Chương 11: Trái Tim Của Bụt Bài 11: Chánh Niệm Là Tự Làm Chủ

Trái Tim Của Bụt bài 11: Chánh niệm là tự làm chủ

Hôm nay là ngày 26 tháng chạp năm 1993, chúng ta học tiếp về chánh niệm.

Chữ niệm chúng ta có thể dịch là nhớ, nhưng ở đây nhớ không có nghĩa là ký ức (memory). Kỳ trước chúng ta đã biết rằng có chánh niệm tức là tâm ta trú trong giây phút hiện tại và ta biết được những gì đang xảy ra trong hiện tại. Vì vậy niệm không có nghĩa là nhớ tưởng quá khứ, nhất là nghĩ tới quá khứ để đánh mất mình trong đó. Chúng ta có thể định nghĩa chánh niệm là năng lượng có khả năng nhận diện được bất cứ những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây.

Chánh niệm là tự làm chủ

Những gì xảy ra cũng có thể được xếp vào một trong bốn lĩnh vực. Trước hết là lĩnh vực thân thể. Tiếp theo là lĩnh vực của cảm thọ. Thứ ba là lĩnh vực của các tâm hành (mental formations) (duy biểu học phân loại 51 thứ tâm hành). Và lĩnh vực thứ tư là các pháp. Pháp ở đây tức là những hiện tượng làm đối tượng của tâm thức.

Ví dụ trong tâm ta, trong ký ức ta, có một hình ảnh đã được gieo vào từ 20 năm về trước. Bây giờ hình ảnh đó hiện trở lại, và hai trường hợp có thể xảy ra. Thứ nhất là chúng ta có thể bị cái hình cũ lôi kéo vào một cuộc phiêu lưu, và chúng ta sống lại thế giới của quá khứ. Trong trường hợp này chúng ta đi vào thất niệm. Đó là nhớ nhưng không phải là nhớ trong chánh niệm. Một hình ảnh có thể áp dẫn chúng ta trở về quá khứ, hay lôi cuốn chúng ta phiêu lưu tới một tương lai chưa hề xẩy ra, để mơ tưởng, để phập phồng, lo âu, sợ hãi, và chúng ta quên lãng, không có mặt trong giây phút hiện tại nữa. Đó là thất niệm.

Trái lại nếu hình ảnh đó từ tiềm thức hay vô thức (trong tàng thức) phát hiện ra mà chúng ta biết mỉm cười nhận diện, ta nói: à, chào ngươi, ngươi đã trở lại’’. Trong trường hợp này chúng ta vẫn còn an trú trong hiện tại. Chúng ta đã khiến việc nhớ lại hình ảnh quá khứ trở thành một biến cố xảy ra trong hiện tại. Có chánh niệm, ta không cần phải xua đuổi hình ảnh đó. Nó không kéo ta được về quá khứ, nó không dẫn ta phiêu lưu tới tương lai. Trường hợp này là có chánh niệm.

Trái Tim Của Bụt - Bài 11 Chánh niệm là tự làm chủ

Có chánh niệm tức là tâm ta giữ được chủ quyền, và thất niệm là đánh mất chủ quyền. Có thể nói rằng chánh niệm giúp cho ta vẫn còn là ta, có mặt trong cuộc đời để tiếp xúc với sự sống chân thật. Nếu không có chánh niệm thì ta không còn là ta nữa. Chúng ta hãy tưởng tượng có một ngôi nhà không chủ, ngôi nhà đó sẽ tan hoang. Con người ta gồm có bốn phần: thân, thọ, tâm và pháp. Nếu chúng ta không có mặt thì chúng ta để cho ngôi nhà bốn lĩnh vực ấy tan hoang. Cái thân của chúng ta sẽ yếu đuối, cái thọ của chúng ta sẽ đầy những khổ đau, cái tâm của chúng ta rối ren, và những pháp của ta đều là phiền não. Vì vậy cho nên khi chúng ta có mặt thì căn nhà của ta hay khu vườn của ta mới trở nên một căn nhà hay một khu vườn tươi mát có thể đem lại an lạc. Người Việt Nam hay nói vắng như chùa Bà Đanh. Chắc hẳn chùa Bà Đanh là cái chùa không ai chăm sóc. Mỗi người tu cũng là một ngôi chùa. Đừng để ngôi chùa ta biến thành chùa Bà Đanh. Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi; trong cảm thọ vui, buồn, giận, ghét; trong khi ăn, uống, cười, nói ta phải có chánh niệm. Có chánh niệm thì ngôi chùa chúng ta có một vị trụ trì và ngôi chùa đó không thể trở thành chùa Bà Đanh.

Quán sát một sư anh, một sư chị, một sư em trong đời sống hàng ngày: đi, đứng, nằm, ngồi, nấu cơm, gánh nước, bổ củi, ta thấy được người đó có chánh niệm hay không, ngôi chùa đó có phải chùa Bà Đanh không, hay đó là một ngôi chùa có chăm sóc đàng hoàng. Một ngôi chùa được chăm sóc đàng hoàng, cây cảnh tốt tươi, thì đó là nguồn vui lớn cho rất nhiều người. Nhận ra điều này cũng không khó. Chỉ cần nhìn người đó quét nhà hay lau bàn là ta có thể biết được cái chùa này đang được chăm sóc hay đang bị bỏ hoang.

Nhận diện đơn thuần

Chánh niệm là vị trụ trì của ngôi chùa. Bốn lĩnh vực của quán niệm, thứ nhất là thân thể. Thân thể ta đang làm gì, có gì đang xảy ra cho cơ thể ta, ta phải biết. Thứ hai là cảm thọ (sensation, feelings). Khi nào có vui, buồn, hoặc sợ, chán hay giận thì chúng ta đều biết. Ta nhận diện các cảm thọ đang diễn ra, không cần làm gì khác. Và chánh niệm chính là khả năng nhận diện được cái gì đang xẩy ra trong giờ phút hiện tại. Hai lãnh vực vừa kể gồm những hiện tượng trong thân thể và trong cảm thọ. Tiếp theo là lãnh vực các tâm hành và cuối cùng là lãnh vực những đối tượng của tâm hành.

Chúng ta cần hiểu chánh niệm là năng lượng giúp chúng ta nhận diện được những gì đang xảy ra trong bốn lĩnh vực: thân, thọ, tâm và pháp. Chỉ cần nhận diện thôi, không cần phải làm gì khác. Thực tập chánh niệm bắt đầu bằng sự nhận diện một cách thuần túy tất cả những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta. Nhận diện mà không cần phê phán. Không cần nghĩ rằng điều đang xảy ra là đáng buồn hay đáng vui. Bông hoa tươi thì biết là bông hoa tươi, bông hoa héo thì biết là bông hoa héo. Tâm đang giận hờn thì biết đây là nỗi giận hờn đang ở trong ta. Không cần phải công phá, không cần phải đè nén. Bí quyết của sự thực tập là ở chỗ này.

Nếu thấy tâm giận hờn phát khởi mà ta xấu hổ, nổi ý muốn dẹp bỏ và đàn áp nó, thì đó chưa phải là chánh niệm. Chánh niệm như một bà mẹ: con của mình tươi vui thì mình thương, mà nó khóc lóc thì mình vẫn thương. Tất cả những gì xảy ra trong bốn lãnh vực đều cần phải được năng lượng chánh niệm ôm ấp như nhau. Đẹp mình cũng săn sóc mà không đẹp mình cũng săn sóc. Thành ra cái gọi là nhận diện đơn thuần rất quan trọng, ta phải nhớ kỹ. Chỉ cần nhận diện và cười với hiện tượng ấy thôi, không cần lên Đn, không mang mặc cảm, hay khổ đau, trách cứ hoặc giận hờn. Tất cả những phản ứng ấy có thể là chướng ngại cho sự tu tập. Hãy để hạt giống của chánh kiến trong ta hoạt động, cứ để những hạt giống của tình thương và sự hiểu biết trong ta hoạt động. Chúng ta chỉ cần nhận diện mà thôi.

Trong lĩnh vực thân thể thì trước hết ta nhận diện rằng có cái thân thể đang sống. Thường thường trước khi sư cô Chân Diệu Nghiêm dạy những động tác thực tập chánh niệm, sư cô hay nói chúng ta hãy thở vào và thở ra, trong khi phát khởi ý thức về thân thể. Thở vào, tôi biết là thân tôi đang đứng đây, thở ra tôi biết là thân tôi đang đứng đây. Đó là nhận diện sự có mặt của thân thể. Có nhiều khi ta xa cách với bản thân của mình. Trong đời sống, chúng ta có thể như một đứa con đau khổ, bỏ nhà ra đi. Cái nhà của chúng ta là bốn lĩnh vực: thân, thọ, tâm, pháp. Thân của chúng ta là một phần căn nhà đó. Nhiều khi ta quên tiếp xúc với thân ta. Khi thở ra và thở vào để trở về với thân thể, ta làm quen lại với thân thể mình, thấy được sự có mặt của thân thể mình, đó là một sự thực tập. Đó là thực tập trở về.

Trong lĩnh vực cảm thọ cũng vậy. Có những cảm thọ làm cho chúng ta đau. Chúng ta chạy trốn những mối lo, những nỗi buồn, những nỗi giận, những cảnh khổ. Chúng ta cũng không dám trở về để làm quen, để ôm lấy những cảm thọ của chúng ta. Chúng ta luôn luôn muốn chạy trốn. Thành ra chánh niệm trước hết là sự trở về, trở về với thân, rồi trở về với những cảm thọ của ta.

Kinh Thân Hành Niệm nằm trong Trung Bộ ở tạng Pali (Kayasmrti sutta) và Trung A Hàm nơi Hán tạng. Trong kinh này Bụt dạy chúng ta trở về với thân, làm quen với thân, nhận diện tất cả những thành phần và động tác của thân. Trước hết ta nhận diện thân ta trong các tư thế đứng, ngồi, nằm và đi. Đó là một sự trở về đích thực. Rồi ta nhận diện từng phần trong thân thể: tôi đang thở vào và tiếp xúc với tóc trên đầu của tôi, tôi đang thở ra và mỉm cười với tóc trên đầu của tôi. Tóc trên đầu tôi đã bắt đầu bạc và tôi mỉm cười với màu muối tiêu trên tóc tôi. Tất cả đều là sự trở về để làm quen trở lại với một người bạn cũ, với ngôi nhà cũ của mình. Đó chính là thân thể mình. Rồi ta đi xuống trán: tôi đang thở vào và trở về tiếp xúc với cái trán của tôi, tôi đang thở ra và mỉm cười với trán của tôi. Trán của tôi còn trẻ chưa nhăn, hoặc là trán của tôi đã bắt đầu có nếp nhăn. Tất cả những thứ đó là đối tượng chánh niệm, là ánh sáng giúp ta nhận diện được tóc của ta, trán của ta. Cứ thế đi từ đầu tới chân. Kinh có nói tới 36 bộ phận của cơ thể cần phải quán chiếu. Ta phải biết tiếp xúc và cười với từng bộ phận. Đó là một sự trở về để làm quen trở lại, để làm hòa với cơ thể của mình.

Phương pháp này có thể thực tập trong khi nằm. Chúng ta nằm buông thõng hai tay và hai chân cho thật thoải mái, và theo dõi hơi thở, bắt đầu chú ý tới tóc ở trên đầu, rồi chú ý tới trán, và lần lượt đi xuống. Ta dùng chánh niệm của ta như một chùm tia sáng, chiếu rọi từ trên đầu, di chuyển chùm ánh sáng ấy từ từ xuống chân. Ngang tới đâu thì ánh sáng chánh niệm cho ta ý thức rõ ràng phần cơ thể đó. Đồng thời hơi thở có ý thức nuôi dưỡng năng lực của chánh niệm. Miệng mỉm cười với đối tượng mà ánh sáng ý thức đang rọi tới. Như quán chiếu hai mắt, tiếp xúc hai mắt, nhờ chánh niệm tiếp xúc được hai mắt thì miệng mỉm cười với hai mắt. Chánh niệm giống như tia laser trong một chiếc máy scanner ở nhà thương.

Chánh niệm là trở về

Trong chánh niệm có hành động trở về, có hành động làm quen trở lại, có niềm thương yêu, chú ý và chăm sóc. Chánh niệm có rất nhiều tính trị liệu. Chánh niệm là trở về. Ngày sư chú Pháp Dụng xin xuất gia, sư chú đã đi vào phòng tôi. Quỳ xuống, ôm lấy chân tôi, sư chú nói: ‘‘Bạch thầy, con đã trở về’’. Tu là trở về, trở về với mình, với gốc rễ của mình, với cha ông của mình, với gia đình tâm linh của mình trong đó có thầy, có tổ. Mình là đứa con đã đi lang thang bao nhiêu năm tháng, và tu có nghĩa là quyết định trở về. Điều này cũng đúng với sư chú Pháp Ứng, cũng đúng với sư cô Thoại Nghiêm, với tất cả những người xuất gia. Biết rằng trong chuyến đi hoang mình có thể chỉ làm tan vỡ thêm. Sự nát tan đó có thể xảy ra trong cơ thể, trong tâm hồn mình, mà cũng xảy ra ở trong gia đình, trong xã hội mình. Tu là trở về hòa giải với chính thân và tâm mình. Mà trong thân tâm mình, đã sẵn có ông bà cha mẹ và thầy tổ. ‘‘Bạch thầy, con đã trở về, con xin xuống tóc để thọ mười giới’’, đó mới chỉ là khởi sự trở về thôi. Việc trở về phải tiếp diễn trong từng giây, từng phút. Bước đi một bước, ngồi xuống, uống một chén trà, tất cả những lúc ấy đều là những lúc phải thực tập trở về. Nếu không có năng lượng của chánh niệm thì việc trở về ấy không thể thực hiện được. Bạch thầy, con đã trở về, có nghĩa như vậy. Đó là một lời nguyện, đó là một giây phút giác ngộ, mà cũng là công việc thực tập thường xuyên không ngưng nghỉ.

Có nhiều người chán ghét thân thể mình, họ cảm thấy thân thể là một chướng ngại vật, họ giận hờn thân thể họ. Họ nói thân thể là một cái bình chứa đựng tội lỗi, là một nơi tích tụ khổ đau. Họ muốn đày đọa, dày vò, đánh đập thân thể họ. Đó chỉ là biểu hiện của sự đi hoang mà thôi. Đã đi hoang rồi, thì không còn nhận ra căn nhà của mình nữa, không nhận ra được ngôi chùa của mình nữa. Cho nên, đứng về mặt tình cảm và tâm linh mà nói, ý định muốn hủy hoại thân thể đã bắt nguồn từ chuyện bỏ nhà ra đi. Khi trở về tiếp xúc với thân thể, mỉm cười với từng bộ phận của thân thể, đó là bắt đầu trở về để hòa giải và tha thứ.

Bụt dạy: Ví dụ có một người nông dân leo lên trên gác nhà, khiêng xuống một bao hạt giống. Người nông dân đặt bao hạt giống trên sàn nhà, mở một đầu bao ra và cầm ngược đầu kia trút hết hạt giống xuống. Người nông dân nói: đây là hạt bắp, đây là hạt đậu, đây là hạt vừng, đây là hạt này, đây là hạt kia. Người nông dân nhận ra hạt bắp là hạt bắp, nhận ra hạt đậu là hạt đậu, nhận ra hạt mè là hạt mè. Chúng ta cũng vậy, trong khi trở về tiếp xúc với thân thể, chúng ta nhận ra đây là tóc của tôi, đây là hai mắt của tôi, đây là phổi tôi, đây là tim tôi. Đó là sự nhận diện đơn thuần. Đây là thân thể của tôi, ta chỉ nhận diện như vậy. Trong ví dụ đó, ta thấy được lòng từ bi của Bụt. Ta chỉ cần trở về để nhận diện thân thể ta, và nhận diện cho thật kỹ từng bộ phận của thân thể đó. Chúng ta lâu nay đã lãng quên chính thân thể chúng ta. Chúng ta lâu nay đã bỏ nhà đi hoang và bây giờ cần phải trở về. Nếu không trở về được với thân thể thì làm sao trở về được với cảm thọ, với tâm tư? Cho nên trở về thân thể là quan trọng. Có thể là trong những giờ thiền tập, mình nằm xuống trong tư thế buông thư, dùng ánh sáng của chánh niệm chiếu vào từng phần thân thể, để thấy rõ, tiếp xúc và mỉm cười với nó. Đó là một phương pháp thực tập rất hay.

Tiếp đến là sự dùng chánh niệm chiếu sáng vào những cử động và những tư thế. Khi đi thì biết là đang đi. Có một chứng bịnh gọi là thụy du (sleep walking). Ban đêm tự nhiên người ta nhỏm dậy, mở cửa đi và không biết là mình đi. Đó là biểu tượng của sự vong thân. Năm ngoái, trong khóa tu chúng ta đã nói về tình trạng cô hồn. Mỗi chúng ta đều có cái hạt giống cô hồn trong người. Chúng ta thỉnh thoảng lại có khuynh hướng bỏ nhà ra đi, bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ thầy, bỏ bạn mà đi. Hạt giống cô hồn nếu lớn lên thì chính nó sẽ đẩy chúng ta đi. Chúng ta sẽ làm một kẻ thụy du, đi mà không biết là mình đi đâu. Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh. Đi đâu cũng được.

Vũ Hoàng Chương viết:



Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa, Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh. Biển vô tận xá gì phương hướng nữa? Thuyền ơi thuyền, theo gió hãy lênh đênh.

Nếu nghe bốn câu đó mà cảm thấy hay, tức là ta biết trong ta đã sẵn có hạt giống cô hồn. Ít nhiều, chúng ta đều đã là những đứa con đi hoang. Và quyết tâm tu học tức là quyết tâm trở về.

Không phải là chỉ lúc nửa đêm thức dậy chúng ta mới mộng du đâu. Ban ngày cũng vậy. Ban ngày, có lúc đi ra nhà bếp, đi lên thiền đường, đi xuống phòng riêng, chúng ta cũng đi như mộng du vậy. Tức là đi không có chánh niệm. Đi mà không ý thức rằng mình đang đi thì không khác gì thụy du cả. Cho nên người tu, trong mỗi bước chân phải bước đi trong chánh niệm, mỗi bước chân của anh đều phải đưa anh vào tịnh độ.

Mỗi bước chân đi vào tịnh độ, Mỗi cái nhìn thấy được pháp thân.

Khi mắt ta nhìn với chánh niệm, ta thấy được tính mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại. Khi đi ta biết là mình đi. Chỉ cần có ý thức là mình đang đi thôi, tự nhiên bước chân trở nên thanh thản, đầy an lạc. Không cần làm gì hết, chánh niệm tự nó sẽ chuyển hóa tình trạng. Đang đi như bị ma đuổi mà ta vừa trở lại chánh niệm thì bước chân ta tức khắc trở thành khoan thai; và sự an lạc thảnh thơi sẽ đến, rất dễ dàng và tự nhiên. Ta chỉ nhận diện đơn thuần: ‘‘A, mình đang đi như bị ma đuổi.’’ Không cần tự trách cứ, không cần tự chê bai, mà tự nhiên những bước chân ta thảnh thơi trở lại.

Khi đứng ta cũng đứng trong chánh niệm. Như đứng xếp hàng để chờ đến lượt mình múc một bát canh. Trong khi đứng, ta không phiêu lưu bay tận trên mây hay trong vùng trời suy tưởng. Không phiêu lưu trong quá khứ hay ở tương lai. Tôi đang đứng đây và tôi biết rằng tôi đang đứng đây, chỉ như vậy thôi. Chuyện tôi đang đứng đây giữa các bạn tu của tôi, trong một khung cảnh thanh tịnh đã giúp tôi trở về. Riêng điều đó đã đủ để tạo ra an lạc và hạnh phúc rồi, không cần phải làm gì khác.

Đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm. Vào ra cười nói tướng đoan nghiêm.

Nếu có chánh niệm trong tâm thì tự nhiên khi đi ra, đi vào, cười, nói thì bên ngoài tướng mạo sẽ đoan nghiêm. Người ngoài nhìn ta sẽ thấy đây là một học trò của Bụt, không phải là một bóng ma. Còn nếu trong tâm không có chánh niệm mà ngoài cũng không đoan nghiêm, thì mình biết đây là một ngôi nhà bỏ hoang, là một con ma. Sống trong đại chúng tu học ta phải có nhiều cơ hội được nhắc nhở trở về chánh niệm. Cho nên tiếng chuông điện thoại cũng giúp ta trở về chánh niệm, tiếng chuông đồng hồ cũng giúp ta trở về chánh niệm, bàn tay chắp lại chào búp sen của người bạn tu cũng giúp ta trở về chánh niệm. Dáng đi ra hay đi vào của người sư anh hay sư chị cũng giúp ta trở về chánh niệm.

Đến lượt ta, ta cũng phải làm mọi việc trong chánh niệm, cống hiến cơ hội trở về chánh niệm cho tất cả những người ở chung quanh ta. Khi cúi xuống, ta biết rằng ta đang cúi xuống. Khi ngẩng lên, biết ta đang ngẩng lên. Đó là chánh niệm về tư thế của thân. Khi cầm một cái ly thì ta biết rằng ta đang cầm một cái ly. Khi đặt ly xuống thì ta biết rằng ta đang đặt cái ly xuống. Chánh niệm soi sáng các động tác của thân thể ta. Khi đánh răng, ta biết rằng ta đang đánh răng.

Chúng ta phải học Kinh Thân Hành Niệm, nhưng các ý chính của Kinh Thân Hành Niệm cũng có ở trong Kinh Niệm Xứ. Thành ra học Kinh Niệm Xứ cũng như học Kinh Thân Hành Niệm. Kinh Niệm Xứ là Kinh mà chúng ta không thể không học được, vì Kinh này vào thời của Bụt các thầy và các sư cô đều học thuộc lòng. Mỗi khi có một người sắp lìa đời, thường thường người ta đọc Kinh này. Đến bây giờ trong truyền thống Nam Tông, các thầy phần lớn cũng còn thuộc Kinh Niệm Xứ.

Kinh Niệm Xứ nằm trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya, kinh số 10), và cũng có trong Hán Tạng. Tên Pali của Kinh là Satipatthana sutta. Sati tức là niệm. Đây là sách gối đầu giường, đây là một bảo vật. Tu theo đạo Bụt mà không biết Kinh này, không học Kinh này, thì không ổn. Giống như người nông phu mà không nhận ra hạt giống hay là không biết cày bừa vậy. Kinh này tôi đã phiên dịch và chú giải, được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng. Tiếng Anh mang tựa đề là Transformation and healing, còn tiếng Việt mang tựa đề là Con Đường Chuyển Hóa. Kinh Niệm Xứ dạy cho chúng ta thực tập quán niệm về thân thể, thực tập chánh niệm về cảm thọ, về tâm hành và về các pháp. Và trong thiền môn, Kinh Niệm Xứ ít nhất phải được tụng mỗi tuần một lần.

Song song với Kinh Niệm Xứ là một Kinh khác, tôi nghĩ, không kém phần quan trọng. Đó là Kinh An Ban Thủ Ý, tức là Kinh Quán Niệm Hơi Thở. Kinh này xuất hiện ở Việt Nam chậm nhất là vào đầu thế kỷ thứ ba. Thiền sư Tăng Hội, gốc người Khương Cư nhưng sinh ở Việt Nam, xuất gia ở Việt Nam, học tiếng PHạn và tiếng Hán ở Việt Nam, đã viết tựa cho Kinh An Ban Thủ Ý vào nửa đầu thế kỷ thứ ba, trước khi Ngài đi sang Đông Ngô để truyền bá đạo thiền. Thiền sư Tăng Hội sống trước tổ Bồ Đề Đạt Ma tới 300 năm. Ngài là sơ tổ của thiền tông Việt Nam. Bài tựa Kinh An Ban Thủ Ý của thầy Tăng Hđoi vẫn còn trong Hán Tạng. Nhờ bài tựa đó nên chúng ta biết rằng thầy Tăng Hội đã tu học và chứng đạt ở Việt Nam, rồi sau mới sang Trung Hoa hoằng pháp. Ngôi chùa đầu tiên thầy lập ra ở kinh đô nước Ngô gọi là Chùa Kiến Sơ. Sơ tức là đầu tiên. Kiến sơ là đầu tiên được thành lập. Vai trò của thầy Tăng Hội trong đạo Bụt Trung Hoa rất lớn.

An ban, phiên âm từ tiếng Phạn anapana, là hơi thở ra và hơi thở vào. Còn thủ ý là nắm lấy tâm ý của mình. Hai chữ thủ ý ngày xưa dùng để dịch chữ niệm. Tên kinh này có nghĩa là ‘‘thực tập chánh niệm về sự thở ra, thở vào.’’ Kinh An Ban Thủ Ý dịch cho sát nghĩa là Nhập Tức Xuất Tức Niệm Kinh, tức là Kinh quán niệm về hơi thở vào và hơi thở ra, chữ tức nghĩa là hơi thở. Bây giờ chúng ta dịch là Kinh Quán Niệm Hơi Thở. Kinh An Ban Thủ Ý tôi đã dịch ra tiếng Việt và đã chú giải rất kỹ lưỡng. Ngày tôi tìm được Kinh An Ban Thủ Ý, tôi mừng như người tìm được kho vàng. Ta phải biết rằng ta may mắn lắm, có nhiều phước đức lắm mới gặp được những Kinh như vậy. Và nhất là khi bản dịch và chú giải đã được in và đưa tới cho mình mà không biết sử dụng thì thật giống như con nhà giàu mà còn chịu nhịn đói.

Cùng với hai Kinh này còn có một cái Kinh rất gần, gọi là Kinh Người Biết Sống Một Mình (Bhaddekaratta sutra). Có bản dịch là Kinh Nhất Dạ Hiền Giả, nhưng dịch như vậy là sai. Nhất dạ là một đêm, Vị hiền giả một đêm. Biết sống một mình nghĩa là biết nuôi dưỡng chánh niệm, không tự đánh mất mình. Kinh này có nhiều bản lắm, có tới năm, sáu bản cùng một ý. Trong Trung Bộ cũng như là trong Trung A Hàm, mỗi bộ có bốn hoặc năm Kinh nói về chủ đề này, tức là chủ đề biết sống một mình.

Kinh người biết sống một mình

Sống một mình là sống trong chánh niệm. Có những người không thể sống một mình, có những người chỉ có thể sống khi dựa vào người khác, vật khác. Người khác ở đây có thể là phim chưởng, có thể là tiểu thuyết, có thể là tivi. Nếu không có một đối tượng bên ngoài nào dẫn dắt thì người ấy không thể sống được, nếu ở không thì chắc chết, cho nên người ấy phải cầm điện thoại lên để nói, nói với bất cứ ai, bất cứ chuyện gì. Hoặc nếu không gọi điện thoại cho ai được thì phải mở truyền hình ra xem. Nếu trong truyền hình không có gì để xem thì phải đi kiếm một tờ báo. Nếu không có báo thì đi tìm một cuốn tiểu thuyết. Luôn luôn phải có cái gì đó để giúp cho mình đứng vững. Nếu không thì ngã lặn ra, không sống nổi.

Biết sống một mình (ekavihari) nghĩa là sống mà không cần đến những thứ trên. Tự mình đã có đủ niềm vui, có đủ sự sống. Trong các Kinh ấy, Bụt dạy: Đi vào trong rừng mà sống, xa cách xã hội, không có ai ở chung với mình, cái đó chưa phải là sống một mình đích thực. Nếu ở trong rừng mà vẫn nghĩ vọng về quá khứ, vẫn mơ mộng hay lo lắng tới tương lai, như thế Bụt gọi là sống hai mình (sadutiyavihari). Chữ này là chữ của Ngài. Dẫu anh ở trong rừng không có bóng người mà không an trú được trong hiện tại thì anh vẫn sống hai mình như thường. Còn nếu anh đi vào trong chợ mà có chánh niệm, biết được những gì xảy ra trong giây phút hiện tại, tinh lực của chánh niệm đang tỏa sáng và cho anh biết anh đang đi, đang đứng, đang nói, đang cười, lúc đó là anh sống một mình. Đây là một Kinh rất quan trọng. Kinh Người Biết Sống Một Mình là văn kiện cổ nhất của nhân loại nói về nghệ thuật sống trong giây phút hiện tại. Kinh này đã được dịch và chú giải. Trong Kinh có bài kệ rất nổi tiếng:

Đừng tưởng nhớ quá khứ, Đừng lo lắng tương lai. Quá khứ đã không còn, Tương lai thì chưa tới. Hãy quán chiếu sự sống Trong giờ phút hiện tại. Kẻ thức giả an trú, Vững chãi và thảnh thơi. Hãy tinh tiến hôm nay, Kẻo ngày mai không kịp; Cái chết đến bất ngờ, Không thể nào mặc cả. Người nào biết an trú Đêm ngày trong chánh niệm, Thì Như Lai gọi là: Người biết sống một mình.

Đó là một bài thơ của Bụt. Bài này được lặp đi lặp lại nhiều lần ở trong những Kinh có chủ đề Biết Sống Một Mình. Có Kinh lặp lại bài kệ đó tới hai lần, có Kinh một lần. Có khi đọc bài kệ xong, Bụt đi vào ngồi thiền. Các thầy chưa hiểu, đi tìm một thầy khác để hỏi. Có khi đọc xong rồi Bụt giảng giải. Như vậy, ngày xưa Bụt cũng đã dùng thi ca để mà giảng dạy đạo lý.

Quán niệm thân trong thân

Khi thực tập chánh niệm về thân, chúng ta biết những gì đang xảy ra trong thân thể. Chúng ta nhận diện những bộ phận của thân thể chúng ta. Chúng ta nhận diện những tư thế và những động tác của thân thể ta: đi, đứng, nằm, ngồi, cúi đầu xuống, co tay lên, lau nhà, rửa chén… Và tiếp đến chúng ta nhận diện những yếu tố tạo thành ra thân thể ta như chất đặc, chất lỏng, hơi nóng và không khí, gọi là tứ đại (maha bhuta): đất, nước, lửa, gió. Tôi đang thở vào và nhận diện yếu tố đất ở trong tôi. Thở vào như vậy, ta nhận ra yếu tố đất trong ta. Đất này không phải là đất bám ngoài da khi chưa đi tắm đâu. Đất nằm ngay ở trong máu, trong tim, trong óc. Sau này ta sẽ nhận diện yếu tố đất bên ngoài đang nuôi dưỡng ta, để thấy ta không phải chỉ ở bên trong, ta còn ở bên ngoài. Từ đó ta sẽ đi tới cái thấy về tính chất bất sinh và bất diệt. Tôi đang thở vào và thấy yếu tố đất trong tôi, tôi đang thở ra và cười với yếu tố đất trong tôi. Tôi đang thở vào và nhận diện yếu tố lửa trong tôi. Nếu không có sức nóng thì làm gì có sự sống? Ta phải thấy được sức nóng ở trong ta, rồi thấy năng lượng mặt trời ở ngoài đang nuôi dưỡng ta. Tôi đang thở ra và tiếp xúc với yếu tố nước ở trong tôi. Trong thân thể ta, ít nhất bảy mươi phần trăm trọng lượng là nước. Sau này, ta sẽ nhận diện sự có mặt của yếu tố nước ngoài thân thể, để thấy rằng ta thật không phải ở trong cũng không phải ở ngoài. Rồi đến không khí. Tất cả những thực tập đó đều thuộc về lĩnh vực mà trong Kinh dạy là quán niệm thân thể trong thân thể (the contemplation of the body in the body).

Quán niệm ở đây không có nghĩa là nhìn ngắm với tư cách một quan sát viên, mà phải đặt mình vào trong đối tượng quán chiếu. Người quán niệm với đối tượng quán niệm là một. Nếu ta đóng vai một quan sát viên thì sự quán sát vẫn có tính cách nhị nguyên, tức là có sự tách rời giữa người quán sát và vật được quán sát. Thực tập theo Kinh Niệm Xứ, ta phải quán chiếu như thế nào để ta với đối tượng quán chiếu trở thành một. Cho nên Kinh nhấn mạnh là quán niệm thân thể trong thân thể. Chúng ta tưởng tượng: có một anh đi xin việc. Người chủ hãng ngước nhìn anh từ đầu tới chân, đánh giá. Con mắt nhìn đánh giá đó có tính cách nhị nguyên. Ông chủ hãng và anh xin việc hoàn toàn khác biệt. Nhưng ta cũng có thể có một cách nhìn khác. Ta nhìn người ấy, tự đặt ta vào người ấy. Ông chủ biết rằng người xin việc đang run. Một tiếng ‘‘có’’ hay ‘‘không’’ của ông có thể quyết định số phận của người ấy. Nếu ta đặt ta vào hoàn cảnh của anh, của gia đình anh, của tâm tư anh, thì ta mới hiểu được anh. Cách thứ hai này chính là cách Bụt dạy quán chiếu. Khi quán chiếu, ta đừng dùng cái trí năng, cái intellect của ta, đừng đứng ngoài đối tượng của sự quán chiếu. Quán chiếu như thế nào để chủ thể và đối tượng trở thành một thì mới đúng là quán chiếu theo tinh thần đạo Bụt. Đó gọi là vô phân biệt trí. Tiếng Pháp có động từ comprendre, tức là hiểu. Động từ đó gồm tiếp đầu ngữ com và động từ prendre. Prendre tức là cầm lấy. Com tức là trở thành một với cái đó. Khi hiểu một người nào thì mình phải trở thành một với người đó, như vậy mới thật sự là hiểu. Đó là tinh thần quán chiếu của đạo Bụt.

Quán niệm thân thể trong thân thể, quán niệm cảm thọ trong cảm thọ, quán niệm tâm hành trong tâm hành. Luôn luôn Bụt lặp đi lặp lại như vậy. Có lần tôi đặt câu hỏi: ‘‘Tại sao phải lặp lại quán niệm thân thể trong thân thể?’’ Một vị Phật tử trả lời: ‘‘Như vậy để người nghe chú ý rằng đây là thân thể chứ không phải là tâm hành hay là cảm thọ.’’ Nói vậy là không hiểu ý Bụt. Theo phương pháp đạo Bụt, câu trên phải được hiểu là trong khi quán niệm ta phải xóa bỏ ranh giới giữa chủ thể và đối tượng.

Trong phần quán niệm thân thể trong thân thể, Bụt dạy đến việc theo dõi hơi thở. Hơi thở thuộc về lĩnh vực của thân, vì hơi thở liên hệ tới phổi, tới những bắp thịt của hoành cách mô. Nhưng hơi thở còn là một cây cầu bắc từ thân sang tâm. Vì vậy, theo dõi hơi thở giúp ta phát khởi và duy trì chánh niệm một cách kỳ diệu. Người tu học không nắm vững phương pháp quán niệm hơi thở thì rất khó thành công. Trong khi quán niệm về thân thể, về các bộ phận, các tư thế, các động tác và về tứ đại trong thân thể, nếu biết sử dụng hơi thở có ý thức, ta sẽ thành công gấp trăm, gấp ngàn lần. Hơi thở có ý thức (la respiration consciente) giúp ta duy trì đối tượng đang quán chiếu, và nuôi dưỡng chánh niệm, không để cho tan loãng.



Hơi thở có thể là đối tượng đơn thuần của chánh niệm, hoặc cùng đi đôi với một đối tượng khác. Tôi đang thở vào và tôi biết tôi đang thở vào; tôi đang thở ra và tôi biết tôi đang thở ra. Tôi đang thở vào một hơi dài và tôi biết tôi đang thở vào một hơi dài; tôi đang thở ra một hơi dài và tôi biết tôi đang thở ra một hơi dài. Tôi đang thở vào một hơi ngắn và tôi biết tôi đang thở vào một hơi ngắn; tôi đang thở ra một hơi ngắn và tôi biết tôi đang thở ra một hơi ngắn. Đó là nhận diện hơi thở, biết được chiều dài ngắn của hơi thở. Trong trường hợp này, hơi thở là đối tượng đơn thuần của chánh niệm, gọi là hơi thở chánh niệm (mindfulness of breathing). Chúng ta nên nhớ chánh niệm luôn luôn là chánh niệm về một cái gì (mindfulness is always mindfulness of something). Không thể có chánh niệm mà không có đối tượng.

Điều này cũng áp dụng với tất cả các tâm hành. Niệm là một trong năm mươi mốt tâm hành. Dùng tâm hành chánh niệm ta quán chiếu các tâm hành khác. Tôi đang thở vào và làm an tịnh sự vận hành của thân thể tôi; tôi đang thở ra và làm an tịnh sự vận hành của thân thể tôi. (Breathing in, I calm the activity of my body. Breathing out, I calm my body). Trong trường hợp này, đối tượng của chánh niệm vừa là hơi thở vừa là tình trạng của thân thể. Đối tượng chánh niệm không còn thuần là hơi thở nữa. Những vận hành của thân thể gọi là thân hành. Dùng hơi thở để làm cho thân thể mình yên tịnh lại, đó gọi là an tịnh thân hành. Đối tượng chánh niệm ở đây tuy là hơi thở nhưng hơi thở đó chuyên chở cảm thọ về thân thể, giúp cho thân thể êm dịu lại.

Thân thể ta đôi khi bất an như trong trạng thái gọi là trạo cử, một trong 51 tâm hành. Trạo cử tức là chđon rộn, muốn múa máy, muốn cựa quậy, cả thân lẫn tâm, đứng không yên, ngồi không yên, như trên đống lửa. Thân và tâm đều như đang bốc cháy, ta muốn đứng dậy, muốn nhảy, muốn làm một cái gì. Tâm hành đó gọi là trạo cử. Tâm có thể bị trạo cử, và thân cũng vậy. Những lúc có trạo cử ta phải dùng phương pháp quán niệm hơi thở để làm cho thân tâm an tịnh lại. Theo kinh nghiệm của thiền môn, mỗi khi tâm hay thân bị trạo cử thì người ngồi thiền tập trung ý niệm vào nơi rốn. Vừa thở và vừa chú ý tới bụng mình đang lên xuống theo. Tôi đang thở vào và biết rằng bụng tôi đang phình ra, tôi đang thở ra và biết rằng bụng tôi đang xẹp xuống. Tôi đang thở vào và làm cho thân tôi an tịnh, tôi đang thở ra và làm cho thân tôi an tịnh. Khi ta chú ý vào huyệt đan điền nơi bụng thì máu sẽ dồn xuống đó, và trên đầu sẽ bớt nóng. Thân và tâm ta sẽ bớt lăng xăng. Những lúc buồn ngủ, ta lâm vào trạng thái hôn trầm (sleepiness). Khi bị hôn trầm thì ta làm ngược lại, nghĩa là đem sự chú ý của mình lên trên chóp mũi. Thở vào, ý thức rằng hơi thở đang đi vào cơ thể mình qua lỗ mũi. Thở ra, ý thức rằng hơi thở đang từ hai lỗ mũi đi ra. Làm như vậy máu sẽ dồn lên phía trên, sau một vài phút ta sẽ thấy tỉnh táo hơn. Đó là phương pháp các thầy từng sử dụng ở chùa lâu nay. Nếu ngồi thiền một mình thì ta có thể đứng dậy, đi kinh hành. Còn nếu ngồi thiền với đại chúng, sợ đứng dậy sẽ làm động chúng, ta nên thực tập theo cách thức trạo cử đi xuống, hôn trầm đi lên.

Rửa chén hay chép kinh trong chánh niệm

Kỳ trước chúng ta đã nói tới như lý tác ý. Như lý tác ý là để ý tới những đối tượng có thể giúp ta đi về hướng chánh niệm, đi về hướng hiểu biết và thương yêu. Ví dụ khi nghe tiếng chuông, ta nhớ trở về với hơi thở chánh niệm và mỉm cười. Tiếng chuông trở thành một yếu tố giúp chúng ta thực tập như lý tác ý. Còn nếu chú ý tới một hình ảnh hay một âm thanh có công dụng kéo ta đi về quá khứ, đưa ta bập bềnh trên biển tương lai, hay khiến ta bị giam hãm trong những tâm trạng buồn khổ, lo phiền, thì đó gọi là phi như lý tác ý.

Sống ở trong một tăng thân, ta phải tạo cho mình và mọi người những cơ hội để được thức tỉnh, để ai nấy có thêm những giây phút như lý tác ý. Khi bước vào bếp thấy anh rửa bát, tôi hỏi: ‘‘Anh đang làm gì đó?’’ Đó là một phương cách giúp anh như lý tác ý. Nếu anh chỉ biết trả lời: ‘‘Thưa thầy, con đang rửa bát.’’ thì anh còn dở quá đi! Tôi hỏi như vậy với mục đích là giúp anh trở về với hơi thở, để anh thấy được rửa chén trong chánh niệm là một động tác mầu nhiệm. Nếu ta rửa chén với chánh niệm và nụ cười thì việc rửa chén trở nên một niềm vui. Còn nếu ta đang rửa chén với sự bực bội: ‘‘Tại sao người ta đi ngủ hết rồi mà mình còn đứng đây?’’ thì anh đang ở địa ngục. Câu hỏi của tôi giúp anh thực tập như lý tác ý, trở về với chánh niệm, với tịnh độ. Còn nếu tôi không có đó thì anh phải tự hỏi mình. Nếu anh tự thấy đang thất niệm, đang lẩn quẩn trong nỗi buồn bực vì nghĩ rằng mình rửa bát mà người khác đang ngủ, thì anh phải trở về hơi thở. Hơi bực dọc một chút thì anh tự hỏi: ‘‘Ta đang làm gì đây?’’ Đang rửa bát mà đầu ta suy nghĩ từ chuyện này đến chuyện khác cũng vậy. Đó không phải là như lý tác ý. Thực tập chánh niệm là khi rửa bát ta chỉ rửa bát mà thôi. Phải rửa bát như là ta đang ở trong tịnh độ. Rửa bát với hơi thở và với nụ cười thì cũng giống như ta đang tắm cho một đức Bụt sơ sinh.

Cho nên lúc nhận ra là ta đang rửa chén vội vàng, ta chỉ muốn làm cho xong, thì ta phải như lý tác ý. Ta nói: ‘‘Mình đang làm gì đây?’’ Nếu sư chú không thực tập được như vậy thì uổng cả cuộc đời tu! Dầu sư chú có rửa được sáu, bảy ngàn cái chén mỗi ngày thì công đức của sư chú cũng chỉ bằng hạt cát. Cho nên khi vua Lương Vũ Đế hỏi thầy Bồ Đề Đạt Ma: ‘‘Lâu nay tôi làm được bao nhiêu chùa, tô bao nhiêu tượng, vậy tôi có công đức không?’’ Thầy Bồ Đề Đạt Ma nói : ‘‘Không có công đức gì hết’’. Nếu sư chú hay sư cô làm việc quần quật suốt ngày, nghĩ rằng đang đem hết thân mạng của mình để phụng sự Tam Bảo, nhưng trong khi làm việc sư chú và sư cô làm không có chánh niệm và an lạc, thì công đức của sư chú và của sư cô cũng rất ít! Quý vị cũng vậy, quý vị có thể là y tá, là bác sĩ, là người bảo vệ sinh môi. Nếu quý vị làm quần quật suốt cả đời, nghĩ rằng mình đang cứu vớt nhân loại, mình đang bảo vệ trái đất, nhưng quý vị không sống đích thực, sống không chánh niệm, thì quý vị cũng bị thầy Bồ Đề Đạt ma sổ toẹt thôi. Điều quan trọng là trong giây phút hiện tại ta có sống hay không? Giây phút đó có hạnh phúc, có an lạc, có ánh sáng của Bụt chiếu tới, hay không?. ánh sáng của Bụt ở đây là chánh niệm. Mỗi khi có chánh niệm là ta có ánh sáng ấy. Ta không cần phải trở lui hai ngàn sáu trăm năm trước để gặp Bụt mới có ánh sáng đó. Ta có thể tiếp xúc với Bụt trong bất cứ giây phút nào, tại vì chánh niệm là Bụt, là giác ngộ.

Chánh niệm nhiều khi được tạo ra từ thất niệm. Cũng như hoa sen sinh ra tự trong bùn. Muốn có chánh niệm, muốn nuôi dưỡng chánh niệm, ta có thể sử dụng ngay những chất liệu phiền não. Những đau buồn và sầu hận của ta, cũng như tất cả những rác rến khác ở trong ta, nếu biết cách ta có thể ủ chúng làm phân bón. Từ phân bón đó có thể sinh ra những bông hoa chánh niệm rất tươi đẹp. Đó là Bụt ở trong tự thân của chúng ta.

Cho nên khẩu quyết đưa ra rất đơn giản: ‘‘Ta đang làm gì đây?’’ là một tiếng chuông chánh niệm rất lớn. Ta đang phung phí đời ta vào việc gì vậy? Ngay trong lúc ta chép kinh hay tụng kinh cũng vậy nữa. Có khi ta chép kinh và tụng kinh trong thất niệm, đó cũng là làm phí cuộc đời. Đừng tưởng chép kinh thì tự nhiên có công đức. Chép kinh không chánh niệm thì công đức là số không.

Hiện pháp lạc trú

Câu hỏi: ‘‘Ta đang làm gì đây?’’ là tiếng chuông chánh niệm đầu. Câu hỏi tiếp theo: ‘‘Ta làm việc này để làm gì?’’ Rửa bát không phải chỉ là để có bát sạch mà ăn cơm. Nếu quả như vậy thì công đức rửa chén còn nhỏ lắm. Rửa nồi mà chỉ để cho có cái nồi sạch thì công đức cũng nhỏ. Nhưng nếu ta biết chùi nồi trong chánh niệm, chùi nồi như đang ngồi ở cõi tịnh độ nâng niu một đóa hoa sen thì công đức ta sẽ vô lượng. Hai câu hỏi trên giúp ta an trú trong hiện tại. Tuy rằng công việc ta làm có thể chậm hơn một chút, nhưng ta trở nên thư thái và có hạnh phúc ngay trong khi làm việc. Những điều này rất cụ thể, đơn giản, rất thực tế, nếu đem ra thực hành sẽ thấy.

Đôi khi ta nghĩ ta chỉ muốn làm những việc rất quan trọng, như thuyết pháp, chép kinh, dịch kinh. Nhưng nếu ta không sống an lạc và thoải mái trong những giây phút ấy thì công đức vẫn không có gì.

Tu tức là một cuộc trở về. Xuất gia là sự trở về nhưng xuất gia chưa phải là tu. Cách đây năm năm, có một ông ở Xóm Thượng hỏi: ‘‘Đi tu có dễ không?’’ Tôi nói: ‘‘Đi tu thì dễ, chỉ tu mới khó.’’ Thì đi tu nghĩa là phát nguyện trở về. Và con đường về có đèo, có suối, ta phải leo, phải vượt. Tuy rằng đường có đèo, có núi, phải leo phải vượt, nhưng ta vẫn có thể có hạnh phúc. Chúng mình có thể leo núi Linh Thứu với nhau. Mỗi bước chân đi đem tới bao nhiêu an lạc, bao nhiêu hạnh phúc. Mà leo núi Thứu ta đâu cần phải qua tận bên Ấn Độ. Núi Thứu là đây. Đi thiền hành với nhau, những bước chân thảnh thơi, có khả năng đưa ta về an trú trong hiện tại, thì đây là núi Thứu. Điều quan trọng là chúng ta có ý chí, có nguyện vọng muốn trở về. Trở về với tư cách một tăng thân thì sẽ dễ dàng hơn. Từ khi sinh ra đến giờ, chúng ta được huấn luyện phải lo cho tương lai. Mới có ba, bốn tuổi mà đã bắt đầu phải lo cho ngày mai, cái đó đâu chắc đã là hay. Khi mải miết làm việc này hay việc kia, ta bị cái tập khí ‘‘lo cho hạnh phúc ngày mai’’ điều khiển. Và đó là một chướng ngại rất lớn cho sự tu học và cho sự an lạc của mình. Làm cái gì cũng là để xây dựng cho ngày mai hết, còn hôm nay chỉ đáng để hy sinh thôi. Nhan nhản xung quanh ta biết bao nhiêu người dạy ta phải hy sinh hiện tại cho tương lai, ‘‘Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.’’

Câu thơ ‘‘Vui trong tham dục, vui rồi khổ. Khổ để tu hành, khổ ấy vui’’ ngụ ý tu hành thì phải khổ. Tại sao tu hành phải khổ? Bụt dạy rằng: ‘‘Pháp của ta là an lạc trong hiện tại và an lạc trong tương lai.’’ Vì vậy châm ngôn của đạo Bụt là hiện pháp lạc trú. Hiện pháp lạc trú (drstàdharmasu Khavihara) nghĩa là an trú hạnh phúc ngay trong hiện tại. Hiện pháp, drstadharma, tức là bây giờ, ở đây. Nếu chúng ta đày đọa thân tâm trong khi tu học là chúng ta đi ngược lại lời Bụt dạy. Chúng ta phải cố gắng để thực hiện phương châm tu học đích thực của đạo Bụt cho chúng ta và cho những người xung quanh. Đó là hiện pháp lạc trú.

Quét nhà, gánh nước, nấu cơm, rửa nồi, ta phải tổ chức như thế nào, phải sắp đặt như thế nào để có thể làm được những công tác đó một cách thoải mái, không gấp gáp. Và khi đầu óc ta miên man lo lắng về những gì phải làm ngày mai, những lúc chúng ta đang có trạo cử, chúng ta nên thực tập như lý tác ý. Phải lập tức nhớ bài kệ để thực tập. Đã về, đã tới, bây giờ, ở đây. Nhà của ta là hiện pháp, là bốn lĩnh vực: thân, thọ, tâm, pháp, trong hiện tại. Phải trở về ngay lập tức. Bước một bước ta thở vào và ta nói: đã về. Bước một bước khác, thở ra, ta nói: đã tới. Tự nhiên bao nhiêu phiêu lưu và rong ruổi của tâm ý đều bị cắt đứt hết. Và ta bước những bước chân thảnh thơi trong an lạc.

Phương pháp này phải thực tập trong khi ngồi thiền, đi thiền, trong khi ăn cơm, uống nước. Ta thực tập trong khi làm việc, trong khi ngồi với thầy, với bạn. Và ta thấy rõ ta có khả năng an trú trong hiện tại. Khả năng sống hạnh phúc trong hiện tại (the capacity to be happy in the present moment), đó là điều đáng ca ngợi nhất. Người không có khả năng sống hạnh phúc trong hiện tại, người đó rất nghèo, rất khổ. Chỉ những người có khả năng ngồi, đứng, đi, nằm, và mỉm cười với những gì đang xảy ra trong hiện tại, mới là những người có hạnh phúc thực sự. Bụt là một người như vậy. Ngài chỉ cần bước chân đi thôi, mà đi bước nào là tới bước đó. Đi mà không cần lo tới, vì mỗi bước chân đều đưa ta tới hết. Mỗi bước chân đưa ta tới hiện tại, đó là phép thiền hành của chúng ta. Cho nên về Làng Mai mà quý vị nếu không thực tập thiền hành thì quý vị đâu có thực sự về Làng. Tuy nói là ở Làng mà kỳ thực quý vị đang ở chỗ khác. Mỗi bước chân, dầu ta đi vào bếp hay đi sang cầu tiêu, cũng phải bước đi như bước đi trên tịnh độ. Mỗi bước chân đi vào tịnh độ, bài tụng đó để nhắc nhở ta chứ không phải là một lời cầu nguyện. Chúng ta phải tu mà đừng nhờ Bụt tu dùm. Khi làm thị giả cho thầy, ta biết rằng cái lợi lạc nhất là được thấy thầy làm việc này, việc kia. Nếu thầy an trú trong hiện tại, nếu thầy có hạnh phúc trong hiện tại, thì ta cũng học được phép an trú đó. Không phải làm thị giả để được học những điều gì khác.

Đâu chẳng phải là nhà

Đây là một bài thực tập :

Đã về Đã tới Bây giờ Ở đây Vững chãi Thảnh thơi Quay về Nương tựa

Đã về, đã tới. Thở vào một hơi, ta nói: Đã về rồi. Không cần phải làm một việc gì khác nữa. Việc làm quan trọng nhất là sự về nhà. Mỗi bước chân đi đều có an lạc. Mỗi bước chân đi vào tịnh độ. Cũng trên mặt đất này nhưng có người đang bước đi như bước trong địa ngục. Còn ta đang bước trên tịnh độ vì ta đã về. Nơi nào cũng là nhà. ‘‘Đại thiên sa giới ngoại, hà xứ bất vi gia?’’ Trong tam thiên đại thiên thế giới này, chỗ nào chẳng phải là nhà của mình? Đó là hai câu thơ của một thiền sư đời Lý, tên là Thường Chiếu. Nếu cùng đi với đại chúng mà đi mau hơn, ta có thể trong khi thở vào, bước hai hay ba bước (đã về, đã về, đã về), thở ra (đã tới, đã tới, đã tới). Đi thiền hành là một niềm vui. Leo núi Thứu ta bước như vậy, mà bước trên đồi Meyrac ở Làng Mai, ta cũng bước như vậy. Ta có thể gặp Bụt bất cứ lúc nào nếu ta thực tập đã về, đã tới. Chỉ thực tập như vậy, cũng đủ mang lại rất nhiều hạnh phúc rồi, chứ đừng nói là tu tập nhiều hơn.

Sau khi thực tập 5 phút hoặc 10 phút, ta có thể tập đến các câu kế tiếp: bây giờ, ở đây. Khi thở vào, bây giờ, bây giờ; khi thở ra, ở đây, ở đây, Nhưng ta không được lặp lại những quán ngữ ấy như một con vẹt: bây giờ, bây giờ, ở đây, ở đây. Ta phải làm sao để cho ta thực sự an trú ở giây phút hiện tại thì đó mới là bây giờ và ở đây. Có những người niệm Bụt mà không đủ chánh niệm. Niệm Bụt như một con vẹt thì dù có niệm 52 vạn tiếng, công đức cũng là số không. Các câu ‘‘bây giờ và ở đây’’, nếu lặp lại mà thiếu chánh niệm, thì chi bằng ta thâu chúng vào băng cassette để phát ra cho dễ có công đức! Nhưng chúng ta nhất định không làm cái máy cassette. Khi thở vào (bây giờ, bây giờ) ta thấy rất rõ ta đang an trú trong giờ phút hiện tại. Ta an trú ở đây. Ta đang ở Làng Mai thì Làng Mai là tịnh độ. Chừng nào ta về Úc, thì Úc là tịnh độ. Chừng nào về Houston, thì Houston là tịnh độ. Còn bây giờ ở Làng thì Làng còn là tịnh độ của ta.

Có khi ta thực tập đã về, đã tới, mà mới chỉ về chỉ tới được có 30 phần trăm thôi. Vì ta đang còn bị lôi kéo bởi quá khứ và tương lai. Nhưng càng thực tập ta càng về được nhiều hơn. Đến khi thực tập sang câu ‘‘bây giờ và ở đây’’, ta có thể đã về tới 80 hoặc 90 phần trăm, có khi 100 phần trăm. Bước chân ta đã thực hiện được sự trở về 100 phần trăm, đó là bước chân của tượng vương, của con voi chúa. Bước chân của Bụt bước nào cũng như vậy. Mỗi bước chân đều vững chãi như bước chân tượng vương.

Sau khi thực tập và biết là mình đang ở đâu rồi, thì hạnh phúc tự nhiên có mặt. Ta sẽ tập tiếp ‘‘Vững chãi, thảnh thơi’’. Đây là hai thuộc tính của niết bàn. Khi nếm được an lạc của niết bàn thì ta có sự vững chãi, thảnh thơi. Thảnh thơi tức là không bị ràng buộc, không làm nô ɭệ cho quá khứ, cho tương lai, cho sự thèm khát, giận hờn, lo lắng, buồn phiền. Ta là con người tự do. Chỉ cần đi trong hai điều kiện này thôi là ta có hạnh phúc tràn trề rồi. Hạnh phúc đó nuôi dưỡng ta và trị liệu những khổ đau trong ta. Cả những khổ đau đã được truyền lại từ nhiều thế hệ tổ tiên, ta cũng có thể chuyển hóa. Chúng ta có thể đã tiếp nhận bao nhiêu khổ đau của nhiều thế hệ. Nhưng nếu ta biết phát khởi chánh niệm và dùng năng lượng chánh niệm để trở về, để tiếp xúc được với những hạt giống an lạc, hạnh phúc trong bản thân ta, thì sự vững chãi, thảnh thơi đạt được sẽ chuyển hóa và trị liệu những nỗi khổ và niềm đau ấy.

Sự thực tập của ta là quy y, nghĩa là quay về nương tựa. Quay về đây tức là quay về với gốc rễ của mình. Gốc rễ Bụt, Pháp, Tăng vốn sẵn ở trong lòng ta. Ta không còn sợ hãi nữa. Như một đợt sóng. Đợt sóng có lên có xuống, nhưng khi đợt sóng quay về với nước, biết mình là nước rồi, thì không còn sợ hãi nữa. Quay về với bản tánh tự tâm của mình, với chân như, với giác tính, là ta không còn sợ hãi. Lên cũng được, xuống cũng được, sống cũng được, chết cũng được. Không có gì thêm, không có gì bớt cả. Đó gọi là quay về nương tựa. Đây là một bài thực tập rất đơn giản cùng với nhiều bài thực tập khác mà chúng ta phải nắm cho vững. Bài thực tập này có thể được sử dụng trong khi ngồi thiền, trong khi đi thiền hành, trong khi làm việc, trong khi nấu cơm, trong khi ăn cơm. Ăn cơm cho có an lạc, ngồi ăn như ngồi ở tịnh độ. Nếu ăn cơm mà không có hạnh phúc, không có thảnh thơi thì ta đã thực tập sai. Đừng nói: ‘‘Ăn cho mau xong để còn đi ngồi thiền.’’ Nói thế là không đúng. Tại vì ăn cơm cũng có giá trị tương đương với ngồi thiền. Phải ăn cơm trong chánh niệm. An lạc từng giây phút, đó là thiền. Cho nên chúng ta có thiền đi, thiền ngồi, thiền trà, thiền ăn, thiền nói. Cái gì cũng có chất thiền. Thiền ở đây chỉ có một nghĩa thôi, đó là sự có mặt của chánh niệm. Hễ có mặt của chánh niệm thì bất cứ việc gì ta làm đều trở thành thiền hết. Và nếu có chánh niệm tức là ta đang ở cõi tịnh độ, ta đang tiếp xúc với gốc rễ tâm linh của ta.