Thành thật mà thưa, tôi không biết rằng kiếp trước mình đã tạo bao nhiêu phước đức, nên kiếp này cuộc sống mới êm đềm trôi qua như thế.
Cũng không hẳn là êm đềm lắm, bởi đôi lúc gặp một số chuyện xui be bé.
Có điều, hầu như lúc nào tôi cũng có người giúp đỡ.
Người tôi muốn nói đến là hai thằng bạn chí cốt của tôi, một cậu hướng nội, một anh thì tưng tửng.
Cụ thể là vào một ngày đẹp trời năm lớp 9.
Ngày đó, tôi bị choáng ngợp trước lượng câu từ đồ sộ của các tác phẩm văn học. Tôi đọc tiểu thuyết ngôn tình thì được, chứ bảo cảm nhận văn hay thơ thì tôi chịu.
Tôi tưởng rằng cảm nhận là nói ra cảm xúc của mình chứ nhỉ?
Thế quái nào điểm số của tôi toàn lẹt đẹt sáu với bảy?
Vậy nên khi tan trường, trong lúc đợi Minh Dương và Tuân đá bóng, tôi mượn xe đạp của Tuân, lượn sang con ngõ đối diện cổng sau của trường giải sầu.
Tôi vừa đạp vừa mông lung nhớ về mấy câu thơ ban sáng mới học xong, miệng thì khô khan thèm trà chanh của cái sạp mới mở.
Tôi dừng xe trước cái sạp đó, tự dưng lại quay đầu ra phía sau nhìn.
Tôi cứ có cảm giác là có người đang theo chân tôi, hơn nữa không chỉ có một người.
"Bé học sinh, trà chanh, trà tắc, chanh dây, uống gì không em?"
"Dạ, một ly trà chanh ạ."
Giọng nói ngọt ngào cùng mùi trà mát lạnh phảng phất trong gió làm tôi quên đi cái buồn của mấy con điểm, cũng chẳng nghĩ xem cảm giác bất an của mình ban nãy là từ đâu mà có.
Tôi đội cái mũ áo khoác lên cho đỡ nắng, rồi chân đạp xe, vi vu thưởng thức vị ngòn ngọt thanh thanh, hơi chua nhẹ của trà chanh.
Cách sạp được một đoạn xa, dưới lòng đường xuất hiện mấy cái bóng đen cùng tiếng chuông xe đạp.
Tôi còn chưa kịp quay đầu lại nhìn thì đuôi xe tôi bị va mạnh, tôi ngã lăn xuống đường.
Váy tôi bị tốc lên qua đầu gối, may tôi có mặc quần đùi bên trong nên không bị lộ.
Phía bên chân phải và lòng bàn tay vừa nóng vừa đau, gò má tôi rát vô cùng.
Cái chân trái của tôi bị vướng vào khung xe.
Thằng nhóc mặc đồ học sinh không thèm đóng cúc áo trạc tuổi tôi kia, không gỡ chân tôi ra trước mà nó giật mạnh cái xe về phía nó.
Cái khoảnh khắc đó, chân tôi như muốn đứt lìa ra vậy.
Tôi bị cái giật mình đó đả kích mạnh mẻ, l*иg ngực tôi phập phồng liên tục, hai tay run rẩy ôm cái cổ chân. Nước mắt tôi rơi lã chã lã chã, men qua vết thương trên mặt càng thêm rát.
Thằng nhóc độc ác đó nói: "Xe này của con trai, mày đi làm gì?"
Một đứa khác châm thêm vào: "Đúng đó, để đại ca tụi tao đi giùm cho."
"Trời ơi đại ca, cái xe này mắc tiền lắm đó."
"Đúng đấy, mẫu này lạ mà đẹp quá trời."
Hết đứa này đến đứa nọ cười cười nói nói, còn tôi vẫn ngồi bệch dưới đất, lo sợ vô cùng.
Đó không phải xe của tôi mà là của Tuân, mất rồi thì tôi biết ăn nói với nó thế nào đây?
Nhà tôi không cao, nhưng rất rộng. Ba mẹ tôi cùng nhau khởi nghiệp, công việc phát triển như diều gặp gió. Tính qua tính lại, nhà tôi thuộc hàng khá giả, có của ăn của để, nên cái tính mềm mỏng tiểu thư của tôi cũng được sinh ra.
Tiểu thư Hà Gia Linh lần đầu tiên bị người ta bắt nạt, không sợ không khóc thì lại vô lý quá.
Nhưng từ lúc chơi chung với Minh Dương và Tuân, tôi dũng cảm hơn rất nhiều. Theo chân tụi nó phá hết nhà này đến xóm nọ, ghẹo hết làng trên đến xóm dưới, không nhà nào không biết mặt bộ ba chúng tôi.
Lòng tôi rất rõ, sở dĩ tôi có gan làm thế là vì có hai đứa nó gánh tội, bảo kê cho tôi.
Hôm nay tôi chỉ có đơn độc một mình, đối diện với đám trên dưới chục người này, tôi bất lực.
Tôi vẫn phải tự cỗ vũ bản thân mình, mạnh mẽ một chút để bảo vệ tài sản của bạn tôi, rồi lát nữa về khóc lóc kể lể với hai đứa nó cũng chưa muộn.
Với cả, nhà tôi gia giáo văn minh cả họ, chưa từng có tiền lệ để cho cái ác tác quai tác quái.
Nhưng tôi mới nhổm được người lên, một đứa con gái khác giật cặp sách của tôi, khiến tôi mất thăng bằng, đáp mông xuống đất cứng một lần nữa.
Nó nói: "Tiền mày bỏ đâu đấy? Khi nãy thấy cầm một mớ tiền cơ mà?"
Nó đổ hết sách vở, bóp bút, bình nước hình Doraemon ra, mới thấy cái ví be bé rớt xuống sau cùng.
Nó cầm sấp tiền lẻ trên tay, có cả tờ năm chục, một trăm chẵn, cười đắc ý: "Bằng tí tuổi mà lắm tiền ghê nhỉ? Để chị giữ giùm cho."
Tôi đang ở ngoài trường, nên không biết đây có được gọi là bạo lực học đường không, nhưng chắc chắn cả đám này đều là ăn cướp.
Sống không biết tu tâm tích đức, còn làm xằng làm bậy, sớm muộn gì cũng gặp báo ứng.
Nhưng báo ứng lúc nào mới đến, chứ chưa phải lúc này.
Tôi nhìn xung quanh đầy hoảng loạn với cái cổ họng cứng ngắc.
Giữa trời trưa nắng chang chang, chẳng có ai phơi mặt ra con đường vắng này như tôi cả.
Hôm nay là cái ngày quái quỷ gì vậy?
Tại sao không có ai đến giúp tôi?