Chương 5

Thời tiết những ngày hè của San Diego thật sự rất dễ chịu. Nó không quá ngột ngạt, nóng bức như Sài Gòn. Và nếu phải so sánh thì nó thực sự giống tiết trời cuối xuân của Hà Nội.

Hà Nội… bà Mai Chi lặng lẽ buông ra một tiếng thở dài. Đôi bàn tay nhăn nheo bởi thời gian xoắn xuýt lấy nhau bởi những kí ức ngày xưa cũ cứ không hẹn mà ùa về trong trí óc.

Hà Nội, thành phố ấy là nơi chôn nhau cắt rốn của bà. Nhưng vì chiến tranh gia đình bà phải bỏ xứ mà vào nam. Nhớ những ngày đầu ở đất Sài Thành bà đã nhớ thành phố của những con sông một cách da diết. Và những nỗi nhớ ấy chỉ phai bớt đi khi bà gặp được tình yêu của đời mình, ông Minh.

Thấy mẹ mãi không nói gì mà chỉ lặng lẽ thở dài, bà Lan Chi bỗng cảm thấy bất lực. Là một đứa trẻ được lớn lên trong sự giáo dục tiên tiến của nước Mỹ, nên bà đã không ít lần muốn bà Mai Chi, mẹ mình yêu và kết hôn với ai đó.

Nhưng dù đã rất nỗ lực mai mối, bà Lan Chi vẫn thất bại. Bởi mẹ của bà, bà Mai Chi vẫn luôn sống trong những hồi ức ngày còn bên cạnh người đàn ông kia, người cha sinh học của bà.

-Chốc nữa con dọn phòng cho mẹ nhé! Cũng đã hơn tuần mẹ chỉ để con giặt chăn ga mà không cho con lau bụi rồi.

-Cũng được.

Bà Mai Chi chậm rãi đồng ý với con gái mình.

-Nhưng làm gì làm, đừng đυ.ng vào mấy cái hộp gỗ mà mẹ để trên bàn trang điểm là được. Đó là những kỉ vật cuối cùng mà ba con để lại cho mẹ.

- Mẹ!

Bà Lan Chi đang chuẩn bị mở cánh cửa phòng bước vào thì dừng phắt lại. Khuôn mặt bà đanh lại và ánh mắt thì chất chứa rõ sự khó chịu. Bà nói qua kẽ răng.

-Kỷ vật gì chứ? Có khi trước lúc tới với mẹ, ông ta đã có vợ và con rồi. Chỉ có mẹ là mãi tự làm khổ mình thôi.

-Có thể là vậy.

Câu trả lời được thốt ra thật khẽ làm bà Lan Chi thoáng ngẩn người. Nhưng trước khi bà kịp nói gì để khỏa lấp sự nặng nề của không khí xung quanh hai mẹ con thì bà Mai Chi đã nói.

-Có thể suy đoán của con là chính xác. Bởi lí do để ngày ấy mà ông ta rời xa mẹ để về quê là lo lắng cho mẹ và em gái. Sợ rằng quân giải phóng tới sẽ làm hại họ. Đúng thật là một lí do ấu trĩ. Vậy mà trước đó mẹ vẫn cứ một mực tin tưởng. Là một nhà thuốc Đông y có tiếng tăm từng xem mạch cho lính ngụy thì đã sao chứ. Mẹ không tin là Việt Minh họ vì lí do ấy mà cướp nhà hại mẹ và em gái của ông ta đâu.

-Có… có lí do đó sao? Sao trước đây con không có nghe mẹ kể.

Bà Mai Chi nghe con gái hỏi mà mỉm cười chua chát.

-Sao mà kể được khi chính mẹ cũng thấy nó vô lí. Gì mà có một người bạn ở quê biên thư vào cho ông ấy nói quân giải phóng cướp nhà và đuổi gia đình của ông ấy lên núi. Nhảm nhí phải không Lan. Là ông ta bịa đặt phải không? Vậy mà ông ta kể như thật vậy. Cả người biên thư ông ta cũng không ngại mà bịa ra cái tên Thủy.

-Mẹ bình tĩnh lại đi!

-Giữ lại tóc… giữ lại hình… Mẹ thật là điên rồi Lan ơi!

Nhìn những giọt nước mắt trong suốt rơi trên hai bên gò má nhô cao vì thiếu ngủ của mẹ mình, bà Lan Chi sợ hãi vớ lấy điện thoại mà bấm nhanh một dãy số.

Trên chiếc xe giường nằm chạy tuyến Sài Gòn thành phố C của hãng xe Phương Đài, Nhã Chi sau mấy bận nhắm mắt cố dỗ bản thân vào giấc ngủ nhưng thất bại thì đã không khiên cưỡng nữa. Cô nàng hướng đôi mắt màu nâu ra ngoài cửa sổ xe hòng ghi nhớ cho bằng hết những cảnh vật mà bản thân nhìn thấy.

Nhưng quá trình vừa mới bắt đầu đã phải dừng lại vì tiếng chuông báo của điện thoại. Bản nhạc Shake it off của ca sĩ Taylor Swift vang lên làm ai nấy trong xe phải giật nảy và hướng ánh mắt khó chịu về phía Nhã Chi.

Cũng phải thôi. Nhạc chuông có âm lượng ở mức tối đa đương nhiên là đã thành công lôi tất cả mọi người ra khỏi giấc ngủ mà. Không khó chịu mới là lạ. Nhưng tại sao lại là bài nhạc cuông này? Bài nhạc chuông mà Nhã Chi cô cài riêng cho số điện thoại của mẹ.



Luống cuống bấm nhận cuộc gọi, Nhã Chi vội áp điện thoại lên tai.

-Dạ, mẹ!

Bên kia, ở nước Mỹ xa xôi, bà Lan Chi nói như hụt hơi.

-Nhã à, bà ngoại con… bà ngoại con lạ lắm! Bà con nói…

Bà Lan Chi định nói thêm gì đó, nhưng điện thoại của bà trong tích tắc đã bị bà Mai Chi giật mất.

-Nhã à, con đừng nghe mẹ con nói. Bà không sao. Không, phải nói là bà hơi xúc động khi nhắc tới ông ngoại con.

-Là do mẹ muốn ném đi hộp kỉ vật có đựng tóc của ông nên bà mới có phản ứng như vậy.

Nghe giọng bà Lan Chi nói chen trong điện thoại mà tim cô gái nặng trĩu. Nhã Chi cất giọng thật nhẹ nhàng.

-Bà ơi! Bà đừng giận mẹ con. Là mẹ con lo lắng cho sức khỏe của bà thôi.

Cái đầu cúi thấp hết cỡ và đôi vai run lên từng chập một như người đang khóc nấc của Nhã Chi làm hai con người ở hàng ghế bên cạnh phải buông tiếng thở dài.

Chợt điện thoại của Hà Duy rung lên. Là tin nhắn của Huệ Lan.

-Bạn thân à, có lẽ chúng ta không thể bỏ mặc cô ấy rồi!

Không thể bỏ mặc… Hà Duy không trực tiếp nhắn tin đáp trả Huệ Lan, mà anh chàng chầm chậm quay đầu để gửi cho cô bạn thân một ánh nhìn tán thành. Là thế hệ sinh sau đẻ muộn không hề biết chiến tranh có hình dáng như thế nào, nhưng rõ là nó vẫn để lại những nỗi đau dai dẳng với những người thân của Hà Duy, của Nhã Chi.

Những nỗi đau mà chỉ là người chứng kiến thôi, Hà Duy đã không thể chịu nổi. Nhưng có điều, không bỏ mặc thì Hà Duy anh phải làm thế nào đây… làm thế nào mới giúp được Nhã Chi đây. Và đương nhiên trong tình huống này Hà Duy anh chỉ có thể nghĩ tới một người…

Cong người và mím chặt môi để ngăn tiếng hắt xì thoát ra khỏi cổ họng, nhưng cuối cùng bà Ba Tỵ vẫn không thành công. Tiếng động khá lớn vang lên giữa không gian tĩnh mịch của một buổi sáng mờ sương làm ai nấy đều phải giật bắn mình.

Và chú gà trống choai vừa mới nhảy lên cành cây xoài toan gáy cũng bị tiếng hắt hơi của bà Ba Tỵ dọa sợ mà tháo chạy.

-Trời ơi! Má sao lại hắt hơi rồi. Có phải sắp bệnh rồi không? Khổ quá! Đã nói là để mình con làm được rồi, thế mà làm sao tới sáng vẫn cứ chạy ra đây vậy hả?

Bà Ngọc Yến vừa nói vừa bỏ vội bó rau muống đang cột dở xuống để chạy tới bên bà Tỵ. Sau một hồi áp tay vào tráng rồi sờ cổ tai thấy má của mình không nóng hơn mình là bao thì bà Yến mới thở hắt ra một tiếng gọi là an tâm. Nhưng bà Yến vẫn kiên trì giục.

-Hay là thôi! Má vào nhà đi. Còn bây nhiêu đây để con làm được rồi. Loáng một cái là xong thôi.

-Được rồi! Được rồi! Má nghỉ là được phải không?

Bà Tỵ nói mà tay vẫn thoăn thoắt bó rau.

-Ba cái chuyện này có chi đâu mà bây cứ nhăng xị lên. Với á, là má không ngủ được nên mới ra đây phụ bây thôi. Không biết thằng Duy đi xe tới đâu rồi. Mà khi tối bây nói nó đi xe Phương Trang phải không? Xe đó chắc nó thả người ở ngã ba MC mình hay sao ấy?

Bà Ngọc Yến nghe bà Tỵ tuôn ra một tràng những câu hỏi. Rồi sau đó là biểu tình ngó nghiêng ra ngõ thì phì cười. Tưởng gì thì ra là má của bà đang trông thằng cháu cưng nên không ngủ được. Nhưng dù biết vậy bà Yến vẫn cứng miệng trêu.

-Gớm chưa? Thằng Duy nó đi học chữ có đi Tây đi Mỹ chi đâu mà trông dữ không biết. Để rồi ít hôm nữa thằng nhỏ lấy vợ Sài Gòn ở luôn trong đó thì có mà mấy năm nó mới về nhà.



-Bây nói cứ như thằng nhỏ không phải con bây vậy. Gì mà vợ Sài Gòn? Má có không có cho nó lấy vợ ở cái xứ đó đâu. Lấy vợ xin việc gì thì cũng phải về các xứ này. Con gái ở đây cũng hiền lành, xinh đẹp có kém ai đâu chứ. Hay nó quen ai ở trong đó rồi?

Là con bé theo thằng Duy về đợt này hả?

Bà Yến bật cười trước thái đó có phần hung hăng của má mình. Bà xua xua tay:

-Con không biết chắc nhưng con đùa với má đó. Chính con cũng không cho thằng nhỏ ở lại trong đó đâu. Con có mình nó thôi mà má. Sao có thể xa nó được hả má?

Người đàn bà có vóc người dong dỏng cao đang nói bỗng dừng lại, đôii mắt trũng sâu vì thời gian chợt hướng xa xăm. Bà Yến cất giọng buồn buồn

-Mà sao hồi đó mà không có đẻ thêm? Nếu con nhớ không nhầm thì khi má với ba tới với nhau thì đâu chừng ba lăm tuổi. Cỡ đó thì vẫn còn đẻ được mà.

-Ờ thì vẫn còn đẻ được…

Giọng bà Tỵ buồn hơn con gái mình cả trăm lần. Và nếu để ý kỹ thì ai đó sẽ thấy bà Tỵ từ lúc nào đã ngồi bó gối lại như một cái bào thai. Ánh mắt thì thất thần, ngớ ngẩn. Thì ra hồi ấy khi mới đầu gá nghĩa với ông Tỵ, bà Tỵ cũng tính sinh cho ông Tỵ một đứa con.

Nhưng khi ấy hai người mới về sống chung, cái gì cũng không có, nên bà Tỵ không dám liều. Về sau giải phóng tới ông Tỵ nhặt đâu được một túi vàng lớn. Không còn nỗi lo cơm áo nữa, bà Tỵ đã thả. Và không bao lâu thì đã cấn bầu.

-Ba nhặt được vàng ? Sao con không có nghe qua chuyện này thế?

-Nói nhặt là kiểu chơi chữ thôi.

Bà Tỵ ân cần giải thích.

-Chứ thực ra là ba con được người ta trả công.

Hai từ “trả công” được bà Tỵ thốt ra làm người bên cạnh là bà Yến ngơ ngác. Bà định lên tiếng hỏi cho rõ là ba dượng của bà, ông Ba đã làm gì ma được người ta trả công hậu hĩ như vậy thì ở đằng còn lại, bà Tỵ đã tiếp.

-Cái thời giải phóng tới bây còn nhỏ quá không có biết thiên hạ loạn lạc tới cỡ nào. Gì mà phe tây phe ta rồi cả nửa quốc gia nửa cộng sản đồ nữa, nói chung là loạn xì ngầu hết. Cơ mà dù là gì thì ai cũng muốn bảo toàn mạng sống của mình.

Nên một số những người dân ở miền Bắc, chủ yếu là những người giàu theo Mỹ ngụy sợ giải phóng tới sẽ bị cộng sản thủ tiêu, đã thu vén của cái mà chạy vào miền Nam. Hòng có thể chen chân lên một chiếc máy bay hoặc tàu nào đó để rời xa quê hương để đến Mỹ quốc, vùng đất hứa mà bấy lâu họ chỉ nghe thôi chưa được mục sở thị.

-Trong đám người chạy nạn đó thì người già trẻ em không thiếu. Đi đường xa đã đành, lại không được ăn uống đầy đủ nên không ít người già đổ bệnh rồi không qua khỏi. Mà số vàng mà ba dượng con kiếm được là nhờ đứng ra chôn cất cho mấy người như thế đó. Không chỉ có ba dượng con, mà có cả ông Thủy nữa. Đúng là người ăn ở phúc đức. Khi đó hễ xuống đường thấy người chết là ổng với ba dượng con lại chất lên xe bò rồi chở lên núi Hàm Rồng để chôn cất tử tế. Nhưng thói đời người tốt lại chẳng được đáp đền...

Bà Tỵ hưởng ánh nhìn lạc thần về phía vầng dương đang từ từ ló dạng. Giọng người đàn bà có tuổi ấy bỗng khàn hẳn đi.

-Ba con làm nhiều chuyện tốt với đời là vậy, nhưng ông trời lại đem mất em của con đi. Rồi cả chị hai của con nữa…

Bàn tay đang xếp những bó rau muống xanh mười của bà Yến chợt khựng lại…

(Hết chương 5: )