Trẻ con nghĩ gì nói đấy, khó chịu cũng sẽ tỏ thái độ để cho người khác biết là mình khó chịu.
Lúc được Gia Minh dẫn đi xem kỹ khu đất, Yến Khanh vô cùng hài lòng. Không chỉ diện tích, vị trí mà giá cả cũng hợp lý.
Nhưng mua bán đất không phải là việc đôi bên chỉ nói miệng là được, còn phải tiến hành các thủ tục pháp lý và được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Vì bà Bích Diễm không biết chữ, nên Yến Khanh lúc này cũng cư xử hệt như vậy. Giấy tờ này kia hai người thống nhất sẽ cùng thông qua cơ quan nhà nước để xử lý. Đồng thời đảm bảo được sự minh bạch.
Nhờ có chính quyền hỗ trợ mà bản chứng nhận sở hữu đất sẽ được sang tên của bà Bích Diễm, nhưng hẹn 3 ngày sau đến lấy. Hai người nghe vậy liền an tâm rời đi.
Lúc Yến Khanh trở về nhà thì cũng đã qua giờ trưa, cô tranh thủ chuẩn bị mọi thứ để nấu ăn. Sau đó đơn giản ăn một ít liền qua bữa.
Đến chiều, đúng giờ Gia Minh đón hai cháu trở về. Hai đứa nhỏ trở về thấy bà ngoại liền chào hỏi.
Yến Khanh cười gật đầu, không quên cảm ơn Gia Minh.
Trở vào nhà, cháu trai than đói bụng.
“Bà làm cơm xong rồi. Hai đứa cất tập sách đi.”
“Dạ!”
Cháu gái soạn đồ rồi tắm trước. Không cần Yến Khanh phải nhắc nhở, thậm chí Yến Khanh có cảm giác là cô bé không thích thân cận với ai khác ngoài mẹ của bé.
Nhưng như vậy cũng tốt, thông qua đó bé có thể học được cách tự lập.
Khi cháu trai tắm xong, thì Yến Khanh cũng đã chuẩn bị bàn cơm xong.
Yến Khanh nấu 2 món mặn và 1 món xào cùng canh chua cá mà thôi.
Hai đứa trẻ than đói, nhưng chỉ ăn một ít liền no. Dù sao trẻ em sức ăn cũng ít.
Phần đồ ăn thừa lại, Yến Khanh bỏ vào hộp thực phẩm rồi cất tủ lạnh. Vợ chồng Ỷ Văn có nói trước là tối nay về trễ nên cũng không để thức ăn bên ngoài chờ. Trường hợp nếu trở về ăn cơm cũng có thể lấy ra hâm nóng, cũng khá tiện.
Buổi tối, Yến Khanh đang lau nhà thì bé trai chạy ra, nói là nhờ cô chỉ làm toán.
“Con vào phòng trước đi, bà lau xong sẽ vào.”
Cậu bé nghe lời trở vào phòng.
Cô bé ngồi ở bàn bên cạnh ngẩng đầu lên nhìn em trai mình.
“Chị phải học thuộc lòng bài thơ này. Em có làm gì thì nhẹ nhàng im lặng thôi.”
Cậu bé thành thật nói.
“Nhưng em có nhờ ngoại chỉ bài cho em, lát ngoại cũng vô nữa.”
“Một mình em ồn còn chưa đủ hả? Mai chị có tiết Chính Tả nữa.”
Cô bé khó chịu nói.
Trẻ con không biết kiềm chế cảm xúc, nghĩ gì liền nói nấy.
Mà thật ra, ngày mai tiết Chính Tả của bé có phần nhớ viết bài Ê-mi-li, con…*
Bài này yêu cầu phải học thuộc lòng khổ thơ 3,4 rồi viết lại. Không chỉ phải ghi nhớ, viết đúng và đủ mà ngay cả các tên nước ngoài cũng phải chính xác.
Nên bé mới khó chịu mà nói lớn tiếng.
*Ê-mi-li, con… trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 được trích từ bài thơ Ê-mi-li, con… của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ gợi lên trong lòng mỗi người đọc niềm xúc động tột cùng, bài thơ miêu tả hình ảnh Mo-ri-xơn bế con gái là Ê-mi-li 18 tháng tuổi tới trụ sở Bộ Quốc phòng Mĩ, nơi anh tự thiêu vì hòa bình ở Việt Nam để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của chính quyền Mĩ ở Việt Nam.
Yến Khanh vừa trở vào nhà liền nghe hai chị em cãi nhau. Quả thật trẻ con cãi nhau không hiếm lạ, cả bản thân cô và em gái trước kia cũng cãi nhau không ít lần. Nhưng dù là người một nhà, có thể cãi nhau nhưng cũng không thể xích mích, để bụng.
Yến Khanh vội bước vào hỏi rõ. Sau khi biết nguyên nhân liền nói với bé gái.
“Con cứ ngồi đây học đi, bà với em ra ngoài bàn học Toán.”
Cậu bé có thói quen học trong phòng, bây giờ phải ra bàn ngoài ngồi. Vừa lạ vừa không thoải mái nên bé thấy bực mình.
“Không sao đâu! Ngồi ở đây với bà, bà chỉ con học.”
Cậu bé gật đầu rồi mở sách ra.
Bài tập hôm nay liên quan đến bài “Tìm một số hạng trong tổng”. Về nguyên tắc thì để tìm một số hạng trong phép tính cộng, chỉ cần phải lấy tổng trừ đi số hạng đã biết.
Do trước đó bé học về phép cộng, nên lần đầu tiếp xúc với phép trừ có hơi lấn cấn.
Tuy vậy, cậu bé rất ngoan ngoãn, chỉ một lát hướng dẫn đã có thể tự làm.
Hồi lâu sau, một bóng dáng nho nhỏ lén lút ngó ra bàn ngoài từ hành lang phía trong.
Cô bé sau khi đuổi được cậu em ra ngoài thì đã một mình ngồi trong căn phòng rộng rãi, nhưng không bao lâu đã cảm thấy trống trải và vắng vẻ.
Thập thò, do dự nhìn bóng dáng hai người bên ngoài.
Yến Khanh tình cờ ngẩng đầu thì bắt gặp ánh mắt của cô bé đang nhìn mình. Yến Khanh chỉ nhìn cô bé cười dịu dàng.
Cô bé thế nhưng chỉ kéo khóe môi một chút liền quay đầu chạy mất.
Sao vậy nhỉ?
Yến Khanh thắc mắc, nhận thấy cậu bé đang tự làm bài tập rất ngoan nên cũng không định ngồi lâu, dự tính vào phòng xem cô bé thế nào.
“Con ngồi đây lát nha, để bà vào xem chị học thế nào rồi.”
Cậu nhóc vừa nghe thế liền nghiêng đầu nhìn cô, thái độ hơi miễn cưỡng.
“Bà ơi, bà đừng đi. Đi vào chị lại không thích!”
Yến Khanh còn định nói gì đó nhưng khóe mắt chợt thấy một bóng dáng lướt qua. Ngạc nhiên ngẩng đầu thì thấy cô bé cũng ôm sách và tập viết ra ngoài. Cô bé thản nhiên đặt mọi đồ vật trên tay lên bàn rồi ngồi lên ghế.
“Chị ở trong phòng đi, ra đây làm gì?” Cậu bé khó chịu nói.
Trẻ con nghĩ gì nói đấy, khó chịu cũng sẽ tỏ thái độ để cho người khác biết là mình khó chịu.
“Chị thích ngồi đây đó!”
“Vậy thì em vô phòng!”
“Kìa hai đứa!” Yến Khanh vội lên tiếng.
“Không phải trong phòng cũng có hai bàn học gần nhau hay sao? Ngồi chung học ở ngoài hay ngồi ở trong thì cũng có sao đâu!”
“Đúng rồi đó bà!” Cô bé gật đầu nói. Hiển nhiên là đồng ý cách nói của bà.
Nhưng thật ra, nguyên nhân chỉ là bởi vì cô bé muốn ngồi cùng người khác.
Thói quen học bài có người ngồi cạnh đã hình thành từ lâu, bây giờ phải ngồi một mình một bàn lại có chút lạ lẫm.
“Vậy con học đi! Nhưng mà học thì không phải chỉ đọc thôi đâu nha.” Yến Khanh nhìn cô bé nói.
“Nãy giờ con học được bao nhiêu thì viết ra tập nháp, lát con tự so bài.”
“Phải viết sao?” Cô bé ngẩng đầu hỏi.
Từ trước tới giờ, đối với những bài yêu cầu học thuộc lòng bé đều chỉ đọc miệng, miệng nói tai nghe rồi tự nhớ chứ không hề ghi gì cả. Chỉ đợi đến tiết Chính Tả mới bắt đầu viết vào tập đem nộp mà thôi.
“Con có tập nháp mà, thuộc tới đâu viết đến đó. Đoạn nào không thuộc mình lại học.”
Nhớ thông qua việc đọc sẽ không duy trì lâu, nhưng nếu bổ sung thêm việc ghi chép thì sẽ tăng thêm khả năng nhớ lâu hơn.
Đồng thời cũng tự chỉnh sửa được lỗi Chính Tả của bản thân.
Cô bé nghe lời làm theo. Thái độ rất nghiêm túc.
Trong nhất thời, cả gian phòng khách đều yên tĩnh, thậm chí còn nghe được cả tiếng đầu bút lướt trên quyền tập.
“Quên rồi thì học lại đi con!” Yến Khanh thấy cô bé dừng bút khá lâu thì nói.
Liên tiếp như vậy đến khi viết hoàn hảo một bài. Yến Khanh cũng không vì thế mà hài lòng, yêu cầu của cô rất cao.
“Nãy giờ con phải dừng lại học rồi viết vài lần mới hoàn thành. Giờ con thử viết lại hoàn hảo trong một lần đi.”