Chương 1: Duyên Khởi - Lời Tựa Đề

DUYÊN KHỞI

Nhân đọc được cuốn sách nhỏ này vào năm 2002, chúng tôi thật cảm kích trước tấm lòng ưu thời mẫn thế từ bi vô lượng của tổ Ấn Quang nên đã gắng gượng chuyển ngữ sang tiếng Việt vào tháng Tư năm 2003, như một món quà nhỏ dành riêng cho liên hữu Vạn Từ, ngõ hầu đáp tạ những khuyến tấn chí tình của anh dành cho mạt nhân trên những bước chập chững “uống mật gấu” bon chen chuyển ngữ những tác phẩm Tịnh Độ vì lòng tham pháp, tiếc pháp. Nguyên bản mạt nhân sử dụng khi ấy là ấn bản của Hoa Tạng Tịnh Tông Học Hội. Trong tháng Mười năm 2006, qua một lần điện đàm cùng pháp sư Ngộ Sanh, sư cô cho biết pháp sư Ngộ Hạnh đang giảng tác phẩm này, và sư cô có nhã ý muốn in bản dịch này thành sách, đồng thời gởi tặng ấn bản mới nhất do Đài Nam Tịnh Tông Học Hội ấn hành. Nhân đó, mạt nhân so sánh hai ấn bản, nhận thấy tuy hai ấn bản có những chỗ đại đồng tiểu dị, nhưng lời văn trong bản Đài Nam Tịnh Tông Học Hội gọn gàng hơn, tinh xác hơn, văn phong cũng gần gũi với cách viết trong Ấn Quang Văn Sao hơn, nên mạt nhân đã sửa lại bản dịch cũ cho khớp với bản Đài Nam Tịnh Tông Học Hội (với hy vọng bản dịch này sẽ là phần tham khảo cho băng giảng của pháp sư Ngộ Hạnh); đồng thời sửa lỗi chánh tả, đính chính những sai sót, cũng như “diễn nôm” một số thuật ngữ Hán Việt không thông dụng và thêm một số chú thích (theo lời dạy của pháp sư Ngộ Sanh). Một hai đoạn bị lược bỏ trong ấn bản của Đài Nam Tịnh Tông Học Hội, nhưng theo ngu ý là rất quan trọng thì chúng tôi vẫn giữ nguyên theo ấn bản của Hoa Tạng Tịnh Tông Học Hội. Chúng tôi cũng tự tiện đưa thêm vào phần phụ lục bài văn khuyên phóng sanh của đại sư trích từ bộ Ấn Quang Tăng Quảng Chánh Biên Văn Sao nhằm bổ sung ý nghĩa lời giảng của đại sư trong ba ngày đầu tiên của pháp hội. Ngưỡng mong, tập sách dịch vụng về thô thiển này sẽ đem lại đôi chút lợi ích nhỏ nhoi cho những sơ cơ Tịnh nghiệp hành nhân như chúng tôi. Trân trọng cảm tạ các đạo hữu Minh Tiến và Huệ Trang đã dành nhiều công sức giảo duyệt bản dịch này. Nếu việc làm tùy tiện, táo tợn này có chút phần công đức nào, đều xin hồi hướng về lịch đại phụ mẫu sư trưởng, hiện tiền phụ mẫu sư trưởng, cừu gia oán đối và các liên hữu cùng pháp giới chúng sanh đều được hội ngộ nơi cõi Cực Lạc thanh lương. Ngày mồng Một tháng Mười Một năm 2006, Bửu Quang Tự đệ tử Liên Hương kính ghi

---o0o---

LỜI TỰA TỰ ĐỀ

Ấn Quang tôi là một ông Tăng phàm tục ở Tây Tần1 chỉ biết đến cơm cháo, trăm sự không làm được điều gì; túc nghiệp sâu nặng đến nỗi trời phải quở trách. Mới sanh được sáu tháng đã mắc bệnh mắt, trong suốt một trăm tám mươi ngày không mở nổi mắt. Ngoại trừ lúc ăn, ngủ ra, thường khóc suốt ngày đêm. Nhờ thiện lực xưa, may còn được thấy ánh mặt trời, cũng may mắn lắm! Ðến tuổi thiếu niên2 đọc sách, lại bị hãm vào vực xoáy báng Phật của Trình, Chu, Âu, Hàn3 . Từ đấy, hằng ngày chuyên chí bác Phật, nghiệp tướng lại hiện, bệnh tật triền miên. Tận lực nghĩ ngợi, suy xét cặn kẽ mới biết lỗi đó; năm hai mươi mốt tuổi, xuất gia làm Tăng. Nhân thấy Tăng chúng có kẻ chẳng như pháp nên phát nguyện chẳng trụ trì chùa miếu, chẳng thâu đồ đệ, chẳng hóa duyên4 , chẳng cùng ai kết xã lập hội. Hơn năm mươi năm chẳng đổi chí ban đầu, sống lẩn quất5 gần Ngô Môn. Ðầu tháng Chín, Lý Sự Trưởng (hội trưởng) hội Phật Giáo Trung Quốc là pháp sư Viên Anh, các vị lãnh tụ của Bồ Ðề Học Hội như cư sĩ Khuất Văn Lục v.v… thấy Quang tuổi cao, ngỡ tôi có chút tâm đắc, nào hay tôi chỉ biết húp cháo nuốt cơm, họ thỉnh tôi khi pháp hội Tức Tai Hộ Quốc khai mạc, sẽ đến đất Hỗ6 diễn thuyết. Cố từ chẳng được, chỉ đành đem điều [mình hiểu biết] lầm lạc bù đắp sự lầm lạc7 . Ðến kỳ, mỗi ngày ông Ðặng Huệ Tải và hai ba vị cư sĩ ở Vô Tích đều dùng máy thu âm [thu lại], nghe băng chép ra, mang đến xin tôi giám định để ấn hành. Bản sao lục này [so với lời giảng] có vài điểm sai khác đôi chút. Nhưng bản sao của ông Ðặng chép chữ to, nên tôi dựa theo đó, sửa đổi, tóm tắt lại. Cảo bản8 này bậc thông huệ chẳng cần xem đến, còn ai ngu độn như Ấn Quang tôi mà lại muốn ngay trong đời này kết liễu đại sự sanh tử và muốn trị tâm, trị thân, trị gia, trị quốc, nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu, xem đến cảo bản này, họa chăng có điều bổ ích vậy. Trọng Ðông năm Bính Tý, Dân Quốc 25 (1936), Thích Ấn Quang đề