-Con không phải vì sợ mà không dám nhận, mà bởi con có làm đâu mà lại đi nhận. Hàng xóm láng giềng không thể tránh được những lúc chạm mặt ở chỗ này chỗ nọ. Sao có thể nói mấy bận gặp nhau ở gốc chuối, giậu tre là có vấn đề chứ.
-Mà chưa kể bản thân con là thầy bùa, nếu có quan hệ nam nữ bị chắc chắn sẽ không còn sống để mà đứng đây nói chuyện với mọi người đâu.
Đó là nguyên văn lời nói của ông Thủy với lão Chín. Và đương nhiên nó đã lập tức thuyết phục được không chỉ lão Chín, mà còn là tất cả mọi người có mặt ở chỗ đó. Vì cái chuyện năm xưa ông Thủy đã trục vong Tạ Hoàng Nhạn ra khỏi người ông Tỵ thế nào, ai ở đó cũng biết rõ mà.
Và họ, những người hàng xóm mới khi nãy còn đem lòng nghi ngờ ông Thủy thì giờ lại quay sang xì xào trách cứ ông Tự Minh, trừ ông Tỵ. Ông giữ im lặng từ lúc trở về nhà. Không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của bất kì ai, cũng không bàn tán cho đến ông Thủy thanh minh xong thì ông Tỵ mới đứng dậy hắng giọng nói với vợ:
-Đồ cúng hạ xuống rồi hả? Sao bà không để tui về thắp nhang đã rồi hãy hạ xuống? Mà thôi, bà ra tiếp khách khứa đi, để tui vào thắp cho con Yên nén nhang.
Tiếng xì xào bàn tán về ông Tư Minh và cái lỗi cái phải mà ông đã gây ra cho gia chủ, vì hành động trên của ông Tỵ đã nguôi đi. Rồi sau đó thì ai nấy cũng đều lảng sang những câu chuyện khác để tránh động chạm. Nhưng như vậy cũng đúng. Người bị nạn trực tiếp không nói gì thì họ việc gì phải nói hành hung thủ.
Thanh âm xì xào giảm hẳn, và nếu còn thì cũng chỉ tiếng bàn tán về các món ăn. Không khí dịu lại làm bà Yến cũng phải thở phào. Bà ra hiệu cho bọn Hà Duy, với Huệ Lan nhanh tay xếp đồ ăn ra dĩa. Còn phần bà thì vội vã bưng lên để châm vào những đĩa đã vơi. Lấy đi những cái đĩa trống để thay vào đó là đĩa thức ăn đầy ấp.
Bà Yến vui vẻ chào hỏi mấy cô mấy dì hàng xóm. Gì chứ đám giỗ đám quái mà hàng xóm quanh nhà tập hợp đông đủ thì vui lắm.
Chợt một bà thím có tuổi tìm lấy tay áo bà Yến.
-Cái con Yến này, sao bây không ngồi xuống đây ăn luôn. Để mấy cái chuyện này cho thằng Duy nó làm. À, hay là thằng nhỏ nó về lại trong Sài Gòn rồi. Khổ, học cái chi không học, học bác sĩ đó thì vất vả lắm. Nghe đâu phải canh nhà xác đồ nữa đó nha.
-Dạ, cũng biết là thế. Nhưng mà thằng Duy nó thích nên con phải chiều thôi thím à. Mà thằng nhỏ nó chưa có vào lại trong đó.
Bà Yến mới dứt lời thì lão Chín ngồi gần đấy cũng lên tiếng.
-Vào lại sao được? Nó dắt dâu về ra mắt má chồng mà. Nhưng là đứa nào trong hai con bé vậy hả? Mà đứa nào đứa nấy ăn nói lễ phép đã đành, lại còn xinh xắn đáo để. Chị Yến nhà mình là sướиɠ nhất rồi đó nha.
-Ôi! Ông Chín, tụi nó là bạn thôi. Dâu gì ông ơi. Còn học còn hành…
Bà Yến khựng lại. Câu chuyện khi nãy bà nói với bọn Hà Duy và Huệ Lan chợt xuất hiện lại trong đại não. Nói hay không nói? Bà Yến mím môi phân vân.
-Mà ông Chín nè, con có chuyện này muốn nhờ ông. Xưa nhà ông ở trên này, nhưng chắc cũng có biết mấy nhà ở dưới đường chớ. Hồi đó dân cư ở đây không có nhiều.
-Đúng. Thời đó dân ở đây không có nhiều, nên ông cũng có biết vài nhà ở dưới đường quốc lộ đó. Nhưng mà có chuyện chi na.
-Dạ, chuyện là…
Bà Yến kể cho ông lão Chín và mọi người ở đó nghe về Nhã Chi. Người phụ nữ chân chất ấy sau khi trút được bầu tâm sự thì buông tiếng thở dài.
-Chắc con bé thấy nhà cửa đường xá đây khác xa so với lời kể của bà ngoại nó nên mới đâm sợ mà lùi bước. Nghĩ tội thiệt, chiến tranh loạn lạc nên vợ con không được nhìn mặt.
-Cô Yến nói vậy chớ tui là tui nghĩ cái ông đó ổng không muốn chịu trách nhiệm … muốn quất ngựa truy phong nên mới có chuyện như thế. Chớ mọi người nhớ lại coi, Mỹ ngụy rút đi, đổi chế độ nhưng việc đi lại giữa mình với Sài Gòn bình thường mà. Còn không nữa là ổng đã chết như lời con bé đó nói. Nhưng khả năng này thấp lắm nha.
Người đàn bà có cặp mắt lé đang ngồi ở cái bàn gỗ cách chỗ lão Chín không xa dừng câu nói của mình lại. Rồi bà ta hấp háy mắt ra vẻ bi hiểm. Kiểu dừng lại đột ngột đó của người đàn bà đó làm những người khác khó chịu. Họ tò mò:
-Khả năng thấp lắm là sao?
-Không thấp sao được. Này nhé, chắc chắn là người đó hãy còn sống nên con bé ấy mới đi tìm. Rồi sau khi tới đây biết cái người đó, ông ngoại của mình ấy là một kẻ khốn nạn, nên mới bảo nằm mơ thấy ông về báo mộng này nọ.
Lời người đàn bà vừa thốt ra thì Hà Duy ở trong bếp đã toan lao ra ngoài, tính ăn thua đủ với cái ngữ nhiều chuyên thích suy diễn bậy bạ việc của người khác. Nhưng khi cả thân người đã đổ tới trước để phi ra thì một bàn tay nhỏ nhắn đã nắm chặt gấu áo của Hà Duy kéo lại.
-Duy à, đừng…
-Nhưng bà ta thật quá đáng!
Hà Duy nghiến chặt răng. Rõ ràng cơn tức giận của anh chàng đã dâng đến đỉnh điểm, và giờ chỉ cần người ngoài kia hoặc người ở trong này nói thêm một câu thì quả núi lửa trong lòng Hà Duy sẽ bùng nổ.
Và Huệ Lan dù đoán được chuyện đó, nhưng trong hiện tại cô nàng không còn cách nào khác là nhắm mắt chờ đợi giây phút ấy.
Rồi chuyện gì tới cũng phải tới. Người đàn bà ngoài sân đã nói tiếp suy đoán của mình.
-Dân vùng này thời đó không đông nên ai đi học hay đi làm ở Sài Gòn người ta đều biết hết trơn đó. Để tui nhớ coi đi làm ở Sài gòn có ông Tỵ ở nhà này với Thủy nè, còn đi học thì chỉ có mỗi ông Tư Minh. Đó, mấy người có nhớ không? Hồi đó nhà cha mẹ Tư Minh chuyên bốc thuốc bắc đó. Ai ở đây chắc cũng có ghé qua nhà đấy một lần rồi nghe bà Diễm khoe khoang con trai mình phải không. Vậy chẳng lẽ người con bé ấy tính tìm là ông Tư Minh sao?
-Á, đổ hết rồi!
Tiếng kêu tiếc nuối vừa rồi là của gã thanh niên tên Chính. Gã ngốc ấy mặc kệ ai nói hươu nói vượn vẫn ăn uống ngon lành. Nhưng chẳng hiểu sao tới khi bưng tô canh sườn lên uống thì lại trật tay, làm đổ cả tô nước vào người. Gã vừa đưa tay phủi mấy thứ sau củ và cả thịt nữa trên người xuống, vừa càu nhàu với người ngồi cạnh.
-Tại cô út á! Tại cô đυ.ng tay con…
-Bây nói càn cái gì đó hả? Đừng có nghĩ người ta không nói được rồi đổ tội cho cô Út bây nhé. Bây nhìn coi, tay của cô Út bây bị bỏng tới mức đỏ lét rồi nè.
Và để minh chứng cho lời nói của mình, ông lão Chín đã vội vàng nâng bàn tay đỏ ửng của bà Duyên lên mà xuýt xoa. Thì ra trước khi đổ rau củ lên đùi mình thì gã Chính đã đổ nước canh lên tay của bà Duyên.
Nhìn vệt đỏ cứ lan rộng dần ra trên bàn tay trắng ngần của người đàn bà khuyết tật, bà Yến không còn nghĩ được chuyện gì khác. Bà thét lên:
-Duy ơi Duy! Con ra coi tay của bà út Duyên với!
Không khí hỗn loạn bao trùm lấy những con người đang có mặt ở đó. Họ không còn để tâm đến chuyện ăn uống nữa mà tụ tập quanh bà Duyên để xem vết bỏng của người đàn bà tội nghiệp đó. Và bọn Hà Duy cũng vậy. Họ không hề biết đã có một ai đó nhìn về phía họ bằng một ánh mắt kinh sợ lẫn hận thù.
(Hết chương 14: )