Chương 29: Người hưởng phúc, phúc nhiều, còn cầu xin thêm phúc

Người hưởng phúc, phúc nhiều, còn cầu xin thêm phúc

Gái si tình, tình nặng, càng luẩn quẩn vì tình

Bảo Ngọc đương ngơ ngẩn đứng nhìn, chợt Đại Ngọc ném khăn vào mặt, giật mình hỏi "Ai thế?", Đại Ngọc lắc đầu cười nói:

- Xin lỗi! Vì chị Bảo muốn xem "con nhạn ngớ ngẩn", tôi ra hiệu cho chị ấy, không ngờ lỡ tay ném phải anh.

Bảo Ngọc dụi mắt, định nói nữa, nhưng không tiện.

Một lúc Phượng Thư đến nói: "Mồng một này sê làm chay ở quán Thanh Hư". Và hẹn bọn Bảo Thoa, Bảo Ngọc, Đại Ngọc đến xem hát. Bảo Thoa cười nói:

- Thôi, thôi! Trời nóng thế này, vở hát gì cũng xem cả rồi, tôi không đi đâu.

Phượng Thư nói:

- Chỗ ấy cũng mát, hai bên lại có lầu. Chúng ta định đi xem, thì trước đó vài hôm, tôi sai người đến bảo bọn đạo sĩ dời đi chỗ khác, rồi quét lầu sạch sẽ, che thêm rèm, không cho người ngoài vào miếu, như thế cũng tốt đấy! Việc này tôi đã trình mẹ rồi, nếu các cô không đi, một mình tôi cũng đi. Mấy hôm nay buồn chết đi được. Ở nhà có hát tôi cũng chẳng được thư thái ngồi xem.

Giả mẫu cười nói:

- Đã thế thì ta cũng đi xem với cháu.

Phượng Thư cười nói:

- Bà đi càng haỵ Nhưng cháu lại không được thoải mái.

- Hôm ấy ta sẽ ngồi ở lầu giữa, cháu ngồi ở lầu bên. Cháu không cần phải giữ phép tắc đứng bên cạnh ta, như thế có được không?

- Nếu thế thì thật là bà thương cháu quá.

Giả mẫu lại dặn Bảo Thoa:

- Hôm ấy cháu cũng nên đi, bảo cả mẹ cháu đi nữa. Ngày dài nhàn rỗi thế này ở nhà cũng chỉ ngủ thôi.

Bảo Thoa đành phải vâng lời.

Giả mẫu lại sai gọi người đi mời Tiết phu nhân, tiện đường đến thưa với Vương phu nhân cho cả bọn chị em cùng đi một thể. Vương phu nhân một là người không được khỏe, hai là sửa soạn tiếp đãi người của Nguyên Xuân sai ra, nên đã cáo trước không đi. Nay nghe Giả mẫu bảo thế, cười nói:

- Bà đã cao hứng, thì cứ sai người vào trong vườn bảo ai muốn đi chơi thì đi.

Tin đó truyền ra, người khác không nói, chứ bọn a hoàn hàng tháng không được ra khỏi cửa, nghe vậy ai mà chẳng muốn đi, dù chủ có lười, họ cũng tìm hết cách giục đi cho được. Vì thế bọn Lý Hoàn đều nhận lời cả. Giả mẫu lại càng vui, liền sai người đi quét dọn sắp xếp công việc.

Đến mồng một, trước cửa phủ Vinh, xe kiệu nhộn nhịp, người ngựa tấp nập, những người giữ việc trong phủ biết là Qúi phi làm lễ cầu phúc, Giả mẫu thân hành đến lễ Phật, vả lại mồng một đầu tháng, lại sắp đến tết Đoan dương, nên các đồ đạc cần dùng đều được sắp đặt gọn gàng đâu đấy, khác hẳn ngày thường.

Một lúc, bọn Giả mẫu đi ra. Giả mẫu ngồi một cái kiệu tám người khiêng; Lý Hoàn, Phượng Thư, Tiết phu nhân, mỗi người ngồi một kiệu bốn người khiêng; Bảo Thoa, Đại Ngọc ngồi chung một cái xe bát bảo, cho che tàn xanh, chung quanh đính chân chỉ hạt bột; Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân ngồi chung cái xe bánh sơn đỏ, có che tàn hoa. Rồi đến bọn a hoàn của Giả mẫu: Uyên Ương, Anh Vũ, Hổ Phách, Trân Châu; a hoàn của Đại Ngọc là Tử Uyên, Tuyết Nhạn, Anh Kha; a hoàn của Bảo Thoa là Oanh Nhi, Văn Hạnh; a hoàn của Nghênh Xuân là Tư Kỳ, Tư Quất; a hoàn của Thám Xuân là Thị Thư, Thúy Mặc; a hoàn của Tích Xuân là Nhập Họa, Thái Bình; a hoàn của Tiết phu nhân là Đồng Hỷ, Đồng Quý; lại mang theo cả Hương Lăng và a hoàn là Trân Nhi; a hoàn của Lý Hoàn là Tô Văn, Bích Nguyệt; a hoàn của Phượng Thư là Bình Nhi, Phong Nhi, Tiểu Hồng. Hai a hoàn của Vương phu nhân là Kim Xuyến, Thái Vân cũng theo đến đó. Người vυ" ẵm Đại Thư ngồi riêng một xe. Lại còn bọn a hoàn làm việc nặng và đám vυ" già cùng bọn đàn bà theo hầu. Xe đỗ đặc nghịt cả quãng đường.

Kiệu Giả mẫu đã đi quãng xa, đằng sau vẫn chưa ngồi xong. Người nọ nói: "Tao không đi chung với mày". Người kia nói: "Mày ngồi bẹp cả túi của mẹ tao". Xe này người nói: "Cái hoa của tôi rơi đâu mất". Xe kia người kêu: "Cái quạt của tôi gẫy rồi". Cười cười nói nói ầm ĩ cả lên.

Vợ Chu Thụy thấy vậy, chạy đi chạy lại nói:

- Các cô! Ở ngoài đường phải coi chừng, người ta cười cho đấy.

Nói hai ba lần họ mới chịu im.

Phía trước, các đồ chấp sự bày đến quán Thanh Hự Bảo Ngọc cưỡi ngựa đi trước kiệu Giả mẫu để dẫn đường. Người trên phố đều đứng hai bên xem. Gần đến quán, tiếng chiêng tiếng trống nổi lên, đạo sĩ họ Trương mặc lễ phục, cầm hương dẫn các đạo sĩ đứng bên đường đón tiếp. Vừa đến cửa, nhìn thấy la liệt những tượng bản thổ, thành hoàng, Giả mẫu liền xuống kiệu. Giả Trân dẫn con cháu đến đón. Phượng Thư đến từ trước cũng mang bọn Uyên Ương ra đón. Thấy Giả mẫu xuống kiệu, Phượng Thư vội chạy lại đỡ. Chợt có một đạo sĩ nhỏ độ mười hai, mười ba tuổi, cầm cái kéo cắt nến, muốn nhân dịp lẩn đi chỗ khác, không ngờ đâm vào người Phượng Thự Phượng Thư giơ tay tát nó một cái, làm thằng bé ngã lộn nhào, Phượng Thư mắng:

- Giống khốn nạn này, mày chạy đi đâu?

Đạo sĩ nhỏ không kịp nhặt kéo, định tháo chạy, lại gặp ngay bọn Bảo Thoa xuống xe, những vυ" già và người nhà vây kín xung quanh. Khi đạo sĩ nhỏ chạy ra, mọi người đều hét ầm lên "Bắt! Bắt! Đánh Đánh!". Giả mẫu nghe vậy hỏi việc gì. Giả Trân vội vàng lại hỏi. Phượng Thư đi lên đỡ Giả mẫu và nói:

- Có một đạo sĩ nhỏ đi cắt tàn nến, không chịu tránh ra chỗ khác, cứ đâm bừa vào người.

Giả mẫu nghe nói liền bảo:

- Dẫn nó lại đây, đừng làm thằng bé sợ. Nó là con nhà thường dân, xưa nay được nuông chiều quen, đã bao giờ trông thấy những cảnh rầm rộ như thế này? Nếu làm nó sợ thì thật đáng thương! Cha mẹ nó thấy thế, lẽ nào không đau xót.

Nói xong, bảo Giả Trân dắt đứa bé ấy lại. Thấy nó tay cầm cải kéo cắt tàn nến quì xuống đất run lẩy bẩy, Giả mẫu sai Giả Trân đỡ nó dậy, bảo đừng sợ, rồi hỏi nó bao nhiêu tuổi. Đứa bé không nói ra lời. Giả mẫu nói: "Thằng bé thực đáng thương!" Lại bảo Giả Trân: "Cháu dẫn nó ra cho nó ít tiền ăn quà và đừng ai nạt nộ nó!" Giả Trân vâng lời dẫn nó ra.

Giả mẫu dẫn mọi người đi lễ, lần lượt xem phong cảnh các nơi. Đám hầu nhỏ đứng ngoài, thấy bọn Giả mẫu đi vào cửa thứ hai, lại thấy Giả Trân gọi người dẫn đạo sĩ nhỏ ra, cho nó mấy trăm đồng tiền, dặn không được dọa nạt nó. Người nhà nghe vậy liền dắt nó đi.

Giả Trân đứng ở bên thềm hỏi: "Quản gia đâu?" Bọn hầu nhỏ gọi ra ngoài: "Gọi quản gia!" Lâm Chi Hiếu lập tức sửa lại mũ, chạy lên, đứng trước mặt Giả Trân. Giả Trân bảo:

- Nơi này rộng rãi, hôm nay lại có nhiều người. Những anh cần sai đến thì cho họ vào cả trong nhà. Người nào không cần thì cho sang ở nhà bên kia. Anh cho mấy đứa bé đứng chực sẵn ở cửa thứ hai và cửa nách hai bên, để chờ xem có cần truyền bảo gì, đã nghe ra chưa? Hôm nay các cô các mợ đều chơi ở đây, không được cho một người ngoài nào vào cả.

Lâm Chi Hiếu vâng vâng dạ dạ luôn mồm.

Giả Trân nói:

- Thôi cho lui.

Lại hỏi:

- Thằng Dung đâu sao không thấy?

Nói chưa dứt lời, đã thấy Giả Dung tay cài khuy áo, ở trong gác chuông chạy ra. Giả Trân nói:

- Mày xem tao ở đây không thấy nóng, mà mày lại đi hóng mát à.

Rồi truyền cho người nhà mắng Giả Dung.

Biết Giả Trân là người khó tính, không thể trái ý được, một đứa hầu nhỏ chạy ngay lên xì vào mặt Giả Dung. Nhưng thấy Giả Trân trừng mắt nhìn, nên lại phải mắng Giả Dung lần nữa:

- Ông còn chả sợ nóng, nữa là cậu, lại dám đi hóng mát à?

Giả Dung đành cứ buông thõng tay đứng yên, không dám nói một câu nào. Trông thấy thế, không những bọn Giả Vân, Giả Bình, Giả Cần run lên; ngay đến bọn Giả Liễn, Giả Biền, Giả Huỳnh cũng đều sợ hãi. Người nào cũng lẻn vào mé tường, lần lượt chuồn đi hết.

Giả Trân quay lại bảo Giả Dung:

- Mày còn đứng làm gì đấy? Sao không lấy ngựa về nhà bảo mẹ con nhà mày rằng: cụ và các cô, các mợ đã đến cả rồi, phải đến hầu ngay.

Giả Dung nghe nói, chạy ra gọi luôn mấy tiếng: "Đem ngựa lại đây". Rồi lẩm bẩm: "Sáng sớm ra chẳng chịu làm gì, bây giờ lại cứ hạch sách mình!" Lại quay mắng đứa hầu: "Tay mày bị trói đấy à? Sao không dắt ngựa lại?" Hắn muốn sai đứa hầu nhỏ đi, nhưng lại sợ có ai mách chăng, nên đành phải tự mình đi lấy.

Giả Trân sắp đi, thấy Trương đạo sĩ đứng ở bên cạnh cười nói:

- Cứ lẽ ra, tôi không như người khác, phải ở trong nhà hầu hạ là phải; nhưng vì trời nóng, các vị tiểu thư đều đến đấy cả, tôi không dám thiện tiện vào, xin ông cho phép. Nếu cụ hỏi đến, hoặc người muốn đi xem chỗ nào, đã có tôi đứng chờ sẵn ở đây.

Giả Trân biết Trương đạo sĩ là người thế mạng 1 của Vinh Quốc công ngày trước, lại được đức tiên hoàng gọi là "Đại Ảo tiên nhân", giờ đang giữ ấn ty Đạo lục, được phong là "Chung liễu chân nhân". Các vị vương công, các quan phiên trấn đều tôn là thần tiên, không ai dám khinh nhờn. Vả chăng ông ta thường đi lại trong hai phủ, các bà các cô đều biết cả. Thấy ông ta nói thế, Giả Trân cười bảo:

- Chúng ta là chỗ người nhà với nhau, sao ông lại như vậy. Nếu ông còn nói nữa, tôi sẽ vặt râu đấy. Thôi, hãy đi theo tôi.

Trương đạo sĩ cười ha hả, theo Giả Trân đi lên.

Đến trước Giả mẫu, Giả Trân nghiêng mình cười nói:

- Cụ Trương vào hầu bà.

Giả mẫu nghe nói vội bảo "mời vào". Giả Trân dắt Trương đạo sĩ vào. Trương đào sĩ cười ha hả nói:

- Đức Phật sống lâu! Người vẫn mạnh khỏe bình yên đấy chứ? Xin chúc các mợ, các cô vui mạnh luôn. Đã lâu không được vào phủ thăm, nay xem khí sắc cụ hơn trước nhiều.

Giả mẫu cười nói:

- Lão thần tiên, người có được mạnh khỏe không?

- Nhờ phúc lộc của cụ, tiểu đạo vẫn được mạnh khỏe. Người khác không kể, riêng chỉ nhớ cậu Hai thôi. Không biết lâu nay cậu ấy có được khỏe luôn không? Hôm hai mươi sáu tháng tư, ở đây có làm lễ thánh đản Già thiên đại vương. Người đến lễ không đông lắm, nên các thứ đều giữ được sạch sẽ, tôi có cho người mời cậu ấy đến ngoạn cảnh, sao lại bảo cậu ấy không có ở nhà?

- Cháu nó không có ở nhà thực.

Rồi Giả mẫu quay lại gọi Bảo Ngọc.

Bảo Ngọc vừa đi giải vào, vội chạy đến chào Trương đạo sĩ. Trương đạo sĩ ôm lấy, hỏi han, rồi quay lại Giả mẫu cười nói:

- Cậu Hai xem ra càng ngày càng phát phúc.

Giả mẫu nói:

- Bề ngoài thì khỏe, nhưng trong người nó vẫn phiền vì nỗi cha nó cứ bắt nó học nhiều, làm thằng bé càng ốm thêm.

Trương đạo sĩ nói:

- Hôm nọ tôi qua thăm mấy nơi, thấy chữ cậu ấy viết rất tốt, thơ làm rất hay, sao ông nhà lại còn phàn nàn là cậu ấy lười học? Cứ ý tiểu đạo này thì đừng nên bắt cậu ấy học quá sức

Trương đạo sĩ lại than thở:

- Tôi xem cậu ấy bóng dáng, nói năng, đi đứng, giống hệt đức Quốc công nhà ta ngày trước vậy.

Nói xong hai mắt rưng rưng. Giả mẫu cũng nước mắt ròng ròng, nói:

- Thật thế, bao nhiêu con cháu nhà này chẳng được đứa nào giống ông cháu cả, chỉ có cháu Ngọc là giống thôi.

Trương đạo sĩ lại quay sang Giả Trân nói:

- Bóng dáng đức Quốc công nhà ta ngày trước, các cậu không biết đã đành đi rồi, có lẽ ngay ông Cả, ông Hai cũng không nhớ rõ thì phải.

Ông ta lại cười ha hả:

- Hôm nọ tôi đến chơi một nhà, thấy một vị tiểu thư năm nay độ mười lăm tuổi, dáng điệu rất đẹp. Tôi nghĩ cậu em cũng nên dạm vợ đi thôi. Nói đến cô ta, người đẹp, tư chất thông minh, lại con nhà gia thế, thực là xứng đôi. Không biết ý cụ nghĩ thế nào? Tiểu đạo này không dám đường đột. Mong người cho biết mới dám nói đến.

Giả mẫu nói:

- Trước kia có một nhà sư bảo số thằng bé này không nên lấy vợ sớm, chờ lớn lên hãy haỵ Người cứ thăm dò hộ xem, không cần nhà giàu sang, cốt tìm đứa có dung mạo là được. Có thế nào người đến nói cho tôi biết. Dù nhà họ có nghèo, thì giúp cho ít bạc là xong. Chỉ có dáng dấp và tính nết con người là khó tìm thôi.

Phượng Thư cười nói:

- Cụ Trương, cụ chưa đổi bùa cho con cháu tôi à? Thế mà hôm nọ cụ còn trâng tráo cho người đến xin tấm đoạn vàng? Tôi không đưa lại sợ mất thể diện.

Trương đạo sĩ cười vang lên nói:

- Xem kìa, mắt tôi mờ rồi, không trông thấy mợ Ở đây, nên không cám ơn. Bùa ký danh đã có sẵn rồi. Hôm nọ định mang đến, không ngờ có các lệnh bà đến đây làm lễ cầu phúc, nên tôi quên mất. Đạo bùa vẫn đặt ở trước bàn thờ Phật kia, để tôi lại lấy.

Nói xong Trương đạo sĩ chạy lên điện chính, một lúc bưng cái khay xuống, trên có đặt một cái túi vóc đỏ. Trương đạo sĩ rút bùa ra đưa cho vυ" nuôi của Đại Thự Trương đạo sĩ chực bế Đại Thư, Phượng Thư cười nói:

- Người cầm bùa đưa cũng được, việc gì phải đặt lên khay?

Trương đạo sĩ nói:

- Tay không được sạch, cầm sao được? Đặt vào khay thì thanh tịnh hơn.

Phượng Thư cười nói:

- Người bưng cái khay ra, làm tôi giật mình. Tôi không biết là người đưa bùa, cứ tưởng người đến xin bố thí!

Mọi người nghe nói cười ầm lên. Giả Liễn cũng không nhịn được cười. Giả mẫu quay lại bảo:

- Con khỉ kia, mày không sợ sa xuống địa ngục phải cắt lưỡi à?

Phượng Thư cười nói:

- Chỗ ông cháu với nhau không hề gì. Vì sao ông ấy cứ thường bảo cháu lo gom góp âm công, nếu chậm thì sẽ chết non?

Trương đạo sĩ cũng cười nói:

- Tôi mang cái khay ra là có ý dùng cả hai việc, không phải để nhận bố thí, mà muốn mượn viên ngọc của cậu Hai đặt vào đó đem ra cho chúng bạn và con cháu học trò ở xa đến xem.

Giả mẫu nói:

- Việc gì người phải lật đật chạy đi chạy lại, cứ dắt cháu Bảo ra ngoài ấy cho người ta xem, rồi bảo nó vào cũng được.

Trương đạo sĩ nói:

- Cụ không biết: tiểu đạo đã hơn tám mươi tuổi, nhờ phúc dư của cụ, vẫn còn khỏe mạnh; ở ngoài ấy nhiều người hôi hám khó chịu, vả lại trời nóng nực, cậu ấy không chịu quen, lỡ ra bị cảm thì phiền lắm.

Giả mẫu nghe nói, liền bảo Bảo Ngọc tháo viên ngọc "thông linh" ra, đặt vào khaỵ Trương đạo sĩ cẩn thận bỏ trong túi vóc bưng ra.

Giả mẫu đưa mọi người đi ngoạn cảnh các nơi rồi lên lầu. Giả Trân trình:

- Trương đạo sĩ đã mang ngọc về.

Trương đạo sĩ bưng cái khay bước lên lầu cười nói:

- Nhờ có tiểu đạo này, mọi người mới được xem ngọc của cậu Hai, thực là hiếm có. Họ không có gì kính biếu, gọi có mấy đồ pháp giới của họ đem đến làm lễ mừng. Tuy nó không quí hóa gì, nhưng cậu cũng có thể giữ lấy mà chơi, hoặc thưởng cho người khác cũng được.

Giả mẫu nghe nói, nhìn vào khay, thấy có bốn năm mươi thứ, cái là ngọc hoàng, cái là ngọc quyết, cái thì khắc sự sự như ý, cái thì khắc tuế tuế bình an, đều nạm giát bằng châu báu vàng ngọc cả, liền nói:

- Người khéo bày vẽ, họ là những người xuất gia, ở đâu có cái này. Sao lại làm như thế? Tôi không thể nhận được.

Trương đạo sĩ cười nói:

- Đó là lòng thành của họ, tiểu đạo này không thể ngăn được Nếu cụ không nhận, thì họ cho tiểu đạo này là hạng hèn hạ, không phải môn hạ của quí phủ.

Giả mẫu đành bảo người nhận. Bảo Ngọc cười nói:

- Thưa bà, cụ Trương đã nói thế, không tiện từ chối, nhưng cháu cũng không dùng những thứ này, chi bằng đưa cho người hầu của cháu, phân phát cho những người nghèo túng.

Giả mẫu cười nói:

- Phải đấy.

Trương đạo sĩ vội ngăn lại:

- Cậu Hai muốn làm phúc đấy, nhưng thứ này dầu chẳng đáng quí báu gì, chỉ là đồ dùng thôi. Nếu phân phát cho người nghèo, họ không biết dùng, cũng vô ích, sẽ làm hư phí đi. Cậu muốn giúp đỡ người nghèo, sao không phát tiền cho họ?

Bảo Ngọc nghe nói liền sai cất đi, và dặn mang tiền đến phát cho người nghèo.

Nói chuyện xong, Trương đạo sĩ đi ra.

Giả mẫu cùng mọi người lên lầu, ngồi ở gian giữa. Bọn Phượng Thư ngồi ở gian phía đông. Bọn a hoàn đứng hầu ở gian phía tây. Một lúc Giả Trân lên trình: "Đã gắp thăm trước bàn thờ thần, vở thứ nhất là Bạch xà ký".

Giả mẫu hỏi:

- Là tích gì?

- Tích vua Cao Tổ nhà Hán chém rắn trắng nước khi khởi binh 2. Vở thứ hai là "Hốt đầy giường" 3.

Giả mẫu gật đầu nói:

- Hát vở thứ hai cũng được. Ý Phật đã thế, chúng ta đành phải theo.

Lại hỏi đến vở thứ bạ Giả Trân nói:

- Vở "Nam kha mộng" 4.

Giả mẫu yên lặng không nói gì. Giả Trân lui xuống, đi ra ngoài đốt sớ, đốt vàng mã, rồi bắt đầu hát.

Bảo Ngọc ngồi cạnh Giả mẫu, sai đứa bé bưng cái khay lúc nãy lại, đeo viên ngọc vào người rồi lục tìm các thứ, đưa từng cái cho Giả mẫu xem. Giả mẫu thấy một con kỳ lân bằng vàng, trên đầu có đính lông chìm trả, liền cầm lấy cười nói:

- Hình như ta đã trông thấy con cái nhà ai đeo con này rồi.

Bảo Thoa cười nói:

- Cô Sử có một con, nhưng bé hơn.

Giả mẫu nói:

- Thế ra cháu Vân cũng có à?

Bảo Ngọc nói:

- Khi cô ấy đến, sao cháu không trông thấy.

Thám Xuân cười nói:

- Chị Bảo thực hay để ý, cái gì cũng nhớ được.

Đại Ngọc cười nhạt:

- Việc khác thì chị ấy để ý ít thôi, chỉ có vật người ta đeo trên người là chị ấy để ý đến nhiều.

Bảo Thoa nghe nói ngoảnh đi, vờ như không nghe thấy.

Nghe nói Sử Tương Vân cũng có vật này, Bảo Ngọc liền cầm con kỳ lân giấu vào trong người. Sau lại nghĩ: "người ta sẽ cho mình biết cô Sử có, nên mới giữ lại vật này". Bảo Ngọc tay cầm con kỳ lân, mắt vẫn lấm lét nhìn xung quanh. Mọi người không để ý đến, chỉ có Đại Ngọc liếc mắt nhìn rồi gật đầu, như có ý khen ngợi. Thấy vậy, Bảo Ngọc bối rối khó chịu, liền bỏ con kỳ lân ra, nhìn Đại Ngọc cười nói:

- Con này đẹp đấy, tôi lấy hộ em. Khi về em sẽ lấy dây đeo nó có được không?

Đại Ngọc lắc đầu:

- Tôi không thích.

- Em không thích thì tôi lấy vậy.

Nói xong Bảo Ngọc lại cầm lấy. Ngay lúc đó Vưu thị là vợ Giả Trân, Hồ thị là vợ kế Giả Dung, hai mẹ chồng, nàng dâu cũng đến chào Giả mẫu. Giả mẫu nói:

- Các cháu đến đây làm gì? Ta rỗi việc nên đi chơi một lúc thôi.

Bỗng thấy một người vào báo: "Người nhà Phùng tướng quân đến".

Nghe tin phủ Giả ra miếu làm chay, Phùng Tử Anh sai người sắm sửa các thứ dê, lợn, chè, hương đến lễ. Phượng Thư vội vàng sang lầu giữa vỗ tay cười nói:

- Ái chà! Cháu không dè chừng việc nây. Chỉ nghĩ là bà cháu ta rỗi việc đến đây chơi thôi. Thế mà người ta lại cho là làm chay, đưa đồ lễ đến. Việc này là tại bà cả. Cháu có mang sẵn tiền thưởng gì đâu?

Nói xong thấy hai người đàn bà nhà họ Phùng trèo lên lầu. Hai người này chưa đi, lại có người nhà quan thị lang họ Triệu mang lễ đến. Thế rồi hết nhà nọ đến nhà kia, nghe nói đàn bà con gái phủ Giả ra miếu làm chay, họ xa, bạn gần đi lại xưa nay, đều đưa lễ đến cả.

Giả mẫu bấy giờ mới thấy băn khoăn, nói:

- Chẳng qua rỗi, ta đi chơi, chứ có phải trai tiếu gì đâu, lại làm phiền cho mọi người.

Giả mẫu xem hát đến chiều thì về. Hôm sau không muốn đi nữa.

Phượng Thư nói:

- "Đã trót thì phải trét" 5, đã làm kinh động người ta, thì ngày mai lại cứ đi chơi cho vui.

Bảo Ngọc từ lúc nghe Trương đạo sĩ nói với Giả mẫu về chuyện mách mối vợ, trong lòng rất khó chịu. Về nhà đâm ra cáu kỉnh, bực bội, nói luôn miệng: "Từ giờ trở đi, không thèm nhìn mặt lão Trương nữa". Mọi người không biết duyên cớ vì sao. Đại Ngọc lại bị cảm nắng. Vì hai lẽ đó nên hôm sau Giả mẫu không đi. Phượng Thư dẫn mọi người cùng đi.

Bảo Ngọc thấy Đại Ngọc ốm, trong bụng không yên, cơm cũng biếng ăn. Thỉnh thoảng lại đến hỏi thăm, chỉ lo Đại Ngọc không biết lành dữ thế nào. Đại Ngọc nói:

- Anh đi mà xem hát, ở nhà làm gì?

Bảo Ngọc nhân việc hôm qua Trương đạo sĩ mách mối, bụng đã khó chịu. Giờ thấy Đại Ngọc nói thế, lại nghĩ: "Người khác không biết bụng ta còn có thể tha thứ được. Không ngờ cả Đại Ngọc cũng hắt hủi mình!" Vì thế càng bực tức bội phần. Nếu như ngày thường, ai nói câu ấy cũng không đến nỗi nào, nhưng nay chính Đại Ngọc nói, lại có một ý nghĩa khác. Thế là Bảo Ngọc sa sầm nét mặt, nói:

- Tôi thật đã nhận nhầm cô! Thôi, thôi!

Đại Ngọc cười nhạt nói:

- Anh nhận nhầm gì tôi? Tôi có gì đáng sánh với người ta.

Bảo Ngọc chạy ngay đến tận mặt Đại Ngọc nói:

- Cô nói gì? Thế là cô đành lòng rủa tôi bị trời tru đất diệt rồi.

Đại Ngọc chưa hiểu ra sao, Bảo Ngọc lại nói:

- Hôm nọ chỉ vì việc ấy mà tôi phải thề. Hôm nay cô lại cho tôi một câu nữa. Nếu tôi bị trời tru đất diệt thì liệu có ích gì cho cô không?

Đại Ngọc nghe đến đây, mới nhớ hôm trước, mình đã lỡ lời, vừa tức vừa thẹn, liền nức nở khóc và nói:

- Nếu tôi nỡ lòng rủa anh thì tôi cũng bị trời tru đất diệt!... Vì đâu có câu chuyện này? Tôi biết hôm qua Trương đạo sĩ nói đến chuyện dạm vợ, anh sợ tôi làm ngăn trở mối duyên lành của anh, trong bụng anh bực tức, nên mang tôi ra giày vò.

Nguyên Bảo Ngọc từ bé vẫn có chứng si tình hẹp hòi, lại luôn luôn ở bên cạnh Đại Ngọc, hai bên gần nhau, kẽ tóc chân tơ, tâm tình tương đắc. Bây giờ Bảo Ngọc đã hơi biết mùi đời, được xem nhiều sách nhảm nhí, được gặp nhiều cô gái phong lưu trong các nhà bạn thân và họ hàng xa, đều không ai bằng Đại Ngọc cả. Vì thế Bảo Ngọc đã ôm sẵn nỗi niềm tâm sự, nhưng chưa tiện nói ra, nên mỗi khi Đại Ngọc hoặc mừng, hoặc giận, Bảo Ngọc đều tìm hết cách thăm dò kín đáo. Đại Ngọc cũng có bệnh si tình ấy, lại cũng dùng lối vờ vẫn để thăm dò: "Vì nếu anh đã tìm cách che giấu nỗi lòng chân thật của anh thì tôi cũng tìm cách che giấu nỗi lòng chân thực của tôi". Hai bên cứ vờ vẫn thăm dò nhau. Như vậy hai cái giả gặp nhau, nhất định sẽ lòi cái thực. Ngoài ra, còn những việc lặt vặt xảy ra không tránh khỏi lời qua tiếng lại.

Lúc này Bảo Ngọc nghĩ bụng: "Người khác không biết bụng mình còn có thể tha thứ được, lẽ nào Đại Ngọc lại không biết trong lòng ta, trong mắt ta lại chỉ có có ấy thôi à? Cô ấy không gỡ nỗi buồn cho ta thì chớ, lại còn đưa ra những câu lấp họng ta, lòng ta giờ nào, phút nào cũng nghĩ đến cô ấy, nhưng có bao giờ cô ấy nghĩ đến ta đâu". Bảo Ngọc nghĩ vậy, nhưng không nói được ra lời. Đại Ngọc thì nghĩ: "Vẫn biết bụng anh bao giờ cũng để ý đến tôi, tuy có câu "vàng ngọc sánh đôi", nhưng khi nào anh lại tin lời nhảm nhí ấy mà không yêu quí tôi? Tôi dù có nhắc đến chuyện "vàng và ngọc", anh cũng nên lờ đi như không nghe thấy, thế mới thực là anh yêu quý tôi, không có mảy may gì giả dối cả. Nhưng mỗi khi tôi gợi đến chuyện "vàng và ngọc", anh lại cứ cuống cuồng lên, đủ biết bụng anh lúc nào cũng nghĩ đến chuyện "vàng và ngọc". Anh sợ tôi ngờ vực, cố ý làm ra vẻ sửng sốt để đánh lừa tôi".

Xem ra, hai người vốn một ý nghĩ, nhưng có những khía cạnh khác nhau.

Trong bụng Bảo Ngọc lại nghĩ: "Tôi thì thế nào cũng được, chỉ cần cô vui thôi, dầu vì cô mà phải chết ngay tôi cũng bằng lòng. Điều này cô biết hay không cũng mặc, chỉ cốt ở lòng tôi thôi. Như thế mới là cô gần tôi, không phải xa tôi".

Đại Ngọc lại nghĩ: "Anh chỉ nên lo phần anh là hơn. Anh tốt tự nhiên tôi cũng tốt. Cớ gì anh lại vì tôi mà mang lỗi. Có biết đâu lỗi ở anh chính là lỗi ở tôi. Thế là anh không muốn cho tôi gần anh, mà lại có ý làm cho tôi phải xa anh đấy".

Như vậy họ muốn gần nhau lại hóa ra xa nhau. Những ý nghĩ riêng tây ấy ấp ủ trong người họ từ lâu khó mà nói hết, chẳng qua chỉ hình dung bên ngoài mà thôi.

Bảo Ngọc lại nghe thấy Đại Ngọc nói đến ba chữ "mối duyên lành", trái hẳn ý nghĩ của mình, lại càng héo hon trong dạ, nói chẳng ra lời, liền cáu tiết, dứt viên "ngọc thiêng" ở cổ ra, nghiến răng vứt phăng xuống đất, nói:

- Cái đồ chết tiệt này! Tao đập tan mày đi là xong chuyện.

Nhưng viên ngọc này rắn chắc lạ thường, vứt thế nào nó cũng vẫn y nguyên không hề gì. Bảo Ngọc thấy không vỡ, định quay lại tìm cái đập. Đại Ngọc thấy thế, liền khóc:

- Làm gì lại đem đập cái của câm ấy? Anh đập nó, chẳng thà đập tôi còn hơn!

Thấy hai người cãi nhau, bọn Tử Quyên, Tuyết Nhạn vội lại khuyên ngăn. Sau thấy Bảo Ngọc cố sống cố chết đập viên ngọc, liền chạy lại cướp lấy, nhưng không cướp được.

Thấy trận cãi nhau này kịch liệt hơn mọi lần trước nhiều, chúng đành phải đi gọi Tập Nhân. Tập Nhân vội vàng chạy đến, cướp lấy viên ngọc. Bảo Ngọc cười nhạt:

- Tôi đập cái của tôi, việc gì đến các chị?

Tập Nhân thấy Bảo Ngọc mặt xám lại, mắt đỏ ngầu lên, chưa bao giờ giận đến như thế, liền kéo tay lại cười nói:

- Cậu cãi nhau với cô ấy, việc gì mà lại đập viên ngọc ra. Nếu nó vỡ thì cô ấy đành lòng thế nào được.

Đại Ngọc đương khóc, nghe thấy câu nói đúng đáy lòng mình, liền cho rằng Bảo Ngọc còn kém cả Tập Nhân, lại càng đau lòng khóc to lên. Vì buồn bực quá đỗi, nên nước thuốc hương nhu giải thử vừa mới uống vào, đã không cầm được, ọe một cái, nôn ra hết. Tử Quyên vội chạy đến, lấy cái khăn lụa đỡ lấy, Đại Ngọc ọe luôn mấy lần, thuốc thấm hết cả cái khăn. Tuyết Nhạn vội đến vuốt ngực. Tử Quyên nói:

- Dù tức giận đến thế nào nữa, cô cũng nên giữ gìn sức khỏe. Vừa mới uống được một nước thuốc, giờ vì cãi nhau với cậu Bảo, nôn ra hết cả, nếu sinh ốm, liệu cậu Bảo có đành tâm được không?

Bảo Ngọc nghe câu nói trúng tim đen mình, lại cho Đại Ngọc không bằng Tử Quyên. Đại Ngọc khi ấy mặt đỏ nhừ, đầu nặng trĩu, vừa khóc vừa thở, nước mắt, mồ hôi chảy xuống đầm đìa, người càng ẻo lả. Bảo Ngọc thấy thế hối hận: "Mình không nên bắt bẻ cô ấy. Bây giờ xảy ra nông nỗi này, mình lại không thể chịu thay cho cô ấy được." Trong bụng nghĩ thế, nước mắt cũng tự nhiên nhỏ xuống.

Tập Nhân đương trông nom Bảo Ngọc, thấy hai người đều khóc, trong bụng cũng đâm ra chua xót, liền nắm lấy tay Bảo Ngọc, thấy lạnh như tiền, muốn khuyên Bảo Ngọc đừng khóc, nhưng một là sợ Bảo Ngọc có điều gì uất ức trong lòng, hai là sợ phật lòng Đại Ngọc, không bằng cùng khóc cả là họ sẽ buông tha nhau. Vì vậy, Tập Nhân cũng chảy nước mắt khóc theo. Tử Quyên vừa thu dọn những nước thuốc, vừa khe khẽ quạt cho Đại Ngọc. Thấy cả ba người đều khóc, chẳng nói chẳng rằng, Tử Quyên đâm ra thương cảm, cũng lấy khăn lụa chùi nước mắt.

Bốn người ngồi nhìn nhau khóc, chẳng nói năng gì. Sau Tập Nhân gượng cười bảo Bảo Ngọc:

- Cậu không cần nhìn cái gì khác, cứ nhìn cái dây đeo ngọc, thì cũng không nên cãi nhau với cô Lâm nữa.

Đại Ngọc nghe nói, không nghĩ gì đến mình đương ốm, chạy ngay lại cướp lấy cái dây, tiện tay cầm kéo cắt nát ra. Tập Nhân và Tử Quyên muốn giật lại, nhưng đã đứt làm mấy đoạn rồi.

Đại Ngọc khóc:

- Ta thực uổng công, anh ấy không cần đâu, đã có người khác đeo cho cái dây đẹp hơn kia.

Tập Nhân vội cầm lấy viên ngọc nói:

- Làm gì như thế? Đây cũng là lỗi tự tôi hay bép xép.

Bảo Ngọc bảo Đại Ngọc:

- Cô cứ việc cắt đi, tôi không đeo ngọc cũng chẳng sao.

Mấy người chỉ lo cãi nhau ở trong nhà, ngờ đâu bọn bà già thấy Đại Ngọc nôn mửa, khóc ầm lên. Bảo Ngọc lại đập viên ngọc, không biết sinh chuyện đến thế nào. Họ vội vàng sang trình Giả mẫu và Vương phu nhân. Giả mẫu và Vương phu nhân đều không biết vì duyên cớ gì, liền cùng nhau sang vườn xem. Thấy thế, Tập Nhân thì oán Tử Quyên tại sao lại cho cụ và bà lo sợ. Tử Quyên thì oán Tập Nhân cho là tự Tập Nhân sai người đi trình.

Giả mẫu và Vương phu nhân đến nơi, thấy Bảo Ngọc và Đại Ngọc đều chẳng nói năng gì, hỏi ra cũng chẳng có chuyện gì cả, liền buộc tội cho Tập Nhân và Tử Quyên:

- Tại sao chúng mày không hầu hạ cẩn thận, bây giờ xảy ra chuyện cãi nhau ầm ĩ như thế, chúng mày lại bỏ mặc đấy à?

Rồi răn mắng một trận. Hai người chỉ đành đứng im không dám nói lại một câu. Giả mẫu dắt Bảo Ngọc đi ra, mới êm chuyện.

Đến hôm sau, mồng ba là ngày sinh nhật của Tiết Bàn. Trong nhà bày rượu chè hát xướng. Mọi người trong phủ Giả đều đến cả. Bảo Ngọc từ ngày xẩy chuyện với Đại Ngọc, chưa lúc nào giáp mặt nhau, đâm ra hối hận, buồn rầu, còn bụng dạ nào đi xem hát nữa. Nên cáo ốm không đi.

Hôm trước Đại Ngọc bị trúng nắng qua loa thôi, không đến nỗi nặng, nay nghe thấy Bảo Ngọc không đi, nghĩ bụng "Anh ấy xưa nay là người thích uống rượu nghe hát, thế mà hôm nay lại không đi, chắc vì hôm trước giận tạ Nếu không phải thế thì chắc là anh ấy thấy ta không đi, nên cũng không có bụng dạ nào đi một mình. Hôm nọ ta cắt cái dây đeo ngọc, thật không nên tí nào. Chắc là anh ấy không đeo ngọc nữa, ta phải xâu lại, anh ấy mới chịu đeo". Nghĩ thế trong bụng Đại Ngọc lại hối hận trăm phần.

Giả mẫu thấy hai người giận nhau, cho là hôm nay đi xem hát, chúng gặp nhau, thế là xong chuyện. Không ngờ cả hai người đều không đi cả. Giả mẫu liền than thở: "Già này chẳng hiểu vì oan nghiệt từ đời nào để lại, sinh ra hai đứa oan gia ngớ ngẩn kia, không ngày nào là chúng không làm cho ta phải bận lòng. Tục ngữ nói rất đúng: "Không phải oan gia không họp mặt". Bao giờ ta nhắm mắt tắt hơi, tha hồ cho hai đứa chúng mày cãi nhau, khi đó mắt ta không trông thấy, lòng ta không biết buồn rầu, thế là xong chuyện. Nhưng nào nó đã tắt hơi cho đâu!"

Giả mẫu tự trách mình rồi khóc.

Chuyện này không ngờ đến tai Bảo Ngọc và Đại Ngọc. Xưa nay hai người chưa từng nghe câu tục ngữ "không phải oan gia không họp mặt" bao giờ. Nay nghe thấy, họ đều như người được ngộ đạo, đều cúi đầu nghiền ngẫm ý nghĩa câu ấy, rồi nước mắt lã chã lưng tròng. Hai người tuy không gặp mặt, nhưng một ở quán Tiêu Tương, đứng trước gió gạt lệ, một ở viện Di Hồng, ngắm mặt trăng thở dài! Thực là "người ở hai nơi, tình chung một mối".

Tập Nhân khuyên Bảo Ngọc:

- Bao nhiêu chuyện không phải, đều tự cậu cả. Ngày thường ở trong nhà, bọn hầu trai có cãi cọ với các chị em, hoặc là hai bên tranh giành điều gì, hễ nghe thấy, cậu mắng ngay bọn họ là ngu xuẩn, không biết thể tất bụng dạ người con gái. Thế mà bây giờ cậu lại tự mình gây chuyện như thế? Ngày mai là tết mồng năm, nếu cậu và cô Lâm đối với nhau còn như kẻ thù, thì cụ càng thêm buồn, nhất định cả nhà không được yên. Theo ý tôi, cậu nên nuốt giận đi, đến xin lỗi cô ấy, rồi lại đối xử với nhau như trước, như vậy chẳng tốt hay sao?

1

Ngày xưa. những người quan quý không tự mình đi tu được, kiếm người khác tu thay, để được phúc hoặc chuộc tội. Người ấy gọi là thế mạng.

2

Lưu Bang trước khi khởi nghĩa, chém chết con rắn trắng. Đêm ấy có người đàn bà đến khóc: "Con rắn trắng này là con Bạch Đế, bị con Xích Đế (tức Lưu Bang) chém chết". Sau quả nhiên Lưu Bang gϊếŧ được Hạng Vũ, lên làm vua tức vua Cao Đế nhà Hán.

3

Hốt bầy đầy giường; chép chuyện Quách Tử Nghi đời Đường, có bảy con trai và tám chàng rể đều làm quan cao và sống lâu.

4

Tên vở kịch do Thang Hiển Tổ đời Minh soạn, tả việc Thuần Vu Phần, đời nhà Đường. Thuần nhân ngày sinh nhật, uống rượu say nằm ngủ ở dưới cây hòe, về bên phía Nam cạnh nhà, mộng thấy đến nước Đại Hòe An lấy công chúa, làm quan thái thú quận Nam Kha hai mươi năm. đẻ được năm trai hai gái, đều hiển quý cả, sau đánh nhau với giặc bị thua, phải cách chức, công chúa đã chết. Lúc tỉnh dậy, mặt trời chưa lặn. ly rượu hãy còn nguyên ở bàn. Khi ra gốc cây hòe, thấy có tổ kiến, ông ta cảm thấy cuộc đời phút chốc, công danh cũng như giấc mộng vậy, liền bỏ nhà lên núi học đạo, chẳng thiết gì việc đời nữa.

5

Nguyên văn: "Đắp tường phải lễ thổ thần" nghĩa cũng như trên.