Ông đến, nhìn Thuyên đỏ mắt. Ông nói trong nghẹn ngào nhưng không giấu được niềm tự hào:
"Cháu ta thật dũng cảm!"
Hôm nay trời mưa, ông đứng đón đò mà không có ai chạy. May sao, mưa tạnh đôi chút mới có người lại đưa ông qua sông. Ông ngoại Thuyên áy náy vô cùng khi rước cháu trễ dẫn đến nhiều chuyện xảy ra như thế. Ông nhìn Thuyên:
"Khổ, khổ thật. Ai đời lại làm thế với trẻ con đâu. Tụi này quá đáng thật, phải để chính quyền gom hết một lưới mới yên tâm."
Những người chú, người cô ngồi xung quanh đều tấm tắc theo lời ông:
"Đúng vậy, ông cụ nói đúng. Chúng nó quá lộng hành rồi, ngang nhiên giữa đường mà bắt cóc tụi nhỏ."
Rồi ông quay sang Chinh, nhìn cô bé đang nép người vào một góc để không ai ngó ngàng gì tới, ông từ ái hỏi:
"Con có sao không Chinh? Chắc sợ lắm hả, không sao đâu. Còn lại cứ để mọi người lo nha con. Nay dì con chưa đến rước hả?" Nói đoạn ông nhìn xung quanh, kế đến ông nói tiếp:
"À thế được rồi, vậy con về chung với ông và Thuyên luôn nhé!"
Chinh gật đầu, bước đến cạnh hai ông cháu. Ông cúi đầu cảm ơn mọi người xung quanh rồi dẫn hai đứa trẻ về nhà.
Trời đã ngừng mưa, trên đường đọng lại những vũng nước. Ba người né qua các ổ gà, ổ vịt chứa đầy nước để tránh làm bẩn giày. Thuyên dù đau nhưng vẫn vui vẻ vì cậu cảm giác Chinh đã có gì đó khác hẳn lúc trước. Quả thật, ở làng Chinh như một con sói đầu đàn, hung tợn, ngạo nghễ không muốn ai tới gần thì ngược lại, ở trường Chinh như biến thành một con người khác, đó là mặt mà Thuyên chưa bao giờ thấy được. Cậu nhìn thấy khát khao trong ánh mắt cô bé mỗi khi học thêm kiến thức mới. Chinh hiếu học và không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để tiếp thu được tri thức mới, để biết thêm được nhiều thứ. Vậy nên, Thuyên đã lục lọi trong đống ký ức của mình lúc còn ở thành phố để kể cho Chinh vì Thuyên biết, dù Chinh sẽ không bộc lộ biểu cảm gì nhưng ánh mắt chưa bao giờ biết nói dối. Cậu nhìn thấy sự tò mò, muôn vàn vạn trạng cảm xúc trong ánh mắt ấy mỗi khi nghe cậu nói về những gì được học, được dạy, được biết. Cũng không khó hiểu khi đó là lý do đằng sau cho việc Chinh để Thuyên lải nhải bên tai hơn tháng như vậy.
Hai đứa trẻ ngồi trên chiếc ghe, Thuyên nhìn mặt sông và lần này cậu đã không ngần ngại để tay xuống làn sóng nhỏ, để nó xen qua kẽ tay. Đúng như dự đoán, rất mát.
"Nè Chinh, thử đi." Thuyên nhìn Chinh, nói nhỏ.
Cậu tất nhiên sợ ông ngoại sẽ nghe thấy và la cậu nên chỉ có thể thỏ thẻ như vậy. Chinh gật đầu, cũng học theo Thuyên để tay xuống. Cô bé không biết nghĩ tới điều gì mà nở một nụ cười. Thuyên thấy, cậu cũng cười rồi đảo mắt nhìn xuống sông.
"Thuyên, Chinh đừng nghịch nước." Ông ngoại nói khi thấy hai người để cả hai tay xuống sông. Ông sợ theo quán tính sẽ ngã nhoài người xuống lòng sông, như thế rất nguy hiểm nên ra tiếng nhắc nhở.
"Đủ rồi." Chinh nói.
Thuyên ừ, rồi cậu ngồi im một cách ngoan ngoãn cho đến khi ghe cập bến. Ông ngoại bước lên trên trước, Thuyên lên kế rồi đến lượt Chinh, cậu đưa tay để cô nắm lấy cho dễ lên. Cả ông và người lái đò đều cười trêu chọc:
"Thằng bé này khá nhờ!"
Thuyên nghe thấy, hai tai cậu đỏ bừng. Chinh cũng cúi mặt không nói năng gì. Trên đường về, Thuyên vừa đi vừa nhảy chân sáo, vô cùng vui vẻ và dường như vết thương trên gương mặt đã vơi bớt nỗi đau.
"Chinh biết không, hồi trước ở thành phố tôi cứ ước về quê mãi đó!" Thuyên cười nói.
"Sao lại về quê. Ai cũng thích lên thành phố vì trên đó tiện nghi hơn nhiều mà?" Chinh khó hiểu.
"À, tại tôi thích ở quê, có vườn mát với nhiều cây trồng, nhiều rau nè. Tôi còn được ông dạy nhiều thứ lắm nha nào là bắn ná cao su, làm chong chóng từ trái mù u, câu cá.. những thứ từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ tiếp xúc cũng không biết đến sự tồn tại của nó."
Hai đứa nhỏ cứ luyên thuyên như thế suốt đoạn đường về nhà. Đến nhà dì Chinh, cô bé dừng trước cửa nhà. Thuyên vẫy tay nói:
"Chào Chinh nha, chiều gặp!"
Nói xong Thuyên định theo ông về nhà thì bất ngờ Chinh từ đằng sau lên tiếng:
"Chuyện lúc trước tôi xin lỗi. Ông không yếu đuối, tôi đã sai rồi."
Thuyên quay người lại, nở một nụ cười thật tươi:
"Yên tâm, chuyện nhỏ như con thỏ đó tôi đã quên mất từ lúc nào rồi."
Trở về nhà, bà ngoại đã lo lắng hai ông cháu lâu quá chưa trở về mà đứng trước cổng đón từ lúc nào. Thấy vết bầm tím trên mặt Thuyên, bà lo lắng nhìn ông ngoại hỏi:
"Sao, làm sao thế?"
Ông kể rõ đầu đuôi sự việc, bà ngoại chỉ thở dài thườn thượt rồi kéo Thuyên vào nhà để xoa dầu nước xanh lên vết bầm. Bà còn tranh thủ luộc trứng gà để lăn cho Thuyên giảm sưng. Chiều nay, bà định để Thuyên nghỉ một buổi cùng ông đi trạm xá để khám bệnh nhưng Thuyên bảo không sao, mà nghỉ sẽ mất bài nên bà cũng thôi. Thuyên phải đảm bảo với bà nhiều lần bà mới yên tâm để Thuyên đi học tiếp.
Chiều lên lớp, thầy cùng các bạn đều hỏi về vết bầm trên mặt Thuyên và dường như thầy đã nghe phong phanh chuyện hồi sáng nên khi nghe Thuyên nói thầy đã mời cậu lên bục giảng để tuyên dương về hành động vô cùng gan dạ cũng như cách ứng xử khéo léo trước bọn bắt cóc. Đồng thời thầy cũng dặn dò và tuyên truyền một đợt những điều cần làm khi gặp phải chuyện hồi sáng. Học sinh đều đặt ánh mắt ngưỡng mộ lên người Thuyên khiến cậu xấu hổ, khi Thuyên đảo mắt sang bên cạnh chỗ ngồi của Chinh, cậu thấy cô cũng nhìn mình rồi nhanh chóng quay mặt chỗ khác khi phát hiện, dường như nhớ ra điều gì, cậu nói lớn trước lớp:
"Thật ra, người có công lớn nhất trong chuyện này chính là Chinh – bạn cùng bàn với tôi. Nếu không có bạn ấy truy hô người lớn đến ứng cứu có lẽ tôi đã không may mắn đứng ở đây. Vậy nên, tôi cũng muốn mọi người biết đến bạn ấy và tuyên dương nữa."
Thầy nghe Thuyên nói, gật đầu rồi mời Chinh lên cùng. Sau đó, học sinh bên dưới đã dành tặng hai đứa trẻ dũng cảm một tràng vỗ tay vang dội cả lớp. Xen lẫn trong tiếng vỗ tay đâu đó lướt qua lời nói nhỏ:
"Cảm ơn vì đã giúp tôi có thêm tự tin."