Không Thể Thiếu Em

Chưa có ai đánh giá truyện này!
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Đổng Tri Vy không phải là Lọ Lem, dù rằng gia cảnh nghèo khó, địa vị bình thường, ngoại hình mờ nhạt. Vì cô thực tế, lý trí và sống nghiêm túc, luôn tự lực cánh sinh, không bao giờ dựa dẫm vào người k …
Xem Thêm

Chương 1: Viên thuốc tây
Một người đàn ông có vẻ ngoài lịch lãm bên trong có thể cũng rất lưu manh, giống như một viên thuốc đắng được bao bọc bởi lớp vỏ đường, giống như sếp của cô – Viên Cảnh Thụy.

Đổng Tri Vy

1

Ký ức của Đổng Tri Vy bắt đầu từ con phố nhỏ bên cạnh nhà xưởng nồng nặc mùi thuốc bắc. Bố mẹ cô đều là công nhân trong một xưởng sản xuất thuốc. Thời ấy, có một công việc ổn định là có tất cả mọi thứ. Có công việc thì mới được xã hội thừa nhận, mới có cơ hội xây dựng gia đình, mới có thể sinh con, chăm con. Bố mẹ của Tri Vy từng bước hoàn thành các mục tiêu trên, cuộc sống đơn giản trôi qua từng ngày.

Căn nhà tập thể cũ màu xám được xưởng thuốc phân cho, xây ngay bên cạnh xưởng thuốc, chỉ là một căn phòng nhỏ, lúc mới ở ngay cả đường dẫn khí đốt cũng không có, vào những ngày mùa đông, tất cả mọi người trong khu nhà đều kéo nhau ra bếp lò ngoài cửa đốt than quả bàng, mùi than cháy thơm nức mũi còn mang theo mùi thơm của rau xào, khói trắng bốc ngùn ngụt từ tầng một lên tận tầng sáu.

Trong phòng cũng vô cùng chật chội, rộng chưa đầy bốn mươi mét vuông, những ngày hè Tri Vy bắc một chiếc ghế nhỏ ra ngoài ngồi tước đậu, nhặt rau, chốc chốc lại cẩn thận để ý cái chậu nhỏ tráng men sợ bị người lớn tất bật qua lại giẫm phải.

Đôi mắt của mẹ Tri Vy không tốt, bị cận thị rất nặng, làm việc không được nhanh nhẹn lắm, cũng may chồng bà là người tận tâm, việc gì cũng tranh làm với bà, con gái cũng rất ngoan ngoãn, cảm giác được người nhà chăm sóc rất hạnh phúc, mỗi lần đón lấy rổ đậu đã được nhặt sạch sẽ bà đều thơm lên má con gái một cái và nói: “Con gái ngoan”.

Còn bố của Tri Vy mỗi khi về nhà đều gây ra tiếng động rất lớn, cửa mở xoạch một cái là bước vào nhà, nếu như trời nóng, vừa nhìn thấy con gái là ông vui vẻ cúi người xuống bẹo má con và nói to: “Lại đây uống nước khoáng mặn bố mang về nào”.

Bố cô làm việc trong phân xưởng, nước khoáng mặn chính là phúc lợi chỉ những hôm nhiệt độ cao mới có, ông không uống mà thường để trong một cái bình giữ nhiệt nho nhỏ mang về nhà, lúc đổ ra vẫn còn mát lạnh, trộn với những viên kem gói rồi uống. Đó là những ký ức đẹp đẽ nhất về mùa hè của Tri Vy.

Đến tuổi đi học, hàng ngày Tri Vy đeo cặp sách, men theo con đường nhỏ bên cạnh khu công xưởng đi tới ngôi trường tiểu học cách nhà tầm trăm mét.

Góc quẹo nơi con phố nhỏ có những bức tường vây cao, thẳng, bên trên có mái che, đó là phân xưởng sản xuất thuốc, nơi đó luôn luôn có khói trắng bay lên, cho dù là sáng sớm hay tối khuya thì bên trong luôn phát ra ánh sáng màu vàng tăm tối. Bởi vì quanh năm ngày tháng có khí bay lên ẩm ướt nên lớp xi măng trên những bức tường cao mọc đầy rêu xanh, mặt đất luôn ẩm ướt, không khí lúc nào cũng nồng nặc mùi thuốc bắc.

Lúc mới đi học, có bạn nam nghịch ngợm đã dọa Tri Vy, cậu nói đó là nơi công xưởng để xác chết. Tri Vy không nghi ngờ gì cả, lúc đó cô cảm thấy cuộc sống của những người xung quanh mình đều kết thúc trong công xưởng này, vì thế cô sợ hãi đến nỗi mỗi lần đi qua đây đều cắm đầu chạy, chưa bao giờ dừng lại nửa bước. Cho tới khi bố dẫn cô vào trong đó xem thì mới biết trong đó chẳng qua chỉ có một đống máy móc, sau này cô mới đỡ sợ hơn một chút.

Những lúc ấy, Tri Vy luôn cho rằng, tất cả mọi thứ mãi mãi không bao giờ thay đổi.

Tri Vy luôn không nhớ nổi những đám hơi nước màu trắng tưởng chừng không bao giờ ngừng bốc lên ấy đã ngừng bốc hơi vào hôm nào, khiến cho cả bức tường cao đầy rêu xanh cũng trở nên khô ráo, sau đó hàng loạt sự việc đáng sợ đã xảy ra, xưởng thuốc đóng cửa, chỉ trong một đêm bố mẹ cô đã thất nghiệp.

Quãng thời gian sau đó cho dù hoàng hôn có đượm màu thế nào đi chăng nữa thì ngọn đèn trong nhà luôn bị quên bật lên, cho đến khi bóng đêm đen kịt bao trùm lên tất cả.

Bố cô chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm việc làm, thường xuyên vắng nhà, mẹ yếu ớt thường khóc thầm lúc nửa đêm, lại sợ con gái nghe thấy nên luôn dùng chăn che kín mặt.

Lúc đó Tri Vy đã mười bốn, mười lăm tuổi, cái tuổi cứ nghĩ thứ gì cũng hiểu nhưng chẳng có sức để làm gì cả, cô biết bố mẹ không muốn cô nhìn thấy họ rơi vào hoàn cảnh này, vì thế cô vờ như không thấy gì cả, nhưng nỗi đau là thật, bởi vì cô không biết tương lai sau này sẽ thế nào.

Nhưng ngày ngày cô vẫn nghe thấy bố mẹ khe khẽ bàn bạc với nhau trong đêm tối, những tiếng nói ấy dường như đang thề thốt, tràn đầy quyết tâm.

“Không thể làm lỡ việc của con”.

“Ừ, nói gì cũng không được”.

Cả hai người cứ nghĩ cô ngủ rồi nhưng cô không thể, trong bóng tối Tri Vy luôn tự hỏi mình có thể làm được gì cho cái nhà này? Nhưng đáp án luôn chỉ là sự tuyệt vọng, cô vẫn còn là một đứa trẻ, thậm chí cô còn chưa đủ tuổi có thể cầm trong tay tấm chứng minh thư.

Những ngày sau đó bố mẹ cô bắt đầu bận rộn, bố cô tìm được công việc trông coi nhà kho buổi đêm, luôn về nhà lúc ánh trăng chỉ còn rơi rớt lại vào sáng sớm, còn mẹ cô, hàng ngày bà ở nhà làm những đồ thêu nho nhỏ, những mũi thêu chồng lên nhau, mắt bà lại kém nên khi thêu cứ gí sát mặt vào bóng điện, có lúc nửa đêm Tri Vy đang làm bài và đột ngột ngẩng lên, cô cảm thấy mái tóc của mẹ như được bao bọc bởi một lớp hào quang.

Tri Vy tới gần rồi cầm lấy tay mẹ, nói: “Mẹ đừng làm nữa”.

Mẹ gạt tay cô ra và nói: “Làm cho vui thôi con, ở nhà chán quá!”.

Thực ra mẹ Tri Vy làm những thứ này không phải để cho vui, tất cả đều để bán lấy tiền bù vào thu nhập của gia đình, bà sợ con gái biết nên luôn đợi sau khi Tri Vy đi học mới lên xe đi bán, bà cũng không dám bán ở gần nhà nên lần nào cũng phải đi lòng vòng rất lâu.

Công việc vất vả như vậy nên đôi mắt vốn đã cận thị cao độ của bà đã mau chóng có vấn đề, ban đầu là hai mắt đau nhức, hay chảy nước mắt, sau đó nhãn cầu trở nên đυ.c ngầu. Lúc đó Tri Vy học lớp tám, mỗi ngày rời khỏi trường cũng đã gần bảy giờ, bố lại thường xuyên vắng nhà, cho đến khi mắt mẹ cô bắt đầu xuất hiện những chấm đen, rồi chảy máu thì mọi việc đã không thể cứu vãn được nữa.

Khi bác sĩ công bố kết quả bà bị bong võng mạc, bố cô đứng sững như phỗng ở hành lang, ông không ngừng lẩm bẩm: “Đều do tôi không tốt, do tôi không tốt”.

Bố Tri Vy cũng giống như nhiều người bình thường khác, không có kiến thức về y học, chưa bao giờ ngờ rằng cận thị cao độ cũng có thể ác tính dẫn tới mức bị mù, mẹ cô bị giấu chuyện này trong một thời gian, nằm trên giường bệnh bà vẫn lần tìm tay chồng kêu khóc.

“Chúng ta không cần khám bệnh nữa đâu, mau về nhà thôi. Tôi nhỏ thêm ít thuốc nhỏ mắt rồi tĩnh dưỡng ở nhà mấy bữa là khỏi, con gái sắp lên cấp ba rồi, không nên nằm viện làm gì cho tốn tiền”.

Bởi vì không nhìn thấy nên bà không biết con gái mình đứng bên cạnh nghe bà lặp đi lặp lại những lời đó không biết bao nhiêu lần.

Tri Vy nghe xong mà cảm thấy như có trăm nhát dao xuyên qua trái tim mình, nhưng cô không dám khóc thành tiếng, chỉ biết cúi đầu nhìn những giọt nước mắt của mình rơi ướt tấm ga giường bệnh, sợ mẹ sờ thấy nên cô dùng một bàn tay che lại. Cứ che mãi, che mãi, một hồi lâu sau vết ướt vẫn không khô, đến nỗi nhiều năm sau nhớ lại ngày đó cô vẫn cảm thấy lòng bàn tay ươn ướt.

Tiền thuốc thang đắt đỏ đã tiêu tốn chút tiền cuối cùng còn lại của gia đình nhỏ này, người mẹ mù lòa cũng cần chăm sóc, cuối cùng Tri Vy từ bỏ cơ hội bước chân vào cấp ba, cô chọn theo học một trường trung cấp thương nghiệp gần nhà.

Thành tích của Tri Vy rất tốt, nhà trường miễn giảm học phí cho cô, cô thuận lợi theo học hết ba năm trung cấp, sau khi tốt nghiệp cô đi làm ngay, sau đó vừa kiếm tiền vừa học, vừa học vừa kiếm tiền, cứ nỗ lực dựa vào chính mình như vậy cuối cùng cô cũng giành được bằng đại học tại chức buổi tối. Có lần vào dịp Tết, tới nhà họ hàng ăn cơm, đúng dịp con gái nhà người cô đi du học tự túc từ nước ngoài trở về, nói tới chuyện đi học và tìm việc làm. Ông chú bĩu môi, nói cùng là sinh viên nhưng văn bằng tại chức buổi tối như Tri Vy còn kém xa so với văn bằng đại học chính quy.

Thêm Bình Luận