Chương 14

Hôm nay được nghỉ học thêm. Sướиɠ thế!”

Thứ Năm của tuần đầu tiên trong tháng Mười, vào giờ nghỉ trưa Wakabe nói. “Hình như bắt đầu từ ngày mai!”

Yamashita và tôi im lặng gật đầu.

Sau khi tan học, chúng tôi tập trung tại nhà ông cụ. Hoa cúc cánh bướm nở khắp vườn. Dù thân ngắn, hoa cũng nhỏ, chúng vẫn như những đốm lửa nhỏ đang cháy rực lên giữa đám cỏ dại.

“Nơi này sẽ ra sao nhỉ?” Yamashita nhẹ nhàng vuốt ve cánh cửa chớp. “Nó sẽ thành khu chung cư hay vẫn như thế này?”

Cánh cửa ra vào cũng đã khóa. Wakabe im lặng lao ra sân, đột nhiên nó ngồi sụp xuống, chân run lên bần bật.

Ngày hôm sau, tường nhà sẽ bắt đầu bị phá. Chỉ một tháng không có người ở mà trông ngôi nhà hoang tàn hẳn. Cánh cửa chớp màu xanh, tường màu vàng sáng, tất cả đều đã xỉn màu. Tôi để ý thấy sợi dây thùng phơi đồ giặt đã biến mất. Có lẽ từ ngày tang lễ, nó đã không còn.

Sau đó chúng tôi im lặng ngắt những bông hoa cúc cánh bướm, quay lưng đi khỏi vườn. Đến thềm nhà, Wakabe ngoái lại, nhìn chăm chăm vào phiến đá bị khuyết một góc. Phiến đá mà Yamashita đã đặt đĩa gỏi cá lên ngày nào.

“Đi thôi!” Wakabe vùi mặt vào bó hoa, vội vã bước đi.

“Tao lo lắm!” Yamashita nói. “Biết đâu mình sẽ quên mất ngôi nhà này!”

Tôi cũng vậy. Trong phòng mình, tôi hồi tưởng lại những chuyện về ông cụ. Thế rồi tôi nhận ra hình như càng cố nhớ lại, càng có nhiều chuyện bị rơi rụng, điều đó khiến tôi cảm thấy không thể chịu đựng nổi.

“Thế nên, tao nhất quyết sẽ nhớ phiến đá này. Tao ngốc, nhưng chỉ một thứ thì tao chắc chắn nhớ được!”

Tôi nhắm mắt chặt đến mức nước mắt trào ra. Trong mi mắt ướt nước, ánh sáng tụ lại thành từng điểm, tôi liền mở bừng mắt. Trong một khoảnh khắc, tôi thấy ông cụ mở cánh cửa ra vào và ló mặt ra. Cạch, tôi cũng nghe thấy cả tiếng cánh cửa mở ra.

“Tao sẽ bày hoa này trong phòng mình.” Tôi nói vậy, rồi quay lưng về phía cánh cửa đã khóa, bắt đầu bước đi.

“Tao cũng vậy. Tao sẽ bày trên bàn học.”

“Thế thì học nhiều nữa đi”

“Đúng vậy! Phải học thôi!”

Cảm giác khó chịu đã được thổi bay hoàn toàn. Ngày nào tôi cũng ngốn ngấu sách ôn tập như một con vật bị bỏ đói. sấp đến kỳ thi cuối cấp rồi.

* * *

Mẹ tôi nhập viện khi hoa cúc cánh bướm trong bình bắt đầu héo. Có lẽ vì mẹ uống quá nhiều rượu nên gan kém đi. Mới đầu, bố tôi đã rất giận dữ khi biết bệnh tình của mẹ. Bố hết sức buồn bực, mắng mẹ là “Đồ ngu!” Còn mẹ tôi vừa khóc vừa nói “Tôi xin lỗi! Tôi xin lỗi!”

Nhưng suốt một thời gian sau khi mẹ nhập viện, trên đường từ công ty về bố thường ghé vào viện thăm mẹ. Những ngày bố về sớm cũng nhiều hơn hẳn trước dây. Dù tôi vẫn về muộn vì phải đi học thêm, nhưng bằng cách nào đó, hai bố con vẫn vượt qua được cuộc sống không có mẹ. Bữa tối thường chỉ là cơm hộp mua về, nhưng cũng có lúc tôi cùng bố xem sá́u ăn và làm những món đơn giản. Cá nướng, xa lát, rồi cả trứng ốp la. “Cũng khá ngon đấy!” Vừa ăn quả trứng ốp la nát, bố vừa nói vậy.

Tôi không thể nào quên món hầm mà bố thử làm vào một ngày Chủ nhật. Bố cứ khuấy nồi, nếm thử, rồi lắc lắc gật gật không biết bao nhiêu lần. Sau nửa ngày hầm thịt và rau, làm được món hầm ngon tuyệt, hai bố con mang một nồi vào bệnh viện, cùng ăn với mẹ. Vừa ăn món đó mẹ vừa khóc. “Thôi ăn đi,” câu dỗ dành của bố tôi dịu dàng quá, ngay cả tôi cũng cảm thấy chua nơi cổ họng.

Lúc từ bệnh viện về, bố hỏi tôi. “Sau này thành người lớn, con muốn làm gì?”

Tôi ngạc nhiên. Nếu không tính cái hồi còn nhỏ xíu thì đây là lần đầu tiên bố hỏi tôi như vậy.

“Con vẫn chưa biết.” Tôi hơi suy nghĩ. “Cũng không phải là làm gì to tát, nhưng con định viết gì đó.”

“Nhà văn?” Lần này đến lượt bố tôi ngạc nhiên. “Viết tiểu thuyết à?”

“Con cũng chả biết mình có thể trở thành như thế không.” Giọng tôi mất tự tin hẳn. “Nhưng con muốn viết. Có thể ghi lại những điều con không muốn quên, và chia sẻ được với người khác, cũng tốt lắm chứ.”

Bố tôi im lặng lắng nghe.

“Có rất nhiều điều con không muốn quên. Cả chuyện ngày hôm nay con cũng định viết lại. Chắc chắn đấy!”

Rồi cả chuyện mùa hè năm nay đã in lại trong tim tôi.

“Việc đó... có lẽ cũng tốt.”

Hít một hơi thật sâu, bố tôi ngước lên nhìn trời. Chòm l hộ đang chiếu sáng. Trời đã vào đông hẳn rồi.

* * *

Nhờ nỗ lực học tập suốt từ hồi mùa thu, tôi đỗ được vào trường cấp II tư thục. Bố tôi rất mừng, mua cho tôi một quyển sổ bọc da và một cây bút máy ngoại. Trong có kẹp một tấm thiệp ghi, “Tặng nhà văn tương lai”. Bố làm quá rồi, tôi nghĩ, nhưng tôi cũng thôi không nói với bố rằng thực ra tôi muốn một cái máy tính.

Tỏi dùng quyển sổ đó, xây đựng ý tưởng về truyện ngắn “Chuyện của Y”. Do không kịp nộp vào tập văn tốt nghiệp, nên vào buổi lễ chia tay ở lớp, lúc mọi người mang những thứ tốt nhất do mình tự làm đến, tôi đã chép lại truyện ngắn ấy và đọc trước mọi người. Hôm trước đó, tôi đã căng thẳng đến nỗi không ngủ nổi, nhưng kết quả cũng khá tốt. Lớp học vỡ ra những trận cười. “Em hãy đọc tại buổi lễ cuối cùng nữa nhé!” Khi nghe thầy giáo dặn như vậy, tôi được nếm trải cảm giác có thể nói là hạnh phúc nhất từ khi sinh ra đến giờ. Còn Yamashita, người giống nhân vật chính nhất, lắc đầu nói “Trong truyện này, rốt cuộc là tên béo đó bị người con gái bỏ rơi à?”

Thật đáng tiếc là Yamashita đã thi trượt trường tư thục.

“Thôi, biết đâu nhờ vậy mà bà già tao sẽ chấp nhận để tao trở thành chủ hàng cá,” Nó nói. Giờ nó vẫn béo như trước, đã thế lại còn cao lên, rất có dáng của “bác bán cá”. Trong số chúng tôi, nó là người đầu tiên dám dùng từ “bà già tao”, khiến tôi và Wakabe cực kỳ khâm phục.

Wakabe không dự thi. Mẹ nó tái hôn, do công việc của người đó nên cả gia đình phải chuyển sang Tiệp sống.

Ngày tốt nghiệp, ba chúng tôi đi bộ từ trường về, tay mang hộp đựng bằng tốt nghiệp.

“Tiếc quá!” Yamashita nói cụt ngủn. “Kiyama được Tashima tặng sô cô la lại…”

Yamashita, cùng Tashima, Moko và Sakei vào trường công. Tôi có hơi ghen tị với nó một chút.

Điều thú vị của việc lên cấp II là được mặc quần dài. Người tôi vẫn lèo khoèo như hồi nào, nhưng nếu mặc quần dài vào trông cũng khá hơn một chút.

“Nhưng mà, thể nào ở trường mới mày cũng có bạn khác thôi.” Thấy tôi im lặng, Yamashita liền nói an ủi.

“Những đứa như Sugita và Matsushita chắc chắn cũng sẽ có.” Gương mặt những người đã gặp suốt sáu năm qua hiện lên trong đầu tôi.

“Đứa thế nào đi nữa, có ngon thì đến đây!” Wakabe nói.

“Tiệp là nước thế nào nhỉ?” Yamashita gõ gõ cái hộp đựng bằng tốt nghiệp vào đầu gối, chân đánh nhịp bước đi.

Chúng tôi chợt dừng lại. Đó là chỗ trước nhà ông cụ. Các nhà xung quanh cũng đã bị phá, toàn bộ chỗ này bây giờ thành bãi gửi xe.

“Tao...” Wakabe ngập ngừng, nhìn không chớp mắt vào mặt đất đã rải nhựa đường.

Dưới dó, khu vườn cúc cánh bướm chúng tôi trồng đang ngủ yên. “Tao, lúc mới nghe tin mẹ tao sẽ tái hôn, tao đã nói không thích. Tao rất mong có bố. Nhưng chả thích việc tự dưng có một người chẳng quen biết xuất hiện nói ‘Ta là bố con’. Tao cũng chẳng khoái chuyện mẹ tao cứ đến ngày Chủ nhật là ăn diện đi ra ngoài. Nhưng, đêm đó tao đã suy nghĩ rồi. Nếu là ông cụ, ông sẽ nói gì?”

“Ông sẽ đồng ý chuyện đó!”

Wakabe gật đầu. Tôi rất hiểu cảm xúc của nó. Vẫn như trước đây, tôi cũng hay nghĩ “Nếu là ông cụ thì…” Làm nh vậy sẽ có được câu trả lời nhanh hơn tự suy nghĩ một mình rất nhiều. Người ta hay bảo “sống trong ký ức của người khác”, nhưng việc này không giống như thế. Nó đem lại cho tôi cảm giác gần gũi hơn.

“Tao sẽ ổn thôi. Dẫu chỉ có ba người sống với nhau tại một đất nước khác. Nhất định sẽ ổn thôi!” Wakabe nói vậy rồi ậm ừ, tự mình gật đầu.

“Mày ra dáng nam nhi lắm!” Yamashita nói.

“Vậy à?”

“Đúng vậy đấy!”

Nếu ở đó lâu hơn nữa, có lẽ ngực tôi sẽ nghẹn lại mất. Tôi im lặng bước đi. “Giữ gìn sức khỏe nhé!” Đên chỗ ngã tư tôi nói vậy, rồi ba đứa chia tay. Ngoài câu đó ra, tôi chẳng nghĩ ra nổi câu nào khác. Tôi rẽ phải, Wakabe rẽ trái, còn Yamashita đi thẳng. Một bước, hai bước... cứ như đang tham gia một trận quyết dấu, tôi đếm bước chân mình, chậm chạp bước đi.

Nhưng, chưa đi được đến mười bước, chợt giọng của Yamashita đã vang lên.

“Đúng rồi!”

Nó vẫn đang đứng giữa ngã tư. Lúc này đây, có lẽ tôi đang nhìn Yamashita với vẻ hoàn toàn tin cậy. Tôi đang hy vọng về một điều gì đó. Cả Wakabe cũng vậy. Sẽ thiếu mất chút gì đó nếu chúng tôi cứ thế này mà chia tay. Bị hai đứa tôi nhìn chăm chú, mặt Yamashita thoáng chút hồi hộp, nhưng ngay lập tức nó nở nụ cười thật tươi.

“Tao đã có thể đi toa lét một mình vào buổi đêm rồi. Tao không thấy sợ nữa.”

Tôi và Wakabe thoáng chút thất vọng, nhưng rồi, Yamashita hét lên.

“Trong thế giới đó có người quen của chúng ta mà. Chẳng phải điều đó càng động viên bọn mình hay sao?”

Sau một chốc im lặng, Wakabe đột nhiên đáp lại nó với giọng thật to. Đôi mắt sau cặp kính mở lớn.

“Đúng vậy đấy.”

Tôi cũng gật đầu. Tôi những muốn vỗ thật mạnh vào cái lưng hay cái bụng tròn lẳn của thằng mập, nói chung là vào người nó. Chết tiệt, Yamashita, sao mày lại như vậy cơ chứ?

Yamashita hít thật sâu vẻ thỏa mãn. “Chào nhé!” Nó nói rồi quay lưng chạy đi.

Tôi và Wakabe ngẩn người, dõi theo đáng lưng của nó một lúc lâu. Rồi tôi quay sang nhìn Wakabe, cái đứa lúc nào cũng chỉ biết rung đùi, vẫn mang cái bộ mặt tươi tỉnh nhất từ trước đến giờ. Một con gió mát thổi qua trong tim, tôi nói một lần nữa “Chào nhé!”

“Mình sẽ gặp lại nhau.”

“Ừ, chắc chắn rồi.”

Tôi quay người, dồn hết sức chạy.

Lời cuối sách

Ông ngoại tôi qua đời khi tôi lên bảy. Hồi còn sống, ông rất thích uống rượu nên thường hay say xỉn. Mẹ tôi hay nổi cáu mỗi khi ông cầm cốc rượu sóng sánh định đưa tôi uống và nói đùa đó chỉ là nước. Là người khá xuề xòa trong chuyện ăn mặc, ông còn mặc cả quần thụng khi đi mua sắm ở nhà ga. Nói chung, ông khiến cho bà tôi, người không bao giờ chấp nhận những thứ không gọn gàng, luôn phải nhăn mặt. Ông tôi là kỹ sư điện. Ông có rất nhiều dây điện bọc nhựa màu vàng và đỏ. Ông thường xỏsợi dây điện một mớ đồng 5 yên để cho tôi làm tiền quà vặt. Nhưng với một đứa trẻ lớn lên dưới sự dạy bảo của người cha rất mực nghiêm khắc, tôi thấy cái kiểu xâu tiền như vòng hoa Hawaii ấy có gì đó ăn chơi quá và hơi kỳ dị. Ông khác hẳn những người xung quanh như bà, bố tôi và con gái ông là mẹ tôi, lúc nào ông cũng như tách biệt hẳn. Hồi đó, tôi không biết nên xử sự thế nào với người ông như vậy. Tôi cảm thấy thật khó lại gần ông ngoại lúc nào cũng say xỉn và toàn bày ra những trò đùa khó hiểu.

Một hôm, ông ngoại đến chơi nhà tôi. Ông thường đến gặp mẹ khi bố đang ở công ty, hôm đó tôi cũng sang nhà bạn chơi. Chẳng hiểu sao tôi thấy nóng ruột, không để tâm nổi vào chuyện chơi đùa, nên chạy thẳng về nhà. Tôi tới cửa đúng lúc ông chuẩn bị đi về. “Ông không được về!” Tôi bèn òa khóc nói vậy. Ông ngoại có vẻ bối rối khi thấy đứa cháu vốn chẳng quấn quýt ông chút nào đột nhiên lại khóc như vây. Đó là lần đầu tiên tôi nắm tay ông đến tận bến xe buýt. Ngày hôm đó, người ông không tỏa ra mùi rượu. Tình trạng sức khỏe của ông xấu đi nên ông không uống rượu được nữa.

Chưa đến một tháng sau, ông ngoại mất. Mỗi lần nhớ lại vẻ im lặng, thậm chí thoảng chút phấn chấn khác hẳn thường ngày của ông, tôi lại thấy hối hận vì đã không thể đối xử dịu dàng hơn với ông, nghe ông kể chuyện, thân thiết hơn với ông. Đâu đó trong tim, tôi cực kỳ căm ghét chính mình vì đã xa lánh người ông lúc nào cũng tỏa ra mùi rượu. Thế rồi, dần dần tôi có thói quen cố quên đi những chuyện về ông.

Hơn hai mươi năm sau, tôi gặp một người có cái đầu hói rất giống ông ngoại. Đó cũng là lần đầu tiên tôi để ý rằng hói cũng có rất nhiều kiểu. Người đó có cùng “kiểu hói” với ông tôi. Ký ức của con người thực vô cùng kỳ lạ. Những ký ức của tôi về ông nhờ thế cứ ồ ạt tuôn về. Ông luôn xách theo dưa hấu hay chuối mỗi khi đến nhà tôi, vừa chậm rãi gọi thật to tên mẹ và tôi từ đằng xa vừa liêu xiêu đi tới. Có lần thấy con rắn ở dưới hành lang, ông liền nói “Nhà có rắn là may lắm đấy. Phải đối xử tốt với nó!” và ném cho nó miếng thịt gà. Cổ ông có một cái bướu, ông thường bảo “Trong đó có ngọc đấy!” rồi thích thú nhìn tôi. Hình của người ông hói đầu, hôi mùi rượu, lúc nào cũng mặc bộ đồ ngủ nhàu nhĩ cứ thế hiện về. Từ hồi ông mất đến giờ đã hơn hai mươi năm rồi, cuối cùng tôi cũng có thể gọi ông là “người quen ở thế giới bên kia”.

Tôi viết câu chuyện này cũng vì tôi tin rằng có thể gặp lại người ông mà mình đã cố quên đi. Khi viết câu chuyện này, tôi ở trong căn phòng trước kia bày bàn thờ ông tôi, giờ đã thành phòng người khác. Hồi trước tôi rất sợ ngủ trong phòng có bàn thờ, nhưng giờ thì không thế nữa. Trong thời gian viết bản thảo, buổi tối trước khi đi ngủ, tôi thường nằm trong chăn ngước lên nhìn hình của ông và nói “Ngày mai cháu cũng sẽ cố gắng”. Sau đó tôi mơ những giấc mơ thật đẹp và nhẹ nhàng.

Tôi xin dành tặng câu chuyện này cho ông ngoại tôi. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Uemura Rei - người đã biên tập quyển sách này, Hiko Tanaka - người đã nghiêm khắc rèn giũa tôi và Soumai Shinjin - người đã động viên tôi viết ngay từ lúc ban đầu khi tôi nói ra ý tưởng này.

Tháng Ba năm 1992

Yumoto Kazumi

(Hết)