Quyển 1 - Chương 2

Tôi nắm song sắt cửa sổ, bần thần nhìn ra ngoài. Trời đã hửng nắng từ bao giờ, đổ dài xuống mảnh vườn héo quắt những dải sáng lấp lánh sắc vàng. Đám mây lững lờ phía góc trời im lìm, lớp dày nối lớp mỏng nhuộm màu đỏ tươi. Màn sương trắng xóa phủ lấy rặng non xanh cao, phủ lấy tầng tầng ngói gạch ngay nơi nhà người.

Chớp mắt, một ngày mới lại đến.

Sáng sớm, từng đợt gió rét ùa vào phòng, xộc thẳng vào khí quản, như lưỡi dao sắc nhọn cứa trên da thịt. Tôi rùng mình, kéo màn và cài kín cửa sổ, sau đó xuống giường mang giày.

Múc từng gáo nước trong gầu đổ vào chậu gỗ, tôi chia ra hai đợt đổi nước. Đợt đầu là cho lần rửa mặt cùng súc miệng, đợt hai là nhúng ướt khăn lau người. Vì thuận tiện cho việc tắm rửa nên ngày nào tôi cũng chịu khó ra giếng lấy nước về để sẵn trong phòng. Sau khi dùng xong, tôi lại đem chỗ nước dơ ấy ra phía sau vườn xử lí.

Kể ra cũng không dễ dàng gì. Nhất là khi trời đột ngột chuyển lạnh và kéo dài liên tiếp nhiều đêm. Nhớ lúc đó, mặt tôi trắng bệch, chân tay sưng đỏ đến độ run rẩy, sống lưng ê ẩm đau nhói. Nhưng nghĩ đến thân thể mệt mỏi của mình được ngâm trong nước, được khăn ướt chà rửa sạch sẽ thì dù vất vả đến mấy cũng thấy đáng giá.

Giờ này vẫn còn sớm, tôi tranh thủ làm cho xong mấy việc vặt khác, như gấp chăn gối, giặt giũ quần áo, quét tước từ trong đến ngoài một lượt. Ổn thỏa đâu đó hết rồi, tôi mới có thời giờ rảnh rỗi ngồi xuống chăm chút bản thân. Bắt đầu từ đôi môi sưng to cần được bôi thuốc, tiếp đến chải gọn mái tóc khô cứng, cuối cùng là thoa một lớp bột đặc sệt lên quầng thâm mắt và hai bên gò má bị thâm sạm.

Trời lạnh thì da dẻ thô ráp, nứt nẻ. Trời nóng thì da dẻ sưng đỏ, ngứa ngáy. Khổ hết biết.

Tôi khoác thêm áo lông, tay xách gầu nước ra khỏi phòng, theo thói quen, tôi ngó mắt sang phòng bên cạnh. Cửa lớn, cửa nhỏ vẫn đóng chặt. Ba anh nhà kia hẳn còn chưa dậy. Lại chuyển tầm mắt qua gian nhà chính phía đối diện. Cửa giữa mở toang hai bên, thấp thoáng ánh đèn yếu ớt chỉ vừa đủ chiếu sáng một góc phía trong. Một góc rộng bao quát còn lại thì nghiêng hẳn trong bóng tối.

Giống như bao người khách trọ, phạm vi hoạt động của tôi chỉ được quanh quẩn ở nơi gia chủ cho phép. Và nơi duy nhất tôi không được phép bén mảng đến gần, dù chỉ nửa bước chân, chính là gian nhà chính đối diện – nơi ở của chị Xuân và lão chủ quán khó tính.

Đến tận giờ, tôi vẫn ghi nhớ lời cảnh cáo của Xuân: Lão ghét cay ghét đắng mấy kẻ lạ mặt hay tự tiện đi vào đó. Nếu để lão phát hiện, chỉ đuổi thẳng cổ là còn nhẹ.

Điều làm tôi hiếu kì, lão ta sẽ làm gì nặng hơn với những người lỡ đi vào đó? Liệu còn gì đáng sợ hơn việc bị đuổi ra ngoài nhỉ?

Có một lần không nhịn được, tôi đã hỏi Xuân về thắc mắc của mình. Kết quả, thay vì nghiêm túc trả lời, thị chỉ nhìn tôi rồi cười nhạt. Nom thế nào, cũng thấy nụ cười ấy có vẻ là lạ… Nhưng thị đã không muốn nói thì tôi không tiện hỏi thêm. Dẫu thi thoảng, bụng dạ vẫn liên tục cồn cào khó chịu vì tò mò.

Không nghĩ đến thì thôi, vừa nghĩ đến là khắp người lại bồn chồn không yên. Thầy dạy, làm người thường nên biết an phận, hỏi ít nhưng phải hiểu nhiều, đừng hỏi nhiều mà hiểu ít. Từ xưa đến nay, lẽ đời vẫn khuyên răn, dốt nát tìm thầy, bóng bẩy tìm thợ [6]. Thật tình, không phải không muốn nghe. Vấn đề ở chỗ, những lời này hoàn toàn vượt ngoài khả năng lí giải cùng tầm hiểu biết hạn hẹp của tôi.

Nói cho cùng, bản thân hỏi ít mà vẫn chỉ hiểu ít đấy thôi. Có lẽ, giống với câu ngu như lợn, dốt như bò, người ta vẫn thường đem ra chì chiết nhau.

Trong tiếng thở dài não nề, tôi xách gầu múc nước đã rửa sạch đi vào bếp. Không ngoài dự đoán, lão già quái gở kia đang nằm ngủ trên sập. Cái tướng ngủ của lão ta xấu thậm tệ! Miệng há to, nước dãi chảy xuống cổ áo, chân và tay trái buông thõng xuống sập. Tấm chăn nhàu nát bị lão vứt thẳng dưới đất, mặt trên toàn vết ố đen và dầu mỡ dính vào. Chắc hẳn đêm qua, lão ta lại chạy vào đây ăn vụng nên chén đĩa dơ mới chồng chất cao như núi thế kia. Rồi đến mấy thứ khác trong bếp cũng bị ném vứt lung tung. Nhìn mà hoảng hồn phát khϊếp [7].

Tôi cuộn tấm chăn bỏ vào cái sọt trong góc bếp, định khi nào trời nắng sẽ đem ra sân giặt giúp lão. Dòm xuống bãi rác bừa bộn dưới chân, quả thật ngán đến tận cổ. Tôi xắn cao tay áo, bắt đầu dọn dẹp. Làm xong những việc này còn phải nhanh chóng nấu bữa sáng cho kịp giờ.

Không biết từ bao giờ, việc chuẩn bị cơm nước hay chuyện dọn dẹp nhà cửa hàng ngày đều do một tay tôi phụ trách. Lão chủ quán như kẻ dại kẻ điên. Người hầu duy nhất ở quán lại thường xuyên đi vắng. Còn ba anh em kia, tay chân vụng về hệt như nhau, động vào đâu bể đổ đến đó. Tôi mà không gắng sức làm thì có nước chết đói cả đám mất.

Rửa xong chén đĩa, tôi xếp ngay ngắn trên chạn. Vừa quay đầu, đã thấy lão ấy ngồi dựa vào tường, lườm tôi lom lom.

“Cháo của tao đâu? Rượu ngon của tao đâu?”

“Ông phải đi tắm đàng hoàng thì mới có cháo để ăn, có rượu ngon để uống.”

“Phiền phức quá! Áo quần còn thơm tho, tắm làm gì!” Lão ngúng nguẩy không chịu, miệng mếu máo chực khóc. “Biết cả rồi. Vậy mà mày lại chê tao. Chê tao thằng già lọm khọm, người bẩn thỉu tanh tưởi, máu nghèo, máu hèn ngấm trong xương tủy.”

Nghe lão nói vậy, tôi không khỏi rối rắm nhìn xuống ống quần rách nát, lấm lem bùn của mình, thầm so sánh hoàn cảnh hai bên. Chí ít, ông còn nhà cửa đàng hoàng, dù bề ngoài trông hơi tồi tàn. Bên cạnh có người hầu tận tụy chăm sóc, dù trông người nọ không mấy đáng tin cho lắm. Chí ít, hàng ngày ông vẫn có cơm ăn, có nước uống. Nghĩ thế nào, cũng thấy tốt hơn tôi nhiều.

Lão gối đầu lên cánh tay, lim dim đôi mắt mơ màng. Tôi sợ lão lại ngủ thϊếp mất nên cố gắng kéo người đứng dậy. Đồng thời giở hết mánh khóe cùng chiêu trò, dụ lão ta ngoan ngoãn đi tắm. Tôi phải nói mải, nói hoài, nói đến khàn cả giọng mới xem như thành công.

Nhân lúc không có ai ở đây làm phiền, tôi tiếp tục việc nấu nướng còn dang dở: Vo gạo, luộc khoai, lặt rau, nhào bột… Loay hoay cả buổi, bận rộn không nghỉ tay.

Mặt trời đã lên cao, ánh nắng ấm áp chiếu qua cửa sổ, hằn trên vai tôi mấy vệt sáng mờ ảo. Tôi nghe tiếng bước chân dồn dập vọng ra từ phía ngoài chái bếp, sau đó lại nghe thấy tiếng vải vóc cọ xát, tiếng nước chảy ào ào không dứt. Ắt hẳn ba anh nhà kia đã thức dậy, đang tắm rửa trong sân. Ngoài đó có lu nước lớn, vài cái gáo múc treo trên cành cây. Ba người sẽ đứng chen chúc cạnh lu nước đầy. Cứ vậy, anh một gáo, em một gáo giội xuống người.

Đúng lúc này, nồi cháo khoai cũng vừa chín tới. Tôi múc ra bốn cái bát lớn, rắc lên bề mặt một tí tiêu, hành khô và mắm tép. Tiếp đó, mới chuyển qua xem nồi bánh hấp nóng hổi ở kế bên. Những chiếc bánh bột nếp tròn vo, dẻo mềm, được xếp gói cẩn thận trong lớp lá chuối xanh mởn.

Một lát nữa, cả tôi và anh em Sa Vũ đều phải ra ngoài, có khi đến tối mịt mới trở về. Cho nên, bữa trưa có thể thiếu, hoặc không cần ăn. Nhưng bữa sáng, tuyệt đối không thể qua loa.

Khi ba người bước vào, tôi đã dọn sẵn mọi thứ lên mâm đồng. Người họ ướt sũng, đi chân trần, chỉ mặc độc chiếc quần dài bạc màu.

Sa Vũ hí hửng trèo lên sập ngồi, với lấy đôi đũa trong mâm theo thói quen. Tôi nhăn mặt, lập tức bước tới giật lại: “Đã dặn anh bao nhiêu lần rồi, phải đợi tôi bưng cháo lên nhà chính rồi mới được ăn kia mà?”

“Chà, tôi quên mất.” Anh ta ngượng ngùng gãi đầu.

“Cậu Thanh cứ yên tâm, trong lúc chờ cậu về, anh em tôi không ăn vụng đâu.” Sa Bình vỗ l*иg ngực, miệng cười chắc mẩm.

Yên tâm mới lạ ấy. Tôi chửi thầm trong lòng. Sức ăn của mấy người như hổ như sói, làm gì có chuyện chỉ ăn vụng vài miếng nhỏ là thôi. Vét sạch nồi, thừa mỗi cặn nước dưới đáy, đến khi không còn gì để bỏ vào bụng nữa, lại quay sang ỉ eo trách móc.

Tôi đặt bát cháo, đĩa bánh nếp và bình rượu nóng lên cái khay đựng, sau đó từ tốn bưng đến nhà chính. Tôi không dám đi vào nên đành đặt khay xuống đất, lắc chiếc chuông nhỏ buộc trên cành cây, như lời Xuân căn dặn, mỗi khi đem đồ ăn đến. Thị bảo, lão già nhà thị chẳng bao giờ dùng bữa cùng người khác, lão chỉ thích ăn riêng trong phòng.

Trong bếp, Sa Vũ, Sa Minh đang cầm lấy cái bát rỗng, đứng thập thò bên nồi cháo. Còn Sa Bình, dáng ngồi trên sập thật thảnh thơi làm sao, và cái bát trong tay cậu ta chỉ còn chút nước dưới đáy. Vừa bước vào, thấy cảnh này tôi không khỏi ngán ngẩm, quả nhiên họ xem lời của tôi nói như gió thoảng bên tai mà!



Cháo sánh đặc có màu vàng nhạt êm mắt, trên bề mặt rắc hành khô và mắm tép là những miếng khoai lang tươi được xắt nhỏ. Mấy chiếc bánh bột nếp nắn tròn vo, lớp vỏ mỏng bên ngoài vừa dẻo lại vừa mềm. Khi ăn rưới lên một ít nước mắm đường trộn giấm, hương vị đọng trong miệng càng thêm đậm đà.

Bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng, ai cũng ăn no đến căng bụng. Lúc này, trong đĩa còn mỗi một miếng bánh nếp cắt đôi. Ba người phía đối diện bắt đầu lườm nguýt nảy lửa, nhào tới, giành giật kịch liệt. Tôi húp vài ngụm nước ấm trong chén cho ấm người, không để tâm lắm đến cuộc chiến tương tàn trước mắt.

Cuối cùng, miếng bánh béo bở còn sót lại thuộc về Sa Vũ – người to con và khỏe nhất trong đám. Sa Minh chỉ giật được nửa miếng bé xíu, đành ngậm ngùi ăn hết bát cơm cháy còn thừa hôm qua.

Sa Bình chợt buông đũa, hỏi tôi về Hiền.

Việc tìm kiếm đến đâu rồi? Dạo này có tin tức mới không? Anh ấy còn xuất hiện chăng?

Mỗi một câu hỏi của cậu ta, tôi đều lắc đầu thay cho câu trả lời. Và mỗi một lần lắc đầu, lòng tôi lại càng lạnh lẽo.

“Đúng là mò kim đáy biển [8]. Tôi thấy cậu Thanh bỏ cuộc đi là vừa, tìm suốt ba tháng rồi nhưng có ít lợi gì đâu.”

Lần nào nghe tôi nhắc đến việc tìm Hiền, Sa Vũ lại bày ra vẻ mặt đầy cau có, liếc nhìn tôi như một đứa ngốc toàn thích làm chuyện vô bổ. Tôi không giận, nhưng lại bất lực. Ba tháng trời ròng rã tìm kiếm, nếu giờ phải từ bỏ thì làm sao cam tâm.

“Manh mối về người này quá ít ỏi, đa phần còn là nghe ngóng được từ miệng dân làng, sự thật đúng sai thế nào ai mà rõ đâu.” Sa Bình đặt chén nước xuống mâm, ngón tay gõ nhịp nhàng trên đùi. “Thái Hiền – cậu học trò nổi tiếng là tài hoa hơn người ở làng Ngọc Lĩnh. Thuở lên năm, cha mẹ không may mất sớm. Từ ấy, anh ta và anh trai mình sống nương tựa vào nhau. Hai năm trước, anh trai Hiền – Thái Hà đột ngột qua đời vì bệnh nặng. Một khoảng thời gian sau, đến cô Huệ – chị dâu anh ta cũng mắc bệnh lạ không thuốc nào trị khỏi. Cụ thể là bệnh gì thì không một ai trong làng này biết cả. Năm ngoái, trước sự ngỡ ngàng của bao người, thị bỗng dưng mất tích. Bốn tháng sau đó, Hiền cũng bặt tăm, tới nay sống chết không rõ.”

Sa Bình vuốt cằm đăm chiêu: “Có người nói Hiền đã đến nơi khác sinh sống, hoặc đã giã từ cõi đời này từ lâu rồi. Tuy nhiên, một tháng sau khi đến làng Ngọc Lĩnh, cậu Thanh đã thấy Hiền…”

“Đúng là vậy mà!” Tôi gật gù. “Lúc đi ngang qua cánh rừng chồi sau quán trọ, tôi đã thấy Hiền. Anh ấy đứng trên một ngọn đồi đá, mắt hướng về phía tôi. Rồi thình lình biến mất như một làn khói. Dù lúc đó khoảng cách tương đối xa, nhưng tôi có thể khẳng định, chính là anh ấy, không thể nào sai được.”

“Khoan đã…” Nhón miếng cơm cháy giòn rụm trong bát bỏ vào miệng, Sa Minh hỏi với điều thắc mắc. “Nhìn từ khoảng cách xa như vậy, làm sao cậu Thanh biết là ai với ai? Nói không chừng vì quá nhớ nhung người ta nên cậu mới hoa mắt, tự mình suy diễn lung tung đó chứ.”

“Không thể nào! Tôi tin vào linh cảm đã mách bảo với mình. Linh cảm bảo rằng là Hiền thì chắc chắn phải có nguyên do.” Tôi lập tức phản bác.

“Thôi, cậu Thanh đã nói vậy thì cứ tin vậy đi. Người sống trên đời vốn nên lạc quan, huyễn hoặc một tí thì có làm sao.”

Sa Bình nói xong liền nhếch mép cười với tôi. Một nụ cười vô tội mang ý đùa cợt rất rõ ràng.

Họ không tin những gì tôi kể. Tôi có thể nhận thấy thông qua ánh mắt và biểu cảm trên mặt ba người. Đến cả lời an ủi nhỏ nhặt nghe cũng giống như đang châm chọc vậy.

“Chẳng hiểu sao cậu toàn thích làm mấy chuyện vô ích.” Bước xuống sập xỏ giày, Sa Vũ lầm bầm mấy câu chê trách. Rồi khi ra đến cửa, anh ta lại lớn tiếng cằn nhằn. “Hai đứa mày tính ở lì đó đến bây giờ? Nhanh chân lên, heo bò hay gì mà lề mề mãi!”

“Lát nữa cậu Thanh có đến quán nước không?” Sa Minh đột ngột hỏi.

Tôi gật đầu: “Đi chứ. Có lần nào vào chợ mà tôi không ghé qua đó ngồi đâu.”

“Nay bận việc nên tôi không thể đến đó với cậu. Tiếc thật ấy. Nói thế nào thì đi cùng bạn bè vẫn vui hơn mà.” Cậu ta ôm mặt rầu rĩ.

“Mồm mép của mày chỉ giỏi nói ngon nói ngọt, tốt lành gì đòi đi theo.” Sa Bình nhướng lông mày, ý cười sâu hằn đáy mắt. “Mục đích mày đến đó còn không phải lén lút nhìn trộm con gái nhà người ta à? Mặt có dày cũng vừa phải thôi.”

“Gớm, anh biết gì mà nói cứ như thật thế.” Sa Minh đỏ bừng mặt mày, như mèo bị giẫm đuôi, lông trên người dựng đứng, móng vuốt sắc bén ra sức cào cấu.

Lại nữa rồi. Tôi ngó trái rồi ngó phải, thúc giục họ nhanh chóng rời đi. Trong sân, ông anh già kia của hai người vẫn đang gân cổ lên la lối. Chất giọng to đặc biệt nội lực. Từng tiếng, từng tiếng thay phiên vọng vào. Nghe mà nhói tai nhức óc không thôi.

Sa Minh mang gương mặt hậm hực chạy ra ngoài đầu tiên. Khác với dáng vẻ vừa gấp gáp, và vừa sợ sệt của em trai. Sa Bình vô cùng bình tĩnh. Cậu ta còn điềm nhiên cười, chìa tay, hỏi xin vài viên kẹo đường đỏ.

“Tôi làm gì có kẹo đâu mà anh xin?”

“Cậu đừng hòng gạt tôi. Khi nãy tôi đã thấy cậu lén nhét mấy viên kẹo vào túi. Viên nào viên nấy, cũng to cũng tròn giống vậy nè.”

Để diễn tả chi tiết, cậu ta vẽ một vòng tròn lớn trong lòng bàn tay, hí hửng đưa tôi xem.

Lần nào cũng vậy, chẳng hiểu sao đã giấu kĩ lắm rồi mà vẫn bị người này phát hiện. Tôi cắn chặt răng, đành phải mở túi, móc ra hai viên kẹo. Song, lòng bịn rịn không nỡ, lưỡng lự ghê lắm mới chịu đưa.

“Cái thằng khỉ đó… thật không biết thân biết phận. Tất cả đàn bà con gái trong làng này, vừa thấy nó, có ai không gớm ghiếc, khinh thường đâu? Nó chẳng những không biết xấu hổ còn mặt dạn mày dày [9] lẽo đẽo theo người ta suốt ngày. Tôi nhìn mà ngứa hết cả mắt.”

“Cậu ấy trông đâu đến nỗi nào, cũng có điểm tốt mà.”

Sa Minh từng kể tôi nghe, chuyện anh chàng thương thầm trộm nhớ cô bán khoai mỡ ở đầu chợ. Mỗi chiều, cô ấy gánh hàng khoai trên vai đi ngang qua quán nước nhỏ, cạnh con đường dốc, hàng tre già xanh xanh. Rồi cũng vào mỗi chiều, cậu ta lại mơ màng ngồi bên cửa sổ, cứ trông ngóng, chờ đợi. Lúc thấy người muốn gặp, nụ cười sẽ rạng rỡ trên môi. Lúc không thấy người muốn gặp, tâm trạng rầu rĩ cả ngày trời.

Tôi thò tay vào túi, lấy ra một viên kẹo đường đỏ được gói cẩn thận trong lớp bánh tráng mỏng. Sa Bình ngẩng đầu nhìn trần nhà, ngón tay kẹp lấy viên kẹo thảy tọt vào miệng, và kéo dài sự im lặng đến lạ thường.



Họ khoác áo tơi, đội nón bện rơm, chân đi đôi ủng rách, tay xách rồi tay mang túi nhỏ túi lớn. Ngay bên cạnh, một con lừa già có bộ lông xám, vác nặng trên lưng lỉnh kỉnh đồ đạc. Nó lim dim đôi mắt tròn to như quả trứng, cái mõm lớn nhai chóp chép cỏ khô, tứ chi gầy gò, toàn thân dính đầy vụn lá và cát trắng.

Tôi ngồi nghỉ dưới bóng cây mát trong sân, nhận ra “bà lừa thích ngủ gật”. Gọi như thế, bởi vì nó là một con lừa cái lớn tuổi có tật xấu thích ngủ gà ngủ gật khi đi trên đường.

Sa Minh gọi nó là Râu Xám. Sa Bình lại bảo nó là Đuôi Xám. Sa Vũ thì kêu nó là Lừa Nhỏ – tài sản đáng giá duy nhất của ba người.

Tôi chợt nhớ đến ngày đầu tiên gặp họ. Bầu trời hôm ấy đỏ rực như lửa, cái nắng gắt gỏng bao trùm, cát vàng bay mù mịt, con đường phía trước như thể kéo dài trong vô tận. Lừa ta vác nặng hành trang trên lưng, bốn cái chân gầy trơ xương bước từng bước đầy nặng nhọc. Đằng sau, ba thanh niên cao lớn đều trong tình trạng rã rượi đuối sức, quần áo ai cũng nhem nhuốc vết bẩn, đầu tóc đầm đìa mồ hôi. Lúc họ kiệt sức ngã nhào trên đất, lừa ta đã bỏ lại sau một đoạn đường xa.

Nghe nói sức người không bằng ngựa chạy. Nhưng sau ngày hôm ấy, tôi bỗng nghĩ, có đôi khi sức người còn chẳng bằng một con lừa già.

Tôi vỗ sạch cát bám trên tay áo, đứng dậy, cùng ba người rời quán trọ. Đến dưới chân dốc thì đồng thời rẽ hướng. Họ đi về phía tay trái. Còn tôi đi về phía tay phải. Thoắt cái đã khuất bóng sau hàng cây xanh.

Mỗi người đều có dự định của riêng mình. Vốn định sẵn không thể chung đường. Còn gặp lại đã là duyên phận lắm rồi.

Đầm sen, bãi sậy, rừng tràm,

Kinh dài xé đất, cây xanh rợp trời. [10]


Vừa tung tăng trên đường, tôi vừa ngâm nga bài ca dao quen thuộc nghe lúc nhỏ.

Rồi cũng chợt nghĩ đến hai câu ca dao chị gái vẫn thường nói để khen tôi.

Mắt xanh tươi thắm môi trầu

Miệng cười lúm má, cho cầu thêm xinh. [10]


Tiếc rằng, mắt tôi chẳng xanh tươi, môi chẳng thấm nổi sắc trầu. Vậy mà, chị ấy lại cứ khen như thật.

Tôi ngồi vào vị trí quen thuộc trong quán nước, vẫn như mọi lần, trên bàn là ấm nước đã đun sôi, đĩa đậu phộng còn nóng hổi, chén nhỏ đựng mấy lát gừng non ngâm đường. Khung cảnh yên bình êm ả, bầu không khí thoáng đãng trong lành. Nhờ vậy mà bao bực tức, mệt mỏi trong người đều tiêu tan.

Mấy tháng nay ở làng Ngọc Lĩnh, khí hậu hay thay đổi thất thường, sáng có nắng gắt, trưa có mây đen, đến tối mưa dông liên tục kéo dài.

Có lẽ do thời tiết dạo này quá xấu, chuyện buôn bán ở quán nước cũng trở nên ế ẩm, đến mức mà ruồi nhặng không có lấy một con, ngoài tôi ra thì không còn bóng khách nào khác ở đây.

Lắc đều tay đĩa đậu phộng để tách vỏ, tôi nghe ông chủ quán kể, tối qua có khách quý đến, bằng lòng trả giá cao thuê lại gian phòng nhỏ phía sau quán, chỉ ở tạm vài hôm. Quả là chuyện lạ trăm năm mới có một lần. Khi tôi hỏi vị khách đó trông thế nào, ông ấy luôn miệng xuýt xoa: Người ăn mặc thật cao sang, túi gấm rủng rỉnh bạc vàng, phong thái thoát tục như tiên cõi trời.

Ông ấy còn nói, cái quán này đơn sơ đến thế, cũ kĩ đến thế, sợ rằng người ta khinh thường cảnh cơ cực nghèo nàn, chê bai bọn dân đen bần hàn như ông đây.

Tôi bực bội phản bác: “Đã giống tiên ở cõi trời thì lí nào thích chấp nhặt mấy việc này? Ông còn lo lắng không đâu, kẻo tiền đến tay rồi lại bay đi mất.”

“Bay sao mà được, tôi giữ chặt lắm.” Ông ấy nhoẻn miệng cười, chỉ ngón vào cái thúng tre trên bàn, bảo. “Vẫn tính như mọi bữa nhé. Một thúng mận đổi lấy hai túi đậu phộng.”

“Cho thêm mấy trái mận nữa, tôi hứa sẽ lựa thật kĩ những trái chín và to nhất.” Ôm lấy cái thúng, tôi ra sức kì kèo.

“Tặng luôn đấy! Chân tôi mà hết bệnh rồi thì tha hồ chạy nhảy leo trèo, chẳng cần phải nài nỉ nhờ vả ai cả.”

“Vậy chân ông phải nhanh khỏi đi chứ. Vườn nhà ông nhiều cây trái như thế, một mình tôi hái sao xuể.”

Ông ấy từng nhắc qua với tôi, về căn bệnh lâu năm mắc phải ở đôi chân già yếu. Dù đã hỏi thăm qua nhiều thầy lang trong làng, thuốc thang mỗi tháng cũng chẳng hề ít. Thế mà, vẫn không cách nào trị dứt bệnh.

“Tôi đang đợi… đợi cái cảnh khốn khổ, vất vưởng đi qua, đợi cái ngày hồn này thanh thản, được về với đất mẹ, quê cha.”

“Một năm, hai năm, mười năm, hai mươi năm. Hoặc là, phải đợi cả đời…”

Tiếng ông ấy nỉ non, khẽ khàng, dường như có nỗi buồn giấu trong ánh mắt khắc khoải những tháng năm xưa.

“Nói năng lạ thế không biết. Ông còn trẻ lắm, sức khỏe sẽ tốt dần lên thôi, sống đến trăm tuổi cũng dư sức nữa là!”

“Tôi đã hơn bốn mươi rồi, trẻ trung gì nữa. Khi về già, không sợ bệnh tật đày đọa, chỉ sợ cảnh cô độc không ai làm bạn.”

“Tuy ông không vợ con, không họ hàng thân thích, nhưng vẫn còn hàng xóm, láng giềng gần mà. Làng này đâu ít người sinh sống, tìm người cùng mình bầu bạn, bộ khó lắm ư?”

Sau một tiếng thở dài nặng nề, ông ấy im lặng.

Sao có vẻ khó nói thế kia… lẽ nào có xích mích lớn nào đó với hàng xóm? Hay là, không có ai chịu làm bạn với ông cả? Sợ nói điều gì đó không đúng, làm người càng buồn hơn, nên tôi không dám liều lĩnh hỏi nữa.

“Mà quê nhà của ông không phải ở đây ạ?” Tôi gượng gạo nói sang chuyện khác. Đây cũng là vấn đề làm tôi băn khoăn từ nãy giờ. Thiết nghĩ, đó có phải nguyên do ông không thể hòa hợp với mọi người hay không.

Ông ấy không trả lời, mà chỉ hỏi ngược lại, một cách từ tốn: “Vậy nơi đây có phải quê nhà của cậu không?”

“Không phải đâu, tôi là người Kì Xương.”

“Chẳng hay nhà cậu Thanh ngay nơi nào ở Kì Xương?”

“Làng Sơn, huyện Giang Hà ạ.”

“Nghe thiên hạ kể rằng, làng Sơn ở Kì Xương vốn ít người sinh sống, quang cảnh bốn bề hẻo lánh như đất hoang không chủ. Người có tài lại tham thích cuộc đời phiêu bạt. Người có đức lại chọn cuộc sống lang bạt nay mai.” Ông ấy nhìn tôi, bỗng dưng bật cười. “Nam nhi đất Kì Xương, bao đời vẫn thế, sinh trong cảnh nghèo, chết trong cảnh nghèo, mãi không có chí lớn.”

Tôi thầm nghĩ, mình nào phải nam nhi đất Kì Xương, không có chí lớn cũng chẳng sao mà!

Trời sinh mang phận liễu yếu đào tơ [11]. Đâu dám khát cầu chuyện viển vông.Chú thích:

[6] Dốt nát tìm thầy, bóng bẩy tìm thợ: Muốn hết dốt thì phải tìm thầy mà học, muốn đồ dùng bóng bẩy đẹp đẽ phải nhờ đến thợ chuyên môn. (Nguồn tham chiếu: Đại Từ điển Tiếng Việt)

[7] Phát khϊếp: (發怯) Nảy sinh lòng sợ hãi tức khắc. (Nguồn tham chiếu: Từ điển Nguyễn Quốc Hùng)

[8] Mặt dạn mày dày: Trơ lì, không biết hổ thẹn. (Nguồn tham chiếu: Đại Từ điển Tiếng Việt)

[9] Mò kim đáy biển: Làm những việc khó khăn không thể đem lại kết quả được, ví như xuống đáy biển mò chiếc kim khâu nhỏ nhoi bị đánh rơi. (Nguồn tham chiếu: Đại Từ điển Tiếng Việt)

[10] Ca dao – Tục ngữ Việt Nam.

[11] Liễu yếu đào tơ: Nói người phụ nữ tuy còn trẻ, nhưng yếu đuối quá: Chút thân liễu yếu đào tơ, biết nương tựa vào đâu. (Nguồn tham chiếu: Từ điển – Nguyễn Lân)