Chương 5: Thái Tử Hồi Cung

Trú tắc kim ô chiếu

Dạ lai ngọc thố minh

Viên Chiếu

Thiền sư thế hệ thứ bảy dòng Vô Ngôn Thông

Cửa Tường Phù

Phía Đông hoàng thành Thăng Long.

Cửa Tường Phù là cửa phía đông của hoàng thành. Cổng thành ốp đá cao hơn hai trượng, đế thành kè đá rộng hơn bốn trượng, hai bên thành hơi thoải, xây theo kiểu vọng lâu trên lâu dưới thành, xung quanh ốp gạch. Cửa thành làm bằng gỗ, cổng vòm bo vuông, trán cổng khảm bia đá khắc ba chữ Tường Phù Môn. Hành lang vọng lâu cũng hoàn toàn làm bằng đá với bảy trụ sáu thành, trang trí hoa sen tám cánh. Vọng lâu xây bằng gỗ, phương đình tám mái, mái thẳng đao cong, lợp ngói âm dương, tám đao khắc hình tám con Ma Kiệt Thần Long đang trườn dài trên sống, vươn đầu lên hứng ngọc. Ở đỉnh đao, đầu rồng hướng ra bốn phía, nghểnh lên cao, giữa đỉnh mái khắc lá bồ đề với tượng Long Phụng Tranh Châu, hai đầu hồi mái cũng có hai đầu Thần Long đang há miệng. Bốn cổng thành bốn phía đều xây giống nhau, chỉ khác vị trí và phương hướng, xung quanh là tường thành nối bốn cổng cao gần hai trượng. Sau các cổng, mặt trong thành đều có thang đá hai bên.

Mỗi cổng Long Thành đều có hai vệ cấm quân canh gác. Cấm vệ quân binh chế gồm mười vệ, chia năm hiệu tả hữu mỗi bên, tám vệ trấn bốn cổng và hai vệ gác cấm cung. Mỗi tả hữu vệ đều có một viên tướng chỉ huy, tám vệ trấn cổng hợp lại thành đội điện tiền do Điện tiền tổng quản đứng đầu, chức này tương đương với Điện tiền chỉ huy sứ thời Đại Hành hoàng đế mà năm xưa Thánh thượng đã giữ trước khi đăng cơ. Ngày vật đổi sao dời, Thánh thượng đương nhiệm chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ cùng với Hữu thân vệ Nguyễn Đê, vốn là con trai của Định Quốc Công Nguyễn Bặc nhà Đinh, mỗi người mang thêm năm trăm quân túc vệ thân tín vào cung thất sau khi Thánh thượng lên ngôi làm quân gác và gọi là đội Ngự tiền. Nay hợp cả thành mười vệ cấm vệ quân và có tiền hậu, tả hữu, chánh phó rõ ràng, mỗi người đều có khắc trên trán ba chữ Thiên Tử Binh, trong cung là quân còn ra xa trường thì là tướng.

Đội ngự tiền, còn gọi là Ngự lâm quân, danh chế chính thức là tả hữu Ngự Long quân, trực cấm cung, hậu cung và sân Long Trì, đội này do Tâm phúc tướng quân Lý Nhân Nghĩa làm chánh tướng, phó là Vũ vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu, binh chế tả hữu mỗi bên năm trăm quân tinh nhuệ nhất Long thành, hai tướng đồng thời là lãnh đạo của cả thập vệ cấm quân.

Đội điện tiền tám vệ chia tả hữu đứng bốn cửa. Quân Trừng Hải tả hữu hai vệ gác cổng Diệu Đức phía bắc là chánh, binh chế mỗi bên hai trăm quân do Tả kim ngô vệ tướng quân Bùi Xa Lỗi lãnh ấn.

Quân Quảng Thành gác cửa Đại Hưng phía nam là tòng, do Hữu kim ngô vệ tướng quân Vệ Trúc đứng đầu cũng binh chế hai trăm mỗi bên tả hữu.

Cùng với quân Quảng Vũ của Tả vũ vệ Đàm Thản ở cửa Quảng Phúc phía tây và quân Phủng Nhật ở cửa Tường Phù phía đông của Hữu vũ vệ Đỗ Giản cũng mỗi bên bốn trăm quân nữa. Tổng số Điện tiền là một ngàn sáu trăm quân nằm dưới sự điều khiển của Điện tiền tổng quản, vương tử Lý Phó, con trai của Dực Thánh Vương. Tổng cộng mười đạo cấm vệ quân tất cả có hai ngàn sáu trăm tinh binh.

Đoàn người Bát Lang vừa đến cổng thành, thì Hữu vũ vệ tướng quân Đàm Thản đã lật đật chạy từ trên vọng lâu xuống tiếp đón. Viên tướng mặc giáp sắt mạ vàng, đầu đội khôi hình củ ấu, trong mặc áo lụa xanh đen thẫm, khoác áo choàng đen, râu quai nón hai bên. Đoạn y vái chào thiền sư Huệ Sinh cùng hoàng tử rồi dẫn đoàn người qua Tường Phù môn. Quanh cổng có khoảng năm mươi quân gác, đứng hai hàng trong vòm cổng thành và trên hai bên thành, cung kiếm đầu đủ. Trên tường thành có những toán quân cầm thương hai hàng tuần tra, vòng đi vòng về theo tốp hai mươi người một. Tất cả đám binh lính đều mặc giáp mây đội nón chóp nhọn.

Nguyên năm xưa hoàng đế gả Lĩnh Nam Công chúa Lý Bảo Hòa cho tù trưởng người Tày là Giáp Thừa Quí ở động Giáp Lạng Châu rồi lại phong Thừa Quí là Châu mục châu ấy, ban cho họ Thân, truyền đời tập ấm. Thừa Quí cảm kích đã cống tặng hàng ngàn bộ giáp mây được làm theo phương cách bí truyền của động Giáp. Loại giáp này mặc bên trong áo lụa, vừa nhẹ, vừa mát lại tự nổi khi xuống nước, được làm từ mây ngâm với những chất dung dịch chỉ động Giáp mới điều chế được, nên đao thương bất nhập, thủy hỏa bất xâm, sau họ Thân cũng thường xuyên cống giáp mây để trang bị cho những quân chủng khác nữa của Đại Cồ Việt, đặc biệt là tượng binh. Giáp làm bằng mây, giáo khiên nỏ thì làm từ gỗ Tư Lũy, cho vào nước trăm năm không mục là điều đặc biệt của binh sĩ phương Nam, đến các học sĩ của Trung Nguyên cũng còn phải công nhận gỗ Tư Lũy loại gỗ cứng nhất thiên hạ còn các võ tướng thì cũng dè chừng binh lực Phương Nam lắm.

Đi qua cửa Tường Phù là cả một quảng trường rất rộng là quảng trường thái miếu, phía trước mặt cách cổng tầm bốn trượng là bức tường cao hơn một trượng có mái lợp âm dương để ngăn cách khu đông cung với khu quảng trường. Bên góc bên phải của cửa đông ấy là tàng kinh Trần Phúc lưu trữ kinh kệ trăm nhà. Bên góc trái là bốn công trình nằm gọn gàng ở đông nam hoàng thành, đầu tiên là chùa ngự Thiên Hưng, góc trong là thái miếu, cạnh thái miếu ở sát tường thành phía nam là tàng kinh Đại Hưng và Ngũ tinh phượng lâu. Có những ngày lễ tết đặc biệt, cửa Tường Phù vẫn mở cho dân cư kinh thành vào chiêm bái, cúng lễ cầu an, trăm họ đi vào cửa đông, hành lễ ở chùa và thái miếu rồi xuôi theo hành lang đông nam hoàng thành ra ngoài theo cửa Đại Hưng. Các khu nhà trong đại nội đều xây bằng gỗ, sơn keo kèo cột màu đỏ thϊếp vàng và cùng một kiểu trang trí trên mái trên đao, chỉ khác nhau chắc là số cột số kèo, tầng cao tầng thấp. Thềm nhà đều lát đá thành bậc tam cấp, với hành lang đá có mái nối các công trình với nhau. Trên mái trang trí loan phụng giữa có hoa sen tám cánh là các cung của hoàng hậu, công chúa và các phi tần, những điện còn lại thì khắc Ma Kiệt Thần Long và Bồ đề Long Phụng ở giữa mái làm biểu tượng cho cung điện hoàng gia.

Đoàn người cùng hoàng tử đi đến thái miếu thì gặp một đám quan viên đang đứng xếp thành hàng ngang dọc để hành lễ. Hàng đầu tiên ba người Vũ Uy Vương đứng giữa, bên trái là Huyền Trung Vương, bên phải là Thái sư tướng công Trần Cảo, các quan cứ năm người một hàng đứng phía sau khoảng bốn mươi người nữa. Họ đều mặc một trong hai loại trang phục là áo giao lĩnh cuốn khăn xếp cho quan ngọc, áo viên lĩnh mũ quyển vân cho quan văn, màu đỏ tía, đi hia đen, thắt đai nạm ngọc bích, trừ các vị vương gia mặc viên lĩnh lụa vàng có thêu chìm hình rồng, trên đầu các quan đều cuốn khăn tang.

Vũ Uy Vương tiến lên trước minh đường, rút ba cây nhang, châm lửa đèn cày rồi lui lại hàng, chấp tay dâng hương trước ngực, đoàn của Bát Lang cũng tự động xếp thành hàng năm đằng sau ba người Huệ Sinh, hoàng tử, Lý Đạo Thành, cả hai đám người cùng vái ba vái theo Vũ Uy Vương. Làm lễ xong, đoàn quan viên di chuyển sang bên phải theo hành lang đông nam tiến đến cửa Uy Viễn. Khi đoàn quan viên vừa di chuyển thì nghe tiếng chào từ đằng sau.



- Tham kiến Vương gia, Tướng gia và văn võ bá quan.

Các quan viên di chuyển chậm lại, đứng tách ra hai đường, Vũ Uy Vương, Huyền Trung Vương cùng Thái sư Trần Cảo từ từ bước tới giữa hai bên tả hữu, nhìn ra thì thấy là thiền sư Huệ sinh, đang đi cùng Bát Lang hoàng tử, Vũ Uy Vương chắp tay trả lễ :

- Thì ra là đại sư Huệ Sinh và Bát Lang hoàng tử, thứ lỗi bản vương bận hương miếu không hành lễ từ xa được.

Vũ Uy Vương vẻ ngoài hiền hòa, mái đầu bạc chỉ còn lác đác ít sợi đen được búi gọn gàng, cài châm ngọc cẩn thận, khăn the cuốn trong, khăn tăng buộc ngoài, chòn râu bạc dài qua cổ. Vương vừa cất tiếng đáp lễ, đoàn quan viên cùng nhau chắp tay đồng thanh:

- Tham kiến Hoàng tử điện hạ, tham kiến đại sư.

Đoàn người theo Hoàng tử cũng chấp tay đồng thanh:

- Tham kiến nhị vị vương gia, tham kiến các quan đại thần.

Đạo Thành thấy cha là Huyền Trung Vương ở đó cũng vái một vái, Huyền Trung Vương mỉm cười gật đầu.

Bát lang hoàng tử chắp tay hướng mắt nhìn sang Vũ Uy Vương rồi hỏi :

- Bái kiến hoàng thúc, chẳng hay hoàng thúc và các đại thần đã thấy hoàng huynh Đông cung thái tử trở về thành chưa ạ ?

Vũ Uy Vương ôn tồn đáp :

- Bản vương cũng vừa đáp thuyền cùng các vương gia từ phủ Thiên Đức về Thăng Long. Được Thái sư Trần Cảo cho hay, Thái tử lãnh chức Đại nguyên soái, đang xuất binh dẹp loạn châu Thất Nguyên, được tin quay về, cũng đã về đến Thiên Đức. Hai tướng ngự tiền là Lý Nhân Nghĩa và Lê Phụng Hiểu cùng sáu trăm quân Ngự Long đã chuẩn bị trước xiêm y, đồ tế mang đến phủ Thiên Đức để đón thái tử về Thăng Long. Theo suy đoán của bản vương, chắc đoàn cũng sắp về đến Thăng Long rồi đó.

- Vậy chúng ta cũng vào điện thôi, cháu cũng phải chuẩn bị đồ hiếu. Chắc hoàng huynh về điện là đến giờ làm lễ. Hoàng tử nói.

Bỗng nghe tiếng của Huyền Trung Vương :

- Hoàng tử đi vào đại điện Càn Nguyên từ cửa Phi Long phía sau cung Nghinh Xuân, chúng tôi vào bằng cửa Đan Phượng, đó là quy chế. Vậy xin từ giã để Đạo Thành hộ tống hoàng tử nhập cung, dẫu sao lát nữa theo lễ, hàng hoàng thân quốc thích sẽ đứng hành lễ trong nội điện cạnh linh cữu của tiên vương, tôi cùng các vương gia đứng với các quan viên ở điện Tập Hiền, Giảng Võ hàn huyên, khi thái tử về sẽ xin được vào sau, cũng lâu chúng tôi không về kinh đô.

- Được, vậy chúng ta đi. Xin phép các vị hoàng thúc. Hoàng tử chắp tay vái hai vị vương gia rồi quay gót.

Điện Càn Nguyên là chính điện nơi hoàng đế thiết triều. Điện tọa lạc trên núi Nùng, là nơi chính giữa của cấm thành, lối hậu đường từ điện chính là đường duy nhất có thể đi vào hậu cung. Lấy tên điện theo quẻ đầu tiên của Kinh Dịch, hai đường trước sau điện Càn Nguyên đều có thềm rồng đá mười cấp với mỗi thềm bốn con Ma kiệt Thần Long trườn dài chia thềm rồng thành ba lối, lối lớn ở giữa và hai lối ở bên nhỏ hơn. Mặt trước điện thì thềm đá nối với sân đá Long Trì và các hành lang đá các điện Tập Hiền, Giảng Võ, điện Cao Minh ra tận Đoan Môn rồi cửa Đại Hưng. Mặt sau là hậu cung thì nối với hành lang đá có mái che đến các cung Long An Long Thụy, qua cung Thúy Hoa ra tận ngoài cửa Diệu Đức, chung quanh đều có vườn cây, hồ cá, thủy đình bát giác gọi là Ngự Hoa Viên.

Đoàn Bát lang đi đến cửa hậu điện của điện Càn Nguyên, toán Ngự Long quân đứng gác cúi chào rồi viên chỉ huy dẫn đoàn vào điện. Quân Ngự Long toàn quân mặc giáp mây có hộ tâm kính ở hai bên ngực, ngực bên trái khắc hình hoa văn Đồng Cổ, ngực bên phải khắc Bồ đề Long Phụng. Tay cầm giáo dài, tay cầm khiên mây tròn, hông đeo gươm và bao tên, sau lưng đeo cung nỏ, đội nón mây chóp nhọn sơn chàm, áσ ɭóŧ lụa đen, quần vải đi hia. Các vệ Cấm quân đều phục sức như vậy chỉ khác ký hiệu hộ tâm kính bên ngực phải, quân Trừng Hải cửa bắc thì khắc Linh Quang Kim Quy, quân Quảng Thành cửa nam thì có Phụng Hoàng Ca Lăng Tần Già, quân Quảng Vũ cửa phía tây là Bạch Tượng, quân Phủng Nhật cửa Tường Phù phía đông là Thái Long. Lên thềm rồng qua cửa hậu điện là cả một tấm bình phong cao hơn một trượng choán hết bảy trên chín gian, đều có khắc hình rồng phượng, bồ đề, thần tiên bay lượn nhảy múa vũ khúc Tây Thiên, sau tấm bình phong đó chính là nơi đặt Long Kỷ để Hoàng đế thiết triều, hai gian bên ngoài cùng trái phải chính là lối ra hậu cung.



Đoàn người vòng ra mặt tiền của điện Càn Nguyên thì thấy trong điện cũng đã tập trung khá đông hoàng thân quốc thích. Linh cữu của Vua được đặt dọc theo đường đại điện, trên cỗ xe Song Long, ngay dưới thềm rồng dẫn lên Long Kỷ cao chín bậc . Hai bên thái giám, cung nữ, cấm quân đứng hầu dọc theo hàng rồng ngoài cùng của thềm rồng, xếp hàng dài xuống cửa điện. Hai bên thềm dọc theo linh cữu đều đặt những chiếc gối lụa vàng kim thêu rồng phượng để thân quyến của vua quỳ hầu mỗi bên tám chiếc. Những chiếc gối còn trống chỗ đầu tiên bên trái là chỗ của Lập Giáo Hoàng Hậu, ba gối đầu tiên bên phải Khai Quốc Vương Lý Long Bồ, Đông Chinh Vương Lý Lực và Bát lang Hoàng tử Lý Nhật Quang và hai gối cuối là của Vũ Đức Vương và Dực Thánh Vương.

Bên phải linh cữu quỳ ngay gối thứ hai là An Quốc công chúa Lý Thiềm Hoa, tiếp ngay gối sau là người phụ nữ ăn vận khác lạ, chính là Lĩnh Nam công chúa Lý Bảo Hòa, đang quỳ bên Linh cữu Thánh Thượng. Ngồi những gối kế tiếp là Mai thái tử phi, Đinh thái tử phi và Vương thái tử phi, đều là con nhà võ tướng và là phi tần của Đông cung thái tử, họ búi tóc hình rẻ quạt, cài trâm ngọc, dây vàng, mặc hoàng lĩnh bên trong áo cói khăn xô. Mai thái tử phi tay ôm một đứa nhỏ tầm bốn năm tuổi trong lòng. Đứa nhỏ mặt mũi khôi ngô sáng lạn, trán cao thẳng tắp, mắt tỏa hào quang, nhanh nhẹn tinh nghịch, mặc áo hoàng bào lụa vàng có thêu rồng chìm trước ngực, đầu cuốn khăn the hoàng kim, ngoài khoác khăn xô. Đứa nhỏ đó chính là con trưởng của Đông cung Thái tử với Mai Thái tử phi tên là Lý Nhật Tôn. Đông cung Thái tử chính ra đến Nhật Tôn là đã hạ sinh được ba hoàng tử, nhưng hai người mất sớm, nên Nhật Tôn vốn là con thứ ba trở thành con trưởng. Từ nhỏ thiên tư thông minh nên Đông cung yêu quý lắm, định bụng khi đăng cơ sẽ phong hoàng tôn làm thái tử. Nhật Tôn lém lỉnh tay cầm khăn lau nước mắt cho mẹ, miệng bi bô :

- Các mẹ đừng khóc, có Nhật Tôn ở đây rồi, cha cũng sắp về với mẹ với con rồi.

Các phi tần thấy Nhật Tôn nhanh nhẹn hoạt bát lại sớm thấu hiểu nhân tâm nên bụng lấy làm an ủi lắm, Mai thái tử phi dang tay ôm chầm lấy con vào lòng khóc nghẹn. Phía bên trái thì ngoài ba gối trống đầu là đến Vũ Uy Vương, Huyền Trung Vương đang quỳ, rồi đến hai gối trống của hai vương Vũ Đức Vương và Dực Thánh vương và cuối là gối của phò mã thân vương Thân Thời Quý.

Phía trước Linh Cữu của hoàng đế đặt một hương án, hai bên hai hàng phướn treo cao, trước minh đường hương án là mười tám vị đại sư mặc áo thô màu ghi xám, đang ngồi thiền xếp thành hình chữ vạn. Chính giữ tâm chữ vạn có một vị đại sư khoác áo cà sa hoàng kim ngoài áo ghi, đầu đội khăn ngũ trí huệ dát vàng, cổ đeo tràng hạt, râu bạc trắng dài quá bụng, đang ngồi xếp bằng, một tay bắt ấn tam muội, một tay lần tràng hạt màu nâu, lầm nhẩm đọc kinh. Phía sau là các sư sãi, đạo sĩ áo nâu áo ghi, áo đen xếp hàng tám người mỗi bên. Bên trái, đứng đầu là thiền sư Huệ sinh. Bên phải một hàng đạo sĩ từ Trấn Vũ Quán, đều mặc đạo bào ngoài đen trong trắng, tóc xõa búi đỉnh, đội mũ liên hoa, cài trâm gỗ. Đứng đầu đám đạo sĩ là Trần Tuệ Long đại sĩ, tuổi ngoài bốn mươi, sắc diện hồng hào, râu tóc đen nhánh, đội mũ Phù Dung cánh sen bằng bạc. Dưới cùng gần cửa điện là đám tam công tứ trụ, trụ cột triều đình gồm mỗi bên năm người. Bên trái là đám Thái sư Trần Cảo, Thái phó Trần Văn Tú, Thái bảo Đào Thạc phụ và Thái úy Lý Trưng Hiển. Bên kia là Thiếu sư Trịnh Tú Văn, Thiếu phó Lưu Đàm, Thiếu bảo Đào Xử Trung và Thiếu úy Nguyễn Quang Lợi, các chức này còn gọi là thái tử tứ trụ, là thái tử thái sư, thái tử thái phó, thái tử thái úy và thái tử thái bảo, hai người cuối đứng trong đại điện là Khu mật sứ Ngô Đinh bên trái và Nội thị hành điện đô tri Phan Đường Liệt bên phải, ngoài sân rồng Long trì quan viên cúi lạy xếp thành mấy hàng dài hai bên.

Vị đại sư ngồi chính giữa chữ vạn đó, pháp danh là Định Hương, là tổ thiền đời thứ sáu của thiền phái Vô Ngôn Thông, thiền phái đệ nhị danh gia của Đại Cồ Việt, có tổ đường ở chùa Kiến Sơ, đất Gia Lâm bên kia sông Cái. Hai trăm năm trước, triều đình phương Bắc lại gây pháp nạn, một làn sóng các sư sãi nữa lại chạy đến phương Nam. Thiền sư Vô Ngôn Thông, người Quảng Châu cũng theo làn sóng đó sang lánh nạn, an cư và truyền đạo. Ngài gặp thiền sư Cảm Thành chùa Kiến Sơ, vì ngài Phật pháp cao thâm, vi diệu nên được thiền sư tôn làm thày, từ đó mở ra dòng thiền Vô Ngôn Thông, dòng thiền thứ hai của nước Việt. Cùng với Thiền phái Diệt Hỷ, Vô Ngôn Thông trở thành một trong nhị phái danh gia của trời Nam. Dòng thiền này đến đời thứ tư xuất hiện một vị đại đức mà danh tiếng lừng lẫy cả triều đình lẫn các chốn tùng lâm. Vị đại sư đó mang tên Khuông Việt Ngô Chân Lưu, là hậu duệ năm đời của Ngô Vương Quyền, được phong làm Tăng thống đầu tiên của Đại Cồ Việt. Đến đời thứ năm thì lại có Thiền sư Đa Bảo theo bước Vạn Hạnh, góp công lớn trong việc đưa Thánh thượng lên ngôi nên Vô Ngôn Thông trở thành một trong hai danh phái vai vế nhất thời bấy giờ. Thiền sư Định Hương thuộc thế hệ thứ sáu của dòng thiền này. Sư từ nhỏ tu học cùng thiền sư Đa Bảo, kiên trì tu học suốt hai mươi tư năm, được coi là người kế thừa y bát của thầy, hiện đang giữ tước Tăng thống, tuổi đã ngoài sáu mươi, râu dài bạc phơ nhưng mặt mũi lại rất hồng hào phúc hậu. Hiện tại Định Hương là vị trưởng lão lớn tuổi nhất, đức cao vọng trọng nhất các chốn tùng lâm Đại Cồ Việt.

Bát lang vái chào các hoàng thúc hoàng tỷ rồi lui về gối của mình. Lý Đạo Thành và vài tùy tùng đứng hầu phía sau. Nhật Tôn nhảy ra khỏi lòng Mai thái tử phi rồi chạy sang sà vào lòng bát lang.

- Bát thúc, bát thúc đi học ở Thiên Đức lâu quá, chả ai cùng Nhật Tôn luyện võ cả. Nhật Tôn lém lỉnh phụng phịu.

Hoàng tử mỉm cười ấm áp, vừa xoa đầu Nhật Tôn, vừa đáp:

- Nhật Tôn đã thuần thục bài cũ chưa mà đã đòi luyện nữa.

- Nhật Tôn thuộc rồi, Nhật Tôn thuộc rồi mà. Tiểu hoàng tôn nũng nịu.

- Được rồi, xong lễ thúc sẽ kiểm tra xem, mà Nhật Tôn phải học cả kinh văn nữa, luyện võ là chưa đủ cho một hoàng tử giỏi đâu đấy, có muốn được oai phong như cha không. Hoàng tử ôn tồn.

- Nhật Tôn thuộc hết, thuộc hết rồi.

- Được rồi, được rồi.

Hoàng tử vừa cười nói vừa vỗ vỗ nhẹ vào lưng Tiểu Hoàng Tôn.

Bỗng có tiếng hô lớn của các thái giám từ cổng Đoan Môn vọng vào :

- Đông cung thái tử điện hạ hồi cung.