Chương 22
NGƯỜI NGỦ
Max Vandenburg ngủ li bì suốt ba ngày.
Trong khi anh ngủ, Liesel quan sát anh. Bạn có thể nói rằng, đến ngày thứ ba thì việc này đã trở thành một nỗi ám ảnh với con bé. Nó kiểm tra anh, để xem liệu anh có còn thở hay không. Giờ đây con bé đã có thể thấy được những dấu hiệu của sự sống nơi con người này, từ những cử động của đôi môi, hàm râu đang rậm dần, cho đến những món tóc động đậy rất nhẹ khi đầu anh ngọ nguậy trong cơn ngủ mơ.
Thường thì, khi con bé đứng đó và nhìn anh, nó có một suy nghĩ dằn vặt trong đầu đến khổ sở, ấy là hình như anh vừa mới tỉnh dậy, đôi mắt của anh đã mở hé ra để nhìn nó – để quan sát nó đang quan sát anh. Cái suy nghĩ bị bắt quả tang vừa làm con bé thấy khó chịu vừa khiến nó thấy khoan khoái thế nào đó. Con bé sợ điều này. Con bé mời mọc điều này xảy ra. Chỉ khi Mẹ cất tiếng gọi thì nó mới có thể bỏ đi, với một cảm giác vừa dễ chịu vừa thất vọng khi nghĩ rằng có thể nó sẽ không có mặt ở đó khi người đàn ông này tỉnh dậy.
Đôi khi, vào lúc gần về cuối cái giấc ngủ như một cuộc chạy đường dài ấy, anh cất tiếng nói.
Có những cái tên được lầm bầm thành tiếng. Một danh sách.
Issac. Dì Ruth. Sarah. Mẹ. Walter. Hitler.
Gia đình, bạn bè, kẻ thù.
Tất cả đều đang ở bên dưới tấm đắp cùng với anh, và có lúc, dường như anh đang phải vật lộn với chính mình. “Nein,” anh thì thầm. Từ này được lặp lại cả thảy bảy lần. “Không.”
Liesel, trong khi đang quan sát, đã kịp nhận thấy những điểm tương đồng giữa người lạ này và nó. Cả hai đều đang ở trong một tình trạng bối rối lo âu khi sống ở phố Thiên Đàng. Cả hai đều có những cơn ác mộng.
Cuối cùng, anh thức dậy với một cơn rúng động khủng khϊếp của sự mất định hướng. Mồm anh há hốc ra chỉ một khắc sau khi mắt anh mở, rồi anh ngồi bật dậy, người gập lại thành một góc vuông.
“Ồi!”
Một giọng nói thoát ra khỏi miệng anh.
Khi anh nhìn thấy khuôn mặt của đứa bé gái đang xoay ngược lại phía trên mình, đã có một khoảnh khắc bực bội của sự không quen thuộc và cái ôm ghì lấy để thu thập lại – để giải mã chính xác xem anh đang ngồi ở đâu và khi nào. Sau vài giây, anh cũng gãi được đầu mình (hành động này phát ra tiếng sột soạt như khi bạn nhóm một đống lửa), rồi anh nhìn con bé. Những cử động của anh rất rời rạc, và một khi đã mở ra, thì đôi mắt anh đặc quánh lại như một vũng lầy và có màu nâu. Một màu nâu dày đặc và nặng nề.
Như một hành động phản xạ, Liesel lùi lại.
Nhưng con bé đã quá chậm.
Người lạ mặt vươn tay ra, cái bàn tay ấm nóng hơi chăn gối của anh nắm vào cẳng tay nó.
“Xin hãy làm ơn.”
Giọng nói của anh cũng bám chặt lấy con bé, như những cái móng tay đầy chiếm đoạt. Anh ấn chúng vào da thịt con bé.
“Bố ơi!” Con bé gọi lớn.
“Xin hãy làm ơn!” Max nói thật khẽ.
Lúc đó đã là chiều muộn, xám xịt và mờ ảo, nhưng chỉ ánh sáng có màu bẩn thỉu mới được phép ùa vào căn phòng. Đó là tất cả những gì mà vải của những tấm màn cho phép lọt qua. Nếu bạn là người lạc quan, hãy cứ cho là nó có màu đồng đi.
Khi Bố bước vào, ban đầu ông đứng ở chỗ ngưỡng cửa và nhìn những ngón tay của Max Vandenburg và khuôn mặt tuyệt vọng của anh. Cả hai đều bám chặt lấy cánh tay của Liesel. “Ta thấy là hai người đã gặp nhau rồi,” ông nói.
Những ngón tay của Max bắt đầu lạnh dần.
TRAO ĐỔI NHỮNG CƠN ÁC MỘNG
Max Vandenburg hứa rằng anh sẽ không bao giờ ngủ trong phòng của Liesel nữa. Anh đã nghĩ gì trong đầu vào cái đêm đầu tiên ấy? Thậm chí chỉ nghĩ về điều đó thôi cũng làm cho anh thấy hết sức dằn vặt.
Anh giải thích rằng mình đã quá hoang mang khi đến nơi cho nên mới để một việc như vậy xảy ra. Căn hầm là nơi duy nhất dành cho anh mà anh có thể nghĩ đến. Hãy quên sự lạnh lẽo và cô độc đi. Anh là một người Do Thái, và nếu trên đời này có một nơi mà số phận đã xếp đặt sẵn cho anh tồn tại, thì đó chính là căn hầm hay bất cứ cái nơi ẩn náu nào tương tự như thế để giúp anh sống sót.
“Cháu xin lỗi,” anh thú tội với Hans và Rosa trên những bậc cấp dẫn xuống căn hầm. “Từ giờ trở đi cháu sẽ ở dưới này. Hai người sẽ không nghe thấy cháu đâu. Cháu sẽ không gây ra một tiếng động nào cả.”
Hans và Rosa, cả hai đều đã bước vào nỗi tuyệt vọng của cái tình huống khó khăn này, nên họ không có ý kiến gì khác, thậm chí cũng không có ý kiến gì về cái lạnh dưới tầng hầm. Họ trải tấm mền xuống và treo ngọn đèn dầu lên. Rosa thừa nhận rằng sẽ không có dư dả thức ăn, và Max đã đáp lại một cách nhiệt thành rằng bà chỉ cần mang xuống những thứ cơm thừa canh cặn, và chỉ khi không có ai muốn ăn chúng nữa mà thôi.
“Na na[1],” Rosa trấn an anh. “Cháu sẽ được cho ăn, trong khả năng của bác.”
[1] Không, không (tiếng Đức)
Họ cũng mang tấm đệm từ chiếc giường trống trong phòng của Liesel xuống, để thay thế cho những tấm che bụi – một sự trao đổi tuyệt vời.
Dưới hầm, Hans và Max đặt tấm đệm bên dưới gầm cầu thang và dựng một bức tường chắn bằng những tấm che bụi ở bên cạnh. Những tấm chắn này đủ cao để che toàn bộ lối vào hình tam giác, và bên cạnh đó thì chúng rất dễ di chuyển nếu Max rất cần có thêm không khí.
Bố xin lỗi. “Trông nó thật là thảm hại, bác biết điều đó.”
“Còn hơn là không có gì,” Max cố làm ông yên lòng. “Tốt hơn nhiều so với những gì cháu đáng được nhận rồi – cảm ơn bác.”
Với vài thùng sơn được đặt đúng vị trí, Hans thừa nhận rằng trông cái hốc ấy thực sự chỉ như một đống đồ linh tinh được đặt cùng nhau một cách luộm thuộm vụng về nơi góc hầm, để khỏi vướng lối đi. Chỉ có một vấn đề, ấy là người ta chỉ cần dẹp vài cái thùng sơn và dỡ mấy tấm phủ che bụi ra là có thể ngửi thấy mùi của một tên Do Thái.
“Chúng ta hãy hy vọng là thế này đã đủ tốt cho cháu rồi,” ông nói.
“Buộc phải vậy thôi.” Max bò vào trong. Một lần nữa, anh lại nói câu ấy. “Cảm ơn bác.”
Cảm ơn.
Với Max Vandenburg, đó là hai từ đáng thương nhất mà anh có thể nói ra, và hai từ ấy chỉ có thể được cạnh tranh quyết liệt bởi câu cháu rất tiếc. Có một thôi thúc trường trực trong anh, bắt anh phải nói cả hai câu cảm thán này ra, và chúng được bắt nguồn từ nỗi cắn rứt.
Không biết đã bao nhiêu lần trong những tiếng đồng hồ tỉnh táo đầu tiên ấy anh muốn bước ra khỏi căn hầm rồi rời căn nhà đó mà ra đi luôn? Hẳn phải đến hàng trăm lần.
Tuy nhiên mỗi lần như thế, thì ý muốn ra đi ấy trong anh chỉ như một cơn đau nhói lên mà thôi.
Và điều này càng khiến anh thấy tồi tệ hơn nữa.
Anh muốn đi ra ngoài – Lạy Chúa, anh mới muốn đi ra ngoài làm sao (hay ít nhất là anh đã từng muốn là mình sẽ đi ra ngoài) – nhưng anh biết rằng mình sẽ không làm thế. Đó cũng chính là cái cách mà anh đã bỏ lại gia đình mình đằng sau ở Stuttgart, dưới tấm màn che được dệt bằng lòng trung thành giả tạo.
Để mà sống.
Sống là sống.
Cái giá phải trả là cảm giác tội lỗi, và sự xấu hổ.
Trong những ngày đầu tiên Max sống dưới tầng hầm, Liesel không có việc gì dính líu đến anh cả. Con bé phủ nhận sự tồn tại của anh. Mái tóc phất phơ phát ra tiếng kêu loạt xoạt của anh, những ngón tay lạnh ngắt, trơn tuột của anh.
Sự hiện diện như tra tấn của anh trong nhà.
Mẹ và Bố.
Giữa họ có một vẻ nghiêm trang khó tả, và rất nhiều quyết định bất thành.
Họ đã nghĩ đến việc chuyển anh đi chỗ khác.
“Nhưng chuyển đi đâu cơ chứ?”
Không có câu trả lời.
Trong hoàn cảnh này, họ chẳng có bạn bè nào để được giúp đỡ cả, và như bị tê liệt. Không còn chốn nào cho Max Vandenburg có thể dung thân được nữa. Chỉ có họ. Hans và Rosa Hubermann. Liesel chưa từng thấy họ nhìn nhau nhiều như vậy, hay nhìn nhau với một sự nghiêm trọng đến như vậy.
Họ là người đã mang thức ăn xuống và bố trí một thùng đựng sơn cũ cho Max tiêu tiểu vào đấy. Những thứ chứa trong thùng đó sẽ được Hans đem vứt đi một cách cẩn thận hết mức có thể, trong lòng ông vẫn nhen nhúm chút hy vọng là ông sẽ nhận được thuê làm thợ sơn thêm vài lần nữa. Rosa cũng mang xuống cho anh vài xô nước nóng để cọ rửa thân thể. Người Do Thái này đã hôi thối lắm rồi.
Bên ngoài, một dãy núi được hình thành từ bầu không khí lạnh lẽo của tháng Mười một luôn chực chờ trước cửa mỗi lần Liesel ra khỏi nhà.
Những cơn mưa phùn cứ đổ xuống từng chặp.
Những xác lá khô rụng đầy đường.
Không lâu sau, đã đến lượt kẻ trộm sách phải xuống tầng hầm. Họ đã buộc con bé phải làm thế.
Nó bước một cách ngập ngừng xuống những bậc cấp, biết rằng nó không cần phải nói lời nào cả. Tiếng chân nó bước loẹt quẹt cũng đủ để làm anh thức dậy rồi.
Giữa căn hầm, con bé đứng đó và chờ đợi, cảm thấy mình như đang đứng giữa một cánh đồng tối om mênh mông bát ngát. Mặt trời trên cánh đồng ấy như đang lặn sau một cụm lúa đã gặt.
Giữa căn hầm, con bé đứng đó và chờ đợi, cảm thấy mình như đang đứng giữa một cánh đồng tối om mênh mông bát ngát. Mặt trời trên cánh đồng ấy như đang lặn sau một cụm lúa đã gặt.
Khi Max bò ra ngoài, trên tay anh đang cầm quyển Mein Kampf. Lúc mới đến đây, anh đã đưa trả cuốn sách lại cho Hans Hubermann, nhưng ông bảo anh có thể giữ nó.
Dĩ nhiên là Liesel, khi đang bưng bữa tối của anh trong tay, không thể rời mắt khỏi quyển sách đó. Đó là một quyển sách mà con bé đã trông thấy vài lần ở chỗ BDM, nhưng những hoạt động của chúng ở đó không bao gồm việc đọc hay sử dụng trực tiếp đến quyển sách này. Thỉnh thoảng người ta lại nhắc đến sự vĩ đại của nó, cũng như những lời hứa hẹn rằng chúng sẽ có cơ hội được nghiên cứu quyển sách ấy trong những năm sau này, khi chúng được chuyển sang một bộ phận Hitler cấp độ cao hơn.
Max, khi nhận thấy sự chú ý của con bé, cũng xem xét quyển sách.
“Có không?” con bé thì thầm.
Có một sợi gì đó rất lạ lùng trong giọng nói của nó, hoàn toàn ngoài dự kiến và đang loăn xoăn trong miệng nó.
Người Do Thái ghé đầu mình lại gần hơn chút nữa. “Bitte? Sao cơ?”
Nó đưa cho anh ta món súp đậu và quay ngược lên tầng trên, mặt đỏ bừng vì xấu hổ và thấy mình thật ngốc nghếch.
“Nó có phải là một quyển sách hay không?”
Con bé luyện tập điều mình muốn nói trong phòng vệ sinh, trước tấm gương nhỏ. Mùi nướ© đáı vẫn vướng vất xung quanh nó, vì Max vừa mới dùng đến cái thùng sơn trước khi con bé đi xuống. So ein G’stank, con bé nghĩ thầm. Thật là một cái mùi kinh khủng.
Không nướ© đáı của ai có mùi dễ ngửi như nướ© đáı của bạn cả.
Ngày tháng tập tễnh trôi qua.
Mỗi buổi tối, trước khi chìm vào trong giấc ngủ, con bé lại nghe thấy giọng nói của Mẹ và Bố trong gian bếp, bàn bạc xem điều gì đã được thực hiện, họ đang làm gì, và điều gì sẽ phải xảy ra tiếp theo. Lúc nào cũng vậy, hình ảnh Max lại trôi lơ lửng bên cạnh nó. Luôn là cái vẻ mặt tổn thương, đầy biết ơn của anh, và cặp mắt tối om như đầm lầy của anh.
Chỉ duy nhất một lần, có một tiếng nói lớn trong gian bếp.
Đó là Bố.
“Tôi biết!”
Giọng của ông nghe thật dữ dằn, nhưng ông đã kịp khiến nó quay trở về thành một tiếng thì thầm nghẹt lại trong cổ họng một cách vội vã.
“Dù vậy thì tôi vẫn phải tiếp tục, ít nhất là vài lần một tuần. Tôi không thể ở đây suốt được. Chúng ta cần tiền, và nếu tôi ngưng không chơi đàn ở đó nữa thì bọn họ sẽ đâm ra nghi ngờ. Họ sẽ thắc mắc rằng tại sao tôi lại nghỉ. Tuần trước tôi đã bảo họ là mình bị ốm, nhưng giờ thì chúng ta phải làm mọi việc mà chúng ta vẫn làm.”
Đó mới là vấn đề.
Cuộc sống đã thay đổi theo chiều hướng khó ngờ nhất, nhưng họ buộc phải làm như thể chẳng có gì đã xảy ra.
Hãy tưởng tượng ra việc bạn phải nở một nụ cười sau khi bị tát vào mặt. Sau đó hãy nghĩ đến việc bạn phải làm như thế hai mươi bốn giờ một ngày.
Đó chính là sự bận bịu mà việc che giấu một người Do Thái mang lại.
Khi những ngày chuyển sang tuần, thì giờ đây đã có một sự chấp nhận hoàn toàn của điều đã xảy ra – tất cả hậu quả của chiến tranh, một người giữ lời hứa và một cây đàn xếp. Bên cạnh đó, chỉ trong vòng hơn nửa năm, gia đình Hubermann đã mất đi một đứa con trai và thu về một nỗi nguy hiểm có thể viết thành sử thi được.
Điều làm Liesel bàng hoàng nhất là thay đổi nơi mẹ nó. Dù đó là cách bà chia thức ăn một cách đầy cân nhắc, hay sự im lặng đáng chú ý của cái mồm khét tiếng, hay thậm chí cả vẻ dịu dàng trên gương mặt nhàu nhĩ như giấy các-tông của bà, thì có một điều đang ngày càng trở nên rõ ràng.