Chương 18

"Tôi còn một câu hỏi, vì sao em không tô màu mà tô chì?" Thầy hội đồng chỉnh sửa lại gọng kính cho ngay ngắn đồng thời lên tiếng hỏi.

Chinh níu lấy váy áo, khuôn mặt cúi xuống. Cô lo lắng hỏi nhỏ:

"Tô chì không được sao ạ?"

Thầy hội đồng thoáng trầm tư. Mặc dù không có yêu cầu nhưng vẽ tranh và tô màu để hoàn thiện là luật bất thành văn từ lâu, trừ khi chủ đề vẽ là tĩnh vật, hình khối, tượng thì khác.

"Không phải không được. Câu trả lời sắp tới đây của em sẽ là cơ hội để em có giải hay không nên hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra câu trả lời nhé?" Thầy hội đồng trấn an cô bé khi thấy khuôn mặt Chinh đã thoáng trắng bệch khi thầy không lên tiếng mà trầm ngâm.

"Em không tô màu, một phần là không kịp thời gian; còn lại là vì em không thể mô phỏng lại bức tranh sinh động ấy bằng màu mà em có. Tô chì là vì hai màu trắng đen đơn giản nhưng có thể khắc họa chi tiết đường nét từ hình ảnh gia đình em mong muốn sẽ xuất hiện trong tranh, thưa thầy." Khi nói đến sở trường của mình, phong thái Chinh rất tự tin. Cô ngẩng mặt nhìn thầy hội đồng mà không phải ủ rũ, cúi gằm mặt xuống như khi nãy.

Thầy hội đồng gật đầu, nói vài câu khích lệ Chinh rồi để cô về lớp, bản thân trò chuyện đôi lát với thầy cô ở trường Chinh học rồi lên tỉnh trở lại.

Thuyên thấy Chinh trở lại với một tâm trạng xuống dốc, cậu lo lắng hỏi:

"Sao thế Chinh?"

Chinh lắc đầu, ngồi xuống bàn và lật sách giáo khoa ra bài hôm nay học, chú tâm theo dõi bài giảng của thầy.

Còn rất nhiều kỳ thi ở phía trước, chỉ là một kỳ thi vẽ không nên tự áp lực bản thân quá nhiều.

Chinh tự an ủi mình.

Mỗi ngày trôi qua dưới ngôi trường ở thị trấn nhỏ vô cùng yên bình nhưng tại hội đồng vẽ, cuộc tranh luận lại tiếp tục nổ ra khi thống nhất các bức vẽ đoạt giải. Các thầy cô khác vẫn giữ nguyên ý kiến của mình, cho rằng bức tranh đã không lên màu, tô bằng chì là đi ngược lại luật vẽ mấy năm nay. Vì chủ đề thi vẽ không liên quan đến vẽ tĩnh vật, khối hộp, tượng thì làm sao lại tô chì. Rõ ràng, giữa một bức vẽ lên màu khi so sánh với tô chì khác nhau hoàn toàn rõ rệt mà lại, tiêu chí của tỉnh đó giờ là có ít nhất một trường ở tỉnh đoạt giải cao nên không thể đặc cách trường thị trấn ở huyện được giải nhất dù tranh có lên màu, có xuất sắc. Hoặc là đồng hạng mà không phải xuất hiện trường hợp trường quê có giải cao hơn trường tỉnh.

Thầy hội đồng lúc này mới lên tiếng:

"Luận cứ ở đâu để có thể chắc chắn tô chì không so sánh được tô màu? Làm sao chắc chắn được thời gian tô màu bỏ ra nhanh hơn tô chì?"

Thầy hội đồng cho rằng, không nên chú trọng đến danh hiệu quá nhiều mà quên mất ban đầu đây vốn dĩ là cuộc thi khơi nguồn sáng tạo trong thanh thiếu niên nhi đồng. Hơn nữa, bức tranh tô chì của cô bé trường quê không phải là một bức tranh hời hợt, cẩu thả mà ngược lại như cô bé nói, khi tô chì, đường nét của tranh rõ ràng, độ sáng tối hài hòa, các chi tiết như nếp gấp quần áo, bóng đổ cũng được cô bé diễn tả rất tốt.

Sau cùng, cả hội đồng vẽ đã thống nhất đặc cách kỳ thi lần này có giải đặc biệt và dĩ nhiên người đoạt giải này không ai khác là Chinh.

Ngày công bố giải, tận tay thầy hội đồng đã đến trường Chinh để trao tặng cô bằng khen cùng quà thưởng. Ngoài ra, thầy còn cho biết vì tranh của Chinh có chiều sâu hơn nữa rất đặc biệt nên đã được treo triển lãm ở nhà văn hóa của tỉnh. Nếu rảnh, cô bé có thể lên xem bức tranh của mình.

Chinh cảm ơn thầy, hai mắt dần long lanh, chứa đầy hơi nước.

Kỳ thi lần này không có giải Nhất mà thay vào đó là một giải Nhì, một giải Ba và một giải Đặc Biệt.

Có được công nhận từ thầy cô, Chinh dần dần tự tin hơn và thể hiện tài năng của mình qua các cuộc thi vẽ báo tường, vẽ tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam..

Thuyên mặc dù không có năng khiếu vẽ nhưng cậu rất thích phụ Chinh những việc vặt như đồ lại nét, tô màu nền.

Hai đứa trẻ mỗi khi trở về nhà đều sẽ bày biện nào giấy, nào bút kẻ, nào màu trên sàn nhà. Để thuận tiện, Chinh sẽ đến nhà Thuyên để vẽ.

Thế giới hội họa lúc nào cũng rực rỡ sắc màu và ươm mầm sự sáng tạo. Thuyên có rất nhiều ý tưởng bởi cậu vốn là một đứa trẻ hay suy tư, thích thả mình vào thế giới nội tâm. Nhưng từ khi gặp Chinh, thế giới của Thuyên không tự xoay quanh mình nữa, cậu cùng cô, bay nhảy trong thế giới muôn vàn màu sắc. Những cây, những nhà, những hoa, những lá, nào là bầu trời, nào là mây trắng. Nào là chim muông, nào là thú rừng, nào là dòng sông nào là mặt đất. Nào là biển cả, nào là những vì sao.

Thông qua thế giới hội họa ấy, khoảng cách giữa Thuyên và Chinh dần dần được kéo lại. Cậu sẽ là người lên ý tưởng và Chinh sẽ là người mô tả lại hình ảnh ấy qua những bức tranh có đủ mọi sắc màu. Không vẽ báo tường, Thuyên và Chinh cũng sẽ vẽ tranh trên giấy. Hai người giao kèo với nhau sẽ vẽ thật nhiều bức tranh – những thứ quan sát được dưới góc nhìn qua từng năm, đặt tên nó là "Khi Chúng Ta Lớn Lên" để sau khi trưởng thành, nhìn lại khoảng thời gian đẹp đẽ ấy và cùng nhau hồi ức về một thời thơ ấu.