Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Khai Thị

Quyển 1 - Chương 17: Làm Vừa Ðủ Là Trung-Ðạo

« Chương TrướcChương Tiếp »
Làm Vừa Ðủ là Trung-Ðạo

Gấp thì đứt, chậm thì lỏng.

Không chậm, không gấp mới thành công.

Pháp môn tham thiền, cần hồi quang phản chiếu ở mọi thời mọi lúc một cách tự nhiên. Mình không được quá gấp rút, cũng không được quá chậm chạp; nên có câu nói rằng:

Khẩn liễu băng, mạn liễu tông Bất khẩn bất mạn tài thành công.

Nghĩa là:

Gấp thì đứt, chậm thì lỏng

Không chậm, không gấp mới thành công.

Không gấp không chậm là trung đạo; đi đứng nằm ngồi đều không rời "cái nầy," xa rời khỏi "cái nầy" tức là sai lầm. "Cái nầy" là cái gì? Ðó chính là Trung-đạo liễu nghĩa.

Tham thiền không được đi vào cực đoan, không được quá lố cũng không được thiếu hụt; quá lố hay thiếu hụt đều không phải là Trung-đạo. Không rơi vào "không," cũng không rơi vào "hữu," không rơi vào hai biên tế, mới gọi là Trung-đạo. Nên nói rằng: "Trung-đạo chính là phi không phi hữu" (chẳng không mà cũng chẳng có), cũng có nghĩa là chân không diệu hữu. Không chấp trước chân không, nhưng cũng đừng quái ngại diệu hữu. Chân không diệu hữu đều không thể nắm bắt, cũng không thể xả bỏ. Nắm cũng không được, bỏ cũng không xong, đó chính là cảnh giới của chân không diệu hữu.



Người dụng công cần phải có thủy có chung (có đầu có đuôi) thì mới thành tựu được. Rằng: "Quán triệt thủy chung." Không thể một ngày tu rồi mười ngày nghỉ Ố nhất bộc thập hàn Ố nghĩa là một ngày hơ ấm, mười ngày bỏ lạnh. Không được gặp chuyện khó khăn liền thối lui, đi được nửa đường rồi bỏ cuộc, người như vậy là kẻ không có chí khí. Cổ nhân nói:

Tu Ðạo bất phạ mạn, chỉ phạ trạm.

Nghĩa là:

Người tu đạo không sợ chậm, chỉ sợ đứng một chỗ.

Lúc thường dụng công tham thiền, mình nên chú ý vào thoại đầu, dùng Kim-cang bảo kiếm (tức là trí huệ) để chặt hết vọng tưởng. Vọng tưởng hết, thì trí huệ hiện tiền. Có trí huệ quang minh, mới phá tan vô minh hắc ám. Vô minh phá trừ rồi, mình thoát khỏi Tam-giới, hết sinh tử, lúc đó mới ra khỏi vòng tròn định mạng (thập nhị nhân duyên).

Người dụng công tu đạo cần có tâm nhẫn nại. Bất luận trường hợp khó khăn gian khổ nào, cũng cần nhẫn thọ. Nhẫn nại thì mới tới được bờ bên kia. Vì vậy trong khi đả thiền thất đừng nên sợ khổ. "Khổ tận cam lai" nghĩa là đắng hết, ngọt lại. Nếu mình chưa lặn xuống tận đáy, mình sẽ không bao giờ vươn lên tận chóp đỉnh. Căn nhà cao hằng ngàn trượng đều từ nơi mặt đất xây lên, không phải xây lên trong hư không. Bởi thế cần hạ thủ tham thiền nơi chốn căn bản, tức là trừ bỏ vọng tưởng. Nếu mình có thể ngừng vọng tưởng, thì lúc đó:

Tâm thanh, thủy hiện nguyệt, Ý định, thiên vô vân.

Nghĩa là:

Lòng trong suốt, trăng hiện bóng nước.

Ý an định, trời xanh không mây.



Khi lòng thơi thản, trăm nạn tiêu hết. Ý yên định, mọi chuyện an bình. Rằng:

Tâm chỉ niệm tuyệt chân phú quý.

Tư dục đoạn tận chân phước điền.

Nghĩa là:

Tâm ngừng, niệm dứt là giàu sang thật.

Lòng tư dục cạn, ruộng phước mới chân.

Tham thiền tức là dứt hết vọng, chỉ còn sự chân thật (khử vọng tồn chân). Cũng giống như sàng cát đãi vàng vậy; ở trong cát mà tìm vàng đó là chuyện rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu mình muốn tìm vàng thì phải tìm trong cát, tất phải có lòng nhẫn nại. Quý-vị có muốn hiểu rõ Phật tánh của mình không? Muốn được minh tâm kiến tánh chăng? Vậy thì phải nhẫn nại tu hành, nhẫn nại tham thiền, nghiên cứu, lâu dần thì tất nhiên sẽ quán thông, sẽ khai ngộ; "ồ! Thì ra là vậy."

Khi tham thiền thì mình đừng để ý đến chuyện khác, cứ một mực tham câu "Niệm Phật là Ai?" Phải tìm cho ra "Ai" đó, chỉ khi nào tìm ra rồi thì lúc đó mới ngừng tham. Công phu mình đã đến chỗ thuần thục rồi, thì tự nhiên sẽ gặt hái được kết quả tốt.

Khi ngồi trong thế kiết già, đem chân trái gác lên đùi phải, đem chân phải gác lên đùi trái. Ðó là vì chân trái thuộc về dương, chân phải thuộc về âm. Cho nên khi ngồi thiền, chân trái (dương) thì ở phía trên, chân phải (âm) thì ở phía dưới, đó cũng giống như là vô cực sinh thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi (tức là âm và dương). Tuy ý nghĩa như vậy; nhưng để cho tiện, quý-vị muốn bỏ chân trái ở dưới, chân phải ở trên cũng được; bởi vì Pháp thì không nhất định, tùy theo thói quen của mỗi người, không cần phải chấp trước một phương pháp, một tư thế cố định nào cả. Ðể chân trái ở trên chân phải là một phương pháp mà thôi, không phải là một quy luật tuyệt đối; rằng quý-vị phải tuân theo như vậy.

Nói tóm lại, kiết già phu tọa là thế mình dễ nhập định nhất. Nếu mình có thể nhập định trong lúc đi thì ngồi hay không ngồi đều không thành vấn đề. Cảnh giới lúc nhập định thì không có một chút vọng tưởng nào, trong tâm một niệm chẳng nẩy sinh, bụi trần chẳng nhiễm. Nếu có thể đi đứng nằm ngồi không sinh một niệm nào, không nhiễm ô bụi trần thì đó là lúc dụng công đấy. Không nhất định ngồi mới gọi là dụng công tham thiền.
« Chương TrướcChương Tiếp »