Quyển 1 - Chương 11: Chúng Sinh Vô Biên Thệ Nguyện Ðộ

Chúng Sinh Vô Biên Thệ Nguyện Ðộ

Chúng ta sao cam tâm nhìn họ đau khổ mà không tìm cách cứu họ, khiến cho họ được an lạc chứ?

"Bồ-tát úy nhân, chúng sinh úy quả." Bồ-tát thì sợ nhân, chúng sinh thì sợ quả. Nhân quả, hai chữ này chẳng những chúng sinh không thể thoát khỏi mà ngay cả Phật, Bồ-tát cũng chẳng thể trốn đặng. Chỉ vì Bồ-tát có cái nhìn sâu sắc nên Ngài chẳng tạo nhân ác; do vậy thọ hưởng được quả khoác lạc. Chúng sinh, nhãn quang như hạt đậu; chỉ biết thấy những việc trước mắt nên luôn làm những điều xấu ác; bởi thế mới thọ quả báo đau khổ.

Có câu nói rằng: "Ða tái đào lý, thiểu tái kinh." Nghĩa là trồng nhiều cây đào, cây lý; trồng ít đi những bụi gai góc. Trồng nhiều nhân tốt thì chắc chắn sau nầy sẽ có được một tiến trình sáng lạng. Còn nếu như chỉ nhìn vào những việc trước mắt, làm những việc bất nghĩa, không chịu vun trồng những nhân tốt thì chắc chắn là dự bị cho mình một tiền đồ đầy gai góc sau này.

Thế nào là một tiền đồ sáng lạng? "Tùng thỉ Tây-phương quá thập vạn ức Phật-độ, hữu thế giới danh viết Cực-lạc." Nghĩa là ở phía trời Tây, cách đây mười vạn ức Phật-độ, có thế giới tên là Cực-lạc.

Còn thế nào là tiền đồ đầy gai góc? Tức là "Ðịa ngục vô môn, khổ tự chiêu." Nghĩa là địa ngục không có cửa, tự mình rước lấy khổ.

Ở Cực-lạc thế giới thì mặt đất là vàng ròng, ao hồ là bảy báu, trời gió thổi nghe rộn rã tiếng âm nhạc, không việc gì mà chẳng xứng tâm, vừa ý; lại còn được thấy Phật, nghe Pháp, chóng thành Phật-đạo. Còn địa ngục thì sao? Núi đao, vạc dầu, rừng kiếm, chảo sôi; đó là những thứ mà mình sẽ làm bạn.

Chúng sinh được tuyệt đối tự do chọn lựa con đường mình muốn đi. Nếu như ý muốn ở Tây-phương thì mình phát nguyện: Cầu vãng sinh Tịnh-độ, cần tinh tấn, siêng năng niệm Phật Bồ-tát thì chắc chắn sẽ có ngày thành công. Còn nếu như thích địa ngục, thì giản dị lắm: Cứ làm ác thì sẽ đọa địa ngục. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng con người chẳng ai lại muốn xuống địa ngục, không muốn vãng sinh Tây-phương Cực-lạc thế giới. Trừ phi anh ta chẳng tin có địa ngục, chẳng tin có Cực-lạc; trừ phi anh ta không biết sự thống khổ của địa ngục và sự an lạc của Tịnh-độ.

Ðối với những kẻ thiếu thiện căn, thiếu lòng tin như thế, mình không có phương cách gì để độ họ. Song đối với những kẻ chưa biết đạo thì mình có thể phát lòng từ bi mà dẫn dắt. Kẻ ngoại đạo thường nói: "Thiên đàng thì gần lắm. Thiên đàng dành cho các vị đó." Là tín đồ Phật-giáo, mình phải biết xả thân quên mình. Ðối với thân hữu, mình phải khuyên họ, nói cho họ nghe công đức niệm danh hiệu Bồ-tát và ích lợi của Cực-lạc thế giới. Phải nói "Cực-lạc thế giới là của chúng sinh." Nếu như mình thường xuyên tuyên thuyết đạo lý nầy, thì mình chính là một vị hành đạo Bồ-tát; cùng với chư Bồ-tát đi chung một con đường; cùng làm bạn với những vị Bồ-tát, bất thối.

Do đó, không những mình cần niệm danh hiệu Bồ-tát mà còn phải thường khuyên người khác niệm nữa. Như vậy thì mình mới xứng đáng là một đệ tử của Phật; mới có thể nói rằng mình đã không quên lời phát nguyện, bốn lời hoằng thệ lúc quy y. Nên khi nói: "Ðộc lạc lạc, bất như chúng lạc lạc." Nghĩa là cái vui mình vui, sao bằng cái vui mọi người cùng vui. Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Ðối với những kẻ có cùng Phật tánh như mình, chẳng khác gì mình cả, thì lẽ nào mình lại cam tâm nhìn họ đau khổ mà không tìm cách cứu họ, làm họ được an lạc chứ?



"Hữu chí giả, sự cánh thành." Nghĩa rằng người có chí thì việc chắc thành. Bởi vì chúng sinh khó độ, nên tín đồ Phật-giáo chúng ta mỗi ngày, sáu thời, phải ghi nhớ, đừng quên chuyện độ chúng sinh.

Giảng vào ngày 18 tháng 6, năm 1958

Học Phật Cần Phải Tu Giới, Ðịnh, Huệ

Thường dùng Giới Ðịnh Huệ để tự thức tỉnh, vì chúng giúp ích việc tu hành.

Giới, Ðịnh, Huệ là việc học vô lậu, người tu hành cần phải có đầy đủ.

Giới tuy có năm giới, thập giới, Bồ-tát giới v.v... nhưng cơ bản nhất là Ngũ-giới: Không sát sanh, không ăn trộm, không tà da^ʍ, không vọng ngữ, không uống rượu. Trì giới thì không tạo tội.

Ðịnh là gì? Ðịnh tức là thiền định, nói rộng ra chút nữa có nghĩa là bất biến. Có kẻ tu hành đầy vọng tưởng. Hôm nay tu thiền, ngày mai nghe nói niệm Phật công đức to lớn, liền bỏ tham thiền mà niệm Phật. Sau vài ngày lại nghe nói trì chú là thù thắng bèn bỏ niệm Phật mà trì chú. Người như vậy, nay tu pháp môn này, mai tu pháp môn khác, kết quả chẳng tu thành cái gì. Lại còn có kẻ niệm Phật, niệm Bồ-tát một ngày niệm, mười ngày nghỉ, hoặc ngày nay niệm ngày mai nghỉ, đó đều gọi là không có định lực.

Ðịnh lực đối với người tu hành rất là quan trọng; không có định lực, tu đạo đương nhiên thất bại. Thiếu định lực thì đạo tâm chẳng kiên cố, dễ dàng bị ảnh hưởng bên ngoài chi phối làm đọa lạc.

Tiếp đến là Huệ, tức là trí huệ. Làm người có kẻ thông minh, người ngu dốt. Vì sao có kẻ thông minh lại có người ngu độn? Ðấy là do nhân quả, nếu quá khứ tu hành niệm Phật thì đời nầy chắc chắn có được trí huệ; ngược lại chẳng trồng thiện căn thì trí huệ đương nhiên chẳng có.

Trong Sách Ðại-học nói:



Ðịnh nhi hậu năng Tịnh,

Tịnh nhi hậu năng An,

An nhi hậu năng Lư, Lư nhi hậu năng Ðắc. Nghĩa là:

Có Ðịnh rồi mới Tịnh,

Có Tịnh rồi mới An, Có An rồi mới Sáng,

Có Sáng rồi mới Ðược.

Do đó có Ðịnh mới sinh được Huệ. Nếu chẳng có Ðịnh, tạp niệm đầy dẫy, vọng tưởng lăng xăng thì làm sao có thể thấy suốt đúng, sai, rõ ràng chân lý được.

Giới nghĩa là quy luật giúp mình đề phòng phạm tội. Khi chưa phạm tội, mình cần tu Ðạo, bí quyết tu đạo là ở định lực. Có định lực thì sinh trí huệ, từ đó mới có thể liễu đạo thành Phật. Nên Giới, Ðịnh, Huệ là điều kiện tất yếu mà người tu Ðạo phải có. Không trì giới thì có thể tạo tội nghiệp, thiếu định lực thì tu Ðạo không thành, không trí huệ thì ngu si vô trí.

Tôi khuyên các vị hãy lấy "Giới Ðịnh Huệ" ba chữ này khắc sâu vào lòng, thường đem ra tự cảnh tỉnh. Tôi tin rằng đối với việc tu, chúng giúp ích mình lắm.

Giảng ngày 18 tháng 6 năm 1958