Chương 10: Ba Thứ " Lần Đầu Tiên" Trong Hôn Nhân Và Bài Học Khắc Cốt Ghi Tâm

Cuối tuần, tôi và mấy người bạn hẹn hò dạo phố, lúc mọi người đang nói chuyện vui vẻ thì một cô gái bàn bên đi tới. Thì ra cô ấy là người quen của một người bạn trong số chúng tôi. Con trai cô ấy đang học thêm ở một trường học gần đó. Một mình đợi đón con buồn quá nên cô đã mua chút đồ ăn vặt, ngồi lướt điện thoại. Thấy nhóm tôi cười nói rôm rả nên cũng muốn tới góp vui

Sau vài ba câu chuyện phiếm, cô ấy biết con tôi chưa đi học nên đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên hỏi: "Con chị chưa đi học mà chị lại có thời gian đi dạo phố thế này sao? Con ở nhà ai trông?"

Tôi nói bố nó trông. Nghe vậy cô gái tỏ ra vừa ngưỡng mộ, vừa ghen tị nói: "Chồng chị giỏi thật đấy, còn biết giúp chỉ trông con nữa."

Nghe đến đây, tôi biết ngay mình đang trò chuyện với một người không cùng quan điểm sống rồi. Tôi hơi cau mày nói: "Đó là con anh ấy nên trông con là việc đương nhiên rồi."

Cô ấy tỏ ra không mấy tán thành: "Thế nếu anh ấy không chịu trông thì sao?"

Còn chẳng thèm đợi tôi trả lời, mấy người bạn của tôi không hẹn mà đồng thanh: "Vậy thì đổi chồng thôi."

Vì bên tôi nhiều người hơn nên cô ấy cũng không tranh cãi nữa, nhưng nhìn nét mặt cũng đủ hiếu cô ấy đang muốn nói: Thật là vô trách nhiệm, chồng không chịu chăm con là đòi ly hôn được. Đám người này thật không còn gì để nói nữa!

Mấy hôm trước, có một học viên trong nhóm đã kể với tôi rằng cô ấy sắp kết hôn, vừa ngóng đợi cũng vừa lo lắng. Cô ấy sợ bản thân mình không đủ tốt, không thể chu toàn được cuộc sống hôn nhân, nên muốn tôi đưa ra lời khuyên trên quan điểm của một người từng trãi.

Và dưới đây là ba lời khuyên tôi dành cho cô ấy:

Một là, khi người chồng lần đầu tiên từ chối làm việc nhà, mình nhất định phải để bụng.

Tôi còn nhớ cách đây vài hôm, lúc tôi về quê đã đến nhà một người hàng xóm thăm hỏi. Một ngày cuối tuần như vậy mà cô ấy vẫn đang tất bật, mồ hôi nhễ nhại dọn dẹp nhà cửa. Chúng tôi từ nhỏ đã lớn lên bên nhau, nên cô ấy đối với tôi rất thoải mái, chẳng nề hà hay khách khí gì. Tay chân bận bịu, cô ấy bảo tôi tự tìm một chỗ mà ngồi

Cô ấy vừa dọn dẹp vừa kêu ca với tôi: "Cô xem cái nhà này có bẩn không cơ chứ? Ba ngày không quét dọn là như thế này đấy. Mà bực nhất là bố bọn trẻ cứ về đến nhà là ôm lấy cái điện thoại, không chịu trông con, cũng không chịu làm việc nhà, lười như hủi. Cô nói xem tôi phải làm thế nào?"



Tôi nhìn cô ấy rồi nói: "Để anh ta làm cùng, không thì cô cũng khỏi làm luôn."

Cô ấy trừng mắt: "Cô nói nghe đơn giản vậy, lão ý mà làm cho đã tốt. Nhà cửa mà phụ nữ không lo thì có ở nổi không?"

Câu chuyện này không chỉ xảy ra với mỗi người bạn hàng xóm ấy của tôi, mà trong nhóm có rất nhiều cô gái hỏi tôi với giọng điệu bất lực rằng: Chồng không chịu làm thì biết làm sao đây? Thật lòng mà nói, nếu tôi là chồng họ tôi cũng sẽ không làm gì cả. Vì tôi thừa biết mình không làm thì vợ sẽ làm, vợ bất lực với mình rồi thì cũng phải làm thôi. Đằng nào cũng vậy, sao tôi phải khổ sở nhúng tay vào việc nhà chứ? Thói hư tật xấu này của đàn ông đã ăn sâu bám rễ vào máu rồi. Những người đàn ông thật sự chín chắn và chu đáo lại rất ít. Đa phần họ đều xem phụ nữ đối xử với mình thế nào để tùy cơ ứng biến theo như vậy. Dĩ nhiên, họ sẽ không lộ liễu như vậy ngay từ đầu mà cứ dần dần chạm vào giới hạn chịu đựng của bạn.

Phụ nữ ngốc nghếch sẽ vơ hết việc nhà vào thân mình vì cho rằng đàn ông đều không thích làm. Chính tư tưởng ấy sẽ quyết định phần đời còn lại của bạn ra sao. Có khổ sở hay mệt mỏi thế nào đi chăng nữa cũng là do bạn tự chuốc lấy mà thôi. Vậy nên ngay từ lần đầu tiên chồng mình từ chối làm việc nhà, bạn nhất định phải để tâm, đừng cho rằng đó chỉ là chuyện nhỏ. Hãy nhớ rằng điều thực sự làm rạn nứt cuộc sống hôn nhân của bạn không phải là "tiểu tam" mà chính là những thứ vụn vặt trong cuộc sống thường ngày.

Mấu chốt trong một mối quan hệ nam nữ là gì?

Ai nhẫn nhịn trước thì người đó thua. Lý lẽ là ở bạn, bạn sợ gì chứ? Sợ bắt chồng làm việc nhà, anh ta bất mãn sẽ đi tìm "tiểu tam"? Loại đàn ông lười biếng, không chịu động tay động chân không biết yêu thương phụ nữ, chỉ biết một mình hưởng thụ, bạn nghĩ có mấy nàng "tiểu tam” ngu muội đến nỗi lao vào không? Trừ phi anh ta cực kỳ nhiều tiền. Nhưng nếu anh ta cực kỳ nhiều tiền. thì đã thuê người giúp việc, chứ đâu để đến nỗi vợ chồng cãi nhau phân định ai làm việc nhà nữa?

Còn bạn thì sao? Một người phụ nữ chăm chỉ, hiền lành, biết chăm sóc cho gia đình và chấp nhận hy sinh thì việc tìm một người đàn ông khác chẳng có gì khó khăn cả. Vậy nên, người cần lo lắng là anh ta chứ không phải bạn!

Nói vậy không phải là tôi đang cổ vũ mọi người ly hôn, mà là muốn bạn không phải thua cuộc trong trận chiến tâm lý với chính mình. Rõ ràng bạn có lợi thế hơn hẳn, vậy tại sao lại trở nên yếu đuối và hèn nhát như vậy? Chẳng có mấy người đàn ông đòi ly dị chỉ vì vợ bắt anh ta làm việc nhà đâu. Ngược lại, khi cùng vợ san sẻ việc nhà, người đàn ông sẽ càng có trách nhiệm hơn và biết yêu thương vợ mình hơn.

Cũng có những người đàn ông từ chỗ không chịu làm việc nhà đến ra ngoài trăng hoa, đó là bởi vì anh ta quá rảnh rỗi. Trong nhà cái gì vợ cũng làm hết rồi, chẳng còn việc gì cho anh ta gϊếŧ thời gian nữa, nên ra ngoài tìm một nàng bồ nhí để "báo đáp" vợ.

Hai là, lần đầu tiên người chồng để cho mình phải nhẫn nhịn mẹ chồng.

Đôi khi có vài người phụ nữ khiến tôi thật sự khâm phục bởi khả năng nhẫn nhịn và chịu đựng của họ. Chỉ vì cái mác “cuộc hôn nhân hoàn hảo" mà dường như họ có thể chịu đựng bất cứ điều gì. Chồng nɠɵạı ŧìиɧ, họ có thể nhẫn nhịn chục năm; chồng vì hiếu thuận bố mẹ mà không cần phân định đúng sai, lý lẽ với vợ, họ có thể nhẫn nhịn hai, ba mươi năm. Trong nhóm của tôi, những em gái tìm tôi hỏi ý kiến về chuyện mẹ chồng nàng dâu đều đã phải chịu đựng ít nhất hai, ba năm trở lên. Rất hiếm người ngay từ lần đầu tiên gặp phải mâu thuẫn đã tìm tôi giúp đỡ. Mà những vẫn đề họ đưa ra, đáng lẽ phải được dập tắt ngay từ khi mới bắt đầu nhen nhóm mới phải.



Tuy vậy, nhiều người lại chọn cách làm hoàn toàn ngược lại. Đa phần họ đều cảm thấy ấm ức, tủi thân, nhưng lại nghĩ rằng đó chẳng phải chuyện gì to tát. Gia đình hòa thuận, vạn sự vui vẻ mới quan trọng. Nếu so đo quá sẽ ảnh hưởng không tốt đến quan hệ mẹ chồng nàng dâu, thậm chí ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng, thật không đáng chút nào. Nghĩ vậy nên họ đã chọn cách im lặng chịu đựng. Nhưng có lẽ trong chuyện hôn nhân gia đình, họ chưa đủ từng trải và thấu đáo để hiểu được rằng, những chuyện như thế mình chỉ cần nhún nhường một lần thì sẽ phải nhún nhường cả đời.

Tất nhiên, chúng ta đang đề cập đến những người con dâu biết điều, hiểu lễ nghĩa, chứ không phải câu chuyện về những nàng dâu đanh đá, vô phép tắc. Thực chất mẹ chồng nàng dâu là mối quan hệ giữa hai người xa lạ, vậy nên chỉ cần tôn trong quan điểm, thói quen sinh hoạt, lợi ích tài sản của nhau là được rồi.

Nếu mẹ chồng có những hành xử đi quá giới hạn thì người chồng phải biết phát huy tinh thần, vai trò của một người con, một người chồng, phải biết ngăn cản sự “gây hấn" của mẹ mình. Nếu trong lúc ấy anh ta không những không biết đứng ra làm chủ, lấy lại công bằng cho vợ, còn bắt vợ nhẫn nhịn vậy thì xem ra tương lai của bạn thảm rồi! Bản thân bạn lại là một người không có khí phách, chỉ biết chịu đựng, thì xem ra ấm ức này cả đời không thể thoát được!

Nhiều người con gái có những lập luận rất đỗi nực cười: tôi sợ mình cãi lại thì sẽ ảnh hưởng đến hòa khí mẹ chồng con dâu, tôi sợ tôi không nhịn thì chồng mình sẽ nói. Lúc người ta làm gì đó vượt quá giới hạn với bạn, người ta có nghĩ đến việc sẽ làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa họ và bạn không? Lúc người ta muốn bênh vực mẹ mà bắt vợ mình phải chịu ẩm ức, không thèm nói đúng sai, thử hỏi vợ anh ta có muốn ly hôn với anh ta hay không? Tôi đã nói từ rất lâu, rằng trong một mối quan hệ, người càng để ý thì càng phải hy sinh nhiều; cùng một vấn đề, người mềm lòng yếu đuổi nhất định sẽ phải chịu thiệt nhiều hơn. Người ta nào có sợ bạn không vui, cũng đâu có sợ làm rạn nứt tình cảm với bạn, càng không sợ sẽ đánh mất bạn. Còn bạn thì sao? Nghĩ đủ thứ, sợ đủ điều, cuối cùng người chịu ấm ức không phải bạn thì là ai?

Ba là, lần đầu tiên anh ta nói ra ba từ này.

Nhiều người phụ nữ muốn để đàn ông bao nuôi. Ở những nơi tư tưởng càng lạc hậu thì xu hướng này lại càng trở nên nghiêm trọng. Phụ nữ theo quan điểm đó đều rất thích nghe đàn ông nói:

"Anh nuôi em!"

Thật ra, trên đời này quyền lợi và nghĩa vụ luôn song hành với nhau. Bạn từ chối nghĩa vụ đi kiếm tiền cũng đồng nghĩa với việc bạn từ bỏ quyền được làm chủ cuộc đời mình. Khi đàn ông nói ra câu đó, xin chớ vội mừng, cũng đừng sợ rằng ra ngoài kiếm sống sẽ phải chịu nhiều áp lực. Hãy luôn nhớ rằng, khi một người phụ nữ bị nhốt ở trong nhà thì áp lực sẽ càng lớn hơn, chỉ là cách biểu hiện của áp lực khác nhau mà thôi. Trên thực tế, lúc anh ta nói ra câu đó, ít nhất bạn hãy suy nghĩ đến hai điểm sau:

Anh ta có thật sự đủ tài giỏi để một mình gánh vác kinh tế của gia đình hay không? Nếu một tháng anh ta chỉ kiếm được ba nghìn, năm nghìn tệ, chứng tỏ gã này chỉ ưa nói khoác và có xu hướng gia trưởng.

Anh ta có khả năng nuôi gia đình nhưng chỉ muốn bạn ở nhà lo việc nhà cửa? Nhiều phụ nữ chấp nhận chỉ ở nhà chăm nom cho gia đình, con cái, nhưng một người đàn ông tốt thật sự sẽ không nuôi cô ấy mà sẽ cùng cô ấy trải nghiệm và trưởng thành.

Thật ra đa số đàn ông lúc nói "Anh nuôi em" là anh ta thật lòng muốn làm như vậy. Nhưng khi anh ta cảm thấy cả ngày bạn chỉ ở nhà, chẳng biết gì về xã hội ngoài kia, nói chuyện chẳng còn gì thu hút nữa, thì sự chán ghét mà anh ta dành cho bạn cũng là thật lòng!

Vậy nên, nếu bạn chưa có đủ tiền để tiêu cả đời không cần suy nghĩ thì đừng dễ dàng vứt bỏ cơ hội được kiếm tiền. Hãy nhớ rằng, từ bỏ một điều gì đó thì dễ, nhưng đến khi muốn tìm lại nó thì khỏ khăn vô cùng. Người phụ nữ được gọi là hạnh phúc thường là tấm gương phản chiếu một cách toàn diện về sự chăm chỉ, khôn ngoan, biết lựa chọn và trưởng thành. Ngược lại, người phụ nữ được gọi là bất hạnh lại là sự kết hợp hoàn hảo của mù quáng, hèn nhát, lười biếng và ngu muội.