Từ đó về sau Ngô Đại Kiều cũng không gặp lại Trình thiếu gia nữa. Tính tuổi, rồi lại nghĩ đến thời buổi loạn lạc lúc ấy, lão Ngô hiểu rằng không chừng người đó đã qua đời rồi, tiếc là không gặp lại lần nào nữa. Nếu như còn sống có lẽ cũng đã rất giàu có, chắc cũng chẳng còn cơ hội kỳ ngộ. Mấy mươi năm rồi, lão đã gần như quên hẳn Trình thiếu gia, có lúc vô tình nghĩ lại, cũng chỉ là một suy nghĩ thoáng qua “lúc mười lăm tuổi, mình cũng đã gặp một người như vậy”, còn có cố gắng nhớ lại cũng chẳng nhớ thêm gì nữa.
Lão Ngô cưới vợ năm mười sáu tuổi. Vợ lão theo lão mười năm, sau đó bỏ đi biệt tăm biệt tích, chỉ để lại cho lão một mảnh giấy nhỏ với vẻn vẹn một dòng chữ, không đầu, không cuối: “Đại Kiều, cám ơn anh”. Bên cạnh tờ giấy là một cái phong bì trong đó có một xấp đô la. Gặp phải chuyện như vậy thì ai cũng phải phát điên. Thế nên Ngô Đại Kiều đã giận sôi máu, mắt đỏ rực, thẳng tay ném nắm tiền đến cả mấy ngàn đô la vào lửa, đốt sạch, rồi ngày nào cũng cầm tờ giấy đó mà dày vò.
Sau đó, cha mẹ và anh em của lão chuyển về Đường Sơn thì gặp phải động đất, chết không còn một người. Lão cầm nắm tiền hỗ trợ trong tay, mà nước mắt không rơi nổi. Lão quỳ bên nấm mộ tập thể một ngày một đêm, trong lòng cứ mong đợi có một người sẽ xuất hiện bên mình, vỗ vai lão, rồi gọi lớn: “Đại Kiều, đi thôi, anh lái xe dẫn chú đi miền nam, để chú tận mắt nhìn thấy cây cầu lớn ở Trường Giang. Bố mẹ và mọi người đều đang đợi trên xe đấy!”
Mà người đó tất nhiên sẽ không bao giờ xuất hiện, nếu như có xuất hiện thì đó chỉ là ảo giác mà thôi. Cuối cùng thì lão đã nằm rạp xuống bên nấm mộ.
Thế rồi Ngô Đại Kiều đem tiền hỗ trợ đi đổi thành mấy chiếc xe tải đồ chơi. Lão lấy cành cây chấm mực viết lên đầu mỗi chiếc xe hai chữ “Giải phóng”. Rồi lại nặn mấy hình nộm bằng đất để vào xe, trên đó viết mấy chữ lộn xộn, nghiêng ngả: “nóng tính”, “véo tai”, “tây dơ”... sau đó bắt xe đi từ Đường Sơn đến Vũ Hán, đứng trên cây cầu lớn ở Trường Giang, rồi cứ thế ném những chiếc xe đồ chơi xuống dòng sông.
Sau đó lão ngồi bên sông một buổi sáng, lúc ra đi lão để lại một mảnh giấy vụn nhăn nheo. Nếu như trải phẳng ra vẫn có thể đọc được năm chữ không đầu, không cuối.
Ngô Đại Kiều cũng không phải là kẻ cực đoan. Tự lão cũng nghĩ thông suốt, không cha mẹ, không anh em, không vợ, chỉ còn mình lão, sau này cũng chẳng phải lo nghĩ gì nữa. Nên từ đó đến nay lão Ngô sống rất thoải mái. Nhưng cứ nghĩ đến xấp Đô la và mẩu giấy đó là lão lại bực mình cả ngày - lúc đó đầu óc mình đúng là có vấn đề, dù thế nào thì cũng nên đốt mẩu giấy đi và giữ lại tiền mới đúng chứ?
Lão Ngô làm bảo vệ ở ký túc xá nam của Học viện nghệ thuật, Đại học A từ lúc năm mươi tuổi. Từ đó cuộc sống của lão cũng có nhiều điều thú vị hơn. Lúc chẳng có việc gì làm, lão Ngô thường đọc tiểu thuyết mượn được ở ký túc xá - chỉ tiếc là quan niệm sống suốt năm mươi năm qua của lão Ngô đã bị đám nam sinh yêu nghiệt của khoa nghệ thuật ở ký túc xá bôi xóa hoàn toàn.
Lúc mới đầu người ta toàn cho lão mượn tiểu thuyết của Đường Gia Tam Thiếu. Quyển nào cùng đầy ngôn tình. Quyển nào cũng nhiều “nữ quái”, chỉ cần các chàng “xuất chiêu” là các nàng say như điếu đổ, tóm lại toàn là “máy bay chiến đấu” với “phi công”.
Lão Ngô hỏi:
Mấy cậu có tiểu thuyết nào ít cô nàng hơn không?
Mấy cậu trai ngoan ở khoa điêu khắc thường cho ông mượn sách lắc đầu nguầy nguậy.
Mấy anh chàng mảnh mai khoa múa phòng bên nghe thấy liền bẽn lẽn hỏi:
Bác Ngô ơi, chỗ bọn cháu có mấy quyển tiểu thuyết không có nhân vật nữ, bác có đọc không?
Lão Ngô chẳng nghĩ gì nhiều, nhủ thầm chỉ cần không có mấy mối quan hệ nam nữ lằng nhằng, phức tạp là được, thế nên gật đầu ngay. “Kho hàng” của mấy cậu này cũng nhiều thật. Lão Ngô chẳng xem phần tóm tắt truyện, cũng chẳng ngó đến bìa sách, cứ thế lấy hết quyển này đến quyển khác khiến mấy anh chàng vội ngăn ông lại:
Bác ơi, bác lấy nhiều thế đọc không hết đâu.
Lão Ngô cười ha ha:
Có gì mà đọc không hết chứ!
Cái điệu cười của lão hồn nhiên không thể tả, nụ cười ấy toát lên vẻ gần gũi như một bác hàng xóm tinh quái, miệng cười mà tay lão cứ thế lấy sách. Đếm được hai mươi quyển, lão bỏ vào cái túi, rồi xách về phòng bảo vệ. Lúc lão đi, mấy anh chàng yểu điệu còn dặn với theo:
Bác Ngô ơi, nếu bác thấy không đọc được thì đừng đọc nhé, không cần bác mang đến trả đâu, bọn cháu sẽ đến chỗ bác lấy về.
Nhờ có hai mươi quyển sách ấy mà lão Ngô cũng vui được hai mươi ngày.
Mà cũng thật khéo quyển sách đầu tiên mà lão lấy ra đọc lại viết về chuyện tình đồng tính. Truyện kể về ba đôi quân nhân, nhân vật được miêu tả rất sống động, cuộc sống trong quân ngũ được kể rất hấp dẫn. Đây là một quyển truyện đạo bản của “sĩ binh đột kích”, bối cảnh và tư liệu đều dựa theo mô típ “sĩ binh đột kích” được thể hiện rất chân thực. Thời trẻ lão Ngô từng đi tòng quân ba năm ở Mãn Châu Lý (một địa danh ở vùng Đông Bắc), nên cũng không thiếu kinh nghiệm về cuộc sống trong quân ngũ. Lão thấy quyển truyện này quả thực viết rất gần gũi, nên có hứng đọc tiếp.
Đến đoạn miêu tả cảnh anh chàng A lợi dụng nửa đêm mò sang giường của anh chàng B, rồi làm “chuyện ấy”, lão Ngô khoái chí vỗ đùi đen đét, rồi lẩm bẩm:
Chắc hẳn thằng cha này phải ở trong quân đội lâu lắm, nên đến cái chuyện “cơ mật” trong quân doanh cũng biết rõ thế, xem cách mà hắn viết thì đúng là chân thực quá..
Nói rồi lão ôm lấy sách mà đọc quên ăn, quên ngủ.
Từ đó quan niệm của lão Ngô bắt đầu bị thay đổi...
Lúc lão Ngô vừa buông quyển sách cuối cùng xuống, thì đám sinh viên ỏn ẻn của khoa múa cho lão mượn truyện đã vây quanh, rồi nhìn lão chăm chú.
Lão nở một nụ cười thân thiện và gần gũi:
Còn sớm thế mà đã đến lấy sách rồi à?
Vừa nói lão vừa sắp xếp lại sách, bỏ vào túi rồi trả lại cho mấy anh chàng, miệng hỏi:
À này, bộ truyện “Tầm tâm” (“Đi tìm tình yêu”) của Linh Báo Tư rốt cuộc có bao nhiêu quyển vậy?
Đám nam sinh có vẻ ngạc nhiên.
Bác thấy quyển “Cự tinh tri ngã tâm” (Vì sao thấu hiểu lòng tôi) thế nào? Bác có “hấp thụ” được không?
Lão Ngô nghe xong, đưa tay gãi đuôi mắt, đưa mắt nhìn vô định, rồi than rằng:
Viết rất hay, nhưng mà “anh chồng” trong truyện “sức vóc” còn kém quá.
Từ đó, quyển sách về cuộc đời lão Ngô chuyển sang cho “QiFu A” này viết. Và lão Ngô bắt đầu bước trên con đường đầy sắc màu của tình yêu đồng giới.