Tháng Hai đầu xuân năm Khánh Hi thứ mười, Hoắc Viêm lên đường đến kinh thành thi hội. Tuy rằng thời tiết còn hơi căm căm, gió trên mặt sông cũng lớn, song dầu gì cũng là lần đầu tiên y ra ngoài kể từ tháng Chín năm ngoái tới nay nên trong lòng khoái trá tung tăng chạy tới đầu thuyền trông ra cảnh sắc hai bờ sông, mặc cho gió mạnh thổi áo bào bay phần phật. Trong khoang thuyền, hai anh đồng hầu đèn sách sợ lạnh, lớn tiếng nói: “Thiếu gia mau vào đi, bên ngoài gió lớn sẽ cóng người đấy, thế thì bọn tôi không biết ăn nói với bà chủ thế nào đâu.”
Hoắc Viêm chỉ cảm thấy lời nói của hai anh “đồng” hầu hạ đèn sách lớn gấp đôi mình này không thú vị, mặt mũi thì khó ưa, chẳng muốn lý đến họ. Khổ nỗi đây lại l người làm lâu năm mà mẹ chọn riêng cho, trên danh nghĩa là người hầu, chẳng bằng nói là người giám thị thì càng thích hợp hơn. Y sợ về sau bọn họ nói bậy nói bạ ở trước mặt mẹ nên không dám lỗ mãng, ngượng ngùng quay vào trong khoang, cười nói: “Sớm biết các anh lải nhải rách việc như thế thì tôi đã dẫn người khác đi rồi.”
Hoắc Thụy đã đi ở ở nhà lâu năm nên biết tính tình hiền hòa của Hoắc Viêm, bèn cười nói: “Thiếu gia nói lời này thật là tội lỗi. Hai đứa già đầu chúng tôi không ở nhà làm quản gia mà đi theo thiếu gia ra ngoài lại còn bị oán trách.”
Hoắc Tường cũng nói: “Việc này không thể trách chúng tôi được, là do thiếu gia hay gây họa nên bà chủ mới bảo chúng tôi đi cùng.”
Hoắc Viêm sợ lát nữa bọn họ càng thao thao bất tuyệt nên ngắt lời họ, bảo: “Dạ dạ dạ, đều là tôi làm liên lụy các anh.” Trong lòng y biết rõ tai họa năm ngoái quá lớn nên lúc này cả nhà trông thấy y thì như chim sợ cành cong. Nếu y không phải lên kinh mưu cầu công danh thì e bà Hoắc vẫn không chịu cho y ra ngoài.
Nguyên là mười lăm tháng Tám năm ngoái, Hoắc Viêm nộp bài thi sớm rồi ra khỏi trường thi, đắc ý trong bụng bèn uống rượu ăn mừng với mấy tay bạn thân, trong bữa tiệc bàn về tài tử Cao Tinh nổi tiếng ở huyện Đông Giang xấu số, không ngờ lại chết oan chết uổng ở cầu Trường Hồng, nếu không thì lần này chắc chắn sẽ tên đề bảng vàng, nở mày nở mặt cỡ nào. Hoắc Viêm cũng có gặp mặt Cao Tinh một lần, cũng thích vì anh ta thanh cao, tài hoa xuất chúng nên càng hận tên tham quan Đổng Lý Châu vơ vét mồ hôi nước mắt nhân dân một cách trắng trợn, còn xây một cây cầu nát hại chết người. Khi đó nhà họ Hoắc thấy xây cầu sửa đường là chuyện tốt hành thiện tích đức nên đã quyên góp vô số vàng bạc, ngờ đâu tất cả đều rơi vào túi riêng của bọn tham quan. Hoắc Viêm rượu vào thêm gan, vung tay một cái đã viết xong một bài văn lên tiếng phê phán Đổng Lý Châu, sai người dán trước nha môn phủ châu. Đợi họ sinh các nơi lục tục ra khỏi trường thi, nhao nhao hướng tới nơi này, mọi người còn trẻ nên nóng tính, càng nói thì lòng càng căm phẫn, lập tức quyết đình hôm sau tập hợp trước trường thi để đến trước nha môn ty bố chính sứ đồi lại lẽ phải.
Hoắc Viêm lại uống thêm mấy chén, say quắc cần câu rồi dẫn gã sai vặt về nhà. Mới vừa quẹo đến một con đường nhỏ vắng vẻ, mấy người vạm vỡ xông ra từ hai đằng trước sau trong đêm tối, không nói gì, chỉ dùng một cái bao tải nhắm ngay đầu Hoắc Viêm mà chụp xuống, vác lên vai rồi tháo chạy. Gã sai vặt cả kinh thất sắc, đuổi theo mấy bước, bị người ta đá ngã, đợi bò được lên thì bọn giặc đã không thấy tăm hơi đâu nên chỉ đành chạy về nhà báo tin.
Hoắc Viêm vốn tưởng toán giặc ấy chẳng qua là bọn bắt cóc, một ngày sau sẽ có người nhà đưa tiền tới chuộc, ngờ đâu lại bị nhốt liền nửa tháng. Tuy những kẻ này không làm khó y, vẫn có rượu thịt ăn uống, chỉ xích y ở trong thuyền, không hề có ý thả đi. Hoắc Viêm đã lường trước trong nhà lúc bấy e là đã long trời lở đất, lòng mẹ ắt như lửa đốt, song tính y ương ngạnh, không chịu nói lấy một câu xin tha. Một hôm bên ngoài thuyền có tiếng chém gϊếŧ, không bao lâu sau có người mở cửa khoang thuyền ra, cúi đầu chui vào nói: “Công tử Hoắc có khỏe không?”
Đó là người quen, chính là ông chủ lớn của cục Thừa Vận sông Hàn tên Ngô Thập Lục. Ông ta thấy y bèn cười nói: “Bà chủ nhà họ Hoắc muốn tôi cứu cậu về, bọn cướp kia đã chạy rồi, còn không mau mau đi theo tôi?”
Về đến nhà, tất nhiên bà Hoắc rối rít cảm ơn Ngô Thập Lục rồi ôm Hoắc Viêm khóc rống một hồi mới đột nhiên căm giận nói: “Thằng súc sinh, để con gây họa ở bên ngoài, giờ học sinh gây chuyện đều bị phát lệnh truy nã rồi kia kìa. Nếu không cho con một bài học thì ngày sau nhà họ Hoắc gia tất sẽ bị con làm lụn bại hết.”
Hoắc Viêm mới vừa thấy lời ấy kỳ quặc, bà Hoắc đã sai người dùng gậy đánh ập một trận. Từ đó về sau Hoắc Viêm không còn thấy ánh mặt trời, mỗi ngày bị bà Hoắc nhốt trong phòng đọc sách. Không lâu sau lại truyền tới tin triều đình phái người xuống điều tra Đổng Lý Châu, truy bắt học sinh gây chuyện. Hoắc Viêm thầm nghĩ ngày đó bài văn có thể gọi là thứ đầu sỏ gây tội là do mình viết, bất kể ra sao thì lần này không thể may mắn tiếp nữa, bèn ở nhà chờ quan sai tới cửa bắt đi. Ai ngờ bạn tốt mang tin tức tới bảo: “Ban đầu bài văn đó của anh Hoắc được cất ở ty bố chính sứ, tất nhiên khâm sai sẽ hỏi đến, Đổng Lý Châu bèn sai người mang tới, nào ngờ lật tung cả ty bố chính sứ cũng không tìm được cái vật chứng quan trọng này. Mạng anh Hoắc không đáng ngại thì tất có phúc về sau.” Quả nhiên một tháng sau Hàn châu gió êm sóng lặng, Đổng Lý Châu đã bị tịch thu tài sản và giam cầm. Khâm sai lại xem xét lại bài thi trong kì thi hương lần này, phàm là học sinh dẫn đầu gây chuyện thì đều lấy lại hết công danh, rồi lại chọn ra một trăm cử nhân. Bài văn của Hoắc Viêm đã tốt, lại không tham gia làm loạn nên đỗ giải Nguyên[1]. Nhà họ Hoắc vui mừng phấn khởi, mở tiệc chiêu đãi khách.
[1] Đỗ đầu kì thi hương.
Trong này không thiếu Ngô Thập Lục được. Hoắc Viêm lặng lẽ nói với Ngô Thập Lục: “Ông chủ Ngô, lần này nhờ ơn ông cứu, tôi rất cảm ơn ông.”
“Cậu giải Nguyên nói gì đấy! Trên mặt sông Hàn này đều là cái lờ bắt cá của tôi, đều là bà con với nhau, đuổi vài thằng giặc con thay cậu thì có xá gì.”
Hoắc Viêm cười bảo: “Không phải việc này. Ông chủ Ngô vắt hết óc không cho tôi làm loạn, giữ công danh cho tôi mới có tôi hôm nay. Ơn lớn không lời nào cảm tạ hết được, ông cứ chờ tôi dập đầu hai cái với ông trước rồi lại nói.”
Ngô Thập Lục kéo y lại và nói: “Gượm đã, sao lại nói thế? Cái gì mà làm loạn với không làm loạn?”
“Tôi thích ông chủ Ngô thẳng thắn, đừng úp úp mở mở với tôi nữa. Ai mà không biết thế lực của ông trên mặt sông Hàn này? Muốn tìm được tôi thì hai ngày là đủ rồi, nào phải dùng tới mười ngày nửa tháng? Bà thân sinh ra tôi tính tình nhu nhược, tôi bị người ta trói đi nhiều ngày, đã quýnh muốn chết lâu rồi, còn đợi được tôi về mà đánh tôi mắng tôi cơ à?”
“Hì hì!” Ngô Thập Lục xấu hổ cười, nói, “Cậu ciải Nguyên đúng thật thông minh.”
Hoắc Viêm cười bảo: “Lúc đầu tôi cũng không mảy may nghi ngờ đâu, chẳng qua là tối hôm trước tôi đã bị trói đi, sao bà thân sinh ra tôi lại biết tôi gây họa bên ngoài cho được?”
“Thì ra là bà chủ nhà họ Hoắc nói lỡ miệng.” Ngô Thập Lục bừng tỉnh, bảo, “Tôi chỉ sợ bà cụ bên nhà nôn nóng đến mất trí nên mới lặng lẽ nói cho bà ấy nghe, muốn bà ấy chớ nên sốt ruột, đợi tin tức bên ngoài qua rồi thì sẽ thả anh về. Ha ha, không ngờ một câu nói của bà ấy đã để lộ hết cả.”
Hoắc Viêm nghiêm mặt nói: “Chỉ là tai vạ này là do tôi gây ra, nay tôi được vinh, những người khác lại bị tôi liên lụy.”
Ngô Thập Lục nói: “Thanh niên các anh chỉ biết càn quấy, đang yên đang lành vì một Đổng Lý Châu nho nhỏ mà chôn vùi con đường sáng láng phía trước, đúng là không biết nặng nhẹ. Lúc đầu tôi cũng chẳng muốn lo chuyện của người đọc sách các anh, song chủ tôi quý anh là một nhân tài, sai tôi dốc sức giữ công danh cho anh, bằng không bây giờ anh ngồi đại lao mới biết lợi hại. Ngày sau anh tất sẽ làm quan trong triều đình, phải nhớ kỹ bài học lần này, trước khi làm việc, nhất thiết phải ngẫm nghĩ cho kỹ, bằng không thì tai họa về sau vô cùng vô tận đấy.”
Hoắc Viêm nghe lời dạy của ông ta có lý, bèn nói: “Vâng, nay mới biết ông chủ Ngô chẳng những bản lĩnh cao cường mà còn hiểu việc lớn của quốc gia. Chẳng hay vị cao quý nào đã xin ông chủ cứu giúp?”
Ngô Thập Lục nói: “Việc này không thể tùy tiện nói cho cậu biết được. Cậu chỉ cần thi hội cho tốt, tương lai làm quan cho tốt, coi như đã báo đáp được ân nghĩa của chủ tôi rồi.”
Ngô Thập Lục nói xong thì định đi, Hoắc Viêm kéo ông ta lại hỏi: “Ông chủ, còn có chuyện này, có phải ông củ đã trộm bài văn của tôi ở trong nha môn ty bố chính sứ giúp thay tôi tiêu tai không?”
Ngô Thập Lục cười: “Không thể tùy tiện nói lung tung lời như thế được đâu. Ngô Thập Lục này là dân lành trên đất Hàn châu, sao lại đi làm chuyện như thế?”
Ngô Thập Lục không nói rõ nên tất nhiên Hoắc Viêm không đoán bừa nữa, cho đến hôm nay với y mà nói, đây vẫn là câu đố chưa được giải đáp. Lúc bấy không kiềm được quan sát bên ngoài từ trong khoang thuyền, thấy nước sông cuồn cuộn tạt vào trước mặt, không biết mình đang ở phương nao, chỉ tỏ tường rằng trên chiếc khóa vận mệnh quấn nơi cổ họng mình đang có một bàn tay vô hình nắm lấy, chỉ cần nhẹ nhàng kéo một cái thì mình đã không tự chủ được mà chạy vội về phía nó.
Đến Ly đô rồi, sau khi nghe ngóng mới biết kì thi hội năm nay khác với năm trước, quan chủ khảo không phải thái phó Lưu Viễn mà là học sinh của lão là đô ngự sử viện Đô sát tên Miêu Hạ Linh, y cười nói trong lòng: “Người quen cũ đây rồi.” Năm ngoái kẻ phá án ở Hàn châu, còn chọn y đỗ giải Nguyên chính là tay ngự sử mặt sắt này.
Miêu Hạ Linh nhờ chuyện tuần án Hàn châu đã thăng liền hai cấp, lại được hoàng đế tin một bề, chọn làm chủ khảo thi hội năm nay. Cử nhân các chốn đã nghe tiếng hắn ta từ lâu, đều biết hắn ta công chánh liêm khiết, làm việc nhanh nhẹn lợi hại, đều nói kỳ thi hội năm nay tất ngay thẳng, tuyển chọn người ưu tú nên cực kỳ yên tâm.
Bên phía Miêu Hạ Linh thì như đi trên băng mỏng, trải qua một vụ án ở Hàn châu, hắn ta mới biết tai mắt của hoàng đế rất nhiều, cơ mưu sâu xa không như suy nghĩ trước kia của mình. Vừa từ Hàn châu trở lại, hoàng đế đã cho đòi Miêu Hạ Linh đến gặp một mình. Miêu Hạ Linh dâng tấu lên, bẩm tấu ngọn nguồn của vụ dân biến ở Hàn châu dựa vào sự thực, sau đó tịch thu gia sản của Đổng Lý Châu và Mao Trăn. Hoàng đế cầm tấu của hắn ta, khẽ mỉm cười nói: “Giờ phải đối chiếu đã.” Nói rồi lấy một bản liệt kê từ trong tay áo, lệnh cho thái giám Thượng bảo lĩnh sự Cát Tường đối chiếu từng hạng mục một, cuối cùng gật đầu nói: “Tốt, ngay cả khoản tiền mà Đổng Lý Châu mượn từ kho ra để tích trữ tơ mới cũng có, Miêu khanh chẳng những thanh liêm mà làm việc còn kỹ càng nhanh nhẹn, không phụ sự mong mỏi của trẫm.”
Miêu Hạ Linh nghe vậy lại chẳng cảm thấy mừng rỡ chút nào mà ngược lại đầm đìa mồ hôi lạnh, lòng nghĩ mà thấy sợ, ngay cả ý chỉ thăng hắn ta làm đô ngự sử của viện Đô Sát của hoàng đế cũng không nghe, sau khi dập đầu hoảng sợ lui ra còn liên tục nói thầm trong lòng nguy hiểm thật. Thì ra tội trạng của đám quan viên Hàn châu như Đổng Lý Châu, Mao Trăn tham ô trái pháp luật là thật, Miêu Hạ Linh xin chỉ tìm và tịch thu gia sản của lũ quan mang tội có liên quan thì phát hiện vào đầu tháng Tám, Đổng Lý Châu mượn từ kho Hàn châu một mười hai vạn lượng bạc, thẩm tra đối chiếu chi tiêu trong phủ ông ta vào tháng Tám nhưng chưa tìm được đích đến của khoản tiền này, mười hai vạn lượng bạc không cánh mà bay. Miêu Hạ Linh là một kẻ tàn nhẫn, dù không thể thẩm vấn Đổng Lý Châu nhưng có thể đánh đập tra hỏi mấy tay sư gia của ông ta, dưới hình phạt nghiêm khắc mấy tay sư gia đều nhận Đổng Lý Châu mượn khoản bạc này mua đứt tơ mới thượng hạng trên thị trường Hàn châu, chỉ chờ lúc bắt đầu dệt lụa Tiểu Hàn để cống nạp thì lại đem các loại tơ mới ra bán cho quan phủ với giá cao, chỉ mua vào bán ra đã được mười mấy vạn lượng rồi.
Mười mấy vạn lượng bạc trắng sáng loáng để ở trước mặt thì dù là ai cũng sẽ động lòng. Miêu Hạ Linh nghèo khốn đã lâu, chỉ nói chắc triều đình không biết việc này, lập tức nghĩ cách. Khi đang đắn đo suy xét, Lưu Viễn lại nghìn dặm xa xôi gửi thư đến, lời nói thành khẩn, cổ vũ hắn ta làm quan thanh liêm thì con đường phía trước sẽ thênh thang. Xưa nay Miêu Hạ Linh vẫn luôn kính phục ân sư Lưu Viễn, nhớ lại năm xưa mình chẳng qua chỉ là một anh học trò nghèo, văn vẻ cũng không quá mức xuất chúng, nhờ Lưu Viễn cảm thấy ngòi bút của hắn ta rất có khí khái, đưa hắn ta đậu tiến sĩ, lại cực lực tiến cử trước mặt hoàng đế, thế là lòng trở nên ấm áp, mới gạt bỏ suy nghĩ ban đầu.
Ai ơi nhớ lấy câu này, reup không khéo có ngày rụng răng.
Tinh mơ ngày mùng chín tháng Hai, Miêu Hạ Linh dắt chúng quan khảo thí vào trường thi, biết từ trước đến nay chuyện xui xẻo này khó mà gánh vác được, tuy hoàng đế còn trẻ tuổi nhưng không phải người chủ có thể lừa dối. Lòng mình thì như gương sáng, chỉ là không biết những người khác có chuyện vì tình riêng mà gian lận hay không, sau này sẽ liên lụy mình vào trong đó. Dầu hắn ta không yên lòng thế nào, cũng không dám nói bừa tình cảnh hôm gặp vua với mọi người, chỉ lệnh cho các quan khảo thí tụ tập lại, dặn đi dặn lại phải chọn học trò một các công chính, không phụ kỳ vọng của thánh thượng một lần nữa.
Tảng sáng, bên này thì các thí sinh nối đuôi nhau vào bàn, bên kia thiên lao canh giữ cửa đường vòng. Một tiếng pháo nổ vào chính ngọ, vì là thủ phạm của vụ án ở Hàn châu mà hai gã quan có tội rơi đầu. Bỗng chốc triều đình và dân gian đều chỉnh đốn lại, chẳng những kính nể hoàng đế thêm vài phần mà còn làm trăm quan lại phải nhìn Thành Thân vương nhỏ xưa nay quen thói phong lưu song lần này lại không thể tha thứ mà tố cáo Đổng Lý Châu với cặp mắt khác xưa.
Hoàng đế đã dâng lá cờ sát phạt, không ai dám ở lấy tính mệnh người thân ra nói đùa ở bước ngoặt này nên lần thi hội ấy thuận lợi công chính một cách lạ thường. Ngày hai mươi tháng Hai, Miêu Hạ Linh dâng danh sách một trăm cử nhân lên để hoàng đế đích thân xem. Thành Thân vương đã ngồi hầu ở bên cạnh, hoàng đế đưa danh sách cho y rồi nói: “Em xem đi.”
Thành Thân vương nhìn kỹ một lần rồi gật đầu nói với Miêu Hạ Linh: “Không sai, mấy tài tử nổi danh ở địa phương đều có bên trong, chứng tỏ ông chọn công bằng.”
Miêu Hạ Linh lại cả kinh, khom người nói: “Ngay cả cử nhân đến từ các địa phương mà Thành Thân vương cũng biết hết từng người, quả là hiểu rõ mọi việc.”
Thành Thân vương cười nói: “Thế thì chưa chắc.” Đoạn lại xem danh sách lần nữa, hỏi, “Sao không thấy Hoắc Viêm mà ông cho đỗ giải Nguyên ở Hàn châu?”
Hoàng đế cũng hỏi: “Lẽ nào văn không hay à?”
“Không phải văn không hay ạ.” Miêu Hạ Linh cầm bài thi của Hoặc Viêm ra từ trong tay áo, nói, “Tài văn chương và cách nhìn nhận của y đều tốt, năm ngoái vì thế nên mới chọn y đỗ giải Nguyên. Nhưng sau đó thần nghe nói y chính là học sinh không an phận tham gia gây rối, chỉ là ty bố chính sứ không có chứng cứ bắt y, lúc ấy thần cũng rất hối hận. Đây là bài thi hội của y, kính mời hoàng thượng định đoạt.”
Hoàng đế xem bài thi của Hoắc Viêm xong thì cười nói: “Đó là một người tài có ích, nếu Miêu khanh không có chứng cứ rõ ràng thì chớ phá hỏng công danh của y.”
“Dạ, giờ thần sẽ sửa lại danh sách, cắt đi một người rồi thêm Hoắc Viêm vào.”
Hoàng đế bèn bảo: “Không cần. Tuy nói từ trước chỉ lấy một trăm người, nhưng những học sinh này đều vất vả, nếu đã được khanh chọn thì có lẽ văn chương cũng ngang ngửa nhau, cần gì vì Hoắc Viêm mà làm lỡ tương lai của người khác?” Nói rồi đón lấy danh sách từ trong tay Thành Thân vương, tự mình nhấc bút thêm tên Hoắc Viêm ở cuối cùng.
Miêu Hạ Linh dập đầu nói: “Hoàng thượng thánh minh, lòng dạ mênh mông nhân từ, là phúc của những cử nhân này, là phúc của thiên hạ xã tắc.”
Hoắc Viêm đâu hay những ngoắt ngoéo này, sau khi yết bảng thì đến chào ân sư Miêu Hạ Linh rồi dạo chơi quanh Ly đô. Ly đô có chín nhịp cầu kéo dài khắp sông Ly, cảnh vật ở mỗi cây cầu đều khác nhau, tráng lệ vô song. Nếu đã tới, há có thể không nhìn ngắm? Hoắc Viêm không yên được một ngày, đi lung tung khắp chốn. Lúc bấy tiết rời còn lạnh, gió trên mặt sông lớn, y bị thổi mấy hôm, cuối cùng nhiễm bệnh. Thấy thi đình sắp tới, Hoắc Thụy và Hoắc Tường gấp đến độ xoay chung quanh, chỉ hận y không chịu ở yên, làm mình không biết ăn nói thế nào trước mặt bà chủ nên hễ trông thấy Hoắc Viêm thì mắt đều lộ vẻ dữ mà thở vắn than dài. Đảo mắt đã đến ngày thi đình mùng một tháng Ba, vừa sáng Hoắc Viêm đã dằn lòng uống hai chén thuốc giải nhiệt, mặc thêm một cái xiêm áo rồi gắng gượng đi vào thi đình. Trên đường đã đi qua nơi nào, gặp những ai, điện Thanh Hòa trông ra sao, thậm chí mình viết gì trong bài văn cũng không nhớ rõ, mơ mơ màng màng trở lại nhà trọ, đặt mình xuống là ngủ ngay. Y thầm nghĩ lần này xong rồi, chỉ mong bài văn xem tạm được, không có lời đại nghịch bất đạo đã may mắn lắm rồi. Đương lúc đần dại ra, chợt nghe tiếng bước chân chạy như điên, Hoắc Thụy đá tung cửa ra, gọi to: “Đỗ rồi, đỗ rồi, thiếu gia đỗ thám hoa rồi!”
Hoắc Viêm nhảy phắt dậy từ trên giường, nhìn Hoắc Thụy cười ầm lên rồi ngã ngửa người về phía sau, bất tỉnh nhân sự. Trong khi hôn mê, y cảm giác có hai ngón tay lạnh như băng đặt ở trên cổ tay mình, có tiếng một lão già cười nói: “Không có gì đáng ngại, chàng thám hoa chỉ vì vui mừng quá nên mới ngất. Nay kê đơn thuốc rồi sắc theo thì đêm nay là có thể hạ sốt. Ha ha, ngày mai thám hoa còn phải vào điện vàng tạ ơn rồi đi diễu hành đỗ tiến sĩ, cơ thể mà không chăm sốc tốt thì không xong đâu.” Hoắc Viêm miễn cưỡng mở mắt ra, thấy một ông già mặc áo xanh khom người đứng dậy, một cậu trai người gầy gò xách cái hòm thuốc cho ông ta đi ra cửa. Chủ tiệm thì khom người chắp tay thi lễ, còn nói với Hoắc Thụy: “Đúng là chàng thám hoa! Kinh động đến cả thầy Trần thần y của thái y viện tới khám bệnh cho, ơn vua mênh mông cuồn cuộn, nhà trọ nhỏ này cũng được hưởng vinh.”
Hoắc Viêm không tự chủ mà nhìn chằm chằm cánh tay trắng như tuyết của cậu trai kia, mãi đến hắn biến mất trong bóng tối ở hành lang ngoài cửa mới ngủ tiếp.
Suy cho cùng cũng là thần y tiếng tăm lừng lẫy trong kinh thành, Hoắc Viêm mới uống một thang thuốc của thái y Trần Tương đã hết sốt cao. Lại uống thêm hai viên thuốc linh nghiệm bồi bổ hư nhược điều dưỡng tinh thần mà Trần Tương cố lòng để lại, tinh thần Hoắc Viêm phấn chấn hơn, mới có sức lực ứng phó lễ nghi phiền phức của hai ngày sau.
Triều đình hết sức ân sủng tiến sĩ khóa mới, không chỉ hoàng đế ban tiệc ở chùa Quang Lộc rồi ban thưởng vô số mà ngay cả Thành Thân vương cũng mở tiệc ở vương phủ để chúc mừng họ. Từ lâu Hoắc Viêm đã nghe nói Thành Thân vương cũng là một người phóng khoáng, có tiếng không câu nệ tiểu tiết, thấy y răng trắng môi hồng, mắt mũi sáng trong, vẻ mặt ôn hoà, có phong phạm của hậu duệ hoàng thất thì càng ngưỡng mộ. Nếu không phải Thành Thân vương mang thân phận thân vương, còn phải cẩn thận tự trọng, thì đã có tiếng lãng tử giống y rồi, nói mấy câu với Hoắc Viêm đã cảm thấy vô cùng hợp ý. Trong bữa tiệc thân vương bàn luận trên trời dưới đất với các tiến sĩ, vẻ mặt phấn chấn. Mọi người còn trẻ, thấy vương gia ôn hòa thì đều ưa thích trong lòng, không hề gò bó. Uống rượu tới lúc say sưa, Thành Thân vương nói: “Thưa các vị, có rượu không khúc thì chẳng mất hứng lắm sao? Ở đây có cô đào đứng đầu kinh thành, mọi người hãy nghe một khúc của nàng.”
Màn trúc đối diện phòng khách khẽ cuộn lên, một cô thiếu nữ ôm nghiêng tỳ bà, không thấy rõ mặt, chỉ thấy ngón ngọc của nàng khẽ vuốt, dây đàn tức thời chảy ra tiếng nước sắc hoa. Từng tiếng ca du dương mát rượi thấm lòng người chậm rãi vang tới, xuyên thấu vào cõi lòng Hoắc Viêm, y kinh ngạc đến mức mặt tái mét, đột nhiên đứng dậy, hai gò má lóe ra một màu như ánh lửa đỏ. Cô đào đó đang tình trông y, đôi mắt tím dập dờn như làn thu thủy, nhộn nhạo không ngừng.
Truyện chỉ được đăng tại vongnguyetlau10.wordpress.com Ngoài ra đều là nơi ăn cắp.
“Ty Giáo phường[2] nhiều đào kép như thế mà em không cần, cứ nhất định phải tìm cô ca nữ từ chốn ngõ liễu tường hoa tới. Viện Đô Sát đã có kẻ hạch tội em rồi đấy, em tự xem lại đi.”
[2] Cơ quan quản lý âm nhạc thời xưa.
Hoàng đế ném tấu sớ vào trong lòng Thành Thân vương. Thành Thân vương lật quan lật lại rồi cười nói: “Cô ca nữ này rất có tiếng ở kinh thành, người làm quen nhiều như vậy mà chỉ tố một mình thần là cớ làm sao? Vả lại chỉ tới góp vui chứ có cái gì quan trọng đâu ạ? Những tên đạo đức giả này không điều tra bè lũ tham quan thực sự, cho rằng tố cáo một thân vương rồi là có thể nổi danh, hoàng thượng cần bọn họ làm gì? Còn không bằng Khương Phóng sảng khoái hào phóng, hiểu thấu lòng thần.”
“Em lại nói Khương Phóng làm cái gì? Dù rằng cô ca nữ kia do anh ta giới thiệu cho em cũng chỉ để vui chơi thôi, ai cho em lấy ra khoe khoang trong thời điểm coi trọng thể diện này? Em cứ mãi làm người ta phiền lòng thôi!” Hoàng đế không khỏi nhìn chằm chằm Thành Thân vương oán trách vài câu, “Tiến sĩ khóa mới bây giờ toàn là ngọc trắng không tỳ vết, cẩn thận những trò phong lưu của em dạy hỏng bọn họ đấy.”
Thành Thân vương cười thưa: “Hoàng thượng coi thường những tay tiến sĩ khóa mới này rồi. Ngày ấy thám hoa khóa mới là Hoắc Viêm thấy cô ca nữ này thì hồn xiêu phách lạc, đứng dậy mà không để ý lễ nghi, ngay cả đũa rơi trên mặt đất mà cũng chẳng hay, cứ nhìn loạn thẳng vào nàng kia. Càng lạ là nàng kia cũng mày đưa mắt lại với y. Vừa hỏi phía dưới mới biết được trước đây hai người họ đã quen biết ở Hàn châu, nếu mẹ Hoắc Viêm không kiên quyết không cho phép thì e giờ đã là vợ bé của Hoắc Viêm rồi.”
Hoàng đế không nhịn được cười nói: “Em thích nhất những chuyện thị phi này mà, cá mè một lứa với tay Hoắc Viêm này thôi.”
Thành Thân vương vội tâu: “Vâng, hoàng thượng thánh minh! Nay thần tới chính là để nói hộ Hoắc Viêm. Nếu mẹ y không cho phép cô này vào cửa thì chi bằng hoàng thượng loại bỏ thân phận hèn mọn của nàng rồi ban hôn cho hai người họ. Hoắc Viêm là một nhân tài, sau việc này tất sẽ mang ơn hoàng thượng, từ rày còn sợ y không để hoàng thượng sử dụng nữa ư?”
Hoàng đế nói: “Rất tốt, chi bằng lập tức soạn chỉ, em đi làm đi.” Bỗng nhiên hắn ta ngẫm nghĩ rồi lại hỏi Tịch Tà hầu hạ bên cạnh, “Khanh thấy thế nào?”
Tịch Tà nói: “Ơn vua mênh mông cuồn cuộn, nô tỳ cũng mừng cho thám hoa Hoắc. Song, nô tỳ cảm thấy có chỗ không ổn.”
Thành Thân vương nói: “Có chỗ nào không ổn, anh mau nói xem nào.”
Tịch Tà nói: “Đây vốn là chuyện cực tốt nhưng lại dính dáng đến nơi xuất thân của nàng kia, bất kể thế nào vẫn không danh giá gì. Nếu chỉ bỏ thân phận thấp hèn của cô gái kia, Hoắc Viêm có thể đường hoàng cưới nàng vào làm vợ bé, với y mà nói đã có ít ơn huệ, chỉ cần y là kẻ hiểu chuyện thì vẫn sẽ mang ơn với hoàng thượng. Hoàng thượng ban hôn thì lại không hay. Chắc ở nhà Hoắc Viêm đã có vợ đầu, đến lúc ấy lại há chẳng phải làm loạn danh phận trong nhà y? Ngày sau lúc trọng dụng y lại cho triều thần khác một lý lẽ hạ thấp y, bên phía hoàng thượng thì sẽ không tránh khỏi việc có kẻ nói ngài chỉ muốn tốt cho bản thân mà không để ý đến phép cương thường trong thiên hạ, tạo ra một cái lệ không hay cho con cháu đời sau. Nô tỳ ăn nói lỗ mãng, mong hoàng thượng thứ tội.”
Thành Thân vương gật đầu lia lịa, đáp: “Anh nghĩ chu đáo hơn ta, vậy mới ra dáng.” Nói rồi nhướng mày bảo, “Có điều khó xử là thần đã bằng lòng với Hoắc Viêm rồi, hoàng thượng thấy nên nói với y thế nào đây.”
Hoàng đế nói: “Tự em lắm chuyện còn muốn trẫm giải quyết hậu quả cho em à?”
Tịch Tà cười thưa: “Đây là việc nhà của Hoắc Viêm, hoàng thượng đứng ra không khỏi thái quá. Nếu Thành Thân vương không tiện nói thì hay là để nô tỳ giảng cho y hiểu giúp Thành Thân vương, có được chăng?”
Hoàng đế cười nói: “Tốt, Thành Thân vương cũng mong ước khanh qua chơi cờ với nó đấy.” Bàn bạc xong xuôi, hôm sau Thành Thân vương đã cho đòi Hoắc Viêm vào vương phủ, lấy danh nghĩa là hầu cờ. Hoắc Viêm xin gặp vào thời gian đã hẹn, nội thần trong vương phủ dẫn y tới vườn hoa bên hồ nước. Thấy xa xa Thành Thân vương một mình ngồi trên ghế mây, đầu gối phủ tấm nệm da, líu lưỡi lắc đầu nhìn bàn cờ mà vắt óc suy nghĩ thì cười thầm trong lòng, y báo tên rằng: “Thần Hoắc Viêm xin gặp. Chúc vương gia may mắn như ý.”
Bấy giờ Thành Thân vương mới ngẩng đầu lên, cười nói: “Mau tới đây thay ta đánh một nước.”
Hoắc Viêm cũng là một tài tử giỏi cờ nhưng vừa nhìn vào trong bàn cờ cũng nhíu mày theo, nói: “Việc này…” Suy nghĩ hồi lâu, y cầm quân đen lên bảo, “Miễn cưỡng đi một nước này vậy. Vương gia thấy thế nào?” Nói xong thì hạ cờ xuống bàn.
Thành Thân vương nhìn rồi cười bảo: “Không nói dối anh, vừa rồi ta cũng nghĩ tới việc đi nước cờ này, chỉ sợ vẫn trúng mưu kế của người khác. Nếu ý kiến của hai ta đã giống nhau thì chi bằng cứ hạ nước này, xem hắn đối phó ra sao.”
Hoắc Viêm nhìn chung quanh nhưng không thấy có người khác, lại nghe Thành Thân vương gọi về phía ven hồ: “Ta đánh xong rồi, đến anh đấy!”
Lúc bấy Hoắc Viêm mới trông thấy chàng trai mặc quần áo quan hoạn đứng dưới gốc liễu, ném cần câu trong tay qua một bên, đến gần nhìn qua, bèn tiện tay đánh xuống một cái rồi bưng chén trà ở bên mà uống. Thành Thân vương đưa tay cướp lấy chén trà nói: “Nguội lâu rồi.” Y lại sai người dâng trà mới tới. Hoắc Viêm bên này đang cúi đầu nhìn về phía bàn cờ, không ngừng lắc đầu.
Thành Thân vương cười nói: “Đây là cao thủ đứng đầu trong cung, thám hoa có biết không?”
Hoắc Viêm thấy chàng trai đẹp đẽ vô song, dáng người cao gầy, luôn cảm thấy hình như đã từng quen biết. Chàng trai kia đã cười ôm quyền nói: “Thì ra là thám hoa Hoắc khóa năm nay, nô tỳ là Tịch Tà của cục Châm Công ở trong cung.”
Thành Thân vương nói: “Hoắc Viêm, anh hãy thay tôi đánh hết bàn cờ này đi, tôi đi viết sớ quan trọng xong rồi quay lại.” Nói đoạn ấn Hoắc Viêm xuống chiếc ghế mình ngồi lúc trước.
Tịch Tà cũng ngồi xuống, cười nói: “Mời thám hoa.”
Hoắc Viêm ngẫm nghĩ một lúc lâu mới tiếp tục đánh. Tịch Tà thấy ván này đã gϊếŧ đến giai đoạn giữa, Hoắc Viêm lại nắm cờ thay Thành Thân vương nên không tiện thắng y, thế tiến công giảm đi, đánh cực nhanh, cuối cùng tự nhiên lại hoà. Hoắc Viêm cười nói: “Tài đánh cờ của công công hơn người, tại hạ vô cùng bội phục.”
“Đâu có!” Tịch Tà nói, “So bì thế nào được với đại tài tử họ Hoắc của Hàn châu. Năm ngoái lúc nô tỳ ở Hàn châu đã nghe tiếng thơm của thám hoa Hoắc, lúc đó không kịp gặp mặt thật là tiếc nuối. Nay nhờ phúc của vương gia có thể đánh cờ cùng anh thám hoa, trở về nói cho các sư huynh đệ biết thì chắc chắn sẽ khiến bọn họ cực kỳ hâm mộ.”
Hoắc Viêm bèn vội vàng khách sáo khiêm tốn theo, nói: “Thì ra năm ngoái người ở Hàn châu chính là Tịch Tà công công, tại hạ ở Hàn châu chẳng có tiếng tăm gì, công công biết đến quả là nhọc lòng rồi.”
Tịch Tà cười: “Thám hoa lang khiêm tốn quá! Một bài văn của anh đã tố cáo lật đổ hai vị quan lớn, kích động một cuộc dân biến. Thật là người xưa chưa từng làm, mà ngày sau cũng chẳng có ai, có thể xưng là thiên tài gây họa rồi!”
Hoắc Viêm kinh ngạc đến biến sắc, nói: “Sao công công lại nói ra lời này?”
Tịch Tà mỉm cười, lấy bài văn được gấp chỉnh tề ra từ trong ngực, dùng ngón tay trắng như tuyết đưa tới trước mặt Hoắc Viêm: “Lần đầu gặp mặt, chút lễ mọn bày tỏ lòng tôn kính.”
Hoắc Viêm mở ra xem, thấy chính là bài văn gây chuyện thị phi của mình thì sợ đến mức vội vàng cất vào trong ngực và nói: “Thì ra là công công cứu giúp ở Hàn châu.”
Tịch Tà ngắt lời y, mỉm cười bảo: “Không phải là cứu giúp gì cả. Lúc đó tôi chỉ cảm thấy văn chương của ngài hay, lấy ra xem thử, hôm sau đi mà quên trả về thôi.”
Hoắc Viêm thầm nghĩ: Nào có chuyện ấy. Y vô cùng biết ơn Tịch Tà, nhìn khuôn mặt sáng tỏ của y mà không biết đền đáp thế nào.
Tịch Tà nói: “Cô nương Tử Mâu có khỏe không? Gần đây thám hoa Hoắc thường qua lại chốn nào mà quấy rầy đến cả tai thánh thế? Hoàng thượng vốn định gả Tử Mâu cho thám hoa, thám hoa có nghe qua chưa?”
Hoắc Viêm nói: “Chút chuyện nhỏ của bề tôi, sao dám quấy rầy thánh thượng?”
Tịch Tà cười nhạt nói: “Bây giờ hoàng thượng còn trẻ tuổi, làm việc không chú ý nhiều đến tiểu tiết, bây giờ vì sủng ái một mình ngài mà biến việc nhà của ngài thành việc nước, tạo ra cái lệ này thì tương lai không quản được những kẻ khác noi theo, ắt sẽ ảo não trong lòng, tất bắt ngài mà hỏi, thật là trở ngại lớn với con đường phía trước của thám hoa Hoắc. Lần này đây là nô tỳ ngăn lại, thá hoa Hoắc chớ trách nô tỳ nhiều chuyện.”
“Công công!” Lưng Hoắc Viêm đẫm mồ hôi lạnh, y nói, “Tôi cũng muốn bảo Thành Thân vương bẩm rõ để hoàng thượng thu lại mệnh lệnh đã ban ra. Nay có công công thay tôi giải thích trước mặt thánh thượng, bớt đi nhiều trắc trở, Hoắc Viêm vô cùng cảm kích.”
Tịch Tà nói: “Ngài không cần cảm ơn tôi, đều là nhờ ơn của đương kim hoàng thượng mênh mông cuồn cuộn. Ý chỉ bãi bỏ thân phận thấp hèn của Tử Mâu do hoàng thượng ban đã ở chỗ Thành Thân vương, tự vương gia sẽ tìm người làm. Nhưng còn có một việc có lẽ sẽ khiến thám hoa khó xử.” Tịch Tà rút một tấm ngân phiếu ra từ trong tay áo, đưa cho Hoắc Viêm rồi nói, “Bà cụ bên nhà vốn không ưng mối hôn nhân này, lại xa ngoài ngàn dặm, thám hoa ở kinh thành nào có ngân lượng chuộc Tử Mâu ra. Chỗ này là ba ngàn lượng, thám hoa hãy cầm đi chuộc thân cho Tử Mâu, mua sản nghiệp ở kinh thành, sớm kết lương duyên, không nên phụ ý tốt của hoàng thượng.”
“Việc này tuyệt đối không được.” Hoắc Viêm đáp mà không hề nghĩ ngợi.
“Nói vậy là thám hoa ghét bỏ ư?” Tịch Tà thở dài, “Số ngân lượng này đối với nô tỳ mà nói chỉ là vật ngoài thân, không coi vào đâu. Cô nương Tử Mâu khổ sở chờ đợi ngài hai năm, nay thám hoa cần dùng gấp thì cần gì câu nệ với tiểu tiết? Chúng ta đều là người phóng khoáng, còn để bụng việc này sao?”
Hoắc Viêm trào dâng nhiệt huyết trong lòng, gật đầu nói: “Phải, công công nói phải.”
Tịch Tà cười nói: “Vậy thì tốt. Nô tỳ đi về trễ sợ hoàng thượng trách tội, giờ xin đi chào tạm biệt vương gia, thám hoa hãy chờ ở đây.”
Hoắc Viêm đột nhiên hỏi: “Công công có quen Ngô Thập Lục chăng?”
Tịch Tà quay đầu lại trả lời: “Ngô Thập Lục? Từng gặp hai lần, sao vậy?”
Hoắc Viêm cười nói: “Không có gì. Chỉ là ngày sau công công có việc gì cần, xin cứ nói rõ với Hoắc tôi.”
Tịch Tà mỉm cười: “Cùng làm việc vì hoàng thượng, sau này việc phải nhờ đến anh thám hoa còn nhiều nữa, xin hãy bảo trọng.”