tiên sinh đi khắp mặt đất. Hiện nay, hầu hết những thầy phong thủy trên thế giới này đều là thầy phong thủy bình thường. Người có thể xem sao trời chính là Khâm Thiên Giám, phục vụ cho hoàng tộc.

Tổ tiên của Kiều gia chúng tôi là Giám Chính của Khâm Thiên Giám, đồng thời cũng là chủ nhân của Phong Môn.

Nửa tháng trước, tôi và Lục Linh Châu bị thằn lằn cắn vào tay, vết thương trên cổ tay bị rách và không thể lành được. Người trong sư môn của Lục Linh Châu bảo cậu ấy đến huyện Tam Đô ở Quý Châu tìm Thủy Sư của Thủy tộc, họ có thể chữa lành vết thương cho chúng tôi.

Thủy tộc là một dân tộc thiểu số đặc biệt, có chữ viết và lịch riêng.

Theo truyền thuyết, tổ tiên của Thủy tộc là Lục Đạc Công đã tạo ra Điển Văn*, là chữ viết dành cho người chết. Chữ viết của họ được viết lộn ngược hoặc đối lập với cấu trúc của chữ giáp cốt (chữ viết trên mai rùa), nên còn được gọi là "sách ngược".

(*Điển Văn: Còn gọi là chữ nước, hay còn gọi là chữ ma.

*Sách ngược, là văn viết cho người đã khuất.)

"Sách ngược" được chia thành hai loại là "sách đen" và "sách trắng". "Sách trắng" chủ yếu được sử dụng trong các phong tục đời sống như ma chay, cúng tế. Loại còn lại là "sách đen", dùng để trừ tà.