- 🏠 Home
- Tâm Linh
- Bí Ẩn
- Khai Thị Giới Sát Và Giới Dâm
- Chương 8: Ngày Thứ Sáu : Dùng Chân Ðế Và Tục Ðế Để Phá Trừ Kiến Chấp Và Trần Thuật Những Chuyện Linh Cảm Gần Đây
Khai Thị Giới Sát Và Giới Dâm
Chương 8: Ngày Thứ Sáu : Dùng Chân Ðế Và Tục Ðế Để Phá Trừ Kiến Chấp Và Trần Thuật Những Chuyện Linh Cảm Gần Đây
Người đời chấp không, chấp có, lầm sanh kiến giải của chính mình nên mê muội chẳng giác ngộ. Đức Thế Tôn lập ra giáo pháp [là vì] muốn cho chúng sanh phá trừ hai kiến chấp ấy, đặc biệt bày ra một pháp môn Niệm Phật, mong chúng sanh từ Có đạt đến Không, dẫu đắc Không nhưng chẳng bỏ Có thì hai pháp Có - Không sẽ hỗ trợ nhau, được lợi ích rất lớn. Huống hồ là cậy vào nguyện lực của Phật Di Ðà. Vì thế, lực dụng của pháp môn Niệm Phật vượt trỗi hết thảy pháp môn [khác], làm chỗ quy túc cho hết thảy các pháp môn.
Trong đời có một hạng người tri kiến hèn kém, dạy họ niệm Phật cầu sanh Tây Phương bèn nói: “Chúng tôi là hạng nghiệp lực phàm phu, làm sao dám mong mỏi vãng sanh Tây Phương? Chỉ cầu chẳng mất thân người là đủ lắm rồi”. Thứ tri kiến này là do chẳng biết tâm tánh của chúng sanh và tâm tánh của chư Phật giống hệt, chẳng hai. Nhưng chư Phật tu đức đến cùng cực, tánh đức hiển hiện trọn vẹn, còn chúng sanh dẫu đủ tánh đức, trọn không tu đức, dẫu có tu tập nhưng lắm kẻ vì tu hành trái nghịch với tánh, nên đâm ra càng thêm mê muội.
Lại có một hạng người tri kiến cuồng vọng. Dạy họ niệm Phật, liền bảo: “Ta đã là Phật, cần gì phải niệm Phật? Các ngươi chẳng biết tự mình chính là Phật thì thường niệm Phật cũng không sao! Ta đã tự biết là Phật, cần gì phải trên đầu lại chồng thêm một cái đầu!” Thứ tri kiến này là do chỉ biết đến vị Phật thuộc về Phật Tánh sẵn có ngay trong tâm, chưa biết đến vị Phật đã đoạn sạch phiền hoặc, viên mãn phước huệ. Hạng người này nếu đã biết Tánh - Tu, Lý - Sự đều chẳng thể thiên chấp, cực lực tu tịnh hạnh thì sẽ vượt xa hạng người nẩy sanh tri kiến hèn kém. Nếu chẳng vậy, sẽ tự lầm, lầm người, vĩnh viễn đọa trong địa ngục A Tỳ, trọn không có kỳ ra. Vì thế, đối với những hiểu biết lầm lạc chấp không, chấp có, kiến giải hèn kém và kiến giải lầm lạc cuồng vọng này, chỉ có riêng pháp Niệm Phật là dễ đối trị nhất. “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, nếu chẳng làm Phật thì chẳng phải là Phật được. Hai câu kinh văn này chính là Vô Thượng Diệu Pháp để phá trừ hai thứ kiến chấp hèn kém và cuồng vọng.
Bàn chặt chẽ về ý nghĩa lớn lao trong Phật pháp thì chẳng ngoài Chân Ðế và Tục Ðế. Chân Ðế một pháp chẳng lập, là thực thể được thấy biết bởi Thánh Trí. Tục Ðế phô bày trọn vẹn vạn hạnh, chính là hành tướng được tu trong pháp môn (chữ Tục ở đây nghĩa là tạo dựng, kiến lập, chứ đừng hiểu là thế tục, thô tục). Người học Phật phải viên dung Chân - Tục, một mực cùng hành. Bởi lẽ, vì một pháp chẳng lập thì mới có thể tu đạo phô bày trọn vẹn vạn hạnh. Vạn hạnh được phô bày trọn vẹn thì mới hiển hiện được bản thể một pháp chẳng lập. Nay để dễ hiểu, tôi nêu riêng một thí dụ. Bản thể của Chân Như Pháp Tánh ví như tấm gương quý báu tròn lớn, rỗng rỗng rang rang, trọn không có một vật, thế mà người Hồ đến thì bóng người Hồ hiện, người Hán đến ắt bóng người Hán hiện. Hồ, Hán cùng đến một lúc thì cùng lúc hiện bóng. Ngay đang trong lúc rỗng rang, trống lỗng, trọn không có một vật, chẳng trở ngại gì chuyện người Hồ đến, bóng người Hồ hiện; kẻ Hán đến, bóng kẻ Hán hiện. Ngay đang lúc người Hồ đến hiện bóng người Hồ, người Hán đến soi bóng người Hán, gương vẫn rỗng rang, trống lỗng, trọn không có một vật.
Thiền Tông đặt nặng Chân Ðế, tức là ngay chỗ “vạn hạnh phô bày trọn vẹn” chỉ ra “một pháp chẳng lập”. Tịnh tông phần nhiều chú trọng Tục Ðế, tức là ngay nơi “một pháp chẳng lập”, chỉ ra chuyện “vạn hạnh phô bày trọn vẹn”. Bậc trí hiểu rõ Lý sẽ tự chẳng thiên chấp. Nếu không, thà chấp Có còn hơn là chấp Không! Vì nếu chấp Có dẫu chưa ngộ trọn vẹn Phật tánh vẫn còn có công tu trì; chứ chấp Không sẽ bác không nhân quả, thành ra kiến chấp Ðoạn Diệt, phá hoại, rối loạn Phật pháp, khiến chúng sanh nghi ngờ, lầm lạc, họa ấy rất lớn, chẳng thể tuyên nói được!
Chúng ta niệm Phật trước hết phải từ Có Niệm mà khởi. Niệm đến lúc niệm lặng, tình mất, ắt không những đã không có Ta là người niệm mà cũng không có đức Phật được ta niệm, nhưng từng câu, từng chữ vẫn rành rẽ, phân minh, chẳng lầm, chẳng loạn, tức là như thường nói: “Niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm” vậy. “Niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm” nghĩa là ngay trong lúc đang niệm Phật, trọn chẳng có ý niệm khởi tâm niệm Phật. Tuy không có ý niệm khởi tâm niệm Phật nhưng lại niệm rành rẽ, phân minh, liên tục. Nhưng công phu này chẳng phải là điều hạng sơ tâm có thể đạt được ngay! Nếu chưa đạt đến công phu “vô niệm mà niệm” mà không chú trọng “có niệm” thì khác nào phá nhà để tìm lấy chỗ trống không! Cái Không ấy quyết chẳng phải là chỗ để an thân lập mạng được! Các bậc cổ Thiền đức, có nhiều vị lễ bái, trì tụng chẳng tiếc thân mạng như cứu đầu cháy. Vì thế, Vĩnh Minh Diên Thọ thiền sư ngày làm một trăm lẻ tám Phật sự, đêm qua ngọn núi khác kinh hành niệm Phật; huống hồ là kẻ hậu học chẳng trọng Sự Tu (tu hành về mặt Sự) mà hòng thành tựu đạo nghiệp ư? Do đại ngộ lý thể “một pháp chẳng lập”, tận lực tu hành công phu “vạn pháp viên tu” nơi mặt Sự thì mới là Trung Ðạo Không Hữu viên dung!
Kẻ [chấp vào] Không Giải Thoát cho rằng chẳng tu một pháp nào hết mới là “[một pháp] chẳng lập” được chư Phật gọi là “đáng thương xót”. Liên Trì Ðại Sư dạy: “Chấp sự mà niệm, giữ được liên tục thì sẽ chẳng luống uổng công, được dự vào phẩm vị [vãng sanh]. Chấp lý nhưng tâm chưa thật sự thông đạt, khó thể tránh được cái họa rớt vào Không. Bởi lẽ, Sự có công năng kèm cặp Lý, Lý chẳng thể tồn tại độc lập”, lý do là như vậy đó. Chúng ta học Phật phải do từ ngay nơi Sự để thành Lý, do chính ngay nơi Lý để thành Sự. Lý - Sự viên dung, Có - Không chẳng hai thì mới có thể trọn thành tam muội, liễu thoát sanh tử. Nếu tự nói ta chính là Phật, chấp Lý phế Sự, sai lầm rất nặng! Hãy nên tận lực tu trì, nhất tâm niệm Phật, từ Sự hiển Lý, dẫu hiển Lý vẫn chú trọng nơi Sự thì mới được lợi ích thật sự. Ngay như hàng Ðẳng Giác Bồ Tát vẫn còn phải dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới hầu mong viên mãn Phật Quả. Nay là phàm phu mà chẳng biết tự lượng, coi niệm Phật là Tiểu Thừa chẳng đáng để tu trì, tương lai quyết định vào địa ngục A Tỳ vậy!
Hơn nữa, người niệm Phật ai nấy phải tận hết bổn phận của chính mình, chẳng trái nghịch luân lý thế gian, như thường nói là “giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận, ngăn cấm điều tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành”. Nếu bất hiếu với cha mẹ, chẳng dạy dỗ con cái thì là tội nhân trong Phật pháp. [Người] như vậy mà muốn được Phật cảm ứng gia bị trọn chẳng có lẽ ấy! Vì thế, người học Phật phải là cha lành, con hiếu, anh nhường, em kính, tự lập mình, lại chu toàn cho người, tự lợi, lợi tha. Ai nấy tận hết bổn phận của chính mình, dùng chính thân mình đốc suất người khác, rộng tu Lục Ðộ, vạn hạnh, để làm gương mẫu cho mọi người. Phải biết rằng hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ cũng thuộc vào Lục Ðộ vạn hạnh. Người chẳng tin Phật trong cõi đời giống như người mang cặp kính màu xem xét vạn vật, [thấy là] xanh hoặc đỏ là do kính khác màu mà ra, chẳng thấy được màu sắc thật sự của sự vật. Vì thế, sách Đại Học có thuyết “cách vật trí tri”, thật là có lý vậy! Người học Phật chúng ta chớ có lầm chấp vào kiến giải của chính mình. Nếu lầm chấp vào kiến giải của chính mình, ngồi đáy giếng nhìn trời, một khi Diêm La đòi mạng mới hay trước đây mình đã sai lầm, có hối cũng muộn rồi!
Đời này bạc ác, xã hội rối loạn, thiên tai, nhân họa liên tiếp xảy ra. Muốn tính chuyện cứu vãn, ai nấy phải tận lực giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận, hiếu dưỡng cha mẹ, thương yêu trẻ nhỏ, yêu người như yêu chính mình, hoàn toàn vì lẽ công, chẳng tư túi, thì mới có thể [cứu vãn được]! Do nhân tâm hòa bình, thế giới tự yên, quốc nạn tự dứt. Hiện tại, mối họa hoạn lớn nhất là con người ôm lòng riêng tư. Lòng riêng tư đến cùng cực [sẽ chỉ còn biết đến mình], con ruột có thể gϊếŧ cha mẹ. Người đời thường hâm mộ cảnh thịnh trị rạng ngời, rực rỡ, thiên hạ thái bình thời Ðường - Ngu51, cứ than thở thói đời hiện tại suy đồi, lòng người hiểm ác, nhưng xét đến cùng cực tại sao thành ra như vậy thì thật sự chẳng ngoài [hai chữ] Công và Tư mà thôi! Công đến cùng cực ắt thế giới đại đồng, tư đến cùng cực thì con gϊếŧ cha mẹ. Nếu mọi người phá được kiến chấp tư hữu thì chẳng tàn hại lẫn nhau thì sẽ lại được thấy cảnh đời Ðường Ngu Tam Ðại52 trong ngày nay chẳng khó khăn gì!
Xưa kia, tại Phổ Ðà có một vị lão Tăng đi đường, chân chợt đυ.ng phải cái ghế, liền đạp đổ cái ghế, lại còn giộng liên tiếp mấy đạp nữa. Thứ tri kiến như vậy đều là do mặc tình ngã mạn, tuyệt chẳng phản tỉnh mà ra! Thứ tri kiến ấy bộc phát lừng lẫy ắt sẽ dẫn đến chuyện gϊếŧ cha gϊếŧ mẹ mà vẫn không hổ thẹn; trái lại, còn coi đó là công lao! Hiện tại cơ duyên gϊếŧ hại càng mạnh mẽ, dụng cụ gϊếŧ người càng thêm khéo léo, tinh vi, đại kiếp ngay trước mặt, ai có thể thoát khỏi được? Chỉ mong đại chúng dốc hết lòng thành niệm Phật, xót xa cầu Phật lực gia bị. Khi chiến cuộc xảy ra ở đất Hỗ (Thượng Hải), những nhà cửa ở vùng Áp Bắc phần nhiều cháy tan ra tro, chỉ còn khu nhà của một đệ tử quy y là ông Hạ Hinh Bồi chưa bị mắc họa. Ấy là vì trong lúc chiến sự dữ dội, cả nhà ông ta cùng niệm thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Ðiều kỳ lạ nhất là bảy ngày sau khi cuộc chiến nổ ra, cả nhà bọn họ mới được Thập Cửu Lộ Quân53 cứu ra; đến lúc đình chiến trở về nhà, mọi vật trong nhà chẳng mất thứ gì. Nếu Bồ Tát chẳng gia hộ, che chở thì sao mà được như vậy? Ðó là do từ khi ông ta làm việc cho một tòa soạn nhật báo đã mấy mươi năm, vợ chồng đều ăn chay, niệm Phật thật chí thành. Do vậy biết: Quán Âm Bồ Tát đại từ, đại bi, nếu gặp tai nạn, một phen xưng niệm thánh hiệu, chắc chắn được cứu vớt, che chở.
Nếu nói: “Người đời ngàn vạn, tai nạn phát sanh dồn dập, Quán Âm Bồ Tát chỉ có một mình làm sao có thể cùng lúc đến cứu vớt, che chở từng người được? Dù có cứu giúp, che chở, cũng mệt nhọc khôn xiết!” Nào biết trọn chẳng phải Quán Âm Bồ Tát đến từng chỗ cứu giúp, mà chính là Quán Âm trong tâm chúng sanh cứu giúp đó thôi! Quán Âm vốn vô tâm, lấy tâm chúng sanh làm tâm, nên dùng thân nào để cứu độ thì sẽ hiện ngay thân đó để thuyết pháp. Như vầng trăng vằng vặc trên không, tất cả mọi chỗ có nước đều hiện bóng trăng, nước trong ngàn dòng sông có ngàn vầng trăng in bóng trên sông. Trăng ấy là một hay là nhiều? Chẳng thể nói là một, vì trăng hiện bóng trong muôn dòng nước; chẳng thể nói là nhiều vì vầng trăng trên hư không luôn chỉ là một. Chư Phật, Bồ Tát cứu độ hữu tình cũng giống như thế. Chẳng được cảm ứng là do chúng sanh còn chưa dốc lòng thành, chứ chẳng phải Bồ Tát không cứu giúp, che chở! Như một cái ao nước dơ bẩn quá, muốn trăng hiện bóng trong ấy há có được chăng? Hiểu lẽ này rồi, đại chúng chúng ta niệm Phật há còn người chẳng chánh tâm, thành ý, chân thành, khẩn thiết hay sao? Tôi không tin !
Một đệ tử ở huyện Văn Hỷ, tỉnh Sơn Tây là ông Diệp Tư Sơ, cưỡi lừa đi trong vùng núi thẳm, một bên núi cao chót vót, một bên là khe sâu thăm thẳm. Tuyết đóng thành băng, con lừa trượt chân, liền rơi xuống khe. Ngang lưng vách núi có một cái cây to, khéo sao rớt đúng ngay trên cây ấy, không hề hấn gì. Nếu không, sẽ bị tan thân, nát xương. Cây ấy do đâu mà có? Ấy là do Quán Âm Bồ Tát thị hiện vậy!
Lại nữa, năm Dân Quốc mười bảy (1928), ông Thái Nhân Sơ người huyện Ninh Ba mở cửa hàng Ngũ Kim Pha Lê ở Thượng Hải. [Ông là] người cực thuần hậu, chơi thân với ông Nhϊếp Vân Ðài. Vân Ðài dạy ông Thái thường niệm Quán Âm, cốt ý để phòng ngừa bị bắt cóc, tống tiền. Nhân Sơ tin theo. Ngày nọ, sắp ra về, xe của chính ông đậu ngoài cửa, bọn cướp cầm súng đuổi tài xế đi, rồi bọn cướp ngồi trên đó. Ông Nhân Sơ vừa bước ra liền lên xe, xe liền chạy đi, mới biết gặp cướp, liền thầm niệm Quán Âm, mong cho xe chết máy hòng thoát nạn. Quả thật, xe bị bể bánh, xe chạy khật khừ, nhưng vẫn cứ chạy tiếp. Bình xăng bị nổ bể khiến xe bắt lửa, bọn cướp xuống xe, cáu kỉnh hướng về phía ông nã liền ba phát súng, nhưng ông Thái chạy ba lần chạy né được, liền ngồi xe kéo trở về. Tháng Sáu năm đó, ông và vợ cùng đến Phổ Ðà quy y.
Lại nữa, ông Trương Thiếu Liêm giám đốc của một hãng ngoại quốc, trọn chẳng tin Phật. Một ngày kia, ngồi xe hơi lái đến chỗ nghỉ mát, hai tên cướp cầm súng đuổi người tài xế đi. Ông Trương nói: “Các ông lên xe ngồi, sai hắn lái đến chỗ nào là được rồi!” Hai tên cướp cầm súng chĩa về phía ông Trương. Ông Trương thầm niệm Quán Âm, xe lái đến chỗ náo nhiệt, chợt có hai người đánh lộn, tuần bộ (cảnh sát) thổi còi, hai tên cướp trèo xuống xe, lủi mất. Ðấy là vì [ông Trương] niệm Quán Âm nên hai tên cướp mới lầm tưởng là tuần bộ đến bắt chúng. Cậu ông ta là Chu Vị Thạch đã quy y từ trước, một hôm thỉnh tôi đến nhà cụ. Thiếu Liêm cũng đến quy y. Lại nữa, con ông Lý Cận Đan ở Trấn Hải làm nhân viên buôn bán cho một hãng ngoại quốc, bị bịnh thổ huyết đã hai năm. Có lúc thổ huyết thình lình, dẫu là lúc không thổ huyết thì trong đàm cũng thường lẫn máu. Một ngày, ông bị bọn cướp bắt. Cận Đan sợ hãi vô cùng, cả nhà niệm Quán Âm cầu cứu. Lại thỉnh chư Tăng chùa Pháp Tạng trợ niệm. Sau đấy, bọn cướp đòi năm mươi vạn đồng tiền chuộc. Nhà họ Lý chỉ có năm vạn. Tên đầu sỏ bọn cướp bảo không đủ năm mươi vạn là không xong; nhưng mỗi khi hắn đề cập đến năm mươi vạn, đầu liền bị nhức buốt, sau đành chấp thuận năm vạn tiền chuộc. Từ khi ông Cận Đan được bọn cướp thả về, chẳng những không bị thổ huyết, mà ngay cả khạc đàm cũng chẳng thấy lẫn máu nữa! Bệnh dây dưa suốt hai năm do bị cướp bắt, bệnh được khỏi hẳn. Những sự tích cảm ứng vừa thuật trên đây, [quý vị] hãy nên tin tưởng sâu xa.
Hiện tại, người học Phật khá nhiều, nhưng người hiểu biết Phật pháp sâu xa quá ít, trái lại, con người phần nhiều tin vào những lời lẽ của ngoại đạo. Miền Giang - Triết thường đồn rằng: “Người niệm Phật chẳng được vào huyết phòng (phòng đàn bà sanh nở) vì một khi bị mùi máu tanh hôi của bà đẻ suông nhằm, bao nhiêu công đức niệm Phật từ trước tiêu mất hết”. Vì thế, [ai nấy] coi là chỗ phải tránh né, dù là con gái, con dâu của chính mình [sanh nở] đều chẳng dám đến gần. Có kẻ còn né sẵn qua nơi khác từ trước. Ðầy tháng rồi mới dám trở về nhà. Tập tục này phổ biến rất rộng cũng đáng lạ thay! Chẳng biết đó chính là tà thuyết của ngoại đạo làm lầm lạc, điên đảo lòng người, há nên tin bậy?
Năm Dân Quốc thứ mười hai (1923), con dâu thứ của ông Viên Hải Quán, tuổi đã hơn năm mươi, có chút học vấn, có hai trai, hai gái. [Lúc] con dâu trưởng của bà ta sắp sanh, một vị cư sĩ bảo: “Con dâu sắp sanh, trong vòng một tháng, không được thờ Phật trong nhà, cũng chẳng được niệm Phật”. Bà ta nghe xong, hồ nghi, vừa may tôi đến đất Hỗ, bèn hỏi ý việc ấy.
Tôi nói: “Kẻ mù quáng đặt lời đồn thổi! Về bảo con dâu bà niệm Quán Âm cho nhiều, lúc sanh cần niệm Phật ra tiếng. Bà và những người săn sóc sản phụ ai nấy đều nên niệm lớn tiếng thì chắc chắn chẳng đến nỗi bị sanh khó, và không bị những nạn đau đớn, băng huyết v.v… Mà sau khi đẻ xong cũng chẳng bị các điều nguy hiểm”. Bà ta nghe nói, rất mừng. Qua mấy ngày sau, cháu bé sanh ra, thân rất to, người Hồ Nam sanh con nhất định cân [coi nặng bao nhiêu], đứa bé nặng đến chín cân rưỡi, lại là con so, mà [người mẹ] trọn chẳng đau đớn gì. Vậy mới biết sức đại từ, đại bi của Quán Âm Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn. Bình thường niệm Phật, niệm Bồ Tát, phàm lúc sắp ngủ, lúc rửa chân, tắm gội đều nên niệm thầm. Nhưng lúc sanh nở chẳng được niệm thầm vì lúc sắp sanh phải dùng sức, niệm thầm ắt sẽ bị tức khí thành bệnh. Phải rất chú ý điểm này! Phải biết: Phật lực chẳng thể nghĩ bàn, Pháp lực chẳng thể nghĩ bàn, chúng sanh tâm lực cũng chẳng thể nghĩ bàn, chỉ có điều là con người có lòng kiền thành hay không mà thôi!
Vị cao tăng đời Minh là ngài Thọ Xương Huệ Kinh thiền sư lúc sắp được sanh ra khá khó khăn. Ông nội ngài đứng ngoài phòng sanh, vì con cháu niệm kinh Kim Cang để cầu được dễ sanh. Cụ vừa mới mở miệng niệm xong hai chữ Kim Cang, [cháu] liền được sanh. Ông nội bèn đặt tên cho cháu là Huệ Kinh. Lớn lên, quy y và xuất gia đều chẳng lấy tên nào khác. Ngài là vị cao tăng lỗi lạc thời Vạn Lịch (Minh Thần Tông 1573-1620). Do đấy, gẫm xem thì biết là Phật pháp có ích cho cõi đời cũng lớn lắm! Niệm Quán Âm Bồ Tát vào lúc sanh sản có lợi ích như thế đó, há nên bị tà thuyết mê hoặc mà chẳng tín phụng Ngài ư?
Người đời ăn thịt đã thành thói quen. Nên biết bất cứ loại thịt nào đi nữa đều có chất độc, vì lúc [con vật] bị gϊếŧ, hận tâm, oán khí ngùn ngụt. [Người ăn vào] tuy chẳng đến nỗi mất mạng ngay lập tức, nhưng tích tập lâu ngày sẽ trở thành ghẻ chốc, tật bệnh. Những phụ nữ trẻ tuổi nếu vừa nổi nóng xong cho con bú sữa mẹ, đứa bé có thể bị chết; là vì sự nóng giận khiến cho sữa bị trở thành chất độc. Sự nóng giận của con người vào lúc chưa phải bị đau khổ trí mạng còn độc đến thế, huống là cái đau mất mạng của những loài heo, dê, gà, vịt, cá, tôm v.v… thịt chúng há có thể nào chẳng độc ư? Hơn mười năm về trước, tôi thấy một cuốn sách nói: “Một phụ nữ Âu Tây tánh tình nóng nảy quá mức, [ngày nọ] vừa nổi nóng xong, cho con bú, đứa bé chết ngay, chẳng biết vì nguyên do gì. Về sau lại sanh đứa khác, lại nhân lúc nóng giận xong cho con bú, [đứa bé] chết tươi; bèn đem sữa đi xét nghiệm thì thấy có chất độc, mới biết cả hai đứa con đều chết vì bú sữa độc”.
Gần đây, có một bà cụ đến quy y, tôi bảo cụ ăn chay vì thịt có chất độc và kể chuyện người phụ nữ Âu Tây do nóng giận mà sữa hóa thành chất độc làm chết hai đứa con. Bà cụ ấy bảo bà ta cũng có hai đứa con cũng bị chết giống như vậy, vì ông chồng cụ tánh khí ngang ngược, man rợ, cứ hễ trái ý liền đánh vợ nhừ tử. Con thơ trông thấy khóc òa lên, liền cho con bú. [Ðứa bé] chết liền! Lúc ấy, cụ chẳng biết là chết vì sữa trở thành chất độc. Con dâu cụ cũng vì cho con bú mà chết mất một đứa. Ðủ thấy con nít trong đời bị trúng sữa độc chết chẳng biết là bao nhiêu. Từ người phụ nữ Tây Phương phát giác trước tiên cho đến cụ bà kia [xác nhận], mới thấy thật minh bạch. Vì thế, phụ nữ cho con bú sữa mẹ chớ nên nổi nóng. Nếu như đang giận dữ quá mức thì hôm ấy đừng có cho con bú, cần phải đợi đến hôm sau, tâm trạng lắng dịu, lúc hết còn giận hờn thì mới [cho con bú] không ngại gì. Nếu ngay hôm đó cho con bú rất có thể làm chết con. Nếu không chết ngay, rất có thể là chết dần dần.
Do vậy, biết rằng: Trâu, dê v.v… lúc bị gϊếŧ tuy chẳng nói được, nhưng độc do lòng oán hận kết lại trong thịt nơi thân chúng cũng chẳng ít ỏi gì! Kẻ biết tự thương mình cố nhiên phải nên kiêng [ăn thịt] vĩnh viễn để tránh khỏi các thứ tai họa trong đời sau! Vì thế, phải nêu rõ ra, mong sao mọi người lưu ý. Lấy đó làm chứng, cần biết rằng: Khi người ta nóng giận, chẳng những sữa có chất độc mà nước mắt, nước miếng cũng đều có chất độc. Nếu những thứ này rơi rớt vào mắt, vào thân trẻ nhỏ cũng gây hại chẳng cạn. Có một vị bác sĩ đến quy y, tôi hỏi ông ta: “Trong sách thuốc có nói đến điều này hay không?” Ông ta đáp: “Không biết!” Trong thế gian chuyện vượt ngoài tình lý khá nhiều, chẳng thể vì chúng không hợp khoa học mà coi thường được! Chẳng hạn như cách trị bệnh sốt rét thì dùng một tấm giấy trắng rộng hai tấc, viết ô mai hai trái, hồng táo hai trái, hồ đậu vài hạt (tùy theo bệnh nhân bao nhiêu tuổi, viết bấy nhiêu hạt. Như mười tuổi, viết mười hạt. Hai mươi tuổi là hai mươi hạt) xếp thành gói. Trước lúc cơn bệnh phát ra khoảng một tiếng đồng hồ, quấn trên bắp tay, nam bên trái nữ bên phải, thì bệnh sẽ chẳng phát nữa. Trăm lần áp dụng, trăm lần hiệu nghiệm. Dù bệnh đã hai ba năm chẳng lành, cũng chữa lành được. Chẳng phải bùa, chẳng phải chú mà trị lành được bệnh ngặt, há có thể vận dụng lý thông thường để giải thích chăng? Sự thể trong thế gian đều khó thể nghĩ bàn cả! Như mắt thấy, tai nghe là chuyện cực bình thường, ai ai cũng biết cả, nhưng nếu hỏi vì sao mắt thấy được, vì sao tai nghe được thì những người biết rất ít! Trong Phật pháp cũng có những sự chẳng thể nghĩ bàn nhưng lại nghĩ bàn được, có những sự có thể nghĩ bàn nhưng lại chẳng thể nghĩ bàn được. Thần diệu nhưng minh bạch, tồn tại ngay trong con người, há nên dùng lẽ thường tình để suy lường ư!
- 🏠 Home
- Tâm Linh
- Bí Ẩn
- Khai Thị Giới Sát Và Giới Dâm
- Chương 8: Ngày Thứ Sáu : Dùng Chân Ðế Và Tục Ðế Để Phá Trừ Kiến Chấp Và Trần Thuật Những Chuyện Linh Cảm Gần Đây