Ðả Thiền Thất Phải Khắc Kỳ Thủ Chứng
Cần chân thật dụng công tham thiền.
Có bản lĩnh thật sự thì mới đáng kể.
Hôm nay là ngày đầu thiền thất. Hy vọng quý-vị nổ lực tham thiền. Chớ lãng phí cơ hội khai ngộ.
Ðả thất thì phải khắc kỳ thủ chứng. Không thể ngồi trên thiền sàng mà khởi lên vọng tưởng. Như vậy thì chỉ cô phụ công việc tham thiền của mình mà thôi. Quý-vị vọng tưởng điều gì? Vọng tưởng có nhiều thứ không giống nhau, nhưng tóm lại đều là những thứ vọng tưởng không có biên tế. Có người có vọng tưởng như vầy: "Kỳ này tới tham thiền thất hy vọng sẽ khai ngộ, sẽ đắc đại trí huệ. Sau khi khai ngộ, nhất định tôi sẽ tuyên bố trước thế giới tin tức đặc biệt này, khiến toàn thế giới đều biết rằng tôi là người đã khai ngộ và để cho mọi người phải cung kính
tôi."
Quý-vị hãy nghĩ xem, người có tư tưởng như vậy phải chăng là đã khai ngộ? Tôi dám chắc rằng, tuyệt đối y chưa khai ngộ! Tại sao vậy? Bởi vì mới ngồi lên thiền sàng mà vọng tưởng đã đầy dẫy như thế, nếu không vì cầu danh thì cũng là cầu lợi. Vì danh lợi mà dụng công thì làm sao khai ngộ được.
Có người lại có vọng tưởng như sau: "Kỳ thiền thất này ta nhất định sẽ khai ngộ! Ta sẽ là người khai ngộ đầu tiên trong khóa thiền này. Kẻ khác không khai ngộ, chỉ có mình ta là độc nhất khai ngộ, đó thật là một chuyện hết sức vinh quang vậy!" Thậm chí có những kẻ không hiểu biết gì về khai ngộ, tự mình mạo xưng là khai ngộ. Ði đâu cũng tuyên bố là mình đã khai ngộ rồi, lừa bịp đại chúng khiến họ phải cung kính. Ðó là thứ "ngư mục hỗn châu," (trợn mắt cá để người khác tưởng lầm là hạt ngọc). Những tư tưởng ấu trĩ như vậy thật là đáng buồn cười. Hy vọng quý-vị đừng có những vọng tưởng đó. Phải "cước đạp thật địa" nghĩa là chân phải đứng vững trên mặt đất, dụng công tham thiền để có bản lãnh chân thật thì đó mới là đáng kể.
Có người thì có vọng tưởng như vậy: "Mình phải nhất định khai ngộ; khai ngộ rồi thì người ta mới đến cúng dường; có cúng dường thì lúc đó mới xây chùa lớn, làm một vị pháp chủ, tín đồ mới lại thân cận cúng dường và mình sẽ trở thành một vị đại pháp sư vang danh thiên hạ; ai cũng biết mình là danh tiếng cao ngất." Quý-vị phải biết những kẻ không học, không tài, không thuật, mà thọ sự cúng dường thì lương tâm làm sao an ổn được.
Bây giờ nói về tư thế tọa thiền, mình cần phải ngồi cho đúng mới có ích lợi cho thân tâm. Nếu không, tọa thiền không có giá trị gì. Trong khi tọa thiền, trước hết phải để thân tâm mình tự nhiên nhẹ nhàng, không nên gấp rút khẩn trương. Tốt nhất là ngồi thế kiết già, đó là thế căn bản của pháp ngồi thiền.
Thế kiết già phu tọa (hoặc là thế kiết già) là gì? Tức là lấy chân trái để lên chân mặt, sau đó để chân mặt lên đùi trái. Ðó là thế Kim-cang tọa, nghĩa là thế kiên cố bất động. Trong quá khứ chư Phật đã ngồi thế Kim-cang tọa mà thành Phật; tư thế này có thể hàng phục thiên ma và chế chỉ ngoại đạo. Khi chúng thấy mình ngồi trong tư thế này thì chúng liền thối lui, không dám lại quấy phá.
Sau khi đã ngồi kiết già rồi, mắt phải nhìn vào chóp mũi, không được nhìn phía đông cũng không được nhìn phía tây. Ðó gọi là:
Nhãn quán tỷ, tỷ quán khẩu, khẩu quán tâm.
Nghĩa là:
Mắt nhìn mũi, mũi hướng về miệng, miệng hướng về tâm.
Như vậy thì mình mới có thể nhϊếp trì được thân tâm; đem tâm đang chạy loạn xạ đó mà định trụ lại, không cho nó chạy ra bên ngoài nữa. Khi được như vậy thì gọi là:
Chuyên nhất tất linh, Phân chi tất tệ.
Nghĩa là:
Tâm chuyên nhất, mới linh cảm.
Tâm phân tán, thì bế tắc.
Mình cần phải đoan nghiêm chính tọa, xương sống phải thẳng, đầu phải ngay, không cúi về trước cũng chẳng ngã ra sau; không nghiên bên trái hoặc ngã bên phải. Mình phải ngồi như cái chuông lớn, vững vàng không động đậy. Ðừng ngồi giống như cái chuông treo, lắc qua bên đông lắc qua bên tây. Ngồi kiết già là tư thế thích hợp nhất để tham thiền.
Người sơ học sẽ cảm thấy không quen, nào là đau chân, mỏi lưng, không nên coi đó là quan trọng. Mình cần phải cắn răng chịu đựng, nhẫn nại một thời gian lâu dài thì tự nhiên hiện tượng đó không còn nữa. Ðó gọi là "cửu tọa hữu thiền" nghĩa là ngồi lâu tự nhiên sẽ có thiền, tự nhiên sẽ đắc được thiền vị.
Thế nào gọi là thiền vị? Thiền vị tức là đắc được sự an lạc của thiền định, nếm được mùi vị khinh an nhẹ nhàng. Mùi vị đó thật là ảo diệu vô cùng, không thể dùng tâm tư cũng không thể dùng ngôn ngữ diễn tả được. Cũng giống như người uống nước, tự y mới biết nóng hay lạnh; mình cũng không thể dùng ý dùng tâm mà hội được, không thể dùng ngôn ngữ mà truyền đạt. Quý-vị muốn biết thiền vị đó là ngọt hay đắng thì phải nổ lực tham thiền, tới được cảnh giới tương ưng thì tự nhiên sẽ hiểu được mùi vị đó. Cho nên quý-vị phải tham thiền. Tham tới lúc "thủy lạc thạch xuất" nghĩa là nước cạn thì đá sẽ lộ ra, lúc đó mình mới nếm được thiền vị.
Thiền thì không thể nói được, cần phải tham. Nên thiền tông thì không lập văn tự, không lập chữ nghĩa, là truyền thừa ở ngoài giáo điển. Trực chỉ tâm của con người để mình thấy tánh, lập tức thành Phật.
Người tham thiền, khi tham đến chỗ hỏa hầu của mình đã đủ thì tuyệt đối không còn nổi giận nữa, không còn tranh luận với người khác, tới chỗ gọi là vô-tranh tam-muội. Lại cũng không cầu danh, cầu lợi; coi phú quý như giọt sương trên lá, công danh như bọt nước trên ngói. Trong khoảnh khắc giọt sương, hơi nước sẽ tan mất đi. Người chân chánh tu hành thì xa lánh danh lợi; không vì danh lợi mà giao động tâm mình.
Quý vị muốn trắc nghiệm kẻ đó có chân chính tu hành hay không, thì coi tâm hắn có bị danh lợi làm giao động chăng? Nếu y cầu danh không được thì nổi nóng, cầu lợi không xong thì tức giận, nổi phừng ngọn lửa vô minh, tánh dữ như cọp, hung tợn hơn ai hết, không cần hỏi mình cũng biết nhất định y là kẻ cầu danh lợi rồi.
Ðời nhà Thanh, hoàng đế Càn Long có lần đi tới Kim Sơn Thiền Tự ở tỉnh Trấn Giang để thưởng ngoạn phong cảnh. Nơi sông Trường Giang hoàng đế hỏi Pháp Thanh Thiền-sư rằng: "Trên giòng sông này một ngày có bao nhiêu con thuyền qua lại?" Thiền-sư đáp rằng: "Chỉ có hai lần thuyền qua lại." Vua Càn Long không hiểu hỏi: "Ông làm sao mà biết được chỉ có hai lần thuyền qua lại?" Thiền-sư trả lời: "Một con thuyền gọi là danh, một con thuyền gọi là lợi."
Do chuyện này mình biết rằng những kẻ độ thuyền qua sông, nếu không vì danh cũng vì lợi. Nhưng họ không biết rằng kẻ cầu danh thì chết vì danh, kẻ cầu lợi chết vì lợi. Cuối cùng chỉ tay trắng tới gặp ông Diêm Vương.
Cho nên:
Vạn bang đãi bất khứ.
Chỉ hữu nghiệp tùy thân.
Nghĩa là:
Mọi thứ nào đem đặng.
Chỉ nghiệp là theo hoài.
Người tu đạo nếu không có lòng nóng giận, có thể nhẫn nhục, nại khổ thì dễ thành pháp khí, có thể ở trong Phật-giáo là bậc đống lương, là bậc rường cột, có thể đem Phật-giáo truyền bá sâu rộng. Người tu mà thường hay nổi nóng là người phá hoại Phậtgiáo, là kẻ làm hại tập thể.
Phật-giáo mới tới Tây-phương (tức là nước Mỹ) trồng xuống khoảng đất thanh tịnh hạt nhân bồ đề, hiện tại bắt đầu manh nha sinh xuất ra mạ. Hy vọng quý-vị là những người làm vườn tốt, siêng năng tưới nước bón phân khiến được tươi tốt, rồi tương lai cây cao lớn khai hoa và kết quả bồ đề.
Những người ở trong Vạn Phật Thánh Thành đối với chuyện nói năng cần phải chú ý, không được nói bừa bãi, không được tùy ý nói chuyện thị phi. Vạn Phật Thành Thành là nơi thánh địa thanh tịnh để tu Ðạo, không thể có những ngôn ngữ của bàng môn tả đạo. Các vị cần biết rằng đối diện với vạn Phật thì làm sao mình có thể ăn nói loạn xạ được? Quý-vị phải nhớ lấy!
Bịnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu sinh.
Nghĩa là:
Bịnh do miệng mà vào, họa cũng do miệng mà ra.
Ðây là câu danh ngôn rất chí lý; quý-vị nói gì cũng phải suy nghĩ ba lần rồi mới nói, để tránh nói những điều sai với nhân quả. Lời nói ra rồi thì không những mình phải chịu trách nhiệm đối với pháp luật, mà còn chịu báo ứng đối với luật nhân quả nữa.
Phật-giáo là tôn giáo đề xướng tinh thần "vô ngã" cho nên không chấp nhận chuyện bói toán, coi tử vi, phong thủy, hay coi tướng số. Những chuyện đó đều đi ngược lại với Phật-pháp, cho nên mình phải cấm chỉ chuyện phổ biến nó. Nếu như quý-vị tin vào những thứ tà pháp đó thì tự nhiên chấp nhận cái "ngã" của mình tồn tại, tất cả là vì mình. Hễ có cái của mình, thì mình luôn luôn tìm cách vì mình mà tính toán, vì mình mà chẳng vì người khác; như vậy thì không còn gì là Phật-pháp nữa.
Phật-pháp thì dạy con người không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ. Còn phong thủy thì dạy người ta tranh, dạy người ta cầu, ích kỷ, dạy họ tự lợi, dạy họ nói láo. Thậm chí còn nói láo rằng trong một trăm ngày thì có thể đại phát tài, có thể làm quan. Người có lòng tham thì liền tin lời của y. Thật ra đại tài chưa phát mà tiểu tài đã hao đi, vì phải đem tiền đi trả lễ cho ông thầy bói rồi. Bói như vậy chẳng khác nào bảo người đó đi cướp tiền ngân hàng để lập tức được phát tài, không cần một trăm ngày cũng đã phát rồi.
Lại nữa, nếu ông thầy bói biết chỗ nào có phong thủy tốt có thể phát tài, có thể thăng quan tiến chức thì tại sao bản thân y không dùng mà nói cho người khác biết? Thật là vô lý! Hy vọng những người thông minh như quý-vị đừng nên mê tín bị những kẻ đó lừa bịp.
Y học, bói toán, tinh văn, tướng số, y bốc tinh tướng ở trong Phật-giáo là một trong năm nghề người tu đạo không nên làm. Y tức là bác sĩ trị bệnh cho người khác (người tại gia làm bác sĩ được, song kẻ xuất gia không làm). Bói toán biết chuyện tốt xấu kiết hung. Tinh tức là tinh văn coi tinh tú biết được chuyện tốt xấu kiết hung. Tướng tức là tướng mạo, coi biết được mệnh vận thuận hay nghịch. Ðó là những điều mê tín. Mình phải biết rằng đạo lý "nhân định thắng thiên" con người có thể thắng được trời.
Người xuất gia tu đạo, sinh tử là chuyện không sợ, hà huống là những chuyện nhỏ nhặt này? Những thứ đó có gì mà phải lấy làm lạ. Người xuất gia là người siêu xuất ra số mạng.
Siêu xuất tam giới ngoại, Bất tại ngũ hành trung.
Nghĩa là:
Vượt ra khỏi tam giới,
Không ở trong ngũ hành.
Nếu tính tướng mạng, phong thủy, đó là những thứ mà những kẻ thế tục mới tin. Mình phải hiểu rằng vận mệnh con người đều do nghiệp lực chiêu cảm mà sinh ra. Mình đừng để tập khí dắt dẫn, đừng để vật dục làm mê mờ; cần phải tự sáng tạo vận mạng cho chính mình, phải làm chủ tể vận mạng. Cứ làm nhiều công đức thì sẽ cải tạo vận mạng của mình. Khi gặp nạn tự nhiên sẽ hóa thành kiết tường. Rằng:
Ðản hành hảo sự Mạc vấn tiền trình.
Nghĩa là:
Cứ làm việc tốt,
Ðừng hỏi chuyện tương lai.
Bây giờ đả thiền thất thì mình phải sáng tạo một sinh mạng mới. Chớ mê tín, phải có chánh tín, chớ nên theo người ta nói ừ thì mình ừ, rồi cứ việc đi theo người khác, họ đi trước mình theo sau, điều đó hết sức sai lầm. Mình phải có Trạch-pháp-nhãn (con mắt biết nhận ra chân lý), biết cái nào đúng cái nào sai, biết phân biệt thiện với ác, trắng với đen; phân minh rõ rệt thì mới không bị điên đảo mê hoặc.
Người tu thiền có thể làm chủ chuyện sinh tử của chính mình, sống chết rất tự do, không còn hạn chế nữa. Nên nói:
Tánh mệnh do ngã bất do thiên.
Nghĩa là:
Tánh mệnh của mình là do mình tạo, không phải do trời.
Chính ông Diêm-la-vương cũng không thể nào khống chế, không làm gì mình được. Tại sao vậy? Bởi vì mình đã ra ngoài cõi Tamgiới rồi.
Thế nào là đến đi một cách tự do? Có nghĩa là đối với chuyện sinh tử mình hết sức tự do, nếu muốn sống thì sống, muốn chết thì chết, tùy tâm mong muốn. Tuy nhiên quý-vị phải chú ý, sự chết này không phải do tự sát, tự uống thuốc độc.
Thân thể của mình cũng giống như căn phòng vậy. Muốn du hành ra ngoài, muốn đến chỗ nào thì tự do mà làm. Muốn hóa thân thành trăm ngàn vạn ức tới tận hư không biến Pháp-giới để giáo hóa chúng sinh thì tùy ý nhậm vận. Nếu không muốn đi du hành thì mình vẫn ở trong căn phòng, không ai có thể tới làm phiền mình cả. Nên hiểu rằng tận hư không biến Pháp-giới, tất cả mọi thứ đều ở trong pháp thân, không có gì chạy ra khỏi pháp thân này.
Quý-vị hết sức siêng năng cần khổ lại tham thiền, ngày đêm không ngừng dụng công, là chỉ vì muốn được tự do trong sinh tử, khống chế được sinh mạng của chính mình, làm chủ chuyện sinh tử. Khi đã làm chủ được thì đó là mình đã tới được cảnh giới sinh tử tự do.
Người tham thiền tham đến chỗ trên không biết có trời, dưới không biết có đất, giữa cũng không thấy có người, cùng với hư không hợp thành một. Tới cảnh giới như vậy sẽ có cơ hội khai ngộ. Lúc ngồi lúc đi đều là cơ duyên để khai trí huệ.
Mình tham câu: "Niệm Phật là Ai?" Niệm Phật là người nào? Người nào đang niệm Phật? Ai là người đang ngồi đây? Người ngồi đây là Ai? Lúc ăn cơm, Ai là người ăn cơm? Lúc ngủ, Ai là người đang ngủ? Phải tìm ra kẻ đó. Tìm tất cả là Tham; tham đến lúc thủy cùng sơn tận thì với một sự chuyển thân mình sẽ khai ngộ. Rằng:
Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ, Liễu ấm hoa minh hựu nhất thôn.
Nghĩa là:
Núi cùng, sông bặt, tưởng hết đường, Tàng liễu, hoa giăng, hiện thôn trang.
Núi đã hết, sông đã tận cùng, nghĩ rằng không còn đường đi nữa.
Nhưng sau tàng cây liễu, sau đám hoa tươi kia lại xuất hiện một thôn làng.
Lại nói:
Bách xích can đầu trùng tấn bộ, Thập phương thế giới hiện toàn thân.
Nghĩa là:
Ðầu sào trăm trượng, dấn bước thêm bước, Mười phương thế giới sẽ hiện thân.
Nếu như không ngồi tịnh tọa, không tham thiền, thử hỏi các vị có biết mình từ đâu sinh ra và chết rồi về đâu không? Các vị nói không biết. Không biết tức là hồ đồ sinh ra, rồi lại hồ đồ chết đi.
Cả một đời như thế thì thật đáng thương!
Người dụng công tham thiền khi khai ngộ rồi, nhận thức được bản lai diện mục của mình trước khi được cha mẹ sinh ra. Thoát nhiên hiểu suốt; tất cả những thứ tinh thô đẹp xấu mà người ta khó biết thì tâm mình không có chỗ nào chẳng thấu suốt. Khi tới được cảnh giới đại tạo hóa, thì tương lai sẽ thành Phật đạt tới quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Lão Tử từng nói hai câu như sau:
Thiên hại gia tri mỹ chi vị mỹ, tư ác dĩ.
Giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ.
Nghĩa là:
Thiên hạ biết đẹp là đẹp, ắt đã có cái xấu rồi.
Biết việc lành là lành, hẳn đã có cái không lành rồi.
Người trên thế giới đều biết làm chuyện tốt là tốt, nhưng đến lúc làm thì chẳng tốt đẹp gì. Người ta biết làm chuyện thiện là đúng, đến lúc thử thách tới thì không vượt qua được. Lại bị cảnh giới làm mê hoặc, không làm được việc thiện mà chỉ chạy đi làm chuyện ác.
Người học Phật biết rằng "từ, bi, hỷ, xả," tứ vô lượng tâm là căn bản của pháp hành đạo Bồ-tát nhưng lại không chịu làm. Biết rõ đạo lý thì phải biết công dụng như thế nào? Ngày nào cũng học Pháp "Lục độ," đến lúc gặp thử thách thì bố thí mình không chịu bố thí, trì giới thì chẳng trì giới, nhẫn nhục cũng hết nhẫn nhục, tinh tấn liền mất tinh tấn, thiền định cũng không thiền định, trí huệ thì cũng chẳng có trí huệ. Quý-vị hỏi mình học như vậy thì có ích gì?
Sau đây là ý nghĩa của Lục-độ:
1. Bố-thí: Tức là dùng tài sản vật chất hoặc Phật-pháp để bố thí kẻ khác. Có người lúc cần bố thí thì không chịu bố thí. Ngược lại, y kêu người khác bố thí cho mình, càng nhiều càng tốt. Nói rằng bây giờ tôi không muốn cho anh, anh cần phải bố thí cho tôi! Y luôn tìm cách chiếm tiện nghi, không chịu thua thiệt. Hạng người này lúc nào cũng cho mình là đúng.
2. Trì-giới: Thiên hạ người nào cũng biết trì giới là trì giới, nhưng đến lúc gặp thử thách không những không giữ giới mà lại phá giới nữa. Thọ giới tức là không động tâm. Bất luận cảnh giới nào đến mình cũng không động. Rằng:
Thái Sơn băng tiền tâm bất kinh.
Mỹ sắc đang tiền tâm bất động.
Nghĩa là:
Nếu núi Thái có sập trước mặt, lòng ta chẳng kinh hãi.
Mỹ sắc trước mắt, lòng ta không xao xuyến.
Ðó là định lực có thể chuyển được cảnh giới. Bất kể là cảnh ác hay thiện, thuận hay nghịch, mình đều thản nhiên; không sinh tâm phân biệt thì tự nhiên gió yên sóng lặng.
3. Nhẫn-nhục: Nghĩa là nhẫn thọ những gì không như ý. Nếu có thể nhẫn thọ tất cả những chuyện không đúng với ý mình, thì đó tức là mình chịu khảo nghiệm và chịu thử thách. Nếu mình có thể chịu được thử thách thì có thể qua được "quan" (cửa). Nếu không chịu được thì mình không qua được cửa. Ai cũng biết nhẫn nhục thì sẽ đến được bờ bên kia; nhưng khi cảnh giới tới thì chẳng nhẫn được. Lửa vô minh cao ba thước nổi lên; bao nhiêu công đức kết tụ trong một khoảnh khắc tiêu sạch hết.
4. Tinh-tấn: Khi mình đả thiền thất tức là tinh tấn. Ai ai cũng muốn tinh tấn, nhưng đến lúc tinh tấn thì không chịu tinh tấn, chỉ muốn lười biếng an phận thụt lui, hoặc chạy đi pha trà hoặc cố ý đi nhà vệ sinh, hoặc cố ý xuống bếp để uống trà; tất cả đều là cái cớ để cho qua thời giờ. Khi chưa đả thiền thất thì nói nghe rất là hăng hái, rằng tôi sẽ tham gia thiền thất thật giỏi. Ðến khi thiền thất bắt đầu thì không còn nhớ điều mình thề nguyền lúc trước nữa. Tại sao vậy? Ðây chính là biết rõ mà cố ý phạm lỗi. Tuy biết tham thiền là chuyện tốt mà vẫn cứ lười biếng. Quý-vị nghĩ xem tâm lý mâu thuẩn như vậy làm sao giải quyết đây? Qui củ của thiền đường là nếu người nào không giữ luật lệ sẽ bị đánh; đánh đến lúc nào khai ngộ thì thôi.
5. Thiền-định: Hiện tại tham thiền tức là thời gian dụng công tốt nhất. Tại sao cần phải đả thiền thất? Vì muốn tinh thần được tập trung, tâm không vọng tưởng, khiến trí huệ mình hiện tiền. Cho nên có câu: "Trí huệ giải thoát" tức thiền định là phương pháp khắc kỳ thủ chứng (nghĩa là định kỳ hạn để tu chứng).
6. Trí-huệ: Là thứ đưa mình tới bờ bên kia, liễu sinh thoát tử. Nếu như muốn khai trí huệ mà lười biếng thì sẽ mất đi cơ hội khai ngộ. Nên tham thiền cần phải chăm chú không để thời gian qua uổng vì không biết mình sẽ khai ngộ trong giây phút nào. Có người có vọng tưởng như vầy: "Tôi không muốn có trí huệ vì sự ngu si của tôi cũng tốt lắm mà! Tôi không hiểu mọi chuyện thì cũng chẳng sao." Ðó là thứ gọi là: "Yếm nhĩ đạo linh." Nghĩa là vừa đánh chuông vừa bịt tai (tưởng không ai nghe), mình chỉ tự lừa mình. Ðến lúc chết rồi mới hiểu rằng mình đến thế gian này một cách luống uổng. Lúc đó có hối hận cũng đã muộn rồi.
Phật-giáo ở Mỹ là lúc mới bắt đầu, nên phải có người tu hành chân thật, phải "cung hành thực tiễn" tức là thực sự tu hành. Cần chuyên nhất tu hành, tự mình cải bỏ lỗi lầm để tu hành, sửa đổi tập khí mà tu hành, phải làm gương cho kẻ khác thì tiền đồ Phậtgiáo mới sáng lạng được. Nếu như mới bắt đầu mà không có người chơn chánh tu hành làm mô phạm, không có ai phát tâm bồ đề, thì Phật-giáo ở Tây-phương không thể hưng thịnh được. Do đó sự hưng thạnh của Phật-giáo phải do các vị thanh niên đảm nhận.
Hiện tại hai vị "Tam bộ nhất bái" là những vị tu hành rất thành tâm, có thể nói là tiên phong mở đường cho Phật-giáo vậy. Các vị đó trên đường lộ, đi ba bước lạy một lạy, không phải vì cầu phước báo cho mình, mà vì muốn cầu hòa bình toàn thế giới. Hơn hai năm qua, hai vị đó nhịn đói nhịn khát, nhẫn lạnh nhẫn nóng, chịu gió chịu mưa hết sức cực khổ. Tu hành như vậy không phải là chuyện người thường có thể làm đặng. Các vị đó nhẫn chịu những thứ mà người khác không nhẫn chịu được, nhường nhịn những cái mà người khác không thể nhường nhịn được, ăn những đồ ăn mà người khác không muốn ăn, mặc những quần áo mà người khác chê không thèm mặc. Bất kể là gió thổi hay mưa rơi vẫn cứ lạy Phật không ngừng, cũng không cần biết là trời nóng hay lạnh, đói hay khát, không ngừng nghỉ, cũng không giải đãi, không lười biếng, ngày ngày đều tụng kinh sáng chiều hai thời, mỗi giờ mỗi phút không bao giờ lười biếng an phận. Hai vị đó tinh tấn nổ lực tu hành là vì muốn Phật-giáo có thể phát triển khắp nơi trên toàn thế giới. Hai vị tu hành cực khổ như vậy, không phải vì danh cũng chẳng phải vì lợi, mà vì muốn lấy trách nhiệm của Phật-giáo làm trách nhiệm của chính mình. Tinh thần đó thật là đáng khen ngợi.
Quý-vị phải học cho bằng công hạnh của hai vị Tam-bộ Nhất-bái. Lấy họ làm gương soi để mình phản tỉnh. Xem đối với Phật-giáo mình đã cống hiến được những gì, chuyện mình làm là vì mình hay vì Phật-giáo? Nếu như vì mình, thì hãy sinh tâm hết sức hổ thẹn, lập tức sửa đổi hành vi không chánh đáng đó. Nếu vì Phậtgiáo thì mình cần phải nổ lực hơn nữa, cần phải cổ võ khiến Phật-giáo phát triển, bảo vệ Phật-giáo, cần phát bồ đề tâm, hành Bồ-tát đạo, lúc nào cũng muốn kẻ khác được an lạc, không tính toán riêng tư cá nhân, đó mới là tinh thần của Bồ-tát đạo.
Quý-vị ở trong thiền đường, lúc đi lúc ngồi cho là khổ sở nhưng nếu so với hai vị Tam-bộ Nhất-bái thì sự khổ sở ấy thật là hết sức sung sướиɠ vậy. Quý-vị cần thể nghiệm điều này một cách sâu xa, đừng để mất cơ hội. Hai vị hành giả đó nếu không phát tâm bồ đề, không hành Bồ-tát đạo thì đương nhiên là chẳng thể hoàn tất cuộc hành trình của họ được.
Ở thiền đường quý-vị đừng nên sinh tâm vọng tưởng; thân ở trong thiền đường mà tâm thì đến thế giới khác du ngoạn, đó tức là đầy dẫy vọng tưởng, có thể ảnh hưởng đến tâm tu đạo của mình; quý-vị phải nhớ lấy! Không được để cho thời gian trôi qua một cách lãng phí mà mình phải nắm lấy thời cơ, chụp lấy cơ hội khai ngộ. Nếu mình chuẩn bị như vậy thì không hổ thẹn với chính mình, còn ngược lại thì chỉ là nói suông mà thôi.
Giảng ngày 20 tháng 8 năm 1979 tại Vạn Phật Thánh Thành