Chương 11

24.

Gió xuân thổi qua cánh cửa sổ nhỏ ở phòng giam, tôi vuốt tóc và chỉnh trang lại quần áo. Nghiêm Ngộ dõi mắt nhìn tôi nhưng tôi không thèm liếc lấy một cái. Cuối cùng, tôi cắn răng đưa cho ngài ấy chiếc trâm bạc còn lại của mình. "Nếu có chuyện gì xảy ra, biết đâu nó có thể giúp ích được."

Nghiêm Ngộ nhận lấy chiếc trâm, không kiềm chế được mà cười nhạo: "Ngươi rõ ràng chỉ là một cô hầu nhỏ, làm thế nào mà lại có thể có thái độ như thể ngươi đang bao nuôi ta vậy?"

Tôi hiếm khi lại cảm thấy xấu hổ như lúc này, bèn quay đầu bỏ đi.

Những chuyện sau đó, tôi không thể làm gì được, chỉ có thể sống tốt cho chính mình.

Tôi và Nghiêm Hoạch cùng trở về Thập Lý trấn, may mắn thay Nghiêm Hoạch cũng tiết kiệm được 1 chút tiền, chúng tôi không phải đói nữa. Tôi không nhớ rõ quê hương mình, nhưng tôi luôn rất thích Thập Lý trấn, nên tôi quyết định trở lại đây.

Trước kia khi ở cùng lão phu nhân ở đây, tôi ít khi ra ngoài, nên không ai nhận ra tôi. Tôi và Nghiêm Hoạch tìm một xưởng thêu để làm thợ thêu. Tôi nói với mọi người mình là 1 goá phụ, còn Nghiêm Hoạch là em gái, hai chị em lang thang đến Thập Lý trấn thì quyết định dừng lại.

Tôi vốn là người thông minh lanh lợi, lại đã sống trong nhà giàu ở kinh thành nhiều năm nên thẩm mỹ rất tốt. Lại thêm sự giúp đỡ của Nghiêm Hoạch nên sau một thời gian các sản phẩm thêu của chúng tôi rất được ưa chuộng.

Trong hai mươi năm qua, đây mới thực sự là những ngày tốt nhất của tôi. Không ai có thể sai khiến tôi, dù kiếm được một đồng, nó cũng là của tôi.

Dù không thể ăn những món sơn hào hải vị, nhưng còn tốt hơn nhiều so với việc phải làm hạ nhân luôn sống trong sợ hãi.

Một ngày nọ, tôi và một người thím ngồi nghỉ bên hồ cạnh xưởng thêu để cho đôi mắt thư giãn.

Bây giờ đã là cuối thu, lá rụng như cánh bướm mỏi mệt đang nhảy múa trước mắt, lượn lờ trôi.

Thím ấy cười đùa nói: "Này em gái Tĩnh Ninh, tôi sẽ mai mối cho cô 1 người đàn ông goá vợ nhé?"

Tôi cũng không giả vờ, đáp lại một cách tự nhiên: "Tôi muốn một người đẹp trai, không đẹp thì không lấy!"

Ngón tay thon dài của thím ấy chọc nhẹ vào trán tôi, cười ha hả nói: "Đã từng lấy chồng rồi, sao vẫn thích người đẹp như vậy!"

Tôi che miệng, giả vờ ngượng ngùng nói: "Thích người đẹp, sinh con cũng đẹp mắt."

"Ối trời ơi, cô thật không biết xấu hổ, nói chuyện trắng trợn quá! Người đàn ông trước của cô đẹp trai thế nào mà cưới được cô?"

Ở Thập Lý trấn chẳng ai biết tôi là ai nên cũng không có gì phải kiêng dè, tôi cứ thả cửa mà nói chuyện: "Chồng cũ của tôi rất đẹp trai, chỉ tiếc là không thể có con"

"Ngươi nói ai không thể có con?"

25.

Tôi ngạc nhiên một hồi lâu, không dám quay đầu lại. Người thím trước mặt tôi tỏ ra ngạc nhiên, mắt sáng rõ niềm vui. Ai mà chẳng thích người có nhan sắc?

Tôi hít một hơi thật sâu trước khi đứng dậy, lấy lại tinh thần. Người kia không biết từ đâu kiếm được cái kiệu nhỏ, ngồi yên vị trên đó, ngài ấy mặc một chiếc áo choàng màu xanh khói với cổ tròn, đai lưng đeo bốn vòng bạch ngọc.

Thật là biết làm bộ làm tịch nhưng quả thật rất phong lưu tuấn tú.

Tôi bình tâm trở lại, ngài ấy đột ngột xuất hiện quả thật cũng khá bất ngờ nhưng điều đó đồng nghĩa với việc đã thoát án tử hình.

Tôi cùng Nghiêm Ngộ đến ngôi nhà cũ của Nghiêm gia.

Ngôi nhà cũ vẫn như một năm trước, hành lang uốn lượn, sân vườn yên tĩnh, dòng suối trong vắt chảy róc rách từ đỉnh giả sơn.

Khi chúng tôi bước vào phòng khách, ngài ấy ngồi xuống. Tôi cũng theo chân ngồi xuống bên cạnh, với tay lấy tách trà trên bàn.

Nghiêm Ngộ thoải mái cất tiếng: "Mới đây, vụ án tham nhũng của cựu Thượng Thư cuối cùng cũng đã được làm sáng tỏ, triều đình thu hồi hàng vạn lượng bạc nạp vào ngân khố, một phần chảy vào kho riêng của hoàng thượng, mọi người đều rất vui mừng. Triều đình xem xét tới việc ông ta đã nộp lại số lượng bạc tham ô đó nên miễn án tử hình, và giáng xuống làm dân thường - cả nhà họ được xem là tội nhân, sống rất khổ cực. Vào đêm thứ 10 ở lều tranh, ông ta đã qua đời. Ta đã sai người lo chôn cất ông ấy và cũng đưa người vợ đau khổ của ông ta trở về nhà họ Đoàn ở phía tây bắc."

Những lời nói nghe có vẻ bình thản nhưng lại ẩn chứa sự cạnh tranh khốc liệt trong giới quan trường. Về cái chết của Thương Thư và việc phu nhân rời đi, lại càng làm người ta phải suy ngẫm.

Nghiêm Ngộ nói xong, nâng chén trà lên nhấp một ngụm, trong lúc đó liếc nhìn tôi một cái rồi hạ mi mắt. Có vẻ như đang cố tình thu hút sự chú ý.

Thấy tôi không trả lời, Nghiêm Ngộ đặt cốc trà xuống và tiếp tục: "Ta sẽ nhận chức Thượng Thư."

Tôi sững sờ một lúc, xúc động không thể diễn tả, cuối cùng cũng biến thành niềm vui chân thành, nhưng lại không dám phô trương, chỉ lắp bắp nói: "Vậy à, xin chúc mừng ngài."

Nghiêm Ngộ làm quan tận tụy và liều lĩnh, mới có cơ hội thăng tiến, sao có thể không vui mừng được?

Sau đó, căn phòng trở nên yên lặng. Tôi không biết nên nói gì, tôi sợ chết và rời bỏ Nghiêm Ngộ nhưng tôi không hối hận vì điều đó. Việc đặt mạng sống của mình vào tay 1 người đàn ông, thực sự là điều ngu ngốc.

Dù tôi đã giúp Nghiêm Ngộ liên lạc với phu nhân Thượng Thư nhưng ai biết được ngài ấy có thể lật ngược tình thế không?

Ngài ấy trở về quê hương trong vinh quang, phô trương trước mặt tôi, cũng là điều phải thôi.