Chương 7: Thấy Đằng Ấy Tủi Thân Mà Tớ Đau Lòng Lắm Thay!

Chụp ảnh Hàn Quốc xong hai ông vừa “tám” vừa đi về phía công viên, vẻ mặt rất mãn nguyện. Ở công viên có rất nhiều người, mà đa số đều là người cùng lứa tuổi với họ. Có người đánh cờ, có người đi dạo, có nhóm đang luyện thái cực kiếm một cách nhịp nhàng, nhìn rất khoan khoái.

Ở bên nhóm thái cực kiếm lại có một nhóm khác đang khom lưng, tay cầm cây gậy gỗ khoảng một mét. Giáo sư Trần nhìn từ xa, nhìn một hồi lâu mà vẫn chẳng biết họ đang làm gì.

Lão Ngô nhìn Giáo sư Trần bằng đôi mắt coi thường, miệng đằng hắng:

Không có văn hóa tội nghiệp thế đấy!

Nói rồi lại kéo tay ông đi về phía đấy, nói là sẽ cho Giáo sư “mở rộng tầm mắt”.

Đến gần Giáo sư mới biết “cây gậy gỗ” đó “bút lông” tự tạo, đầu bút được làm bằng bọt biển, mấy cụ già đang cầm “bút” chấm vào nước rồi viết lên nền đất.

Kiểu luyện chữ này Giáo sư mới thấy lần đầu tiên, miệng trầm trồ “trí tuệ của quần chúng nhân dân”, nói rồi móc điện thoại ra định chụp hình làm kỷ niệm.

Lão Ngô giằng lấy điện thoại, nhét lại túi Giáo sư, miệng càu nhàu:

Đừng làm tớ mất mặt nữa. Cái gì mà “trí tuệ quần chúng nhân dân” chứ? Nếu mà đằng ấy không có tiền mua giấy mực, thì cũng có cái “trí tuệ quần chúng” đấy rồi.

Bị giật mất điện thoại, nhưng Giáo sư Trần vẫn vui vẻ đi theo sau lão Ngô, nghe lão sỉ vả mình, càng nghe lão nói “đừng làm tớ mất mặt”, ông lại càng thấy thoải mái.

Gần đấy có một chú bé cũng đang lom khom luyện chữ với mấy cụ già. Nhưng các cụ chỉ cầm một cái bút, còn nó cầm đến hai cái, mỗi tay một cái cứ thế mà đưa qua đưa lại cùng lúc.

Giáo sư Trần chạy tới xem. Thì ra là thằng nhóc đang chơi trò một tay vẽ hình tròn, một tay vẽ hình vuông, nhưng nó vẽ kiểu gì cũng không được, nhìn cứ như một quả táo với một quả bơ vậy.

Giáo sư khích lệ chú nhóc:

Đừng vội, cứ luyện từ từ, thế nào cũng thành công.

Thằng bé còn chưa kịp mở miệng, lão Ngô đã cười:

Nói cứ như là đằng ấy biết làm không bằng.

Giáo sư chau mày:

Sao nào? Lẽ nào tớ không thể biết à?

Lão Ngô ngớ người ra:

Đằng ấy làm được thật à

Giáo sư cười hi hi:

Đúng thế, tớ là ai cơ chứ... bạn thân yêu, nhìn tớ xuất chiêu này!

Từ lúc kết thân với lão Ngô, cái gì chưa học được chứ tính mặt dày với tính bất chấp thì Giáo sư Trần đã tiếp thu đầy đủ.

Nghe xong, lão Ngô làm bộ nũng nịu nói:

Được rồi, bạn thân yêu, bạn vẽ đi.

Giáo sư Trần giả bộ không nhìn thấy, quay sang mượn “bút” của chú nhóc, ngồi chồm hổm, khí dồn xuống đan điền, vừa mới phóng bút thì hai cây bút cứ như đang múa vậy.

Sau bốn, năm phút thì Giáo sư Trần ngừng lại, ra hiệu cho lão Ngô bước lên phía trước. Lão Ngô nhìn chăm chú... nhìn cứ như gà bới, ông đứng ngơ ngác một lúc.

Cái gì vậy? Tiếng Mông Cổ hay tiếng Tân Cương?

Lão Ngô dò hỏi. Tuy không biết đó là cái gì, nhưng lão đoán chắc là chữ.

Bên này là tiếng Đức, bên kia là tiếng Pháp.

Chẳng nhìn ra.

Đúng vậy, chắc chắn là nhìn không ra rồi. Đúng là lão Ngô “không có văn hóa mới tội nghiệp làm sao”!

Chú nhóc đứng cạnh hóng chuyện, đôi mắt lóng lánh như ánh sao chăm chú nhìn Giáo sư Trần đầy ngưỡng mộ.

Lão Ngô không vui tí nào, tính nhỏ nhen của lão lại trỗi dậy. Lão nói:

Con nít không biết đánh giá, đằng ấy sính ngoại quá. Tớ sẽ chỉ cho đằng ấy thấy thế nào là tinh túy của văn hóa truyền thống Trung Quốc nhé!

Nói rồi, lão lại giật lấy bút từ tay Giáo sư Trần, rồi cũng ngồi chồm hổm, cũng vận khí về đan điền, rồi gắt một tiếng:

Tránh ra!

Hai chiếc bút nhảy nhót, trông rất điêu luyện.

Tay trái lão Ngô hình như đang vẽ cái gì đó, còn tay phải thì lại dùng nét bút thư pháp viết một bài thơ. Miệng thì ngâm nga kinh kịch, trong rất ư nhàn hạ.

Đến lúc lão Ngô “gác bút”, thì rất nhiều người tò mò đã vây quanh, kết quả khiến người ta kinh ngạc.

Tay trái vẽ bản đồ Trung Quốc tương đối giống, tay phải thì viết bài thơ “Tì bà hành”. Những người thích kinh kịch đều biết là vừa rồi lão Ngô đang ngâm nga một đoạn “Trí thủ uy hổ sơn” trong vở kịch này.

Lão Ngô dường như muốn khiến Giáo sư Trần được một phen tẽn tò, nhưng không ngờ ông chẳng tỏ vẻ gì, lại còn nhã nhặn nói:

Được lắm, đằng ấy giỏi thật. Hai đứa mình đều có tài riêng, huề rồi nhé.

Lão Ngô không hay biết sự khó chịu của Giáo sư Trần qua nét mặt ủ rũ của ông,

Được lắm, nếu vẫn chưa phục thì phải thi thố tiếp mới được, lão Ngô chỉ vào nhóm người đang đánh cờ rồi hỏi Giáo sư Trần:

Có muốn chơi với tớ một ván cờ không?

Giáo sư Trần vui vẻ nhận lời:

Được thôi.

Lão Ngô nghĩ Giáo sư Trần đã định cư ở Mỹ từ năm sáu mươi đến nay, chắc là “cờ quạt” cũng chẳng ra làm sao, nên mới dám thách đố, nhưng nhìn thấy vẻ mặt bình thản của ông thì chợt thấy phân vân: “Lẽ nào hắn cũng biết đánh cờ? chắc là không đâu.”

Không ngờ Giáo sư Trần đánh cờ rất khá. Lão Ngô vốn tự tin vào tài đánh cờ của mình là thế mà nay liên tục bị dồn vào thế bí. Lão thẹn quá phát cáu (có thể nói là vô cớ sinh sự) nên quát ỏm tỏi:

Ông đi đi, đi đi!

Giáo sư Trần ngước mắt nhìn lão Ngô, nghĩ bụng mới lúc nãy còn chụp hình Hàn Quốc vui vẻ là thế mà sao giờ lại cáu bẳn thế này? Chẳng qua cũng chỉ là một ván cờ thôi mà. Nghĩ vậy nên ông lại tiếp tục tiến thêm một bước.

Lão Ngô nghiến răng kèn kẹt:

Thí cho ông quân pháo, đi đi!

Trong lòng lão Ngô rất kích động, mấy vị trí chủ chốt trên bàn cờ chẳng mấy chốc đã bị Giáo sư Trần chiếm sạch, giờ đã bị chiếu tướng rồi. Lão Ngô bắt đầu dở quẻ, hai tay đè lấy bàn cờ giữa quân tướng, nhất quyết không để bị chiếu tướng.

Ông đi đường nào nào?

Mấy người đứng xem cười ngặt nghẽo, trước nay đánh cờ phải theo luật, không ngờ lão này lại dở quẻ như thế.

Giáo sư Trần nhìn vẻ nanh nọc của lão Ngô, mắt đảo một vòng, miệng cười toe toét, tay cầm con cờ ấn vào trán lão Ngô, rồi vừa nói vừa cười:

Oh - baby, chiếu tướng!

Cả đám người vây quanh cười lăn cười bò, lão Ngô giận đến run bắn cả người, hất tung bàn cờ rồi bỏ chạy.

Giáo sư Trần cùng mọi người nhặt quân cờ xong, thì lão Ngô đã chạy mất tăm.

Giáo sư Trần thấy lần này lão Ngô giận thật rồi, nên vội vã chạy về trường, rồi xông thẳng vào phòng của Lão.

Đẩy cửa bước vào thì thấy lão Ngô đã cởi giày ngồi trên giường ấm ức. Thấy Giáo sư, đến lão vội ngoảnh mặt đi.

Giáo sư Trẫn dỗ dành lão:

Lão Ngô ơi đừng giận nữa, tớ chỉ đùa thôi mà!

Lão Ngô liếc nhìn ông, nói:

Đùa à? Tôi thấy chẳng giống đùa chút nào! Dù gì cũng là anh em, ông không thể giữ cho tôi chút thể diện trước mặt người khác à?

Đâu phải là tớ không giữ thể diện cho đằng ấy, là do đằng ấy vô lý quá đấy chứ. Có ai đánh cờ như đằng ấy không nào?

Lão Ngô chau mày:

Tôi vô lý à? Ông chỉ biết bắt nạt kẻ yếu ớt như tôi thôi. Ông nhìn thấy tôi tủi thân thì vui lắm phải không?

Giáo sư Trần chẳng biết nói gì - yếu ớt? Lão Ngô trông tráng kiệt thế kia, có thấy chỗ nào yếu ớt đâu chứ. Ông day day trán rồi lại dỗ dành “bé già”:

Tớ nào dám bắt nạt người yếu đuối như đằng ấy. Đằng ấy tủi thân, tớ cũng có vui gì đâu? Tình cảm đôi mình tốt là thế, đằng ấy mà chịu ấm ức thì tớ làm sao mà vui được chứ? Lần này tớ làm đằng ấy mất mặt, là tớ sai rồi. Lần sau dù có thế nào tớ cũng sẽ nhường đằng ấy, được không nào?

Lão Ngô vẫn chưa vừa lòng:

Tôi chẳng phải đàn bà, cần gì ông phải nhường? Ông muốn nhường thì về mà nhường vợ ông ấy, đừng có mà ở đây làm phiền tôi nữa.

Giáo sư Trần nghe câu này thì chau mày, trong lòng không vui:

Lão Ngô này, tớ với lão ở bên nhau lâu như vậy có bao giờ lão thấy tớ nhắc đến vợ tớ chưa?

Lão Ngô thấy giọng điệu khác lạ của Giáo sư Trần nên liếc nhìn một cách dè dặt. Đúng là chơi với nhau lâu thế mà chưa thấy ông nhắc đến vợ mình bao giờ. Lúc nào cũng chỉ nhắc đến con, cháu, lẽ nào có chuyện gì uẩn khúc?

Giáo sư Trần than thở:

Vợ tớ mất hơn ba mươi năm rồi, lão có giận dỗi gì thì cũng đừng trút lên đầu người đã khuất, có được không?

Nói rồi ông đến ngồi cạnh lão Ngô, mắt không nhìn lão mà thẫn thờ nhìn về phía cửa.

Lão Ngô cũng luôn nghĩ không biết vợ Giáo sư có còn không. Ai dè đã mất lâu như vậy, lão cũng biết mình nổi giận vô duyên khiến Giáo sư nghĩ đến những chuyện đau lòng.

Ngồi cả buổi lão mới mở miệng khuyên nhủ:

Ừ thì lúc nãy tớ sinh sự quá đáng, lại nói đến vợ đằng ấy là tớ sai rồi. Đằng ấy đừng giận nữa được không?

Nói rồi lão lấy tay lay lay người Giáo sư:

Đằng ấy là Giáo sư, nên đừng có chấp nhặt với người không có trình độ như tớ làm gì...

Giáo sư Trần quay sang nhìn lão:

Cái này không dính dáng đến việc có trình độ hay không. Dù tớ có trình độ hay không, tớ cũng là đàn ông, mà là đàn ông thì tớ phải hết lòng với gia đình.

Đằng ấy đã là ông già rồi...

Giáo sư Trần thở dài, thế là bao nhiêu khí thế không dễ dàng gây dựng đã bị một câu nói của lão Ngô vùi dập trong phút chốc. Đúng là bó tay với lão Ngô Đại Kiều này.

Lão Ngô thấy Giáo sư không nói gì liền hỏi:

Đằng ấy yêu bà nhà lắm à?

Giáo sư Trần khoát tay:

Cũng là cái duyên qua mai mối, cha mẹ đặt đâu thì ngồi đấy thôi. Trước lúc tớ đi Mỹ, ở đại lục đã sắp xếp đâu vào đó rồi, thời kỳ cách mạng văn hóa thì tớ chạy sang Mỹ...

Cha nó chứ, lại chạy sang Mỹ...

Lão Ngô nhớ lại xấp đô la Mỹ mà vợ lão bỏ lại trên bàn trước lúc bỏ đi mà lòng lại tấm tức.

Đằng ấy nói gì vậy?

Không có gì, đằng ấy nói tiếp đi.

Giáo sư Trần nhớ lại:

Thời kỳ cách mạng văn hóa rất loạn, lúc đó tớ nghe đâu là sắp xử lý đến nhà tớ với nhà cô ấy. Bố tớ đã thu xếp sẵn sàng để chạy khỏi Trung Quốc. Nhưng gia đình cô ấy thì sống chết cũng không rời, kiên quyết không đi. Không còn cách nào khác nên tớ phải đi cùng bố tớ, nghĩ là sau vài tháng nữa sẽ quay lại đón cô ấy. Chẳng ngờ Trung Quốc lại đại loạn, thoáng chốc đã mười năm trôi qua... lúc tớ tìm được cô ấy thì cô ấy đã được gả cho một anh nông dân nghèo từ lâu rồi.

Sau đó cô ấy đã tự sát phải không?

Đằng ấy nhìn theo hướng tốt một tý có được không?

Giáo sư Trần trừng mắt nhìn lão rồi nói tiếp:

Đằng ấy nghĩ mà xem, gả cho nhà bần nông thì cuộc sống sẽ thế nào đây? Cô ấy vốn là tiểu thư con nhà giàu, mới có mười năm mà già đi trông thấy...

Cô nào sau mười năm mà chẳng già!

....

Được rồi, đằng ấy đừng lườm tớ nữa, tớ không nói nữa là được chứ gì!

Lão Ngô trợn mắt lên, rồi ra hiệu là đã kéo khóa miệng lại.

Tóm lại là sau khi tớ đón cô ấy về thì cô ấy đã rất tiều tụy, lại còn mang thai nữa...

Lão Ngô lại bắt đầu nói leo:

Tớ có thể hỏi một câu không?

Giáo sư Trần sớm biết là lão Ngô muốn hỏi gì rồi, nên trực tiếp đưa ra đáp án:

Đứa con trong bụng cô ấy là con của anh chàng nông dân kia. Từ lúc gặp lại cô ấy, tớ vẫn chưa hề làm gì cả.

Lão Ngô tấm tắc khen:

Ôm bóng bỏ chạy?... Lợi hại nhỉ? nhưng mà đằng ấy làm thế nào mà anh chàng kia lại bỏ cả con vậy?

Tiền..

Giáo sư Trần cười:

Chúng tớ cho anh ta không ít tiền, đủ để anh ta lấy vợ khác. Tóm lại là vì vợ tớ sức khỏe kém lại cộng thêm mười năm làm việc cực nhọc, nên lúc đến Mỹ thì sinh khó, băng huyết.... qua đời.

Giáo sư Trần tháo kính ra lau:

Tuy là tình cảm với cô ấy cũng không sâu đậm lắm, nhưng mà... cô ấy cũng là người đầu tiên rời xa tớ, mà lại ra đi như thế... Một phụ nữ sinh khó kiên quyết giữ con mà quên cả bản thân mình, thật là... chẳng dễ dàng gì. Lúc người phụ nữ trở thành mẹ, họ cũng là người vĩ đại nhất trên thế giới. Cho dù đứa bé là con ai, người mà cô ấy nghĩ đến trước khi ra đi là ai đi chăng nữa, cô ấy cũng xứng đáng để tớ nhớ cả đời.

Lão Ngô trầm hẳn xuống, ngập ngừng nói:

Sao tớ chẳng gặp được người phụ nữ nào có tình có nghĩa như vậy.

Hai người im lặng hồi lâu, cuối cùng cũng là Giáo sư Trần mở lời trước:

Dù gì cô ấy cũng là một người phụ nữ tốt. Đằng ấy là một người đàn ông, đã bao nhiêu tuổi rồi mà động tý là nổi nóng... cứ như vậy là chết sớm đấy!

Lão Ngô lườm nguýt:

Có chết cũng phải chết chung chứ, cớ gì tớ vào quan tài rồi mà đằng ấy còn ở bên ngoài?

Giáo sư Trần cười ha ha:

Thế cũng tình cảm, có thể cùng nằm trong một cái quan tài cũng là phúc đấy.