Chương 21

Dù đã cố gắng tập trung suy nghĩ cả nửa ngày, nhưng rốt cuộc Hà Duy đành chọn phương án lắc đầu cho câu hỏi mà Huệ Lan đã đặt ra cho anh chàng và Nhã Chi.

Nhã Chi, cái tên vừa lóe lên trong đầu đã làm Hà Duy phải quay ngoắt sang nhìn với hi vọng cô nàng có thể vớt vát được chút danh dự cho hội không phải là Thần thám. Nhưng có lẽ anh chàng và Nhã Chi đúng là những người tầm thường nên đã ở chung thuyền với nhau.

-Không biết. Hay là do may mắn? Hay ai đã dẫn bà ấy về nhà?

Nhã Chi buông ra một tràng những câu hỏi làm đôi mày Huệ Lan càng lúc càng cau chặt hơn. Cô gái âm trầm nhìn vào những cái tên mà mình đã ghi trên giấy và cái vòng tròn đỏ chót đang quây chặt lấy cái tên Nguyễn Mỹ Duyên. Đi từ nạn nhân của vụ cháy, Huệ Lan hi vọng có thể tìm được chút manh mối gì đó có lợi cho việc điều tra.

Nhưng có lẽ Huệ Lan đang quan trọng hóa vấn đề rồi. Vụ cháy ở nhà ông Tư Minh thật sự chỉ là một sự cố mà thôi.

-Trước nay, bà Duyên chỉ ở nhà. Có đi đâu, làm gì thì cũng đều có người đi cùng. Nên việc bà một mình đi từ nhà ông Chín về nhà mình là chuyện không thể. Nhưng ai đã dẫn bà ấy đi thì lại càng khó nữa.

-Có khi nào là bà Nhung không?

Nhã Chi suy nghĩ mất mấy giây đã quyết định phát biểu ý kiến của mình.

-Dù căn nhà đã bị cháy, mọi vật đã gần như bị phá huỷ, nhưng theo lời của ông Tư Minh và công an thì đã không tìm thấy quần áo của bà Nhung, rồi cả tiền vàng mà ông Minh cất giấu nữa. Công an bước đầu đã đưa ra giả thiết là bà Nhung bỏ nhà đi đó thôi.

-Có phải ý của Chi là trước khi bỏ đi bà Nhung đã tìm tới nhà ông Chín, rồi dắt bà Duyên về đây. Nhưng để làm gì? Dàn cảnh cháy nhà sao? Và nếu là như vậy thì không lẽ bà ấy là hung thủ gây ra vụ cháy.

Suy luận của Hà Duy lần nữa làm không khí trong căn phòng phải chùng xuống. Ai nấy đều chìm trong những suy nghĩ của bản thân về thiện ác, về thật giả, về cả những hình ảnh đau đớn mà họ đã được chứng kiến khi sáng. Vốn không nhận định chuyến đi về quê cùng Hà Duy sẽ vui, nhưng Huệ Lan lại chẳng ngờ nó thê thảm tới bận này.

Cô gái trẻ ngẩng đầu nhìn từng vạt nắng cuối ngày đang xuyên qua mấy kẽ lá để chiếu xuống đất ra hình dạng quái gở. Một ngày lại sắp đi qua nữa rồi. Không khí trầm lắng, lặng im của căn phòng chỉ bị phá vỡ bởi tiếng xe máy của bà Yến.

Một gương mặt hốc hác và đôi mắt hoe đó. Bà Yến bước vào nhà với tiếng thở dài thườn thượt.

-Mới qua có một đêm sao lại thành ra nông nỗi này không biết nữa. Cô chết, nhà cháy, mẹ bỏ đi, còn mỗi ông cha thì không ngó ngàng thì thử hỏi thằng nhỏ không gào khóc sao được. Điên gì điên chứ nó vẫn hiểu hết mà.

Người điên mà bà Yến nói tới đây chính là gã Chính. Gã sau khi ngủ dậy ở nhà ông Chín đã đi tìm cô Duyên của gã. Và khi không tìm thấy người thì gã đã la hét chạy ra khỏi nhà ông Chín để về nhà.

Rồi chuyện gì tới đã tới, thấy ngôi nhà của mình sống giờ chỉ còn lại một đống đổ nát, gã đã gào khóc kêu cha gọi mẹ. Nhưng đáp lại gã chỉ là thái độ dửng dưng của ông Tư Minh, khiến gã thanh niên vốn đầu óc đã không khôn ngoan thì giờ đã biến thành điên loạn.

Và cách duy nhất để giải quyết là đem gã vào bệnh viện. Có điều lẽ đương nhiên là ông Tư Minh từ chối theo con trai vào viện mà phó thác trách nhiệm đó cho gia đình ông Ba Tỵ.

-Thôi mẹ à, con nghĩ giờ ông Tư là người đau khổ nhất, bấn loạn lắm nên mới có lối hành xử không giống ai như thế.



Vừa nói Hà Duy vừa đưa tới trước mặt bà Yến ly nước mát, anh chàng mệt mỏi thở dài.

-Tai họa chẳng ai mong muốn. Giờ chỉ mong bà Nhung nghĩ lại mà trở về. Nhưng mẹ này, mẹ có nghĩ là chính bà ấy đã tìm tới nhà ông Chín để dắt bà Duyên về nhà rồi gϊếŧ người. Xong sau đó là dàn cảnh nhà cháy để che giấu tội ác không?

-Đã sợ chồng, chạy trốn rồi thì còn làm chuyện đó làm gì. Trừ khi hai bà Nhung thực sự căm thù em chông. Nhưng mẹ nghĩ là không có đâu. Dù ghét, nhưng gì thì gì bà Duyên vẫn là cô ruột của con trai bà ấy mà.

Tặc lưỡi thương xót, đáy mắt bà Yến từ lúc nào đã ẩn ẩn một tầng nước mỏng. Ai cũng dễ dàng nhìn thấy sự không nỡ trong từng cái cau mày, nhăn mặt của người đàn bà tuổi tứ tuần. Bà Yến hít sâu vào một hơi như để lấy lại sự bình tĩnh, rồi bà tiếp.

-Bây không biết đó thôi. Thằng Chính nó quấn cô Duyên của nó lắm. Như nãy khi ở viện, nó còn kể cho mẹ với bà ngoại con là hằng ngày cô Duyên nó cho nó ngậm kẹo ngọt, rồi còn bóp tay bóp chân cho nó nữa. Cô cháu quấn quýt như thế thằng nhỏ sao không phát rồ lên được. Mà cả ngày ở bên đó con có thấy ông ngoại con không? Chắc bận bịu nên ông không có nhận điện thoại của bà ngoại con luôn.

-Dạ…

Hà Duy ấp úng cúi thấp đầu. Biểu tình tội nghiệp của anh chàng làm Huệ Lan thấy lo lắng vô cùng. Bởi lẽ với bản tính thật thà không biết nói dối kia của Hà Duy thì lúc này chỉ cần bà Yến tra hỏi thêm từ vài câu...

Bên còn lại, Nhã Chi hình như cũng nhận ra điều đó. Nhưng thay vì im lặng chờ đợi Hà Duy tự đối phó, cô nàng đã nhanh nhẹn đáp lời bà Yến.

-Dạ thưa cô, ông Ba bận lắm ạ. Ông với ông Thuỷ đã theo an ủi ông Tư. Rồi sau đó là giúp mấy người trong xóm dọn dẹp nhà cửa…

Giọng nói của cô gái trẻ càng lúc càng nhỏ đi. Nhưng cũng may là bà Yến không có để ý, nên không phát hiện ra cô nàng đã nói dối. Nói dối là ông Tỵ với ông Thủy an ủi ông Tư Minh. Trong khi sự thật là ông Tư Minh đã tả xung hữu đột, khiến ông Tỵ và ông Thủy mặt mày bầm tím.

Thậm chí là ông Thuỷ còn bị gãy cả tay, phải chở đi viện bó bột. Còn ông Tỵ thì bị rách một mảng da lớn ở tay.

-Vậy thì còn đỡ! Rồi ông Chín có sao không? Chắc là đau lòng lắm phải không? Dù biết là người trong xóm này ai cũng thương bà Duyên, nhưng có lẽ ông Chín mới là người quan tâm bà Duyên nhất. Nói chớ cái đường gần cả cả trăm mét nhà ông mà bà Duyên bà ấy đi một mình không có vấp chỗ nào đâu. Mà nghĩ chiều tối nào cùng dô nhà đó xin cơm thì sao vấp cho được.

Câu nói được bà Yến bỏ lại trước khi đi vào nhà đã làm cho ba cô cậu sinh viên phải nhìn nhau. Nhã Chi cắn nhẹ bờ môi mọng của mình. Cô nói khẽ:

-Vậy lời giải cho chuyện một mình đi quãng đường hơn cả trăm mét kia đã có. Và điều đó có nghĩa bà Nhung không có liên quan tới chuyện này, và bà Duyên chết là do tai nạn.

-Chuyện này…

Huệ Lan định lên tiếng nói với cô bạn rằng mọi chuyện còn phải đợi kết luận của cơ quan chức năng, nhất là công tác khám nghiệm tử thi. Nhưng lời chưa kịp tuôn ra cô gái trẻ đã phải dừng câu nói của mình lại vì tiếng hụ của còi xe cứu thương.

Chiếc xe ca màu trắng với biểu tương chữ thập đỏ và chữ ambulance đã đi trước, để dẫn theo hàng loạt những chiếc xe hơi công vụ của công an rời đi.



Ở trên chiếc xe hơi đi gần xe cứu thương nhất, Trịnh Vũ Dương ngồi bên ghế phụ không ngừng day day mi tâm. Ngồi ở vị trí ghế lái, Phan Kiến Văn cũng liên tục thở dài. Anh chàng buột miệng:

-Con mẹ nó chớ! Không cho giải phẫu như vậy chẳng khác nào là cản trở điều tra. Nhưng như thế không lẽ…

-Ông Tư Minh nghi ngờ vợ đã ra tay với em gái của mình. Hoặc đáng sợ hơn là ông ấy có tham gia.

Khẽ lắc đầu, Phan Kiến Văn gõ những ngón tay dài bất thường của mình lên vô lăng điệu bộ đắc ý.

-Không thể có chuyện đó được. Vì ông Nguyễn Văn Minh có chứng cứ ngoại phạm.

Dừng lại để chiêm ngưỡng dáng vẻ kinh ngạc của đối phương, Đại úy Văn phút chốc khôi phục được sự tự tin của bản thân. Anh chàng cười hề xua tan không khí nặng nề đã bủa vây hai người từ bận tới giờ, rồi viên trưởng phòng hất hàm ra băng ghế sau.

Bên này, Trịnh Vũ Dương lập tức hiểu ý. Anh chàng nhoài người ra băng ghế sau của xe. Và chưa đầy 5 phút sau, chàng bác sĩ pháp y đã nhướng cao đôi chân mày kinh ngạc. Vũ Dương đọc to những gì được ghi trên giấy.

--- Thành phố C, ngày 1 tháng 5 năm 20xx. Bản tường trình về việc cháy nhà đêm 30/4 rạng ngày 1/5 năm 20xx. Tôi tên Nguyễn Văn Minh sinh ngày 20/7/1954 Chứng minh nhân dân số... Vậy năm nay ông ta chưa được 70 sao?

-Sao vậy?! Đừng nói cậu tưởng ông ta 80 nhé! Tay chân nhanh nhẹn, đánh người phát nào trúng phát đó như thế thì không thể là một ông già U80 được. Mà đọc vào trọng tâm của tờ tường trình đi chứ.

-Á…

Trịnh Vũ Dương cau mày chậm chạp hướng mắt xuống phía dưới nơi nhiều chữ nhất của bản tường trình. Hành động không dứt khoát và có nhiều điểm không chuyên nghiệp của chàng pháp y làm Phan Kiến Văn đang ngồi ở ghế lái phải cau mày.

-Sao vậy? Đừng nói vì cả tối rồi sáng hôm nay phải đánh vật với thi thể mà đuối rồi nhé.

-Có chút mệt. Nhưng không sao.

Trả lời bạn đồng nghiệp và cũng là sếp của mình Trịnh Vũ Dương lúc này cũng đã lướt sơ qua những con chữ nằm trên bản tường trình. Chỗ mà Phan Kiến Văn nói là trọng tâm. Anh chàng buột miệng đọc to:

-Vào tối ngày 30/4 rạng ngày 1/5 năm 20xx, nhà của tôi bị bốc cháy gây nổ bình gas đun nấu của gia đình làm em gái tôi là Nguyễn Mỹ Duyên tử nạn, đồ đạc tài sản trong gia đình bị thiêu rụi. Và còn ảnh hưởng đến những nhà khác trong phạm vi bán kính 100m. Bản thân tôi từ lúc 3h chiều ngày 30/4 năm 20xx đã sang nhà ông Thủy (Đỗ Văn Thủy) để đánh cờ. Đến 5h chiều cùng ngày hôm đó, ông Tỵ (Ngô Văn Tỵ) cũng đã sang nhà ông Thủy với mục đích đánh cờ. Cả ba thay phiên nhau đánh với nhau đến 10h tối thì nghe thấy tiếng nổ, nên đã chạy tới nhà tôi để xem xét.

-Không đi ăn, không đi vệ sinh, cả ba liên tục sát phạt nhau từ 5h chiều đến 10h tối. Khó tin nhưng lời khai của ba người giống nhau hoàn toàn. Không tin không được.

Phan Kiến Văn luyên thuyên một hồi chợt dừng lại. Sự trầm tư của ai kia khiến chàng Trưởng phòng cảnh sát điều tra có chút chột dạ. Lẽ nào Trịnh Vũ Dương đã phát hiện ra được manh mối nào mới?

(Hết chương 21: )