Đúng, Tri Vy yêu anh, vậy thì sao chứ? Cho dù cô có trả giá mọi thứ của mình để ủng hộ anh, cho dù cô có dịu dàng tâm lý tới mức chịu đựng mọi thứ cảm xúc hỉ nộ ái ố bất thường của anh thì sao chứ? Cô không giúp gì được cho anh cả, anh đã bị ép tới đường cùng, người duy nhất có thể cứu anh tuyệt đối không phải là cô!
Đối với Đới Ngải Linh mà nói, có lẽ chuyện này chỉ cần một câu nói là có thể giải quyết vấn đề, nhưng nếu anh không nắm chặt sợi dây cứu mạng này của chị thì mọi thứ cũng chỉ là có lẽ mà thôi. Không có chị anh sẽ bị thua vụ kiện này, sẽ bị phá sản rồi lang thang đầu đường xó chợ, cuối cùng cả đời sẽ sống trong ngục tù. Chỉ cần nghĩ tới những điều này thôi cũng khiến anh cả đêm kinh sợ, đến lúc đó Tri Vy vẫn sẽ ở bên cạnh anh sao? Đến lúc đó anh còn mặt mũi nào để cô ở lại bên mình nữa?
Anh không thể và cũng sẽ không mạo hiểm chuyện này!
Đúng, Đới Ngải Linh dù có hơi già, ít nhất cũng lớn hơn anh bảy, tám tuổi, nhưng thế thì sao? Anh cần chị, anh cần chị giúp anh bước ra khỏi con đường cùng này!
Đời người giống như một cuộc hành trình, Đổng Tri Vy đã từng là người bạn đường rất tốt, đã từng kề vai sát cánh bên anh trên con đường theo đuổi lý tưởng, luôn bên anh suốt chặng đường, nhưng bây giờ mọi thứ thay đổi rồi. Đường đời của anh không thể đứt đoạn trong vụ kiện này, anh cần nắm lấy một bàn tay khác, để anh có thể bước ra khỏi bùn lầy, còn cô đã trở thành hòn đá cản chân anh.
Tối hôm đó sau khi Tri Vy ra về, Ôn Bạch Lương ngồi một mình trong văn phòng trống trải suốt cả đêm, cho đến khi ánh nắng sớm xuất hiện cuối chân trời, chiếu rọi lên mặt anh, khi anh đứng dậy những đường nét trên gương mặt anh đã nhăn nhúm lại bởi sự giằng co và nỗi đau.
Anh biết mình sắp mất đi thứ gì, hi sinh thứ gì, nhưng chẳng có thứ gì giành được mà không cần phải trả giá, anh không muốn bản thân mình gục ngã ở đây, anh muốn đi tiếp, anh không có sự lựa chọn!
5
Tối hôm nay Viên Cảnh Thụy tự lái xe tới buổi tiệc rượu, Thượng Hải có bao nhiêu chỗ đẹp như thế vậy mà anh không hiểu sao lần nào đám người ấy cũng lựa chọn phòng tiệc hào hoa ở nhà hàng năm sao bên sông, thực ra anh thích những bộ bàn ghế mây trong sân những ngôi nhà nhỏ hơn, hoặc là trong những khu nhà kho cũ kĩ cũng được, những bậc cầu thang bằng sắt trơ trọi, bước ra là một sân thượng rộng lớn, cho dù không có những ngôi sao nhấp nháy nhưng ngẩng đầu lên có thể nhìn thấy vầng trăng sáng vằng vặc thì uống rượu cũng rất tuyệt.
Nói ra thì luôn khiến mấy thằng bạn lâu năm của anh cười nhạo, nói anh rốt cuộc cũng chui ra từ ngõ hẻm mà thôi, có trèo cao đến mấy cũng không thoát khỏi ngõ hẻm chật hẹp.
Anh mỉm cười rồi nói năm xưa chẳng biết ai cứ kêu khóc om sòm rồi bám theo đít anh chạy loanh quanh ngõ hẻm? Đừng tưởng cứ khoác lên mình đồ Dunhill(3) là thành quý tộc, tên nhóc thắt cà vạt bên kia vẫn chỉ là chú em mở cửa xe mà thôi.
Anh nói vậy làm mấy thằng bạn phải đỏ mặt.
Có một số người khó khăn lắm mới thay đổi được cuộc sống thì hận một nỗi không thể dùng dao tước bỏ hết quá khứ của bản thân, không muốn để lại một chút nào, ngay cả linh hồn cũng muốn làm mới lại, nhưng Viên Cảnh Thụy lại khác, anh luôn hoài niệm về quá khứ của mình.
Bố anh mất trước khi anh có thể ghi nhớ mọi chuyện, trong ấn tượng của anh luôn không có khái niệm về bố, nhưng điều ấy hoàn toàn không hề ảnh hưởng tới việc anh trưởng thành và trở thành một người đàn ông đầy sức mạnh.
Mẹ anh là một người rất tháo vát, từ trước tới giờ bà chưa bao giờ làm việc chính thức mà luôn đi làm thêm và bán sạp hàng nhỏ để lấy tiền nuôi con trai.
Những năm bảy mươi, tám mươi làm gì đã có khái niệm làm ăn buôn bán nhỏ chứ? Bày sạp hàng ra là phạm pháp, cứ hai, ba ngày là lại có người tới dẹp, những sạp hàng khác thấy bà một thân một mình cũng thường xuyên tới giành chỗ, lại còn có người đòi phí bảo kê, giơ chân như muốn giẫm đạp lên đầu bà.
Khi Viên Cảnh Thụy còn nhỏ, trên đường đi học về cậu thường xuyên ném cặp sách rồi nhặt gạch chạy tới giúp mẹ, nhưng mẹ cậu chưa bao giờ ôm lấy cậu mà khóc lóc kêu than như những người phụ nữ yếu đuối khác. Bà đánh nhau còn ác hơn cả đàn ông, nhưng bà không bao giờ mắng người khác, cho dù mình và con trai bị đánh toác đầu chảy máu cũng không mở miệng, chỉ dùng ánh mắt đầy tia máu lừ lừ nhìn đối phương rồi đứng dậy đánh tiếp. Chỉ khi về nhà bôi thuốc cho con trai bà mới mắng mấy câu: “Con ngốc thế, không biết đau là gì à! Lần sau còn dám thế nữa không!”.
Viên Cảnh Thụy bé nhỏ nhoài người lên đầu gối mẹ rồi nghiến răng nghiến lợi trả lời: “Có gì mà không dám chứ, lần sau ai dám đến con lấy gạch đập chúng!”.
Rồi cậu cứ thế lớn lên, đã vậy cậu còn học hành giỏi giang, năm nào cũng giữ vững ngôi đầu bảng, tiểu học rồi lên cấp hai, cấp hai rồi lên cấp ba, bài kiểm tra chỉ cần làm mười phút cũng đã xong, làm xong rồi còn chép phao ném cho bạn, đương nhiên là phải thu phí rồi, kiếm cũng khá lắm. Lớn lên cũng rất đẹp trai, vết bị đánh chảy máu hồi nhỏ cũng không để lại sẹo, đôi mắt sáng đen láy, khi cười có thể khiến cô chủ nhiệm ngoài năm mươi tuổi cảm thấy tim đập rộn rã. Vì thế cô chủ nhiệm thường xuyên tìm cậu nói chuyện, còn khuyên cậu nên học hành cẩn thận, tri thức vững vàng mới có thể thay đổi vận mệnh cuộc đời.
Thực ra lúc đó Viên Cảnh Thụy không cần ném cặp sách sang vệ đường rồi nhặt gạch chạy về bảo vệ mẹ nữa, trên thực tế, với sự cao lớn của cậu cùng những kinh nghiệm đọ sức tích lũy từ nhỏ, cho đến khi cậu mười lăm tuổi đã chẳng còn ai dám tới gây chuyện với hai mẹ con cậu nữa. Đã vậy lại còn có mấy cậu bạn cùng tuổi luôn bên cạnh cậu, nhiệt tình giúp cậu giải quyết những việc mà cậu cho là vặt vãnh.
Mẹ cậu không hài lòng về chuyện này chút nào, nhưng không cần phải nơm nớp lo sợ sạp hàng bị người ta đánh sập cũng là một việc có thể khiến bà an tâm, thỉnh thoảng gặp đám bạn của con trai, mấy đứa còn kính cẩn đứng lại chào bà: “Cháu chào bác”. Bà nghe mà mát lòng. Huống hồ con trai bà học hành giỏi giang, trước mắt lại sắp được vào thẳng trường đại học trọng điểm nữa, vì thế có muốn lấy uy của một bà mẹ ra nói mấy câu với con cũng không còn cơ hội nữa, buổi tối chỉ thỉnh thoảng bà nói với cậu: “Nhớ đừng có trêu ghẹo mấy cô bạn gái đấy, gây ra chuyện gì mẹ đánh gẫy chân”.
Viên Cảnh Thụy tay cầm bát cơm rồi ra bộ nhe răng trợn mắt như hồi nhỏ: “Ai thèm trêu họ chứ? Con chẳng thích cô nào cả, cô gái mà con thích còn chưa ra đời đâu”.
Viên Cảnh Thụy thuận lợi bước vào trường đại học trọng điểm ở vùng đó như thế, cậu còn học khoa hot nhất lúc đó – khoa công nghệ thông tin.
Vào đại học Viên Cảnh Thụy đương nhiên là nhân vật nổi tiếng, ngoại hình tuấn tú đẹp trai, giỏi viết phần mềm, ngay cả thầy giáo khó tính nhất cũng không tìm ra thiếu sót của cậu, nếu như cậu cứ theo con đường này mà thẳng tiến thì không chừng cậu sẽ trở thành một trong những người cuối cùng của thế hệ học trường đỉnh vào công ty ngon đó.
Cho đến khi chuyện đó xảy ra đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cậu.
Viên Cảnh Thụy không học xong đại học một cách thuận lợi như người ta dự tính và mong đợi. Năm thứ ba vì chuyện đánh người bị thương nên cậu bị bắt vào trại giam, sau đó nghỉ học. Đã từng trải qua những năm tháng gió mưa nên mẹ cậu đã sớm có sự chuẩn bị tâm lý, lúc xảy ra chuyện bà rất điềm tĩnh, nhưng đợi khi con trai về bà mới đóng cửa, dùng roi da dạy dỗ cậu một trận nhớ đời dù cậu đã là một chàng trai cao lớn ngoài hai mươi tuổi.
Trong khi mẹ đánh Viên Cảnh Thụy chỉ nghiến răng, không nói một lời, nhưng ngõ nhỏ bên ngoài căn nhà chật hẹp có tiếng một cô gái khóc rất lâu, lại còn tiếng của đám con trai đập cửa cầu xin khe khẽ bên ngoài: “Bác ơi đừng giận, bác ơi đừng giận”. Cho đến tận đêm khuya vẫn không về.
Trận ẩu đả này của Viên Cảnh Thụy hoàn toàn là sự cố ngoài ý muốn, tuổi trẻ tươi đẹp, ở đại học cậu cũng có một cô bạn gái tên Trần Văn Văn, hơn nữa còn là cô gái xuất thân từ một gia đình gia giáo.