Chương 4: Bồi thường

Cha chồng của Thu Hoa Niên là Đỗ Bảo Ngôn vốn là người có tiền đồ nhất trong hệ chữ Bảo của Đỗ Gia Thôn, một tay nghề mộc tinh xảo lại nhanh nhẹn, tích cóp được tiền lại không vội vàng xây nhà mua đất, mà lại có tầm nhìn xa trông rộng cho con trai cả đi học.

Con trai cả nhà ông cũng tranh đua, mười tuổi đã thi đậu đồng sinh, được đại nho trong kinh thành thưởng thức tài năng và đưa đi học, giả như có thời gian nói không chừng có thể làm nên một vị quan lão gia.

Từng có một thời, nhà Đỗ Bảo Ngôn là đối tượng mà không biết bao nhiêu người trong mười dặm tám làng ao ước.

Đáng tiếc sau này Đỗ Bảo Ngôn đi phu dịch thì gặp tai nạn qua đời, trong nhà không còn trụ cột, cũng không có cách nào kiếm tiền, dần dần sa sút.

Vốn còn hy vọng vào đại lang đang ở kinh thành khi nào phát đạt, kết quả tháng trước có người đưa tin, nói thầy của đại lang đắc tội quý nhân bị bắt vào ngục, đại lang ở kinh thành không sống nổi nữa, sắp sửa về làng.

Biết trước như vậy, Đỗ Bảo Ngôn thà đổi số tiền cho con đi học thành nhà cửa ruộng vườn còn hơn!

Nông thôn ít trò tiêu khiển, những ngày này, nhà bọn họ đã trở thành đề tài bàn tán lúc trà dư tửu hậu của mọi người, ai cũng nói may mà Lý quả phụ đã mất trước hai tháng, không phải nghe tin con trai đứt đoạn tiền đồ, lại than thở Lý quả phụ vừa mất, nhà bọn họ hoàn toàn không còn ai chống đỡ.

Triệu thị không hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện đã đến gây sự, há chẳng phải là đánh vào việc không ai dám đối chất với bà ta sao.

Đáng tiếc bà ta tính sai, đυ.ng phải một mũi tro lại còn mất cả trứng lẫn gà.

Ai ngờ được, Hoa ca nhi lúc Lý quả phụ còn sống luôn ngoan ngoãn ít nói, bên trong lại mạnh mẽ như vậy, lại còn mạnh mẽ một cách có lý có cứ!

Thu Hoa Niên thản nhiên đón nhận những ánh mắt khác nhau, đợi mọi người đi hết, đóng cánh cửa gỗ cũ kỹ nhưng chắc chắn lại, gọi hai đứa nhỏ vào nhà.

Nhà họ Đỗ là nhà tranh, tổng cộng có ba gian, một gian chính giữa và hai gian hai bên.

Gian bên trái làm kho chứa lương thực và các loại đồ đạc linh tinh, là gian duy nhất có khóa; gian chính giữa vốn là nơi Lý quả phụ cùng một đôi con cái ở, sau khi Lý quả phụ qua đời thì tạm thời bỏ trống; gian bên phải là phòng của Thu Hoa Niên, hiện tại ba người trong nhà đều ở đây.

Để tiết kiệm củi lửa, chiếc giường đất nhỏ chỉ được đốt vào buổi tối, tiết trời xuân vẫn còn se lạnh, trong nhà lại âm u, Thu Hoa Niên bước vào liền nhíu mày.

"Hoa ca ca, đệ đi nhóm lửa giường đất, huynh và Cửu Cửu ngủ một lát đi." Xuân Sinh tuổi còn nhỏ, nhưng đã rất thông minh hiểu chuyện.

"Muội cũng đi." Cửu Cửu phụ họa, "Hoa ca ca bị ngã cần phải nghỉ ngơi cho tốt."

Thu Hoa Niên nhìn hai đứa nhỏ lòng cảm thấy ấm áp, xoa đầu bọn chúng, "Cẩn thận đừng làm bỏng tay, nhóm lửa xong sẽ cho các đệ kẹo ăn."

Không phải cậu không muốn giúp, mà là thứ nhất cậu không biết đốt loại giường đất này, thứ hai là ở Đỗ Gia Thôn những việc nhẹ nhàng như vậy đều là trẻ con làm, Xuân Sinh và Cửu Cửu đã quen làm rồi, không cho chúng làm chúng lại không yên tâm.

Đối với những đứa trẻ kiên cường lớn lên trong nghịch cảnh này, cách tốt nhất để thoát khỏi sợ hãi không phải là nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, mà là nhanh chóng quay trở lại cuộc sống thường ngày, tìm những việc quen thuộc để làm.

Cửu Cửu và Xuân Sinh dắt tay nhau ra ngoài, Thu Hoa Niên cũng không rảnh rỗi, cậu phải dựa vào ký ức của nguyên chủ để kiểm kê lại toàn bộ đồ đạc trong nhà, để nắm rõ tình hình.

Bất ngờ xuyên không đến thời cổ đại, nói không muốn trở về, chắc chắn là giả, nhưng Thu Hoa Niên biết rõ mình rơi xuống vực thẳm tám chín phần là dữ nhiều lành ít,

Hy vọng trở về nhà mong manh, cơ hội sống lại một lần nên được trân trọng.

Cậu đã có được thân phận của nguyên chủ, tự nhiên phải gánh vác trách nhiệm của nguyên chủ, chăm sóc tốt cho các con của nhà họ Đỗ theo nguyện vọng của nguyên chủ.

Nếu có một khả năng, nguyên chủ không chết mà xuyên không đến thân xác của cậu ở hiện đại, cậu cũng hy vọng nguyên chủ có thể thay mình hiếu kính cha mẹ.

Thu Hoa Niên tìm được chìa khóa kho, mở cửa ra. Bên trong đồ vật không nhiều, phần lớn đều là dụng cụ thợ mộc và gỗ vụn của Đỗ Bảo Ngôn để lại.

Lương thực còn lại hai đấu gạo tẻ, hai đấu bột mì, chỉ khi đến Tết mới ăn một chút.

Ngoài ra còn có nửa vại ngô, một vại cao lương, một vại rau muối, một túi lớn rau khô, dè sẻn ăn cũng đủ cho bốn người trong nhà ăn nửa năm.

Tuy nhiên, đại lang nhà họ Đỗ sắp về, hắn ăn khỏe chắc còn hơn cả Lý quả phụ, muốn ăn no còn phải nghĩ thêm cách.

Góc Đông Nam sân có một cây lê lớn, dưới gốc cây là một mảnh vườn, một hàng hẹ và một hàng hành bên cạnh đã nhú mầm, những loại rau khác vẫn chưa trồng.

Chuồng gà góc tường chỉ còn lại hai con gà mái già, mỗi ngày đẻ được hai quả trứng, thường không ăn mà để dành đủ mười quả đem ra chợ đổi lấy tiền.