Chương 1

Trời đang vào hè, tối đến không khí nóng bức ngột ngạt đến tức thở, người lớn trẻ nhỏ ở vùng quê thường thì cứ vào buổi tối là đều kéo nhau ra sân trải chiếu ngồi nghe đài hóng mát, phe phẩy chiếc quạt nan…

Gia đình ông Thái cũng vậy, ăn cơm tối xong, ông Thái mang ấm trà với cái ghế tựa ra giữa sân ngồi hóng gió cho mát.

Ông Thái châm điếu thuốc lá, rít một hơi dài, uống ngụm nước chè rồi nằm ngửa trên chiếc ghế tựa ngắm nhìn bầu trời đêm, qua làn khói thuốc mờ mờ, ông lim dim chìm vào kí ức, hồi tưởng về những ngày tươi đẹp tuổi trẻ…

Con Sóc dọn dẹp rửa bát xong, liền mang cái chiếu ra trải giữa sân, bật cái đài lên nghe cùng bố, tay thì gọt hoa quả. Ông Thái nằm trên ghế tựa, ngoái xuống nhìn đứa con gái yêu… trong đêm tối chỉ sáng nhập nhòe cái bóng đèn vàng mắc trong nhà hắt ra, ông thấy sao con Sóc đẹp quá, đẹp giống y như mẹ nó ngày xưa…



Ông Thái vóc người nhỏ nhắn, da ngăm đen, năm nay ông 53 tuổi, người làng Tranh, xã Vũ An. Ông làm nghề bán hàng dạo ở cổng trường tiểu học, công cụ hành nghề của ông chỉ có một gánh hàng rong thô sơ, trên đó có nào những thứ bánh kẹo, tranh ảnh, đôi khi là có cả hoa quả, đồ chơi để bán cho lũ học trò, cũng chẳng được là bao tiền, gánh hàng rong lam lũ cũng chỉ giúp ông sống tằn tiện qua ngày một cách khổ sở, nhưng chính nhờ gánh hàng rong ấy, ông đã nuôi sống cả gia đình…

Ông Thái sống cảnh gà trống nuôi con đã hơn chục năm nay, vợ ông Thái qua đời sớm, để lại cho ông hai đứa con, thằng anh tên thản, năm nay cũng đã 23 tuổi rồi, nhưng thằng này tính tình ngỗ ngược, ương bướng. ngày nhỏ không lo học hành gì, chẳng biết thương bố già nghèo khổ, chỉ suốt ngày tụ tập chơi bời lêu lổng, 5 năm về trước, từ khi tốt nghiệp xong cấp 3, chẳng biết nó nghe lời ai mà theo đám bạn xấu đã bỏ nhà mà đi biệt xứ, chẳng biết những năm qua nó đã lưu lạc ở đâu, còn sống hay đã chết…

Hiện giờ ông Thái sống cùng đứa thứ hai là con Sóc, tên thật con bé là thủy nhưng trong làng không ai gọi tên, mà chỉ cứ toàn kêu nó là Sóc, lâu riết dần thành quen nên chỉ khi ở trường con bé mới được gọi bằng thủy, còn khi ở nhà thì đều gọi là Sóc cả. Con bé năm nay 13 tuổi, đang học lớp 7 ở trường cấp 2 làng tranh. Sóc lanh lợi mà khôn ngoan lắm, con bé biết ông vất vả nên thương bố nhiều, tuy mới nhỏ tuổi nhưng mà lúc nào nó cũng lo toan chu đáo cho bố như người lớn vậy, chỉ mỗi một điều là con bé bị câm, thực ra khi sinh ra thì Sóc cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng năm lên 9 tuổi, một lần tan học về, con bé cùng với đám trẻ con trong làng đi thả bò, rồi chẳng hiểu rủ rê thách đố nhau thế nào mà cả mấy đứa con nít lại rủ nhau ra bãi tha ma của làng chơi, cho bò ăn cỏ ngoài đó. sau đêm ấy về thì lên cơn sốt co giật, ông phải đưa con bé lên bệnh viện xã điều trị nhưng không khá hơn được là mấy. dò hỏi thì mấy đứa bạn đi cùng không đứa nào việc gì, chúng nó bảo chiều lúc chơi ở bãi tha ma, con Sóc kêu mỏi chân nên nằm ngả lưng lên bãi đất, rồi bọn trẻ con dẫn ông Thái ra xem, thì hóa ra đó là một ngôi mộ người chết nhưng không thấy có bia mộ gì, chỉ thấy cắm nhang cũ, chắc là một người lang thang nào đó.

Người trong làng nói với ông Thái rằng có khi con bé phạm húy người chết, động mồ động mả nên bị thế, kêu ông đi làm lễ tới xin xem thế nào, ông Thái nghe thì biết thế, cũng vội vội vàng vàng làm theo, cắn răng dứt ruột mà bỏ tiền ra thỉnh thầy rồi sắm hương lễ hoa quả, lập đàn mà ra mộ đó thắp hương, quả nhiên đêm ấy trên viện con bé hết cơn co giật, dần dần cũng hạ sốt, nhưng từ hôm đó chẳng còn nói được nữa… các bác sĩ bảo con bé sốt cao liên miên nên biến chứng ra rút cả lưỡi, thôi thì cứ từ từ sẽ tập cho nói lại là được.

Thế nhưng từ đó đến nay đã 4 năm trôi qua, con bé chẳng còn nói một tiếng nào nữa… hồi đầu mới bị thì mỗi khi nó muốn gì thì lại cố nói, thành ra phát tiếng rên ư ử như chó vậy, sau lớn dần lên nó dần ngại âm thanh cổ họng mình phát ra, nên không còn cố nói nữa, từ đó thì con bé lúc nào cũng chỉ im lặng, dần dà rồi ông cũng quen với điều đó, và đành chấp nhận đứa con gái của ông bị câm…



Ông Thái nhìn Sóc trìu mến rồi vươn tay lên vuốt tóc con bé. Sóc nhỏ nhắn, trắng trẻo, có đôi mắt to tròn, là đứa con gái ông yêu thương nhiều lắm. Con cầm một miếng lê vừa gọt xong, nhìn ông cười rồi giơ lên trước mặt ông.

Ông Thái nhận từ tay con gái rồi ăn ngon lành…

Ông cười lại với con bé…

Câm cũng được, câm cũng có sao đâu… nó là con gái ông, là nàng công chúa bé bỏng xinh đẹp của ông, là tất cả những gì mà ông có, ông cần, ông hy vọng…

Bỗng nhiên có cơn gió thoảng qua rất mạnh làm bụi tre ngay trước cổng nhà lay động xào xạc, rồi gió cứ thế nổi lên đùng đùng giữa đêm hè oi nóng.

Ông Thái ngửa cổ nhìn trời rồi nói:

– Trời oi bức thế giờ lại gió kiểu này ắt mưa to, thôi dọn đồ vô hè đi con.

Sóc gật đầu rồi đứng dậy, mang đĩa hoa quả với cái đài vào, ông Thái thì xếp chiếc ghế tựa lại rồi cuốn chiếu mang từ sân vào hè trải ra ngồi tiếp.

Con Sóc lại tiếp tục gọt lê, còn ông Thái thì hướng mắt nhìn ra xa xăm, chờ đợi cơn mưa kéo tới để xua đi cái nóng nực.

Ông Thái nói chẳng sai, chỉ một lát sau, mưa trút xuống tầm tã, mưa to lắm, cơn mưa đầu mùa hạ, báo hiệu mùa mưa tới. Ông Thái và con gái lại ngồi ở hè mà ngắm nhìn những hạt mưa nặng trĩu rơi xuống, mưa men theo mái ngói nhà rớt xuống thành những bong bóng mưa to… mưa làm cho không khí thanh mát, trong sạch hơn nhiều.

Rồi chợt ông Thái giật mình nhìn kĩ… có cái gì như bóng người đang qua cổng nhà ông mà đi vào sân.

Mưa mỗi lúc một lớn, tiếng rào rào của mưa phủ khắp không gian ồn tới mức hai cha con ngồi cạnh nhau mà ông gọi cái Sóc cũng chẳng nghe rõ nữa…

Ông quay sang vỗ vai con Sóc mà hỏi to như thể gào vào mặt nó:

– Nãy vào nhà mày ra khóa cổng chưa?

Sóc nhìn ông lắc đầu.

Ông Thái chột dạ quan sát… thôi đúng rồi, có ai đó đang đi vào nhà ông.

Bóng người kia đã đi tới đến giữa sân nhà ông rồi.

Ông Thái nhìn kĩ ra, dưới làn nước mưa là bóng dáng một người con trai cao, gầy nhẳng ra, ăn mặc rách rưới tuềnh toàng, hai cẳng chân nhô ra như hai cái xương khô, chân đi trần, tóc tai người đó dài lượt thượt, dưới làn nước mưa tóc mái rủ xuống dài quá cả mũi, tay phải chống cây gậy gỗ, tay trái băng kín bằng băng trắng chỉ để hở ra mấy ngón tay, trông vẻ đói rách bần hàn, hình như là một người vô gia cư, khuôn mặt người ấy nhập nhòe dưới làn nước mưa trông không rõ.

Con Sóc nhìn thấy người đó thì sợ tái cả mặt, vội vàng núp sau lưng ông. Ông Thái lấy bình tĩnh hét to lên:

– Ai đêm hôm vào nhà tôi có việc gì đó?

Người kia đứng dưới sân cũng hét lớn lên để át đi tiếng mưa:

– Tôi đói bụng!

Ông Thái nghe thế thì bán tín bán nghi… hình như là một người điên?

Nhưng lỡ đâu như nó là người bất lương thì…

Thế nhưng cũng lạ, thấy ông Thái không đáp lại thì người đó cũng cứ đứng giữa sân dưới làn mưa lớn như thế chứ không tự ý đi lên, tần ngần mãi vài phút ông mới thấy vững dạ trong lòng, chắc có lẽ anh ta là một người bị thiểu năng đi lang thang, chứ nếu là quân ăn cướp thì nãy giờ anh ta đã lại chỗ bố con ông rồi chứ không đứng đợi dưới mưa như thế…

Rồi lại sẵn tính thương người, lúc đó ông Thái chẳng còn so đo nữa, mới nói lớn lên:

– Thôi cậu đi vào đây đi tôi cho ăn, dầm mưa lâu quá rồi lại ốm cảm mất.

Ông nói xong mới thấy người kia dợm bước đi lại, nhưng chỉ vừa cất vài bước chân, anh ta đã loạng choạng rồi đổ gục ngay xuống giữa sân.

Ông Thái tái cả mặt, cái Sóc đứng bên cạnh cứ kéo áo ông hoảng hốt lắm, giục ông nhanh chạy ra cấp cứu, ông vội lao ra sân mà bế thốc người lạ kia lên đưa vào hè, lạ thay nhìn anh ta cao ráo trẻ trung như thế mà người nhẹ bẫng ra, chẳng có tý sức sống gì. Anh ta đã ngất lả đi, có thể là do đã ngấm mưa, hoặc do đói quá mà ngất đi, người rủ ra trên vai ông như cái xác, tay chân lủng lẳng gầy trơ ra…

Ông bế người đó vào hè rồi đặt xuống chiếu, ông Thái nhìn người đang bất tỉnh thì thấy lo lắm, có khi nào nó chết rồi chăng? Nó mà chết ở nhà ông thì khéo ông lại mang họa…

Nghĩ thế ông mới đưa tay mà rờ lên mũi thì thấy vẫn thở.

Ông thở phào nhẹ nhõm rồi vén mớ tóc dài sượt của người ăn xin đó lên, thì thấy khuôn mặt anh ta nhem nhuốc, hốc hác, hai mắt thâm quầng, trông vẫn còn trẻ, chỉ tầm ba chục tuổi là cùng.

Rồi ông nói con Sóc:

– Mày vô nhà mang cái phích nước nóng, một cái khăn sạch với là cái chậu thau ra đây để bố cấp cứu cho người ta.

Nãy giờ con Sóc vẫn đứng cạnh ông, nép sau lưng ông tò mò nhìn người lạ nọ, rồi nghe ông sai như thế thì hoàn hồn biết người đó vẫn còn sống, thế rồi hấp tấp chạy vội vào nhà mang các thứ ông dặn ra.

Rồi ông Thái pha nước nóng ra thau, vắt đi sau đó lau sạch mặt cho anh ta. Tay lay, miệng gọi liên tục, con Sóc cũng lăng xăng cạnh bố mà tò mò quan sát anh ta.

Rồi anh ta cũng dần hồi tỉnh, đôi mắt vẫn còn lơ mơ, vừa tỉnh táo lại, thấy ông Thái đang lau mặt cho thì anh ta vùng dậy đẩy ông ra rồi nhảy ngược cả ra sau, hét to lên lên sợ hãi.

– Ông làm gì tôi?

Ông Thái bị đẩy bất ngờ loạng choạng tý ngã, ông bực bội nhưng cũng phải bật cười, ông không thèm lo sợ anh ta thì thôi, chứ giờ anh ta lại còn sợ ông hại anh ta chắc? Bấy giờ mới càng tin rằng đây là một người ngây ngốc thiểu năng thì ông chẳng còn đề phòng gì, lại cảm thấy rất thương cảm cho anh ta. Ông nói:

– Tự nhiên cậu ngất xỉu đi tôi chả biết thế nào, đang lau người cho cậu thôi.

Anh ta không đáp ông, chỉ ngồi thu lu lại, đôi mắt hướng ra sân nhìn làn mưa.

Rồi ông Thái trò vào thau nước nóng bảo con Sóc:

– Hắt nước rồi đem cất đi con.

Sóc lật đật làm theo.

Câu nói của ông làm người thanh niên kia chú ý, anh đưa mắt quay sang nhìn thì vô tình đυ.ng vào ánh mắt con Sóc.

Rồi bỗng nhiên…

Nhìn vào mắt anh ta, con Sóc hoảng sợ tuột tay làm rơi cả chậu nước… nó hét lên một tiếng kinh hoàng rồi vùng chạy.

Ông Thái như chết sững người, chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra, con Sóc vừa mới hét lên sao? Đã bao nhiêu năm qua nó chưa từng hét lên…

Nhưng sự việc tiếp theo mới làm cho ông chết lặng.

Người thanh niên kia… toàn bộ vẻ mệt mỏi ủ rũ của hắn vừa rồi đã biến đâu mất.

Hắn nhanh như một con chim cắt, vùng bật dậy lao thẳng vào con Sóc, con bé chạy không kịp bị hắn xô ngã xuống, rồi hắn đưa cả hai tay lên bóp chặt lấy cổ con bé. Sóc lại hét lên một tiếng ai oán đau đớn nữa rồi bặt tiếng hẳn, đôi tay kẻ ăn xin kia như gọng kìm đã xiết cứng lấy cổ con bé rồi…

Thật là,

Cảnh thanh nhàn, trời vừa chuyển hạ

Trong đêm vắng, quỷ đến thăm nhà.