Thế Giới 2 - Chương 7: Chuyện kể

Ở cùng một nhà, mà muốn nói chuyện với nhau sao lại khó khăn đến thế, nhìn thấy nhau thậm chí còn tiếc lời với nhau.

“Dạ!”

Cô bé ngoan ngoãn viết, tuy giữa chừng có hơi khựng lại một chút nhưng cũng thành công viết xong.

“Giỏi lắm!” Yến Khanh khen.

“Con mở sách ra kiểm tra lại chính tả đi!”

“A!” Cô bé tự phát hiện ra chỗ sai. Ánh mắt cô bé vô thức nhìn bà ngoại trưng cầu ý kiến.

Yến Khanh không do dự liền nói.

“Viết lại một bài khác, lần này không khựng nữa cũng không để sai chính tả nữa.”

“Dạ!”

Yến Khanh ngồi cùng với hai nhóc thêm một lát. Khi bài tập cũng đã được làm xong Yến Khanh cứ ngỡ mình có thể để hai nhóc trở về ngủ, dù sao bản thân cũng được nghỉ ngơi.

Thế nhưng…

Yến Khanh đi gần đến phòng thì nghe cô bé gọi mình.

“Bà ơi, bà!”

“Sao vậy con!”

“Bà có biết kể chuyện không? Bà kể chuyện cho con nghe đi.”

Yến Khanh nhìn đồng hồ, gần 9h30 rồi. Hai nhóc này còn không đi ngủ thì sáng mai lại dậy không nổi để đi học.

“Bà không biết nhiều chuyện để kể đâu!”

“Bà kể cái gì cũng được!” Cậu nhóc cũng ló đầu ra nói.

Yến Khanh suy nghĩ, có lẽ cô nên kể câu chuyện này hay và ý nghĩa nhất.

“Được rồi! Vào phòng nằm lên giường đi. Bà kể cho nghe!”

Không phải là lần đầu kể chuyện, nhưng lại là lần đầu kể ru ngủ cho các bé nhỏ. Yến Khanh vừa lạ vừa tò mò.

Trong căn phòng ngủ của hai đứa trẻ, chỉ còn ánh đèn mờ màu vàng nhạt từ chiếc đèn ngủ treo tường.

Yến Khanh ngồi ở mép giường vừa nhẹ nhàng lấy tay vỗ về phía trên tấm chăn đang đắp của hai đứa, vừa nhỏ nhẹ kể. Chất giọng chậm rãi, nhẹ nhàng, từ tốn nhưng lại có chỗ nhấn nhá. Làm cho tâm trí hai đứa trẻ nghe cũng thả lỏng.

Hai đứa bé say mê nghe câu chuyện. Lần đầu chúng nghe bà ngoại kể, háo hức vô cùng.

Yến Khanh cũng chỉ kể câu chuyện dựa theo bộ “Quà tặng cuộc sống” mà thôi. Yến Khanh tin những câu chuyện như thế sẽ giúp nuôi dưỡng tâm hồn của những đứa trẻ này.

Câu chuyện hôm nay Yến Khanh kể có tên là “Sợi tóc trong hộp cơm”.

Yến Khanh khéo léo điều chỉnh giọng nói.

“Trước kia, việc được đến trường học là rất khó khăn. Không chỉ vì trường học ở xa, dụng cụ học tập thiếu thốn mà ngay cả phương tiện đi lại cũng khó khăn. Thời đó, hầu như đứa trẻ nào cũng phải tự mang cơm ở nhà đi để tiết kiệm chi phí.” Yến Khanh vừa vỗ chăn vừa kể.

“Lúc ấy, trường học vẫn chưa có triển khai hoạt động phân phát cơm trưa như bây giờ. Nếu ai nhà gần thì về nhà ăn trưa, chứ còn ai xa nhà thì phải chịu ở lại ăn và ngủ rồi học tiết buổi chiều.”

“Trong những năm tháng gian khổ đó, thậm chí còn có rất nhiều đứa trẻ không có cơm để mà mang theo, cho dù là cơm trắng với trứng, kiểu thức ăn đơn giản mà nông thôn thường ăn cũng là việc khó khăn.”

“Trong lớp học nọ, có một đôi bạn thân, một người thì buổi trưa mỗi ngày chỉ toàn mang theo cơm kèm đậu hầm đen xì, còn một người thì cơm hộp mỗi ngày thường mang cơm kèm giăm bông và trứng ốp lết. Một ngày, hai người bạn thân vẫn như thường lệ ngồi ăn cùng với nhau…”

Lúc này, bên ngoài cổng rào.

Ỷ Văn và chồng đã trở về nhà, thấy trong nhà đã tắt đèn liền biết mẹ và các con đã ngủ nên cũng nhẹ tay nhẹ chân theo chồng đang dẫn xe bước vào.

Ỷ Văn vốn định đi xem các con ngủ thế nào, vừa đi tới cánh cửa liền nghe có giọng nói dịu dàng phát ra từ bên trong, giọng nói nhỏ nhẹ như thủ thỉ bên tai. Cõi lòng cô phút chốc an tĩnh hơn hẳn.

Yến Khanh kể.

“Vì trong hộp cơm cơm đậu có lẫn vài sợi tóc nên các bạn trong lớp ai cũng bàn tán nhau: Có thể thấy là mẹ cậu ta rất luộm thuộm, cho nên trong cơm hằng ngày mang đi đều có tóc.”

“Có một hôm nhà trường cho nghỉ học, cậu ấy mới mời người bạn cùng bàn về nhà: Nếu bạn không bận việc gì, xin mời đến nhà mình chơi.”

“Tuy trong lòng người bạn kia không muốn lắm. Song từ ngày vào học cùng lớp, đây là lần đầu được cậu ấy mời tới nhà chơi, cho nên người bạn kia cũng khó lòng từ chối. Theo cậu ấy đi tới một thôn nghèo nơi địa hình dốc núi dựng đứng ở tận vùng núi nơi ngoại thành.”

“Sau khi vào nhà, cậu ấy cất tiếng nói phấn khởi: Mẹ, con đưa bạn đến chơi đây này.”

“Sau đó cửa buồng mở ra. Người mẹ già cả của cậu ấy xuất hiện ngay ở cửa, bà ấy vui mừng nói: Anh bạn của con tôi đến chơi à, để tôi xem nào. Nhưng ngay khi mẹ cậu ấy vừa ra khỏi cửa buồng thì liên tục dùng tay sờ sờ vách tường cạnh đó. Hóa ra bà ấy là một người bị mù cả hai mắt.”

“Nhìn thấy những hành động của bà ấy, người bạn kia cảm thấy xúc động, khóe mắt cay cay mà không nói được lời nào. Thức ăn trong suất cơm hộp của cậu bạn thân tuy mỗi ngày thường chỉ là đậu hầm, song là do người mẹ mắt mù không nhìn thấy, cẩn thận giúp cậu sửa soạn cơm hộp. Đó không chỉ là suất cơm trưa, mà đó còn là tấm lòng đầy yêu thương của người mẹ, thậm chí việc lẫn sợi tóc vào trong đó cũng không sao, nó vẫn là tình yêu của người mẹ.”

Yến Khanh nhẹ nhàng vuốt ve hai đứa đứa trẻ đã ngủ say. Chúng đã ngủ, một giấc ngủ an lành. Yến Khanh mong sao chúng có một giấc mơ đẹp, ngủ ngon tới tận sáng mai. Là trẻ con thì vẫn nên vô tư như vậy, tâm hồn phải luôn sáng trong và lương thiện.

Bên ngoài cửa, Ỷ Văn lặng lẽ rơi lệ. Bỗng nhiên nghe được câu chuyện, một nỗi xúc động khó tả chợt trào dâng trong lòng khiến cô không thể nào kìm được nước mắt mình. Một thứ gì đó quan trọng đối với cô mà không biết từ bao giờ cô đã lãng quên nó, trong giờ phút này thứ đó chợt trở về, khiến cô hạnh phúc vô cùng.

Đã bao lâu cô chưa ngồi lại, nói chuyện tử tế với mẹ? Đã bao lâu rồi không hỏi thăm mẹ?

Ở cùng một nhà, mà muốn nói chuyện với nhau sao lại khó khăn đến thế, nhìn thấy nhau thậm chí còn tiếc lời với nhau. So với người dưng ở ghép, thế này có khác gì? Thậm chí còn không bằng.

Ỷ Văn lau giọt nước mắt bên bờ má, trong lúc này cô chỉ muốn yên lặng rời đi. Bẩn thân cô thật sự cảm thấy xấu hổ.

Mặc dù không nói ra, nhưng trong lòng Ỷ Văn có sự áy náy đối với mẹ. Mang tâm trạng ấy bên mình tận 3 ngày sau.

Ngày hôm ấy Ỷ Văn không phải đi làm, mà 2 đứa nhỏ cũng được nghỉ học ở nhà. Nhưng Ỷ Văn luôn nhắc nhở con mình phải tự ôn tập và làm bài tập đầy đủ nên các bé không dám lơ là.

Bản thân ngồi ở ngoài sân trước xem lại thông tin công việc trên điện thoại. Gần đó nghe tiếng con gái và mẹ trò chuyện với nhau.

“Bà ơi! Hôm trước bài Chính Tả của con được chấm điểm cao luôn đó bà.”

“Giỏi lắm!”

“Bài thơ đó con thuộc lòng tới giờ luôn á, giờ con có thể đọc trơn tru luôn nè.”

Cô bé hí hửng khoe rồi bắt đầu nghiêm túc đọc thơ cho bà nghe, giọng điệu vui vẻ muốn khoe thành tích.

“Hết rồi đó bà!”

“Giỏi quá!” Yến Khanh vỗ tay khen.

“Vậy bà có bài thơ nào không? Bà đọc con nghe với!”

“Con cũng muốn nghe!”

Cậu nhóc ở một bên không chịu bị lãng quên, cũng muốn gia nhập để vui đùa với chị và bà.

Ỷ Văn ngồi bên kia ngẩng đầu lên nhìn ba người đang nói chuyện vui vẻ. Đôi mắt nhìn theo chăm chú, khóe môi bất giác nở nụ cười vui vẻ.