Hôm nay là ngày 13 tháng 2, năm 1994. Chúng ta đang ở tại Xóm Hạ, học tiếp về Bốn Tâm Vô Lượng.
Tu tập từ quán
Trong Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya), phẩm nói về Nhất Pháp, Bụt có nói một câu : ‘‘Nếu một vị khất sĩ tu Từ Quán, dầu chỉ thực tập trong một chốc lát, thời gian bằng một cái búng tay thôi, thì vị khất sĩ đó đã xứng đáng là một vị khất sĩ rồi.’’ Câu nói đó chứng tỏ rằng Từ Quán rất quan trọng trong đạo Bụt. Bụt nói tiếp: ‘‘Thầy khất sĩ đó sẽ không thất bại trong thiền định, sẽ làm được theo lời bậc đạo sư chỉ dạy, sẽ đáp ứng được những lời khuyến dụ của các vị đạo sư. Và vị đó ăn cơm tín thí không uổng.’’ Nếu hằng ngày vị khất sĩ hành trì Từ Quán, thì còn công đức gì nhiều hơn, và lớn hơn nữa?
Đứng về phương diện đối trị cái giận, Từ Quán và Bi Quán là những phương pháp rất thực tế mà rất mầu nhiệm. Kinh có nói tới bảy cái bất lợi của sự giận hờn, của người không chịu buông thả, không chịu chuyển hóa cơn giận của mình.
Thứ nhất, người đó trông xấu xí. Cái giận làm tôi xấu. Ta chỉ cần nhìn vào gương là ta biết Bụt nói đúng. Ý thức được điều đó, tự nhiên ta nghe một tiếng chuông chánh niệm, và ta muốn làm một cái gì ngay để nét mặt mình bớt xấu. Có một bài thực tập để thở khi giận. Thở vào, chúng ta nói: Cái giận làm tôi xấu. Thở ra, chúng ta nói: Biết vậy, tôi mỉm cười.
Cái giận làm tôi xấu Biết vậy tôi mỉm cười Quay về thủ hộ ý Từ Quán không buông lơi.
Thở vào thì ta biết quay về, nắm giữ và thủ hộ tâm ý của mình. Thở ra, ta biết phải thực tập Từ Quán: Từ Quán không buông lơi. Chúng ta nên mô phỏng theo bài kệ trên đặt thêm những bài khác về các điểm bất lợi tiếp theo để thực tập.
Điểm bất lợi thứ hai là ta nằm kẹt đau đớn trong cơn giận của ta. He lies in pain. Người giận nằm co quắp trong niềm đau của mình. Niềm đau này là do cái giận làm ra. Thứ ba là không có sự phát triển phong phú. Thân thể cũng như tâm hồn không phát triển và bừng nở được như một đóa hoa. Thứ tư là nghèo đi về tiền tài cũng như về hạnh phúc. Thứ năm là không được tiếng tốt. Thứ sáu là không có nhiều bạn. Và thứ bảy là người đó sẽ tái sanh trong cõi A Tu La, không có hạnh phúc. Đó là bảy điều bất lợi của những người ôm cái giận của mình mà không biết buông bỏ để chuyển hóa.
Cũng trong Kinh Tăng Chi Bộ, Bụt nói tới mười một cái lợi của người thực tập Từ Quán và Bi Quán. Ngài nói rằng cái lợi thứ nhất của người thực tập Từ Quán là ngủ ngon. Thứ hai là khi thức dậy thấy khoẻ khoắn, nhẹ nhàng trong lòng. Thứ ba là ngủ không có ác mộng. Thứ tư là được gần gũi và thân cận với nhiều người. Thứ năm là được thân cận với cả những loài không phải loài người. Những loài không phải người tức chim muông, tôm cá, v.v.. cũng không sợ hãi lánh xa. Thứ sáu là được chư thiên ủng hộ, bảo vệ. Thứ bảy là không bị lửa, bị chất độc, gươm súng ám hại. Thứ tám là dễ đi vào thiền định, ta định tâm rất dễ, (get concentration easily). Thứ chín là nét mặt mình luôn luôn trầm tĩnh. Thứ mười là lúc chết không có lú lẫn. Mười một là sau khi chết, ít nhất là sinh vào cõi trời Phạm Thiên, những người ở trên đó đều ít nhiều đã tu Từ Quán và Bi Quán.
Trong Kinh Như Thị Ngữ (Itivutthaka), Bụt cũng nói: Tất cả những công đức mà ta thực hiện ở trên đời góp lại cũng không bằng công đức của sự thực tập Từ Quán. Làm chùa, đúc chuông, hay làm việc xã hội… tất cả những công đức đó chỉ bằng một phần mười sáu của công đức thực tập lòng Từ. Cũng như nhìn lên trời chúng ta thấy trăng và sao, và nếu ánh sáng của tất cả các ngôi sao họp lại không bằng ánh sáng của mặt trăng, thì tất cả các công đức khác góp lại cũng không bằng ánh sáng của Từ Quán.
Quán chiếu để tự chuyển hóa
Tu tập Từ Quán, Bi Quán, Hỷ Quán và Xả Quán có thể chuyển hóa hạt giống giận dữ trong ta. Giận luôn luôn có nghĩa là giận ai, giận gì. Giận những người đã làm cho mình khổ, trong đó có những người mình gọi là kẻ thù. Đối tượng của cái giận là đối tượng của tâm, nghĩa là của nhận thức, của tri giác. Trước hết ta có Tưởng, những tri giác của ta về đối tượng. Ví dụ khi ta giận cha, giận mẹ, giận cái thân phận của mình, thì ta phải có tri giác về cha, về mẹ, về cái thân phận của ta. Vì vậy Từ Quán, và Bi Quán có liên hệ tới tri giác. Từ sự sai lầm của tri giác phát sinh sự giận dữ. Quán Từ, Bi, Hỷ, và Xả, ta phải trở về quán chiếu tri giác của ta thì mới thành công được. Đó không phải là những ức tưởng, những tưởng tượng, những mong ước suông (wishful thinking). ‘‘Mong rằng các loài có hạnh phúc. Mong rằng các loài bớt đau khổ’’ là một mong ước. ‘‘May all beings be happy, may all beings suffer less’’. Đó đã là bắt đầu Từ Quán rồi, nhưng vẫn còn ở phạm vi ức tưởng. Điều chúng ta phải làm là chiếu ánh sáng quán niệm vào tri giác của chúng ta về các đối tượng của tâm. Quán chiếu những gì ta thấy, ta nghe về cảnh cùng khổ, nỗi chán chường, sự sợ hãi của người, của các sinh vật chung quanh ta, chúng ta đánh động được tâm Từ và muốn làm một việc gì để tạo ra niềm vui cho họ. Khi ta thấy được niềm đau, nỗi khổ của một người, hay một loài nào đó, thì năng lượng của Bi trong ta phát khởi. Nếu chúng ta không tiếp xúc, không quán chiếu, thì ước muốn không đủ mạnh để chuyển thành hành động.
Trái Tim Của Bụt - Bài 23 Tu tập từ quán
Cho nên các bộ Luận phân biệt ra ba loại quán chiếu. Thứ nhất là quán chiếu tổng quát, chung cho tất cả mọi người, mọi loài. Biến mãn thành tựu du là bao trùm tất cả, hành giả theo dõi hơi thở và tập trung tâm ý, tự nói rằng: mong cho tất cả các loài đều có hạnh phúc. Hay thầm nói: mong cho các loài bớt khổ đau.
Phép Quán thứ hai là phân chia ra, để quán từng chủng loại. Ví dụ thay vì nói về tất cả các loài, thì chỉ nói về loài người. Mong rằng loài người có thêm hạnh phúc. Mong rằng loài người nhẹ bớt khổ đau. Rồi thu nhỏ phạm vi đối tượng của mình lại, thí dụ: mong các trẻ em ở Sarajevo đừng bị khổ đau nhiều quá, mong rằng hàng ngày các em không còn bị bom đạn nữa. Vì đối tượng thu nhỏ lại nên ta thấy rõ hơn, và ta có thể phát triển năng lượng của Từ, của Bi cụ thể hơn. Thứ ba là hướng tâm của mình về một phía, như phía Đông, phía Tây, phía Nam, phía Bắc, v.v.. Như khi nghĩ tới các em bé mồ côi, nghèo khổ ở quê hương, thì chúng ta đang ở Pháp sẽ phóng tâm mình về phương Đông. Ở đó có các trẻ em miền Bắc, miền Trung, và miền Nam thiếu ăn, không được đi học, năm bẩy tuổi đã phải đi lượm rác mà sống, v.v..
Trong Kinh, Bụt chỉ nói một cách tổng quát. Người tu Từ phát khởi tâm Từ về từng hướng một. Tâm dữ Từ câu biến mãn nhất phương thành tựu du tức là tâm ta cùng đi với năng lực của Từ, trùm cả một phương không bỏ sót. Như thị nhị, tam, tứ phương, tứ duy, thượng, hạ, phổ châu nhất thiết, tâm dữ từ câu. Vô kết, vô oán, vô nhuế, vô tranh, cực quảng, thậm đại, vô lượng thiện tu.
Như thị nhị, tam, tứ phương nghĩa là đối với phương thứ hai, thứ ba, thứ tư cũng như vậy. Tứ duy, thượng hạ là bốn phương chính và phía trên, phía dưới. Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc; cộng phía trên, và phía dưới nữa là mười phương. Phổ châu nhất thiết là bao trùm tất cả, không gian cũng như thời gian. Trong lòng không có nội kết, không có oán hận, không có căm thù, giận dữ, không cãi cọ, tranh chấp. Cực quảng thậm đại là rất rộng, rất lớn. Vô lượng thiện tu là khéo léo tu tập không biết chừng nào. Khéo léo tu tập như thế nào để tâm Từ của ta có thể bao trùm tất cả, đi tới tất cả các phương, và bên trong lòng ta không còn nội kết, không còn oán hờn, không còn giận dữ, không còn sự tranh chấp; tâm ta trở thành mỗi lúc càng lớn, càng rộng.
Đoạn tiếp theo nói rằng đối với Bi, Hỷ, và Xả ta cũng làm như vậy. Đây là kinh Trung A Hàm, Kinh thứ 86, gọi là Thuyết Xướng Kinh. Bản dịch tiếng Anh dựa trên tạng Pali như sau: He dwells suffusing, first, one direction with the heart linked to friendliness, then the second, then the third, then the fourth, then above, then below, around and everywhere. And so he dwells recognizing himself in all, suffusing the entire world with the heart linked to friendliness, far reaching, gone great, unlimited, free from enmity and malice. Câu recognizing himself in all là thấy được mình trong tất cả, dịch từ chữ samba attaya. With the heart linked to friendliness: đây cũng lập lại bốn chữ ‘‘tâm dữ từ câu.’’ Hai bên, một bên Nam truyền, một bên Bắc truyền đều lập lại bốn chữ tâm dữ từ câu lần thứ hai. Mấy ngàn năm rồi so lại ta thấy vẫn còn giống. Far reaching: cực quảng. Gone great: thậm đại. Và sau đó cũng nói rằng đối với Bi, Hỷ, và Xả cũng quán tưởng giống hệt như vậy.
Những tiếng nhuế, và oán có thể có nghĩa gần giống nhau, nhưng vẫn có những chi tiết khác nhau. Vì vậy, bản chữ Hán dịch đủ hết, lời văn đi rất mạnh: Vô kết, vô oán, vô nhuế, vô tranh, cực quảng, thậm đại, vô lượng thiện tu. Thanh Tịnh Đạo Luận cắt nghĩa sabattaya là ta thấy mình ở trong tất cả, (he should identify himself with all). Atta tức là mình, sambbe là ở trong tất cả mọi loài. Đó không phải là chuyện tưởng tượng, không phải là chuyện cầu mong, mà là công phu quán chiếu. Đồng nhất mình với người, đó là cách duy nhất để có thể hiểu được người. Tìm hiểu ai, ta có thể chỉ tiếp xúc hời hợt bên ngoài thôi, nhưng có cách thứ hai là quán chiếu. Thực tập Từ Quán cũng vậy, ta phải đi sâu vào trong xương thịt của kẻ đó để thấy rõ được tình trạng của những niềm đau, nỗi khổ của họ.
Trong Kinh Niệm Xứ, Bụt thường hay nói : ‘‘Quán niệm thân thể trong thân thể, quán niệm cảm thọ trong cảm thọ, quán niệm tâm ý trong tâm ý, quán niệm đối tượng của tâm ý trong đối tượng tâm ý.’’ Chữ Hán: Quán thân ư thân. Quán thọ ư thọ. Quán tâm ư tâm. Quán pháp ư pháp. Có nghĩa là ta không đứng ngoài để nhìn đối tượng kia như là một thực thể riêng biệt, mà phải đi vào, đồng nhất mình với đối tượng đó, thì quán chiếu mới thành tựu. Đó là nguyên tắc quán chiếu trong đạo Bụt. Có một lần ở Hồng Kông, đi cứu trợ cho đồng bào ở các trại tị nạn, tôi gặp một thầy người Đức tu theo Nam Tông. Trong khi ngồi thuyền ra trại Chimawan, tôi hỏi: Thầy nghĩ sao về câu Kinh đó? Quán thân trong thân là sao? Thầy trả lời: Lặp như vậy để cho người ta nhớ đây là quán thân chứ không phải là quán tâm hay pháp. Rồi đến khi nói quán tâm trong tâm cũng như vậy, để nhắc cho người ta nhớ đây là quán tâm trong tâm chứ không phải là quán tâm trong cái khác. Tôi nói: Nếu như vậy thì nhấn mạnh không cần thiết. Rồi tôi cắt nghĩa rằng quán tâm trong tâm là mình đừng nhìn đối tượng đó là một đối tượng có ngoài mình. Mình phải đi vào đối tượng đó. Mình phải phá được ranh giới giữa chủ thể quán chiếu và đối tượng được quán chiếu thì mình mới có thể hiểu được đối tượng. Điều đó có nghĩa là trong đạo Bụt, sự thực tập quán chiếu phải căn cứ trên nguyên tắc bất nhị. Đối tượng mình đang quán chiếu, với mình là chủ thể quán chiếu, chừng nào chúng vẫn là hai khối riêng biệt thì kết quả sự quán chiếu không thành tựu. Thầy ấy đã hiểu và đã đồng ý.
Điều này rất là quan trọng. Khi nào ta làm mất ranh giới giữa chủ thể và đối tượng thì lúc đó trí tuệ thật sự mới phát hiện. Đó là đặc tính rất căn bản trong thiền quán của đạo Bụt. Quán chiếu cách mấy mà đối tượng kia vẫn còn tách biệt ở ngoài ta, thì ta chưa có tuệ giác. Điều này đúng với việc quán chiếu thân thể, với cảm thọ, với tất cả những tâm hành khác và những đối tượng của các tâm hành khác. Quán thân như thân. Quán thọ như thọ. Quán tâm như tâm. Quán pháp như pháp. Nhà thần học đạo Do Thái Martin Buber, trong tác phẩm I and Thou cũng nói những kinh nghiệm tương tự. Ông nói rằng khi mình quán chiếu và tiếp xúc với thượng đế, thì thượng đế không phải là một đối tượng cứng ngắc, gọi là It. Liên hệ giữa tín đồ với thượng đế không thể là liên hệ I – It, (không phải liên hệ Tôi – và Ngài ở ngoài tôi) mà phải là liên hệ I – Thou. Trong khi tiếp xúc, làm sao cái bản ngã của ta phải được tan ra, hòa nhập với đối tượng quán chiếu, thì ta mới tiếp xúc được với Thượng đế đích thực. Đó là phương pháp của nhà thần học Matin Buber. Cũng vậy, phép quán chiếu trong đạo Bụt là phải đi vào, trở thành một, phải xoá bỏ ranh giớii, thì tuệ giác bắt đầu mới có được.
Từ bi là hành động
Gởi tâm Từ bao trùm tất cả một phương, hai phương, ba phương, bốn phương… có thể chúng ta chưa hiểu được nỗi khổ, và niềm đau. Tâm Từ và tâm Bi làm phát sinh những nguồn năng lượng. Phải thực tập quán chiếu, phải thấy rất rõ những nỗi khổ, niềm đau, và nhu yếu hạnh phúc của người thì năng lượng Từ, Bi mới trào dâng. Khi mà năng lượng của Từ, của Bi, của Hỷ, và của Xả đã trào dâng sung mãn, như là đào giếng tới lúc mạch nước phun lên, thì những nội kết, oán thù, giận hờn, và tranh chấp mới tiêu tan, và con người của ta mới đổi mới. Lúc đó thì năng lượng của Từ và Bi mới biến được ra thành hành động, ngay trong đời sống hằng ngày của ta. Dù không ai khuyên nhắc, ta vẫn làm việc độ sanh để giúp đời như thường.
Cụm từ ‘‘như trở thành một với tất cả’’ rất quan trọng. Ví dụ khi ta giận một người, nghĩ rằng người đó là nguồn gốc bao nhiêu khổ đau của ta. Căn cứ trên nhận thức đó, ta nuôi dưỡng niềm oán hận, tự làm cho ta khổ, và cũng làm cho người ấy khổ. Vậy ta phải quán chiếu. Nhưng quán chiếu thế nào? Không thể chỉ nói : người ơi, tôi thương người lắm. Phải quán chiếu sâu vào nội tâm và cuộc đời của con người mà ta đang giận. Phải thấy được chính người đó cũng có những niềm đau, và nỗi khổ sâu xa. Những niềm đau nỗi khổ này có thể đã từ các thế hệ trước truyền lại, có thể từ xã hội, giáo dục, và học đường gây ra. Khi suy nghĩ thật sâu, ta thấy được tất cả những điều đó. Thấy được như vậy là tiếp xúc trực tiếp và sâu sắc. Đó là quán chiếu. Tiếp xúc được sâu sắc thì mạch nước của Từ, của Bi, của Hỷ, và của Xả mới trào lên. Khi mạch nước của Từ, Bi, Hỷ, Xả đã trào lên thì những nội kết, những khổ đau của chính ta mới tan loãng và được chuyển hóa. Không phải chỉ do ước mơ hay chúc tụng mà cơn giận chuyển hóa.
Trong truyền thống đạo Bụt, các thầy luôn luôn khuyên ta phát khởi Từ, Bi, Hỷ, và Xả đối với những người ta thân cận trước. Thí dụ ta bắt đầu từ thầy, tổ, nơi những vị mà ta đã tiếp nhận pháp môn tu học. Khi ta nghĩ tới các vị, đi vào tâm tư các vị, thì tấm lòng thương mến, biết ơn, và nỗi vui mừng phát sinh trong ta một cách dễ dàng. Lễ năm lễ hôm Tết, chúng ta đã thực tập theo truyền thống này. Năm lễ bắt đầu bằng việc quán tưởng về những người máu mủ thân thiết và gia đình tâm linh. Trong khi lạy xuống một lạy ta đồng thời quán chiếu, làm nảy sinh trong lòng những năng lượng của Từ, Bi, Hỷ và Xả. Nếu lạy xuống mà không quán chiếu, ta sẽ không thể đi sâu vào trong gia đình tâm linh của ta, không thể thấy rõ được Thầy, được các vị Tổ Sư, được Bụt. Như thế thì trong thời gian hai phút, hoặc ba phút lễ lạy những nguồn năng lượng của Từ, Bi, Hỷ, Xả không thể phát sinh.
Khi ta lạy cái lạy thứ nhất, năm vóc sát đất, ta tiếp xúc với cha mẹ ta rất cụ thể. Xương, thịt, máu huyết, những nhiễm thể của cha mẹ, và ông bà truyền lại. Ta thấy rất rõ cha mẹ, và ông bà với tất cả hạnh phúc, khổ đau, đang có mặt trong ta. Trong thời gian hai phút, nằm rạp xuống để quán chiếu, ta đi vào gia đình huyết thống và gia đình huyết thống cũng đi vào trong ta. Từ, Bi, Hỷ, và Xả phát sinh ra những nguồn năng lượng. Đó gọi là phổ châu nhất thiết.
Lạy thứ tư là để tiếp xúc với những người ta thương. Người ta thương có thể là những người đã quá cố. Lạy xuống, ta đem những năng lượng Từ, Bi, Hỷ, và Xả hướng đến cha, mẹ, anh, chị, em, ta mong ước cho họ vui tươi, có khả năng sống hạnh phúc mỗi ngày. Người hướng dẫn nói: Con xin truyền năng lượng cho những người con thương. Người thực tập phải thấy cho được cha mẹ hoặc anh chị em mình một cách cụ thể. Đó là quán tưởng và thực tập.
Lạy thứ nhất, thứ hai và thứ tư đều dễ thực tập. Lạy thứ ba là để tiếp xúc với xứ sở, với quốc gia nơi ta sống, tiếp xúc với tất cả những người đã từng khai phá, thành lập, xây dựng đất nước, giữ gìn bờ cõi, xây cầu cống, làm đường xá, thiết lập các định chế bảo vệ đời sống và hạnh phúc cho cộng đồng. Mỗi khi lái xe qua cầu, ta có chánh niệm, biết rằng cây cầu này xây lên được là do công sức bao nhiêu người. Đất nước này có an ninh, có trật tự, v.v.. là công trình của rất nhiều người. Khi lạy xuống như vậy, ta phải phổ nhập nhất thiết, (recognizing oneself in all), thì mới phát sinh lòng cảm thương, lòng biết ơn, và niềm hoan hỷ.
Trong cái lạy thứ năm, ta dùng năng lượng nuôi dưỡng từ bốn lạy đầu để tiếp xúc với những người đã làm ta khổ. Ta lạy xuống, nhìn cho rõ người ấy, với tất cả những yếu đuối, và sai lầm của người ấy. Người ấy đã không may tiếp nhận những hạt giống khổ đau nhiều quá. Vì thế người ấy đã làm khổ ta, làm khổ gia đình, làng xóm, và đồng bào ta. Nhưng người ấy cũng đang đau khổ, và những nỗi khổ đó vẫn kéo dài. Có một cựu chiến binh Hoa Kỳ trong chiến tranh đã gây cái chết của năm đứa trẻ con ở Việt Nam. Trong suốt 20 năm sau đó, ông ta vẫn khổ đau mãi về hình ảnh kia. Bạn đồng đội của ông ta bị phục kích chết. Ông đã chứng kiến, đã căm thù, đã bày ra một cuộc phục kích để trả thù lại bên địch. Trong số những dân làng chết, có năm đứa trẻ. Hình ảnh đó nằm mãi trong đầu ông. Trong hai mươi năm, hễ nhận ra là mình đang ngồi trong một phòng với trẻ em là ông ta hoảng hốt, thét lên, và chạy ra ngoài. Mãi cho đến khi gặp thầy, gặp bạn, học quán chiếu, và tu tập thì người cựu chiến binh ấy mới tự giải thoát được. Sau bảy tháng thực tập, ông ta đã được chuyển hóa. Lấy oán trả oán thì không bao giờ hết. Thù oán sẽ luân hồi mãi mãi, và khổ đau của ta cũng vậy. Lạy thứ năm là phát nguyện mong cho những người đã làm khổ mình cũng cùng chấm dứt được luân hồi, hết khổ, biết lấy Từ Bi để đáp lại căm thù. Cho nên khi lạy xuống, ta phải tâm niệm : ‘‘Con không muốn người đó khổ. Con không muốn gia đình người đó khổ. Con muốn người đó có thể nở được nụ cười. Con muốn người đó có thể có được niềm vui. Thật tình con mong muốn người ấy chấm dứt nỗi khổ. Và vì vậy con sẵn sàng truyền sang người ấy năng lượng Từ Bi Hỷ Xả của con. Xin Bụt, xin các vị Tổ Sư, xin ông bà, cha mẹ giúp con truyền cho người ấy những năng lượng và niềm vui đó.’’ Lạy xong tâm ta sẽ nhẹ đi, và ta tự giải thoát.
Các Tổ hay khuyên ta bắt đầu quán Từ Bi với những người mình thương trước. Rồi mới tới những người ta thương ít, hay những người gọi là người dưng nước lã. Ta dửng dưng với họ tại vì lâu nay ta coi họ là người xa lạ. Như những em bé bị gϊếŧ ở Rwanda, những em bé đã chết và đang chết vì nội chiến ở Sarajevo, hay những em bé đang chết đói ở Somali. Đọc báo ta biết họ khổ nhưng ta không có thì giờ để quán chiếu, vì ta nghĩ họ là ‘‘người dưng’’. Sau khi đã tiếp xúc sâu sắc với người mình thương rồi, ta phải tiếp xúc với những người gọi là người dưng và quán chiếu như thế ta làm cho người dưng trở thành người thân thiết, trở thành đối tượng đích thực của Từ Bi ta. Sau cùng, ta tiếp xúc những người mà ta thù ghét, những người đã làm khổ ta. Nếu thành công trong hai bước đầu thì đến bước thứ ba này thế nào cũng thành công. Có người thực tập lạy suốt ngày. Họ lạy một ngàn không trăm tám mươi (1080) lạy buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều. Nhưng lễ lạy thành công hay không, là do ta có quán chiếu hay không. Lễ lạy như một máy, cũng chỉ là tập thể thao, thôi chứ không có ích lợi gì mấy.
Quán chiếu để tự chuyển hóa
Tóm lại, Tứ Vô Lượng Tâm là một phương pháp tu tập thiền quán. Mới nghe đến Tứ Vô Lượng Tâm, ta cảm nghĩ giáo lý này hướng về tình cảm, nhưng tình cảm của Tứ Vô Lượng Tâm được tạo bằng chất liệu trí tuệ, tức là thiền quán. Tâm Từ chứa Bi, chứa Hỷ, và chứa Xả. Tình thương mà còn kỳ thị, còn phân biệt, tình thương mà không có niềm vui thì chưa phải là tình thương trong đạo Bụt. Tâm Bi cũng phải được làm bằng chất liệu của Từ, Hỷ, và Xả. Hỷ mà không có Từ, Bi, và Xả thì cũng không phải là Hỷ trong đạo Bụt. Xả trong đạo Bụt có nghĩa là không dính mắc, không phân biệt, kỳ thị, nhưng không có nghĩa là trốn tránh trách nhiệm. Phải có một thệ nguyện, một sự cam kết. Đây không phải là dửng dưng như người ta hiểu khi dịch Xả là indifference. Xả đây có nghĩa là Bất Xả, tức là buông nhưng không bỏ. Chúng ta khấn nguyện: ‘‘xin chư Phật từ bi bất xả’’. ‘‘Các vị Bụt xin đừng có bỏ con tội nghiệp’’. Xả đây không có nghĩa là không thương mà lại là bí quyết của tình thương chân thật trong đạo Bụt. Tứ Vô Lượng Tâm là giáo lý của Bụt về tình thương (the Buddhist teachings on love). Edward Conze khi viết về Từ, Bi, Hỷ và Xả đã gọi giáo lý này là ‘‘The cultivation of social emotions’’, như vậy đã là làm nghèo nội dung của bốn tâm vô lượng.
Tu tập bốn tâm này, ta sẽ đi tới giải thoát hoàn toàn, chứ không phải chỉ để có mục đích sanh lên cõi trời Phạm Thiên. Trong thời đại Bụt nhiều người tin tưởng ở Phạm Thiên (Brahma). Ao ước của họ là khi chết được sinh lên và cộng trú với Phạm Thiên, cũng tương tợ như những tín hữu Cơ Đốc giáo mong được về nước Chúa. Trong kinh, Bụt đã có một thái độ rất từ Đi đối với những người tin vào một Đấng Tối Cao và ước ao sau khi chết trở về gần gũi với Đấng Tối Cao ấy. Bụt không có thái độ đả phá. Bụt nói rằng Phạm Thiên, Brahma, là một đấng có Từ, có Bi, có Hỷ, và có Xả. Nếu quý vị muốn lên sống bên Ngài thì quý vị phải tu Từ, Bi, Hỷ, và Xả. Bụt không nói: ‘‘Không có Phạm Thiên đâu. Bạn đừng hy vọng hão huyền. Bạn hãy tu theo tôi và hãy từ bỏ tất cả những tín ngưỡng của bạn.’’
Nếu bậc Thầy của chúng ta đã làm như thế thì ta cũng nên theo con đường ấy. Giáo lý Cơ Đốc dạy rằng Thượng Đế là tình thương (Dieu est amour). Người Phật Tử chúng ta cũng phải nói: ‘‘Thượng đế là tình thương. Nếu muốn được Chúa yêu mến, nếu muốn về nước Chúa, quý vị phải thực tập tình thương chân thật’’. Và theo chúng tôi, tình thương chân thật phải có chất liệu của Từ, Bi, Hỷ và Xả. Rồi chúng ta đề nghị những phương pháp thực tập tình thương cụ thể. Tình thương mà người đời xử dụng có ý nghĩa rất mù mờ. Có khi thương nghĩa là đam mê, vướng mắc, khổ đau; đó không phải là tình thương đích thực ta nên thực tập. Vì vậy quý vị có thể sử dụng những phương pháp nuôi dưỡng, và phát triển tình thương nơi mình. Như thế chuyện trở về với Thượng đế, sống bên Thượng đế mới trở thành ra sự thật được. Con người đầy hận thù làm sao có thể sống chung với Đấng Tình Thương?
Giáo lý Tứ Vô Lượng Tâm mầu nhiệm vô cùng. Chúng ta hay nói về thương yêu nhưng chúng ta ít nhận biết được bản chất của thương yêu. Chúng ta đã học, chúng ta đã biết những yếu tố nào có thể làm nên tình thương yêu đích thực, và biết những phương pháp cụ thể để tạo ra chất liệu thương yêu, để chuyển hóa cả người thương và người được thương. Phương pháp năm cái lạy, chẳng hạn, rất cụ thể. Ngoài phương pháp đó ra chúng ta còn rất nhiều phương pháp khác nữa. Có một loại tình thương gọi là tình thương chiếm hữu (possesive love) không mang lại tự do, không đích thực là thương. Tình thương đích thực phải có Xả, tức là không kỳ thị và vướng mắc. Vậy tại sao chúng ta không thực tập và không chia sẻ? Tại sao không viết một bài về tự do trong tình thương? Đó là những đề tài rất mới, và cũng rất cũ. Niềm vui trong tình thương là một đề tài khác nên viết. Khi viết ta lấy kinh nghiệm của ta, lấy khổ đau của ta, lấy hạnh phúc của ta làm chất liệu. Ta thấy rằng thực tập đạo Bụt không khô khan chút nào. Thực tập trong đạo Bụt đem lại niềm vui và sự chuyển hóa. Đó là nhờ tình thương đích thực trong bốn tâm vô lượng.