Chương 2

Căn phòng khá sạch sẽ nên cũng phải lau dọn gì nhiều, tôi đổ những đầu mẩu thuốc lá vào túi rác, đếm sơ qua cũng gần một bao, ngày trước anh không hút thuốc, anh nói đàn ông hút thuốc thì mùi cơ thể rất hôi, miệng thì khét như ngậm ống bô xe máy, khi hôn sẽ khiến người con gái cảm thấy khó chịu.

Ngày xưa không ít lần tôi đã phì cười vì lối suy nghĩ đáng yêu đó của anh.

Quả nhiên, vì luôn duy trì lối sống lành mạnh nên cơ thể anh luôn toả ra mùi hương rất thơm, mỗi khi hôn nhau, tôi thường cảm nhận được vị the mát nơi đầu lưỡi. Tôi nghiện mùi cơ thể anh, nhiều lúc cứ ôm cứng lấy anh hít lấy hít để cái mùi hương bạc hà nhàn nhạt đó.

Không ngờ, sau sáu năm xa cách, anh đã biết hút thuốc, lại còn hút rất nhiều.

Tôi tự cười bản thân, anh hút thuốc hay không thì đâu liên quan gì tới mình? Chẳng phải những chuyện này nên để cho vợ anh nhắc nhở sao?

Động tác của tôi quay trở lại trạng thái chuyên nghiệp như ngày thường, khi thấy mọi thứ trong phòng đã sạch sẽ, tôi cúi người nói lời chào rồi đẩy xe quay trở ra, người đó không ngẩng đều lên nhìn, chỉ khẽ gật một cái.

***

Cho tới khi bước ra khỏi căn phòng ấy, trái tim tôi mới đập lại một cách bình thường. Tôi đứng dựa lưng vào cánh cửa, đặt tay lên ngực, cố dằn xuống thứ cảm xúc hỗn độn đang ngự trị nơi ngực trái.

Ngày hôm đó tôi chẳng thể tập trung nổi việc gì, chị Oanh rủ đi ăn tôi cũng không có tâm trạng nào để đi, nói dối rằng người hơi mệt muốn về sớm.

Hà Nội mùa này đã vào cuối Thu, trời trong nhưng lại thấy lạnh, tôi khoác chiếc áo măng tô lên rồi nhẹ nhàng bước chân lên những chiếc lá khô ven đường. Đi một lát vẫn cảm thấy rùng mình nên dùng hai tay xoa đi xoa lại trên cánh tay mong có thêm chút hơi ấm.

Tôi cứ đi lững thững mà không nhận ra mình đã đi qua trạm chờ xe bus từ lúc nào. Đến khi phát hiện ra thì đã đi xa gần một gây số, ngược đường, muốn về được nhà thì phải đi ngược lại.

Còn nhớ năm đó, nội tâm tôi đấu tranh dữ dội giữa việc giữ kín mọi thứ rồi âm thầm chịu đựng hay là kể toàn bộ sự thật cho anh, nếu anh chấp nhận tôi thì cả hai sẽ lại được sống những ngày tháng hạnh phúc.

Thế rồi số phận lại bắt tôi phải chọn phương án đầu tiên. Tôi thật sự không thể làm khác được.

Khi tôi trở về nhà, mẹ tôi vẫn còn ngồi bên mâm cơm chờ đợi, trên đùi là một chiếc khăn len còn đan dở, thấy tôi bước vào, mẹ vui vẻ khoe hôm nay đã học được cách đan len trên truyền hình, nói rằng trời sắp lạnh, tôi đi làm từ sớm tinh mơ, trời nhiều sương nên sẽ thấy buốt, mẹ không muốn tôi bị ốm nên nhờ hàng xóm mua giùm một cuộn len, cả ngày đan vào tháo ra cuối cùng cũng có chút thành quả.

Tôi xót xa nhìn mẹ, dạo này mẹ tôi lại gầy đi rồi, ngồi lọt thỏm trên ghế, tôi thấy sống mũi cay xè, vội tới ôm cổ mẹ, không nói lên lời. Mẹ tôi thấy thế, lo lắng hỏi:

- Sao thế? Nhìn con hôm nay mệt mỏi lắm, con ốm à? Không khoẻ thì xin nghỉ đi vài hôm.

- Con khoẻ mà mẹ! Chỉ là...

Nói tới đây giọng tôi nghẹn lại, tôi thương mẹ, thương bản thân mình, mẹ tôi từ một người đàn bà sống sung sướиɠ không phải lo cái ăn cái mặc, chỉ vì chồng làm ăn thua lỗ, phá sản, cả nhà phải ra đường, rồi chồng mất, đúng lúc phát hiện ra mình mắc bệnh suy thận, phải tới bệnh viện lọc máu để duy trì sự sống.

Tôi nhớ rất rõ ngày đó mình đã bàng hoàng cỡ nào, hoảng hốt ra sao, ngàn lần không tin rằng qua một đêm mình đã mất đi tất cả.

Kí ức ùa về như vũ bão, tôi không ngăn được trái tim mình thổn thức, vòng tay xiết chặt vai mẹ hơn.

Có sợi dây linh cảm tuyệt vời của tình mẫu tử đã khiến mẹ nhận ra sự bất thường nơi tôi. Bà kéo tay tôi, đặt tôi ngồi đối diện với bà, nghiêm mặt hỏi:

- Có phải con có chuyện gì không? Đừng giấu mẹ, mẹ thấy con hôm nay lạ lắm. Lam Anh! Mẹ ở bên con hai mươi tám năm, mỗi một nét mặt của con, mẹ đều đoán được con đang nghĩ gì. Con vui hay buồn mẹ đều nhìn thấy cả.

- Mẹ! Mẹ nghĩ nhiều rồi! Chẳng qua là con thấy xúc động khi nhìn thấy cái khăn này thôi! Mà mẹ ấy, không chịu nghỉ ngơi gì cả, mẹ xem con dặn mẹ ở nhà pha sữa uống mà mẹ có thèm động tới đâu, sáng nay con để thế nào thì bây giờ về vẫn còn nguyên thế ấy, mẹ mà cứ thế này là con giận đấy!

Nét mặt mẹ tôi giãn ra, mẹ cốc nhẹ vào đầu tôi, mắng yêu:

- Cha bố cô, làm mẹ tưởng ở chỗ làm có vấn đề gì. Thôi đi vào rửa tay rồi ăn cơm đi, mẹ đói rồi.

- Con bảo mẹ bao nhiêu lần rồi, cứ ăn trước đi đừng chờ con, giờ giấc của con đi về thất thường, còn mẹ thì phải uống thuốc đúng giờ, đừng chờ con mà!

- Thì nhà có mỗi hai mẹ con, người ăn trước người ăn sau, chẳng có chút không khí gia đình gì cả. Mẹ ấy mà, tầm tuổi này chỉ mong được an yên bên con cháu thôi, ăn lúc nào mà chẳng được.

"Gia Đình" - Hai từ này như hai mũi dao nhọn chọc sâu vào trái tim tôi, tôi gần ba mươi rồi, không còn trẻ nữa, tôi cũng thèm có một gia đình nhỏ của riêng mình lắm chứ, thế nhưng ai có thể chấp nhận lấy một người như tôi đây?

Một người có quá khứ chằng chịt những vết thương, những nỗi đau, nỗi ám ảnh và dày vò tôi mỗi đêm trong giấc ngủ.

Bàn tay đang gắp thức ăn của tôi bỗng khựng lại, tôi nhìn mẹ, tôi biết mẹ đang muốn nhắc về điều gì.

Để mẹ tôi không hi vọng những điều xa vời, tôi buộc phải nói ra quan điểm dứt khoát của mình rằng cả đời này tôi sẽ không lấy chồng, tôi sẽ ở bên mẹ mãi mãi, cho tới khi mẹ tôi ra đi thì tôi cũng sẽ kiếm một nơi thật đẹp để tự kết thúc cuộc đời mình, như vậy là tôi mãn nguyện rồi.

Khi nghe được những lời đó, gương mặt mẹ thoáng buồn, giọng vừa vỗ về, vừa trách móc:

- Con còn trẻ, đừng có nói vớ vẩn, cái gì mà không lấy chồng? Cái gì mà tìm nơi đẹp để kết thúc cuộc đời? Chẳng phải thằng Duy nó vẫn theo đuổi con bao nhiêu năm nay sao? Chỉ cần con gật đầu, nó sẽ ngay lập tức mang trầu cau qua hỏi cưới. Thế nhưng con thì sao? Cứ đẩy nó ra xa! Quá khứ của con thế nào, Duy nó là người hiểu rõ nhất, nó không để tâm thì tại sao con lại nhất định phải phiền lòng vì điều đó?

- Mẹ à ! Chính vì Duy không để tâm nên con mới như vậy, anh Duy là người tốt, con không thể để cuộc đời con ảnh hưởng tới tương lai của anh ấy. Anh ấy xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp với một người khác không phải là con.

Mẹ tôi buông bát, nhìn thẳng vào mắt tôi, ánh mắt như nhìn thấu tâm can. Bà nói:

- Là con không quên được thằng Việt có đúng không? Con đừng tưởng mẹ không biết, mỗi năm đến ngày sinh nhật thằng Việt, con lén mua một chiếc bánh kem nhỏ, chui vào trong phòng thắp nến rồi ngồi bần thần một mình. Đồ nó tặng con, con vứt đi hết nhưng lại giữ lại chiếc lắc tay bằng bạc khắc tên hai đứa. Ngay cả ước mơ sang Pháp với nó chưa bao giờ tắt trong lòng con. Chẳng qua là vì mẹ mà con mới phải bỏ dở mọi thứ, có đúng không Lam Anh? Ngoài mặt thì con luôn tỏ ra rằng mình đã vứt bỏ tất cả nhưng trong lòng con thế nào, con là người hiểu rõ nhất. Con chưa bao giờ quên được nó.