Quyển 1 - Chương 15

*

* *

Mọi việc phải kể lại từ thời điểm Trọng Xuân bị cả nhà lôi từ Y Viện về Hồ tộc..

Phác Hằng tộc chủ bắt đầu mang quy tắc thần tộc ra răn dạy ái nữ... Gây ra lỗi hiển nhiên phải phạt, quân pháp bất vị thân, ngay cả công chúa cũng không được ngoại lệ, nên Trọng Xuân bị phạt tội y hệt Mạnh Hạ lần trước. Hoàng tử Hồ tộc từng vì phạm tội làm nhục hoàng nữ Hầu tộc mà bị phạt quỳ trước bàn thờ sư phụ mình bảy ngày liên tục, sau đấy còn phải chép phạt giáo điều Hồ tộc, phải khấn nguyện sám hối, còn bị phạt đánh, phạt giam vào thủy lao. Riêng Trọng Xuân không có sư phụ, đành cho quỳ trước linh vị tổ tiên một tuần lễ, hết bảy ngày liền phải chép giáo điều Hồ tộc đúng trăm lần.

- Ngươi chép hết trăm lần cả một trăm lẻ một giáo điều này, chép đàng hoàng, rõ ràng vào. - Phác Hằng dằn mặt quyển giáo điều trước mặt con gái.

- Nhưng... nhưng... giáo điều vốn chỉ có trăm điều. Phụ hoàng có nhầm lẫn chăng?

- À! Từ sau khi Mạnh Hạ gây tội với Hầu tộc thì ta đã thêm điều mới vào, điều này quy định không được dùng mưu hèn kế bẩn, gài bẫy, dụ dỗ nhằm chiếm đoạt nhân tình, nếu phạm phải sẽ... Mà thôi, ngươi tự trải qua sẽ biết ngay.

Mạnh Hạ đứng bên cạnh thì thào vào tai em gái mấy lời chẳng biết là hăm dọa hay đang có ý tốt cảnh báo.

- Lần trước anh chỉ qua đêm với Oanh Thục thôi đã bị kết tội bất nhân, bất nghĩa, bất trung, bất hiếu đấy, mong cho em không gặp nỗi khổ tương tự.

- Ai bảo không có! - Hồ Vương lập tức lên tiếng cắt ngang. - Tỉnh Vĩ từng liều thân vì ta, từng tự nguyện bỏ hết công việc trên Y Viện đến đây chăm sóc ta ba tháng liền nhưng con hồ ly này lấy oán báo ơn, không phải bất nghĩa thì là gì. Nó phục thuốc, bức hại tới người ta quẫn trí tự sát, không gọi là bất nhân sao. Chưa kể bỏ nhà đi không báo lại một câu, mặc kệ song thân lo lắng, ngày đêm mất ăn mất ngủ đôn đáo chạy tìm, thế chưa phải bất hiếu sao. Bắt đầu cầm nhang đọc lời sám hối đi, đọc thành tâm vào, không được bớt chữ đâu đấy.

*

* *

Thường tiên nhân muốn xem thời điểm thành hôn phải sang nhờ một vị thần tiên chuyên nắm chuyện lương duyên hay còn gọi là Nguyệt Lão. Hôm mọi người đến gặp Nguyệt Lão nhờ xem quẻ định ngày cưới hỏi, lão thần lương duyên gieo quẻ định ngày cưới tận mười mấy lần đều ra kết quả vô cùng kỳ lạ. Bản thân Nguyệt Lão cũng thắc mắc cớ sao mệnh cách Dược Thần rất lạ, nếu đúng sinh vào ngày đó, tháng đó, năm đó thì tinh tượng chẳng thể như vậy.

Lão thần lương duyên từng xem quẻ cho rất nhiều tiên nhân, có tướng quân, có hoàng tử, kể cả Thiên Đế. Ngay hai con của Hồ Vương, Nguyệt Lão cũng cũng đã xem quẻ cho cách đây mấy vạn năm. Khi ông ta xem quẻ cho Mạnh Hạ, thì thấy đại hồ mang sao chiếu mệnh được định sẽ sánh cùng một tinh mệnh sáng rực, vị trí tương đồng, do đó chắc trăm phần hoàng phi Hồ tộc gia thế rất môn đăng hộ đối, và nữ nhân kia chính là Oanh Thục - con gái Hầu Vương. Riêng với Trọng Xuân, tinh tú soi mệnh cho cửu vĩ hồ ấy kết hợp cùng một ngôi sao lạ lùng, tinh mệnh kia như thể số phận không hẳn ở thần giới mà cứ chập chờn giữa ranh giới. Kẻ đó không rõ vận mệnh, không biết đến từ đâu, sẽ về đâu, so với công chúa là thấp hơn hay môn đăng hộ đối. Thậm chí Nguyệt Lão còn nghĩ mình xem lầm vì thế gian sao có số mệnh bí ẩn thế được. Nào ngờ nay lão thần mới nhận ra kẻ mang mệnh cách ấy thực sự tồn tại. Nhìn về tinh tú chiếu mạng hắn ta, Nguyệt Lão hoàn toàn chịu thua, chỉ biết hắn tam hợp cùng công chúa như thiên ý.

Không đoán chính xác được mệnh cách thì khó lòng định ngày cưới gả, lão thần lương duyên định hỏi Tỉnh Vĩ họ gì nhằm dựa vào đấy bói theo gia phả. Nhưng bỗng ông sực nhớ Dược Thần không có... họ, vì thế từ nhỏ hắn luôn bị chọc là thứ con hoang, không được đặt họ tên đầy đủ.

Trọng Xuân giật mình hỏi hôn phu.

- Chàng không phải họ Tỉnh sao? Thế họ chàng là gì? Chàng từng có cha mẹ thì phải mang họ cha chứ.

Tỉnh Vĩ ngẫm nghĩ hồi lâu rồi lắc đầu khẳng định.

- Tôi không có họ, hỏi bao lần cũng thế thôi.

Chả xác định nổi chút manh mối gì, rốt cuộc, Nguyệt Lão đành chọn thời điểm được xem là tốt nhất dù Tỉnh Vĩ sinh ra bất kỳ chốn nào, mệnh số ở đâu cũng đều hợp thành hôn, đấy là thứ nhất thành hôn trong vòng ba ngày tới, thứ hai là chờ... ba năm nữa.

Trọng Xuân đã mang thai, vài tháng là sinh con, chẳng lẽ chờ ba năm cho tiên hữu chê cười, dĩ nhiên phải chọn đường ba ngày. Vua cáo xoay sang hỏi lão thần Bằng Thủy xem như thế có được chăng, trong tộc, lão luôn trọng lễ nghi nhất, phải hỏi kỹ lão chọn đường ba ngày liệu hợp tình hợp lý chưa, hay phải thế nào nữa mới an tâm được.

Phần lão hồ ly vốn đang lo đứng lo ngồi tìm cách kể về thân thế Tỉnh Vĩ với phu thê em gái, nào hay Trọng Xuân lại mang thai, đường này chắc chắn hươu sao không cưới không được. Quả là trong rủi có may, lão chẳng cần xen vào mà mọi chuyện vẫn thuận lợi. Thời cơ hiếm có, lão đâu dại gì nói câu phản đối.

- Mọi người làm lễ cưới nhanh đi, cưới muộn quá, bụng Trọng Xuân to như cái trống thì phải làm sao. Ông già đây đâu quá khó khăn nhỉ, ta sống cũng nhàn nhã lắm, ai muốn làm gì thì làm, ai muốn cưới thì cưới. "Thử ông luyện đắc tâm như thiết. Bất phục lê hoa nhập mộng tần." (*), tự dưng nhớ tới hai câu thơ này, chữ "Thiết" nghe hay thật phải không Tỉnh Vĩ, "Ông già luyện được lòng như thép. Ngọn giáo lê hoa mộng đã qua.", thép cứng cỏi, lòng ngươi đôi lúc cũng phải cứng như thép tôi luyện.

Hươu ngốc nghe chữ "Thiết" thật khá chột dạ mà không cả gan hỏi tới, mong sao Bằng Thủy chỉ là tình cờ nói ra. Còn tính về hôn sự gấp gáp, nghe ra hơi bất công cho Trọng Xuân, Dược Thần định thú thật việc nào đấy nhưng Hồ Vương bảo không cần nói, nhất định ba ngày sau cử hành hôn lễ, hươu sao chẳng cần sính lễ cao sang, không cần nghi thức nạp trưng nạp thái gì rườm rà, càng chả đòi hỏi khách khứa, tiệc tùng rình rang cho tốn kém.

Dẫu Hồ Vương rộng rãi muốn bỏ bớt thủ tục, thêm phần Trọng Xuân đã ở sẵn trong nhà rồi, nên giảm được khoản đón dâu nhưng người thương đường đường là công chúa Hồ tộc, đâu thể làm quá sơ sài, cẩu thả. Người ta vì mình đã mang tiếng hoài thai trước khi thành hôn, giờ còn cử hành hôn lễ chẳng ra đâu vào đâu thì e quá thiệt thòi. Tộc chủ không cần đủ lễ nghi nhưng Dược Thần vẫn cố làm tốt hết sức có thể, vẫn cố đủ hết lễ. Chưa kể cưới con gái người ta về mà chẳng tiệc tùng, pháo cưới thì coi sao đặng, nên dù khốn khó tới đâu vẫn phải tổ chức buổi chiêu đãi, mời khách khứa tới để thiên hạ thấy người hắn yêu thương được cưới hỏi đàng hoàng.

Bởi lẽ ấy, Tỉnh Vĩ suốt đêm thức thâm quầng hai mắt ngồi viết danh sách những thứ cần làm để đúng ngày có thể cử hành lễ bái tổ tiên hợp gia quy. Việc mời khách thì để Đường Lệ lo, tia nắng nhỏ giao du tứ phương, đi xa thế nào vẫn có cách gửi thư từ lẫn dược liệu về Y Viện nên việc này ắt chẳng khó. Dù gửi gấp thế chả biết bao phần khách khứa đến kịp, nhưng tốt nhất cứ có lời mời cho đúng lễ nghĩa.

Khách khứa, thϊếp mời xem như xong, giờ đến phần sính lễ, hỷ phục. Ba ngày thì may hỷ phục đường nào cho kịp, sính lễ càng khó tìm. Những tiên nhân chuyên làm việc may mặc đều lắc đầu chịu thua, một bộ may trong ba ngày còn bất khả thi, nói chi đến tận hai bộ. Tỉnh Vĩ ngẫm nghĩ hồi lâu rồi hỏi các tiên nhân ấy rằng nếu may hỷ phục không kịp thì... sửa hỷ phục cũ liệu có kịp chăng. Nghe vậy, mọi người thoáng giật mình tự hỏi, lẽ nào Dược Thần có sẵn hỷ phục, hay mượn của ai. Và đáp lại những thắc mắc ấy, hươu sao lẳng lặng đến trước bài vị mẫu thân, thắp hương rồi quỳ lạy mười cái, miệng thì thầm điều gì đấy rất nhỏ, căng tay cũng không nghe nổi. Thì thầm xong, hươu ngốc ra phía sau bệ thờ lấy một hộp đồng kì lạ, phủ đầy bụi, hắn nhẹ nhàng lau đi lớp bụi dày rồi nhẹ nhàng mở ra. Quả thật trong đấy có cặp áo đẹp lộng lẫy tuy nhiên họa tiết rất lạ, sang trọng mà âm u, thoáng quý phái mà tối tăm. Hỷ phục xưa giờ thường bên ngoài màu xanh hoặc màu hồng đỏ, riêng đôi áo này sắc màu lạ lùng chưa ai thấy bao giờ. Viền tay áo và lai áo màu đính dọc cả dãy đá quý lấp lánh màu vàng, chất liệu lụa đặc biệt mềm mại, mát lạnh, nếu không muốn nói là lụa cực phẩm. Được hỏi cặp áo nguồn gốc từ đâu, Tỉnh Vĩ ôm áo vào lòng bảo là báu vật của mẫu thân, cả đời mẹ hắn chỉ quý nhất bao nhiêu đấy. Dưới đôi áo hỷ còn chiếc hộp nhỏ màu đỏ, Dược Thần cầm hộp lên, he hé mở xem rồi vội đóng lại, nói thầm đây có thể thành sính lễ.

Qua hết những công đoạn phía trên, cuối cùng đã đến công đoạn mà theo chúng tiên hữu là khó khăn cho Tỉnh Vĩ nhất: dâng sính lễ. Hỏi cưới công chúa cần tận sáu lễ, lễ nào cũng phải có lễ vật tương xứng dâng lên. Lễ nạp thái cần vàng bạc, hai mâm trầu, hai mâm cau. Lễ vấn danh đòi hỏi trân cầm dị thú cùng hai hũ rượu. Đến nạp cát lại phải có sa lĩnh, gấm lụa. Rồi lễ điện nhạn, lễ thân nghinh cũng cần trầu cau, vàng bạc, rượu quý.

Khi hươu ngốc dâng sính lễ đến Hồ tộc, cau trầu là vật dễ tìm nhất nên chẳng thiếu khoản này, lụa gấm sa lĩnh, hắn may mắn có bằng hữu hạc tiên nên nhờ người ta được một chút, sau này trả lại dần dần. Riêng vàng bạc thì hơi khó, hắn cố gom góp gần hết vàng bạc tiết kiệm trong bao năm qua vẫn chưa đủ số lượng theo truyền thống bởi vậy đành dâng những thứ với hắn là quý báu nhất... Lúc ấy, Tỉnh Vĩ cẩn trọng quỳ xuống, nâng lên hai mâm phủ vải đỏ. Mâm thứ nhất là bốn mươi bình thuốc cẩm thạch đủ màu sáng lấp lánh, đẹp mê hồn, chế tác cực kỳ sắc sảo. Hươu sao bảo những dược bình này đều là cực phẩm, trong đấy chứa những loại thuốc quý chính tay mình này tâm huyết ngày đêm bào chế.

Vài kẻ trong tộc ngày trước si mê Trọng Xuân nay nghe nói Tỉnh Vĩ sắp lấy được cửu vĩ hồ nên ganh ghét bảo hắn quả chẳng hổ danh Dược Thần, sính lễ cũng toàn thuốc, tặng thuốc khác nào cầu Hồ Vương bệnh quanh năm. Còn phần dược bình cũng chẳng mấy được họ xem trọng, bởi dù đẹp vẫn là cẩm thạch, trong phía đầu kia Hồ tộc có cả ngọn núi đầy ngọc quý, hồng ngọc, lam ngọc, lục bảo ngọc nhiều vô số kể. So với ngọc quý chốn này thì cẩm thạch chẳng khác hòn đá cuội.

Đến mâm thứ hai là một chiếc hộp đỏ làm mọi người tò mò không biết là thứ chi mà Tỉnh Vĩ cầm cực kỳ cẩn thận, đưa lên tôn kính vô cùng. Nhưng khi Hồ Vương mở ra ai ai cũng đều thất vọng bởi trong đấy là một... viên đá nâu nhỏ bé. Mấy quần thần ngỡ ngàng tròn mắt, họ mới nói cẩm thạch so với ngọc quý chỉ là hòn đá cuội, nào ngờ giờ hươu ngốc dâng đá lên làm sính lễ thật. Tỉnh Vĩ cúi gập đầu thưa đấy là báu vật trân quý mẫu thân để lại, bề ngoài tầm thường nhưng Hồ Vương kiến thức uyên thâm, ắt đủ tinh tường đấy chẳng phải thứ vô dụng.

Mấy kẻ xung quanh cười nhạo bảo Tỉnh Vĩ nghĩ ai cũng ngốc như hắn chắc, nhìn tứ bề vẫn là viên đá cuội, đâu phải đá cho vào hộp quý là thành báu vật. Báu vật có vùi vào bùn vẫn là báu vật, thứ vô dụng có tô điểm rực rỡ vẫn chỉ đáng vứt đi, nếu hươu ngốc kia nghĩ bỏ viên đá vào hộp đẹp đẽ là thành trân bảo thì thật quá ngây thơ.

Nhưng mặc ai nói gì nói, Hồ Vương nhìn hai mâm lễ vật nhỏ bé vẫn ôn hòa bảo hiền tế làm thế đã là có quá lòng. Với vua cáo, chỉ cần thật tâm thật lòng thì dẫu có là ai thì ông vẫn chấp nhận gả con đi. Hươu sao chịu yêu thương, chở che nương tử suốt đời chính là điều duy nhất ông mong ước.

Phần Bằng Thủy tiên nhân ngồi lặng im từ đầu buổi, chỉ nhìn viên đá nâu rồi nghĩ thầm: "Tỉnh Vĩ quả rất có lòng, bảo vật đó cũng đưa đi hỏi vợ, hỏi thế gian mấy ai dám làm. Hắn tôn trọng thê tử như thế, mai sau có lẽ Trọng Xuân sẽ hạnh phúc."

(*) Nguyệt Áng Sơn Hàn Đường - Trần Minh Tông.