- 🏠 Home
- Xuyên Không
- Dị Giới
- Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite
- Chương 2: Cuộc sống thường ngày
Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite
Chương 2: Cuộc sống thường ngày
Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt
Chương 2: Cuộc sống thường ngày
Làng Hồng Bàng nằm ở mạn nam của huyện Thăng Bình, châu Nam Bình, phủ Thăng Hòa, sát biên giới Chiêm Thành. Ở phía đông trông ra biển lớn, phía tây- nam và bắc đều có đồi núi thấp vây quanh. Chính vì địa hình như thế nên giao thông rất khó khăn, và cũng ít có sự soi mói.Nguồn nước ngọt chính của làng Hồng Bàng đến từ dòng sông Xuyên- một con sông không quá lớn, nhưng sâu, nước chảy khá siết, bắt nguồn từ những dòng suối từ đồi núi phía bắc.
Nguồn nước từ sông Xuyên không quá dồi dào, lại xa làng, nên lúa nước không bội thu, còn việc trồng lúa cạn không phát triển do đất đai hạn chế. Ngoài làm nông, nghề đi biển cũng phát triển, do gần biển. Có điều nghề đi biển thì cực nhọc, lại nguy hiểm do những yếu tố thời tiết, có khi có thể mất trắng cả người và thuyền, thành ra dù gần biển mà dân làng cũng ít được ăn cá tươi. Chưa hết, giao thông cách trở vì núi nón tùng điệp, vận tải đường biển cũng khó vì nơi này vốn ít người biết đến, thành ra có muốn thông thương cũng không thể, dân làng để có thể trao đổi hàng hóa thường phải đi xa, gồng gánh vất vả, mà cũng ít có khả năng lên chợ huyện, mà thường là chợ của người Thượng, để tránh bị quân triều đình kiểm tra.
Cuộc sống khó khăn, không nhiều thanh niên chịu nổi, họ phần nhiều đều quyết tâm đi làm giàu bằng cách lên huyện, thậm chí ra huyện khác làm ăn, đi làm cả năm tết mới về một lần, nhưng nhờ thế mà cũng rủng rỉnh tiền mà tiêu, chứ cứ cố giữ cái đất Hồng Bàng chó ăn đã gà ăn sỏi này thì mãn kiếp không giàu nổi. Chỉ độc nhất Hoàng Văn Định là một người đã đi xa lại trở về làng, đã thế lại còn mang theo cả vợ đẹp về. Ban đầu ai cũng chê Hoàng Văn Định không chí tiến thủ, hoặc ghen ghét việc hắn có cô vợ đẹp, nhưng rồi sau này thì họ chỉ toàn ghen ghét thôi. Không chỉ vì Văn Nguyệt Nga đẹp, mà còn vì cô không khác gì một cây rụng tiền cho Hoàng Văn Định.
Văn Nguyệt Nga là con nhà gia giáo, học đủ cả cầm- kỳ- thi- họa- y, sau làm thϊếp một đại thương, lại học thêm tính toán, buôn bán, …, vì chuyện không may phải nương tựa Hoàng Văn Định, nhưng cô vẫn muốn con mình được sống tốt, nên đã tích cực sử dụng những gì mình biết để kiếm tiền. Biết rằng người Thượng thường hay thiếu muối, Văn Nguyệt Nga đã thúc chồng làm muối bán lên cho người Thượng, rồi lấy các sản vật của người Thượng đem về các chợ ở huyện mà bán cho dân xuôi, lại cố tậu trâu tậu ngựa mà về để cấy cày và thồ hàng. Các việc sổ sách, kế toán, Nguyệt Nga cũng làm chu đáo, nên tiền bạc không bị hao hụt không đâu. Được sự chỉ dạy của một người vợ giỏi, nên sau 4 năm, Hoàng Văn Định nhanh chóng giàu lên, trở thành người giàu nhất làng. Đến khi này, nhận thấy đời sống vật chất đã đủ để cho con mình một cuộc sống tốt, Văn Nguyệt Nga mới đồng ý sinh con, chính là Hoàng Anh Kiệt.
Hoàng Anh Kiệt sinh ra, Văn Nguyệt Nga chăm sóc cẩn thận, không những bồi bổ về thể chất bằng thức ăn ngon hay những bài thuốc bổ đúng liều, cho vận động đầy đủ mà cô cũng bồi dưỡng cả về mặt tinh thần bằng việc đọc thơ, hát ru, kể chuyện cho con nghe. Cũng vì những điều mẹ mình làm, nên khi Hoàng Anh Kiệt tỏ ra thông minh một chút, hầu như dân làng cũng không nghi ngờ gì nhiều. Kiệt lấy đó làm may mắn lắm, vì cậu gần như không phải giải thích sự thông minh đột xuất của mình hay phải giả ngu trong những năm đầu đời này, bởi Hoàng Anh Kiệt không phải một đứa trẻ sơ sinh mà là một người trọng sinh đến từ Việt Nam thế kỷ 21, năm 2018.
Hoàng Anh Kiệt ở thế giới cũ là một sinh viên ngành kỹ thuật đã ra trường và đi làm việc tại nước ngoài: xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông cho những nước đang phát triển ở Nam Mĩ, Châu Phi. Ở những nước này, điều kiện giải trí gần như không có, không có máy chơi game, không có bar, không khu giải trí, thành ra đọc truyện trên mạng là thứ giải trí duy nhất Hoàng Anh Kiệt có được. Trong các loại truyện mà cậu ta hay đọc ở truyencv thì Hoàng Anh Kiệt khá thích loại lịch sử- quân sự, và biết bao lần cậu mong được sống ở một thế giới như thế. Nhưng đó là trong tưởng tượng thôi, chứ Kiệt tuyệt không mong muốn thành sự thật một chút nào, vì thế giới cổ đại thực sự rất- rất- rất khó chịu, y như những gì Kiệt đang phải chịu đựng vậy.
Đầu tiên, điều kiện sống ở thế giới này khá tệ, như đã nói ở trên thì làng Hồng Bàng là một làng nghèo, cho dù nhà Kiệt có gọi là khá giả thì so với thế giới cũ vẫn chưa là gì: nóng không có quạt điện, mưa không có áo mưa, tối không có đèn điện, mà đèn dầu có thì cũng phải thật tiết kiệm. Thức ăn cũng không quá tốt, thịt cá và trứng ít có đã đành, đằng này rau cũng nghèo nàn khi mà gần như chỉ có độc mấy thứ như rau muống, rau khoai, rau dền,… còn mấy loại mà Kiệt quen ăn như cà rốt, cải bắp, su hào,… lúc này vẫn chưa được du nhập vào Nam Giao, có lẽ vẫn ở phương tây chăng. Đã vậy, gia vị cũng rất hạn chế, nước mắm không ngon do làm khá thô sơ, bột canh không có chỉ có muối, tiêu bắc là hàng khó mua, mì chính tất nhiên không hề có rồi. Vừa ngồi nghĩ về những món ăn trong quá khứ, Kiệt cầm chọc chọc vào bát trong sự thòm thèm và nhớ nhung.
- Sao con cứ mãi chọc chọc đũa vào bát cơm thế hả?- Hoàng Văn Định vỗ nhẹ vào tay Kiệt.- Ăn cơm thì phải chú tâm chứ!
- Dạ!- Kiệt đáp lời rồi và cơm để ăn thật nhanh rồi còn làm việc nhà xong rồi đi chơi. Lúc này Kiệt mới có 7 tuổi, công việc được giao cũng hết sức nhẹ nhàng: cho mấy con gà ăn, đưa trâu ra đồng ăn cỏ và nếu có thể thì nhặt ít củi mang về nhà để đun nấu. Trừ khi vào ngày mùa, khi mà cả nhà gồm ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác phải ra làm việc đồng áng thì Kiệt sẽ phải kiêm thêm việc đưa cơm và trông em- Hoàng Anh Tài, đứa em mới 2 tuổi của Kiệt. Còn Hoàng Anh Minh, đứa con riêng của mẹ Hoàng Anh Kiệt thì giờ này chắc đang ở huyện với mẹ cậu- phụ mẹ cậu chuyện buôn bán.
- Thôi nào, cứ để thằng nhỏ ăn uống từ từ, dù gì cũng không phải vội!- Bà nội của Hoàng Anh Kiệt thấy cháu ăn vội ăn vàng thì quay sang trách con trai. Người ta hay nói con hư tại mẹ, cháu hư tại bà là vì thế.
- Mẹ để con dạy con chứ!
- Dạy cái gì mà dạy, cháu mẹ ngoan ngoãn nghe lời thế này cần gì phải dạy thêm nữa chứ! Kiệt nhỉ?
- Dạ!- Kiệt cũng đáp lại, tốc độ ăn cũng chậm lại một chút, nhưng giờ thì chuyên tâm ăn hơn, chứ không nghĩ ngợi linh tinh gì nữa, nên cũng chỉ một lúc là ăn xong.
- Thôi nào!- Ông nội Kiệt nói- Bữa cơm sáng thì không nên có sự to tiếng! Bà nó lần sau không nên bênh cháu quá, con trai mình phải dạy con là đúng! Nhưng còn con, cháu nó sai thì nhắc nhẹ chứ sao lại đánh nó làm gì!
Nghe bố mình nói thế, Hoàng Văn Định dở khóc dở cười, rõ ràng chỉ vỗ nhẹ một cái mà đã bị coi là đánh sao. Lúc này thì Kiệt cũng đã ăn xong bữa sáng, nên nhanh chóng đứng dậy mời mọi người ăn cơm và mang bát đi rửa. Sau đó Kiệt cầm thóc đi cho gà ăn, rồi trèo lên mình con trâu đực lớn, cưỡi nó ra đồng. Đi sau con trâu đực lớn, là mấy con trâu cái ngoan ngoãn cũng bầy nghé con. Mẹ cậu giỏi làm ăn nên tậu được trâu đã đành, lại biết y lý nên chăm trâu khéo, trâu cái đẻ tốt, nghé mau lớn thành ra đàn trâu nhà cậu đã có tới 9 con: 1 trâu đực, 4 trâu cái, 4 nghé ọ. Chỉ riêng đàn trâu này đã ngang ngửa bao nhiều là tài sản rồi, nên việc trông nom nó tất nhiên không chỉ giao cho một mình Hoàng Anh Kiệt được. Sau khi Kiệt dẫn đàn trâu ra khỏi nhà, rất nhanh có mấy đứa trẻ kéo ra vẫy tay gọi Kiệt.
Trong làng không chỉ có mình Kiệt là con nít và những đứa trẻ kia đều là con cái của một gia đình nào đó ở trong làng. Dân làng thì nghèo, nên trẻ con sớm biết gánh vác việc nhà. Mẹ của Kiệt biết con mình nhỏ khó trông nổi đàn trâu lớn, lại cả những con nghé hay chạy linh tinh, nên đã tìm thêm mấy đứa trẻ nhà nghèo khác đến giúp, đổi lại chúng được một suất cơm. Một mặt, chúng giúp Kiệt trông đàn trâu, để không bị mất trâu. Mặt khác, đây cũng là đồng tiền đi trước, mua chuộc dân làng, để họ không vì ghen tị với họ Hoàng mà hại trâu ( gϊếŧ trâu, cắt gân, cắt lưỡi, gϊếŧ nghé,…), gắn lợi ích của họ với đàn trâu của nhà họ Hoàng, thì họ sẽ càng thêm bảo vệ chúng.
Đám trẻ nhanh chóng nhập bọn với Kiệt, thuần thục dẫn đàn trâu ra đồng cỏ xa làng. Đồng cỏ xanh không bằng phẳng, nhiều gò đống, nhưng được cái cỏ mọc um tùm, cao quá đầu trẻ em, nếu ở đây mà chơi trốn tìm thì thật là khó tìm vô cùng, thậm chí người đi tìm giận bỏ về mà thắng trốn có khi không biết.
- Đại ca, lần này bọn đệ kiếm củi, đại ca ở lại trông lũ trâu nhé.- Một đứa bé hét to sau khi dẫn đàn trâu ra bãi cỏ. Nó gọi là Đào Văn Bắc, tầm 9 tuổi, nhưng không cao to hơn Kiệt bao nhiêu. Nguyên nhân có lẽ chủ yếu vì nhà nghèo nên suy dinh dưỡng, phát triển không được tốt.
- Ừ!- Kiệt đáp lại trước khi nhảy lên một gò đất cao để trông chừng đàn trâu.
Công việc chăn trâu không qua vất vả, chỉ phải cái việc siêng để ý đến mấy con nghé, tránh cho chúng nó chạy lung tung, con đâu người chăn có thể tự do làm việc khác, nên bọn nhỏ nhân đó làm được chút việc riêng: kiếm củi, bắt cào cào, dế mèn, chuột đồng,… để phụ gia đình. Ban đầu bọn nó hay làm tự phát, thành ra mấy lần suýt mất nghé. Kiệt thấy thế thì giận lắm, liền gọi chúng nó ra mắng cho một trận ngay. Lúc đó Đào Văn Bắc là thằng cậy to khỏe nhảy ra cãi lý, còn định đánh cho Kiệt mấy cái để dọa thằng nhóc dám mắng mình.
Kiệt vốn không phải lính tráng gì, nhưng đã từng phải đi những nơi gian khổ, trộm cướp hoành hành, vài miếng võ phòng thân vẫn có. Một đòn vật rồi khóa tay đơn giản làm cho Bắc chết khϊếp, cũng dọa luôn bọn còn lại. Thế nhưng Kiệt cũng biết chỉ có uy hϊếp không thôi thì không đủ, bọn này rồi nhất định sẽ tìm cách trốn đi tìm thú vui. Kiệt bèn định ra chế độ làm việc mới: luân phiên canh gác. Mỗi ngày ra đồng sẽ có một đứa phải làm người canh gác, ở lại canh bọn trâu bọn nghé, trong khi những đứa khác có thể đi kiếm đồ cải thiện. Nếu trâu nghé có chuyện thì hô to gọi về để tiếp ứng kịp thời, tránh để có chuyện bất ngờ. Đứa phải ở lại canh trâu sẽ được chia sẻ một phần chiến lợi phẩm mà bọn đi tìm đồ cải thiện tìm thấy, gọi là tiền trách nhiệm. Nhờ chế độ làm việc này, hầu như không có con trâu con nghé nào còn gặp chuyện nữa mà bọn nhóc cũng có thể tìm được chút gì bỏ miệng hoặc giúp gia đình. Bọn trẻ phục Kiệt lắm, gọi Kiệt là đại ca.
- 🏠 Home
- Xuyên Không
- Dị Giới
- Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite
- Chương 2: Cuộc sống thường ngày